CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC : CỬ ÁN TỀ MI - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Chieu Duc
06:29, 12 thg 12, 2018



ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC  : 

                           CỬ ÁN TỀ MI

                        Inline image

        CỬ 舉 là Nâng lên cao; ÁN 案 là Cái Mâm có chưn; TỀ 齊 là Ngang bằng; MI 眉 là Chân Mày. Nên CỬ ÁN TỀ MI 舉案齊眉 là : "Nâng cái mâm lên ngang bằng chân mày" để tỏ vẻ kính trọng. Trong Truyện Kiều, trong buổi đầu gặp gỡ khi Kim Trọng tỏ ý muốn nghe Thúy Kiều đàn, được Kiều đồng ý thì Kim đã ...
      
                      Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
                 Vội vàng sinh đã tay Nâng Ngang Mày.

        Lịch sự và "ga-lăng" như Kim Trọng chỉ hợp với thời buổi ngày nay, còn lúc đó mà làm thế thì cũng ... "hơi quá đáng". Có thể cụ Nguyễn Du đã đi trước thời đại trong việc "cua gái", chả trách cô Kiều lại mê Kim Trọng đến thế ! Thực ra thì ...

        Điển Tích CỬ ÁN TỀ MI 舉案齊眉 hàm chứa một nội dung vô cùng phong kiến của thời buổi Trọng Nam Khinh Nữ, chồng chúa vợ tôi như sau :

        Ẩn sĩ đời Đông Hán Lương Hồng 梁鴻, tự là Bá Loan 伯鸞, người đất Phù Phong Bình Lăng (thuộc Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Hồng học rộng biết nhiều, nhà nghèo nhưng vẫn giữ khí tiết của kẻ sĩ, từng là Thái học sinh của hoàng gia lúc bấy giờ.

                  Inline image

        Do Lương Hồng có phẩm chất đạo đức thanh cao, nên rất nhiều người muốn gả con cho, nhưng đều bị Hồng từ chối. Cùng huyện có con gái của gia đình họ Mạnh rất khá giả, tên là Mạnh Quang, vừa đen vừa mập vừa xấu, lại có sức mạnh hơn người. Mạnh Thị đã hơn ba mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng, cha mẹ hỏi thì nói rằng : " Con muốn lấy người có đạo đức tốt như Lương Bá Loan vậy !". Lương Hồng nghe nói bèn cậy mai mối đến hỏi nàng về làm vợ.
       Mạnh Quang vô cùng mừng rỡ. Đêm động phòng hoa chúc, nàng trang điểm và ăn mặc thật đẹp để đợi chú rể mới vào. Nào ngờ, liên tiếp bảy đêm liền, chú rể Lương Hồng vẫn không thèm vào động phòng. Mạnh Quang bèn đến qùy trước mặt chồng mà nói rằng : " Thiếp đã sớm nghe tiếng cao nhã của chàng, nên lập chí quyết lấy cho được chàng; còn chàng thì cũng đã từ chối rất nhiều người, cuối cùng mới chọn thiếp làm vợ, nhưng không hiểu thiếp đã phạm phải lỗi lầm gì mà suốt bảy ngày nay chàng không thèm ngó ngàng đến thiếp vậy ?". Lương Hồng đáp rằng : " Ta vẫn luôn mong mõi có một người vợ " quần bố thoa kinh 荊釵布裙 ( hay Kinh Thoa Bố Quần, là Quần bằng vải, trâm cài bằng cỏ gai )" để cùng với ta ẩn cư nơi núi sâu rừng thẳm. Nay nàng mặc lụa là gấm vóc, trét phấn tô son, điểm trang đẹp đẽ thế nầy, thật không phải là người vợ lý tưởng của Lương Hồng nầy". Mạnh Quang nghe xong bèn thưa với chồng rằng : " Mấy hôm nay thiếp ăn mặc và trang điểm như thế nầy là cũng muốn xem coi chàng có thật là một hiền sĩ cao nhã không mà thôi. Thiếp cũng đã chuẩn bị sẵn y phục để chung sống với chàng rồi !". Nói đoạn, nàng bèn đi thay đồ bằng vải sô, xõa tóc mây xuống mà bới thành một búi tóc gọn ghẽ trên đầu, rồi ngồi vào khung cưởi mà dệt vải ngay. Lương Hồng trông thấy cả mừng, bèn bước tới thi lễ mà rằng : " Đây mới thật sự là vợ của Lương Hồng ta đó !".        
        Vợ chồng Lương Hồng vốn ở ẩn ở Bá Lăng ( Tây An ngày nay ), nhưng vì để tránh hiệu triệu của vua bắt ra làm quan, nên vời về đất Ngô ( tỉnh Giang Tô ngày nay ). Cả hai ở trọ trong căn phòng nhỏ dưới mái hiên bên trái của nhà Cao Bá Thông. Hằng ngày, Lương Hồng đi xay và giả gạo mướn ở trong làng để kiếm sống. Mỗi lần về nhà, Mạnh Quang đều dọn sẵn mâm cơm bưng ra nâng lên ngang mày để dâng cho chồng. Lương Hồng đở lấy mâm cơm đặt lên bàn rồi vợ chồng mới mời nhau cùng ăn, tương kính như tân 相敬如賓 ( kính trọng lẫn nhau như là đối đãi với khách vậy ). Cao Bá Thông trông thấy, giật mình, nghĩ rằng : " Một người đi làm công kiếm sống mà được vợ kính trọng như thế, ắt không phải là kẻ tầm thường".
       Sau khi dọ hỏi, biết được đó là ẩn sĩ Lương Hồng, bèn cung kính mời cả hai vợ chồng vào nhà trên ở và cung cấp đầy đủ lương thực. Nhờ thế mà Lương Hồng mới có thời gian rảnh rổi để lập thuyết và viết sách để lại cho đời sau.  

                       Inline image

       Từ câu truyện của Điển tích trên, cho ta đến 3 thành ngữ :
  
1. Kinh Thoa Bố Quần 荊釵布裙 : Ta hay nói trại đi thành Thoa Kinh Quần Bố hay Quần Bố Kinh Thoa để chỉ người đàn bà có nếp sống giản dị, bình thường , không xe xua đua đòi.

.2. Tương Kính Như Tân 相敬如賓 : Chỉ vợ chồng kính trọng lẫn nhau, xem nhau như là khách quý của nhau vậy.

3. Cử Án Tề Mi 舉案齊眉 : Nâng án ngang mày, thường dùng để chỉ Vợ chồng thương yêu kính trọng lẫn nhau. Như trong truyện Quan Âm Thị Kính :

                        Án kia nâng ở Ngang Mày,
                Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề.

         Inline image


       Trong Nam Hải Tế Văn thì gọi là Án Họ Mạnh :

                   Án họ Mạnh Ngang Mày nẩy mực,
                   Ấm êm đàn hương lửa phải duyên.
      
        Hay như trong truyện Tây Sương Ký :

                       Mặt từ ví chẳng ngại ngùng,
                  Xắn tay cử Án xin Dâng Ngang Mày. 

      Inline image

     
     ... và như khi tả cảnh Hoài Nguyên đi cống Hồ trong NHỊ ĐỘ MAI, có làm bài thơ tặng cho Mai Lương Ngọc :

                    Ngang Mày Mạnh Thị chưa Nâng Án,
                    Thấy mặt Chiêu Quân đã hết tranh.
                   
     Inline image


           Cử Án Tề My còn dùng để chỉ Tình Nghĩa Vợ Chồng hòa thuận thương yêu lẫn nhau chư câu chúc :

        " Chúc cho vợ chồng được suốt đời Cử Án Tề My !".

                 Image result for 舉案齊眉

         Trở lại với chàng Kim Trọng khi muốn nghe Thúy Kiều đờn, thấy " Hiên sau treo sẵn cầm trăng " thì :
              " Vội vàng sinh đã tay Nâng Ngang Mày "
để tỏ vẻ kính trọng và " ga-lăng " với người đẹp khi mới vừa thề thốt yêu nhau. Nên " Nâng Ngang Mày " vật gì đó để đưa cho người khác, đôi khi chỉ có nghĩa là tỏ lòng Kính Trọng đối với người đó mà thôi ! 

                                                                              
ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào: