18:08, 14 thg 10, 2018 (2 ngày trước)
TỈNH THẾ THI
Kính sư huynh,
Sư huynh thông thạo Hán văn , đệ nhờ Sư huynh cho biết bài này tác giả là ai ? có từ thời nào ?
Cảm ơn sư huynh rất nhiều.
Cao Linh Tử
CỔ THI
Đồ lợi tham danh mãn thế gian
Bất như dưỡng tánh tự thanh nhàn
Lung kê hữu mễ thang oa cận
Dã hạt vô lương thiên địa khoan
Phú quý bất nhân nan bảo thủ
Luân hồi lục đạo dị tuần hoàn
Kiến quân tạo đức tu hành lộ
Nhứt thất nhơn thân vạn kiếp nàn.
(Không biết tác giả, cặp thực có trong Thánh Giáo Cao Đài)
On Thursday, May 24, 2018 2:00 PM, duc do <chieuduc15@yahoo.com> wrote:
Gởi hiền đệ
Cao Linh Tử,
Bài thơ của đệ hỏi là bài THỨ 10 trong 22 bài thơ Tỉnh Thế Thi 醒世詩 (Thơ thức tỉnh người đời), của La Trạng Nguyên đời Minh, có tiểu sử như sau :
La Trạng Nguyên 羅狀元(1504-1564)tên là Hồng Tiên 洪先, tự là Đạt Phu 達夫, hiệu là Niệm Am 念庵, người đất Kiết Thủy tỉnh Giang Tây. Sanh năm Hoằng Trị thứ 17 (1504), mất năm Gia Tĩnh thứ 43 (1564), đậu trạng nguyên năm Gia Tĩnh thứ 8 (1529), là trạng nguyên của năm Kỷ Sửu được ghi trong Minh Sử quyển 283. Ông là bạn thân của Sở Thạch Hòa Thượng, trụ trì ở chùa Nam Nhạc Cao Đài Tự, hai người cùng trồng một cây thông hoàng sơn, hiện còn sống và đứng sừng sửng bên phải của sườn núi Bích Mộng Phong.
Danh xưng Thánh Giáo Cao Đài có thể phát xuất từ Cao Đài Tự nêu trên mà ra chẳng ? Đây còn là một vấn đề đang khảo cứu, vì Thánh Giáo Cao Đài hiện nay không gọi nơi tu hành là TỰ 寺 (chùa), mà gọi là THÁNH THẤT 聖室 (nhà thánh).
1. Nguyên tác của bài thơ thứ 10 trong Tỉnh Thế Thi như sau :
貪名逐利满世間, Tham danh trục lợi mãn thế gian,
不如破衲道人閒。 Bất như phá nạp đạo nhân nhàn.
籠雞有食湯鍋近, Lung kê hữu thực thang oa cận,
野鶴無糧天地寬。 Dã hạc vô lương thiên địa khoan.
富貴百年難保守, Phú qúy bách niên nan bảo thủ,
輪迴六道易循環。 Luân hồi lục đạo dị tuần hoàn.
勸君早覓修行路, Khuyến quân tảo mịch tu hành lộ,
一失人身萬劫難。 Nhất thất nhân thân vạn kiếp nan !
2. Chú thích :
Vì là thơ khuyên răn người đời được truyền tụng trong dân gian, thường được đọc tới đọc lui, nên có nhiều DỊ BẢN khác nhau chút ít, nhưng tựu trung thì ý nghĩa của bài thơ vẫn như nhau.
* Câu đầu : 貪名逐利 Tham Danh Trục Lợi với Đồ Lợi Tham Danh 圖利貪名 nghĩa cũng như nhau, vì đều có nghĩa là "Mưu đồ để có lợi và có danh", tức là Hám danh hám lợi đó.
* Câu hai : 不如破衲道人閒 Bất như phá nạp đạo nhân nhàn. Có nghĩa : Không bằng được ông đạo nhân áo rách vá vai mà nhàn nhã. Dị bản : 不如養性自清閒 Bất như dưỡng tánh tự thanh nhàn, có nghĩa : Không bằng được tự tu tâm dưỡng tánh để được nhàn nhã.
* Câu năm : 富貴百年難保守 Phú qúy bách niên nan bảo thủ, có nghĩa : Phú qúy cũng khó mà giữ được cho đến một trăm năm. Dị bản : 富貴不仁難保守 Phú qúy bất nhân nan bảo thủ, có nghĩa : Giàu sang mà ăn ở bất nhân thì cũng khó mà giữ cho được (lâu bền).
* Câu bảy của đệ sai chữ đầu là KHUYẾN 勸 (khuyên) chớ không phải KIẾN 見 (thấy). Chữ thứ 3 thứ 4 không phải là TẠO ĐỨC, mà là TẢO MỊCH 早覓 có nghĩa là : Sớm mà tìm ...
3. Nghĩa Bài Thơ :
THƠ THỨC TỈNH NGƯỜI ĐỜI
Đầy rẫy cả thế gian người đời ai cũng tham danh tham lợi cả, không bằng được ông đạo áo rách vá vai nhưng trong lòng lại rất nhàn hạ. Hãy nhìn mà xem, con gà trong chuồng có thức ăn đầy đủ, nhưng nồi nước sôi đang ở bên cạnh (chưa biết chết lúc nào !). Còn con hạc ngoài đồng không có lương thực sẵn, nhưng lại có trời cao đất rộng mặc tình mà bay nhảy. Người đời cũng thế, giàu sang phú qúy rồi cũng đâu có giữ được đến trăm năm, và trong sáu đạo của con đường luân hồi thì rất dễ tuần hoàn. Cho nên, khuyên người hãy sớm mà lo tìm đường tu tập, chớ để đến khi mất đi cái nhân thân nầy rồi thì vạn kiếp sau cũng khó mà trở lại làm người cho được !
4. Diễn Nôm:
Hám danh hám lợi khắp người đời,
Áo rách đạo nhân lại thảnh thơi.
Gà được ăn no lo nước luộc,
Hạc không lương thảo mặc rong chơi.
Trăm năm phú qúy khôn gìn giữ,
Sáu đạo luân hồi lại ngược xuôi.
Khuyên đó tu hành tìm chánh đạo,
Xẩy chân muôn kiếp khó làm người !
Lục bát :
Tranh danh đoạt lợi thói đời,
Không bằng áo rách thảnh thơi cỏi lòng.
Gà no đợi chết trong lồng,
Hạc nọ tuy đói thong dong đất trời.
Giàu sang khó giữ trăm đời,
Luân hồi sáu cửa như chơi lẽ thường.
Khuyên người tu tập tìm đường,
Nếu không vạn kiếp vô phương làm người !
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét