LỜI BẠT
Tình yêu là đề tài muôn thuở thi nhân. Tùy
theo bút pháp mà sự diễn đạt cảm xúc của tác giả đến mức độ nào để lôi cuốn
người đọc; làm cho người đọc khi xếp sách lại, phải bàng hoàng, phải bâng
khuâng theo ý tình của tác giả; để rồi có những câu thơ, thậm chí cả một vài
bài thơ làm cho người đọc khó quên. Nhã My, dù chỉ là tác giả mà người biết chỉ
có mức độ - nhưng đã làm được những điều đó.
Nhã My tên thật là Lâm Thị Ngọc Sương, sinh
năm 1953 quê quán tỉnh Ben Tre, học sinh Trung Học Công Lập Kiến hòa, sau đó
học Đai học Sư phạm Cần Thơ và Văn Khoa SaiGòn
Đam mê văn chương từ nhỏ, viết rất sớm; năm 11 tuổi đã có bài viết đầu tay ở
báo Gia Đình (do Bảo Ngọc chủ biên), khơi ngòi cho nhiều bài tiểu luận, phóng
sự, dịch thuật (tiếng Hoa và Anh) sau này… Nhã My đã cộng tác với nhiều
báo văn học xuất bản ở SG trước 1975 với nhiều bút hiệu khác nhau.
Nghỉ làm việc và bỏ viết lách sau một thời gian dài hơn 20 năm, trở lại tu
nghiệp và chuyển ngành học chuyên ngữ Trung văn tại Đại Học Sư Phạm thành phố
HCM, sau đó dạy và phiên dịch Hoa ngữ.
Sau KHUNG KỶ NIỆM là tập thơ đã xuất bản chung với bạn bè vào năm 2012,
KHƠI XA là tác phẩm in riêng đầu tiên.
Dù văn chương đã đeo đuổi tác giả từ nhỏ,
nhưng đó chỉ là cái “nghiệp”, cái “nợ”, bởi tác giả chưa bao giờ sống bằng tiền
kiếm từ ngòi viết của mình!
Sống ở Mỹ từ năm 1997; và là chủ trang Blog Nhã My
KHƠI XA gồm 99 bài thơ tình với nhiều đề
tài khác nhau mà tình yêu đôi lứa của tuổi học trò, của mái trường xưa chiếm số
lượng nhiều nhất, xen vào đó là những bài tình yêu quê hương, nhớ quê nhà,nhớ
người thân thuộc, hay những bài mô tả về một thân phận cô đơn, nỗi ray rứt về
một kiếp người.
Có những lời thơ mộc mạc, êm đềm, bình dị
như ca dao, ta cũng thấy được những lời thơ không kém phần hoa mỹ, điêu luyện.
Có những ý tình mà tác giả nhìn đời bằng cặp mắt bi quan, xen vào đó chút ít
những ý tình tràn trề sức sống, một ít tư tưởng nhà Phật. Nhưng dù với khía
cạnh nào, chúng cũng được tác giả phóng bút một cách linh hoạt, làm cho
người đọc không kém phần thú vị.
“Tâm Cảm” là bài thơ lục bát đầu tiên của
tập thơ, có lẽ tác giả đã tự giới thiệu một phần về cái “tâm” , cái
“nhìn” khái quát của mình về nhân sinh quan, về những những thực thể
trước mắt qua cuộc sống, qua thời gian và còn đọng lại một nỗi ngậm ngùi trong
tâm thức :
.
Mây trôi mấy nẻo bềnh bồng
Bên khe bất chợt nụ hồng nở hoa
Trăng kia lạc cõi ta bà
Màu phai vàng úa ngày qua tháng về
….
.
Xưa em lỡ một lời thề
Trăng khuya còn đó bên trời gió đưa
….
Trong sương nở đóa sen hồng
Theo người gieo hạt từ tâm một đời
….
Trùng dương ngọn sóng xa khơi
Chim bay lặng lẽ bên trời buồn chăng?
…
(trích Tâm Cảm)
Thuở học sinh luôn là thời gian vô tư
như tiếng ve trên cành phượng, trinh nguyên như tà áo trắng,ngọc ngà trong tuổi đời đầy hoa mộng :
“Tóc
mây bỏ lửng lưng chừng
Gót sen êm ả ngập ngừng lối xưa
Hoa vàng từng cánh đong đưa
Ru tôi vào mộng cũng vừa chớm yêu...”
(Hoàng hoa)
Để rồi một ngày nào đó có mấy ai chẳng đã từng dệt ước mơ về
một khung trời hạnh phúc tương lai:
“Em
về nhặt nắng tìm hương
Góp mây đan sợi yêu thương những ngày
Em
về rót giọt sương mai
Đong bình chung thủy mà say giấc nồng”
(Em về)
Em – loài hoa ủ hương đêm
Ta - thân cơn gió ru êm đợi tình...
(Quỳnh hoa)
Tình yêu tuổi học trò thường không như ý
nguyện, nhưng đó lại là những kỷ niêm đi theo suốt cuộc hành trình của cuộc
đời; nhất là khi có dịp về thăm trường cũ, người trong cuộc không khỏi bâng
khuâng:
“…
Theo nắng hạ ngàn hoa rơi đỏ
Phủ sân trường còn đó hè ơi
Tháng năm nhung nhớ chợt về
Gom bao kỷ niệm bên lề ngẩn ngơ”
(Hè)
Và hình ảnh người yêu xưa, khung trời cũ
dồn dập quay về đem theo sự nuối tiếc nhớ thương khi đã lìa xa:
“… Phượng
hồng chẳng thấy đùa trong nắng
Chỉ thấy sương sa lạnh cõi lòng”
(Tâm không)
“…
“Em ơi tình cũ trường xưa đó
Anh khắc trong tim chẳng nhạt màu”
(Tình cũ trường xưa)
Tình đầu thường ra đi theo thời gian, theo
bao thăng trầm thế sự, nhưng nó để lại bao u uất, bao thất vọng , đớn đau cho người
trong cuộc:
“…
Tình đời không đủ rộng
Nên thuyền hồn chơi vơi
Lửa đời không đủ ấm
Xui lòng ta u hoài”
(Chơi vơi)
“…
Rừng cây lá chết bao lần
Đời ta đếm tuổi vô ngần nhớ nhau”
(Nợ)
“…
Buồn đêm sao rụng bên hiên vắng
Lá chết vàng phai mấy độ trăng
Cổ độ trời xa mù bóng nước
Hồn đau lặng lẽ khúc thăng trầm”
(Sao rụng)
“… Em chia phận mỏng chiều tà
Phôi phai sợi tóc ngày qua ngậm ngùi
Bao giờ góp nhặt nụ cười
Chia nhau thân phận một đời đắng cay ?”
(Chia)
Nỗi đau thương chia cách, bùi ngùi kéo mãi,
không chỉ là “mười năm” , “bốn mươi măm” mà chúng theo sát cuộc đời của hai
người bất chấp thời gian và không gian:
“…
Người đi hoa bưởi hoa cau rụng
Sỏi đá buồn theo bước ngập ngừng
Em
đã chết lòng theo xác pháo
Áo hoa thờ thẩn nắng cài song…
… Ta gói thời gian trong lớp bụi
Đã màu rêu úa lạnh đời nhau…”
(Mười năm)
“… bốn mươi
năm tưởng ngày nào
tóc xanh đã bạc lạc vào bến mê
bóng mây trôi dạt chiều quê
cánh chim viễn xứ bốn bề bơ vơ...”
(Bài thơ viết lại)
“… Giấc mơ gom
mấy cho vừa
Đời người đã trải mấy mùa thương đau”
(Quỳnh Hương)
Cho
nên dù phương trời viễn xứ , có một người vẫn ngậm ngùi, thổn thức:
“… Khung trời
quan ngoại mờ sương khói
Thì trách làm gì nhân ảnh phai
(Trường cũ tình xưa)
Nửa thương giấc mộng đã xa
Nửa neo bến đợi giang hà nước trôi
Nửa chừng mới biết xa xôi
Nửa nghe trống vắng nửa trời nhớ nhau”
(Nửa)
“Mai
về ép gió mây chung
Ép đôi tim nhịp mộng cùng xót xa”
(Khóc)
Chưa
phôi pha vì tình yêu tan vỡ, người nữ lại thêm một nỗi buồn chia ly mới: Xa đất
nước, xa khóm tre, xa bờ cau, xa tất cả kỷ niệm thời thơ ấu:
“…
Nhìn áng mây bay qua khung cửa kính
Thử hỏi đời mình qua mấy cuộc chia ly....”
(Ở
phi trường)
“…
Dài tay đếm cạn tháng ngày
Chén sầu uống cạn
Xót
Trời tha hương”
(Tha hương)
“…
Trên trời lưu lạc vì sao
Nhìn trăng mà thẹn lời nào xa xôi
Không gian cách trở trêu người
Nhớ nhung thăm thẳm tình rời hai bên…”
(Hai bên)
“…
Bên trời viễn xứ ngùi trông
Thương về cố lý mà mong tương phùng”
(Lục bát trên cao)
Để rồi chỉ cần nghe tiếng “ba má” của trẻ
thơ; nó cũng đủ làm tác giả “mềm lòng”, dậy lên nỗi nhớ miên man về tổ quốc xa
xôi:
“…
Lời thỏ thẻ em kêu Ba Má
Tôi mềm lòng...ơi nghe tiếng Việt Nam”
(Mùa đông Cali)
“… Nghe
từ trong giấc mơ xưa
Tiếng ru của mẹ giữa trưa giọng buồn”
(Cố lý)
“…
Về một chốn đồng quê có hoa cau hoa bưởi
Có luống rau xanh mà mẹ vừa mới tưới
Có
trái non trái chín trĩu trên cành
Nghe tiếng bìm bịp kêu mà lòng phơi phới
Biết nước lớn về người sẽ qua thăm
… Ngày nhớ thương người mà đêm vẫn thích nằm trong vòng tay của mẹ
Ơi ngọt ngào nghe những tiếng ru êm”
(Nhớ quê)
“… Nhớ thương
một mái nhà xưa
Bên hiên tiếng võng mẹ đưa trĩu lòng
… Đâu rồi một tiếng gà trưa
Gáy bên hàng dậu lưa thưa bồi hồi
… Bước chân ghềnh đá chênh chao
Khơi xa sóng vỗ bạc đầu nhớ thương…
(Khơi xa)
Có nhiều nguyên nhân để một tình yêu tan
vỡ, thông thường là do một trong hai người phụ bạc, thế nhưng ở KHƠI XA
sự chia xa đó lại là do duyên phận éo le, do bàn tay của định mệnh phũ phàng,
vì thế sự xót xa, nhung nhớ không riêng chỉ một người.
Với người nam, chàng vẫn chưa nguôi ngoai,
vẫn giữ một tình yêu vô vọng đến độ si tình:
“… Lá rơi ngừng ngập chân em bước
Có âm thanh nào tiếng nhớ thương?
… Ví dù nắng tắt hoàng hôn lạnh
Xin giữ lời xưa trên cánh môi
Từ vỡ lành trăng xao bóng nước
Em mùa nguyệt bạch chốn xa xôi
Hồn tôi ôm cả hồn trăng bước
Vẫn nhớ về em dẫu cuối trời…”
(Nhớ)
buồn
chi gió cũng thở dài
để ta sấp ngửa còn say chén thề
(Khói sương)
“…
Áo xưa khuất nẻo che tình mới
Đã cách lòng anh khỏi bến mơ....”
(Vu qui)
“… Là tôi sao chỉ lỡ làng ngắm trăng
Chia cho nửa mảnh tình thầm
Bóng tôi lồng với bóng trăng đợi
chờ”
(Trăng chờ)
“…
Xa nhau đã mấy mùa
đông
Em thay áo cưới qua sông cùng người
Đâu đây còn vọng tiếng cười
Nghe trong hiu hắt một đời không nhau
……
…Đâu rồi đôi mắt người xưa
Thềm hoang lỡ hẹn gió đùa trăng côi…”
(Trăng côi)
“… Em giờ bờ vắng đơn côi
Tình trăm năm có đắp bồi đủ không?
(Chiều xa)
“… Chiều xưa
áo ấy còn bay
Mà nay trăng khuyết đã thay bóng người”
(Xưa)
“… Rượu sầu
mà uống sao quên
Người đâu mà nhớ mà quên hỡi người?
Say cho suốt một kiếp này
Cho tan hình bóng áo bay hão huyền…”
(Say)
“…Chút hương
còn đọng bên này
Thổi qua bên ấy cho gầy nhớ thương…”
(Tình xuân)
Có thể nói trong gần 99 bài thơ tình của
KHƠI XA, bài nào cũng mang sắc thái riêng. Từ những nỗi đau vò xé; những nỗi
buồn có căn nguyên hay vô cớ; sự yếu đuối chấp nhận định mệnh; những thơ ngây
của tuổi học trò hay chua chát của tình yêu mới lớn … Tất cả đếu mang tính lãng
mạn đặc thù, nhưng tất cả đều tạo ra những âm ba khác nhau làm người đọc khó
dằn được xúc động, bồi hồi:
“…Bên hiên
lao xao tiếng lá
Mơ màng dáng
ngọc xa xưa
Thẹn thùng
hỏi ai vàng đá
Ngàn năm tình
vẫn như đùa”
(Vọng tình)
“… Cầu qua
mấy nhịp phù trần
Nước trôi trôi mãi mấy lần đổi thay
Nến buồn đổ lệ đêm dài
Lời ca lỗi nhịp sầu ai giấc gầy
Tím
trời thẫm một màu mây
Sông xưa sóng bạc buồn vây một
đời
Tình thơ thắp sáng đam mê
Mùa trăng hư ảo dệt lời mộng du…’
(Mộng
du)
“…
Em thánh thiện bên bờ ảo ảnh
Áo xiêm xưa giấu lại vết oan cừu
Mai trở lại thăm vườn cổ tích
Bóng tà huy rơi xuống nhuộm thiên thu…”
(Rơi)
“…
Hồn tôi hạt cát hoang sơ
Lời trăm năm đã bây giờ phôi phai...
…
Trường giang lớp lớp sóng tràn
Thuyền không ghé bến
Chiều tàn lặng trôi...
(Đoản khúc cô liêu)
“…
Bên trời lặng lẽ vì sao
Hồn khuya chạm xuống nỗi đau cuối mùa”
(Cuối mủa)
“…
Bây giờ tiếng võng ầu ơ
Ru con còn nhớ tình thơ lỡ làng ?…
… Mù u đậu chú bướm vàng
Lấy chồng chi sớm để nàng xa anh…
(Tình quê)
“…
Xin người giữ chút màu son
Chìm trong kỷ niệm vẫn còn
....Chiêm bao!”
(Chiêm bao)
“…
Mù sương áo nhuộm tà dương
Môi hồng chợt tắt cuối đường xót xa
… Tiếng thương
tí tách giọt ngâu
Tiếng buồn chợt nhớ ''qua cầu gió bay''
Dối cha dấu mẹ những ngày...
Ngậm ngùi
Tiếc áo
Đã bay theo người”
(Ngậm ngùi)
“…
Em ngồi chải tóc
Sợi
nào rơi rơi
Thời
gian kết bạc
Tóc hết xanh rồi
…
Mười năm dâu bể
Mười
năm hư không
Mười
năm lá rụng
Xa
trời mênh mông”
(Mười năm)
“… Môi hôn còn nhớ nồng hương lửa?
Xót mảnh hồn đau khóc
mấy mùa”
(Người đi)
“…
Hoàng hôn tím ngắt trời mây
Bâng khuâng bèo nước lưu đày phận ta”
(Bóng)
“…
Lật trang nhân thế tháng ngày mộng du
Gối tranh cát bãi sa mù
Trắng mây một cõi phù du đi về”
(Sách)
“… Một
mình đập chén sầu ca
Tóc xanh điểm bạc chờ qua kiếp nào
Chút tình xin gửi mây cao
Mai kia mưa rớt hạt vào hư không…
(Hư không)
Đặc biệt trong KHƠI XA có hai bài toàn vần
bằng. Đây là hình thức tương đối vất vả với người làm thơ, vì không khéo khi
đọc lên sẽ chói tai. Mời xem:
“Mây chiều bay muôn phương
Mưa buồn giăng rưng rưng
Người xa lòng mang mang
Sầu dâng theo thời gian…”
(Chia ly)
“Người mang
tim tôi đi về nơi đâu
Ngàn năm mây bay tình nay đong sầu
Còn đâu thương yêu ngày xưa câu thề
Thành muôn thương đau vùi chôn trong nhau…”
(Tình
đau)
Tóm lại, nếu gác ra ngoài
dăm ba bài thơ - trong số 99 bài thơ - mang chủ đế khác thì KHƠI XA là
một chuyện tình buồn. Đó là tiếng lòng u uất, là lời than thở của hai kẻ yêu
nhau, nhưng cuối cùng không tròn ước nguyện. Tình yêu tan vỡ không thiếu trong
tình sử, nhưng rồi từ từ người trong cuộc cũng phôi pha theo năm tháng cuối
cùng bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian. Thế nhưng trong KHƠI XA, ta không thấy
người phụ bạc, mà thấy được một ý tình chung thủy của cả hai: dù đã bốn mươi
năm sau - tức gần hết một đời người – mà trái tim họ vẫn còn da diết, dù cả hai
đã có gia đình, bị ràng buộc với bổn phận làm chồng, làm vợ, làm mẹ, làm cha.
Có phải vì vậy mà KHƠI XA đã kết thành
tiếng lòng ai oán, tiếng nức nở thê lương, để dệt lên những vần thơ thê
thiết não nùng?
Yêu nhau, rồi xa nhau, rồi khổ đau, rồi
nhung nhớ, không phải là đề tài mới trong tình sử cổ kim; nhưng với những lời
thơ không khuôn sáo mà mới lạ; bình dị mà êm đềm như ca dao; ý tình nhiều mà
không trùng lấp; bấy nhiêu đó đã khiến cho người đọc sau khi xếp sách lại cũng
phải ngậm ngùi.
Lời bạt nầy chúng tôi chỉ viết theo sự nhận
thức kém cỏi của mình. Có điều gí không mãn ý, xin quý bạn đọc xem qua với lòng
độ lượng.
Tiền Giang ngày 2 / 9 / 2014
KHA TIỆM LY
NM CHÂN THÀNH CẢM ƠN ANH KHA TIỆM LY ĐÃ DÀNH TÌNH CẢM CHO TẬP THƠ KHƠI XA VỚI LỜI BẠT NÀY.