CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

ĐIỂN TÍCH BẰNG TRANH : LIỄU CHƯƠNG ĐÀI - ĐỖ CHIÊU ĐỨC




Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com>
09:22, Th 3, 27 thg 11, 2018
tới tôi

ĐIỂN TÍCH BẰNG TRANH :


                     LIỄU CHƯƠNG ĐÀI


                           Inline image

        Chương Đài 章台 là tên của một con đường có lâu đài được xây dựng từ thời Chiến Quốc, nằm ở Cố Thành của Trường An thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, nên mượn Chương Đài để ám chỉ Trường An. Còn LIỄU 柳 là Liễu Thị 柳氏, một danh kỷ nổi tiếng của Trường An, nên LIỄU CHƯƠNG ĐÀI hay CHƯƠNG ĐÀI LIỄU 章台柳 đều lời ám chỉ danh kỷ Liễu Thị nổi tiếng ở đất Trường An, như tích sau đây :
        Theo Thái Bình Quảng Ký, quyễn 485 : Hàn Hoành 韓翊 thi nhân đời Đường, tự là Quân Bình, người đất Nam Dương, đậu Tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 13 ( 754 ). Làm quan đến chức Trung Thư Xá Nhân, là một trong " Đại Lịch Thập Tài Tử ". Tương truyền ...

    Inline image  Inline image

        Hàn Hoành 韓翊 từ nhỏ đã nổi tiếng giỏi văn thơ, nhưng tính tình trầm lặng ít giao du. Tuy vậy chàng cũng chơi thân với một danh sĩ lại rất giàu sang là Lý Sinh. Lý rất yêu tài thơ văn và xem trọng Hàn Hoành, mới tặng cho chàng ca nhi Liễu Thị, tài sắc vẹn toàn để làm vợ.

      Inline image  Inline image

        Vợ chồng Hàn Hoành rất thương yêu nhau, hay cùng nhau ngâm thơ xướng họa. Tình chồng vợ ân ái khắng khít mặn nồng.


  Inline imageInline image


       Chẳng bao lâu sau, An Lộc Sơn làm loạn đánh chiếm Trường An và Lạc Dương. Vua quan triều đình phải chạy vào đất Ba Thục. Hàn Hoành lúc đó là thư lại của Tiết Độ Sứ Lỗi Châu, nên không tiện mang theo Hàn Thị. Vợ chồng chia cắt đôi nơi.
   
 Inline image  Inline image


        Trong thời buổi loạn ly, lại là người có chút nhan sắc, nên Hàn Thị thí phát quy y, gởi thân vào Pháp Linh Tự để giữ tròn danh tiết. Khi loạn An Lộc Sơn đã yên rồi, thì Hàn Hoành cũng nhờ người về Trường An dò la tin tức. 


Inline imageInline image

        Khi đã biết được tin tức của Liễu Thị rồi bèn nhờ người mang  đến cho nàng bài thơ sau đây để bày tỏ nổi lòng :

           章台柳,章台柳,  Chương đài liễu, Chương đài liễu,
           昔日青青今在否?   Tích nhật thanh thanh kim tại phủ ?
           縱使長條似舊垂,  Túng sử trường điều tự cựu thùy,
           也應攀折他人手。  Dã ưng phan chiết tha nhân thủ !
Có nghĩa :
                 Liễu chương đài, Liễu chương đài,
                 Còn xanh như trước hay đã phai ?
                 Cành lá vươn dài như xưa cũ,
                 Hay là đã bẻ vào tay ai ?!

               


Inline imageInline image

       Liễu Thị đọc thơ mà khóc ròng, vừa mừng vừa tủi, bèn làm một bài thơ hồi âm cho chồng như sau :

            楊柳枝,芳菲節,  Dương liễu chi, phương phi tiết,
            所恨年年贈離別。  Sở hận niên niên tặng ly biệt.
            一葉隨風忽報秋,  Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,
            縱使君來豈堪折?   Túng sử quân lai khởi kham chiết ?
Có nghĩa :
                  Nhành dương liễu, tiết thơm bay,
                  Chỉ hận năm năm tặng chia tay.
                  Gió cuốn lá rơi thu đà tới,
                  Chàng chưa về đến bẻ cho ai ?!




Inline imageInline image


        Hàn Hoành đọc thơ cũng vừa mừng vừa cảm động, nghĩ rằng vợ chồng sẽ đoàn tụ trong nay mai. Nào ngờ có Phiên tướng là Sa Tra Lợi vì giúp bình loạn An Lộc Sơn có công nên cậy thế làm càng,  khi nghe Liễu Thị là giai nhân danh kỹ mới đến chùa cướp nàng về làm  ái thiếp. Khi về đến Trường An Hàn Hoành mới té ngửa ra.
               


Inline imageInline image



       Lúc bấy giờ có Ngu Hầu là Hứa Tuấn, vốn xuất thân là một hiệp sĩ giang hồ, thấy chuyện bất bình bèn bảo Hàn Hoành viết cho mình một lá thơ để làm tin, rồi lên ngựa phóng thẳng đến phủ Sa tướng quân mà hô hoán lên rằng : " Tướng quân đang bất ngờ nhuốm bịnh ở bên ngoài, nhờ ta đến đón Liễu Thị đến săn sóc cho ngài !" Quân sĩ gát cửa thấy cũng là một võ quan nên tin là thật.



Inline imageInline image

        Sau khi đưa thơ của Hàn Hoành cho Liễu Thị xem xong, Hứa Tuấn bèn bóc nàng lên ngựa chạy về giao trả cho Hàn Hoành để vợ chồng được đoàn viên. Cả hai đều rất vui mừng cảm động mà bái tạ Ngu Hầu hiệp sĩ. Sau đó, cả vợ chồng Hàn Hoành và Hứa Tuấn đều rời khỏi trường an, vì sợ Sa tướng quân truy cứu mà trả thù.



Inline imageInline image 


        Vì văn tài của Tiến sĩ Hàn Hoành rất lớn, nên mấy năm sau nhà vua ban sắc chỉ phong làm Tri Chế Cáo, chuyên lo soạn thảo các sắc lệnh và chiếu chỉ cho nhà vua. Vợ chồng lại một lần nữa hân hoan về lại đất Trường an để an hưởng vinh hoa phú qúy.

    Inline image  Inline image

       Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, tả lúc Thúy Kiều đang ở lầu xanh, sau khi đã " Nhớ ơn chín chữ cao sâu, Một ngày một ngã bóng dâu tà tà " thì Thúy Kiều lại :

                         Nhớ lời hẹn ước ba sinh,
                     Xa xôi ai có biết tình chăng ai ?
                         Khi về hỏi LIỄU CHƯƠNG ĐÀI,
                   Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay !

       Không có Ngu Hầu Hứa Tuấn nào phi ngựa chạy đến để cứu nàng ra khỏi lầu xanh để trả về cho Kim Trọng cả. Chỉ có gả Sở Khanh càng nhấn cho nàng lún xuống bùn nhơ mà thôi !
       Tội nghiệp !

                                                       


ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào: