CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

CÒN TẤC LÒNG VẪN GỬI LẠI NƠI QUÊ - TRẦN LAN CHÂU


                                           

Khôi Nguyễn
17:24, Th 4, 15 thg 4 (16 giờ trước)


Còn tấc lòng vẫn gửi lại nơi quê - Hànộimới





CÒN TẤC LÒNG VẪN GỬI LẠI NƠI QUÊ - Trần Lan Châu
(HNMCT) - Lần đầu tôi gặp nhà văn Nguyễn Khôi cách đây hơn 20 năm. Lúc chia tay, ông tặng tôi tập thơ gồm 100 bài tứ tuyệt. Trong tập, có bài Trưa rừng ấy (cũng là tên tập thơ) mà sau này, mỗi lần đọc lại, tôi vẫn thấy lòng mình dạt dào cảm xúc: “Trưa rừng ấy cùng em nằm yên ả/ Mây trời xanh cây lá cả ngàn xanh/ Chỉ có nắng ở trên lưng ngọ nguậy/ Con ong vàng ve vẩy mắt long lanh”.


                 


   CÒN TẤC LÒNG VẪN GỬI LẠI NƠI QUÊ
                                                              

Nguyễn Khôi sinh năm 1938 tại Yên Bái, quê gốc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội vào năm 1963, ông lên công tác tại Sơn La; từ năm 1984 công tác tại Văn phòng Quốc hội; năm 1987 tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tài chính Saint Petersburg (Liên bang Nga ngày nay)... Điểm qua vài nét “lý lịch” để hiểu, Nguyễn Khôi là người học hành bài bản, đi rộng hiểu nhiều, lợi thế đó được ông thể hiện rất rõ trong thơ văn.

Gắn bó với đồng bào dân tộc Thái 21 năm, ông đã tìm hiểu phong tục, tập quán của người Thái ở Sơn La. Tình cảm yêu mến ấy được ông thể hiện qua các tập thơ văn: Gửi bản Mường xa xăm (thơ, 1998), Xứ Thái mù sương (tùy bút, 2001), Trưa rừng ấy (thơ, 2005) và đặc biệt là bản dịch truyện thơ Sống chụ son sao. 1.024 câu thơ trong Sống chụ son sao - Tiễn dặn người yêu, tập đại thành của văn học dân tộc Thái (Thái đen), đã được Nguyễn Khôi dịch ra tiếng Việt, chuyển thể song thất lục bát. Năm 2011, Tiễn dặn người yêu do Nguyễn Khôi biên dịch và khảo cứu được Nhà xuất bản Văn học in lần thứ 3. Nhận xét về bản dịch này, nhà thơ Quang Hải đã viết, “chất thi sĩ của người Kinh Nguyễn Khôi đã nhập hồn vào những câu thơ Thái rất đẹp và duyên dáng...”. 

Nguyễn Khôi là người luôn nghĩ đến việc tri ân mảnh đất sinh thành - quê hương Đình Bảng, Bắc Ninh. Tình cảm sâu sắc đó đã được ông thể hiện sinh động qua bộ Cổ Pháp cố sự, bốn tập, 920 trang. Tập một Chuyện làng Đình Bảng xưa (NXB Dân tộc, 2003), tập hai Thiền sư Vạn Hạnh - Sấm vỹ thi nhân (NXB Văn hóa dân tộc, 2006), tập ba Bàng gia vọng tộc (NXB Văn hóa dân tộc, 2007), tập bốn Chuyện làng, chuyện quê (NXB Văn hóa Thông tin (2009).

Những trang viết của Nguyễn Khôi giúp người đọc “vỡ ra” nhiều câu chuyện xa xưa ở xứ Kinh Bắc mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu. Ví dụ như Đình Bảng, tên nôm là Kẻ Báng, áp sang tên chữ là Dịch Bảng, rồi Đình Bảng (làng Báng Lớn), thuộc hương Diên Uẩn, sau đổi là Cổ Pháp. Qua tư liệu của Nguyễn Khôi, chúng ta hiểu “Lý Công Uẩn” là cách gọi kính trọng của người xưa đối với vị vua họ Lý người ở hương Diên Uẩn. Hay, từ xa xưa, dân gian vùng này truyền tụng câu: “Bao giờ rừng Báng hết cây/ Tào Khê hết nước, Lý nay lại về”. Sự ứng nghiệm thật kỳ diệu, gần đây, ông Lý Xương Căn từ Hàn Quốc về Đình Bảng nhận họ.

Sử chép, khi nhà Lý hết vận, năm 1226, Lý Long Tường, con vua Lý Anh Tông cùng sáu nghìn gia thuộc vượt biển định cư ở Trấn Sơn, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly (Hàn Quốc ngày nay). Năm 1232 và 1253, (cùng thời với Trần Hưng Đạo ở Đại Việt), Lý Long Tường đã chỉ huy quân dân Cao Ly hai lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược. Vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường thành Hoa Sơn tướng quân. Một ví dụ nữa, lâu nay, khi đọc câu ca: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, nhiều người tưởng đó là ca dao, nhưng khi đọc Bàng gia vọng tộc của Nguyễn Khôi mới biết đó là hai câu trong một bài thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân (hậu duệ vua Lý Thái Tổ)...

Cổ Pháp cố sự là một công trình biên khảo công phu, tác giả đã khai thác, phát huy vốn văn sử chính thống cùng văn học dân gian một cách nhuần nhuyễn, khoa học với những chứng cứ khảo cứu trung thực về quê hương cội nguồn nhà Lý xưa và nay.

Ngoài các tác phẩm nêu trên, Nguyễn Khôi còn biên soạn Bắc Ninh thi thoại, giới thiệu 10 thế kỷ thơ ca xứ Kinh Bắc, đến nay đã in đến lần thứ ba; Các dân tộc ở Việt Nam cách dùng họ và đặt tên (2006); Sơn La ký sự (2013). Năm 2017, ở tuổi 80, ông trình làng Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại.

Đọc các tác phẩm thơ, văn của Nguyễn Khôi, bạn đọc yêu mến nhận xét, ở ông có “nhiều nhà trong một nhà”, ở lĩnh vực nào ông cũng đạt được thành tựu, nhưng ông khiêm tốn rằng mình chỉ là người có đóng góp một phần trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc mà thôi. Nhà văn Duy Phi viết: “Nhà thơ Nguyễn Khôi sống giàu nghĩa khí, tâm huyết với văn chương. Dù ông ở nơi đâu thì “Còn tấc lòng vẫn gửi lại nơi quê”. Đó là một bản lĩnh, một nhân cách, rất đáng trân trọng.

                  TRẦN LAN CHÂU


Không có nhận xét nào: