KÝ ỨC MỘT THỜI…
QUẢY GÁNH !
Mang, xách, cõng, kéo, đeo… để thích ứng với mọi tình thế là một hành động hàng ngày của mọi dân tộc trên thế giới, nhưng có lẽ gánh là một phát minh, duy nhất chỉ có dân Việt-Nam? Sáng kiến làm nên một cây đòn gánh, hai đầu có đôi gióng nâng hai chiếc thúng mủng để gánh, miền Bắc gọi là “quang gánh”, miền Nam gọi là “quảy gióng gánh”, đó là hình ảnh của một thời, bây giờ đã nhạt nhòa, chỉ còn lại những ký-ức xa xưa.
Cây đòn gánh và đôi gióng là một vật dụng hàng ngày mà bất cứ gia đình nông thôn nào cũng có ít nhất là một cặp, gia đình đông người thì nhiều cặp. Cây đòn gánh nguyên mẫu của nó được làm bằng một loại gỗ rất dai, đó là loại gỗ dùng để làm cánh cung, ná. Cây đòn gánh phải dẻo, không bị liệt khi dùng lâu, dài chừng 1,40 mét, hai đầu có gắn cái mấu (chốt) để giữ đôi gióng không tuột. Bề mặt đòn gánh phải đúng kích cỡ, ở giữa bản lớn, hai đầu nhỏ một cách cân đối để gánh khỏi đau vai… Cây đòn gánh này phải là thợ mới làm được, chớ “tay nang” không thể, trừ đòn gánh làm bằng tre, loại phổ thông không có đẳng cấp. Cây đòn gánh chức năng là… gánh, nhưng có đôi khi đòn gánh dùng để khều, móc… và phòng thân khi bị kẻ xấu tấn công! Cây đòn thì có nhiều loại dùng để khiêng, đỡ, chống… nhưng đòn gánh là riêng biệt, chỉ dùng để gánh nên mới gọi là… đòn gánh.
Đòn gánh gắn liền với đôi gióng, hai vật này bất ly thân, đòn gánh mà không có đôi gióng thì trở nên vô dụng và ngược lại. Nói về đôi gióng làm bằng dây mây, thì cũng phải là thợ thắt mới được. Nhìn đôi gióng có vẻ mảnh mai, nhưng nó chắc hơn sắt thép, sức chịu đựng bền bỉ.
Trai gái thôn quê ở thế kỷ 20 lớn lên chừng bảy, tám tuổi là phải tập gánh, nhất là nữ, quảy gánh chiếm một phần không nhỏ trong công dung ngôn hạnh. Ngày ấy, lúa gạo, khoai sắn, đất đá… đều phải gánh. Quảy gánh là một phương pháp ít tốn sức người, nhưng đem lại hiệu quả. Ở biển gánh cá, ở rừng gánh củi, ở ruộng gánh lúa, và gánh nước là một công việc thường nhật trong những đêm trăng, những sớm bình-minh, những chiều hoàng-hôn sắp tắt. Giếng làng, một nơi hò hẹn, những câu chuyện xóm làng, những tình cảm trai gái cũng bắt đầu nảy nở từ những đôi thùng gánh nước này. Quảy gánh, một nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa, nhưng ngày nay nó bị mai một vì không còn dùng đến sức người nữa?
Ở Saigon, có những người đàn ông tứ xứ, tạm cư nơi đất khách quê người, họ quảy gánh, gánh những trái dừa bên hông Dinh Thống-Nhất (Dinh Độc-lập) để bán, người ngoại quốc thấy lạ, họ ghé vai gánh thử, tỏ ra thích thú lắm! Và cũng mảnh đất Saigon này, người miền Trung tạm kiếm sống qua ngày còn giữ được văn hóa gánh, gánh đậu hủ, chè cháo… bán dạo với giọng đặc sệt tiếng Quảng mà không lẫn vào đâu được.
Mẹ tôi, những ngày tản cư, gánh em tôi một đầu, còn đầu bên kia là nhu yếu phẩm. Tất cả dân làng chạy giặc đều dùng gánh để gánh những tài sản. Đặc biệt hai đầu gánh trọng lượng phải bằng nhau, khi cây đòn gánh ở trên vai thì phải đi nhanh mới cảm thấy nhẹ. Tôi lúp-xúp chạy theo sau mẹ tôi, cái âm thanh kẽo- kẹt của gióng gánh đã ru em tôi vào giấc ngủ ngon lành.
Tất cả các loại gánh mà người nông dân Việt-Nam gánh đều nhẹ, vừa sức, chỉ có một thứ gáng rất nặng đó là “Gánh lo”, nên Dale Carnegie chân tình khuyên “Quẳng gánh lo đi…”. Gánh là động từ, thuở ban đầu là quảy gánh, nhưng về sau có “những tổ hợp tương đương” như gánh bớt, gánh vác, gánh vai, gánh nặng, gánh nợ… ẩn chứa biết bao yêu thương và hy sinh cao cả !
Đôi gióng và cây đòn gánh là một sáng kiến của người nông dân để chuyên chở phục vụ cuộc sống. Họ lên rừng tìm dây mây, loại bò dưới đất, tuyển lựa loại có tuổi, chẻ, vót, rồi nghĩ ra cách thắt. Còn cây đòn gánh thì tìm loại gỗ dẻo, dai, có tính đàn hồi cao, ngay cả cái mấu gắn ở hai đầu cây đòn gánh được làm bằng đồng rất tinh vi, mẫu mã đầy tính nghệ thuật của văn minh miệt vườn, mà ngày nay khó có cách nào thay thế được. Đây có thể gọi là một công trình “vĩ-đại” và nếu nói theo cách nói của thế kỷ 21: “Công trình khoa học cấp Nhà nước!”. Cây đòn gánh và đôi gióng nó bền vững, có đôi khi thọ hơn… con người!
Gánh, chỉ cần một từ này thôi cũng đã đủ để nói lên biết bao hình ảnh vui buồn, nhọc nhằn, dầm mưa dãi nắng, lấm lem bùn đất của những người nông dân khi ánh sáng văn minh chưa soi rọi tới thôn làng. Và người dân nông thôn sinh ra là chuẩn bị đôi vai oằn lưng mà gánh, trong đó gánh gia đình, gánh cuộc đời là nặng nhọc nhất.
Trong những năm kháng chiến, nhạc sĩ Phạm-Duy có nhiều bản tình ca, nhưng ông không quên dành cho “Gánh” một chỗ trang trọng trong đời sống âm nhạc lúc bấy giờ. Cũng vì nhạc Phạm-Duy có chữ “Gánh” này mà tôi biết thương mẹ tôi, anh chị em tôi với những gánh lúa, gánh khoai nặng vai chập choạng trên bờ ruộng, con đê gập ghềnh, xiêu vẹo trở về nhà trong những chiều tắt nắng. Hãy xem nhạc sĩ Phạm-Duy “Gánh” nhiều quá:
“… Chiều về, chiều về trên cánh đồng xanh
Có nàng gánh lúa cho anh, anh đi giết thù
Ú u ù… chiều về trên cánh đồng xanh…”
(Nhạc phẩm Từ ngày chinh chiến mùa thu – Phạm-Duy.
Và Phạm-Duy cũng đã đi thẳng vào chủ đề “Gánh lúa” để viết một nhạc phẩm hối hả như người gánh lúa:
“… Mênh mông, mênh mông… sóng lúa mênh mông…
Gánh gánh gánh, gánh thóc về… Gánh thóc về…”
(Nhạc phẩm Gánh lúa – Phạm-Duy).
Một hình ảnh khó quên trong tôi, một đứa bé quê đầu trần chân đất trong những ngày chiến tranh ở một làng quê nghèo không tên:
“… Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là xong
Khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng…”
(Nhạc phẩm Em bé quê – Phạm-Duy).
Cây đòn gánh và đôi gióng thấp thoáng, ẩn hiện đâu đó trên quê hương, nhưng “gánh cuộc đời” như một định mệnh theo ta cho đến khi hết kiếp.
TRANHUUNGU
( Một ngày, nhớ mẹ tôi, gồng gánh suốt cả cuộc đời)
Nguồn : từ Facebook của tác giả Trần Hữu Ngư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét