CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : CAO - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
21:09, Th 7, 31 thg 8



THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  :
                                                  CAO

       Inline image


Ta thấy :
      Từ Giáp Cốt văn, Kim Văn đến Đại Triện đều là hình tượng mặt trước của một lâu đài, và như một tháp đài cao của một cửa thành. Nên từ Tượng Hình đó đưa đến Chỉ Sự : Đây là một kiến trúc Cao Lớn và chữ CAO 高 có nghĩa ... CAO là vì thế.
      CAO 高 trái nghĩa với Thấp, CAO còn tượng trưng cho cái gì đó vượt trội, đẹp đẽ, hay ho... hơn những cái bình thường, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như ý kiến hay thì gọi là CAO KIẾN 高見. Sau khi nghe Thúy Kiều đờn, Kim Trọng đã góp ý rằng :

                      Lựa chi những khúc tiêu tao,
                 Thiệt lòng mình cũng nao nao lòng người !

      Thuý Kiều đã đáp :

                       Rằng quen mất nết đi rồi,
                  Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao ?!
                       Lời vàng vâng lĩnh Ý CAO,
                  Hoạ dần dần bớt chút nào được không !

      Ý CAO là lời nói khách sáo, khen ý kiến của người khác là CAO KIẾN, là ý kiến hay ho.

   

                Inline image


      CAO 高 còn chỉ Giỏi, như CAO ĐỒ 高徒 là Học trò giỏi, từ dùng để gọi học trò của người khác là LỆNH CAO ĐỒ 令高徒 (Tự xưng với người khác là TIỂU ĐỒ 小徒: Thằng trò nhỏ của tôi, bất kể tuổi tác đã lớn đã già). CAO 高 còn chỉ Tốt, như CAO BẰNG 高朋 là bạn Tốt, bạn giỏi, bạn qúi. Như trong bài Đằng Vương Các Tự nổi tiếng của Vương Bột đời Đường :

                十旬休暇,胜友如云;   Thập tuần hưu hạ, thắng hữu như vân;
                千里逢迎,高朋满座.    Thiên lý phùng nghinh, CAO BẰNG mãn tọa.
Có nghĩa :
               Trong kỳ nghỉ lễ mười ngày, bạn hiền tụ tập như mây;
               Ngàn dặm đón tiếp chào mời, bạn qúi ngồi đầy cả tiệc.

      Nhắc đến CAO, thì người ta cũng nghĩ ngay đến từ CAO ĐƯỜNG 高堂. CAO là Cao lớn; ĐƯỜNG là Phòng rộng. CAO ĐƯỜNG là Phòng lớn rộng nhất ở trong nhà, nơi mà cha mẹ thường ngồi để cho con cháu vấn an, nên trong văn học cổ CAO ĐƯỜNG chỉ Cha mẹ già. Vì ...
     
      CAO 高 ở đây là Cao niên, còn ĐƯỜNG 堂 là Song Đường, tức XUÂN ĐƯỜNG 椿堂 là Cha và HUYÊN ĐƯỜNG 萱堂 là Mẹ; Nên CAO ĐƯỜNG 高堂 là Cha mẹ già. Trong các phim ảnh cổ trang xưa của Trung Hoa, khi rước dâu về nhà bái đường thì người xướng lễ cho đôi tân hôn xoay ra ngoài và hô to "Nhất bái thiên địa", đoạn quay trở vào hướng về phía cha mẹ hô "Nhị bái CAO ĐƯỜNG", cuối cùng là "Phu thê giao bái". Lạy trời đất, lạy cha mẹ, rồi lạy nhau để mà nên nghĩa vợ chồng !

      Trong bài thơ "Bạc Mộ Tư Gia 薄暮思家 là Chiều Hôm Nhớ Nhà" Cao Bá Quát đã hạ một đôi Thực thật hay và cảm khái như sau :

                高堂兩處思兒淚,  CAO ĐƯỜNG lưỡng xứ tư nhi lệ,
                薄宦三春感舊心。  Bạc hoạn tam xuân cảm cưụ tâm.
Có nghĩa :
              Nhớ cha mẹ hai nơi nhỏ lệ,
              Chút quan hèn lòng trễ ba xuân.
      Khi viết hai câu nầy, chắc cha mẹ của Cao Chu Thần đang ở với bào huynh của ông là Cao Bá Đạt đang làm tri huyện ở Nông Cống Thanh Hóa.

      Nếu thay chữ ĐƯỜNG 堂 là họ ĐƯỜNG 唐, ta sẽ có từ CAO ĐƯỜNG 高唐 là tên của một huyện ở tỉnh Sơn Đông ngày nay, đồng thời cũng là tên của một ngọn núi nổi tiếng trong bài CAO ĐƯỜNG PHÚ 高唐賦, nơi mà thời Chiến Quốc Sở Tương Vương đã mơ thấy thần nữ theo tích sau đây :
 
      CAO ĐƯỜNG THẦN NỮ 高唐神女.
      Theo thần thoại Trung Hoa, con gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Vương đi chơi ở Cao Đường, mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là "Đản vi triêu vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨"( Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi chiều ). Theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa : Mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến " Mây mưa ân ái giữa trai gái " mà thôi ! Vì thế, sau nầy hễ nhắc đến Thần Nữ Vu Sơn, Cao Đường Thần Nữ 高唐神女 là người ta nghĩ ngay đến một giai nhân tuyệt sắc gợi tình, và nói đến kéo mây làm mưa, hay nói gọn thành Mây Mưa, là người ta lại nghĩ ngay đến việc ái ân trai gái. Như cô Kiều đã ngăn Kim Trọng lại trong đêm gặp gỡ khi "Sóng tình dường đã xiêu xiêu",  mà kể lể rằng :

                   Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
                Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.
                   Mây Mưa đánh đổ đá vàng,
              Quá chìu nên đã chán chường yến anh...   
   
       Inline image
                  Cao Đường Thần Nữ 高唐神女

     Trong truyện Nôm khuyết danh Từ Thức của ta, viết theo truyện "Từ Thức Tiên Hôn Lục" của Nguyễn Dữ, cũng có câu :
                              Mộng hồn say giấc mây mưa,
                         Đá Vu Sơn tạc tiếng dư CAO ĐƯỜNG.
   
     Còn ...
     CAO ĐÌNH 皋亭 là Cao Đình Sơn ở ngoại ô phía bắc của Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, nơi có cả một rừng đào rực rỡ, phong cảnh hữu tình và là nơi thường diễn ra các cuộc tiễn đưa lưu luyến với câu "Cao Đình tương biệt xứ 皋亭相別處" là Chia tay ở chốn Cao Đình, như sau khi khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư thì Thúy Kiều đã tiễn đưa chàng Thúc với :

                      Tiễn đưa một chén quan hà,
                  Xuân đình thoắt đã dạo ra CAO ĐÌNH !
                       Sông Tần một dãy xanh xanh,
                  Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan...


                        Inline image  Inline image

      Còn...
      CAO QÙY 皋夔, CAO là CAO DAO 皋陶 (Đào) là viên quan Hình bộ giỏi dưới thờì Ngu Thuấn; QÙY 夔 là Nhạc quan của vua Thuấn. Trong văn học cổ thường mượn tên của hai người nầy để chỉ bề tôi giỏi. Trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải, một danh sĩ đời Mạc, có câu :

                      Tung hô ba tiếng kêu rần,
                 Áo xiêm Nghiêu Thuấn, đai cân CAO QÙY.

      Khi nhắc đến Tri Âm Tri Kỷ thì người ta cũng nhắc đến ...

      CAO SƠN 高山 là Núi Cao, nhưng trong văn học cổ CAO SƠN là khúc đàn Cao Sơn Lưu THủy 高山流水. Theo sách Liệt Tử chương Thang Vấn 列子·汤问 kể :

      Thời Tiên Tần, thuở Xuân Thu Chiến Quốc, có quan Đại Phu nước Tấn là Du Bá Nha rất giỏi về dao cầm. Còn tiều phu Chung Tử Kỳ của nước Sở lại rất giỏi về nghe đờn. Khi Bá Nha đờn mà lòng nghĩ đến núi cao thì Tử Kỳ khen " Nga nga hề nhược Thái Sơn 峨峨兮若泰山"(Vọi vọi thay như ở tận núi Thái Sơn); khi lòng Bá Nha nghĩ đến sông nước bao la thì Tử Kỳ lại khen " Dương dương hề nhược giang hà 洋洋兮若江河"(Mênh mông thay như nước sông giang hà). Bá Nha rất kinh ngạc mà bảo rằng "Thiện tai, Tử chi tâm nhi dữ ngô tâm đồng 善哉,子之心而与吾心同". Có nghĩa : "Giỏi thay, lòng của ông và ta cùng tương đồng nhau". Sau Tử Kỳ bịnh chết, Bá Nha buồn mất tri âm nên đập nát dao cầm suốt đời không đàn nữa.

     Vì tích trên mới có khúc đàn mang tên CAO SƠN LƯU THỦY. Trong truyện Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng có câu :
                                    Gió đưa nhẹ mái thuyền lan,
                           Điệu xoang LƯU THỦY, cung đàn CAO SƠN.


    Inline image
                         

      Trong bài hát nói "Nhân Sinh Thắm Thoát" của Cao Bá Quát với đôi câu thơ chữ Hán là :

            CAO SƠN LƯU THỦY thi thiên trục,         高山流水詩千柚,
            Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền. 明月清風酒一船.
Có nghĩa :
            Núi cao nước chảy thơ ngàn ý,
            Gió mát trăng thanh rượu một thuyền !
 
      Từ "Núi Cao" lại làm cho ta nhớ đến câu "Núi cao còn có núi cao hơn". Câu thành ngữ nầy khuyên ta phải biết khiêm tốn nhún nhường, đừng bao giờ tự kiêu tự phụ, tự cao tự đại, cho mình là giỏi hơn cả thiên hạ. Ông bà ta cũng để lại câu nói chữ Nho là "Cao nhân tất hữu cao nhân trị 高人必有高人治", có nghĩa : Người giỏi sẽ có người giỏi hơn để trị lại mình. Câu chữ Nho trên thuần túy của người Việt, còn người Hoa thì nói là "Nhứt sơn hoàn hữu nhứt sơn cao 一山還有一山高". Một núi đã cao rồi còn có môt núi khác cao hơn nữa !

      Phật Giáo cho rằng cuộc đời là bể khổ, chúng sinh cứ ngụp lặn trong bể khổ đó mà mãi vẫn không đến được bến bờ, nên mới khuyên là HỒI ĐẦU THỊ NGẠN 回頭是岸 : Biết quay đầu lại là bờ bến ! Còn Nho Giáo thì bảo là HỌC HẢI VÔ NHAI 學海無涯 là Biển học mênh mông không có nơi tận cùng. DUY CẦN THỊ NGẠN 唯勤是岸 chỉ có sự chuyên cần là bờ bến mà thôi. Ý muốn nói phải luôn luôn siêng năng học tập, bờ bến chính là cái thành qủa gặt hái được trong sự chuyên cần học tập đó mà ra. Và để khuyến khích sự siêng năng chuyên cần học tập, ông bà ta còn dạy rằng :

               Học vô tiền hậu,     學無前後,
               Đạt giả vi sư.         達者為師。
Có nghĩa :
           Sự học hành không có phân biệt trước sau gì cả,
           Hễ người nào thành đạt thì người đó đáng bậc thầy.

     Thành Đạt ngày xưa có nghĩa là thi đậu làm quan, được trọng vọng như bậc thầy, được nhà vua cử làm quan chủ khảo cho các khóa thi sau, làm thầy của đám hậu sinh ... Còn Thành Đạt ngày nay là sự thành công trong tất cả các mặt hoạt động của xã hội, như văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư, nhà buôn, nhà báo, nhà thầu, nhà sản xuất ... Và như câu nói "Hàng Hàng Xuất Trạng Nguyên 行行出狀元" nghĩa là : Ngành nghề nào cũng có Trạng Nguyên của ngành nghề đó cả !
   
      Trở lại với những từ được ghép với chữ CAO 高 trong văn học cổ, ta có từ CAO PHI 高飛 là Bay Cao. Khi Thúy kiều bị Bạc Hạnh lừa kết hôn rồi bán vào lầu xanh lần thứ hai, lúc "Đưa nàng vào lễ gia đường, Cũng thần mày trắng cũng phường lầu xanh", nên ...

                               Thoắt trông nàng đã hay tình,
                         Chim lồng không lẽ cất mình BAY CAO !                           
                                Chém cha cái số hoa đào,
                            Gở ra rồi lại buộc vào như chơi !

      Bay Cao là CAO PHI, mà CAO PHI thì luôn đi liền với VIỄN TẨU 遠走, thành ngữ CAO PHI VIỄN TẨU 高飛遠走, mà ta nói thành "Cao chạy xa bay" như các cụ đồ Nho xưa thường răn dạy :

                   Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,    善惡到頭終有報, 
                   CAO PHI VIỄN TẨU dã nan đào.       高飛遠走也難逃。
Có nghĩa :
           Hiền lành hay hung ác gì đến kết cuộc rồi cũng sẽ có báo ứng,
           Dù cho có CAO CHẠY XA BAY thì cũng vẫn khó mà trốn cho khỏi.

      Năm nay là năm Hợi, thành ngữ dành riêng cho lão Trư như trong bài viết " Năm Hợi Nói Chuyện ... Trư Bát Giới" hồi đầu năm là CAO CHẨM VÔ ƯU 高枕無憂. Có nghĩa : Gối đầu cao cao mà ngủ thoải mái không lo nghĩ gì cả ! Vì "nơi ăn chốn ở" đã có người ta lo sẵn cho hết rồi. Đâu có con nào khỏe hơn con heo, cứ ĂN NO NGỦ KỸ đợi ngày gả bán mà thôi !

      Ta lại có từ CAO LÂU 高樓 là Lầu Cao, nhưng từ nầy lại thường dùng để chỉ Nhà Hàng như ở phố cổ Hội An của ta vậy : Đi ăn CAO LẦU tức là đi ăn Nhà Hàng đó. Còn thành ngữ 4 chữ CAO LÂU ĐẠI HẠ 高樓大厦 là chỉ Nhà Cao Cửa Rộng, dịch cho sát nghĩa hơn là "Lầu Cao Nhà Lớn" mà trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du gọi là TÒA RỘNG DÃY DÀI, như khi Khuyển Ưng chụp thuốc mê bắt Thúy Kiều về nhà giao cho Hoạn Bà, lúc tỉnh lại Thúy Kiều mới ngơ ngác :

                       Ngước trông TÒA RỘNG DÃY DÀI,
                    Thiên Quan Trủng Tể có bài treo trên.


          Inline image  Inline image 
       
     
      Còn văn học hiện nay, ta có bài thơ "Mùa Xuân Bên Cửa Sổ" của Song Hảo đã được Xuân Hồng phổ nhạc mà giới trẻ hiện nay hay hát nghêu ngao :

                 

     CAO CAO bên cửa sổ,
                 có hai người hôn nhau
                 Đường phố ơi hãy yên lặng,
                 để hai người...
                 hôn nhau...!

       Cuối cùng ta có từ ...

       CAO THƯỢNG 高尚, CAO THƯỢNG có nghĩa là : Vượt lên trên sự tầm thường của thói đời, của con người, như Tâm hồn CAO THƯỢNG, xử sự CAO THƯỢNG, Con người CAO THƯỢNG, Sống vì một mục đích CAO THƯỢNG ... Cụ thể nhất là hai câu đối trước cổng chính của các Thánh Thất CAO ĐÀI GIÁO nêu rõ mục tiêu CAO THƯỢNG hướng tới của bản giáo là Hoà Bình Dân Chủ và mang lại quyền Tự Do cho cả Trung Nam Bắc ba kỳ, như sau :

Inline imageInline image
                   CAO THƯỢNG chí tôn, đại đạo hòa bình dân chủ mục;
                     高       尚        至  尊, 大  道     和   平     民  主    目;          
                   ĐÀI tiền sùng bái, tam kỳ cộng hưởng tự do quyền.
                     臺    前    崇   拜, 三    祈   共      享    自 由     權。

   


            Xin hẹn bài viết tới !

             ĐỖ CHIÊU ĐỨC

       



Không có nhận xét nào: