CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

THẮNG CẢNH HẢI VÂN QUA ĐƯỜNG THI NHÀ THƠ THẠCH CHÂU - CHÂU THẠCH


van tran
Tệp đính kèm05:47 (2 giờ trước)
tới tôi




Ảnh Châu Thạch 



THẮNG CẢNH HẢI VÂN 
QUA ĐƯỜNG THI NHÀ THƠ THẠCH CHÂU
                            Bài viết: Châu Thạch


Đèo Hải Vân còn có tên Ả i Vân, là một phần của dãy Trường Sơn cắt ngang dãy núi Bạch Mã chạy sát ra biển, nằm giữa ranh giới của tỉnh Thừa Thiên và thành
phố Đà Nẵng. Đây là một con đèo ngoạn mục, cảnh sắc thiên nhiên vừa nên thơ vừa hùng vĩ. Đường lên đèo khúc khuỷu, nước biển xanh bao quanh chân đèo, mây bay lưng chừng dưới mắt du khách. Qua Hải Vân còn gợi lại lòng ta đến lịch sử xa xưa của hai dân tộc Chiêm và Việt với chiến trận, với cuộc tình tay ba của nàng công chúa với tướng Việt, với vua Chiêm đã trở nên huyền sử.
Thơ đề vịnh về Hải Vân thì nhiều lắm. song đáng chú ý là bài thơ “Vãn Quá Hải Vân Quan” của Trần Quý Cáp mà cặp trạng “Sầu ngập mắt trông ngàn dặm biển/Giận tung quyền phá bốn trời mây” nói lên tấm lòng và chí khí của một người yêu nước. 
Ngày nay, theo phong trào Đường thi, có hàng ngàn bài thơ viết về Hải Vân, trong đó có hai bài thơ của nhà thơ Thạch Châu đã mô tả đèo Hải Vân vừa cảnh vừa tình được xem như đầy đủ mà người viết muốn giới thiệu cùng bạn đọc.

Trước hết ta hãy đi vào bài thơ tả cảnh:



THẮNG CẢNH HẢI VÂN
.

Hùng quan lịch sử tạc lưng trời
Chất ngất non ngàn hướng biển khơi
Sóng quyện chân đèo tung nước biếc
Gió luồn vách núi vọng âm ngời
Ru hồn lữ khách bao xao xuyến
Níu dạ văn nhân chút thảnh thơi
Tiên cảnh bồng lai sương dỡn sóng
Hải Vân thắng cảnh để lưu đời…

Thạch Châu


Vì sao gọi Hải Vân là “Hùng quan lịch sử tạc lưng trời”? 
Theo sử liệu, trước năm Bính Ngọ (1306) vùng đất có đèo Hải Vân thuộc châu Ô và châu Rí của vương quốc Cham Pa (còn gọi là Chiêm Thành). Sau đó vùng nầy được vua Champa cắt làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt ta. Từ đó ngọn đèo trở thành ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Ngày nay trên đỉnh đèo Hải vân còn có dấu vết một cửa ải. Cửa ải này được xây với tường dày kiên cố, cao 490 mét so với mực nước biển, bên dưới có vòm cổng lớn, bên trên là một tầng riêng có cửa sổ để quan sát, làm nhiệm vụ phòng thủ cho kinh thành xưa. Mặt chính của cổng hướng về tỉnh Thừa Thiên - Huế với tấm bảng khắc 3 chữ "Hải Vân Quan", còn mặt sau hướng về thành phố Đà Nẵng với 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Danh hiệu này tương truyền do vua Lê Thánh Tông phong tặng khi nhà vua dừng quân ở đây vào năm Canh Thìn (1470). Hùng là rạng rỡ, quan là cửa ải. Người xưa đã công nhận đây là một của ải đẹp nhất thiên hạ.


Tiếp theo vế mở, Thạch Châu vào vế trạng để tóm lược phong cảnh bằng hai bức tranh ước lệ: “Sóng gợn chân đèo tung nước biếc/Gió luồn vách núi vọng âm ngời”. Nếu du ngoạn đèo Hải Vân, xe sẽ đưa du khách chạy quanh các sườn núi mỗi lúc một lên cao. Du khách sẽ nhìn thấy một bên là núi chồng núi, một bên là biển nối biển. Ngồi trên cao, mắt nhìn từng làn sóng xanh biếc nối tiếp vổ vào vách chân đèo, tai nghe tiếng gió vi vu từ biển thì hai câu thơ của Thạch Châu đã gợi hình, gợi âm, miêu tả hầu như sinh động phong cảnh Hải Vân.
Câu luận của bài thơ phơi bày tâm trạng của khách khi qua đèo Hải Vân:


Ru hồn lữ khách bao xao xuyến
Níu dạ văn nhân chút thảnh thơi



Hai câu thơ nầy tuy phân biệt trạng thái khác nhau giữa lữ khách và văn nhân vì mục đích để làm chỉnh câu đối, nhưng thật ra nhà thơ muốn mô tả tâm trạng chung của mọi người khi qua đèo và cảm nhận của họ khi dừng chân ở lưng chừng đèo hay dừng chân tại đỉnh đèo để nhìn phong cảnh. 
Người qua đèo dầu bất cứ ở thời tiết nào cũng không thể không xao xuyến khi nhìn cảnh hùng vĩ của núi rừng và cảnh nên thơ của biển quanh co dưới chân mình. Bên vách núi những con suối nước trong ào ào chảy xuống như từng giãi lụa vắt trên vai rừng xanh. Đối diện, dưới vực sâu, biển xanh dờn. sóng vổ ì âm tung bọt nước. Trời nắng, mặt trời chiếu lung linh muôn màu sắc. Trời xấu, sương mù giăng khắp núi rừng, ta đi lên hay xuống đều tưởng như con đường dẫn vào cõi thiên thai. Đặc biệt , Hải Vân được gọi là “Ải Mây” rất đúng. Mây bay là đà bên vách núi, mây hòa trong khói sóng, mây tựa vào nhau lớp lớp, mây xây thành và biến hóa giữa không trung. Vào những đêm trăng, chị hằng vành vạnh cho ta thấy đến tận làn da, lung linh trên đầu non hay giữa không gian bao la trên vùng biển xanh bát ngát.
Xe dừng lại bất kỳ một nơi nào đó, khách đưa mắt nhìn bao quát, lòng cảm nhận vô cùng thảnh thơi trước phong cảnh hữu tình. Nhất là tại đỉnh đèo, tại đây ta đứng nhìn thung lũng tít mờ xa, nhìn cung đường uốn lượn, nhìn Hải Vân Quan rêu phong và uống một ly cà phê hay trà đậm ở quán bên đường, lòng ta thấy thảnh thơi, nhẹ nhàng đến cả chiếc áo ta đang mặc cũng dường như không có. 
Vế luận của bài thơ đọc tưởng bình thường như bao câu Đường thi khác, nhưng thật ra chữ “thảnh thơi” đi đôi với chữ “xao xuyến” đã có sự liên đới giữa “cảnh sinh tình” và “tình đối cảnh” trong nghệ thuật miêu tả mà Thạch Châu đã học được cụ Nguyễn Du ngày xưa là vị thầy của bao thế hệ.
Qua vế kết của bài thơ “Tiên cảnh bồng lai sương dỡn sóng/Hải Văn thắng cảnh để lưu đời” ta để ý đên cụm từ “sương dỡn sóng”. Sương là hình ảnh của sự mong manh, sóng là hình ảnh của sự hùng vĩ. Nhà thơ cố ý để hai hình ảnh nầy thành đôi bạn, mục đích kết hợp vẽ đẹp tuyệt vời của phôi pha trong trường cửu, của không trong có, của sự vô vi giữa trời đất mông lung, làm cho trong trí ta càng thêm rõ nét một vùng tiên giới Hải Vân.
Trên là bài thơ tả thắng cảnh Hải Vân. Dưới đây là bài thơ tả dấu tích tình yêu còn lưu lại trên ngọn núi Hải vân:



DẤU TÌNH
Chất ngất non ngàn đỉnh Hải Vân
Hùng quan dấu tích lệ Huyền Trân
Lòng nghe xao xuyến trong tình bạn
Dạ bổng bồi hồi với nghĩa nhân
Nước Việt muôn trùng mang nỗi nhớ
Non Chiêm ngàn dặm gởi niềm thân
Ngày xưa dâu bể vì sao tỏ
Sương lạnh phòng khuê kiếp bạc phần.
Thạch Châu


Đọc thơ ta biết ngay tác giả khóc cho mối tình bi lụy của công chúa Huyền Trân mà Hải Vân Quan coi như là dấu tích còn lưu lại cho đến ngày nay. Nhìn Hải Vân Quan không ai là không nhớ đến sự tích Huyền Trần công chúa. Huyền Trân công chúa là công chúa đời nhà Trần. Bà là con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái của vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Rí.. Bằng đường bộ, công chúa Huyền Trân sang Chiêm quốc, có Trần Khắc Chung đưa tiễn. Chắc chắn khi qua đỉnh đèo, Hải Vân Quan là nơi công chúa phải dừng lại để đoàn tùy tùng nghỉ ngơi, chuẩn bị cho hành trình xuống núi, cũng để nhìn phong cảnh ngoạn mục hai bên đèo. 


Kinh đô Đồ Bàn hân hoan tiếp đón giai nhân lẫy lừng cõi Việt, long trọng tổ chức hôn lễ. Huyền Trân trở thành hoàn hậu. Éo le thay, tháng 5 năm Đinh Mùi 1307, vua Chế Mân đột tử. Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu của chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông biết thế, sai Trần Khắc Chung, mượn cớ sang viếng tang rồi dùng mưu cướp lấy công chúa đem về, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô. Bập bềnh trên sóng biển Đông phía ngoài đèo Hải Vân, vụt gặp mưa bão, hải đoàn Đại Việt tấp vào để tránh thiên tai. Như thế cả chuyến đi và chuyến về, gót chân nàng công chúa dều đặt lên đất Hải Vân. 


Cũng theo hư truyền rằng trước khi sang làm dâu xứ Chiêm, Huyền Trân và Trần Khắc Chung đã có một mối tình sâu đậm, vì lợi ích quốc gia nên đành phải hy sinh mối tình đầy thơ mộng để đổi lấy hai châu Ô Mã và Ô Rí. Rồi khi Chế Mân mất, tình xưa của hai người được kết nối qua cuộc giải vây và hộ tống Huyền Trân về lại Đại Việt. Năm qua tháng lại, dòng đời tuôn mãi, câu chuyện ấy vẫn được các thế hệ truyền lưu. Đâu là sự thật thì chưa biết được nhưng mối tình của họ đã đi vào huyền sử, tồn tại giai thoại trong tâm hồn người Việt.


Bài Đường thi “Dấu Tình”của nhà thơ Thạch Châu cho ta quay lại ngàn năm trước với những thứ tình mà công chúa Huyền Trân mang trong lòng. Tình yêu, tình bạn, tình non sông mà công chúa đã có được và đã hy sinh như còn “chất ngất” di tích trên “non ngàn đỉnh Hải Vân”. Khi đứng trên đỉnh đèo, nơi hùng quan đệ nhất thiên hạ, chắc chắn lòng công chúa se thắt lại. Hải Vân Quan, nơi chứng kiến bao giọt lệ của nàng tuôn rơi còn sừng sửng đến ngày nay, trơ gan cùng tuế nguyệt. Bài thơ cũng đã tả lại tình cảm của nàng công chúa ly hương, mang nỗi nhớ muôn trùng của nước Việt, non Chiêm ngàn dặm. Đã thế kiếp dâu bể khiến nàng phải “sương lạnh phòng khuê” bạc phận một đời, ôm khối yêu, ôm nghĩa vợ chồng với nỗi cô đơn trống trải ở độ tuổi còn xuân.


Qua hai bài Đường thi đã đọc. nhà thơ Thạch Châu đã vẽ trọn cảnh Hải Vân và tình sử Hải Vân. Cảnh làm dấu tích cho tình tồn tại với thời gian và tình làm cho cảnh càng thêm ý nghĩa. Người viết đang ở thành Phố Đà Nẵng, không lạ gì với Hải Vận cũng không lạ gì với sự tích Huyền Trân công chúa. Tuy thế đọc thơ lòng vẫn cảm xúc, bởi hai bài thơ dựng lại cái bên ngoài và cái trong nội tâm, quay lại nối lòng của một thời xa xưa bằng tâm tình ta ngày nay, hảnh diện bới non sông cẩm tú, bởi văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tồn tại giữa không gian và thời gian trên đất, trong lòng chúng ta và con cháu chúng ta, mãi mãi đến mai sau.
                                                      
CHÂU THẠCH

Ghi chú: Vì tính chất của bài, người viết có lấy tài liệu lịch sử trên sách vở không đặt vào ngoặc kép để bài được sinh động. Xin bạn đọc thông cảm./.





1 nhận xét:

Đỗ Văn nói...

DVD sang thăm nhà, được thưởng thức hai bài thơ hay của nhà thơ Thạch Châu!
DVD xin cảm ơn và chúc chủ nhà NHAMY an lành!