CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023




 

VỀ BÚT DANH KHA TIỆM LY VÀ THẦY TRẦN VĂN HUẤN

1. Từ nhiều năm trước và mới đây, có nhiều bạn hỏi tôi: “Kha Tiệm Ly có phải là tên ghép hai nhân vật KINH KHA và CAO TIỆM LY không?”. Tôi thường “Dạ” để tránh giải thích dài dòng, phần cũng ngại phạm điều điều tối kỵ của tôi là …nói về mình!
Nhưng nhiều bạn hỏi, đành phải nói rõ ràng (hơi dài dòng, xin lượng thứ):
2. Hồi năm 1961, lúc tôi học Đệ Thất (lớp 6 bi giờ), tôi may mắn được thầy Trần Văn Huấn (thầy lớn tuổi hơn cha tôi) kêu vô nhà chơi khi tôi “bắn cu li” (bắn bi) với các bạn trước cửa nhà thầy bên cư xá Cảnh Sát. Sở dĩ thầy “mời” tôi vô nhà vÌ thầy nghe tôi đọc được hai câu đối trước cửa nhà thầy và tấm hoành với 4 chữ “Cao bằng nhã hội” ngay phòng khách, cũng là phòng làm việc của thầy.
Hồi đó học trò lễ phép lắm, nên người lớn thường thương mến. Thầy hỏi tôi biết đọc (chữ Hán) mà biết nghĩa không? – Dạ biết!
Và thầy bảo tôi giải thích hai câu đối phía trước và 4 chữ “Cao bằng nhã hội”.
– Con học chữ Hán trường nào, học mấy năm rồi, sao giỏi vậy?
– Dạ con học hồi năm tuổi, ông Ngoại dạy.
Thầy bảo tôi rảnh cứ việc sang chơi. Càng lâu, thầy thương tôi như con, và có lần thầy bảo tôi đọc truyện Tam Quốc cho thầy nghe (có lẽ thầy thử sức học); Tôi đọc có ca có kệ thầy thích lắm, thỉnh thoảng thầy hỏi “Câu đó nghĩa là gì?” (có lẽ cũng thử sức). Câu nào tôi cũng trả lời suôn sẻ và nhứt là không “bí” chữ nào. Thầy khen lia lịa.
Thực ra tôi không phải “giỏi” như thầy khen, mà là vì ở quê nhà tôi thường xuyên đọc Tam Quốc cho ngoại tôi nghe mỗi tháng không biết mấy chục lần, tất nhiên lúc đó chữ không biết rất nhiều, và câu không hiểu nghĩa cũng lắm, nhưng qua 5 năm tiểu học, ngoại tôi đã dạy thêm, sửa sai không biết bao nhiêu lần mà kể, vì thế khi đọc “ro ro” cho thầy nghe chẳng qua là tôi “thuộc bài” mà thôi!
3. Cuối năm Đệ Thất, tôi về thăm cha mẹ ở xã An Thuận quận Thạnh Phú (Bến Tre), Đò cặp bến ở nhà lồng chợ quận, không vội về, tôi bèn đến thăm thầy, cô giáo của mình; rồi đến thăm trường xưa, dù chỉ nhìn trường qua hàng rào, nhưng sao tôi thấy bùi ngùi, dù mới một niên khóa: Tôi thấy trường mình sao cũ quá (có lẽ vì tâm lý), và vắng vẻ quá (nghỉ hè mà), tôi chạnh lòng, nước mắt rưng rưng. Tối đó, ở nhà cha mẹ tôi làm bài thơ Đường luật đầu tiên, tựa là NGẮM TRƯỜNG XƯA, bài thơ nầy tôi có gởi cho báo Tiếng Dội Miền Nam, và được đăng sau khi tòa soạn sửa lại 3 chữ chữ vì đối không chỉnh và sai niêm. Bài thơ như sau:

Thu qua, thu lại mấy thu rồi?
Giờ ngắm trường xưa luống ngậm ngùi
Mái ngói sương phong mờ nét đỏ,
Bức tường rêu bám nhạt màu vôi.
Bao năm xa cách lòng tan nát
(Giờ trở)MỘT PHÚT về đây ruột rối bời
Hỏi cảnh biết chăng người (xưa)CŨ nhỉ
Cố nhân người hỡi, cố nhân ơi!
Liêu Tần Chương

* Chú: Chữ trong ngoặc đơn là nguyên bản
Chữ in hoa là tòa soạn sửa/ Tiếc rằng lúc đó không biết vị nào sửa mà cám ơn.
4. Tôi mang tờ báo đem khoe thầy, thầy hỏi:
- Liêu Tần Chương là gì?
- Dạ, thưa thầy: Liêu là hoang vắng, Tần là nước Tần, chương là rực rỡ.
- Sao lại nước Tần mà không nước khác?
- Dạ, ..dạ… vì con thích Tần Thủy Hoàng, ông ta là một cái thế anh hùng!
Thầy gật đầu nhẹ mà không nói gì.
Vài ngày sau, tôi qua thầy chơi, thì thầy đưa miếng giấy có viết 3 chữ 珂 漸 璃 (Kha Tiệm Ly) cho tôi coi rồi bảo:
- Thầy đã chọn bút danh cho con đây.
Được thầy chọn cho mình một bút danh thì còn gì hãnh diện cho bằng, nhưng tôi rụt rè nói:
- Thưa thầy, măc dù con biết KHA TIỆM LY 珂 漸 璃 của thầy khác với tên của KINH KHA 荊 軻 và CAO TIỆM LY高 漸 離 là 2 nhân vật thời Đông Châu, nhưng thiên hạ sẽ tưởng lầm KHA TIỆM LY 珂 漸 璃 là do 2 từ KINH KHA và CAO TIỆM LY ghép lại!
Thầy nghiêm nghị:
- Thây kệ họ, quan trọng là con có thích không?
- Dạ, được thầy đặt bút danh cho thì còn gì quý bằng.
- Nhưng con có biết nghĩa của bút danh nầy là gì không?
- Dạ… dạ…không!
Thầy giải thích:
- KHA là một loại đá đẹp nhưng không phải là ngọc; TIỆM là từ từ đến; LY là một loại ngọc quý. Ý thầy muốn nói, con còn nhỏ mà có chút tài thì ví như viên đá đẹp; viên đá nầy nếu được mài dũa thì sẽ thành viên ngọc quý. Cũng như con, lúc nào cũng phải trau dồi trí tuệ và phẩm hạnh thì lớn lên mới thành người có ích cho xã hội.
“Lý lịch”của bút danh Kha Tiệm Ly là vậy. Khá dài dòng, quý bạn thông cảm.
Thêm: Thầy Trần Văn Huấn là người tinh thông Hán học, là cháu nội của nhà cách mạng Trần Quý Cáp. Tôi có duyên gặp được thầy âu cũng là đại phước cho tôi.


KHA TIỆM LY


Không có nhận xét nào: