van tran
Tệp đính kèm3 thg 2 (20 ngày trước)
tới tôi
(Ảnh Liên Hưng)
ĐỌC “MÙA TRĂNG CUỐI” THƠ LIÊN HƯNG
CHÂU THẠCH
Tôi hân hạnh có bài được chọn in trong tuyển tập thơ văn “Một thời Để nhớ” cùng với Liên Hưng và 11 tác giả khác do nhà thơ Chu Vương Miện tài trợ kinh phí để nhà văn Mang Viên Long xuất bản. Không quen biết vơi Liên Hưng nhưng tôi rất cảm mến văn của nữ tác giả nầy qua hồi ký “Có Những Dòng Sông” và tùy bút “Hương Sầu Đông” mà tác giả ấy đã đăng trong tuyển tập nầy. Hôm nay, được một người bạn giới thiếu bài thơ “Mùa Trăng Cuối” của Liên Hưng, một bài thơ tự sự không những cho chính cuộc đời mình mà còn nói hộ thân phận của cuộc sống, số phận của cuộc tình cho bao thiếu nữ khác, đã làm tôi đi ngược lại dòng sông ký ức về một quê hương mà tôi và tác giả đã sống một thời thanh xuân êm đềm. Liên Hưng tên thật là Nguyến Thị Liên Hưng, sinh 1957, quê quán Lam Thủy, Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị. Tác giả là cựu học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị, hiện sinh sống tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Tên trên facebook là Thanh Chương LH. Sở dĩ người viết giới thiệu kỷ quê hương của tác giả vì cái quê hương đó khác với nhiều quê hương trên đất Việt. Đó là mãnh đất khô cằn “Biển một bên và núi ở một bên”, bị chia cắt, bị cày xới bởi bao cuộc chiến tranh khốc liệt nhưng nó vẫn rất nên thơ và nó sản sinh ra lắm nhân tài. Ta hãy nghe Liên Hưng tả một phần đời mình sống bên dòng sông của quê hương đó:
1.
Tôi chào đời
Có mảnh trăng non Tháng Chín
Len lén nhìn qua song cửa mùa Thu...
Ngày qua ngày, trăng cùng tiếng mẹ ru
Nuôi tôi lớn giữa làng quê mộc mạc
Có những lúc
trăng ngủ quên bên dòng sông bạc
Để ngàn sao mở hội lưng trời
Trăng theo tôi vào tuổi mộng chơi vơi
Trăng biển vắng soi tình đầu câm nín
Trăng hạ huyền dấu che
đôi lòng bịn rịn
Nên ngược dòng mình lạc mãi đời nhau
Trong bài “Có Những Dòng Sông” Liên Hưng đã tả con sông nơi tác giả chào đời như sau: Đó là dòng sông “mang tên Vĩnh Định”.”Con sông nhỏ hiền hòa nước trong văn vắt vang nhịp gõ dân chài vào mỗi buổi chiều hôm như giấc mơ êm đềm cứ ở mãi trong tôi”. Ở đó nhà thơ đã tắm cùng người cha thân yêu của mình, nhìn chị mình gánh nước bước đi như là vũ điệu, theo chị mình giặt áo bên sông. Tất cả kỷ niệm đó bây giờ nhà thơ gởi vào khổ thơ trên và lấy ánh trăng làm chủ thể cho đoạn thơ, khiến cho quản đời thơ ấu càng trở nên lung linh và mối tình thời mới lớn tuy phải “ngược dòng mình lạc mãi đời nhau” nhưng vẫn đẹp như là một thiên tình sử. Khổ thơ không có ẩn dụ nào nên không phải phân tích nhiều nhưng, tiếng thơ đưa ta đi vào một nguồn trong trẻo vô biên bởi ánh trăng dịu dàng, bởi ngàn sao lấp lánh lưng trời và bởi tháng ngày êm đềm của tác giả cùng với dòng sông ở hoài trong ký ức. Đọc thơ, ai đã từng ở bên dòng sông thì có lẽ linh hồn mình cũng bay ngay về đó. Nhất là những người bạn của tôi, những người đã từng sống bên dòng sông Vĩnh Định, hay tôi đã từng đi đò dọc trên dòng sông ấy thì tưởng như Vĩnh Đinh là một dòng sông ở cõi thần tiên mà mình được đến rồi đi để lòng cứ thương cứ nhớ. Từ dòng Vĩnh Định trong thơ, những người con Quảng Trị có lẽ sẽ nhớ thêm dòng Thạch Hản, dòng Hiếu Giang và nhiều dòng sông khác trên quê hương mình. Đặc biệt nếu ai từng đọc tập thơ “Dòng Sông Ký ức” của Lê Ngọc Phái, một người con của ngôi làng bên dòng sông Vĩnh Định cũng như Liên Hưng, thì hồn sẽ lắng sâu thêm vào một khung trời xanh tươi bên mé nước bình tịnh trong khổ thơ đầu của “Mùa Trăng Cuối” mà Liên Hưng mô tả.
Bước qua phần đầu của khổ thơ thứ hai Liên Hưng cho ta thấy một sự đổi thay khi nhà thơ vừa mới lớn lên, vừa mới bước chân vào đời:
2.
Tôi vào đời
Trăng úa một màu đau
Đêm lạc loài
Trăng soi chân viễn xứ
Về chốn xa lắc lơ
Ai đợi? Ai chờ?
Miền đất lạ bên chiều lay lắt bóng
Trăng nhạt nhòa trong hoàng hôn vô vọng
Theo tháng ngày
Sương lạnh ướt hồn thơ
Trời đất bơ vơ
Miên trường quạnh quẽ
Đêm hao gầy thao thức đối trăng suông
Có lẽ đoạn thơ nầy rất thấm thía với con dân Quảng Trị, ai đã gồng gánh di tản trong “mùa hè đỏ lửa”, ai đã từng chạy qua “Đại lộ kinh hoàng” và ai đã từng dừng chân nơi xứ lạ, nơi núi rừng âm u để dựng mái chòi tranh nương náu. Đoạn thơ không nói nhiều về chiến tranh, về chết chóc, về ly hương nhưng chắc chắn ai đã từng gắn bó hay nghe nói về nơi đây sẽ khó mà quên những đoàn người lũ lượt chạy trong lửa đạn tơi bời và một thị xã sầm uất đã biến thành rừng. Rồi thì cùng với đoàn người đó, Liên Hưng không còn “Trăng vào tuổi mộng chơi vơi” nữa mà phải nhận những mùa” trăng úa màu đau” soi bước chân gập ghềnh nơi viễn xứ. Cuộc tình của “Trăng hạ huyền dấu che đôi lòng bịn rịn” cũng trôi theo cơn chạy loạn để “Ai đợi? ái chờ?” nào ai biết ai, nghĩa là tan ra trong khói lửa. Tất nhiên đoạn thơ đem đến cho ta một nỗi buồn. Nỗi buồn đó càng thấm thía hơn khi tác giả kéo dài cuộc sống lay lắt bóng ở miền đất lạ để nhìn “ Trăng nhạt nhòa trong hoàng hôn vô vọng” trong những “Đêm hao gầy thao thức đối trăng suông”. “Đối trăng suông” cho ta hình ảnh cô đơn nơi trời viễn xứ. Đoạn thơ phả vào hồn ta tất cả hơi lạnh của trăng. Nó không chỉ là thứ trăng của bao bài thơ lảng mạn về tình. Nó còn là một thứ trăng chứa chấp niềm đau của khổ cực, của bạc bẻo, của thân phận một con người bất đắc chí, của lình hồn một kẻ lưu đày nơi xứ lạ, chịu bất công giữa đời. Nó không chỉ là niềm đau của một người mà mang niềm đau của một thế hệ, giống như câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta sinh ra nhầm thế kỷ/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” Tất nhiên đó chỉ là tâm trạng của nhà thơ chớ không có quê hương nào ruồng bỏ, giống nòi nào lại khinh những đứa con thất cơ lỡ vận do thời thế tạo nên cả.
Đoạn thơ kế tiếp chỉ là những tiếng thở dài. Tiêng thở dài của dòng sông xưa như hòa chung cùng tiếng thở dài của dòng sông đời người vì cả hai đều chịu cảnh “Bến Lạnh/ Chiều rơi”:
Bao năm sống kiếp đoạn trường
Kiếp tằm khóc cảnh tơ vương đọa đày
Gió chiều se lạnh bàn tay
Đường tình gió thoảng mây bay ngậm ngùi
Tìm đâu một thoáng đời vui
Chỉ là kỷ niệm chôn vùi xót xa
Dòng sông còn âm vang tiếng hát
Bến lạnh
Chiều rơi
Đoạn thơ cho ta thấy tác giả vẫn còn ôm ấp mãi kỷ niệm dầu mối tình năm xưa chỉ là mối “tình đầu câm nín”. Không hiểu sao các cô nữ sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị thường nhớ đến mỗi tình đầu thế nhỉ? Tôi đã đọc bài thơ “Một Mùa Dâu” của Quang Tuyết nói về tình đầu thật hay và bây giờ lại đọc “Mùa Trăng Cuối” của Liên Hưng cũng tha thiết với mối tình còn đang thời e ấp. Cả hai bài thơ khiến lòng tôi vui lắm, nhớ lại và chắc phải cảm ơn người con gái năm xưa cũng học Nguyến Hoàng và có lẽ giống như hai nhà thơ nữ kia, cưu mang mối tình đầu của chúng tôi mãi mãi.
Phần lớn những nhà thơ, thường cho tình tan vỡ suốt một đời, để ôm niềm đau như cơn bệnh trầm kha trong cuộc sống. Liên Hưng khác. Tác giả cho ta một mùa trăng ấm lòng hơn:
3.
Dòng đời trôi
Dòng sông trôi
Vạt nắng đổ dài thuyền ai lấp loáng
Mưa gió bao mùa chưa mỏi mái chèo xưa
Lấp lánh sao thưa
Cho trăng bừng tỉnh thức
Cho tim người
Thôi day dứt sầu đau
Thì ra mình còn có nhau
Đâu cần hò hẹn kiếp sau đợi chờ
Mấy mươi năm giấc mộng hờ
Khóc cười dâu bể ai ngờ hôm nay
Cảm ơn bàn tay vén mây...
Cho đêm trăng tỏ cho ngày sương tan
Trăng dịu dàng
Trăng rất hiền
Lung linh soi bóng con thuyền an nhiên
Có lẽ Trời không phụ người chung thủy “Mưa nắng bao mùa chưa mỏi mái chèo xưa” nên cho họ đoàn tụ chăng? Khổ thơ không nói rõ họ đoàn tụ thành vợ thành chồng hay họ chỉ gặp nhau rồi đối đải nhau như Kiều và Kiêm Trọng, buổi đoàn viên chỉ hẹn xem nhau là bạn tri giao .
Tôi không biết cuộc tình trong thơ là hư cấu hay đó là sự thật nhưng sự đoàn tụ đã làm vơi nỗi đau ly biệt và tạo niềm vui an lạc trong lòng. Câu thơ “Thì ra mình còn có nhau/Đâu còn hò hẹn kiếp sau đợi chờ” cho ta cảm tưởng sự thanh khiết trong tâm hồn hai người. Ta có cảm tưởng nếu họ không sống cùng nhau,thì họ biết hai người còn sống giữa cuộc đời là xem như có nhau. Họ không cần hò hẹn đến kiếp sau nữa vì kiếp nầy họ đã có trong nhau rồi. Trăng ngày xưa không còn là trăng ngày nay nữa nhưng mừng cho họ vì trăng ngày nay không “nhạt nhòa” như một thời tưởng như “vô vọng”. Trăng ngày nay đã “dịu dàng”, nên thơ để soi bóng con thuyền đời rất an nhiên của họ trôi về một tương lai tốt đẹp.
Bài thơ thật hay, như âm thanh một con sông trôi êm đềm, rồi ầm ầm băng qua thác ghềnh, rồi bình tịnh trên một bình nguyên nào đó. Trăng lung linh, rồi vàng vọt rồi lung linh như đêm rằm có cơn mưa xối xả. Sau cơn mưa trăng lại sáng.
Bài thơ đặt vào lòng ta một vết thương đã lành nhưng vết sẹo vẫn luôn còn đó. Ta vẫn thích chạm tay vào sẹo vì nó hằng trên da thịt để biết nỗi đau cùng đi với ta suốt đời không quên được, nhưng niềm vui lành bệnh vẫn làm êm ái tâm hồn.
Cuối cùng bài thơ khác với những bài thơ tình vì nó có hậu, cho người đọc một nụ cười viên mãn . Ngoài ra tiếng thơ thanh bai, quyến luyến, để cảm xúc trôi theo từng dòng dưới ánh trăng của tuổi thơ,của quá khứ và của ngày nay, biến đổi màu sắc không ngừng trong mỗi khổ thơ mà mỗi khổ thơ ấy thể hiện mỗi giai đoạn của đời người./.
CHÂU THẠCH
Mùa Trăng Cuối – Thơ Liên Hưng
1.
Tôi chào đời
Có mảnh trăng non Tháng Chín
Len lén nhìn qua song cửa mùa Thu...
Ngày qua ngày, trăng cùng tiếng mẹ ru
Nuôi tôi lớn giữa làng quê mộc mạc
Có những lúc
trăng ngủ quên bên dòng sông bạc
Để ngàn sao mở hội lưng trời
Trăng theo tôi vào tuổi mộng chơi vơi
Trăng biển vắng soi tình đầu câm nín
Trăng hạ huyền dấu che
đôi lòng bịn rịn
Nên ngược dòng mình lạc mãi đời nhau
2.
Tôi vào đời
Trăng úa một màu đau
Đêm lạc loài
Trăng soi chân viễn xứ
Về chốn xa lắc lơ
Ai đợi? Ai chờ?
Miền đất lạ bên chiều lay lắt bóng
Trăng nhạt nhòa trong hoàng hôn vô vọng
Theo tháng ngày
Sương lạnh ướt hồn thơ
Trời đất bơ vơ
Miên trường quạnh quẽ
Đêm hao gầy thao thức đối trăng suông
Bao năm sống kiếp đoạn trường
Kiếp tằm khóc cảnh tơ vương đọa đày
Gió chiều se lạnh bàn tay
Đường tình gió thoảng mây bay ngậm ngùi
Tìm đâu một thoáng đời vui
Chỉ là kỷ niệm chôn vùi xót xa
Dòng sông còn âm vang tiếng hát
Bến lạnh
Chiều rơi
3.
Dòng đời trôi
Dòng sông trôi
Vạt nắng đổ dài thuyền ai lấp loáng
Mưa gió bao mùa chưa mỏi mái chèo xưa
Lấp lánh sao thưa
Cho trăng bừng tỉnh thức
Cho tim người
Thôi day dứt sầu đau
Thì ra mình còn có nhau
Đâu cần hò hẹn kiếp sau đợi chờ
Mấy mươi năm giấc mộng hờ
Khóc cười dâu bể ai ngờ hôm nay
Cảm ơn bàn tay vén mây...
Cho đêm trăng tỏ cho ngày sương tan
Trăng dịu dàng
Trăng rất hiền
Lung linh soi bóng con thuyền an nhiên
LH (Mùa trăng cuối năm Đinh Dậu)