CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

MỘT CHÚT TÂM TÌNH KHI ĐỌC BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYÊN LẠC- NHÃ MY






Ảnh TG Nguyên Lạc                         
 NHÃ MY





MỘT  CHÚT  TÂM TÌNH  KHI ĐỌC  BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG  CỦA  NGUYÊN LẠC

Trên các trang văn học mạng, mấy ngày nay , có đăng  một bài thơ mới viết về chủ đề Quê Hương của tác giả Nguyên Lạc . Bài thơ khá dài ,gồm 5 khổ thơ thể 6 chữ , nguyên bản như sau:

QUÊ HƯƠNG

Ôi lịch sử những dòng đời cay nghiệt,
Những tự hào hoá giải với oan khiên.
                          (Trần Kiêm Đoàn)

Quê hương có gì để nhớ
Mà sao nước mắt lưng tròng?

                    ***
1.
Quê hương. chiếc đò nho nhỏ
Qua sông. kham khổ từng ngày
Thân mẹ vai gầy. gánh khổ
Thương con. chịu nổi đắng cay

Quê hương còn đầy thương nhớ
Ngoại nhai tóm tém trầu cay
Mẹ mày. thằng cháu mất dạy
Rong chơi lêu lổng suốt ngày

Quê hương làm sao không nhớ?
Cầu tre lắt lẻo sáng mai
Đường vui. trống trường réo gọi
Cây cao. chim hót từng bầy

Chia nhau từng viên đạn nhỏ
Bịt mắt. kiếm  tìm. Ai đây?
Chia nhau nỗi lo thầy gọi
Nhói đau. thước khẽ bàn tay
Chia nhau trái me keo ngọt (+)
Chia nhau từng tiếng cười đầy

Quê hương làm sao không nhớ?
Dòng sông tuổi trẻ mênh mang
Bần de. phóng đùng. nước mát
Lặn tìm. chân bắt. la vang
Bờ sông. chị khàn tiếng gọi
Vết roi cha đánh. tím bầm!

2.
Quê hương đỏ màu phượng vĩ
Hè sang. ve sầu khóc vang!
Tạ từ. lời ca ly biệt
Buồn trao lưu bút. lệ tràn!
Biết rồi mùa sau gặp lại?
Hay rồi đôi ngả ly tan!

Quê hương.buồn vui gác trọ
Thả hồn. giọng Khánh Ly khàn
Chia nhau. chút đầu thuốc vụn
Khói bay. theo khúc tình tan

3.
Bao năm đời này vẫn nhớ
Xuân nao. thay đổi phận người!
Bể dâu. biệt ly. mong đợi!
Khổ đau thay thế nụ cười!

Bao năm chém tre đẵn gỗ
Bạn bè. chết không nấm mồ!
Mẹ già vượt đồi núi khổ
Thăm con. lệ cạn mắt khô!

Con ơi. vợ con Kiều đó
Bán thân. lo giúp cho chồng!
Chữ Trinh. thôi đành phụ bạc!
Đoạn trường. con biết hay không?!

4.
Bao năm đời này vẫn nhớ
Đêm thâu. xuôi mái theo dòng
Người đi. không lời từ biệt
Buồn ơi. tím biếc dòng sông!

Quê hương ta ơi. thôi nhé!
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!
Rặng cây quê hương mờ bóng
Có còn gặp lại được không?

5.
Quê hương hoài mong thương nhớ
Cô thân. lưu lạc phương người
Chiều nay. nhớ dòng sông ấy
Lục bình hoa tím hoài trôi!
Quê hương ta ơi... đừng nhớ!
Muộn phiền. cay đắng mà thôi!

Cố quên. sao lòng vẫn nhớ!
Quê hương nhớ lắm... người ơi!

Quê hương còn gì để nhớ
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

Quê hương sẽ còn để nhớ?
Quê hương đáng nhớ không người ?!
NGUYÊN LẠC


        Nhà phê bình Châu Thạch ,nhạy bén và với bút lực dồi dào đã nhanh chóng viết một bài nhận xét , so sánh  bài thơ này của tác giả Nguyên Lạc với bài thơ  cuả tác giả Đỗ Trung Quân cùng chủ đề  có tựa '' Bài học đầu cho con'' , một bài thơ nổi tiếng và đã được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc tựa đề Quê Hương.
Bài viết của tác giả Châu Thạch rất hay,  nhận định rõ ràng , lời văn trôi chảy, người đọc dễ dàng nắm bắt được những điểm chính giữa hai bài thơ cùng một chủ đề này , cũng như '' hai tâm tình '' của hai tác giả.*
         Tôi không viết phê bình , không ''ăn theo'' một bài thơ hay mà vì đồng cảm và xúc động  khi đọc qua bài thơ của tác giả Nguyên Lạc nên xin được gởi gấm mấy dòng tâm tình này .
          Với lồi viết trần tình , ngôn ngữ chân phương giản dị , bài thơ cuả tác giả Nguyên Lạc ,đã dẫn dắt người đọc qua từng giai đoạn đời người, dễ dàng '' thẩm thấu'' vào tâm hồn người đọc và nó trở nên một bài thơ hay và thật như nhận định của nhiều người.
         Tác giả mở đầu bằng một câu tưởng như phủ định '' quê hương có gì để nhớ " , để rồi ở đoạn 1 ,vẽ ra những hình ảnh '' ở nhà quê'' với bà mẹ '' vai gầy , gánh khổ, ngày ngày kham khổ qua sông kiếm sống vì thương đàn con (đang thiếu đói). Rồi hình ảnh đầy thương nhớ của bà '' nhai trầu tóm tém'' , mắng yêu thằng cháu ''mất dạy'' nghịch phá , lêu lỏng , rong chơi '' mẹ mầy ''  (...cha mầy ) . Càng gợi nhớ hơn nữa với những kỷ niệm đẹp , ngọt ngào của những ngày còn bé'' dòng sông mênh mang, những nhánh bần de, bọn trẻ '' phóng đùng'' xuống dòng '' nước mát'' rồi lặn , rồi tìm , bắt chân , la lối đầy nghịch ngợm , thích thú ham vui  đến nỗi chị phải réo gọi đến khàn tiếng và cha đánh đòn bầm tím vết roi ! Hay niềm vui theo từng tiếng trống trường , trên đường đi học có tiếng chim hót trên cao , cùng đám bạn chia nhau những trò chơi , chia nhau từng tiếng cười , và lo sợ khi nghe thầy gọi( trả bài)  , để rồi có khi (làm bài sai , không thuộc bài , nói chuyện  hay lơ đểnh trong lớp học ..gì đó ...) cũng bị thầy ban cho vài thước kẻ vào bàn tay !
Ở đoạn 2 , lớn lên chút nữa, tuổi mộng mơ đã biết '' trao lưu bút'' mỗi dịp hè về, đã  phân vân sau mùa chia tay , từ biệt không biết còn gặp lại bạn bè hay không .Rồi '' buồn vui gác trọ '' '' hút thuốc'' '' nghe nhạc'' khi lớn hơn chút nữa.
Đoạn 3: '' mùa  định mệnh '', đã làm thay đổi bao số phận con người, bể dâu với những nghiệt ngã , đoạn trường ! ''Bể dâu. biệt ly. mong đợi!/Khổ đau thay thế nụ cười!'' ''Bao năm chém tre đẵn gỗ/Bạn bè. chết không nấm mồ!''. ''Mẹ già vượt đồi núi khổ/thăm con. lệ cạn mắt khô!'' ''Con ơi. vợ con Kiều đó/bán thân. lo giúp cho chồng!''
Đoạn 4: '' con đường từ biệt '' với bao nổi buồn chua xót "nước mắt lưng tròng " ''Rặng cây quê hương mờ bóng/Có còn gặp lại được không?''
Đoạn 5 là nỗi niềm của người tha hương lưu lạc  '' Quê hương hoài mong thương nhớ/Cô thân. Lưu lạc phương người /Chiều nay. nhớ dòng sông ấy/Lục bình hoa tím hoài trôi! ", với những trở trăn , dằn xé giữa hai thái cực '' nhớ hay quên ".
Bài thơ khép lại với hai câu kết đầy trăn trở " Quê hương sẽ còn để nhớ?/Quê hương đáng nhớ không người ?!''

Theo lời cả TG Nguyên Lạc , bài đăng trong báo Thế Giới Mới( Hoa Kỳ )là được trích dẫn từ đường link cuả blog NM . Xin cảm ơn quí báo .



ĐÔI DÒNG TÂM CẢM :

Quê hương là dòng sửa mẹ. '' Quê hương mỗi người chỉ một / Như là một mẹ mà thôi !" (Đỗ Trung Quân ). Có lẽ trong chúng ta ai mà không  nghĩ và mong muốn như vậy , bởi mẹ  là nguời duy nhứt , cưu mang nặng nhọc , sinh dưỡng khổ công , mẹ là hình ảnh mà xưa nay ai cũng trân trọng , quý yêu . Thế nhưng , vì hoàn cảnh nào đó , có những đứa con phải chia lìa cốt nhục, cắt đứt tình cảm thiêng liêng mà bỏ ra đi , rồi đến một chân trời xa lạ nào khác , xa cách , có khi là tạm thời mà cũng có khi là vĩnh viễn thì thử hỏi có đau lòng không ?  Rồi , vì cuộc sống mới , những đứa con lưu lạc này phải nhận thêm một quê hương thứ hai khác , như là một bà mẹ nuôi , không sinh mà có dưỡng, bên hiếu , bên tình, bên thương , bên nhớ, canh cánh bên lòng những nỗi xốn xao ! Người bên mẹ , tâm tình cố định , kẻ ra đi sóng gió dập duềnh . ''Ngựa Hồ gầm gió Bắc , Chim Việt đậu cành Nam'', con vật còn có tánh linh, huống hồ chi con người vốn đa mang nhiều tình cảm !
Có một câu nói mà người tha hương vẫn hay nghe nhắc đến " chúng ta ra đi mang theo quê hương'' Có người hỏi '' quê hương đâu phải cục đất , cái lu, cái hủ hay đứa con nít mà mang theo được ? '' Đúng ! Quê hương không đơn giản chỉ là vật chất là đất là núi là sông là đền đài , nhà cửa , chợ búa ... mà còn ẩn chứa phần hồn , là những thứ thiêng liêng đã ăn sâu vào tâm khảm của con người . Một câu hò , một giọng nói , một gương mặt , một làn gió  , một món ăn...tất cả tinh hoa chắc lọc thành kỷ niệm , tạo nên hồn dân tộc , hòa quyện với nhau trong ký ức mỗi khi chợt nhớ về nơi chốn mà mình đã sinh ra , đã lớn lên ,và (chua xót hơn ) đã phải bỏ ra đi ! Cho dù trong thực tế , cùng với sự  phát triển và lớn lên của lớp trẻ  tài giỏi , thành công nơi đất khách thì một '' cộng đồng vật chất '' cũng nẩy sinh và phát triển do lớp người cũ xa quê cố gắng tạo nên .  Những vườn rau , cây chuối , giàn bí , giàn bầu , trái thanh long, nhãn , chôm chôm ... trồng trên đất nguời  xum xuê tươi tốt .Cơ sở bán buôn mang tên và viết bằng chữ bản xứ , ngay cả cái chợ chồm hổm có các mẹ , các bà đội nón lá cũng dần dần được bà mẹ nuôi vốn tánh tình hào phóng, bao dung  chấp thuận  để cho những đứa con lưu lạc tạo ra một '' quê hương nhỏ theo bản gốc '' lồng  trong quê hương mới cho đỡ nhớ thương. Nhưng rồi ,thì sao ?  Ký ức cũ , kỷ niệm xưa có thể nào phai nhạt hoặc vĩnh viễn quên đi ? Bao nhiêu khúc nhạc , bài thơ   về quê hương , cố quốc  đã nói lên điều đó !  Phải đối diện với ký ức và thực tại , dẳn vật bởi nỗi nhớ , điều muốn quên thì chắc có mấy ai vui , nếu không muốn nói là khổ sở! Tác giả Nguyên Lạc chắc cũng đã có nhiều đêm trằn trọc , muốn xua đuổi những bóng dáng , những hình ảnh cũ , muốn xóa nó đi trong ký ức đau buồn , nên đã thốt lên :
''Quê hương ta ơi... đừng nhớ!
Muộn phiền. Cay đắng mà thôi!

Cố quên. Sao lòng vẫn nhớ!
Quê hương nhớ lắm... người ơi!''
        Đọc bài thơ ,tôi cảm thấy quá thấm thía với tâm tình của tác giả , chia xẻ từng niềm vui , nỗi khổ mà ''buồn vui nước mắt lưng tròng ".  Và còn thấm thìa hơn với 2 câu kết :
''Quê hương sẽ còn để nhớ?
Quê hương đáng nhớ không người ?!''
Quê hương còn đó không mất , nhưng biết đâu sẽ mai một  , quên đi và mất đi trong ký ức ,  sẽ không được thành hình trong lớp trẻ thế hệ thứ hai , thứ ba sinh ra và lớn lên nơi đất khác ! Cũng có thể suy luận như tác giả Châu Thạch đã viết :" có lẽ người có thể quên quê hương là những người đang ở trên quê hương , người có thể phá quê hương là những người đang ở trên quê hương . Bởi những người đi xa , không có quê hương nên mới nhớ , không thể không nhớ được . Họ không cầm vận mệnh quê hương trên tay nên cũng không  làm sao phá  được bằng những người trực tiếp với quê hương''.**
         Nếu bảo bài thơ  Quê Hương của Giang Nam là một bức tranh đẹp nhưng buồn vì nó được lồng vào một  cuộc tình đẹp mà đoạn kết bi thương , bài thơ  ấm lên thơm nồng  cùng mùi đất và trở nên thiêng liêng bất tử'' yêu quê hương vì trong từng nắm đất / Có một phần xương thịt của em tôi '',  bài cuả Đỗ Trung Quân  một viên ngọc toàn  bích không tỳ vết ,  một bức tranh đẹp mà bà mẹ đã in vào đầu óc non nớt cuả đứa trẻ vì yêu con , bức tranh naỳ quá đẹp và vì lý tưởng quá nên không chứa thêm nhiều nét khác , thì bức tranh quê hương mới của Lạc Nguyễn là bức tranh đầy đủ  những gam màu ,nét chấm phá  cuả một người'' đã lớn được làm người'' , trãi qua kinh nghiệm , tình cảm , trải qua giai đoạn  của lịch sử đau buồn mới .Đây là một bức tranh đẹp và thật , một bài thơ chứa đựng tâm tình không riêng cuả tác giả mà như là cũng của một số người tha hương chung hoàn cảnh  khi nhớ về cố quốc. Tác giả Nguyên Lạc hỏi mà  cũng là đã trả lời '' nhớ lắm mà còn thương lắm, quý lắm nữa'' , nếu không thương , không cần nhớ thì cần chi gởi gắm tâm tình vừa tha thiết lại ngậm ngùi  như vậy !
         
NHÃ MY- SƯƠNGLAM

*&** Mời tham khảo bài viết của tác giả Châu Thạch http://nhamyngocsuong.blogspot.com/2017/10/hai-bai-tho-que-huong-hai-tam-tinh-khac.html

HỒI ĐÁP CUẢ TÁC GIẢ NGUYÊN LẠC:

Lac Nguyen đã thêm 3 ảnh mới — với Suong Lam.
6 giờ · 
NHỮNG LỜI TÂM TÌNH
.
(Trả lời bài viết của Nhã My - Sương Lam và Châu Thạch -Trạn Trương Văn)
.
Nhân đọc Nhã My - Sương Lam: MỘT CHÚT TÂM TÌNH
Thành thật cảm ơn NM-SL đã đồng cảm và viết lời Tâm Tình về bài thơ QUẾ HUONG của một tác giả mà NM - SL chưa bao giờ quen biết. Điều này tránh được sự không chân thật qua việc xen tình cảm riêng tư vào. Tôi rất trân trong tâm tình này, quý hóa thay!.
Để đáp trả, tôi xin góp chút tâm sự riêng tư của mình về bài thơ đến NM -SL
Bài thơ này là cảm xúc thật sự của lòng tôi; nó chứa bao nhiêu tâm tư trăn trở của cả một cuộc đời, từ nhỏ đến trưởng thành, rồi già đi chờ ngày về với vô biên. Nó tổng hợp cuộc đời thật của mình và bạn bè, của làng quê thân yêu, rồi thành phố mến thương trên quê hương đau thương yêu dấu. Những kỷ niệm về một dòng sông đầy thương nhớ vẫn mãi hoài không lúc nào quên. Chính dòng sông buồn thảm này, tôi đã viết ra các bài:"Chuyện Hai Dòng Sông", "Chuyện Tình Vùng U Minh", "Về Một Dòng Sông".v.v. đã đăng trên báo giấy và các Web.
Bài thơ nầy viết chỉ trong một đêm hanh lạnh, không ngủ vì nhớ quê nhà. Tôi viết nó một mạch trong lúc như đang "lên đồng". Những từ giản dị, chất phát như tiếng nói làng quê tôi cứ mãi tuôn trào,
Sáng hôm sau, tôi chỉ cần chỉnh sửa, sắp xếp lại vị trí một số chữ, bỏ một số câu, rồi chỉnh lại vần điệu là được bài thơ mà các bạn đang đọc. Đây là cảm xúc thật sự của lòng, không có sự giả dối ở đây. Nỗi niềm trăn trở trong mấy chục năm qua trên đất tạm dung, coi như quê hương thứ hai
Tôi biết nó có nhiều khuyết điểm, nhưng sẽ không bao giờ tôi chỉnh sửa lại. Hãy để nó như là nó.
Khi đưa cho ông bạn, một nhà Bình thơ xem, ông bạn tôi nói: Bài có nhiều câu hay, nhung dài như "cọng rau muống dài thòng", sao không tu từ, chỉnh sửa lại.
Tôi xin mạn phép đưa ra đây một đoạn văn nói về điều này trong bài viết: TỰ BÌNH THƠ của tôi. Xin lỗi thời gian của các bạn trước.
.
[...Giờ đây tôi tự BÌNH thơ tôi!
Về bài thơ QUÊ HƯƠNG, bạn tui PĐN và tui BÌNH như thế này: Bài thơ này như "cọng rau muống dài thòng".
Quá đúng, nó là bài thơ dài và sẽ là bài thơ dài duy nhất của tui. Không thêm nữa.
Ông bạn quí PĐN còn "phán" thêm : Sao không dùng DAO chặt khúc, chọn lọc lại, làm DƯA?
Cái này thì tui nhất định từ chối, nhất định không theo ý ông thần BÌNH THƠ này.
Tại sao? Tui sẽ giải thich:
"Cọng rau muống" này là cảm xúc thật sự cuộc đời của riêng tác giả về cuộc "dâu bể" của quê hương, không có sự gian dối trong này. "Cọng rau muống" (cảm xúc, CÁI TÔI ĐÍCH THỰC) càng bò dài càng tốt, phải đưa hết cảm xúc riêng mình ra. Chẳng thà nó bò dài, đâm nhiều ngọn con, cho người bình thường ngắt đem nấu canh chua, bóp dấm chanh ...nhậu với "nước mắt quê hương" (rượu đế); "cọng rau muống" vẫn còn sống. Còn hơn là dùng DAO (thủ pháp thơ, thuật ngữ, tu từ.v.v...nói chung là CÁI TÔI LÝ TRÍ) để chặt khúc, chọn lọc (Đưa lên tầm cao: high class) bỏ vào keo, thêm hương vị, chất đổi màu (để trông đẹp hơn) thành DƯA, rồi dán nhãn đem bán hoặc biếu cho thiểu số đặc quyền nhậu với Champagne, XO. Tui không muốn như vậy. Lại nữa khi bị chặt, cọng rau muống sẽ chết.
Bài thơ này là cảm xúc thật sự, nó chỉ cần sự đồng cảm của người bình thường, không cần cấp bậc gì cả. Cái DANH không có ở đây! Đây là một bài thơ duy nhất tôi đi ngược với nguyên tắc của mình: THƠ NÉN mà tui đã có nói đến trong bài SHOW, DO NOT TELL*. Nó càng dài càng tốt, phải nói hết những tâm sự chất chứa trong lòng mấy chục năm qua.
Xin nói thêm điều này với bạn quí của tui: Không thấy trong truyện TIẾU NGẠO GIANG HỒ (KIM DUNG) đôi khi VÔ CHIÊU thẳng HỮU CHIÊU đó sao?
Thôi bữa nào tui dẫn ông ra Starbucks đãi ông một chầu. Đãi đây là xin ông đừng nói đến chuyện chặt "cọng rau muống" nữa, chứ không phải HỐI LỘ ông phải BẺ CÔNG NGÒI BÚT để khen thơ tui. Tui biết cái chuyện này ông đã và sẽ không bao giờ làm. Phải không "ông thần nước mặn"?]
.
Trên là những tâm sự riêng tư mà tôi muốn đáp trả đến NM - SL
Những kinh nghiệm đau thương thật sự trong các câu thơ tôi đã giải thích rõ trong bài: "Nhân đọc Châu Thạch “Hai BÀI THƠ “Quê HƯƠNG”. Trên T VẤN.NET (http://t-van.net/?p=33083)
Nếu các bạn thích có thể vào xem.
Xin thành thật cảm ơn Nhã My - Sương Lam và nhà binh thơ Châu Thạch. Chúc sức khỏe đến hai người và an lạc cho gia đình.
Nguyên Lạc

NM chân thành cảm ơn anh Nguyên Lạc đã góp ý, quý bạn đọc ở trang facebook SuongLam đã đọc bài và ghi nhận xét cùng quý trang bạn đã đăng bài .

Nhã My Sương Lam – MỘT CHÚT TÂM TÌNH (khi đọc bài thơ Quê Hương của Nguyên Lạc)
https://khoahocnet.com/2017/10/19/nha-my-suong-lam-mot-chut-tam-tinh-khi-doc-bai-tho-que-huong-cua-nguyen-lac/

http://huongnguyenhoang.blogspot.com/2017/10/mot-chut-tam-tinh-khi-bai-tho-que-huong.html#more


https://nghiathuc.wordpress.com/2017/10/17/nha-my-suong-lam-mot-chut-tam-tinh-khi-doc-bai-tho-que-huong-cua-nguyen-lac/


Phú Đoàn MỜI XEM:

https://vannghequangtri.blogspot.com/.../mot-chut-tam...

Trang Đặng Xuân Xuyến

dangxuanxuyen.blogspot.com/

MỘT CHÚT TÂM TÌNH KHI ĐỌC BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG CỦA NGUYÊN LẠC - Tác giả: Nhã My (Hoa Kỳ) .....

NM 12- Một Chút Tâm Tình Khi Đọc Bài Thơ "Quê Hương " Của ...


https://www.thuy-dien-thivanviet.de/.../nm-một-chút-tâm-tình-khi-đọc-bài-thơ-quê-h...


Không có nhận xét nào: