CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

SÓC TRĂNG- CHÙA KHLÉANG

Chùa Khléang (hay Kh'leang, Khleng)[1] là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ; hiện tọa lạc ở số 53 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam. Đây là một di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 84/QĐ-BVHTT ký ngày 27 tháng 4 năm 1990 của Bộ Văn hóa và Thông tin.






Theo tài liệu còn đang lưu trữ tại chùa Kh'leang, thì vào đầu thế kỷ 16, từ kinh đô Lô-véc [2], vua của nước Chân Lạp là Ang Chăn đã tổ chức một chuyến đi kinh lý qua các lãnh địa xa xôi của mình ở vùng hạ lưu sông Hậu. Khi nhà vua đến thăm Srok Kh'leang (tiếng Khmer có nghĩa là "xứ có kho"[3], tức tỉnh Sóc Trăng ngày nay)[4] mà không thấy có ngôi chùa thờ Phật nào, ngài bèn ra lệnh cho viên quan coi quản đất ấy tên là Tác (phiên âm từ tiếng Khmer) phải xây dựng gấp một ngôi chùa để dân chúng có nơi hành đạo.

Vâng lệnh vua ban, năm 1532, ông Tác bèn triệu tập các tín đồ và đại diện các "sóc" (srok, có nghĩa là xứ) để kêu gọi mọi người góp công, góp sức xây dựng một ngôi chùa thờ Phật. Sau khi bàn bạc, chùa Khléang (lấy tên đất đặt tên cho chùa) được khởi công xây dựng vào ngày 16 tháng 12 Phật Lịch 2076 (tức vào năm 1532 dương lịch).

Sau khi công trình "bằng gỗ và lợp lá" ấy hoàn thành, ông Tác lại tổ chức hội nghị để chọn nhà sư trụ trì của chùa. Kết quả là nhà sư Thạch Sóc (61 tuổi, thọ giới đã 40 năm, lúc đó đang tu tại chùa Luông Bassac, thuộc phạm vi huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ngày nay) được chọn làm Trụ trì, đồng thời còn kiêm luôn chức vụ Mê Kôn (chức vụ đứng đầu hội sư sãi của một vùng).

Ngôi chùa đầu tiên ấy đến nay không còn lại dấu tích gì. Ngôi chính điện và sa la[5] ngày nay được xây cất bằng gạch ngói từ giữa thế kỷ 16[6].

Toàn bộ các công trình của chùa Khléang toạ lạc trong một khuôn viên rộng 3.800 m2 có nhiều cây cây thốt nốt, có vòng rào bao quanh, và được trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết, màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách Khmer. Lược kể một vài hạng mục:

Cổng chính ở đường Tôn Đức Thắng (hướng Đông). Mặt trước mỗi thân cột có gắn tượng vũ nữ Kẽn naarr dang tay chống mái, và trên mái có gắn ba tháp nhỏ. Ngoài ra, chùa còn có một cổng phụ ở đường Nguyễn Chí Thanh.

Chính điện hiện nay nằm dọc theo hướng Đông - Tây [7], và ở vị trí trung tâm với diện tích gần 200 m2. Nền cao hơn mặt đất gần 2 m, gồm ba cấp, mỗi cấp có vòng rào xây bằng gạch. Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc đều có cửa ra vào. Bộ mái chính điện cũng được xây dựng theo thể thức ba cấp, và mỗi cấp lại có 3 nếp. Bờ viền mái nóc có tượng rồng với thân hình uốn lượn, đầu xòe ra hình rẽ quạt, đuôi cong lên và giao thoa với những đuôi rồng khác. Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud dang tay chống đỡ [8]. Ngoài ra, ở chung quanh chính điện còn có trang trí các tượng thần Teahu[9] và tượng chằn (Yeak).

Bên trong chính điện, bộ khung mái được chống đỡ bằng 12 cây cột to (chu vi 1,10 m), xây theo kiểu corinthien (Cô-ranh-tơ) của Hy Lạp, phủ sơn đen bóng và có vẽ hình rồng, hình cá uốn lượn màu vàng lộng lẫy. Các cửa của chánh điện được làm bằng gỗ khắc cảnh giao đấu giữa giữa tiên nữ và chằn (Yeak)[10] trên nền khung được trang trí hoa văn đến từng chi tiết.

Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có sala, hội trường, nhà của trụ trì, nhà của các sư sãi, các tháp chứa tro cốt, lò thiêu, v.v...

Từ khoảng 1916 (hay 1918) cho đến nay, chùa được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là 1994. Cũng trong năm này (ngày 7 tháng 12), Trường Bổ túc văn hóa Trung cấp PaLi Nam Bộ được đặt trong khuôn viên chùa[11].

Như bao ngôi chùa thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer khác, nơi đây cũng chỉ thờ duy nhất là Phật Thích Ca, và trên tường là bức bích họa mô tả cuộc đời vị Phật ấy từ lúc sinh ra cho đến khi đắc đạo.

Đặc biệt, trong số 45 tượng Phật Thích Ca ở đây, có một tượng cao 6,8 m, phần thân tượng cao 2,7 m, ngồi trên tòa sen lộng lẫy, xung quanh bài trí hoa lá, cây trái. Sau lưng pho tượng có tấm bia khắc chữ Khmer ghi: "Đại đức Liêu Đuông, đời truyền thừa thứ 17, trụ trì chùa từ năm 1893 đến năm 1928, đã tạo tượng đức Phật vào năm Phật lịch 2460 với sự cúng dường của gia đình ông Lum Sun"[12].

Hàng năm, bên cạnh các lễ hội tôn giáo, chùa Khléang còn tổ chức các lễ truyền thống của dân tộc Khmer, như lễ Chol Chnam Thmay (lễ vào năm mới, còn gọi là lễ chịu tuổi), lễ Dolta (lễ cúng ông bà), lễ cúng trăng vào ngày 15-10 âm lịch và tổ chức đua ghe ngo...

CHÚ THÍCH
*1- Tên Khléang được đắp nổi ở cổng chùa. Do phiên âm từ tiếng Khmer, nên có nguồn ghi là Kh'leang hay Khleng.
* 2-Longvek hoặc Lovek (tiếng Khmer có nghĩa là "thị tứ" hay "ngã tư") là một thành phố cổ của Campuchia, thuộc huyện Kampong Tralach tỉnh Kampong Chhnang. Nơi đây từng là thủ đô của nước Chân Lạp sau cuộc xâm chiến Angkor của Xiêm La vào năm 1431. Người Việt xưa gọi thành phố ấy là La Bích.
* 3-Srok tức là "xứ", "cõi"; Kh'leang là "kho", "vựa".
*4-Theo thư tịch cổ Khmer thì vào giữa thế kỷ 16, một viên quan tên là Tác đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân quyên góp tại vùng đất Sóc Trăng ngày nay. Nhân đó, ông đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srok Kh'leang (tiếng Khmer có nghĩa là "xứ có kho", và sau đó ông cũng đã lấy tên đất đặt tên cho chùa). Và khi người Kinh đến, gọi trại âm ra là Sóc Kha Lang rồi sau nữa là Sóc Trăng. Xem thêm đề mục Sóc Trăng.
*5-Sa la là dãy nhà sàn rộng rãi, thông thoáng được xây bên cạnh chánh điện, dùng làm chỗ cử hành lễ dâng cơm cho sư sãi và nơi hội họp của các Phật tử trong các ngày lễ hội.
* 6-Theo Võ Văn Tường, Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam. Nxb Văn hóa-Thông tin, 1994, tr. 405). Trong một bài viết khác cũng của ông Tường, thì ngôi chánh điện được Đại đức Liêu Đuông tổ chức trùng tu vào năm 1916 [1]. Tuy nhiên, theo bài viết "Chùa Kh'leang" trên website Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thì năm xây lại chùa là 1918 (truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2013 [2]. Vietgle cũng ghi như vậy.
*7-Người Khmer quan niệm kiến trúc quay về hướng Đông với ý nghĩa Phật ngự ở phía Tây nhìn về hướng Đông ban phúc. Xem thêm: "Nghệ thuật kiến trúc Khemer Nam Bộ" của Lê Bá Thanh trên báo Giác Ngộ [3].
* 8-Krud hay Garuda là hình tượng một loại chim thần có mình người; đầu, chân và hai cánh của chim, mỏ ngậm một viên hồng ngọc. Loài chim này là kẻ thù truyền kiếp của rắn. Cho nên, nếu hình tượng khúc đuôi rắn dài và cong vút được đắp trên đầu các góc mái chùa, thì hình tượng Krud được án ngữ ở chỗ tiếp giáp đầu cột với đuôi mái chùa (theo Vietgle [4]).
* 9-Teahu là hình tượng người có bộ mặt hung dữ, hai tay bưng mặt trời hay Mặt Trăng chuẩn bị nuốt vào bụng. Hình tượng này cũng được trang trí trên khung cửa ra vào (theo Vietgle đã dẫn).
*10-Yeak (chằn) trong các truyện cổ Khmer là nhân vật tượng trưng cho cái Ác, thường gieo điều dữ cho con người. Hình tượng Yeak có dáng vẻ của một người mang bộ mặt dữ tợn, miệng to, răng nanh dài, mắt lồi, lông mày xếch. Mình Yeak mặc áo giáp, đầu đội mũ nhọn và tay cầm cái chày dài. Trong nghệ thuật trang trí chùa Khmer, Yeak đã được đức Phật cải hóa và đặt đứng hai bên bậc thềm ở phía trước chánh điện nhằm mục đích bảo vệ ngôi chùa] (theo Vietgle, đã dẫn).
* 11-Ngày thành lập trường căn cứ theo dòng chữ đắp nổi ở mặt sau cổng trường
 .
*12-Theo Võ văn Tường [5]

.
(TÀI LIỆU TỪ WIKIPEDIA)

ẢNH CỦA NM SL













5 nhận xét:

Lý Viễn Giao nói...

Lại được đi du lịch Sóc Trăng và có hướng dẫn viên hẳn hoi . Cảm ơn NHAMY !

minhguongnguyen nói...

Khi đi xuyên Việt,các chị đã thăm rất nhiều chùa nhưng hình như chưa đến chùa này.Chùa đẹp quá.

Hương Thềm Mây - GM.Nguyễn Đình Diệm nói...

Thăm NM đầu tuần
Cảm ơn NM nhiều.Chúc vui nhé.Thân mến

Hoàng Anh 79 nói...

http://lecoindefranie.l.e.pic.centerblog.net/4xc9nhme.gif

Em mời chị ạ!

Unknown nói...

Các chùa ở Sóc trăng đều có lối kiến trúc Khơ me rất đặc sắc em nhỉ?