Thành phố Châu Đốc nằm trên bờ sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 245 km về phía tây
Phía bắc thành phố giáp huyện An Phú.
Phía đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu.
Phía nam giáp huyện Châu Phú
Phía tây nam giáp huyện Tịnh Biên và biên giới với Campuchia.
Châu Đốc có khu danh thắng Núi Sam, với nhiều di tích lịch sử - Văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó có Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ được tổ chức hằng năm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, cúng bái. Bên cạnh đó, vùng đất giàu truyền thống này cũng từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng, như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Doãn Uẩn,...và những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang bờ cõi, giữ vững biên cương cho Việt Nam.
Các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Châu Đốc gồm:
Lăng Thoại Ngọc Hầu (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Chùa Phước Điền (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Chùa Tây An (Quốc lộ 91, phường Núi Sam)
Đình Châu Phú (đường Trần Hưng Đạo, phường Châu Phú A).
Ảnh Miếu Bà Chúa Xứ (nguồn internet )
TRUYỀN THUYẾT VỀ MIẾU BÀ CHÚA XỨ CHÂU ĐỐC
Miếu Bà Chúa Xứ
là một công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc
phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là một di tích nổi tiếng ở
khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm thu hút gần 2 triệu lượt người đến
cúng bái, tham quan. Khách hành hương, du lịch đến từ khắp nơi trên cả nước, tạo
nên một mùa lễ hội sôi nổi, đông đảo kéo dài suốt nhiều tháng.
Theo số liệu của Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch
An Giang, nếu năm 1990 có khoảng 1 triệu du khách đến miếu Bà thì năm 2007 đã
có trên 2,5 triệu lượt người đến. Sồ tiền khách thập phương hỷ cúng tại miếu mỗi
năm lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhiều dự án giao thông, trường học, trạm cấp nước
phục vụ cho dân làng Vĩnh Tế đã được xây dựng từ nguồn tiền này.
Năm 2001, lễ hội
Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được chính thức công nhận là lễ hội quốc gia. Năm 2008,
lễ hội được tổ chức với tên gọi Tuần lễ quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Lễ hội chính thức khai mạc vào tối ngày 25-05 tại Trung tâm thương mại núi Sam.
Lễ khai mạc đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham
dự. Dịp này, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã tiến hành nghi thức trao giấy
xác nhận và cúp lưu niệm kỷ lục Việt Nam đối với “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam”
và “Tượng bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam” cho đại diện Ban quản
trị lăng miếu núi Sam.
LỊCH SỬ MIẾU BÀ CHÚA XỨ
Miếu Bà chúa Xứ
có từ khi nào cho đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng nhìn chung, các nhà
nghiên cứu đều cho rằng miếu thành hình sau năm 1824. Tương truyền, lúc đầu, miếu
Bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng, lưng quay về vách
núi, chánh điện nhìn ra cánh đồng bát ngát. Năm 1870, miếu được xây lại bằng đá
miểng và lợp ngói. Đến năm 1972, miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo
lối kiến trúc cổ kính phương Đông. Công trình là một quần thể hoành tráng trên
mặt bằng rộng với dãy Đông lang, Tây lang, chánh điện, nhà khách…theo đồ án của
kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng, nhưng xây dựng dở dang. Mãi đến năm 1995, Ban Quản
trị lăng miếu núi Sam mới tiếp tục xây dựng phần còn lại.
Tương truyền, dưới
triều Minh Mạng, khi Thoại Ngọc Hầu giữ trọng trách trấn giữ biên giới Tây Nam,
giặc ngoại xâm thường sang quấy nhiễu. Mỗi lần ông xuất quân, bà chánh thất phu
nhân Châu Thị Tế thường đến khấn vái, mong Bà phù hộ Thoại Ngọc Hầu đánh thắng
giặc, bảo vệ cuộc sống yên lành cho dân. Về sau, để tạ ơn những điều ứng nghiệm,
phu nhân Thoại Ngọc Hầu đã cho xây cất lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Lễ
khánh thành được tổ chức trong 3 ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó về sau
thành lệ, dân chúng lấy những ngày trên làm lễ Vía Bà. Nếu chi tiết này có thật,
thì đây cũng là một thông tin cho biết rằng miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ thời
Minh Mạng.
Ngôi miếu có bố cục
kiểu chữ 国 - Quốc,
hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu
xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh
điện thể hiện đậm nét nghệ thuật. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp
đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc,
lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tường phía
sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như được giữ nguyên như cũ.
Chánh điện gồm
hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà Chúa Xứ với tượng Bà bằng đá đặt trên bệ
cao, sát hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà.
Bên phải tượng Bà là một linga cũng bằng đá đặt trên một hương án thờ, gọi là
bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi
là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng.
Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên
trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải).
Ngay lối vào chánh điện có đôi câu đối thể hiện
quyền lực linh thiêng của Bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân. Nội dung như
sau:
暹可驚清可慕意外難量
Phiên âm:
Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị
Xiêm khả kinh, Thanh
khả mộ, ý ngoại nan lượng
Dịch nghĩa:
Cầu nhất định được, ban nhất định linh, báo
cho biết trong mộng
Người Xiêm phải sợ, người Thanh phải nể, không
thể tưởng tượng nổi
Truyền thuyết
Truyện xưa kể lại rằng: Những năm 1820 - 1825,
Quân Xiêm thường sang nước ta quấy nhiễu, cướp bóc. Mỗi khi giặc đến, người dân
quanh vùng lại phải bồng bế nhau chốn chạy lên núi lánh nạn. Có lần quân giặc
đuổi theo lên đến đỉnh núi Sam thì gặp tượng Bà. Chúng hì hục cậy ra, lấy dây
buộc lại dùng đòn khiêng xuống núi để mang về xứ. Nhưng khi bọn chúng mới
khiêng đi được một đoạn đường ngắn, lạ thay tượng Bà bỗng dưng nặng trĩu không
thể nào nhấc lên được nữa. Khi đó, một tên trong bọn tức giận đập vào cốt tượng
làm gãy một phần cánh tay bên trái và ngay tức khắc hắn bị Bà trừng phạt.
Thời gian sau, Bà
thường hiện về xưng là Bà Chúa Xứ, dạy dân làng khiêng xuống núi lập miếu thờ
cúng. Bà sẽ phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp
quấy phá, thoát khỏi dịch bệnh hoành hành. Thấy vậy, dân làng họp nhau lên núi
khiêng tượng về thờ cúng. Nhưng lạ thay, dù mấy chục thanh niên trai tráng hò
nhau gắng sức vẫn không lay chuyến nổi tượng Bà. Trong lúc mọi người đang rất
thất vọng, có ý định bỏ dở thì một cô gái trong làng bỗng dưng lên đồng cho biết
: "Bà chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng". Dân làng làm theo lời
dạy ấy và qủa đúng thật 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà đi xuống một cách
nhẹ nhàng.
Bỗng nhiên khi đi đến chân núi thì tượng Bà trở
nên nặng, không thể khiêng nổi thêm một bước nào nữa. Khi đó mọi người đã hiểu
rằng, Bà đã chọn nơi đây để an vị nên đã không cố gắng di chuyển đi nữa mà lập
miếu thờ cúng chỗ đó.
Khảo cứu
Các nhà nghiên cứu
phỏng đoán tượng Bà được tạc vào thế kỷ VI, theo mô típ tượng thần Vinus thường
thấy ở các nước Lào, Campuchia, Ấn Độ. Thực chất, tượng Bà vốn là một pho tượng
đá, thể hiện dáng hình một người đàn ông trong tư thế ngồi, chân trái của tượng
xếp bằng tròn, mũi bàn chân giáp với chân phải; chân phải để gập, co gối, chống
thẳng bàn chân xuống mặt bệ đá. Tay trái của tượng ở tư thế chống nạnh, bàn tay
xoải xuống mặt bệ đá, phía sau đùi trái. Tay phải tượng thả tự nhiên, bàn tay
úp trên đầu gối phải. Tóc tượng uốn thành những búp xoăn, thả về phía sau. Trên
mặt tượng có một vành ngấn, là nơi đặt mão lên đầu tượng. Trong vành ngấn này
có những hoa văn hình móc câu, riêng ở phần vành nằm trước trán của tượng có một
hình tròn, chung quanh là những hoa văn kiểu ngọn lửa. Trên cánh tay để trần của
tượng có một vành đai, giống như cái vòng đeo tay. Toàn bộ dáng hình của pho tượng
là dáng hình một người đàn ông tràn đầy sức sống, với bộ ngực căng nở và chiếc
bụng phệ. Trên ngực của tượng có một vành đai như vòng kiềng, trước ngực là
hình mảnh trăng lưỡi liềm khá rộng. Toàn bộ pho tượng cao chừng 1,25 m, được tạc
liền một thớt đá cùng loại, với bệ tượng dày chừng 10 cm. Về trang phục, tượng
được tạc trong tư thế đang vận một chiếc khố. Ở bắp cánh tay, gần bả vai của tượng,
sát nách, nổi cộm một vòng đai có hình dạng như một chiếc vòng đeo tay. Ở cổ tượng
nổi cộm một vòng đai hình vòng kiềng, chỗ vòng nằm ngay ngực khá to, hình lưỡi
liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ xưa.
Nhà văn Sơn Nam từng viết: "Tượng của Bà
là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi
Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà
mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó "Bà Chúa Xứ" là vị thần có quyền
thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy.....".
Theo nhà khảo cổ học người Pháp, ông Malleret,
trong thời gian tiến hành khai quật khu di chỉ Óc Eo từ năm 1942 đến năm 1944,
ông có đến núi Sam nghiên cứu tượng Bà Chúa Xứ và cho biết rằng đây là loại tượng
nam thần, được tạo theo dáng người ngồi nghỉ ngơi, vương giả, vật liệu bằng sa
thạch, giá trị nghệ thuật cao. Năm 1989, một đoàn ngoại giao Ấn Độ có đến thăm
vùng này, vào miếu Bà Chúa Xứ, họ rất ngạc nhiên khi được gặp tượng thần
Shivalinga ở khu vực núi Sam trong danh xưng Bà Chúa Xứ.
LỄ HỘI BÀ CHÚA XỨ
Hàng năm, lễ hội
“Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam” diễn ra từ ngày 23 đến 27-04 âm lịch. Hàng vạn người đổ
về dự lễ và tham gia các trò vui như: hát bội, múa võ, ca nhạc ngũ âm, múa lân,
đánh cờ... Phần lễ có những nghi lễ chính như sau:
- Lễ “Tắm Bà”
(tương tự như lễ mộc dục ở miền Bắc): Được cử hành vào lúc 0 giờ ngày 24-04 âm
lịch. Mở đầu lễ, 2 ngọn nến to được đốt sáng lên trong chánh điện. Ông lễ chánh
bái nghi cùng với 2 vị bô lão, ban quản lý miếu niệm hương, dâng rượu và trà. Bức
màn vải có viền ren lộng lẫy kéo ngang bệ thờ, che khuất khu vực đặt tượng, 9
cô gái trẻ được phân công trước bắt đầu vén màn tắm cho tượng Bà. Đầu tiên là cởi
mũ, áo, khăn đai từ lớp ngoài vào trong để lộ toàn thân pho tượng. Những cô gái
được phân công việc tắm Bà lần lượt nhúng từng chiếc khăn mới vào chậu nước
thơm, vắt ráo rồi lau tượng nhiều lần. Sau đó, họ dùng nước hoa xịt khắp bức tượng
rồi chọn bộ đồ mới đẹp nhất khoác lên bức tượng, thắt chặt đai, chít khăn, đội
mão, gắn lại những ngọn đèn màu trang trí như cũ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng
một giờ, sau đó bức màn ngăn được kéo lên để cho khách tự do chiêm bái, dâng
hương, hoặc xin lộc Bà. Phần Lễ Tắm Bà kết thúc…Nước tắm cho Bà còn lại sẽ đem
hoà trong 2 thùng nước lớn để phân phát cho du khách trẩy hội.
- Lễ Thỉnh sắc: cử
hành vào khoảng 16h chiều ngày 25, một đoàn người gồm các bô lão trong làng quần
áo chỉnh tề, tiến từ miếu Bà sang lăng Thoại Ngọc Hầu để thỉnh sắc (thật ra,
đây là lễ rước bài vị, vì sắc đã không còn). Dẫn đầu có đội múa lân, các học trò
lễ tay cầm cờ phướn đi hầu phía trước và sau chiếc kiệu sơn son thiếp vàng gọi
là long đình. Đến điện thờ, ông chánh bái làm lễ niệm hương, rồi thỉnh bài vị
đưa lên kiệu trở về miếu Bà. Ba chiếc bài vị mang tên Thoại Ngọc Hầu và tên bà
vợ chánh Châu Thị Tế, bà vợ thứ Trương Thị Miệt được đặt trên bàn thờ ở chánh
điện. Bài vị thứ tư mang tên Hội đồng, ghi công lao các quan quân đã theo Thoại
Ngọc Hầu xưa kia, được đặt riêng ở bàn thờ phía trước.
- Lễ Túc yết: được
tổ chức lúc 0 giờ đêm 25 rạng 26-04 âm lịch, gồm có hai phần: nghi thức cúng tế
và phần xây chầu. Lễ vật dâng cúng gồm có: một con heo trắng, một đĩa huyết heo
có kèm theo nhúm lông nhỏ. Một mâm trái cây, trầu cau, gạo, muối. Sau ba hồi
chiêng, trống, nhạc lễ nổi lên, lễ dâng hương, dâng trà bắt đầu. Nghi thức cúng
tế kết thúc bằng động tác của ông chánh tế đốt bản văn tế cùng giấy vàng bạc.
Tiếp theo nghi thức cúng tế là phần xây chầu được tiến hành ở nhà võ ca. Sau phần
cầu nguyện của ông Chánh bái, xin cho mưa thuận gió hoà, đất đai phì nhiêu, mùa
màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui, các loài quỷ dữ bị tiêu diệt, lễ
Xây chầu bắt đầu bằng ba hồi trống lệnh. Sau đó, chiêng trống rộ lên, chương
trình hát bội bắt đầu.
- Lễ Chánh tế: được
tổ chức vào tờ mờ sáng ngày 27, gần giống như nghi thức cúng Túc yết.
- Lễ Hồi sắc: cử
hành vào khoảng 15h ngày 27-04, đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và
nhị vị phu nhân từ miếu trở về Sơn Lăng. Kết thúc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi
Sam.
Miếu Bà chúa Xứ là một trong những danh thắng
của núi Sam được nhà nước xếp hạng. Nơi đây đã mang dấu ấn của cả một thời đại
hào hùng, thời đại chống giặc ngoại xâm. Và ngay nay miếu Bà Chúa Xứ vẫn thật sự
là điểm đến của du khách bốn phương, là nơi mà con người cầu mong về những điều
thiêng liêng, tốt đẹp nhất.
(Tổng hợp từ tài liệu trên net)
(Tổng hợp từ tài liệu trên net)
( Ảnh của NM SL)
9 nhận xét:
Di một chuyến ngắn mà nắm bắt và khai thác... thật hay !
Lúc này mình bận quá ko có thì giờ vô blog kỳ sau viết tiếp núi Cấm và đồi Tức Dụp bạn ạ
LVG cũng đã đến xứ này đôi lần . Quả là một địa danh nên đến ! Cảm ơn NHAMY !
http://www.joliecarte.com/images/carte/cafe/135hankh.gif
Mời chị cafe ạ!
...''Sau dừng chân, trời ngã chiều …ta tiếp
Rừng tràm Trà Sư Châu Đốc (An Giang)
Tây sông Hậu, rừng sinh thái bạt ngàn
Bìm Bịp, Trích Cồ, Le le, Gà nước
.
Phố Châu Đốc đã lên đèn phía trước
Viếng Tây An Cổ Tự, Ngọc Hầu lăng
Bà Chúa Xứ miếu thờ tự linh thiêng
Dạo chợ đêm Núi Sam.. xe lôi phố…
---
http://dinhnguyenmn1060.blogspot.com/2014/11/toi-ve-tham-lai-mien-tay.html
Lần đầu thăm chị, đọc bài rất hay... ấn tượng Miền Tây lắm lắm. Chúc chị mãi an bình và hạnh phúc trong cuộc sống.
Ngưỡng mộ, kính !
Miếu bà Chúa Xứ cháu đi rồi và rất ấn tượng.
Cháu chúc cô luôn vui.
Sang thăm bạn đọc bài viết và hình về Miếu Bà Chúa Xứ thật ấn tượng. Có dịp mình sẽ về nơi ấy một chuyến. Chúc bạn ngày mới vui vẻ và hạnh phúc bạn nhé. Thân mến
http://i689.photobucket.com/albums/vv253/anhtuannguyenminh/niaoer_com_090417viel-2.gif?t=1270336094
Cảm ơn NM với thông tin về BCX thật phong phú.Chúc an lành,Thân mến
http://blogcaycanh.vn/uploads/caycanh/1400985027_hoa-ngoc-lan.jpg
Cảm ơn chị NM đã giới thiệu,người đọc được biết rõ thêm rất thú vị !
Đăng nhận xét