CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : KHÚC - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com> 15:05 17 tháng 4, 2020




THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : KHÚC
                                      
                                        
                               Inline image         
                                      
                                      Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
                                 Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
                                      Khúc đâu Tư Mã phượng cầu,
                                 Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?
                                      Kê Khang nầy khúc Quảng lăng,
                                 Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
                                      Quá quan nầy khúc Chiêu Quân,
                                 Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

         Đó là những KHÚC mà Thúy Kiều đã đàn cho Kim Trọng nghe trong buổi đầu gặp gỡ. KHÚC 曲 là từ Hán Việt, Hình dung từ có nghĩa là Cong Queo, như câu :"Nhập giang tùy KHÚC 入江隨曲". Có nghĩa : Đi vào con sông nào thì phải nương theo đường cong uốn khúc của dòng sông đó. Nhưng nếu KHÚC là Danh từ thì có nghĩa là : Một điệu hát, một khúc hát, một bài ca, một bản đàn ...  như trong đoạn thơ được trích ở trên. Ta sẽ lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của các KHÚC trên trong văn học cổ sau đây.

      * KHÚC HÁN SỞ CHIẾN TRƯỜNG : Là HÁN SỞ PHÂN TRANH KHÚC 楚漢紛爭曲. Đây là một trong mười khúc đàn tỳ bà nổi tiếng của cổ Trung Hoa, còn có tên là "Thập Diẹn Mai Phục 十面埋伏". Thường dùng để độc tấu, tiếng nhạc dồn dập mạnh mẽ, âm thanh rổn rảng chấn động lòng người, tựa như khi quân của Hạng Võ Sở Bá Vương bị quân của Hán Lưu Bang vây ở Cai Hạ quyết vùng vẫy để bức phá vòng vây trong vô vọng. Bản đàn có nghê thuật phối hợp âm thanh cao độ, là một tuyệt phẩm của cổ nhạc phủ, đòi hỏi người đàn phải có kỹ thuật đàn giỏi như Thúy Kiều để thể hiện được các âm thanh :

                          Nghe ra tiếng SẮT tiếng VÀNG chen nhau !

                               Inline image

       * KHÚC TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU : Là khúc PHƯỢNG CẦU KỲ HOÀNG 鳳求其凰 (thường được gọi gọn là khúc Phượng Cầu Hoàng) của Tư Mã Tương Như đời Hán theo tích sau đây :

       Theo sách Sử Ký, Tư Mã Tương Như là tài tử nổi tiếng của đời Hán, tự là Trường Khanh, người đất Thành Đô (Thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) Ở lộ Cầm Đài. Khi đến đất Lâm Cùng , nhờ có người bạn là Tri Huyện Vương Cát tiến cử, nên được nhà cự phú Trác Vương Tôn ở địa phương mời đến nhà khoản đãi. Trong bữa tiệc khách yêu cầu đàn một khúc, Tương Như biết vương tôn có cô con gái mới mười sáu tuổi rất đẹp, lại vừa mới góa chồng là Trác Văn Quân, bèn giở cây lục ỷ cầm ra đờn hai khúc trong bài Phượng Cầu Hoàng như sau :

              鳳兮鳳兮歸故鄉,    Phượng hề phượng hề quy cố hương, 
              遨遊四海求其凰...   Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng ...
              有豔淑女守蘭房,   Hữu diễm thục nữ thủ lan phòng,
              室邇人遐毒我腸。   Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường.
              何緣交頸為鴛鴦...   Hà duyên giao cảnh vị uyên ương ...

Có nghĩa :
              Về thôi phượng hỡi, phượng hề !
              CẦU HOÀNG tứ hải bốn bề ngao du.
              Có nàng thục nữ ôn nhu,
              Gần bên mà ngỡ như từ cõi xa.
              Uyên ương sao được một nhà ?   

              Inline image

      Tư Mã Tương Như nghe trong rèm ở phòng bên có tiếng thở dài nhè nhẹ, biết là Trác Văn Quân đang nghe đàn, bèn đàn tiếp khúc thứ hai là :

              鳳兮鳳兮從凰棲,    Phượng hề phượng hề tòng hoàng thê,
              得托孳尾永為妃。    Đắc thác tư vĩ vĩnh vi phi.
              交情通體心和諧,    Giao tình thông thể tâm hòa hài,
              中夜相從知者誰?    Trung dạ tương tòng tri giả thùy ?
              雙翼俱起翻高飛,    Song dực câu khởi phiên cao phi,
              無感我思使余悲。    Vô cảm ngã tư sử dư bi.
Có nghĩa :
              Theo hoàng phượng hỡi, phượng hề,
              Theo nhau mãi mãi đi về một phương.
              Giao tình lòng những vấn vương,
              Giữa đêm theo gót người thương bao ngày.
              Chắp đôi cánh phượng cao bay,
              Lòng ta buồn nhớ ai hay chăng là ?!

         Khúc ca vừa tỏ lòng ái mộ Trác văn Quân, vừa "xúi giục" nàng "giữa đêm theo gót..." nên, nửa đêm hôm ấy, Trác Văn Quân bỏ nhà trốn theo Tư Mã Tương Như về Thành Đô sinh sống... Tiếng đàn Thúy Kiều đã thể hiện được nỗi lòng của Tư Mã Tương Như để đánh động lòng yêu mến của nàng Trác Văn Quân nhẹ dạ :

                                 Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?

      * KÊ KHANG nầy KHÚC QUẢNG LĂNG : Gọi cho đúng tên là Khúc Quảng Lăng Tán 廣陵散 của Kê Khang 稽康 đời Tấn. 
       Theo ghi chép trong Tấn Thư 晉書 : Kê Khang 稽康, một trong Trúc Lâm Thất Hiền, lúc đang du ngoạn ở Lạc Tây, được một cao nhân về cầm phổ tặng cho khúc Quảng Lăng Tán. Nhưng theo Thái Bình Quảng Ký 太平廣記 đời Đường thì truyện có vẻ truyền kỳ hơn : Kê Khang rất giỏi về thanh nhạc. Một hôm, trọ ở Nguyệt Hoa Đình, đêm không ngủ được, ngồi gãy đàn trong đình. Tiếng đàn cầm du dương u nhã đánh động một âm hồn nghệ nhân thiên cổ hiện lên truyền thụ cho Kê Khang khúc Quảng Lăng Tán với một ước hẹn là "Không được truyền thụ khúc nhạc nầy lại cho người khác!". Công nguyên năm 263, vì chống lại chủ trương của chúa Tây Tấn là Tư Mã Chiêu nên bị xử tử. Trước khi chết Kê Khang đã than rằng :"Viên Hiếu Nê luôn muốn học khúc đàn nầy của ta, nhưng vì lời hứa ta không thể dạy được, khúc nhạc hay này đành phải thất truyền rồi !". Tương truyền, tiếng đàn thánh thót như nước chảy mây trôi giống như Thúy Kiều đã thể hiện :

                                Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân !
       
                               Inline image

     * KHÚC CHIÊU QUÂN : Là Khúc Chiêu Quân Xuất Tái 昭君出塞曲.

        VƯƠNG CHIÊU QUÂN 王昭君 (Năm 51-15) vốn tên là Tường 嬙, tự là Chiêu Quân 昭君. Người Nam Quận đời Tây Hán (tỉnh Hồ Bắc hiện nay), là cung nhân trong cung Hán Nguyên Đế, giỏi cả cầm kỳ thi họa, nhưng vì không biết đút lót với họa sư là Mao Diên Thọ, nên tranh vẽ của nàng không được trình lên nhà vua. Đến khi Thiền Vu đất Hồ (Người Hồ gọi vua là Thiền Vu 單于) đến cầu thân để giao hảo. Vương Chiêu Quân đã dâng sớ tình nguyện hòa thân gả cho chúa Hồ để giúp cho bá tánh ở vùng biên cương hai nước tránh khỏi cảnh binh đao loạn lạc (Đó là tích của thành ngữ Chiêu Quân Cống Hồ 昭君貢胡). Đến ngày đưa tiễn, Hán Nguyên Đế mới biết được Chiêu Quân là cung nữ tài sắc vẹn toàn thì đã muộn rồi. Trên đường ra quan ải của vùng biên tái, Vương Chiêu Quân đã gãy đàn tì bà để gởi gắm tâm sự nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ anh em, nhớ Hán đế lúc đưa tiễn... Đó chính là bản đàn "Chiêu Quân Xuất Tái 昭君出塞" sầu thương và oán hận cao ngút trời làm cho các con chim nhạn đang bay trên bầu trời Nhạn Môn Quan đều ngẩn ngơ rơi cả xuống bải cát ( ta có thành ngữ Bình Sa Lạc Nhạn 平沙落雁). Cũng do tích nầy Vương Chiêu Quân được xếp là Mỹ Nhân Lạc Nhạn 落雁, chỉ đứng sau người đẹp Tây Thi là Trầm Ngư 沉魚 mà thôi, và cùng là một trong Tứ Đại Mỹ Nhân cổ Trung Hoa.
      Khúc đàn của Vương Chiêu Quân đã được cụ Nguyễn Du cho Thúy Kiều thể hiện lại bằng hai câu :

                               Quá quan nầy KHÚC CHIÊU QUÂN,
                             Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

                              Inline image

        Kịp đến khi Kim Kiều tái hợp, sau khi "Thêm nến giá nối hương bình, cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan", thì Kim Trọng đã "Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa", và Thúy Kiều thì lại "Nễ lòng người cũ vâng lời một phen", nên ta lại được nghe các KHÚC sau đây :

                           ... KHÚC đâu đầm ấm dương hòa,
                               Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh ?
                               KHÚC đâu êm ái xuân tình,
                          Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?
                               Trong sao châu rỏ duềnh quyên,
                           Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đong !...

       * HỒ ĐIỆP hay TRANG SINH : Hồ Điệp 蝴蝶 là Bươm bướm; Trang Sinh 莊生 là Trang Chu, Trang Tử.
        Theo Tề Vật Luận trong sách Trang Tử 莊子•齊物論 có ghi lại câu chuyện sau đây : Trang Chu hay nằm mơ thấy mình hóa ra bươm bướm, tiêu dao tự tại bay múa dạo chơi khắp nơi. Khi tỉnh lại rồi thì còn ngờ ngợ tự hỏi rằng:" Không biết là Trang Chu ta hóa ra bươm bướm, hay là bướm bướm đã hóa ra Trang Chu ta đây ?!" Có nghĩa là mộng cũng như thực mà thực cũng như mộng. Ở đây mượn để chỉ tiếng đàn của Thúy Kiều mơ mơ hồ hồ hư hư thực thực tiêu dao bay bổng như giấc bướm của Trang Chu.

                           Inline image

      * THỤC ĐẾ hóa ĐỖ QUYÊN : Thục Đế 蜀帝 là Vua nước Thục; còn Đỗ Quyên 杜鵑 là Chim Đỗ Quyên, ta gọi là con Cuốc hay con Quấc. Theo tích sau đây :
         Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông  làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này, và vì trước đó Biết Linh cũng đã có công trị thủy, cứu nước Thục khỏi cảnh lũ lục thiên tai. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc" (cuốc cuốc). Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.
         Ví tiếng đàn oán than như nỗi lòng của Thục Đế mất nước gởi gắm tâm sự của mình cho con chim Đổ Quyên kêu ra rả suốt những đêm hè.

      * CHÂU RỎ DUỀNH QUYÊN : là  tích của Giao Nhân nhỏ lệ thành châu như sau :
         Theo Thần Tiên Truyện, Giao Nhân 鮫人 (người cá) trong đêm trăng sáng ngước nhìn vào bờ mà rơi hai hàng lệ, và mỗi giọt nước mắt đều là những hạt châu rơi xuống biển xanh.         
         Ví tiếng đàn thánh thót như những hạt châu rơi.

      * NGỌC LAM ĐIỀN : là Lam Điền Ngọc 籃田玉, những viên ngọc được nuôi trồng ở xứ Lam Điền.  
         Theo tích xưa ở hụyên Lam Điền chuyên nuôi trồng và sản xuất ngọc. Vì tránh sự tranh giành của sai nha và quan lại địa phương, thần tiên đã mách bảo cho dân nghèo là nơi nào có khói bốc hơi nhè nhẹ trong núi là nơi đó có thể trồng ngọc được. 
         Ví tiếng đàn trong trẻo và ấm áp như những viên ngọc ở xứ Lam Điền vừa mới đong thành.

                       Inline image

         Thực ra những câu thơ trên đây, cụ Nguyễn Du đã lấy ý trong bài thơ Cẩm Sắt (Đàn Gấm) của Lý Thương Ẩn đời Đường đã tả tiếng đàn như sau :

                莊生曉夢迷蝴蝶,      Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp
                蜀帝春心托杜鵑.      Thục Đế xuân tâm thác đổ quyên.
                滄海月明珠有淚,      Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
                藍田日暖玉生煙.      Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên. 
Có nghĩa :
                   Trang Chu tỉnh mộng còn ngờ bướm,
                   Thục Đế lòng xuân cuốc gọi trời.
                   Trăng sáng biển xanh châu rướm lệ,
                   Lam Điền nắng ấm ngọc bay hơi.
          
      Một KHÚC khác nổi tiếng hơn trong văn học cổ, đó là KHÚC TỲ BÀ, vì Tì Bà là loại đàn được du nhập từ xứ Hồ, nên còn được gọi là Hồ Cầm mà Thúy Kiều trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng rất giỏi về ngón đàn nầy :

                      Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một chương.

     Tì Bà Khúc có xuất xứ từ bài Tì Bà Phú của Phó Huyền đời Tây Tấn : Công chúa Ô Tôn của nhà Hán bị đem gả cho chúa Côn Di. Trên đường đi ra quan ải, vì sợ công chúa buồn phiền, nên những nhạc công đi theo dùng cầm, tranh, trúc, sở cùng hòa tấu với tiếng tì bà trên ngựa để làm vui lòng công chúa, nhưng tiếng đàn vẫn mang âm điệu thảm thiết bi thương.

     Đọc tích trên làm cho ta nhớ tới Huyền Trân Công Chúa con của vua Trần Nhân Tông cũng bị gả cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và châu Lý, mà nhà thơ Nguyễn Văn Cổn thời Tiền Chiến đã viết trong bài thơ "Nước Tôi" là :

                            Bùi ngùi nhớ bóng Huyền Trân,
                         Hai châu Ô Lý đổi thân nghìn vàng.

     Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, nhà vua Lê Thánh Tông cũng có nhắc tới KHÚC TÌ BÀ :

                           Tuyết lọt mấy tầng chăn phỉ thuý,
                            Sầu tuôn đòi đoạn KHÚC TÌ BÀ. 

                  Inline image

      Trong Cung Oán Ngâm Khúc  của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, ta còn bắt gặp :                       

                        Vườn Tây Uyển KHÚC Trùng THANH DẠ. 
                        Gác Lâm Xuân điệu ngả Đình Hoa .

          * Khúc Trùng Thanh Dạ là THANH DẠ KHÚC 清夜曲 và KHÚC HẬU ĐÌNH HOA 後庭花曲 đều là hai khúc hát chỉ lo vui chơi mà mất nước. 
            Thanh Dạ Khúc còn gọi là Thanh Dạ Du 清夜遊 là tên một khúc hát mà các cung nhân thường hát cho vua Tùy Dạng Đế trong vườn Tây Uyển. Trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :
           
                        Đoàn sĩ tử nhởn nhơ dưới nguyệt,
                        KHÚC THANH DU nhạc thét châu cung.

       Còn HẬU ĐÌNH HOA 後庭花 là tên của khúc hát mà Trần Hậu Chủ sắp mất nước, quân giặc đã đánh tới cửa cung rồi mà Trần Hậu Chủ cùng đám cung nhân vẫn còn ăn chơi để hát cho hết khúc Hậu Đình Hoa. Nên khúc hát này là khúc hát mất nước, khúc hát vong quốc như nhà thơ Đỗ Mục đời Đường đã cảm khái :

                   商女不知亡國恨,   Thương nữ bất tri vong quốc hận,
                   隔江猶唱後庭花.    Cách giang do xướng HẬU ĐÌNH HOA.
Có nghĩa :
                   Kỹ nữ biết đâu hờn mất nước,
                   Cách sông còn hát "Hậu Đình Hoa" !

       Còn THƯƠNG LANG KHÚC 滄浪曲 là tên một bài hát của người nước Sở, trong đó có câu: "Thương Lang chi thuỷ thanh hề, khả dĩ trạc ngã anh. Thương Lang chi thuỷ trọc hề, khả dĩ trạc ngã túc 滄浪之水清兮, 可以濯我纓. 滄浪之水濁兮, 可以濯我足". Có nghĩa : Nước sông Thương Lang trong thì ta giặt dải mũ của ta, nước sông Thương Lang đục thì ta rửa chân của ta. Ý nói phải biết tùy nghi mà hành động, kiến cơ nhi tác. Khúc hát nầy nói lên ý chí thanh cao của tác giả dù trong dù đục vẫn luôn luôn gắng bó với dòng sông Thương Lang.
       Trong bài "Tụng Tây Hồ Phú" của Nguyễn Huy Lượng có câu :

                             Con thuyền trúc lân la trước gió,
                    KHÚC THƯƠNG LANG đưa gánh củi chàng Chu.

                   Inline image                           
                            KHÚC THƯƠNG LANG đưa gánh củi chàng Chu.

           Ngoài ra, ta còn có KHÚC NGHÊ THƯỜNG, là Nghê Thường Vũ Y Khúc 霓裳羽衣曲, là khúc nhạc trổi lên để cho các cung nữ ăn vận như tiên nga trên trời với chiếc áo có gắn lông chim như những cánh thiên thần, gọi là Nghê Thường Vũ Y Vũ 霓裳羽衣舞. Khúc nhạc nầy có xuất xứ như sau :

          Theo Dương Thái Chân ngoại truyện 楊太真外傳. Đường Huyền Tông lên núi Tam Hương Dịch, trông thấy núi tiên Nhi Nữ Sơn, xúc động tâm tình, đêm lại mơ thấy du nguyệt điện nghe được khúc nhạc du dương trên cung trăng. Năm Thiên Bảo thứ 13 (754), kết hợp khúc nhạc trong mơ cùng với khúc nhạc Bà La Môn do Hà Tây Tiết Độ Sứ Dương Kính Thuật tấn hiến từ Ấn Độ mà soạn thành khúc Nghê Thường Vũ Y. Đường Minh Hoàng rất đắc ý với khúc nhạc nầy, cho đến năm Khai Nguyên 28, khi Dương Ngọc Hoàn tấn cung, rất giỏi ca múa, mới soạn thành Nghê Thường Vũ Y Vũ cho nàng vừa múa vừa hát khi mới vừa vào đến Hoa Thanh Cung, và cũng vì ca múa giỏi được vua yêu qúy mà được phong Qúy Phi liền sau đó.

          Trong bài thơ "Tiên Nữ Nhớ Lưu Nguyễn" trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, ông vua Lê Thánh Tông đã hạ hai câu mở là :
                     
                            Chẳng còn nhớ đến KHÚC NGHÊ THƯỜNG,
                            Một phút chiêm bao một phút thương...

      Còn trong Tứ Thời Khúc Vịnh - đoạn Mùa Thu, thì Hoàng Sĩ Khải lại gọi là KHÚC NGHÊ :

                           Gió cung thiềm mảy hơi thoảng đến,
                           Lựa KHÚC NGHÊ uyển chuyển Hằng Nga.

                 Inline image
                 Inline image
                                       Nghê Thường Vũ Y Vũ

          Xin được kết thúc các KHÚC ở đây. Hẹn bài viết tới !


                                ĐỖ CHIÊU ĐỨC
    
        

Không có nhận xét nào: