CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

CHÂU THẠCH TÁC PHẨM TÁC GIẢ - CHU VƯƠNG MIỆN

 

      



       CHÂU THẠCH TÁC PHẨM TÁC GỈẢ 

    M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện 

                           --00-- 

* 

Châu Thạch tên thật là Trương Văn Trạn. 

Sanh ngày 15.7.1943 [tuổi Quy Mùi]. 

Chánh quán xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 

Thơ và Bình Thơ đã được đăng trên một số web & blog VHNT trong và ngoài nước. 

Tác phẩm đã xuất bản: "Tuyển Tập Thơ Văn Một Thời Để Nhớ" chung với 14 tác giả. “Tuyển Tập Bình Thơ (A và B)” 

* 

Nhà Thơ Châu Thạch cũng đã bước vào cái tuổi "Thất thập cổ lai hy", đó là quan niệm thời Trung cổ, bây chừ thế kỷ 21, tuổi 70 cũng chỉ là thanh niên. Mới đây vài năm, Đại Họa sĩ Trịnh Cung [tức nhà thơ Thương Nguyệt hồi 1960] cũng vào tuổi này. Gọi anh là Đại Họa sĩ có nghĩa là anh cao hơn các Họa sĩ thường một bực. Năm 67, anh được giải Huy chương Bạc, triển lãm hội họa Quốc Tế ở Pháp, nên anh thường bỏ hai tay vào túi quần, không bao giờ bắt tay với những họa sĩ nội địa. Phu nhân của anh phiêu diêu miền cực lạc, anh mới lập gia đình với một giai nhân tuổi chừng 20, và sau đó anh có thêm một đứa con nhỏ, cả nước ăn mừng "và hải ngoại cũng ăn mừng luôn". 

 

* Thơ Châu Thạch 

- 

Anh cứ mơ về thời quá khứ 

mái trường xưa thành gạch vụn lâu rồi 

áo trắng xưa bay về phương trời áo trắng 

bờ Cổ Thành loang lổ một vầng trăng 

 

Anh cứ mơ về thời quá khứ 

bụi cỏ xôn xao dưới gót ngọc sân trường 

áo trắng bồng bềnh phố nhỏ mờ sương 

em cứ đi  đi về phương trời áo trắng 

"Phương áo trắng" 

 

Ôi những tà áo trắng, những con đừơng trắng qua cầu qua sông, là cả một chuỗi Tình Sử dài vô cùng vô tận. Tại sao lại gọi là Tình Sử mà không là Tình Địa? Xin thưa là như vầy: Tình Địa có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất Địa là Đất thì rất là thê lương ai oán, cứ vài mươi năm thì sông Hòang Hà chuyển dòng [khi chuyển về Hoa Bắc, khi chuyển về Hoa Nam], mỗi lần chuyển như thế là kéo theo bên bờ sông ít nhất cũng vài ngàn thước chiều dài ăn sâu vào vài trăm thước chiều ngang, thành ra cái Tình Địa này Vĩ Đại quá, chỉ có nước đứng mà khóc. Còn nghĩa thứ hai Địa là Tiền thì như sau: "Đêm đông đứng đợi đào, đào đếch đến, bèn đứng đái, đang đái đào đến, đào đòi địa đếch đưa, đào đánh, đào đấm, đào đá, đánh đầu đỡ đầu, đá đít đỡ đít, đánh đâu đỡ đó, đào đánh đúng điểm độc đành đưa Địa đào đi. Với cái "Tình Địa" kiểu này thi thơ mà làm cái nỗi gì?  

- 

hãy đến thăm tôi những buổi giao mùa 

trời có mưa và có nắng 

để xoa dịu linh hồn tôi câm lặng 

chưa từng nói lời tha thiết yêu em 

được say sưa rất lạ rất êm đềm 

và rạo rực lời tỏ tình ong bướm  

"Trích Lời xin kỳ lạ, trang 164 " 

- 

Cánh bèo không bến không bờ 

thân tằm quằn quại nhả tơ cho đời 

" Nghe Hát" 

 

Ôi một phiến tài tình đa cổ lụy, nào những pho Tình Sử 

Đầu Điển, Cổ Điển như Chiêu Quân, Tây Thi, Dương Ngọc Hoàn, Tư Mã Tương Như & Trác Văn Quân, Thôi Oanh Oanh & Trương Quân Thụy trong Mái Tây … và mới đây, thời tiền chiến ở nước ta, nào Tha La Xóm Đạo của nhà thơ Vũ Anh Khanh, Nhà Tôi của nhà thơ Yên Thao, Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà, và Mầu Tím Hoa Sim của đại thi hào Hữu Loan, những bài thơ này vốn đã hay và nổi tiếng trong giới yêu thơ, lại được các nhạc sĩ tài danh phổ ra nhạc, phổ biến trong quảng đại quần chúng. Nguyên một bài thơ của Hữu Loan "Mầu Tím Hoa Sim", các nữ ca sĩ hát đớt đớt là Ghoa Xiêm, nghe cũng vẫn hay? Nào nhạc sĩ Dũng Chinh soạn vào năm 67, kế ngay sau đó là Ca Nhạc sĩ Duy Khánh,  kế đó là Đại Nhạc Sĩ tài ba lỗi lạc Phạm Duy và sau 1975 thì ở Hải Ngọai có nhạc sĩ Anh Bằng, nhưng theo ý của Hữu Loan thì thi sĩ chịu nhất là bài của Nhạc Sĩ Dũng Chinh, còn bài phổ nhạc của Nhạc Sĩ Phạm Duy dù là bạn thân thiết, nhưng Hữu Loan chỉ mỉm cười cho là được được.   

 

Mỗi một nhà thơ là có một pho Tình Sử y như chiếc khăn quàng rằn ri đeo nơi cổ, hay nói giản kép là "Cuộc Tình Vắt Vai",  thơ của Châu Thạch cũng mang dấu ấn là như thế, vừa trong sáng vừa thanh cao. Thơ Châu Thạch có vóc dáng và tầm cỡ, phê bình cảm nhận thơ thiên hạ rất trù phú và chuẩn xác. Xin mời nhà thơ cứ lên đường, đại lộ rộng thênh thang. 

 

NGHE HÁT 

chiều qua ghé quán Cội Nguồn 

ngồi nghe em hát nhạc buồn thủa xưa 

giọng trầm nhớ nắng thương mưa 

giọng thanh trăng nước gió đưa mây vàng 

cho anh hồn đắm mơ màng 

nghe câu ca tiếng thời gian quay về 

dậy lòng lại những đam mê 

bỗng dưng anh thấy tràn trề hồn yêu 

cám ơn em rất diễm kiều 

cho anh xuân ấm một chiều tàn đông 

 

Bạn đưa đến quán Cội Nguồn 

một chiều gió lạnh mưa phùn miền Nam 

anh từ một chốn xa xăm 

áo xanh đã bạc tháng năm với đời 

hồn mang bao nỗi đầy vơi 

đến nghe em hát tuyệt vời nhẹ đau 

nhẹ từ vùi dập vàng thau 

nhẹ trong ký ức dãi dầu gió mưa 

nhạc vàng vừa dứt đong đưa 

nhẹ lời em đến chào thưa tiếng vàng  

 

à qua câu chuyện miên man 

hai hồn, hai nẻo muôn ngàn nổi trôi 

em từ đũa gẫy duyên đôi 

người nam nằm lại núi đồi quê anh 

đa nghề cầm cọ vẽ tranh 

xướng ca không dỗ đựơc lành niềm đau 

anh từ thời thế qua mau 

cũng tan ước vọng, cũng nhàu kiếp thơ 

cánh bèo không bến không bờ 

tấm thân quằn quại nhả thơ cho đời 

 

mưa còn bay mãi ngoài trời 

hai hồn cùng lạnh một lời chia tay 

hẹn nhau hẹn sẽ một ngày 

nhưng chia ly biết phút này đã xa 

mắt ai như có lệ nhòa 

quay lưng trời bỗng đổ òa mưa tuôn! 

                       Châu Thạch 

 

 

EM NHAN BIỀU            

 

Gió tự Nhan Biều gió thổi qua 

Thơm hương hoa cúc hương hoa cà
Thuyền ai tách bến ngang sông Thạch
Áo trắng đi về chung với hoa.

Ai đã qua sông để đến trường
Và ai giăng ánh mắt tơ vương
Ai nghiêng vành nón che khuôn mặt
Để cả hồn tôi ngập nhớ thương,

Chợ tỉnh em ôm cặp dạo quanh
Cho tôi quay gót cũng không đành
Lần theo guốc mộc quên giờ học
Quên cả chiều buông xuống cổ thành

Thuở ấy trong tôi bóng tịch liêu
Em mang qua nắng bãi Nhan Biều
Đem theo hết thảy màu xanh ngọc
Cho biếc hồn tôi một chữ yêu.

Rồi một ngày kia rất hải hùng
Lửa về theo hạ vượt qua sông
Tôi đi biền biệt theo chinh chiến
Em đến rừng thiên đón gió đông.

Tàn cuộc binh đao tôi trở về
Tin buồn, đâu đó chốn sơn khê
Em nằm ở lại nghe mưa gió
Để hết tim tôi nhớ não nề

Tôi vẫn thường hay đến bến sông
Chờ em mòn mõi tháng năm ròng
Bên kia "sương khói mờ nhân ảnh"
Em sắp về chưa hay vẫn không?
                           Châu Thạch 

HOA LIÊU TRAI 

 

Đêm tỉnh lặng, đêm vô cùng tỉnh lặng 

Con suối reo như rót nước xuống trần 

Vươn lên trời cổ thụ áo màu trăng 

Từng tua áo xuyên cành loan xuống đất. 

 

Đêm tỉnh lặng, đêm vô cùng tỉnh lặng 

Những vì sao rơi lọt xuống vòm xanh 

Tắm mình trong con nước chảy an lành 

Đàn cá thở li ti vàng bọt nước. 

 

Em hồn hoa trong rừng hương dạo bước 

Ta hồn người yêu vẽ đẹp Phong Lan 

Suốt đêm thanh âu yếm dưới trăng ngàn 

Hôn ngàn nụ những mùi thơm nhụy phấn. 

 

Trời mờ sáng hương hoa rừng trộn lẫn 

Khói ô dơ của mùi cháy bay về 

Đỏ một vùng quỷ lửa đốt sơn khê 

Em gục xuống trong tay người yêu dấu. 

 

Trời xanh hởi trên cao người có thấu 

Mỗi hoa rừng là sắc một giai nhân 

Ai đem chôn trong lớp lớp mộ phần 

Cùng với cỏ, với cây, với loài thú vật!  

                                 Châu Thạch 


BỐC MỘ NGƯỜI TÌNH 

 

Nắng trời chiếu xuống mộ trinh
Xương em chưa lộ nguyên hình tan ngay
Lão già bốc mộ say say
Người thân lệ ướt khăn tay sụt sùi
Có ai đây đứng bùi ngùi
Mộng yêu đất đã chôn vùi bao năm
Giấy vàng tiểu mới em nằm
Tro kia có thấy ngỡ ngàng hay chăng
Em về chốn mới xây lăng
Bỏ khe róc rách, bỏ trăng lên đồi
Chắc là bỏ cả luôn tôi
Xa xôi đâu dễ đến ngồi cùng em. 

Từ em đi cảnh buồn thêm
Chỗ nằm em trống trăng đêm lọt vào
Quách xưa lành lạnh hư hao
Đồi nghiêng gió lộng, rì rào rừng thông
Một mình anh giữa mênh mông
Một mình anh với viển vông mơ màng
Em về lăng mộ cao sang
Đắp rồng vẽ phượng khang trang chốn nào
Chắc chi nơi ấy ngọt ngào
Biết đâu nghĩa địa ồn ào hồn em
Nơi đây một cõi êm đềm
Em còn thương nhớ hay quên tháng ngày? 

Từ em đi đất đá say
Cùng anh chuốc rượu ngồi ngay mộ phần
Để nghe tiếng suối phân vân
Để nghe sương xuống thấm dần rừng hoang
Để nghe trăng chiếu võ vàng
Để nghe thao thức đêm tàn chờ ai.

Kìa bình minh rạng sớm mai
À ra thì đã đêm dài mộ không
                   Châu Thạch  


   LỜI KHUYÊN KỲ DỊ 

 

Hãy trang bị cho mình chiếc gậy
Như thêm chân để đi giữa cuộc đời
Và chiếc túi như chiếc hồ lô nhỏ
Bạn lên đường làm hành khất rong chơi.

Bạn bước xuống đi con đường nhân ái
Nẽo yêu thương gót rãi những nhân lành
Đến từng nhà xin chớ gỏ tay nhanh
Cứ từ tốn như ngày xưa Chúa gỏ. 

Ai tiếp bạn và ai lòng mở ngõ
Bạn nhân danh công lý tạ ơn người
Ai quay lưng chế nhạo, bạn tươi cười
Phủi hết bụi, đi xa vùng ô trọc, 

 

Bạn sẽ thấy tay mình ngăn tiếng khóc
Nếu đi xin vì trái đất nhân danh
Băng vết hằn đang rũa cả màu xanh
Lấy tình nghĩa trồng hoa vườn khổ nạn. 

 

Cả nhân lọai nếu ai đồng như bạn
Nhanh bàn tay với gậy, túi yêu thương
Thì thế gian nay đã biến thiên đường
Và đau khổ đâu còn trên mặt đất, 

 

Xin hết thảy đăng quang làm hành khất. 

                     Châu Thạch 

 

 RƯỢU DƯỚI TRĂNG 


Dốc ngược chai, rượu long lanh chảy
Ta nâng ly uống cạn cả ngàn trăng
Khà một cái hơi bay mờ mặt đất
Còn một trăng treo mộng ở trên cao.

Em ngồi lại cùng ta đừng đi vội
Nửa vầng trăng ta đã cắn làm đôi
Nghe vị ổi vừa chua và vừa chát
Trong miệng ta nguyệt đã vỡ tan rồi. 

 

Đừng, đừng bảo ta say là tăm tối
Linh hồn ta trôi nổi rượu, trăng, thơ
Những đam mê đắm đuối tự bao giờ
Những ân tứ từ khai sinh thế kỷ. 

 

Ở trong ta có ba người mộng mị
Một yêu trăng tràn ngập cả đường tim
Một yêu thơ lặn lội tháng năm tìm
Một yêu rượu lấy men làm tri kỷ. 

 

Ba khờ dại biến ta thành thi sĩ
Thoát hồn ta du nhập cõi mơ huyền
Ngồi dưới trần mộng đến chốn thiên tiên
Rượu trong máu và trăng tràn sông núi. 

 

Em ngồi lại cùng ta thêm chút nữa
Để cơn say đủ độ biến thành thơ
Để lời hay soi tỏ ánh trăng mờ
Và hết thảy gởi vào đôi mắt đẹp. 

 

Em ngồi lại cùng ta thêm chút nữa
Để men yêu dậy sóng phút em chờ
Với rượu nồng, thơ đẹp, với trăng mơ
Ta uống trọn tràn lan cơn cảm xúc. 

                           Châu Thạch 

 

(M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện 

thực hiện- Bài đã Đằng trên trang web Chu Vương Miện và Văn Nghệ Quảng Trị) 

                

Không có nhận xét nào: