CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

NHỚ MÙI KHÉT NẮNG HÔI TRÂU - TỪ KẾ TƯỜNG

 


NHỚ MÙI KHÉT NẮNG HÔI TRÂU

Lúc nhỏ tôi ở quê, nhà nghèo, ba tôi đi biền biệt, má tôi một mình làm ruộng nuôi hai anh em tôi với 10 công ruộng của một chủ điền. Nhà nghèo nên cũng chẳng có nổi một con trâu để cày bừa mà toàn thuê. Tới mùa lúa chín cuối năm gặt, đập, phơi, giê sạch má tôi trả công trâu cày, bừa và mọi thứ khác bằng lúa (đong bằng giạ). Còn bao nhiêu đổ vô bồ, chà gạo ăn dần cho tới mùa lúa năm sau.
Con trâu đối với nhà nông là “đầu cơ nghiệp”. Nhà thuộc loại trung nông thì có một con trâu, khá hơn trung nông chắc là phú nông thì có đôi trâu. Hoặc là đôi trâu đực, hoặc là đôi trâu một đực một nái. Nhà nào có nuôi trâu rất dễ nhận biết, thứ nhất là sân sau hay sân trước thường có một cây rơm to đùng, để dành cho trâu ăn trong mùa nắng thiếu cỏ tươi. Thứ hai bên hông nhà hoặc sau nhau thường có một chuồng trâu, cất bằng cột dừa, mái lá và bốn bên không dừng vách. Thứ ba, tối đến trong chuồng trâu có đốt con cúi (bện bằng rơm, thật chặt) để lấy khói un muỗi không cho cắn trâu.
Nhà trung nông thì con cái họ ngoài việc học ra, giờ rảnh ở nhà phải chăn trâu, nhà phú nông thường mướn một đứa nhỏ chăn trâu. Sáng dắt trâu ra đồng ăn cỏ, chiều tối dắt trâu về chuồng, đốt con cúi xua muỗi cho trâu, đứa nhỏ chăn trâu coi như xong nhiệm vụ của một ngày, có quyền ra về. Sáng sớm hôm sau tiếp tục. Trâu ăn no rất dễ nhận biết, vì bụng trâu phình to ra, căng phồng. Trâu đói bụng hóp lại, lòi mấy cái xương sườn. Chủ trâu nhìn trâu về chuồng biết trâu no hay đói để ứng xử với thằng nhỏ chăn trâu.
Hồi đó tôi có thằng bạn thân, tên nó là Đực, người nó mập, lùn, da ngâm đen, lúc nào cũng ở trần trùi trụi, cho dù đang lúc giang nắng chăn trâu ngoài đồng nên tụi tôi gọi nó là thằng Đực cổ. Thằng Đực cổ chăn trâu mướn cho một phú nông trong làng, vì chăn trâu mướn nên nó không được đến trường nhưng lại rất ham học. Tôi và thằng Đực cổ giao kết: Nó cho tôi theo nó chăn trâu, được leo lên lưng con trâu của nó chăn nằm vắt chân chữ ngũ nhìn trời, ngắm mây bay, ngắm chuồn chuồn bay thấp bay cao. Đổi lại tôi phải làm “thầy giáo” dạy nó học chữ. Dạy nó học ngay trên lưng trâu, hay trong bóng mát của bụi keo gai khi nó thả trâu ăn cỏ.
Chăn trâu là một công việc nhẹ nhàng và thú vị. Chỉ việc dẫn trâu ra đồng thả rong cho nó đi ăn cỏ, hoặc cao hứng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu ca hát, hoặc ôn bài. Quê tôi ngày xưa đồng ruộng mênh mông, không gì ung dung tự tại bằng ngồi trên lưng trâu, giữa cánh đồng mênh mông, hoàn toàn tự do. Chính vì thế nên tôi rất muốn mình đổi cái công việc chăn trâu cho thằng Đực cổ, còn nó sẽ đi học thay tôi. Nhưng ước mơ trẻ con đó chỉ là ước mơ thôi.
Nhưng rồi tôi biết được chăn trâu không phải là một việc dễ dàng mà một đứa trẻ con chẳng có kinh nghiệm gì như tôi có thể đảm nhận vai trò thay cho thằng Đực cổ được. Đó là chuyện… trâu giành đồng, hay trâu tới mùa động đực. Trâu tới mùa động đực giành đồng để giao phối với trâu cái (trâu còn tơ gọi là trâu nghé, đực cái gì cũng là nghé. Nhưng trâu cái tơ lớn lên khi trưởng thành để giao phối thì gọi là trâu cái. Trâu cái đẻ con rồi thì gọi là trâu nái). Trâu đực mà tướng tá “bụi đời” gọi là trâu cui, trâu đực trưởng thành gọi là trâu cổ. Trâu cổ rất hung hăng, sức mạnh kinh khủng sẵn sàng lao vào tấn công đối thủ bất kể sống chết khi giành dồng, giành trâu cái.
Thằng Đực cổ đã giải thích với tôi khi tôi thắc mắc tại sao con trâu đực nó chăn lại mang trước cổ một cái… chày bằng gỗ to đùng. Đó là vật cản làm cho con trâu đực bớt hung hăng, vì mỗi lần con trâu Đực giành đồng với trâu đực khác là từ xa phóng tới, hai con cụng đầu vào nhau nghe một tiếng “kình” rất ghê rợn, cái chày gỗ đeo trước cổ con trâu đực hung hăng sẽ va vào những bước chân của con trâu là nó đau, vướng víu phải chậm lại. Tôi đã thấy con trâu đực giành đồng mài sừng trên bờ ruộng mới ghê, nó mài cặp sừng bóng lộn, bén ngót rồi bất ngờ lao tới đối thủ bằng trớn chạy hết tốc lực. Và “kình” một phát vang cả cánh đồng. Hai con trâu đực mà húc nhau thì đất ruộng chung quanh bị cày xới lên, cỏ rạp xuống. Tiếng va chạm kinh hồn cho tới khi có con trâu đực chịu thua, bỏ chạy thì trận chiến kinh hoàng mới chấm dứt.
Nhưng sau mùa động đực thì những con trâu đực vạm vỡ, hung dữ, có sức mạnh kinh hồn trở lại… hiền khô. Thằng Đực cổ dạy tôi cách điều khiển đôi chân kẹp cổ con trâu đực, ra lệnh cho nó đi sang bên phải hay bên trái, vỗ đầu thế nào để con trâu quỳ hai chân trước xuống cho mình treo lên lưng…Ngược lại tôi phải dạy cho thằng Đực cổ bài hát thiếu nhi “Tía em, má em” của nhạc sĩ Văn Lương:
“Tía em hừng đông đi cày bừa
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em là một người nông dân
Cùng sống trên đồng bao la
Những đêm vầng trăng lên tròn tròn
Gió đưa ngàn cây nghe xạc xào
Chúng em cùng hợp đàn vui chơi
Chúng em cùng hợp đàn vui ca
Trong ánh trăng ngà lung linh…”
Tôi xa quê nửa đời người. Khi về lại quê làng thì thằng Đực cổ không còn nữa. Nó chết trong chiến tranh. Đồng đất quê tôi không còn bóng dáng con trâu nào vì ruộng đã biến thành vườn hay thành ao, thành vuông nuôi tôm công nghiệp. Tôi đi từ đầu làng tới cuối làng, loanh quanh khắp xóm không thấy nhà ai có cây rơm, có chuồn trâu như trong ký ức. Tôi bỗng nhớ đến ngậm ngùi mùi phân trâu, mùi khét nắng hôi trâu trên mái tóc ngắn ngủn thời thơ ấu của mình.


TỪ KẾ TƯỜNG

Không có nhận xét nào: