CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

VUI BUỒN CHUNG CƯ - THƠ NGUYỄN KHÔI

 

Kết quả hình ảnh cho ảnh chung cư


  VUI BUỒN CHUNG CƯ

   (Tặng : Lê Vy - Sài Gòn)

                 -----
Muốn sớm là Người Thành Phố
thì lên mà ở  "Chung Cư" ,
Sẽ nếm đủ điều sung sướng
Ảo huyền như mấy Nhà Thơ
treo mình trên các "tổ kiến"
ngang trời nghe gió lắc lư..
                  *
Còn đâu cây Bàng góc phố
hàng cây Cơm Nguội trước nhà,
Còn đâu Xích Lô thong thả
Leng keng xe điện Bờ Hồ ?
Còn đâu đợi em đầu ngõ
Cafe'. trà đá vỉa hè ,
Thang máy chen nhau tức ngực
Người như hạt Đỗ lăn đi...?
Người chen nhau lên mà ở
Cứ như "cá hộp" đóng thùng ,
Nhà ngoi lên trời mà thở
quờ tay vớ được mảnh trăng..
Còn đâu bạn bè, hàng xóm
nhâm nhi  bia cỏ, rượu say
Tất cả cứ như "Người Máy"
Iphone cắm mặt vào "phây" (Fb)...
Cao tầng ken dày Phố mới
"như Tây" - Mỹ hóa Đô thành,
"Sổ đỏ" thành "Người Hà Nội"
Đổi đời thoát xác Nông Dân...
- Còn mang "điếu cày" hút xách
rít vang xẻ dọc nhà tầng ,
Còn nồi "cá kho Thị Nở"
thơm lừng bếp Than tổ ong...
Quen thói bầy đàn thôn xóm
Oang Oang như chợ giữa nhà,
Ca mê ra nào kiểm soát
xả rác vào trời gió đưa...?
Học thói cao sang các "mợ"
tay ôm chó Nhật dạo chơi ,
 Váy ngắn ...tha hồ mà hở
Spacy ga nhấn vượt người...
               *
Chung cư chuyện đời mặc kệ :
-Ca ve, ma túy...chớ thây ,
Nhà Giầu vào đây yên trí
Không lo cướp/ giết ban ngày...
Vui buồn chung cư là thế
"Chủ Nghĩa Xã Hội" đón đầu
Chẳng mấy mà  nhất Thế giới
Tắc đường...đứng ngẫm mà đau.

                ---- 
 Chung cư Hoàng Đạo Thúy -
      Hà Nội - 20/10/2016
        NGUYỄN KHÔI.


Nguồn : từ email của tác giả Nguyễn Khôi gửi lamngoc
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi đã chia xẻ những baì thơ hay.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

HẬN HOÀNG SA - THƠ KHA TIỆM LY







HẬN HOÀNG SA

Bốn bốn năm mà như hằng thế kỉ
Hoàng Sa quặn mình bao vết chém đau
Mắt tổ quốc chưa bao giờ ráo lệ
Quàng khăn tang nên sóng hóa bạc đầu!

Máu hùng anh nhuộm lòng biển đỏ
Càng đớn đau càng sục chí kiên cường
Quân thù hỡi! Bạch Đằng Giang rực lửa
Mi chờ đi, ngày nhặt xác sa trường!

Trăm triệu anh em cùng chung hòn máu
Như Hoàng Liên cao mãi chí ngang tàng
Năm tháng xót thương người em hải đảo
Cuồn cuộn căm hờn sóng nước Cửu Long Giang!

Muôn lạch suối chung lòng về biển cả
Ngàn núi non luôn bền chí phục thù
Người bé lớn giáo mài, gươm tuốt vỏ
Thề một lòng cùng trả hận thiên thu'

*
Vỗ kiếm, giận đời chưa thỏa chí
Đối diện quân thù một trận đá tro bay
Ôm nhục nước nén vào tim chánh khí
Rượu ba miền không đủ một ta say!

  KHA TIỆM LY


Nguồn : từ email của tác giả KTL gởi lamngoc
NM cảm ơn Kha huynh thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay .


Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

NHÂN CÁCH THƠ TRONG CHIỀU ĐI TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH - CHÂU THẠCH








             NHÂN CÁCH THƠ TRONG “CHIỀU ĐI” 
                       TẬP THƠ LÊ ĐĂNG MÀNH
                                                  Lời bình Châu Thạch

Tôi đồng ý với nhà thơ Luân Hoán khi ông nói: “nhà thơ bày tỏ lòng mình như trình diện một nhân cách”. Tôi cũng đồng ý với nhà thơ Phạm Đức Nhì khi ông nói: “Nhân Cách (viết hoa) của cái tôi đích thực sẽ kín đáo bước vào trong thơ và người đọc tinh ý sẽ nhận ra ngay, đâu cần phải trình diện”.
Với tôi, nhà thơ khi sáng tác thì đã gởi hết cái tôi của mình vào tác phẩm, cho nên dầu không cố ý trình diện cũng phải phô bày cái tôi đích thực của mình, nghĩa là tự nhiên trình diện nhân cách với đời. Ta có thể hiểu như thế khi đọc “Chiều Đi” tập thơ của Lê Đăng Mành.
Ai biết lê Đăng Mành thì cũng cảm mến một thi sĩ tài hoa sống nhún nhường, ẩn dật nơi vùng quê hẻo lánh. Không bao giờ có chuyện nhà thơ nầy muốn trình diện nhân cách mình với đời.
Tuy thế, ai đọc thơ lê Đăng Mành thì cũng cảm phục nhân cách cao trọng được bày tỏ qua thơ anh mà tôi xin gọi là “nhân cách thơ Lê Đăng Mành”. “Chiều Đi” là một tác phẩm văn dĩ tải tình, tải đạo, một thứ tình cao thượng và một thứ đạo siêu thoát.
I)-Tải tình cao thượng trong “Chiều Đi”:
Trong “Chiều Đi” rất ít bài thơ viết về tình yêu nam nữ của riêng mình. Tác giả dành nhiều tình yêu cho những thành phần chịu thiệt thòi trong xã hội. Ta hãy nghe nhà thơ thổ lộ:
Thương đêm khắc khỏai lời ru
Thương tình rều rác trầm phù đợi nhau
Thương người cuốc bẩm cày sâu
Thương ong bướm vỗ rách câu đa tình…!
                                           (Thương!)
Nhà thơ thương cho Mẹ ru con trong nghịch cảnh, thương cho tình duyên ly tan phải đợi chờ, thương cho người nông dân và thương cho những cuộc tình không thành. Nổi bật trong các thứ tình yêu đó là tình “Thương người cuốc bẩm cày sâu” mà tác giả đã bộc lộ cho người đọc hiểu thấu được nhân cách cao thượng trong thơ của mình. Nhiều bài thơ trong “Chiều Đi” Tác giả viết về nhũng sinh hoạt của người nông dân có truân chuyên, có gian khổ nhưng không với mục đích mô tả đời sống u ám sau lũy tre Làng mà ngược lại, nhà thơ bày tỏ tấm lòng của mình với đời sống đó, tôn vinh một cuộc sống thanh bần cao khiết:

Kiếp nông bần uống rượu…cũng kiệm lời
Chẳng khoa trương chuyện thương nòi yêu nước
Mà sử sách ghi mỏi trang bốn ngàn
Chân lấm tay bùn trí soi văn sách
Khoa bảng vọng đồng văn thánh còn ngân.
                            (Tiệc rượu giữa đồng!)
Xin trích một phần nhận xét của nhà thơ Nhã My(USA) về thơ Lê Đăng mành như sau: “Nhưng cho dù phong ba vùi dập, bão táp phủ lên quê nghèo và phủ lên cả thân phận con người thì đối với tác giả lê Đăng Mành, với nhân cách và tâm trạng của một người từng trải, sống an nhiên, bằng cái tâm, cái đạo, đạt lý thông tình, thơ anh không tủi hờn ai oán, không than thân trách đời, không cầu kỳ mộng ảo. Dòng thơ anh luôn giữ được sự điềm đạm, an nhiên sống hài hòa với cảnh vật thiên nhiên và trong chiều hướng vươn lên bằng những hy vọng tốt đẹp hơn”. Thật vậy, đọc Lê Đăng Mành ta không thương người nông dân với thứ tình yêu ban phát, bố thí mà qua thơ ông ta tôn trọng người nông dân như những con người kiên cường, đức độ, thâm thúy và tri thức. Lê Đăng Mành đã trình diện được chiều sâu trong tâm hồn của lớp người nông dân trên ruộng đồng, sau lũy tre và bên Hiên Lãm Nguyệt, đem đến cho ta sự chia sẻ, yêu thương và kính nể .

II) – Tải đạo siêu thoát trong “Chiều Đi”
Trong bốn câu thơ “Khai Lời” của tác giả ở trang đầu tập thơ “Chiều Đi” có hai câu thơ sau:

Thơ thong dong dù phên bừng tơi tả
Cứ tiêu pha cho hết cuộc yên hà…

Đọc hai câu thơ nầy ta nghĩ đến một đạo sĩ sống vô vi, hòa nhập cùng trời đất. Thật vậy, phong cách sống của Lê Đăng Mành ngoài đời và trong thơ giống nhau. Bên Hiên Lãm Nguyệt nhà thơ tiêu pha tinh túy của đất trời vào thơ của mình và trong thơ mình nhà thơ Lê Đăng Mành lại tải cho đời triết ly đạo Phật  sâu xa về siêu thoát. Với 146 bài thơ trong “Chiều Đi” tư tưởng Phật giáo hầu như lồng vào trong bất cứ bài thơ nào. Khác với những bài thơ Thiền của đa số Thi Sĩ hay Tu Sĩ, thường dùng từ ngữ khó hiểu, ý tứ bí hiểm, đề cao tư duy của mình như tư duy thần thánh, thơ Lê Đăng Mành chữ nghĩa giản dị, chân phương, không trừu tượng, ít ẩn dụ, khiến cái tư duy bác học của mình thành thơ , truyền tải thẩm thấu vào  hồn người đọc. Chất lãng mạn, chất cao siêu trong thơ Lê Đăng Mành làm cho người thâm Nho, người hiểu Phật hay người bình thường đều đọc được thơ, cảm xúc được với hồn thơ và sự giác ngộ đến tự nhiên trong tâm linh mỗi người. Ta hãy nghe chất lãng mạn trong vài câu thơ của bài thơ “Hoa Đăng”: “Đỉnh rằm ánh tỏa muôn nơi/ Rủ rơm vàng nhả thơm rơi quanh Làng”, “Giọt cười lấp lánh mắt sương/ Cá tung tăng vẫy hớp đường phóng sanh”, “Mừng khánh đản nụ tâm nhiên/Đăng khai bát nhã tịnh yên xóm làng”. Qua những câu thơ trên ta thấy lễ Phật Đản không náo nhiệt ồn ào mà êm ái, thơ mộng trong cảnh quê và trong cả tâm hồn con Phật. Và ta hãy nghe lời thuyết pháp nhẹ như bông hồng:

Mặt trời cần mẫn thức
Hành tinh mãi mãi xanh
Sân trước cành mai nở
Cầu pháp giới an lành

Chúng sanh đón bình minh
Muôn mùa xuân miên viễn
Tâm bình thế giới bình
Tự tại bước an nhiên.
(Tâm Bình Thế Giới Bình)
Một triết lý cao siêu nhiệm mầu được Lê Đăng Mành trình bày bằng những câu dễ hiểu như thế,nhẹ nhàng như thế có nhiều trong mỗi bài thơ của “Chiều Đi”, khiến cho đọc “Chiều Đi” ta thấy vẫn có lũ lụt, có mưa sa, có bão tố, có chia ly nhưng tâm hồn ta vẫn  như an trú vào nơi đồng cỏ xanh tươi mé nước tịnh bình. 

“ Chiều Đi”, một tập thơ dày với rất nhiều tuyệt tác mà thật tình tôi nghĩ với trình độ ai cũng không diễn đạt hết những cái hay trong đó. Tôi không trích dẩn nhiều thơ ông ra đây một phần vì khuôn khổ một bài đăng trên mạng không thể dài, một phần vì tôi nghĩ nên giới thiệu sơ lược tổng quát một vườn hoa tươi đẹp để khách vào thăm, hơn là ngắt một vàì bông hoa thì khách chỉ nhìn thấy những đóa hoa bị héo.  Tập thơ “ Chiều Đi” viết về cuộc sống, về niềm vui, về nỗi thăng trầm của đời người, của tình  yêu, của thời cuộc, của những nỗi đau bệnh tật và nỗi đau do tha nhân đem đến. Dầu ở đề tài nào thì thơ Lê Đăng Mành cũng tha thiết, trong trẻo, vô biên và quyến luyến. Thơ Lê Đăng Mành chứa đựng đầy ắp tình người, tình quê với một nhân sinh quan thấm nhuần Phật pháp.

Mong rằng tập thơ sẽ đến tay được nhiều người vì đọc nó ta tìm được một tâm hồn cao thượng trong cuộc sống đời thường, một phong cách sống vượt trên mọi nghịch cảnh và một triết lý cao siêu về sự giác ngộ phần hồn./.
                                                                                 CHÂU THẠCH


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

CHÙM THƠ ĐƯỜNG LUẬT -KHA TIỆM LY










  VÒNG VINH NHỤC

Tóc gội mưa dầu nhợt nhạt phai,
Mấy phen úa lá, tả tơi đài.
Trường đời lố nhố tranh cao thấp,
Đường thế chông chênh bước ngắn dài!
Nếm lợi, lưỡi tê mùi khổ ải,
Cầu danh, mắt cạn lệ trần ai!
Sượng sùng son phấn bôi lên mặt,
Nửa vẽ vai bi, nửa vẽ hài! 

 


. VÔ THƯỜNG

Cuồn cuộn trùng dương sóng trắng phau, 
Ai ngờ thoắt bỗng hóa nương dâu! (*) 
Vào xuân nào nghĩ hoa tơi cánh,
Chợp mắt thì ra tóc đổi màu! 
Nặng miếng đỉnh chung trơ mặt lạnh,
Khàn câu vinh nhục nén lòng đau!
Hết duyên, vạn vật như bèo sóng,
Thương bấy người tranh bước thấp, cao!

 

. UỐNG RƯỢU ĐỜI

Một chén rượu đời, cũng đủ say, 
Ngất ngây ba vạn  với bao ngày! 
Nếm mùi danh lợi cay xè  lưỡi, 
Gắp miếng đỉnh chung mệt lã tay! 
Đường thế trót đi, chông chếnh quá, 
Men đời lỡ nhấp ngậm ngùi thay! 
Mịch La dòng chảy bên trong, đục, 
Đã nói cho người chuyện tỉnh, say!  


 


 LỆNH HỒ XUNG
(Cảm đề TIẾU NGẠO GIANG HỒ ) 
                             
Chưa mỏi vó câu vạn dặm dài,
Lòng riêng nào dễ sớm phôi phai.
Bẽ bàng tình hận Hoa Sơn Đỉnh,
Dang dở ân cừu Hắc Mộc Nhai!
Bình cạn hơi men, chưa chuếnh choáng,
Phấn phai màu má, vẫn thơ ngây?
Sông hồ một kiếm không nghiêng ngả,
Vương chút môi hồng ngất ngưởng say!


NHÌN LẠI ĐỜI MÌNH

 

Giọt sầu sao cứ lạnh lùng rơi.

                     Thoắt cổ lai hy đã đến rồi!

Bút mực tủi hờn đau đớn ngó,

Tóc râu phờ phạc thẹn thùng soi.

Chẳng còn vá víu màu danh lợi,

Mà chửa phôi pha trận gió đời.

Bùi, ngọt vừa nâng bình đã cạn,

Đắng, cay uống mãi chẳng hề vơi! 

 


.BIỆT LY

Sỏi đá xa rồi cũng nhớ nhau,
Sông buồn ai khéo vét thêm sâu?
Một làn má phấn bao mùi nhớ,
Nửa sóng thu ba mấy cuộc sầu!
Nắng hạ vừa nhom hoa phượng thắm,
Cây rừng vội thúc tiếng ve đau!
Em về mang cả hồn ta đó,
Còn để làm chi mấy hạt châu?

 

KHA TIỆM LY


 

Nguồn : từ email của TG KTL gởi lamngoc
NM cảm ơn Kha huynh thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ - KHA TIỆM LY







Ảnh tác giả KTL



HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ


Ngựa vốn quen đường,
Đĩ thường lậm nết. 
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!

Ta thấy ngươi,

Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán phải xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!

Đã biết,

Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.

Vậy mà sao,

Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?

Như nước ta,

Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long , muôn đời là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa, vạn kiếp là da là thịt.
Máu xương ta, ai lại dám tách rời? 
Thịt da ta, ngươi dám đòi chia cắt? 
Bốn nghìn năm, liền tổ quốc phồn vinh,
Ba miền đất, khối giang sơn gấm vóc.

Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng, 
Thiếu niên cũng thừa người kiệt xuất.

Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.

Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.

Rầm rộ vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ bóng ma,(1)
Âm ầm tiếng sét Đống Đa, Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà con vịt. (1)

Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:

Thương ngươi binh bại, tàn quân về, ngươi còn được cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết, ai vẫn cho thắp khói hương chăm chút?(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.

Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!

Thế mà nay,

Ngươi lại lấy oán trả ơn, 
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác nào điếm già bịp bạc.

Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.

Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:

Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!

Vì khát độc lập mà thường uống nươc lạch, nước đìa,
Vì đói tự do mà quen ăn muối mè, cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.

Hãy liệu bảo nhau,

Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!

So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?

Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.

KHA TIỆM LY

(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt xua quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”

(2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước

(3) Sự kiên dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị)

Nguồn : từ email của tác giả Kha Tiệm Ly gởi Lamngọc
NM cảm ơn Kha huynh đã chiaxẻ bài phú hay.


Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

ẨM THỰC MÙA THU - THƠ NGUYỄN KHÔI






         ẨM THỰC MÙA THU
(Mùa nào thức ấy,thu ăn gì cho khỏe?)
           (Tặng : các bạn gái)
                    -------
     Nửa triệu tiền tốt mang đi
Em mua những gì ?- máy tính thẩm tra (1)
                      *
Hoa sữa nở rồi, trời se lạnh
Sớm mai em hỏi "thích ăn gì ?"
-"Thu ăn măng trúc, đông ăn giá (đỗ) -(2)
Thế nhé, vui sang chợ...em đi...
                      *
Ừ nhỉ, nhớ mua thêm Bưởi ngọt
chẳng " 5 roi" thì "Diễn" cũng "hên" 
Cân bằng huyết áp, "K" không sợ (3)
Ngon lành giảm Cholesterol.
                      *
Lại nữa, mua kèm chùm ỔI, Khế
tăng phần giải độc, " trĩ " cũng lui ;
Ít khẩu mía (đường) đã "tiện" bán
Bổ dưỡng toàn thân...thật tuyệt vời.
                      *
Xăng xái em đi...lát trở về
Rổ vài khúc cá, mớ rau quê
-Măng , dứa xứ Mường, nho Ninh Thuận
Xôm xôm tủ lạnh khó mà chê.
                      *
Xem thơ cụ Trạng mà hể hả
Ta dại leo lên tầng 13 
Vắng lặng xa mặt đường ồn ã
Lão giả an tri một ấm trà .
---
(1) Tiền lạm phát 500.000đ = 5 đồng thời 1960 .
(2) Thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
...Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
    Người khôn ,người đến chốn lao xao
    Thu ăn măng trúc, đông ăn giá...
Sử Trung Hoa còn ghi Tướng nhà Hán là Mã Viện sang xâm lược Giao Chỉ, còn ca ngợi "măng Giao Chỉ ăn vào thu đông ngon hơn cuối xuân".
(3)-"k" = ung thư


      Hà Nội 13-10-2016
       NGUYỄN KHÔI


Nguồn : từ email của tác giả Nguyễn Khôi gửi lamngoc.
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.


Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

NGÀY EM ĐI - THƠ KHA TIỆM LY







NGÀY EM ĐI


Khi mây chiều rớt xuống chân em,
Cũng đủ tím hoàng hôn tê tái.
Gió đùa tóc em, vờn đôi vai man dại,
Cũng đủ lắm rồi, làm rối cuộc tơ duyên!

Ta lại đếm sầu từng bước lang thang,
Hay uống say mèm cho đêm dài không mộng mị,
Đã vĩnh biệt rồi, hỡi hồng nhan tri kỷ,
Thì mây vờn cây chi cho núi nhuộm màu tang?

Sóng vỗ về thêm ngậm ngùi lòng bể,
Định mệnh phũ phàng làm tắt lửa hương yêu.
Sương rơi chi cho lá hoa đẫm lệ,
Vắng em rồi, cát nhớ dấu hài thêu!

Tháp cổ nghìn năm gục đầu ủ rũ,
Lệ đá ngậm ngùi theo ngày tháng hanh hao.
Em đi, úa cả mùa trăng cũ,
Đâu đợi thu về hoa lá mới xanh xao!

Đã biết dở dang chuyện thế thường,
Mà sao lòng cứ thấy vương vương.
Chợt nghe xôn xốn trên đôi mắt,
Mới biết lòng mang một vết thương!


KHA TIỆM LY

Nguồn : từ email của TG Kha Tiệm Ly gửi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn nhà thơ KTL đã chia xẻ một bài thơ hay.



Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

NHỚ MƯA HÀ NỘI XƯA - THƠ NGUYỄN KHÔI








NHỚ MƯA HÀ NỘI XƯA
(Tặng BNN & Lý Phương Liên)
                 
"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường"
            Bà Huyện Thanh Quan
                    
Ngày ấy Hà Thanh xinh xẻo lắm
Bốn "khu phố to", mươi huyện kề bên
Cầu Long Biên rộng dài bay trên sóng
Tàu điện Bờ Hồ nhộn nhịp leng keng...
                     
Ngày ấy lắm hồ, ao, mương, cống
Mưa rất vui xối rửa sạch mái nhà
Mưa tưới mát cây ven đường xanh thắm
Lũ trẻ con "tắm xẩy" ở vườn hoa (1)
                      
Ngày ấy hễ mưa là hứng nước
Lấy nước mưa Ông nấu nước pha Trà
Mẹ trữ nước làm Tương, ủ Giá
Nước Trời cho tinh khiết ngọt đậm đà.
                      
Ngày ấy mưa là anh hứng nước
Chờ em về tắm cho mát thịt da
Cho em gội tóc thoảng thơm mùi sả
Cho một đêm ân ái "sạch"  trong mơ...
                      
Ngày ấy con người ta tử tế
Đêm cửa nhà không phải cài then
Ra đường gặp mưa vào hiên nhờ tạm trú
Khoái "đội mưa" chơi nhởi cùng em...
                      
Ngày ấy, nay chỉ còn trong mộng
Thôi, em ! 
                             
                        Hà Nội,10/10/2016
          Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ Đô 
............NGUYỄN KHÔI


(1) Xưa mùa hè trẻ em da  bị rôm sãi tắm nước` mưa là lặn hết


Nguồn : từ email của tác giả Nguyễn Khôi gửi lamngoc,
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi thường xuyên chia xẻ những bài hay.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

TÂM THƯ GỞI BẠN










TÂM THƯ GỞI BẠN
(tặng bạn Ngọc Anh )

Nhớ Tu Bông rồi Vạn Giã ơi!
"Xứ gió luôn mang nặng tình người"
Đêm nghe biển hát ngàn con sóng
Lưu luyến muôn đời giấc mộng vui
Ai về Đồng Cọ nhắn gió Tu Bông*
Tuy xa cách mặt nhớ trong lòng
Vân Phong gió lộng chiều biển vắng
Chốn ấy bạn hiền vẫn chờ mong
Ta với bạn hiền chỉ mới quen
Một lần xa cách nối thêm duyên
Bây giờ gặp lại trên trang mạng
Cùng kể nhau nghe những nỗi niềm
Bạn ở phương trời chắc nhớ ta
Tuy là không gặp bởi đường xa
Nhưng sao tình cảm như thân thuộc
Càng nghĩ càng thương mến đậm đà
(Ta nhắc chuyện tình thuở rất xa
Thì ra bạn cũng biết''người ta''
Ngày xưa không chịu về xứ Cát
Nên chuyện tình rồi như sóng vội qua !
Xin lỗi người xưa chuyện tình xưa
Ngây thơ ngày cũ nói sao chừ?
Thời gian nhân ảnh chìm dâu bể
Kỷ niệm như là con sóng đưa !)
Bạn hỡi trong đời ta có nhau
Mong là giữ tận tới ngày sau
Tri âm tri kỹ đời luôn thiếu
Một chút chân tình mãi mãi trao...

NHÃMY
2012

*Mưa Đồng Cọ gió Tu Bông

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

BÀI THƠ TÌNH CUỐI CÙNG - THƠ KHA TIỆM LY





Ảnh lưu niệm: Nhã My , La Thuỵ , Kim Phụng , Kha Tiệm Ly



BÀI THƠ TÌNH CUỐI CÙNG


Hương tình em gởi bay trong gió
Cũng đủ ta say suốt bốn mùa
1. Ta vừa cười cợt tên ai đó,
Vì trót si tình nên hóa ngu ngơ
Dè đâu đốt chưa tàn điếu thuốc
Mà thế gian thêm một gã khờ!

2. Rượu giang hồ trăm bầu ngọt lịm
Rượu tình si vừa nhấp đã say mèm
Nếu tình vỡ len vào hồn đá sỏi,
Thì sỏi đá nào không tan nát hở em?

3. Tình em hong cho đời ta ấm lại
Để quên rồi một kiếp phiêu linh
Trăm chén hồ trường không chuếnh choáng
Vì đã ngất ngây một chén rượu tình

4. Thà em đừng nói tiếng yêu ngày đó
Thì nay đây ta đâu phải ưu phiền
Chẳng hẹn ba sinh nên kiếp nầy không nợ
Xin giữ giùm nhau một chút duyên

5. Hoa cũng hờn ghen môi em thắm
Nên bỏ tình xưa, chẳng luyến lưu
Cho rượu mềm môi, đắng lòng cô lữ,
Cho lá vàng khóc suốt một mùa thu

6. Tình chết ngay từ buổi sớm mai
Đầu thu lá úa mới rơi đầy
Em đi mang cả hồn ta đó
Để lại nơi nầy một gã say!


KHA TIỆM LY


Nguồn : từ email của tác giả Kha Tiệm Ly gửi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn Kha huynh thường xuyên chia sẻ những bài thơ hay.


Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

QUA TẦN HOÀI NHỚ VƯƠNG THÚY KIỀU -THƠ NGUYỄN KHÔI



Kết quả hình ảnh cho ảnh truyện kiều


Lời dẫn: Theo Minh sử ngoại truyện thì "Vương Thúy Kiều là một danh kỹ ở Tần Hoài, đời nhà Minh; Cô là vợ của  Tướng quân Từ Hải dưới quyền tướng Vương Trực cùng nổi dậy chống Triều đình. Sau Từ Hải nghe lời Kiều đầu hàng Tổng Hiến, chết vào năm 1556 thì Kiều nhảy  xuống sông Tiền Đường tự vẫn  "Minh Sơn hậu đãi ta như vậy, nhưng ta lại đem Quốc sự đẩy chàng vào chỗ chết. Hại chết  một thủ lĩnh rồi lại thuộc về một Tù trưởng, vậy ta còn mặt mũi nào để sống ở trên đời này nữa !"... Nguyễn Khôi qua thăm bến Tần Hoài, rồi ra cửa sông Tiền Đường xem "hoa sóng"... có đôi vần cảm tác:


             QUA TẦN HOÀI NHỚ VƯƠNG THÚY KIỀU
Đau đớn thay, phận đàn bà"
                           (Kiều - Nguyễn Du)

Đến bến Tần Hoài tìm "con hát" (1)
Cái kiếp cầm ca "bạc" đời đời
Ra cửa Tiền Đường xem "hoa sóng"
Hồn Kiều lãng đãng cánh hoa trôi...
                     
Chao ôi, Người đẹp thành "danh kỹ"
Ánh mắt là dao giết anh hùng !
-Triều đình thối nát sinh giặc giã
Hỗn thế Ma Vương cuộc phế hưng.
                     
Tố Như tiên cảm Đời là thế
thả bút thành thơ khúc "đoạn trường"
-Ba trăm năm lẻ Đời vẫn thế
Ác bá tranh giành loạn Đế Vương.

                                 20/6/2006
                              NGUYỄN KHÔI

---
(1) Thơ Đỗ Mục "Bạc Tần Hoài"
                     
NHỚ LỖ TẤN
Qua làng chẳng thấy AQ
Nhà cao, cửa rộng liền kề tương thân
Rượu quê một chén Thiệu Hưng
Ai SAY THỜI CUỘC mà không Chí Phèo.

                                   NGUYỄN KHÔI
                    Chiết giang (TQ),18-6-2006


Nguồn :từ email của TG Nguyễn Khôi gửi lamngoc.
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi đã chia xẻ những bài thơ hay,

                   

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2016

«HÀ NỘI QUÊ TÔI» - MỘT TỨ THƠ LẠ, ĐỘC ĐÁO -NGUYỄN KHÔI

   

 
Ảnh Nguyễn Khôi và Lê Mai
    

«HÀ NỘI QUÊ TÔI» - MỘT TỨ THƠ LẠ, ĐỘC ĐÁO

 « Tạo hóa gây chi cuộc hý trường » ?
Thơ về Thăng Long- Hà Nội xưa nay có cả ngàn bài đáng đọc, nhưng sàng lọc ra qua vết thời gian, Nguyễn Khôi tôi chỉ thích có ba bài ở ba thời điểm lịch sử khác nhau, nhưng đều là người Hà Nội « xịn »:
Bà Huyện Thanh Quan quê ở làng Nghi Tàm (khoảng 1804- 1847), bà học rộng, được vua Minh Mạng triệu vào Huế làm cung trung giáo tập dạy học cho các cung phi, công chúa ; nhà thơ Nguyễn Đình Thi (1924- 2003) quê làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu) ; nhà thơ Lê Mai (Lê Văn Hùng) sinh năm 1953 tại Hà Nội, thương binh chống Mỹ hạng nặng, học đại học Sư Phạm, dạy trường PTTH Nguyễn Trãi, quận Ba Đình- Hà Nội. Xét về đẳng cấp, bà Huyện Thanh Quan thuộc tầng lớp quý tộc ; Nguyễn Đình Thi là quan chức văn nghệ, đứng thứ 2 (chỉ dưới ông Tố Hữu); Lê Mai là dân nghèo thứ thiệt ở Hà Thành hoa lệ như thơ anh viết « tôi là người lao động »- một cậu bé « trèo me trèo sấu » nhất quỷ nhì ma thời bao cấp và chiến tranh khốc liệt. Có lẽ cần nói rõ thêm về nhà thơ Lê Mai này, anh vào hội Nhà văn Hà Nội với tư cách nhà thơ, nhưng lại nổi danh với tiểu thuyết « Tẩu hỏa nhập ma »- 2003 về sự hư nát của ngành giáo dục và truyện ngắn « Quyền được rên »- 2008 về thân phận nhà văn Hoàng Công Khanh, nạn nhân trong vụ « Nhân văn giai phẩm »... Những tác phẩm có lẽ anh thai nghén từ khi dạy môn  “Giáo dục công dân”. ...

Nói qua về ba tác giả để ta hiểu thêm vì sao tôi thích ba bài thơ viết về Hà Nội ở ba giai đoạn lịch sử khác nhau:
Bà Huyện Thanh Quan trong « Thăng Long thành hoài cổ » với 2 câu tuyệt bút :
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. 
Một tứ thơ lưu danh thiên cổ bởi đã nói lên nỗi đoạn trường (đứt ruột) trước cảnh hoang tàn của cố đô xứ Bắc. Ngôn ngữ thơ Hán- Nôm tuyệt xảo đan quyện hồn thơ hiu hắt, cô đơn trước đổi thay phũ phàng của thời cuộc. Một nỗi buồn hoài cổ đậm tính nhân văn, nuối tiếc thời vàng son của Đại Việt (nhà Lê) cũng là sự trở về cội nguồn của dân tộc...

« Người Hà Nội » hào hoa Nguyễn Đình Thi trong bài thơ « Đất nước » (viết từ 1948- 1955) với 7 câu mở đầu mang hồn thơ phơi phới đầy hứng khởi trước sự chuyển mình của dân tộc, đất nước với một niềm tin tất thắng như tan vào từng câu từng chữ :
/ Sáng mắt trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới/ Tôi nhớ những ngày thu đã xa/ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.../ 
3 câu đầu- một khúc hoài niệm... rồi cái hồn thơ, cái tứ lạ kết vào mấy chữ « đầu không ngoảnh lại... lá rơi đầy » thì bút lực ở đây quả là « thần cú » xuất thần, rất thơ là bịn rịn vấn vương như hồn người Hà Nội và chỉ người Hà Nội gốc mới cảm và viết ra như vậy giữa những ngày tiêu thổ kháng chiến... 

Đến Lê Mai với « Hà Nội quê tôi » mở đầu anh đã khẳng định « Tôi là người lao động, thế thôi »- Anh có mẹ già nơi phố phường chật hẹp bon chen. Anh có người cha không quản phận nghèo vẫn nuôi con học hành không thua bè kém bạn... Tự bạch cũng chỉ là bình thường, nhưng đặc tả cái « quê xưa » của vua Lý Thái Tổ nơi địa thế rồng chầu hổ phục thì Lê Mai đặc tả rất khác thường:Đất quê tôi không lũ cao nắng hạnChỉ chân trời trên nóc bếp cheo leoĐó là thời của gác xép/chuồng cọp- nay là chung cư cao tầng của dân tái định cư... gắn với tuổi học trò nghèo trèo me trèo sấu và lớn lên với « Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát ».Từ cái điểm tựa lấm lem nghèo khổ đó mà sao với Lê mai « Gió quê tôi đêm ngày vi vu nhắc » : / Giếng Ngọc là của tôi / Văn Miếu là của tôi/ Chùa Diên Hựu là của tôi/ Tháp Bút- đài Nghiên là của tôi/ Hồ Tây là của tôi/ Hồ Gươm là của tôi : Đó là là lẵng hoa thơm như môi con gái... đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm ?/ Đài liệt sĩ vô danh là của tôi/ Và em là của tôi : Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu lẽ đời giản dị !/
Báu vật của đời được phép ví với em... Của tôi, của tôi... còn bao nhiêu tinh hoa, di sản văn hóa ở đất Hà Nội ngàn năm văn hiến tác giả chưa thể kể hết trong thơ, tất tật phải là « của tôi ». Ta chợt hiểu ra thâm ý nhà thơ lúc đầu tự bạch mình là người lao động bình thường, nghèo túng thật không đơn giản, bởi qua thơ anh đã hóa thân thành Nhân Dân, thành Dân Tộc cần lao. Chỉ có Nhân Dân mới là chủ nhân đích thực của mọi giá trị tốt đẹp nhất kết tinh vào văn hiến ngàn năm Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội. Và vì thế cái kết cũng giản dị như cuộc đời thi sĩ: /Tôi là người lao động/ Thế thôi/ Nhưng quê tôi, Hà Nội !/ Mạch thơ ào ạt tuôn chảy đến đây kết là khá cộc lốc, hụt hẫng- chưa thể thôi được ? Theo mạch thơ ấy kẻ bình thơ nhân danh những người đọc Hà Nội còn có thể cùng nhà thơ ngẫm suy và tự nhủ : Chiếu rời đô là của tôi, Hịch tướng sĩ là của tôi, Bình Ngô đại cáo là của tôi, Điện Biên Phủ trên không là của tôi... rồi phở Hà Nội là của tôi, bia hơi Hà Nội là của tôi, cafe vỉa hè là của tôi, bánh cuốn Thanh Trì là của tôi, gốm sứ Bát Tràng là của tôi, của tôi... Sao bây giờ chủ nhân đích thực thì khốn khổ khốn nạn còn lũ đầy tớ thì giầu sụ, phè phỡn, xa hoa thế ? Nhà thơ của Nhân Dân là vậy. 

Viết đến đây NK lại nhớ tới bài thơ Liberte’ (Tự Do) của thi hào siêu thực Pháp Paul Eluard (1895- 1952) mà Lê Mai trình diễn thơ « Hà Nội quê tôi » có cái kết cấu, bố cục khá đồng điệu: /Trên quyển vở nhà trường/ Trên án viết thân cây/ Trên cát, trên tuyết/ Ta viết tên em/ Trên sức khỏe phục hồi/ Trên hiểm nguy tan biến/ Trên hy vọng chẳng nhớ nhung/ Ta viết tên em/ Và do phép màu một tiếng/ Ta làm lại cuộc đời/ Ta sinh ra để biết em/ Để gọi tên em (2 chữ)TỰ DO/.   
Dẫu biết mọi sự liên tưởng, so sánh đều khập khiễng, nhưng ở góc độ người bình thơ NK tôi không thể không giật mình cầm bút thả chữ. Xưa nay người làm thơ rất mừng gặp được người thơ mới/cái tứ lạ, với cấu trúc độc đáo như bài « Hà Nội quê tôi » ngôn ngữ tinh luyện, câu chữ như nén chặt để rồi thoát xác thành hồn thơ cất cánh « Tấm gương trong mây hất tóc rối trời cho tôi hiểu vì đâu tình yêu người Hà Nội vời vợi mênh mang »...  Thơ Lê Mai đẹp và lạ thế đó !... 

                                         Nguyễn Khôi
                                        Phố Hàn, 27/9/2016  

     
                   Nhà thơ Nguyễn Khôi


HÀ NỘI QUÊ TÔI
               
Tôi là người lao động, thế thôi!
Nhưng quê tôi:
Hà Nội!
Nơi tôi có mẹ già, mảnh đông quê ngát hương đồng nội, thơm phố phường chật chội bon chen
Nơi tôi có người cha không quản phận nghèo hèn, gắng nuôi con không thua bè kém bạn.
Đất quê tôi không lũ cao nắng hạn
Chỉ chân trời trên nóc bếp cheo leo
Tuổi thơ tôi những năm tháng leo trèo
Bắt bọ ngựa,
dính ve,
trèo me,
ném sấu.
Lời rủ rê của lũ ve yêu dấu
Gọi hè về thúc nở những mùa chơi.
Cơm nguội vàng háo hức giục bàng rơi
Sông Hồng xoáy trong tôi dòng nước mát
Gió quê tôi đêm ngày vi vút nhắc:
Giếng Ngọc là của tôi
Giọt nước mắt tổ tông ngàn năm còn nhức nhối trong đời
Cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội, huyền thoại rồi còn rời rợi yêu thương.
Văn Miếu là của tôi
Pho sách thơm cha ông tạc để đời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội đốt trầm trong lúc đọc thơ.
Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo thuyền giặc chết khỏi tha hương.
Tháp Bút – Đài Nghiên là của tôi
Tả Thanh Thiên xao xuyến cả cõi trời, cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội nâng cốm Vòng trong những lá sen tươi.
Hồ Tây là của tôi!
Tấm gương trong mây hất tóc dỗi trời, cho tôi hiểu tình yêu người Hà Nội vì đâu mà vợi vợi mênh mang.
Hồ Gươm là của tôi !
Lẵng hoa tươi thiên nhiên kết dâng người, thơm như môi con gái, mềm mại như tuổi dậy thì,liễu bên hồ chớp chớp làn mi, đẹp đến thế sao mang tên Hoàn Kiếm ? Lẵng hoa đời nền văn hiến trổ bông. 
Đài liệt sĩ vô danh là của tôi !
Sắc xám xanh lánh lạnh ánh sao trời, cho tôi hiểu vì đâu trăng Hà Nội suốt bốn mùa rười rượi thanh thanh.
Nén nhang thắp trong mỗi gia đình là của tôi !
Nén nhang tươi nhức nhối nhỏ kiếp người , cho tôi hiểu vì sao sông Cái đỏ, những nụ đào hé tỏ ánh phù sa.
Và em là của tôi !
Sự sống thiêng liêng kết bằng máu thịt người, cho tôi hiểu mình lẽ đời giản dị ! Báu vật của đời được phép ví với em !
Tôi là người lao động,
thế thôi !
Nhưng quê tôi, Hà Nội!   

LÊ MAI


Ngườn :từ email của tác giả Nguyễn Khôi gửi lamngoc.hia xẻ một bài viết hay.
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi đã chi
a xẻ một bài viết hay.