CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

NỖI NHỚ - THƠ NGUYÊN LẠC

Steven Nguyen
Tệp đính kèm
06:21, Th 5, 27 thg 6 (1 ngày trước)
tới tôi

  Gởi đến NM bài thơ. NM tùy nghi. Chúc vui vẻ :) NL 6/27/2019
.....................................







NỖI NHỚ
.

Hồ Miramar ta nhớ quê nao
Có con sông bồi lở bờ nào
Chèo nhặt khoan câu hò da diết
Nhớ lời tình tha thiết đổi trao
.
Hồ dương lam ta nhớ phố nao
Chuyến xe lam chở em ngày nào
Đến thăm anh chiều hanh mắt đợi
Đêm mồ côi điếng ngất tình nhau
.
Hồ riêng ta oán hận năm nao
Nỡ gây chi dâu bể ba đào?
Phố thân quen vẫn chao lòng nhớ?
Hồ Miramar lệ bỗng lưng trào!
......
Miramar Lake ở California USA
.
NGUYÊN LẠC



Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

GIỮ LẠI EM - THƠ TỊNH ĐÀM


Đàm Nguyễn Tài
21:57, Th 4, 26 thg 6 (12 giờ trước)
tới tôi






***GIỮ LẠI EM .

 Giữ lại em
Chút tình xưa
Đã từ lâu lắm ...
Vẫn chưa quên người !

Vọng ân tình
Mãi chơi vơi
Như con sóng vỗ
Bên trời hư không !

Đời xanh thắm 
Ước mơ hồng
Đầm sen hương ngát
Đêm lồng bóng trăng .

Giữ lại em 
Đêm hoa đăng
Cùng lời dâng nguyện ...
Vĩnh hằng yêu thương .
Dẫu mai có cách đôi đường
Thì tình chung đó...
Mãi nương mộng thầm !

Giữ lại em 
Nỗi buồn câm
Trách anh nông nổi ...
Với lầm lỗi xưa !
Sang sông 
Lỡ chuyến đò đưa 
Đành thôi ... Thôi nhé
Ta vừa mất nhau !

Cuộc tình
Nào dễ quên mau
Ở trong sâu thẳm 
Vẫn sầu nhớ em !

TỊNH ĐÀM
( TP.HCM . VN )

***Chúc chị ngày mới nhiều niềm vui ,an lành , mọi sự tốt đẹp . Thân Ái .

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

ĐÊM LY BIỆT - THƠ NGUYÊN LẠC


Steven Nguyen
06:07 (23 giờ trước)
tới tôi

Gởi đến NM bài thơ mới .Chúc sức khỏe NL 6/24/2019
........................................


Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người




ĐÊM LY BIỆT
.

Còn đây. một chút muộn màng
Em đem dâng hết. kẻo. tang thương về
Đốt tình. cháy trọn đam mê
Rồi quên đi nhé. lời thề bền lâu!
.
Chắc gì có kiếp đời sau?
Thì thôi. ta hãy. cho nhau kiếp này!
Đôi môi. đẫm ướt. em đây
Thân cong dâng hiến. hãy. say mê tình!
Mai này. đời đó phiêu linh
Giữ riêng. anh nhé. hương tình của em!
.
Tiếng chim sớm. hót bên thềm
Báo người. ngày đến. tiếng buồn từ ly
Biệt ly! người sẽ ra đi
Anh ơi vĩnh biệt!
Chắc chi tương phùng?!
.
 NGUYÊN LẠC

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

HOÀI NIỆM , TỰ VẤN - THƠ TỊNH ĐÀM


Đàm Nguyễn Tài
20:00, CN, 23 thg 6 (11 giờ trước)
tới tôi











***HOÀI NIỆM .
( Thân tặng bác CƠ - Một thời để nhớ .)

Gặp nhau ở tuổi hoàng hôn ,
Bao niềm tâm sự giục hồn viễn phương !
Cuộc đời đã lắm phong sương ,
Buồn , vui - Được , mất... Lẽ thường thể thôi !

Nhân tình ấm , lạnh - khôn nguôi
Cười qua nước mắt ... Lỡ rồi phận duyên !
Đèn khuya hắt bóng ngoài hiên ,
Thức nghe hoài vọng ...Đâu miền dung thân ?!


***TỰ VẤN .

Hỏi mình , những tháng năm qua
Được gì và mất ...đâu là căn nguyên ?!
Cớ sao lòng lắm lụy phiền ,
Phải chăng kiếp trước nợ duyên chưa đền ?!

Hỏi mình , ân nghĩa nào quên 
Sống cho vẹn ý , đẹp bền tình thân ?!
Dòng đời muôn nẻo phù vân ,
Hợp - tan , ly biệt ...lệ ngần xót xa! 

Hỏi mình , ở tuổi xế tà 
Niềm vui còn lại bên hoa với người ?!
Sớm chiều , mong chút này thôi
Trăm năm xin hẹn ...Suốt đời có nhau .

TỊNH ĐÀM
( TP.HCM . VN )

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : BÓNG - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
05:41 (2 giờ trước)


THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  :  
                                               BÓNG

                         Inline image

        BÓNG chữ Nho gọi là ẢNH 影, nên Bóng của Người gọi là NHÂN ẢNH 人影. Theo Đạo Giáo thì đời sống chính thức của con người là ở trên...Trời, còn đời sống trước mắt ở thế gian nầy chỉ là cái hình chiếu, là Cái Bóng ở trên trời rọi xuống mà thôi, nên Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã viết trong "Cung Oán Ngâm Khúc" là :

                          Cái quay búng sẵn trên trời,
                     Mờ mờ NHÂN ẢNH như người đi đêm !
      
       Cái BÓNG đầu tiên mà ta thường thấy trong văn học cổ là BÓNG ÁC, BÓNG ÁC TÀ hay BÓNG TÀ đều có nghĩa giống như nhau. Theo sách Ngũ Kinh Thông Nghĩa 西漢劉向的五經通義 của Lưu Hướng đời Tây Hán đã dùng thuyết âm dương để miêu tả là trong mặt trăng có con Thiềm thừ 蟾蜍 (con Cóc), và Ngọc thố 玉兔 (Thỏ ngọc), còn trong mặt trời thì có con Kim Ô 金烏 (Quạ vàng hay Ác vàng) ba chân. Nên trong văn học cổ gọi mặt trăng là Thiềm Cung (cung của con Cóc ở) như trong truyện Nôm Trinh Thử :

                          THIỀM CUNG bóng đã tà tà,
                     Khuyên rằng mau trở lại nhà với con.

                Inline imageInline image

     ... hay còn gọi mặt trăng là Bóng Thỏ (Ngọc thố) như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :

                        Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,
                        Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.

        Và gọi mặt trời là Ác Vàng (Kim Ô) như bài học thuộc lòng trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư :

                        ÁC VÀNG đang lúc tỏ trời,
                    Bỗng đâu mây kéo khắp nơi mịt mù.
                        Giông giục giục, gió vù vù,
                    Cây rung lá đổ lao xao chật đường ...

         Hay gọi mặt trời chiều là Bóng Tà như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Kiều sơ ngộ trong Hội Đạp Thanh của Tiết Thanh Minh :

                        BÓNG TÀ như giục cơn buồn,
                    Khách đà lên ngựa người còn ghé theo !

        Vì mặt trời là Vầng Kim Ô, nên còn được gọi là BÓNG Ô, như trong truyện Trinh Thử :

                        Một niềm dạ sắt in vầng thỏ,
                        Mấy lúc lòng vàng chỉ BÓNG Ô.

       Hay gọi chung mặt trăng mặt trời là THỎ LẶN ÁC TÀ để chỉ ngày tháng qua đi một cách nhanh chóng vô tình, như khi Vương Quan kể lể về "Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi", nên khi đã "trâm gãy bình rơi" chết rồi thì chẳng ai đoái hoài :

                         Trải bao THỎ LẶN ÁC TÀ,
                     Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm !

   Inline image Inline image
                   Thỏ lặn                       Ác tà

       Riêng mặt trăng, do tích Hậu Nghệ Hằng Nga theo sách Hoài Nam Tử 淮南子: Hằng Nga (hay Thường Nga) là vợ của Hậu Nghệ đã lén chồng uống thuốc trường sinh của bà Tây Vương Mẫu ban cho Hậu Nghệ, nên thành tiên bay lên cung trăng ở trong cung Quảng Hàn, vì thế mặt trăng còn được gọi là Cung Quảng, Cung Nga hay BÓNG NGA ... như Thúy Kiều sau khi viếng mả Đạm Tiên và gặp Kim Trọng xong thì về nhà tối hôm đó đã : 

                        Một mình lặng ngắm BÓNG NGA,
                     Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
                        Người mà đến thế thì thôi,
                     Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi,
                        Người đâu gặp gỡ mà chi,
                     Trăm năm biết có duyên gì hay không ?

       BÓNG NGA còn dùng để chỉ người đẹp, như khi anh chàng Sở Khanh gặp người đẹp Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích, cụ Nguyễn Du đã viết về Thúy Kiều như sau :

                        BÓNG NGA thấp thoáng dưới mành,
                     Trông nàng chàng cũng ra tình đeo đai.

        Không gọi là BÓNG NGA thì gọi là BÓNG TỐ, như trong Hoa Tiên Truyện của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                        Chập chờn BÓNG TỐ trêu ai,
                     Hoa đâu rụng, lá đâu rơi trước rèm ?
   
       Không gọi là BÓNG TỐ thì gọi là BÓNG THỎ, như trong bài Nghĩ Thiên Vấn trong Phó Huyền Tập có câu : "Nguyệt trung hà hữu? Ngọc thố đảo dược 月中何有?玉兔捣药". Có nghĩa : Trong mặt trăng có gì? Có con thỏ ngọc giã thuốc. Như trên đã nói, trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu có câu :

                       Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,
                       Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.

    Inline image Inline image

       Không gọi là BÓNG THỎ thì còn gọi là BÓNG QUẾ (hay Cung Quế, Đan Quế ...) do tích trong Dậu Dương Tạp Trở, chương Thiên Xích 酉陽雜俎·天咫 : Trong mặt trăng có cây quế, có thiềm thừ. Cây quế cao năm trăm trượng, dưới có một người cầm búa đốn cây quế nầy, nhưng chặt đến đâu thì cây lại liền ngay đến đó, Người đó tên là Ngô Cương, người đất Hà Tây, theo tu Đạo học tiên, nhưng vì phạm lỗi nên mới bị phạt đốn cây quế như thế" (Tương truyền Ngô Cương có tình ý với Hằng Nga, nên đến cung trăng để bày tỏ tình ý của mình, bị Ngọc Đế biết được nên mới phạt cho đốn cây quế ở cung trăng mãi mãi như thế). Trong Thơ Nôm bài 23 của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tả cảnh thiên nhiên cũng có tình ý như người. Ông muốn níu lại từng làn hương thoảng qua song cửa, ban đêm nâng chén rượu, ông hồi hộp sợ bóng trăng tan đi, không ở lại với mình, nên mới hạ câu :

                           Nương song, ngày tiếc mùi hương lạt,
                           Nối chén, đêm âu BÓNG QUẾ tan...

 
      Inline image  Inline image         
       Để nuối tiếc cho thời gian qua nhanh một cách vô tình không chờ đợi vị nễ ai cả, ta có thành ngữ BÓNG CÂU QUA CỬA SỔ, như trong bài Thành Ngữ Điển Tích về chữ BẠCH, ta đã biết qua về câu nói của Trang Tử trong Tri Bắc Du《庄子·知北游: “人生天地之间,若白驹之过隙,忽然而已. Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược Bach Câu chi Qúa Khích, hốt nhiên nhi dĩ ". Có nghĩa :" Con người sống trong trời đất cũng giống như là bóng ngựa trắng thoáng qua khe cửa, chỉ trong chốc lát mà thôi". Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều có câu :

                      BÓNG CÂU thoáng qua mành mấy nỗi,
                      Những hương sầu phấn tủi sao xong.

       Để tả vẻ đẹp hấp dẫn gợi tình của nàng cung phi trong Cung Oán Ngâm Khúc ta còn đọc thấy câu :

                      BÓNG GƯƠNG lấp loáng trong mành,
                      Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

       Để chỉ những nàng con gái đẹp, những giai nhân ngày xưa, ta còn thấy từ BÓNG HỒNG. Từ nầy có xuất xứ từ từ Hồng Quần 紅裙 mà ra, vì ngày xưa các nàng con gái Trung Hoa đi ra ngoài hay mặc quần màu hồng, như cụ Nguyễn Du đã nói về chị em của Thúy Kiều là : "Phong lưu rất mực HỒNG QUẦN" vậy, nên BÓNG HỒNG là bóng dáng của những giai nhân, của những nàng con gái đẹp, cũng trong Truyện Kiều, khi Kim Trọng du xuân đạp thanh gặp chị em Thúy Vân Thúy Kiều, cụ Tiên Điền cũng đã viết :

                      BÓNG HỒNG nhác thấy nẻo xa,
                    Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai !

      BÓNG XUÂN, Xuân là cây Xuân 椿, một loại cây cao bóng cả. Theo sách Trang Tử,chương Tiêu Dao Du 庄子·逍遥游: Thượng cổ hữu đại xuân giả; dĩ bát thiên tuế vi xuân; bát thiên tuế vi thu 上古有大椿者;以八千岁为春;八千岁为秋。Có nghĩa : Đời thượng cổ có cây xuân to; lấy tám ngàn năm là mùa xuân; tám ngàn năm là mùa thu. Nên người xưa lấy cây xuân nầy để chỉ người cha là cột trụ chống chỏi cho gia đình. Trong truyện cổ tích Thạch Sanh có câu :

                       Kể sao xiết nỗi khóc than,
                   BÓNG XUÂN lành lạnh, nhà lan rầu rầu.

      Thường thì trong văn học cổ gọi cha là XUÂN ĐƯỜNG 椿堂, Đường 堂 tiếng Anh là Hall, tiếng Việt không có từ tương đương để dịch, là cái phòng rộng vừa là phòng khách vừa là nơi thờ phượng tổ tiên, lại vừa nơi cha mẹ hay ngồi để cho con cháu vấn an. Trong Truyện Kiều, lúc đêm, khi Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, thì Thúc Sinh mới :
  
                      Rạng ra trình lại XUÂN ĐƯỜNG,
                  Thúc Ông cũng vội khuyên chàng quy gia.
         
       BÓNG CHIM TĂM CÁ là Bóng dáng của con chim và tăm hơi của con cá, cả hai thứ đều khó thể cầu mà có được, nên để diễn tả cái gì đó cách xa biền biệt không có âm hao tin tức gì cả ! CHIM ở đây là chim Hồng Nhạn, loài chim chuyên dùng để đưa thư; còn CÁ là cá Lý Ngư, theo sách Hán Thư, truyện Tô Võ 汉书·苏武传: Có ghi chép chuyện buộc thư vào chân chim nhạn để truyền tin; Hán. Thái Ung 汉·蔡邕: Trong bài thơ "Ẩm Mã Trường Thành Quật hành" có câu : Khách tòng viễn phương lai, Di ngã song lý ngư, trung hữu xích tố thư 客从远方来,遗我双鲤鱼,呼儿烹鲤鱼,中有尺素书. Có nghĩa : Khách từ phương xa đến, để lại cho ta hai con cá chép, trong bụng cá chép có tờ thư. Người đời sau ghép hai truyện trên vào với nhau thành CHIM CÁ để chỉ thư từ tin tức, nói cho êm tai thành thành ngữ bốn chữ là BÓNG CHIM TĂM CÁ, như trong Truyện Kiều tả lúc Kim Trọng đã thi đậu làm quan rồi muốn đi tìm Thúy Kiều, nhưng ...

                          Nghĩ điều trời thẳm vực sâu,
                     BÓNG CHIM TĂM CÁ biết đâu mà tìm !?

   Inline image Inline image
                                         Bóng chim tăm cá
       
      Trong truyện cổ tích dân gian "Con Tấm Con Cám" của ta thì có câu :

                   BÓNG BÓNG BANG BANG,
                   Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
                   Đừng ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người !

      Như phần đầu đã nói...
      BÓNG là Ảnh 影, còn tia Chớp là Điện 電. Bỏ chữ Điện trước chữ Ảnh, ta có từ ĐIỆN ẢNH 電影 là Chớp Bóng. Nhờ Điện Chớp sáng ta mới thấy được Bóng, mà muốn thấy được Bóng cho rõ ràng thì Điện phải được chớp trong phòng tối... Từ đó hình thành thêm một nghệ thuật mới cho cuộc sống nhân sinh : Nghệ Thuật Thứ Bảy : là Điện Ảnh 電影 mà giới bình dân quen miệng gọi là "Đi xem CHỚP BÓNG!".

      Xin được kết thúc từ BÓNG ở đây. Hẹn bài viết tới !

                                                                                                          
  
ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

CHỮ BẬU TRONG HÒ, CA DAO VÀ LỤC BÁT - NGUYÊN LẠC


Steven Nguyen
Tệp đính kèm
04:45, Th 4, 19 thg 6 (2 ngày trước)
tới tôi

Thân gởi NM bài viết mới, chúc sức khỏe NL 6/19/2019
.............
PS: Có kèm ảnh minh họa
..................................................................................................................................


Nguyên Lạc









CHỮ BẬU TRONG HÒ, CA DAO VÀ LỤC BÁT 

.

Bài viết này là bài thứ 2 trong loạt bài giới thiệu quê hương nam bộ bình dị và thân thương của chúng tôi. Đây là bài 1: Nguyên Lạc: VỀ CHỮ “BẬU”

http://t-van.net/?p=39636
http://vanviet.info/van/ve-chu-bau/?fbclid=IwAR20VHaLhk22LteMzc609xyn-nja-3FslNQSgH-m01B-NY1lj28hvDCqrVU

Trong cuộc Nam tiến, nhiều dòng người từ các nơi đã đến vùng đất mới này sinh cơ lập nghiệp, nhất là những đợt di dân từ đất ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17.  Trên bước đường chinh phục hoang vu, từ những chiếc ghe bầu, ghe chài, tam bản, xuồng ba lá… hành trang mang theo của những di  dân này có cả những câu ca dao để làm chỗ dựa tinh thần trên bước đường xa xứ. Lênh đênh sông nước, những hành trang tinh thần này được họ- các tiền nhân -  cách tân, sáng tác thêm cho phù hợp với hoàn cảnh mới của mình, rồi phổ biến rộng rãi. Chữ "bậu" đặc biệt của nam bộ xuẩt hiện trong ca dao. Những câu hò, điệu lý… từ những ca dao này được hình thành. Tôi xin được tiếp tục giới thiệu đến các bạn sơ lược về hò và một số bài lục bát ca dao có chữ "bậu" thân thương này.

.
SƠ LƯỢC VỀ HÒ
.
Hò là một trong những thể loại âm nhạc dân gian miền nam Việt Nam, được du nhập bởi những đợt di dân từ đất ngũ Quảng, từ vùng ngoài đưa vô vùng đất mới phía cực nam của đất nước ta.
Hò rất được ưa chuộng ở miền nam vì có sức hấp dẫn lạ thường. Chúng tôi xin tạm phân làm ba loại hò: Hò trên cạn, hò trên sông nước và hò giao duyên hay đối đáp.
Về hò trên sông nước, "hò chèo ghe Bạc Liêu" (có thể xem như đại diện cả vùng đồng bằng sông Cửu Long) là một làn điệu dân ca mang hình thức diễn xướng của cư dân Bạc Liêu, hình thành trong môi trường chèo xuồng, ghe trên sông nước; có từ thời khẩn hoang nhằm gửi gắm tình cảm, bày tỏ nỗi lòng của mình cho con người và thiên nhiên.
Vùng đất Bạc Liêu đã lưu hành nhiều loại hò của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long như hò sông Hậu, hò Bến Tre, hò Trà Vinh, hò Vĩnh Long; nhưng mỗi loại hò khi được sử dụng đều có pha trộn, giao thoa tiết tấu hay giai điệu để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Sẵn nói luôn: Tên tuổi nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài Dạ Cổ Hoài Lang đặt nền móng cho nền cổ nhạc Nam bộ cũng gắn liền với vùng đất này.
.
"...Ðường dù xa ong bướm/Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang/Đêm luống trông tin bạn/Ngày mỏi mòn như đá vọng phu/Vọng phu vọng luống trông tin chàng/Sao nỡ phũ phàng..." [Dạ Cổ Hoài Lang - Cao văn Lầu]
.
Hò chèo ghe Bạc Liêu có 2 loại là hò đơn và hò đôi:
--  Hò đơn: Có 2 giọng là hò chậm và hò nhanh. 
-- Hò đôi: Giọng hò lúc này không còn mang tính tự sự đơn giản nữa, mà mang đậm nét trữ tình, giao lưu, trao đổi tình cảm. Hình thức hò này nhanh chóng trở thành sinh hoạt tập thể như đối đáp, huê tình và được nâng lên thành hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ của cộng đồng. Cũng giống trên, nó có hai loại: Hò đối đáp chậm và hò đối đáp nhanh.
.
@. Xin được ghi ra đây vài hàng đóng góp của bạn Đỗ Phú:
.
[ ... Cư dân miền Tây vốn "có của để dành" sẵn từ thiên nhiên;  chiều nay ăn hết, sang mai lại có. Từ thời mở đất đã không e ngại cảnh đói no. Mưa nắng điều hòa, nhịp sống yên bình, không mấy khi gấp gáp. Từ nơi này qua nơi khác, xóm này qua xóm khác chỉ có chèo xuồng, bơi ghe... là thuận tiện. 

-- Giả dụ như có hai ghe, chiếc trước chiếc sau, chàng trai thường nhún nhường hò gọi:

"Theo em đứt bộ quai chèo
Em thương bớt lái, khoan chèo đợi anh"

-- Gió sông thổi nhẹ, sóng nước lăn tăn. Chàng trai ngồi trên xuồng ở vàm kinh câu cá, thả lưới; cô gái trên biền (bờ) hái rau chọai, nhổ hẹ nước. Chợt nhìn thấy nhau cũng hò, nàng hò đố bâng quơ mời gọi:
.
" Đố ai quét sạch lá rừng
Để em khuyên gió, gió đừng rung cây"
.
Bất kể là chàng trai nào, có vợ hay chưa, ở trong khung cảnh đó mà không hò đáp lại nàng thì không phải dân miền Tây sông nước.
Ghe thương hồ thường đậu trạm ở mấy giáp nước (chổ tiếp giáp 2 dòng nước - NL) chờ nước giựt ròng để xuôi ra sông lớn cho nhẹ ghe. Như sông Vàm Nao nối sông Tiền và sông Hậu, hay giáp nước Thủ Thừa nối hai sông Vàm Cỏ ở Long An. Trường hợp này là hò rộn ràng nhất, chẳng cần có trọng tài, nhưng cuộc hò tự động chia thành hai phe, phe trai và phe gái đấu nhau. Chọc ghẹo đùa giỡn nhau qua câu hò, lúc thanh, khi tục, có hồi suôn, có hồi bí, có gỡ quê, có gỡ bí. 
Hễ cặp nào thích nhau thì nhổ sào, chống ghe xáp lại gần tâm sự. Có không ít tình bạn chí thiết phát sinh từ đây. Cũng nhiều đôi khác xứ, gặp gỡ, nên duyên chồng vợ ở tại chỗ này...] [Đỗ Phú]
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bậu có chồng như cá vô lờ 
Tương tư nhớ bậu (ớ ờ)...
Tương tư nhớ bậu, dật dờ năm canh (ơ ơ) 
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bậu có thương thì thương cho chắc
Chi bằng trục trặc thì trục trặc cho luôn
Đừng làm như con thỏ nọ đứng ở đầu truông (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
thỏ nọ đứng ở đầu truông ...
Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng (ơ ơ )
.
.

VÀI CÂU HÒ ĐỐI ĐÁP MIỀN NAM
.
Xin được ghi ra đây vài câu hò đối đáp giữa nam và nữ.
.
1.
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ghế mất một chân nên gọi là ghế gẫy
Người lạc tâm hồn bậu hỡi gọi sao?
Ngẩng đầu ngắm những vì sao (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
những vì sao ...
Cái lu cái tỏ ... cái nao riêng mình? (ơ ơ )
.
- Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Trách ai quên hai chữ nghĩa tình
Quên câu thề hẹn đôi mình trăm năm
Chống chèo theo nước lớn ròng (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
theo nước lớn ròng ...
Dò tìm bóng bậu cõi lòng nát tan (ơ ơ )
.
- Chàng trai hò tiếp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Bìm bịp kêu con nước giọng khàn
Rạch sông mù lối khói sương mù trời
Biết tìm đâu hỡi bậu ơi (ơ ờ) ...
Hò ơ ớ ơ ơ …
tìm đâu hỡi bậu ơi ...
Bóng chiều dần xuống mưa rơi mịt mùng (ơ ơ) ...
.
Hò ơ …
"Tìm bậu như thể tìm chim
Chim bay biển Bắc (ơ ơ ơ ) tôi tìm biển Nam" (ơ ơ ) 
.
2.
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
"Gá duyên chẳng đặng hội này
Tôi chèo ghe ra sông cái (ớ ờ)
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô" (ơ ơ) 
.
- Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chèo vô chẳng thấy bậu đâu!
Nước ròng sông cạn (ớ ờ)
Nước ròng sông cạn lòng đau thấu trời (ơ ơ) 
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Ước gì như áng mây trôi
Anh bay đi kiếm (ớ ờ)
Anh bay đi kiếm tìm người anh thương!(ơ ơ) 
.
3. 
.
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
"Trượt chân em té xuống bùn
Mình em lấm hết (ớ ờ)
Mình em lấm hết anh hun chỗ nào?" (ơ ơ) 
.
- Chàng trai hò đáp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chỗ nào qua cũng muốn hun
Bậu mà trượt té (ớ ờ)
Bậu mà trượt té qua nhảy xuống bùn bồng lên! (ơ ơ) 
 .
- Chàng trai hò tiếp:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
"Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không ai dám (ớ ờ)
Bậu không ai dám dở mùng chun vô" (ơ ơ) 
 .
- Cô gái hò:
.
Hò ơ ớ ơ ơ …
Chun vô lẹ lẹ chun vô
Nhẹ nhàng anh nhé (ớ ờ)
Nhẹ nhàng anh nhé mẹ ho kia kìa!(ơ ơ) 
 ..........
["."] Ý các câu ca dao
.


CA DAO VỀ CHỮ BẬU
.
Ca dao về chữ "bậu" trong dân gian rất nhiều, đủ thể loại. Tôi xin ghi ra đây vài câu tiêu biểu:
.
Biển cạn, sông cạn, lòng qua không cạn 
Núi lở non mòn, ngỡi* bạn không quên. 
Đường còn đi xuống đi lên 
Tình qua nghĩa bậu quyết nên vợ chồng
.
Anh thấy em chắc chắn 
Cặp chân mày ngay ngắn, anh cũng vừa lòng, 
Cậy cùng cô bác mai dong, 
Vái cho em bậu xiêu lòng ưng anh. 
.
Bấy lâu bậu cần mẫn cái vườn đào
Tình xưa ngỡi* cựu, bậu có nhớ chút nào hay không?
Bậu buồn qua dễ chẳng buồn 
Cá dưới sông biếng lội, chim trên nguồn biếng bay 
......
* Ngỡi là "nghĩa" nói trớ
.
Bậu nói với ta không thật không thà
Cây đùng đình chưa ra trái bạn đã nói già, nói non
Bậu nói với ta chưa vợ chưa con.
Con ai than khóc đầu non tê tề.
.
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da bậu mòn.
.

VÀI CÂU LỤC BÁT CA DAO VỀ CHỮ BẬU
.
Như đã nói trên, ca dao có nhiề thể loại: Lục bát, song thất lục bát, thất ngôn hay ... tự do. Nguyên Lạc tôi từ nhỏ đã được bà ngoại ru bằng lục bát ca dao, nó thẩm vào máu. Nhớ quê hương thân thương, tôi xin mời các bạn tiếp tục đọc thêm vài bài lục bát ca dao - tự tôi làm - liên quan đến chữ "bậu" quê Nam bộ chúng tôi:

.

LỜI TÌNH TRÊN SÔNG 
.
Sóng xô gió lộng sông Tiền
Kiếp sau hãy gặp... có phiền bậu không?
.
- "Kiếp sau gặp mặt... hỏng quen
Kiếp này nhất quyết... đỏ đèn cũng theo!"
.
Bậu theo thì hãy cứ theo!
Chim trời, cá nước, kiếp nghèo chịu hong?
.
- "Sá gì ba chuyện cỏn con
Giàu nghèo cam chịu miễn không phụ tình"
.



 TRÁCH BẬU I
.
"Chim quyên ăn trái nhãn lồng
Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi"
Cớ sao bậu lại phụ tôi?
Bỏ tôi cơ khổ bậu quên lời thề xưa!
.
Rạch sông tứ phía mù mưa
Dò tìm bóng bậu ruột như tơ vò 
Sầu như con nước vượt bờ
Vỡ con đê chặn ngập bờ ruộng khoai
.
Trách bậu lòng dạ đổi thay
Trách tôi sao vẫn mãi hoài nhớ thương 
Nhớ câu: "Gả thiếp về vườn
Ăn bông bí rợ dưa hường nấu canh" 
.
Giờ sao bậu lại nỡ đành
Chạy theo phù phiếm sầu dành riêng tôi ?
Dẫm chân than tiếng trời ơi
Người ăn ở vậy ông trời chứng sao?
"Thương tầm cởi áo bọc dâu
Tưởng người có nghĩa hay đâu bạc tình"
.........
* [" ."] Là các câu ca dao)
.


TRÁCH BẬU II
.
Cá lia thia lâu rồi quen chậu?
Vợ chồng rồi thì cũng quen hơi? 
Tủi thân tôi lắm bậu ơi!
Hơi đâu không thấy...  bậu rồi xa tôi!
.
Chiều chiều ra ngõ trông vời
Chim kêu vượn hú thấy đời quạnh hiu!
Đêm về một bóng cô liêu
Gió lùa khe cửa mối khêu nỗi buồn!
.
Huơ tay lạnh một chỗ nằm
Sáng ra bến nước mắt đăm ngóng  nhìn
Bậu đâu? Chỉ tím lục bình
Lặng lờ con nước buồn tình hoa trôi!
.
Tôi giờ nhớ lắm bậu ơi!
Bậu giờ có nhớ những lời thề xưa?
.
"Trách ai rọc giấy bỏ bìa
Khi thương thương vội, khi lìa lìa xa" 
.


TRÔNG NGÓNG
.
"Đất Sóc Trăng khô cằn nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai 
Hỏi ra bậu đã theo trai mất rồi" 
.
Bậu đi thì kệ bậu thôi! 
Ngu chi tơ tưởng để rồi nhớ thương? 
.
Cố quên, sao vẫn tỏ tường
Mắt huyền bậu liếc, hàm răng bậu cười
Tức mình đấm ngực kêu trời
Nhớ chi dữ vậy để rồi hận nhau?
.
"Con mèo trèo lên cây cau"
Trêu đùa chú chuột tôi sao hở người?
Kêu chiều chim vịt bồi hồi 
"Bâng khuâng nhớ bậu đứng ngồi hỏng an"
.
Lệ sao cứ chảy hai hàng!
Đêm nghe tiếng chuột rõ ràng bên khe 
Lời xưa mai chắc bậu về*
Sáng ra sông đợi chỉ dề hoa trôi!
.
Lục bình tím ngắt bậu ơi!
Xuôi dòng nước biếc bỏ tôi hàng bần
Sầu ai bần rụng trái xanh?
Chua lòng tôi lắm, ngó quanh vắng người!
.
Khi nao gặp lại bậu ơi?
Chắc gì bậu nhớ những lời thề xưa?!
Gió đưa gió đẩy hàng dừa
"Thổi bay cây cải, chỉ chừa rau răm" **
.
Một ngày ba bận ngóng trông
Thấy người thiên hạ, mà không thấy nàng!
"Canh chầy thơ thẩn, mơ màng
Đêm mơ thấy bậu, dậy còn chiếu không"!
.
Bậu ơi có biết hay không?!
Lòng anh vẫn mãi chờ mong dáng nàng!
.............
(*)Trong dân gian, người xưa tin (cho) rằng: Đêm chuột kêu thì sáng sẽ có người đến nhà, thân sơ tùy tiếng chuột kêu
(**) Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời (đời) đắng cay...(Ca dao)
.


MUỐI XÁT GỪNG
.
"Xốn xang như muối xát gừng 
Phải chi hồi trước ai đừng biết ai!" (Ca dao)
.
Sông sâu tím một dòng sầu
Gây chi bao cảnh bể dâu đổi dời?
Bậu rồi mù dấu phương người
Vời xa nơi ấy cuộc đời khá không?
.
Huơ tay chỉ lạnh chỗ nằm!
Khuya nghe tiếng mối cõi lòng chẳng an!
Sáng ra níu áng mây ngàn
Nhắn giùm tôi những lời thương đến người!
.
Quê hương vắng bóng bậu rồi!
Khi nao gặp lại một thời trăng thanh?
Tiếng chày giã gạo đón xuân
Lời ca hòa nhịp nỗi mừng tình đôi!
.
Bậu giờ mù dấu phương người 
Xốn xang. thương nhớ bậu ơi  "muối gừng"! 
Nhớ thương chỉ biết nhớ thương!
Gây chi bao cảnh đoạn trường quê tôi?
.


CÁCH CHIA
.
"Chim xa bầy còn thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm bậu ơi!
Chẳng thà không gặp thì thôi" *
Gặp nhau quấn quýt trao lời nhớ thương
.
Khổ đời bậu phải mù sương
Để tôi ở lại nỗi lòng nát tan
Chiều nay níu áng mây ngàn
Hỏi thăm tình vẫn chứa chan nhớ về?
.
Lạnh đồng gió chướng buồn thê
Sáo diều đâu nữa?
Đừng về bậu ơi!
Còn đâu!
Quê đã đổi dời
Lối nao còn đợi 
mưa đời sầu giăng!
.
Bậu xa có nhớ hay không?
Câu ca "Dạ Cổ Hoài Lang" đêm nào? [**]
Thuyền xuôi nhẹ bến Gành Hào
Tiếng đàn quyện lấy lụa đào trăng thanh
.
Nhớ thôi tôi bậu phải đành!
.......
[*] Ý ca dao 
[**] Dưới trăng dòng sông trôi rất dịu dàng/Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông/Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm... (Dạ Cổ Hoài Lang, Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang - Cao Văn Lầu, Vũ Đức Sao Biển)
.
***
.
Các bài lục bát trên chắc có lẻ làm các bạn buồn? Thôi để "thay đổi không khí" cùng sẵn dịp giới thiệu bài kế tiếp, nói về Đại Ngãi quê chúng tôi, tôi xin tặng các bạn vài câu luc bát vui. Các câu thơ này viết ra theo ký ức thuở quê tôi an bình, cách đây khoảng 60 - 70 năm, lúc dân quê tôi chỉ làm lúa một mùa; sau khi cấy lúa xong là rãnh rỗi vui chơi, chờ ngày lúa chin thu hoạch. Từ tháng 6 tháng 7 âm lịch cho đến Tết, trẻ thì đá ca lia thia, đá gà... lớn thì "nhậu nhẹt", đờn ca...

Đây là bài thơ vui, theo phong cách cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu:
.
Khoan khoan ngồi đó chớ đi
Bạn bè tri kỷ mấy khi sum vầy
Bậu đâu ta bảo bậu này
Chạy ra bờ ruộng lùa bầy vịt non 
Cà-ri vịt, tiết canh ngon
Vài chai rượu nếp cho tròn đệ huynh
.
Và rồi "ông thần" này "xỉn"
.
Trong mơ ôm ấp bóng hình
Giật mình tỉnh giấc chình ình bậu yêu!
.
NGUYÊN LẠC
................
Tham khảo: baclieu.gov.vn, Giáo sư Trần Văn Khê, Trần Trọng Trí, Bác sĩ Ngô Thế Vinh, Internet ...
.
@. Phụ chú
.

1.
Đêm Gành Hào nghe điệu Dạ Cổ Hoài Lang
Vũ Đức Sao Biển
Mời nghe:
http://www.art2all.net/tho/nguyenlac/demganhhaonghedieuhoailang-vuducsaobien-thanhhuy.mp3
http://www.art2all.net/tho/nguyenlac/demganhhaonghedieuhoailang_vuducsaobien-camly.mp3
.
Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng. 
Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông. 
Gành Hào ơi! Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang. 
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm. 
Xề u xế u liu phạn. 
Dây tơ đàn kìm buông thiết tha. 
Xề u xế u liu phạn. 
Đưa cung đàn về trên bến xa. 
.
Đường dù sa ong bướm, 
xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. 
Đêm luống trông tin bạn, 
ngày mỏi mòn như đá vọng phu. 
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng. 
.
Lời ai ca, dưới ánh trăng này? 
Rừng đước mênh mông đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai! 
Ngày ấy ra đi, con sông buồn tím một dòng trôi.
.
Bạc Liêu ơi! Có nhớ chăng người?
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương. 
Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng.

2.
Dạ cổ hoài lang
Cao văn Lầu
Mời nghe:
http://www.art2all.net/tho/nguyenlac/dacohoailang-caovanlau-huonglan.mp3
.
Từ là từ phu tướng 
Báu kiếm sắc phán lên đàng 
Vào ra luống trông tin nhạn
Năm canh mơ màng 
Em luống trông tin chàng 
Ôi gan vàng quặn đau í a 
.
Đường dầu xa ong bướm 
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang 
Ðêm luống trông tin bạn 
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu 
Vọng phu vọng luống trong tin chàng 
Lòng xin chớ phụ phàng. 
.
Chàng là chàng có hay 
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây 
Bao thuở đó đây sum vầy?
Duyên sắc cầm đừng lợt phai í a
.
Là nguyện cho chàng 
Hai chữ an bằng an
Trở lại gia đàng 
Cho én nhạn hiệp đôi í a

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

NHỚ MỘT CUNG ĐÀN. - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ


tong minh
Tệp đính kèm
20:13, 18 thg 6, 2019 (1 ngày trước)
tới Lê, Dao, tôi





Ảnh bánh tráng Mỹ Lồng




NHỚ MỘT CUNG ĐÀN.


                      Chạnh nhớ về
                   Minh Hồ, Minh Đăng, Mai Quang Trí,
                                                                           

Bao năm xuôi ngược quê người
Mấy mùa sương tuyết phận đời tha phương
Qua rồi cái thuở nhiễu nhương
Se lòng hạt bụi còn hương quê nhà.


Nhớ khi bến cũ chiều sa
Bên hiên đời có chén trà câu thơ.
Mây nghiêng đuổi bóng tình cờ
Bóng người cũng đổ qua bờ tử sinh.!


Nhớ khi trên bước đăng trình
Chiều lên Suối Nghệ cuộc tình lãng du.
Vũng Tàu Bà Rịa vào thu
Theo mây một chuyến về từ Gò Công.


Bến Tre một sớm mây hồng
Xuôi con phà hướng Mỹ Lòng, Giồng Trôm.
Mộ phần Đồ Chiểu một hôm
Ba Tri vẫn rạng mảnh gương cho đời.


...Thế rồi từ ấy... xa xôi
Người về Thành phố, ta người viễn phương.
Ai hay trong cõi vô thường
Thi đàn tan hợp còn vương mạch sầu.


Đời là quán trọ xưa-sau
Nhưng tình thơ vẫn vẹn màu thời gian.
Đêm nay xuống một cung đàn,
Nhớ người năm cũ lòng man mác buồn.!!!


                                  South Dakota, tháng 6/2019.
                              MẶC PHƯƠNG TỬ.