CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

LẦN CUỐI GẶP NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN, NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY - LÊ THIÊN MINH KHOA


Minh Khoa Lê Thiên
Tệp đính kèm
06:32, Th 2, 9 thg 7 (3 ngày trước)
tới phuoc, BÔNG, Ngạc, tôi, BAOTHANG_XUANXUYEN

Các anh chị thân quý!

LTMK gởi đến anh chị bài viết mới, trích trong tập sách mới của MK, sắp xuất bản. (MK đang  xin giấy phép của NXB Văn Hóa- Văn Nghệ,  sách dày: 266 trang- 16 tay giấy, khổ: 13.5x 20.5, in 1.000 bản, trong 5 nay). Vì đang đợi giấy phép của NXB Văn Hóa- Văn Nghệ, nên  để khỏi lỗi với NXB, hình bìa (do MK tự trình bày bìa) kèm bài viết gởi đến anh chị, MK chỉ ghi chú là :
Phác thảo bìa 1 cuốn: “ 9 THẬP KỶ CA KHÚC

                             TÂN NHẠC VIỆT NAM” (tác giả tự trình bày)

(nghĩa là chỉ là Phác thảo  thôi, chứ chưa chính thức)

  Nhờ quý  anh chị biên tập, lên trang. Cảm ơn quý anh chị.

Kính chúc sức khỏe, may mắn, thành công.

Thân ái.

LTMK


Kết quả hình ảnh cho ẢNH DA VÀNG CA KHÚC
LẦN CUỐI GẶP NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN,
                NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY
                          *Lê Thiên Minh Khoa

        Tôi mê nhạc Trịnh Công Sơn từ tuổi thiếu niên, nhưng hồi đó, vì còn nhỏ nên dù biết và thích  nhưng ít hát những ca khúc viết cho tình yêu và viết về thân phận của anh, chỉ thường hát những ca khúc phản chiến và du ca của anh được các huynh trưởng hướng đạo (scout master) tập cho chúng tôi, những hướng đạo sinh (scout boy) để  dùng làm nhạc sinh hoạt hát tập thể của thiếu đoàn. Đó là những bài:  Huế- Sài Gòn- Hà Nội, Việt Nam ơi hãy vùng lê, Nối vòng tay lớn, Dựng lại người, dựng lại nhà, Dân ta vẫn sống, Ta thấy gì đêm nay, Bài ca dành chonhững xác người, Gia tài của mẹ, Đồng dao hòa bình v.v… Vài năm trước ngày Thống nhất, khi trở thành huynh trưởng hướng đạo, tôi lại tập cho thiếu sinh của mình những bài hát ấy của anh và cả những bài cùng dòng nhạc ấy anh viết sau đó như Chưa mất niềm tin (1972)… và mới mê hát tình khúc, nhạc thân phận của anh.





*
           Nhưng tôi gặp anh rất sớm, khoảng hè năm 1965, năm 1966 gì đó. Hồi đó, khi Mỹ thành lập vùng Phi quân sự (DMZ) ở vùng giới tuyến, sát vĩ tuyến 17,  phía Nam sông Bến Hải, rải thuốc khai quang để diệt cây cỏ và cày xới cả vùng phía bắc và tây Quảng Trị, đồng bào quận Trung Lương, quận được tách ra từ quận Gio Linh gồm ba xã Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang trở thành quận cực bắc tỉnh Quảng Trị cũ, bị dồn lên Khu định cư Tân Lâm, quận Cam Lộ Quảng Trị. Lúc ấy, anh tham gia Chương trình Công Tác Hè dành cho  giáo chức trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh với sự tham gia của nhiều hội đoàn thanh niên thời đó như Hướng Đạo, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử, Thiếu nhi Thánh thể... tại trại Công trường Thanh niên Giới tuyến ở quận Cam Lộ, Quảng Trị. Các anh xây dựng nhà, phát thực phẩm, chăm sóc y tế, làm các công tác “dân vận” như an ủi di dân, tập hát, sinh hoạt thiếu nhi… cho đồng bào di cư đang thiếu thốn đủthứ và đang hoảng hốt vì chiến tranh tàn khốc, đang buồn khổ vì nhớ quê, vì ruộng đồng tan nát… 




.Trịnh Công Sơn, Đinh ‘Cường, Trịnh Cung và Văn Cao (trái sang)


Còn tôi là hướng đạo sinh trong tỉnh Quảng Trị cũng được đi theo thiếu đoàn của mình làm công tác cứu trợ, giúp đỡ di dân. Tôi gặp anh và có nói chuyện với anh  ở đấy, nhưng gặp anh không lâu, vì anh ở lại công trường vài ngày rồi bận việc, phải vào lại Huế. Nhưng vì đã mê nhạc anh nên rất nhớ hình ảnh anh, người gầy gầy, dong dỏng, mái tóc bồng bềnh, đôi mắt rất sáng nằm sau cặp kính dày, nụ cười hiền hậu, giọng nói êm nhẹ, tác phong chuẩn mực, trông dáng dấp anh có vẻ đạo mạo như một thầy hiệu trưởng trường tiểu học tỉnh lỵ. Mà anh từng làm giáo viên tiểu học thiệt, dạy ở Bảo Lộc, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc gia Qui Nhơn. Ấn tượng nhất đối với thiếu sinh chúng tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, lúc đó là trưởng Du ca Việt Nam. Tại đây, trại Công trường Thanh niên Giới tuyến, anh sáng tác tại chỗ ca khúc “Đường về công trường” và đích thân tập tại chỗ bài hát nầy cho tập thể hướng đạo sinh chúng tôi. Bài hát gồm có một câu




Trịnh Công Sơn và “Diễm Xưa” Dao Ánh.


 tốp đế (nửa tốp ca hát liên tục): Đường về công trường là đường về quê hương... và 3 phiên khúc (dành cho nửa tốp ca còn lại) nến khi hát hên nghe rất nhộn nhịp, rộn rã. Ca từ có mô tả đến những khó nhọc của người dân vùng đất sỏi đá, khô cằn, nhưng tràn đầy lạc quan yêu thương. Bây giờ chúng tôi còn nhớ, nhưng rất tiếc là ít người biết bài hát nầy:
     Đường về công trường là đường về quê hương...

1. Này những miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
Là những miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt
Là quê hương tôi, là quê hương tôi

2. Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn 
Mồ hôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
Tình như cây non đã vươn lên trong niềm yêu mến                   .
Là quê hương tôi, là quê hương tôi





Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Nguyễn Trọng   Tạo,  Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái sang).


3. Tình thân anh em đã đắp nên biết bao công trường
Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
Là quê hương tôi, là quê hương tôi.
    *
      Sau ngày thống nhất, thời bao cấp, thỉnh thoảng tôi mới gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở TP HCM. Về tài hoa thì anh và tôi một trời một vực, nhưng về mặt nhân sinh quan thì anh em có vài điểm hợp nhau, như cùng theo quan điểm chủ nghĩa dân tộc thuần túy và chủ nghĩa nhân văn truyền thống (tin tưởng, trân trọng, yêu thương, bênh vực… con người). Anh em ngồi uống rượu đế trắng hoặc rượu đế Cây Lý có màu hành tím, anh vốn ít nói, tôi lại nhỏ tuổi hơn anh đến hơn anh đến hơn một con giáp, nên được ngồi với bậc tài hoa,  bề trên là cảm thấy mừng vui, vinh hạnh lắm rồi, đâu dám nói nhiều trước bậc trưởng thượng như anh. Trừ lúc quá xỉn! Nhưng cũng phải có chuyện để nói chứ, không lẽ uống hoài, sức đâu mà chịu nổi! Anh em thường nói chuyện về văn học, nghệ thuật, về thơ và ca từ trong nhạc. Thường nhắc đến những người bạn thân của anh, như các họa sĩ:  Bửu Chỉ, Đinh Cường, Trịnh Cung, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nhà thơ Bùi Giáng..., đến những nhạc sĩ tài hoa ở miền Nam như: Phạm Duy, Trần Quang Lộc…, 




Trịnh Công Sơn & Hồng Nhung


  đến những nhạc sĩ miền Bắc mà anh quý và quý anh, có mối thâm tình với anh như: Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Tiến…                 
         Nhưng có một lần say quá, tôi dám “múa rìu qua mắt thợ”,  dám nói chuyện với anh về nhạc điệu, giai điệu, nhịp điệu, hòa âm, phối khí… là những khía cạnh thuộc lảnh vực chuyên môn cao và sâu của âm nhạc. Về nhà, tỉnh rượu, tôi thấy “quê” lắm, ân hận, áy náy mãi. Không ngờ lần gặp lại, khi tôi ngỏ lời xin lỗi, anh lại xua tay và nói một câu mà tôi chỉ nhớ đại ý chứ không nhớ nguyên văn nên không dám trích dẫn trực tiếp ra đây. Đại khái, anh nói rằng, anh rất ngạc nhiên, tưởng rằng tôi chỉ biết dạy học, làm thơ, viết văn, làm báo thôi, không ngờ cũng “chịu khó học hỏi” về  âm nhạc! Tôi mừng rơn, “chịu khó học hỏi” mà bậc thiên tài âm nhạc như anh ban cho cũng là lời khen rồi! Lời khen ngon hơn rượu đế đang uống làm tôi muốn ngất ngây say luôn! Tôi không ngờ rằng, không những được anh rộng lượng tha thứ mà còn ban thưởng hậu hỹ thế!
          Lần cuối tôi gặp được anh là khoảng  một năm trước khi anh mất (01.4.2001). Chiều đó, đến gặp anh cùng tôi có người bạn thân của tôi  là Phong Hồ- Lê Viết Dương, một con người tài hoa phụ trách các Chương trình xã hội của




Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. 


nguyệt san Đại Đoàn Kết: Hội thi bơi toàn quốc người cao tuổi, Học bổng con ngoan trò giỏi, Con cháu hiếu thảo, Top ten hàng VN được người tiêu dùng yêu thích, Các hội thơ Đường báo Đại Đoàn Kết  toàn quốc… Điểm hẹn là nhà hàng rất sang trọng và thanh lịch của cô Trịnh Hoàng Diệu, em ruột anh, ở quận 1, TP HCM, hình như tên là QUÁN TRỊNH thì phài. Vì là chuyện gần nhất trong kỷ niệm giữa hai anh em, hơn nữa hôm đó tôi “xỉn” quá thành “hư” quá, nên tôi nhớ rất rõ đến chi tiết từng lời nói, từng hình ảnh, từng cử chỉ… trong buổi gặp anh lần cuối cùng nầy.                                                 
        Giữa tiệc rượu, anh vừa đàn guitar thùng vừa hát cho chúng tôi nghe bài “NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY” mà anh vừa sáng tác, và sau nầy tôi mới biết đó là ca khúc cuối cùng của anh:

1. Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội   
Khép lại từng đêm vui



Trịnh Công Sơn và Ánh Tuyết.   


Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi

2.Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền 
                                                     
Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Tưởng chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay




Trịnh Công Sơn và Hà Thanh.

           
      Tôi không bao giờ quên hôm ấy. Ca từ bài hát quá “thiền”, thiền hơn cả bài rất thiền “Ở trọ” của anh mà tôi thường hát một mình khi buồn thương, đơn lẻ  trước đó. Giai điệu nghe như tiếng mõ cầu kinh trong vào buổi sớm trong veo của bài hát như lý giải sự bình thản của anh với mọi nỗi buồn lẫn niềm vui, như thể điều gì tồn tại là đều có lý cả, nhưng sự đời  ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Nhưng "Như một lời chia tay " cũng rất “đời”, đời hơn cả ca khúc "Cát bụi" của anh mà tôi thường nhẩm mỗi lúc “liêu xiêu”, “lăng lắc”. Lạ quá, hai thái cực đồng thời hiện hữu trong một ca khúc, rất thiền mà rất đời: "Tình như nắng vội tắt chiều hôm", nhưng  để lại nỗi mong nhớ thành niềm đau da thịt: "tình vu vơ sao ta muộn phiền"; đã nói lời chia tay để "thân nhẹ nhàng như mây", mà trong lòng vẫn còn xao động, ngóng trông, tiếc nhớ: "Có những lần nằm nghe tiếng cười, nhưng chỉ là mơ thôi"! Một thoáng “vu vơ” những “muộn phiền”, “ngại ngần”, “rớt lại” “chút tình” “nồng nàn”, “mặn nồng”, “chờ mong”, lại hòa tan trong “mỏng manh”, hư vô!  Nhưng  “từ nay khép lại”, trả lại cho đời hết cả đam mê khổ đau lẫn hào quang hạnh phúc. Ngoài các ca khúc  phản chiến,  nếu chia nhạc Trịnh thành hai mảng: tình yêu và phận người thì "Như một lời chia tay" đứng ở giữa đó, vừa rất tình, lại rất đời, như một lời vấn an cho thân phận, biết tình yêu là hữu hạn và hiện hữu là những lần ra đi vội vã sau  những yêu thương…                       
       Hôm ấy, với giọng khàn mà trong, ngọt mà xót, anh hát như chuyện trò, chân thành trải nổi lòng của mình cùng thân hữu, “như một lời chia tay” cuối cùng.
   

Chân dung tự họa Trịnh Công Sơn.

         Nghe anh hát xong, lặng người một lát, uống thêm vài ly, khi say rồi, tôi đùa vui: “Khép lại từng đêm vui, thì hợp với những hẹn hò rồi.. Nhưng theo em,  nếu là khép lại từng cơn say, thì hợp với anh, với những cuộc nhậu hơn…”. Anh cười vui, nhẹ nhàng, tế nhị: “Ừ, hợp lắm. Cảm ơn Minh Khoa, nhưng ca sĩ đã lỡ hát như thế rồi, không sửa được nữa!”.
       Anh và Lê Viết Dương đề nghị tôi đọc thơ về tình bạn, tôi đọc bài thơ đời thường “Đêm Bình Tuy nhớ về Bà Rịa” tôi viết năm 1981. Bài thơ dài có khổ cuối như sau:
“Bạn bè ơi, thiếu vắng một thằng
Chắc trách lắm, mà thông cảm lắm
Ôi tình bạn đơn sơ, đằm thắm
Sống mỗi ngày tôi lại hiểu thêm ra

Đêm Bình Tuy…  chợt nhận ra ta…”

       
  Đây là lần đầu tiên anh nghe bài thơ nầy. Anh nhận ra và nhận xét về sự giống nhau đến kỳ lạ về cả từ ngữ lẫn ý tứ trong câu kết của bài thơ: “Đêm Bình Tuy…  chợt nhận ra ta” và câu kết của của đoạn 1 bài hát: “Tôi chợt nhìn ra tôi”. Và anh cười đùa: “Tư tưởng lớn gặp nhau ở đỉnh cao thôi!”.                                               
       Hôm đó, anh uống ít, có lẽ do sức khoẻ. Chai rượu Tây mà bạn thân chúng tôi, GS-TS Nguyễn Hữu Liêm ở Mỹ về tặng, Lê Viết Dương và tôi “cưa” hết, nên hai đứa tôi say mèm. Khi anh và em gái, cô Diệu tiễn hai đứa ra cổng, đến sảnh,  nhân thấy bên vách trái treo bức ký họa, có chú thích: “HS Bửu Chỉ, người bạn  thân nhất của Trịnh Công Sơn”,  tôi lại bộc trực đến mức “quậy tới bến” luôn, cự cô Diệu về việc “dựa hơi”.
        Nhưng đó là lần gặp gỡ cuối cùng rồi! Không còn dịp để xin lỗi anh nữa! Chỉ biết kể lại câu chuyện để tỏ bày nỗi ân hận muộn màng.           
        Riêng Hồng Diệu thì tôi có dịp để xin lỗi cô. Anh Sơn mất 01.4.2011, thì giữa tháng 12 năm đó, Lê Viết Dương mất. Nguyễn Hữu Liêm từ Mỹ bay về tiển đưa bạn. Tôi và Liêm lại ghé Quán Trịnh như để tìm lại bóng dáng anh, Hồng Diệu không những đã quên chuyện cũ mà còn xách cả chai rượu ra mời hai đứa.     
        Khi anh mất, tôi bần thần, thẫn thờ cả tháng. Ngày nào cũng vài lần tự hát hoặc nghe laị giọng anh trong bài "Như một lời chia tay" qua đĩa nhạc. Đến nổi phụ nữ trong nhà, vợ và con gài tôi cứ lo lắng, ái ngại cho “sức khỏe tinh thần” của chồng, cha mình.
        Một điều ân hận với anh nữa. Tôi không có một tấm ảnh nào chụp chung với anh để làm kỷ vật tưởng nhớ anh. Hồi đó, còn trẻ nên tính tình cũng cực đoan lắm. Thấy người ta hay xun xoe chụp hình với những người nổi tiếng thì mình né. Nhiều văn nghệ sĩ thành danh về Bà Rịa chơi, nay đã khuất bóng, tôi cũng không có tầm hình nào chụp chung với họ. Thậm chí, nhà thơ Hữu Loan từ Thanh Hóa vào Bà Rịa hai lần, một cái tết năm 1988 và một kỳ hè 1989, ăn ở chung cả tháng, tôi cũng có tấm hình nào với ông làm lưu niệm cả!   
                                                        

                                     LÊ THIÊN MINH KHOA

  (Trích trong phần PHỤ  LỤC cuốn  sách “ 9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM”, nghiên cứu, phê bình, Lê Thiên Minh Khoa,  trang 215- 225, sắp xuất bản, 2018).
                     
  (*): Họa sĩ, nhạc sĩ, em ruột tác giả LTMK, mất sớm (1962-2007).

Không có nhận xét nào: