Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com> 09:31 5 tháng 2, 2019
LIỄN...KHỐNG
Ba mươi Tết, xin kể hầu Quí Thầy Cô và Các Bạn hữu thân mến câu chuyện về một loại Liễn Tết đặc biệt : LIỄN KHỐNG, một loại Liễn... không có chữ nào cả !
Trước tiên, Tôi xin phép được nhắc lại các từ sau đây :
* Chữ AN 安 là Yên, Bình an là bình yên, đó là Hình dung từ. Còn khi là Nghi vấn từ, thì chữ AN có nghĩa là : Làm sao, như thế nào ? Ví dụ :
An năng 安能 có nghĩa là : Làm sao được, làm sao có thể.
* Chữ HẢO 好 là Tốt ( tính từ ). Nhưng khi là Nghi vấn từ, thì có nghĩa giống như chữ AN. Ví dụ :
Hảo bất 好不 có nghĩa là : Sao mà khỏi, làm sao cho khỏi.
Bây giờ thì ta vào truyện nhé ! Như tôi đã từng nói về Giang Nam Tứ Tài Tử ở trên mạng nầy một lần rồi, không biết có bạn nào còn nhớ không ? . Nổi tiếng nhất là Đường Bá Hổ, kế đến là Chúc Chi Sơn, Văn Trưng Minh và Châu Văn Tân ( có sách nói là Từ Trinh Khanh ). Tất cả 4 người đều là GIẢI NGUYÊN của xứ Giang Nam và đều rất giỏi về cầm kỳ thi họa, nên mới được xưng tụng là GIANG NAM TỨ TÀI TỬ. Kỳ nầy, tôi chỉ nói về Chúc Chi Sơn 祝枝山 mà thôi !
Chúc Chi Sơn và Tạo hình Chúc Chi Sơn trong phim " TỨ ĐẠI THIÊN TÀI "
Chúc Chi Sơn ( 1460 - 1526 ), tên là DOÃN MINH, tự là HY TRIẾT, vì bàn tay phải dư ra một ngón nên mới có biệt hiệu là CHI CHỈ SANH 枝指生 ( nghĩa là : Ngón tay mọc thêm ), gọi mãi thành CHI SANH, rồi gọi trại thành CHI SƠN và chết tên luôn là CHÚC CHI SƠN 祝枝山. Ông người xứ Trường Châu tỉnh Giang Tô ( TÔ CHÂU ). Xuất thân từ một gia đình danh nho vọng tộc, rất giỏi về thư pháp, ông viết được nhiều kiểu chữ và viết rất đẹp, nhất là chữ Thảo . Người đương thời thường xưng tụng : Họa thì có Đường Bá Hổ, Thư pháp thì có Chúc Chi Sơn....
Có một lần, ông đến thăm Đường Bá Hổ ở Hàng Châu, nhưng lại ở trọ nhà của Châu Văn Tân, nấn ná lần lừa mà đã đến giao thừa lúc nào không hay. Dân chúng ở Hàng Châu có tục lệ là chỉ dán liễn KHỐNG không có chữ, lấy ý là : suốt năm bình an vô sự. Trong cơn tửu hứng cuối năm, Chúc Chi Sơn cười bảo rằng : Họ muốn bình an vô sự, năm nay ta phải cho họ " hữu sự " mới được !. Bèn bảo gia đồng của mình chuẩn bị mực viết và mượn thêm một thư đồng của Châu Văn Tân để xách lồng đèn dẫn đường....
Sau khi cúng Giao thừa, mọi nhà đều đóng cửa đi ngủ, nhà nào cũng dán sẵn một đôi liễn đỏ không có chữ gì cả. Khi đến một nhà lớn xây mặt về hướng đông, thư đồng bảo rằng đây là nhà của một đại thiện nhân ( nhà hảo tâm hay làm việc thiện ) ở địa phương, Chúc bèn dừng lại, viết đôi câu đối sau :
Hướng dương môn đệ xuân thường tại 向陽門第春常在
Tích thiện nhân gia lạc hữu dư 積善人家樂有餘
Có nghĩa :
Nhà xây về hướng mặt trời, nên mùa Xuân thường ngự nơi đó.
Người trong nhà hay làm việc thiện, nên niềm vui luôn có thừa.
Khi đến một căn nhà nhỏ, nhưng cũng khá khang trang, thư đồng bảo rằng :
Lúc ban chiều, khi người chồng đi làm xa về, vợ lục lọi trong tay nải, thấy không có đem tiền gì về ăn Tết cả, nên không cho ăn cơm đoàn viên chiều 30 Tết, đến khi phát hiện trong túi quần của chồng có đến mấy chiếc nhẫn vàng, mới cho ăn cơm và thân cận, bây giờ thì họ đã ngủ yên rồi !. Chúc Chi Sơn bèn cả cười và cất bút đề rằng :
Nang nội vô tiền, hưu tưởng ẩm thực nam nữ ,
囊 内 無 錢,休 想 飲 食 男 女
Đại trung hữu vật, tiện thành sài mễ phu thê.
袋 中 有 物,便 成 柴 米 夫 妻
Tạm diễn nôm :
Túi xách không tiền, đừng hòng gái trai ăn uống,
Trong lưng có bạc, mới mong chồng vợ cháo cơm .
Cứ thế, họ đi hết dãy nầy đến dãy khác.....
Khi đi đến một tòa nhà cao cửa rộng, sơn son thếp vàng, thư đồng bảo Chúc Chi Sơn đừng viết liễn ở cửa nầy, vì đây là nhà của một ác bá nổi tiếng của xứ nầy, Chúc bảo là thế thì càng cần phải viết, thấy có 2 lớp cửa, cửa lớn ở ngoài dán đôi liễn trống thếp vàng, Chúc bèn viết đôi câu đối như vầy :
Minh nhật phùng xuân, hảo bất hối khí, 明日逢春,好不晦氣
Chung niên đão vận, thiểu hữu dư tài. 终年倒運,少有馀财
Có nghĩa :
Ngày mai đón xuân, chẳng xui xẻo lắm sao,
Suốt năm lận đận, ít có tiền tài dư dã.
Cửa trong , nhỏ hơn, dán đôi liễn trống màu đỏ, Chúc bèn viết :
Thử địa an năng cư trú 此 地 安 能 居 住
Kỳ nhân hảo bất bi thương. 其 人 好 不 悲 傷.
Có nghĩa :
Nơi nầy làm sao mà ở được !
Người ở đây sao mà khỏi được buồn thương !
Viết xong, ông lại ký tên đàng hoàng là : Tô Châu Giải Nguyên Chúc Chi Sơn thư. làm cho 2 đứa thư đồng đều hoảng sợ, lo lắng......
Sáng sớm hôm sau, Mùng Một Tết, Cả thành Hàng Châu xôn xao hẵn lên, vì tất cả liễn khống đều đã được ai đó viết chữ lên....Dĩ nhiên, có người rất hoan hỉ, vui vẻ vì những lời chúc Tết tốt đẹp ở trên đó, như Nhà Hảo tâm làm việc thiện kia vậy, có người cũng lỡ khóc lỡ cười như 2 vợ chồng nhà nghèo kia, nhưng...cũng có người giận dữ và thưa lên Quan Phủ, như nhà Ác bá nọ... Chúc Chi Sơn đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng đi hầu quan từ sáng sớm, nên khi được mời là ông lập tức đến ngay. Quan Phủ kính trọng ông vì ông là một Giải Nguyên, lại là Tài Tử nổi tiếng của xứ Giang Nam, nên chỉ hỏi ông, vì sao viết những lời xui xẻo, xấu xa cho nhà ác bá kia?. Ông cười và trả lời rằng : Đó toàn là những lời chúc tốt đẹp cả mà !. Tên Ác bá cải lại rằng : Ông có chắc là những lời tốt đẹp không ?. Chúc bảo : Thư pháp của ta, một chữ giá đáng ngàn vàng ( Nhất tự trị thiên kim 一字值千金 ), ông không trả công cho ta còn thưa gởi lôi thôi !. Tên Ác bá cải : Nếu quả thực là những lời tốt đẹp, ta sẽ sẵn sàng trả cho ông một ngàn lượng bạc, bằng ngược lại thì ông tính sao đây?. Chúc đáp là mình sẽ chịu mọi hình phạt do quan xử. Được lời của hai bên, Quan Phủ bèn cho sai nha đến nhà của tên Ác bá gở hai đôi liễn xuống, mang đến công đường. Tên Ác bá dương dương tự đắc, phen nầy cho nhà ngươi hết chạy tội, còn Quan Phủ thì lo ra mặt, vì thấy đôi câu đối xấu quá, không biết phải xử sao cho phải. Chỉ có Chúc Chi Sơn là tươi cười giải thích rằng : Vì suốt đêm bận viết liễn, nên khi viết đến nhà của tên Ác bá ông đã quên chưa kịp chấm câu, và ông bèn mượn cây bút trên bàn của Quan Phủ, chấm lại đôi câu đối như sau :
Câu 1:
Minh nhựt phùng xuân hảo, bất hối khí,
Chung niên đão vận thiểu, hữu dư tài.
Có nghĩa :
Ngày mai đón xuân tốt đẹp, không có gì xui xẻo,
Suốt năm vận xui rất ít, có tiền bạc dư dã.
Câu 2 :
Thử địa an, năng cư trú,
Kỳ nhân hảo, bất bi thương.
Có nghĩa :
Nơi đây yên lành, có thể ở được,
Người ở đây tốt, không có chuyện buồn thương.
Giang Nam Tứ Đại Tài Tử
Kết quả như thế nào thì chắc Quí Thầy Cô và các Bạn cũng đoán được rồi... Chỉ biết là sau đó, Chúc Chi Sơn về lại nhà của Châu Văn Tân, mời cả Đường Bá Hổ cùng đến, anh em cùng Ăn Tết và cùng nhậu...mút mùa cũng không hết một ngàn lượng bạc.....
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
1 nhận xét:
cảm ơn Thầy câu chuyện quá hay !
Đăng nhận xét