CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : CHỮ - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
11:38, 28 thg 10, 2019 (3 ngày trước)


 THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  : 
                                                  CHỮ
                                   
   Inline image

                         TỰ là CHỮ, cắt giàng đầu chữ TỬ là Con, Con ai Con ấy ?

           Đó là vế đầu của câu đối mà sứ giả của nhà vua đã ra để thử tài của khai quốc Trạng Nguyên  Nguyễn Hiền. Có nghĩa :
           TỰ 字 có nghĩa là CHỮ,  cắt đi giàng đầu của chữ TỰ 字 là bộ MIÊN 宀,thì chỉ còn lại chữ TỬ 子 bên dưới, có nghĩa là CON, Ý của sứ giả là muốn hỏi : Ngươi là con của ai vậy ?!
    Trạng nghe hỏi vô lễ, bèn đáp lại rằng :

                     VU là Chưng, bỏ ngang lưng chữ ĐINH là Đứa, Đứa nào Đứa này ?

          Chữ VU 于 có nghĩa là Chưng ( Vì chưng, bởi chưng), bỏ đi nét ngang lưng của chữ VU 于, là chữ NHẤT 一, thì chỉ còn lại chữ ĐINH 丁, có nghĩa là Đứa  (Gia Đinh 家丁 là Đứa ở). Ý Trạng muốn hỏi : Nhà ngươi là ĐỨA NÀO, mà dám hỏi ta là CON của ai ?!
     
         Trong văn học cổ CHỮ được nhắc tới nhiều nhất là CHỮ HIẾU, CHỮ TÌNH, CHỮ TÂM... Xin được lần lược trình bày sau đây.
                          Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ,         天有四時春在首,
                          Nhân sinh bách hạnh HIẾU vi tiên.    人生百行孝為先。
Có nghĩa :
              - Trời có bốn mùa, xuân là mùa đứng đầu.
              - Người có trăm phẩm hạnh, HIẾU là trước tiên.

        Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, trước khi muốn bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều cũng đã cân nhắc :
                                Duyên hội ngộ, đức CÙ LAO,
                          Bên tình bên Hiếu bên nào nặng hơn ?! 

        Tự hỏi xong thì Thúy Kiều cũng đã đưa ra câu trả lời : 

                                  Để lời thệ hải minh sơn,
                          Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

        CÙ LAO 劬勞 : là Cực nhọc lao khổ. Theo chương Tiểu Nhã, Lạo Nga của Kinh Thi 詩經·小雅·蓼莪 có bài như sau :

          蓼蓼者莪,匪莪伊蒿。   Lạo lạo giả nga, phi nga y cao.
          哀哀父母,生我劬劳.    Ai ai phụ mẫu, sanh ngã CÙ LAO.
             .........
          父兮生我,母兮鞠我。   Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã.
          拊我畜我,长我育我,   Phủ ngã xúc ngã, trưởng ngã dục ngã,
          顾我复我,出入腹我。   Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã.
          欲报之德,昊天罔极.    Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.
Có nghĩa :
         Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga  (giống như rau ngỗ của ta), nhưng ta lại giống như rau cao  (giống như rau đắng của ta. Ý muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mõi). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc.
         Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta . Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. (Ý chỉ không báo nổi ơn của cha mẹ đâu).
         - Diễn Nôm :


                             Inline image


                                 Kìa xem xanh tốt rau nga,
                             Hóa ra chẳng phải đó là rau cao.
                               Thương thương cha mẹ biết bao,
                             Nuôi ta khôn lớn cù lao nhọc nhằn.
                              .......................
                                 Cha sanh mẹ dưỡng khó khăn,
                            Đẻ đau mang nặng ân cần nâng niu.
                                 Ra vào bồng ẳm cưng chìu,
                           Dưỡng nuôi chăn sóc thương yêu vô ngần.
                                 Làm con muốn báo thâm ân,
                           Trời cao lồng lộng khó mong đáp đền !
                                                                           ( ĐCĐ )

          9 chữ màu đỏ ở trên (生,鞠 sanh, cúc,拊,畜,Phủ, xúc, 长, 育,trưởng, dục, 顾,复, Cố, phục, 腹 phúc),
 gọi là Cửu Tự Cù Lao 九字劬劳, ta nói là : CHÍN CHỮ CÙ LAO, như trong Kiều, khi ở lầu xanh, cô kiều đã :

                                   Nhớ ơn CHÍN CHỮ cao sâu,
                              Một ngày một ngã bóng dâu tà tà ...       

        Còn trong truyện Nôm NHỊ ĐỘ MAI thì gọi là CHỮ HIẾU, CHỮ CÙ :

                                   Có ra chi phận má hồng,
                           Khôn đem CHỮ HIẾU đền công CHỮ CÙ.
 
       Từ xưa đến nay, chữ HIẾU chữ TÌNH thường đưa người ta vào những hoàn cảnh khó xử, như Thúy Kiều vừa mới có người yêu, đang đắm đuối trong tình yêu mới chớm thì đã phải bán mình báo hiếu, đến nỗi phải lạy lục cầu cứu Thúy Vân trả hộ "nợ tình":

                                 Cậy em, em có chịu lời,
                            Ngồi lên chi chị lạy rồi sẽ thưa !

       Tội nghiệp thay ! Nhưng biết phải làm sao, khi :

                     Inline image

                                 Sự đâu sóng gió bất kỳ,
                          HIẾU TÌNH khôn lẽ hai bề vẹn hai!
                                 Ngày xuân em hãy còn dài,
                          Xót tình máu mũ thay lời nước non.

     ... và như bà Tam Hợp Đạo Cô đã nói với sư Giác Duyên :

                                Thúy Kiều sắc xảo khôn ngoan,
                            Vô doan là phận hồng nhan đã đành.
                                 Lại mang lấy một CHỮ TÌNH,
                           Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

       Đang lúc yêu nhau thì CHỮ TÌNH nó hành xác con người ta là thế. Nhưng khi đã thành gia thất với nhau rồi, thì chữ TÌNH cũng rất ư là ngọt ngào hạnh phúc như khi Thúc Sinh gặp lại vợ nhà là Hoạn Thư :

                                 Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
                      CHỮ TÌNH càng mặn chữ duyên càng nồng.

       Hay như khi Từ Hải "Om thòm trống trận rập rình nhạc quân" rước Thúy Kiều về đoàn tụ cho ...

                                Vinh hoa bỏ lúc phong trần,
                       CHỮ TÌNH ngày lại thêm xuân một ngày.

        CHỮ TÌNH lại cũng thường đi chung với CHỮ ĐỒNG như khi Kim Kiều thề nguyền hẹn ước :

                                 Vầng trăng dằng dặc giữa trời,
                            Đinh ninh hai mặt một lời song song.
                                   Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
                          Trăm năm tạc một CHỮ ĐỒNG đến xương

     Inline image


         CHỮ ĐỒNG tức là CHỮ ĐỒNG TÂM. Như khi đưa Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, Thúy Kiều đã trấn an Kim Trọng lúc chia tay là :

                                  Đã nguyền hai CHỮ ĐỒNG TÂM,
                            Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
       
      Chữ Đồng, Chữ Đồng Tâm đều do từ gốc là ĐỒNG TÂM ĐỚI 同心帶 hay ĐỒNG TÂM KẾT 同心结 mà ra. Đó là những giải lụa ngũ sắc hay màu đỏ ở giữa thắt một cái gút hình 2 trái tim liền nhau. Có xuất xứ từ bài thơ ngũ ngôn Cổ phong "Di Lăng Quận Nội Tự Biệt" của Dương Hành đời Đường. Trong đó có những câu như :

            留念同心帶,   Lưu niệm ĐỒNG TÂM ĐỚI,
            贈遠芙蓉簪。   Tặng viễn phù dung trâm.
            撫懷極投漆,   Vũ hoài cực đầu tất,
            感物重黄金。   Cảm vật trọng hoàng câm (kim).
Có nghĩa :
                Lưu niệm này DẢI ĐỒNG TÂM,
            Tặng người xa cách Phù Dung trâm cài.
                Keo sơn yêu ấp lòng này,
            Vật hèn mà cũng sánh tày hoàng kim.

   Inline image
                                   Dải Đồng Tâm     同心結

       Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh hãy suy nghĩ kỹ và trân trọng tình nghĩa vợ chồng hơn khi Thúc muốn chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh :

                  Bấy lâu khắng khít DẢI ĐỒNG,
            Thêm người người cũng thêm lòng riêng tây.
                  Xá chi chút nghĩa bèo mây,
                Làm cho bể ái khi đầy khi vơi !...

       Ngày xưa, theo đạo Nho thì "Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu 在家從父,出嫁從夫". Nên ta lại có CHỮ TÒNG cho phận gái, như Thúy Kiều là một kỹ nữ, nên đã rất lấy làm hãnh diện khi được Thúc Sinh chuộc ra khỏi lầu xanh và cưới về làm vợ, như cụ Nguyễn Du đã viết :

                    Phận bồ từ vẹn CHỮ TÒNG,
               Ðổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.

       ... và khi về với Từ Hải rồi, trong lúc "Nửa năm hương lửa đang nồng, Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương". Từ muốn ra đi làm việc lớn, nên Thúy Kiều cũng muốn đi theo :

                  Nàng rằng :"Phận gái CHỮ TÒNG",
                Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

       Cuối cùng, ta còn có CHỮ TRINH để chỉ sự trinh tiết của phụ nữ ngày xưa. Xã hội phong kiến đã đặt cái gánh nặng "Trinh Tiết 貞節" lên vai phái nữ với câu " Tòng nhất nhi chung 從一而終" là "Chỉ theo một chồng cho tới chết!". Trải qua mấy ngàn năm, phụ nữ chịu đựng thét... rồi quen, mà còn nghiêm chỉnh chấp hành coi như đó là một thiên chức thiêng liêng của phái nữ nữa... cái mới là tội nghiệp ! Ta hãy nghe Thúy Kiều phân bua khi Kim Kiều Tái Hợp :

                  Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
            Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương.
                  CHỮ TRINH đáng giá nghìn vàng,
             Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.
                  Thiếp từ ngộ biến đến giờ.
               Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
                   Bấy chầy gió táp mưa sa.
             Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.

 ... và đành lòng cam chịu :

                   Còn chi là cái hồng nhan,
               Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
                   Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
                 Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
                   Đã hay chàng nặng vì tình,
               Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!

       Cũng may là Kim Trọng là người cởi mở, có tư tưởng tiến hóa đi trước thời đại lúc bấy giờ, nên đã đáp lời cô Kiều Là :

                   Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
                  Mà trong lẽ phải có người có ta!
                    Xưa nay trong đạo đàn bà,
               CHỮ TRINH kia cũng có ba bảy đường,
                    Có khi biến có khi thường,
               Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
                    Như nàng lấy HIẾU làm TRINH,
                 Bụi nào cho đục được mình ấy vay?

        Nhưng dù nói thế nào thì Thúy Kiều vẫn "năn nỉ" Kim Trọng đừng "động phòng" trong đêm hôm đó với lý do... có hơi "tự ái" là :

                    CHỮ TRINH còn một chút này,
               Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
                    Còn nhiều ân ái chan chan,
                Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?

         Đêm hôm đó chìu lòng Thúy Kiều, Kim Trọng không "động phòng". Nhưng những hôm sau thì sao ?! - Chỉ có cụ Nguyễn Du mới biết được mà thôi !

         Và để kết thúc bài viết hôm nay, xin được mượn những câu trong lời kết của cụ Nguyễn Du cho Truyện Kiều với các CHỮ sau đây :

       Inline image  Inline image


                   Ngẫm hay muôn sự tại trời,
              Trời kia đã bắt làm người có thân.
                 Bắt phong trần phải phong trần,
             Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
                   Có đâu thiên vị người nào,
                CHỮ TÀI CHỮ MỆNH dồi dào cả hai,
                    Có tài mà cậy chi tài,
               CHỮ TÀI liền với CHỮ TAI một vần.
                  Đã mang lấy nghiệp vào thân,
              Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
                   Thiện căn ở tại lòng ta,
               CHỮ TÂM kia mới bằng ba CHỮ TÀI.
                       
                 

               Xin được kết thúc các CHỮ ở đây. Hẹn bài viết tới !


                                                                                                 
ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

MÙA ĐI , BÂY GIỜ - THƠ TỊNH ĐÀM


Đàm Nguyễn Tài
20:49, Th 2, 28 thg 10 (2 ngày trước)
tới tôi










*** MÙA ĐI.

Mùa đi
Vàng những chiêm bao
Lối thu xưa
Biết chốn nào đã qua ?!

Còn đâu
Miền nhớ thiết tha .
Buồn trông
Nửa mảnh trăng tà 
Hắt hiu !

*** BÂY GIỜ .

Bây giờ
Tôi lại hay quên
Người qua cứ tưởng ...
Gọi tên ngỡ ngàng !

Trái tim 
Một thuở đa mang
Cũng thôi trăn trở
Chẳng màng được, không !

Trả em xưa
Ước mơ hồng
Những đêm mộng mị
Còn nồng hương yêu .

Bây giờ
Tôi lại nhớ nhiều
Khi về chiếc bóng
Sớm , chiều quạnh hiu !

Tháng năm
Giữa chốn dập dìu
Xin cho tôi 
Chút tin yêu gửi người .

TỊNH ĐÀM .
(TP.HCM.VN )

*** Gửi lời thăm đến chị Nhã My nhé . Chúc chị mỗi ngày là một niềm vui , an lạc nhé .Thân .

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

CHÙM TỨ TUYỆT (2) - THÁNG 10/2019 - THƠ NGUYỄN KHÔI


Khôi Nguyễn
12:35, 26 thg 10, 2019 (3 ngày trước)
tới NguyenBay, tongocthachhp, Phu, BAOTHANG_XUANXUYEN, Tran, da, chuhongve48, tôi, Vy, Hồ, Giống









CHÙM TỨ TUYỆT (2) - THÁNG 10/2019

                      -----------
*1-Vội rút khỏi Syria...Washington phản bội đồng minh
Bài học nhớ đời " Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ " !
Hổ ( Mỹ) đọ Rồng (Tàu) : Gấu ( Nga) chừng tưởng bở
Mỏ dầu kia, đời nào đợi Putin !?
                                    *
*2- Hối lộ Bắc Son : Trương Minh Tuấn ( hứa) được làm Bộ Trưởng
Thật đúng là lũ bánTước , mua Quan !
- Lê Hải An chết với bao điều đồn đoán
Nước bẩn Sông Đà...cả Hà Nội bất an.
                                    *
*3- Từ "Mì ăn liền Mivina" bay về khởi nghiệp
"Đế chế VIN" ăn đất "bốc" lên trời
"Tài" quá lắm cho mưa rơi vần Vũ
Bao "City VIN"...còn "Nghĩa địa" Vượng ơi !
                                    *
*4- Trung Ương họp "chốt" danh xưng- tuổi tác
Nâng điểm thi " buồn" nhà Triệu Tài Vinh
" Cả nhà làm Quan" lình xình  tung tác
Nhân quả nhãn tiền : em gái lãnh thay anh .
                                   *
*5- Tàu Trung Cộng thăm dò "vào - ra" bãi Tư Chính
Chọc ngoáy, răn đe muốn chiếm cả Biển Đông ?
- "Đường Cao tốc Bắc Nam" của ta, ta làm chủ
"Hữu Nghị" nghẹn đường...từng bước thoát Trung ?!


Hà Nội 27-10-2019

NGUYỄN KHÔI


Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

CHỈ TẠI CHIỀU THU - THƠ NGUYÊN LẠC


Steven Nguyen
16:08, Th 6, 25 thg 10 (2 ngày trước)
tới tôi

Gởi đển NM thêm 1 bài thơ. Chúc vui NL 10/25/2019
.................................................................................................................



Kết quả hình ảnh cho ảnh chiếc lá rơi



CHỈ TẠI CHIỀU THU
.
Chỉ là một chiếc lá
Sao nỗi niềm trong ta?
Chỉ hanh làn gió thoảng
Sao mắt ta lại nhòa?
.
Chỉ là một chiếc lá
Dĩ nhiên ... vì mùa qua
Chỉ là một nỗi nhớ
Cô lữ sao xót xa?
.
Chiếc lá nào héo úa?
Chiếc lá nào lìa xa?
Tiếng thu nào se sắt?
Mùa thu nào thiết tha?
.
Tình thu nào vệt khói?
Tan mờ xa mờ xa
Đời quay cuồng lốc xoáy
Quê hương rồi chỉ là!
.
Chỉ là một chiếc lá
Sao thấy cả mùa thu?
Chỉ sợi chiều rất mảnh
Sao thấy thiên thu sầu?
.
NGUYÊN LẠC

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

CHỢ DINH, CHỢ QUÁN, CHỢ CẦU... TRONG KHÚC HÁT RU VÙNG TRỊ THIÊN - LA THỤY







“CHỢ QUÁN, CHỢ CẦU, CHỢ DINH,…” TRONG KHÚC HÁT RU VÙNG TRỊ THIÊN





                  Vườn cau ở làng Nam Phổ (Huế)


Hầu như những ai từng sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Quảng Trị, Thừa Thiên đều thuộc lòng “Điệu Hò Ru Em” hay “Khúc Hát Ru Em” đặc trưng vùng Trị Thiên, một bài ru thân thương quen thuộc thường được bà, mẹ hoặc chị đưa trẻ vào giấc ngủ khi nằm nôi. Bản thân tôi từng được say muồi giấc ngủ trẻ thơ, những khi bà nội tôi đong đưa những tao nôi cất giọng hò ru ngọt ngào, êm ái… như ngày xưa bà đã từng ru ba tôi, các cô chú tôi và chị em tôi. Đặc biệt hơn, bà lại hát ru những đứa con tôi – chắt nội của bà tròn giấc ngủ ngon. Giọng hò ru của bà lắng đọng và thấm đượm vào sâu thẳm tâm hồn chúng tôi.

Khúc hát ru theo thể lục bát, trong đó tên các chợ như chợ Quán, chợ Cầu, Nam Phổ, chợ Dinh, Triều Sơn, Mậu Tài…được nhắc đến với những sản vật riêng của mỗi chợ đó:

Ru tam, tam théc cho muồi
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim
Kim xa, kim ở bên Tàu
Ở gần Hà Nội gặp chắc giữa đàng

Với những người cùng thế hệ tôi và lớn tuổi hơn trở về trước, khi cất giọng ru em thì lời ru vương vấn một ít thổ âm, phương ngữ của vùng Trị Thiên có hơi cổ xưa như :“tam, théc, muồi, mạ, chắc”.
“Tam” có nghĩa là em, như “eng tam” là anh em. “Théc” có nghĩa là ngủ. Cụm từ “théc cho muồi” nghĩa là ngủ cho say. Chín muồi (rất chín, đạt đến độ ngon nhất), ngủ muồi (ngủ rất ngon, rất say). “Mạ” có nghĩa là mẹ. “Chắc”có nghĩa là nhau (“gặp chắc” là gặp nhau.)

Hai câu:

Kim xa, kim ở bên Tàu
Ở gần Hà Nội gặp chắc giữa đàng

Có lẽ là hai câu ghép nối thêm, vì ngoài việc tiếp nối ý “Mậu Tài bán kim” thì vần gieo không ăn khớp với nhau giữa các câu lục và câu bát (Kim – Tàu – chắc)

“Khúc hát ru em” này do bà nội tôi hát ru chị em tôi, rồi hát ru các con tôi. “Chắc” là phương ngữ Quảng Trị có nghĩa là “nhau”. Nếu hát “nhau” thì ăn vần với tiếng “Tàu” ở câu lục phía trên. Nhưng người dân địa phương như bà nội tôi có khi họ hát ru theo cảm xúc và phương ngữ địa phương nên vô tình lạc vận…

Giọng hát ru của bà nội tôi in sâu vào tâm khảm tôi, nếu có sự thô mộc, chơn chất hay lạc vận thì đó cũng là đặc trưng của dòng chảy văn học dân gian, văn học truyền khẩu khi chưa được bậc thức giả ra công giũa gọt để có tính nghệ thuật cao hơn.

Và hai câu này cũng có dị bản:

Kim xa, kim ở bên Tàu
Chỉ về Hà Nội gặp nhau tình cờ

Qua dị bản này ta thấy có dấu ấn của bậc thức giả trong việc chỉnh sửa tu từ để ý liền lạc hơn, từ “kim” đến “chỉ” và không dùng phương ngữ để ăn vần với nhau.

Khúc hát ru vùng Trị Thiên này, bây giờ người địa phương hát thì mọi người khắp vùng trên đất nước đều nghe và hiểu cả vì chỉ còn duy nhất phương ngữ “muồi” mà thôi

Ru em, em ngủ cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim
Kim xa, kim ở bên Tàu
Chỉ về Hà Nội gặp nhau tình cờ.

       
Giọng hát ru ở video clip có đôi chút khác biệt về địa danh Triều Sơn, Mậu Tài... so với khúc hát ru đã dẫn phía trên

Như ở nói ở trên, tên các chợ như chợ Quán, chợ Cầu, Nam Phổ, chợ Dinh, Triều Sơn, Mậu Tài…được nhắc đến với những sản vật riêng của mỗi chợ đó. Không ít người miền Trung và một số học giả cho rằng toàn bộ các chợ được nêu trong khúc hát ru này đều ở Thừa Thiên Huế cả. Thế thì lý do gì mà người Quảng Trị cũng hát ru em “cho mẹ đi chợ” xa tận Thừa Thiên Huế dữ vậy.

Có hai nguyên nhân dẫn đến việc nhiều học giả, nhà nghiên cứu bị cuốn vào vùng đất Thừa Thiên để lần tìm hai địa danh còn lại mà bỏ quên các địa danh khác:
- Nguyên do thứ nhất: Ngoài sự hiện diện hai đặc sản nổi tiếng (Nam Phổ, chợ Dinh) còn có sự tác động không nhỏ bởi hai câu dị bản được chắp nối thêm: …

Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón Mậu Tài bán kim.

Nón và kim (thêu, khâu, may) cũng là hai đặc sản thuộc Thừa Thiên Huế.

- Nguyên do thứ hai, một nguyên nhân hết sức quan trọng đó là chúng ta quên tìm hiểu bối cảnh lịch sử, sự xác lập địa lý vào thời điểm bài ca dao ra đời.

Vào thời nhà Lê, năm 1466, vua Lê Thánh Tông đặt dải đất của Châu Thuận và Châu Hóa thành hai phủ là: Phủ Tân Bình và Phủ Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hóa. Phủ Triệu Phong gồm 6 huyện: Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vang, Điện Bàn và An Nhơn (từ Cửa Việt vào Điện Bàn). Nói về phủ Triệu Phong đến thế kỷ XVIII chỉ còn 5 huyện đó là huyện Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Hải Lăng và huyện Đăng Xương (theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn). Không dừng ở đó đến năm 1801, vua Gia Long lấy 3 huyện: Đăng Xương, Hải Lăng và huyện Minh Linh lập thành dinh Quảng Trị.

Điểm qua đôi dòng sử liệu trên, ta thấy có sự giao thoa, chồng lấn, thay đổi các địa danh, vùng miền qua từng thời kỳ giữa Thừa Thiên Quảng Trị và Quảng Nam (Phủ Triệu Phong),
Chỉ cần thoát khỏi sự thu hút theo đơn vị hành chánh cấp tỉnh hiện nay, chúng ta dễ dàng tìm ra những địa danh có tính thuyết phục cao hơn.

(Theo bài viết “Tìm hiểu các địa danh qua một bài ru cổ” của Khê Giang đăng trên tạp chí Cửa Việt số 284, tháng 5 năm 2018)

Chúng tôi tìm hiểu thêm qua những tài liệu khác tên các chợ được nêu trong khúc hát ru thì thấy những địa danh chợ trên, có ở Quảng Trị, thậm chí có ở cả Quảng Nam, Bình Định và Sài Gòn. Đặc biệt, chợ Cầu ở Quảng Trị đang là một di tích văn hóa được xếp hạng quốc gia.

Xin điểm qua từng tên chợ trong khúc hát ru em này:


* MUA VÔI CHỢ QUÁN, CHỢ CẦU:


 - CHỢ QUÁN:


+ Chợ Quán ở Quảng Trị:

Cách Thừa Thiên Huế đúng một con sông (Ô Lâu), chợ Quán xưa nằm trên địa phận của xóm Quán thôn Mỵ, làng Trường Sanh, nay thuộc xã Hải Trường, huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị. Đây là một ngôi chợ cổ nằm trên đường Thiên lý Bắc - Nam, chợ xuất hiện dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) tuy nhiên do vị trí giao thông không thuận lợi nên quy mô phát triển không bằng các chợ khác trong vùng, sau nhiều lần di chuyển chợ cũng trở lại vị trí ban đầu lúc mới thành lập, hiện nay chợ được mang tên là Bến Đá.

+ Chợ Quán ở Quảng Nam:
Ngược vào phía Nam tại làng Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam có một ngôi chợ mang tên chợ Quán rất phồn thịnh, địa danh này được ghi lại trong địa bộ của làng, tại đây có các cơ sở nghề truyền thống nổi tiếng như nghề đúc đồng, bánh tráng, mì Quảng… Chợ Quán ban đầu nằm ở giữa làng, sau dời ra bến đò trên sông Thu Bồn gọi là chợ Củi. Vào cuối thế kỷ XIX, cùng với chợ Phong Thử và Đo Đo, chợ Quán được triều Nguyễn xếp hạng thuế thứ 9, khoảng thập niên sáu mươi của thế kỷ trước chợ được đổi tên thành chợ Cầu Mống rồi chợ Tổng: “Bao giờ cầu Mống gãy đôi/ Sông Thu hết nước em thôi thương chàng!”.

+ Ngoài ra, ở Sài Gòn cũng có địa danh Chợ Quán. Trong bài học thuộc lòng “Sài Gòn” ở sách giáo khoa tiểu học ở miền Nam trước 1975, tác giả Bảo Vân viết:

“Phường Chợ Quán, khóm Cầu Kho,
Bến xe Lục Tỉnh, con đò Thủ Thiêm”

+ Chợ Quán ở Thừa Thiên, Huế:

Chợ Quán ở làng Tân Quán, gần vùng Nguyệt Biều, còn chợ Cầu gần làng Thanh Lương. Hai chợ này ở gần bến nước cả sông Hương và sông Hồ, nên dễ dàng xây lò đốt vôi. Ngoài ra họ còn lưu tâm chế biến ra thứ vôi ăn trầu rất tinh vi như: sau khi đốt một lò vôi xong, khi ra lò họ lựa sơ qua những sò trắng vất riêng ra một bên, còn bao nhiêu thứ sò ngũ sắc đã bị đốt đến nhiệt độ đúng mức thì đống hàu ấy tự rệu ra thành thứ vôi bột để xây cất. Cong thứ sò trắng đã cất riêng kia thì lại được sàng sấy rất kỹ, qua hai lớp sàng và dần. Sau đó còn phải vất hết sỏi cát, rác rến, dơ bẩn. Xong xuôi còn phải đưa vào lò đốt lại một lần thứ hai để cho các thứ sò trắng này phải “ngướu rệu”. Lại sàng sẩy một lần nữa chỉ còn lại dưới “dần” lần cuối cùng là thứ sò tinh vi để sú với nước. Khi sú xong người chuyên môn lấy tay trà trộn, chỉ nhận thấy trong tay thứ bột mềm dẻo mịn màng. Nếu lấy dao ăn trầu mà cắt thì không còn có thể mà nghe một hột cát nào trong bánh vôi. Như thế mới được gọi là vôi chợ Quán, chợ Cầu.

Thời xưa đi mua vôi ăn trầu là cả một vấn đề xê dịch đáng ngại, phải qua năm sông bảy đò. Đôi khi qua đò, lại nên duyên nên nợ cho mấy o đi mua vôi ăn trầu. Bởi thế nên có hai câu hò sau:

 Không đi thì nhớ thì thương
 Đi rồi lại nhớ Thanh Lương, chợ Cầu!
 Không đi thì thảm thì sầu
 Đi rồi lại nhớ chợ Cầu, Thanh Lương!…

(“Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu” - Trang web Tin Tức Huế)

. Nhiều người Huế chưa hề nghe biết “làng Tân Quán ở gần vùng Nguyệt Biều”. Có lẽ Tân Quán là tên gọi xưa của làng Lương Quán chăng? Hiện nay ở Huế đang có “Nhà vườn Lương Quán” – Nguyệt Biều, phường Thủy Biều, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (được công nhận là địa điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 2791/QĐ-UBND ban hành ngày 21/12/2018)

. Theo ông Nguyễn Đình Liễu trong bài viết “Điệu hò ru con xứ Huế” thì:

“Chợ Quán là nói tắt của làng Lương Quán, vùng Nguyệt Biều. Ai cũng biết Thừa Thiên có đá vôi, thời Pháp thuộc đã khai thác nhà máy vôi Long Thọ, sản xuất vôi dùng vào việc xây cất nhà cửa, cầu cống.”

. Theo học giả An Chi thì làng Lương Quán từ xưa đến nay chưa hề tồn tại một ngôi chợ nào.


+ CHỢ CẦU


* Chợ Cầu ở Quảng Trị đang là di tích văn hóa quốc gia


- Chợ Cầu nguyên nằm ở khu đất trước đình Hà Thượng nay thuộc thị trấn Gio Linh. Chợ được lập vào năm Canh Tỵ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1667) là ngôi đình cổ nhất của tỉnh Quảng Trị.
Đình làng Hà Thượng nằm về phía Ðông của làng Hà Thượng, thị trấn Gio Linh, cách quốc lộ 1A chưa đầy 1km. Di tích đã được Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 154/QÐ-BVHTT ngày 25 tháng 1 năm 1991. Ðình tọa lạc trên một khu đất rộng với tổng diện tích là 8.450m2. Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 ngôi miếu thờ 4 vị thần. Toàn bộ kiến trúc tòa đại đình hiện còn có sự phân bố mặt bằng khác biệt so với các ngôi đình ở miền Bắc và những ngôi đình miền Trung được khởi tạo muộn ở các thế kỷ XVIII - XIX. Mặt bằng đại đình bố trí theo chiều dọc, mặt tiền mở ra từ gian chái, cửa chính quay về hướng Ðông (một hướng rất lệch so với hướng kiến trúc của người Việt). Cấu trúc bộ khung gỗ chịu lực được thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, hai chái, phân bố theo 6 hàng cột như vẫn thường thấy ở kiến trúc cổ vùng đồng bằng Trị - Thiên. Không gian bên trong ngôi đình được phân thành hai phần: phần tiền đường gồm không gian của gian chái trước và hai gian ngoài dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, ăn uống; phần hậu liêu gồm không gian của gian chái sau và một gian trong dùng làm nơi thờ cúng, tế tự.  Hệ thống cổng và tường thành phía trước đình xây bằng gạch, xi măng; nền móng khá cao được xây bằng đá bazan ngăn khuôn viên của đình với khu vực chợ Cầu. Chợ Cầu Quảng Trị đã từng đi vào thơ ca:

“Vôi trắng nghìn năm lời ước hẹn
Đỏ au cổ tích chẳng nhòa phai
Chợ Cầu giao cảm cùng sông núi
Viên mãn cho người một sớm mai…”

                                     Võ Văn Hoa




           Chợ Cầu ở thị trấn Gio Linh (Quảng Trị)


* Chợ Cầu ở Thừa Thiên, Huế:


- “Còn chợ Cầu, có nhiều cách nghĩ, có thể là chợ trên cây cầu, chợ cầu làng Thanh Lương... nhưng theo tôi nghĩ đó là chợ Cầu Hai, vì vôi có 2 nguồn, có thể từ núi đá vôi và cũng có thể từ vôi động vật thân mềm như hàu, trai... mà Cầu Hai Phú Lộc thì những loài này rất nhiều. Ngày nay vùng Lăng Cô vẫn còn nung hàu lấy vôi đó.”
                 (Điệu ru con xứ Huế và địa danh liên quan - Trần Trung)

- Ông Nguyễn Đình Liễu trong bài viết Điệu hò ru con xứ Huế cho rằng: “Chợ Cầu làm tôi liên tưởng đến… cầu ngói Thanh Toàn thuộc làng Thanh Thủy, huyện Hương Thủy, đóng bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Từ Vĩ Dạ đi về hướng Gia Lệ, Vân Thê đường về đầm Hà Trung (còn gọi là đầm Chuồn), các bạn sẽ băng qua chiếc cầu lợp ngói bắc ngang nhánh sông nhỏ, đã được lưu danh bất tử qua câu hò: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn / Cho em về với, một đoàn cho vui...”




                        Hội làng tổ chức bên cầu ngói Thanh Toàn (Ảnh ST)

+ Cầu ngói Thanh Toàn không là nơi họp chợ mà chỉ có hội làng.

- Về chợ Cầu, có tác giả cho rằng: “Chợ Cầu ở làng Phú Lương, Quảng Thành. Tên gọi này có lẽ xuất phát từ địa thế của chợ, chợ nằm bên cây cầu có tên Đan Điền, cây cầu nổi tiếng bậc nhất ở châu Ô thời bấy giờ”, từ suy diễn này tác giả minh họa bằng trích dẫn chép từ Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An: “Cầu ở chợ làng Đan Lương, huyện Đan Điền, phía đông chợ có một con ngòi, ngang ngòi có một nhịp cầu, đầu cầu là nhà ở. Nhịp giữa cầu nổi cao như sống lưng cá kình rất tiện lợi cho người qua lại. Sớm hôm không ngớt, đúng là cái cầu số một của châu Ô vậy”.

Do tính đặc thù trong giao thương xưa, chúng ta không lấy làm lạ khi có rất nhiều vùng miền có chợ và cầu cùng chung một tên (do các chợ đều tập trung ở gần cầu và bến đò, rất tiện lợi giao thông thủy - bộ), nhưng việc gán cho một ngôi chợ (Đan Lương) nằm ở gần một chiếc cầu (Đan Điền) có tên hẳn hoi để trở thành địa danh chợ Cầu cần xác minh.

* MUA CAU NAM PHỔ

Cách cầu Trường Tiền khoảng hơn 3km về phía biển Thuận An, làng Nam Phổ (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cạnh dòng sông Hương thơ mộng, từ Đập Đá đi xuống. Làng trồng rất nhiều cây cau cao vút, vì gần nước nên cau rất ngon và sai quả. Nhiều câu ca dao đã minh chứng cho sự nổi tiếng của cau Nam Phổ từ xưa, chẳng hạn:
“Cam Xã Đoài gửi vô thì cau Nam Phổ đóng bồ gửi lại, hàng lại trao hàng xa ngái quản chi”.


     

Đất Nam Phổ là đất phì nhiêu, nhưng mật độ dân số quá cao, mà đất thì chật nên người dân xem tấc đất là tấc vàng, phải gia công vun, xới, bón, tưới, mà trồng thứ cau “bánh dầy” với bốn tiêu chuẩn như sau mới đáng gọi là cau Nam Phổ: Mỏng vỏ, nhỏ xơ, tơ lòng, trong ruột.
 “Tơ lòng” là khi bổ cau ra, thấy lòng cau có những đường tơ nho nhỏ chạy quanh, chia thịt cau ra đúng như đường huyết nhỏ xíu trong làn da trắng của người.
“Trong ruột” là khi bổ trái cau ra sáu miếng hay tám miếng thì ở giữa trung tâm trai cau có một vòng “màng mạc” trong giống như có nước. Có đủ bốn tiêu chuẩn ấy và phải là dáng “bánh dầy” mới là cau Nam Phổ.

Cái tên Nam Phổ đồng thời gắn liền với đặc sản truyền thống Huế: bánh canh và các loại bánh nậm, bánh ít, bánh bèo, bánh ướt, bánh lọc... Cau Nam Phổ nổi tiếng từ xưa, nhưng nay người làng chỉ trồng để làm đẹp sân nhà, không còn là nguồn sinh kế nữa.


* MUA TRẦU CHỢ DINH


Chợ Dinh được lập trên đất làng An Quán, nay thuộc phường Phú Hậu, thành phố Huế, nằm bên bờ của một nhánh sông Hương đổ về theo đường Chi Lăng, chợ chỉ đông buổi sáng, từ chợ đi về khoảng 200m có bến đò qua Nam Phổ, Vĩ Dạ bên kia sông Hương, gọi là bến đò Chợ Dinh. Năm 1738, chúa Nguyễn Phúc Khoát lập phủ chính ở Bác Vọng, Phú Xuân. Một năm sau, chúa chính thức dời Dinh phủ vào An Quán. Chợ nằm phía đông phủ, nên gọi là chợ Dinh. Vùng chợ Dinh xưa quanh năm rợp vườn cây trái, nơi trồng trầu ngon nổi tiếng trong vùng.

*
Trong lịch sử, từng có một phố chợ Dinh, một chợ Dinh, cùng một Dinh Ông. Khi lên ngôi, vua Gia Long đã cho đào kênh Đông Ba biến vùng đất ở phía bên kia bao bọc bởi một nhánh của sông Hương, có từ thời các chúa Nguyễn, thành ốc đảo và trên bản đồ thực hiện năm 1819, L.Rey gọi là đảo Chợ Dinh. Cũng chính vua Gia Long đã cho bắc cây cầu gỗ An Hội và sau đó năm 1837, vua Minh Mạng đổi thành Gia Hội. Đây là cơ sở cho sự ra đời của phố Chợ Dinh xưa, bắt đầu từ cầu Gia Hội (đường Chi Lăng hiện nay). Phố Chợ Dinh có “chợ Dinh bán áo con trai”. Và khi quan Thượng thư Trần Tiễn Thành đến xây dựng tư dinh ở phía bên kia đường đối diện thì chợ được đặt tên chợ Dinh.

(Theo Đan Duy - Báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 12/10/2011)

Mua trầu chợ Dinh.

Đó là Trầu Cau (có khi gọi là Trầu Mọi) ở xứ Cùa, tỉnh Quảng Trị đưa vào do người dân tộc bán về Dinh, Trầu Quế (có hương vị cay) màu lục, lá dày. Trầu “xà lẹt” lá dài và nhọn như lá tiêu, có nhiều sứa, màu hơi vàng vàng, phải người sành ăn mới dùng được vì nó hôi lại có mùi hăng, vị chát, không quen ăn đến phỏng miệng. Trầu Hương (thơm ngon) lá lục, thường người ta bán ở Huế cao giá hơn các thứ trầu kia.
Loại Trầu Hương này đi đôi với cau Nam Phổ, là hai món hàng “quí phái”, nhiều khi đắt giá đến nỗi mấy O đi chợ phải lên giọng than phiền bằng câu:

“Cau Nam Phổ mỗi trái mỗi giác
Trầu Hương mỗi ngọn mỗi tiền” !

Nhưng vì sao phải đi chợ Dinh mới mua được trầu ngon đủ hương vị cho người sành điệu nhóp nhép? Số là chợ Dinh lúc bấy giờ cũng như chợ Đông Ba hồi đó là nơi hẹn hò khách bốn phương về chầu chúa Nguyễn.

Ngoài ra, trong “khúc hát ru em” vùng Trị Thiên có hai câu được cho là chắp nối thêm vì so câu bát bên trên “Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh” thì không ăn vần (dinh - trai) và lại có những dị bản:

Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.

https://www.youtube.com/watch?v=v25j5o78Yl0


CHỢ DINH BÁN ÁO CON TRAI.


Chợ Dinh “bán áo con trai” với giai thoại một vị quan trong triều Nguyễn muốn chợ Dinh chỉ bán áo con trai để cầu tự.
Có người cho rằng “áo con trai” hoặc “cháo con trai” ở đây chính là thịt con trai, con hến, vì chợ Dinh nằm cạnh Cồn Hến, người dân khai thác hến ở dưới sông đem lên đây để bán.

Theo nhà báo Đan Duy đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 12/10/2011 như thế này: “Thời của “Chợ Dinh bán áo con trai” cũng là thời chiếc áo vải thô nặng trịch. Trong cảnh vạt áo vá vai, chuyện áo quần cho con trẻ, các bậc cha mẹ nghèo cũng không có cách nào hơn, thường phải tận dụng đồ phế thải của người lớn để may lại. Áo may đơn giản, không cầu kỳ trai gái, cốt có để mặc. Nắm bắt nhu cầu đó của người đời, một số kẻ tìm mua quần áo cũ đem về may lại đồ con nít đủ cỡ, rồi đem “bỏ chợ” như một nghề kiếm sống. Chiếc áo phi nam phi nữ kia, muốn cho dễ ngó thì có anh thợ nhuộm, cứ thuê nhuộm đủ màu để người mua tha hồ lựa chọn.”

* Ở đây có dị bản so với khúc hát ru em đã đăng ở phần trên :

Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh “bán nón quan hai
Bán thao quan mốt, bán quai năm tiền”


TRIỀU SƠN BÁN NÓN

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì:
“Nón dứa ở Thuận-hóa cách chế nón khác các nơi. Thôn Tam-giáp-thượng và làng Triều-sơn ở huyện Phú-vinh (Tư Vinh) dệt nón rất là nhỏ và mỏng”.
Làng Triều Sơn trước đây gọi là Triều Sơn xã, thuộc huyện Tư Vinh. Sau này chia thành bốn giáp Đông, Nam, Tây, Trung mà ta thường gọi là Triều Sơn Đông, Triều Sơn Nam (thuộc xã Hương Vinh, Hương Trà), Triều Sơn Tây (phường An Hòa, thành phố Huế), Triều Sơn Trung (xã Hương Toàn, Hương Trà).


MẬU TÀI BÁN KIM

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn:

 “Làng Võng-thì huyện Phú-vinh chuyên nghề làm cuốc sẻng dao búa. Làng Mậu-tài chuyên nghề làm giây thau giây sắt”.
Có thể giây thau giây sắt này là nguồn gốc của nghề làm kim khâu hiện tại. Làng Mậu Tài hiện nay thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (đối diện Làng Triều Sơn Đông bên kia sông Hương).

Có những dị bản khác về địa danh như Triệu Sơn, Mẫu Sơn, Chợ Sơn, Quan Tài chẳng hạn:

“Mẫu Sơn bán nón, Mẫu Tài bán kim”

“Khúc hát ru em” này lại có dị bản, thường được người dân Phú Lộc, Thừa Thiên hát ru mấy câu cuối như sau:

“Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê
Hà Khê gió thổi đường đê
Chim kêu vượn hú bốn bề nước non”

Trong truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng có hai câu:

“Kim Liên ơi hỡi Kim Liên.
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”

Không rõ có sự giao thoa văn hóa với nhau không? Mà ngọn đồi Hà Khê chính là nơi tọa lạc của ngôi chùa Thiên Mụ nổi tiếng ở Huế

 “Ngôi chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khê, ngọn đồi hình chữ nhật có thế Sơn Triều Thủy Tụ vô cùng đẹp và hữu tình. Nhìn từ xa ngọn đồi Hà Khê giống như một con rùa và chùa Thiên Mụ chính là mai rùa, đang đứng cúi đầu uống nước trên sông Hương. Chùa Thiên Mụ xây trên đồi Hà Khê tiếp tục được bảo tồn đến tận bây giờ.”
(Theo bài viết: “Câu chuyện chùa Thiên Mụ và đồi Hà Khê” đăng trên trang web dulichhuedanang.com)

*
Xin mời nghe thêm một dị bản về “khúc hát ru em” vùng Trị Thiên:

À ơi ơi ơi…
Ru em em théc cho muồi…
Để mạ đi chợ… À ơi ơi ơi…
Để mạ đi chợ… mua vôi ăn trầu…
À ơi ơi… mua vôi chợ Quán mà chợ Cầu…
Chứ mua cau mà Nam Phổ… à ơi ơi ơi…
Mua cau Nam Phổ… mua trầu chợ Dinh…
À ơi ơi ơi… chứ Chợ Dinh bán áo con trai…
Triệu Sơn bán nón à ơi ơi…
Triệu Sơn bán nón… Mậu Tài bán kim…

À ơi ơi ơi…
Chứ mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử…
Vợ trông chồng… à ơi ơi ơi… vợ trông chồng… ra đứng núi là Vọng Phu…
À ơi ơi ơi… chứ biết răng chừ bóng xế trăng lu…
Nghe con ve kêu mùa hạ… À ơi ơi ơi…
        Nghe con ve kêu mùa hạ chứ biết mấy thu em gặp chàng.


“Khúc hát ru em” dị bản này, thực ra chỉ là việc ghép hai khúc hát ru lại mà thôi

     
Nói tóm lại, tên các chợ trong “khúc hát ru em” này của vùng Trị Thiên như Chợ Dinh, Triều Sơn, Nam Phổ, Mậu Tài đều nằm ở Thừa Thiên, Huế chứ không ở Quảng Trị; còn chợ Cầu, chợ Quán ở Quảng Trị. Ngoài ra, tại làng Thanh Chiêm, Điện Bàn, Quảng Nam có một ngôi chợ mang tên chợ Quán rất phồn thịnh, địa danh này được ghi lại trong địa bộ của làng, tại đây có các cơ sở nghề truyền thống nổi tiếng như nghề đúc đồng, bánh tráng, mì Quảng… Chợ Quán ban đầu nằm ở giữa làng, sau dời ra bến đò trên sông Thu Bồn gọi là chợ Củi. 
Người dân Trị Thiên nói chung đều thuộc nằm lòng khúc hát ru này, không chỉ riêng người dân xứ Huế mới thuộc. Tên các chợ có lẽ  hình thành trong bối cảnh lịch sử, sự xác lập địa lý vào thời điểm khúc hát ru ra đời. (Năm 1466, vua Lê Thánh Tông đặt dải đất của Châu Thuận và Châu Hóa thành hai phủ là: Phủ Tân Bình và Phủ Triệu Phong thuộc xứ Thuận Hóa. Phủ Triệu Phong gồm 6 huyện: Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vang, Điện Bàn và An Nhơn (từ Cửa Việt vào Điện Bàn). Ta thấy có sự giao thoa, chồng lấn, thay đổi các địa danh, vùng miền qua từng thời kỳ giữa Thừa Thiên Quảng Trị và Quảng Nam (Phủ Triệu Phong).

Video clip tôi hát ru cháu nội út ngủ do con trai tôi (cha đứa bé) quay ngẫu nhiên cách đây hai năm. Tôi hát mộc không có nhạc cụ đệm, và “được” quay bằng điện thoại cùi bắp nên giọng hát vốn không hay vì thế nghe càng dỡ, nhưng đó cũng là kỷ niệm với khúc hát ru được “truyền thừa” một cách “vô thức” từ bà nội mình dù bà đã khuất bóng mấy chục năm rồi. Tình yêu con cháu và gia đình nồng đượm, như cũng “truyền thừa từ” đó!

              LA THỤY ( sưu tầm và biên tập)
                                                                     
......
                                                                     
TÀI LIỆU THAM KHẢO:

* “Tìm hiểu các địa danh qua một bài ru cổ” - Tác giả Khê Giang (tạp chí Cửa Việt số 284, tháng 5 năm 2018).
* Điệu ru con xứ Huế và địa danh liên quan - Tác giả Trần Trung.
* Ai đến Gio Linh nhớ ghé chợ Cầu -  Tác giả Thiên Hà (trang web “Quảng Trị online”).
* Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu  (trang web Tin Tức Huế)
* Chợ Dinh bán áo con trai - Tác giả Đan Duy (báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 12/10/2011).


Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

TÌNH XƯA, KHÔNG ĐỀ - THƠ TỊNH ĐÀM


Đàm Nguyễn Tài
19:52, Th 5, 24 thg 10 (1 ngày trước)
tới tôi









***TÌNH XƯA.

Tôi về
Chiếc bóng cùng đêm
Chân quen bước chậm
Nghe mềm lối trăng !

Tình xưa
Người có biết chăng ?
Trải bao tan , hợp
Cầm bằng ...như không !

***KHÔNG ĐỀ.

Buồn chia
Nửa mảnh trăng gầy
Đêm hong tình cũ
Phút giây ... chạnh lòng !

Người bên song cửa 
Còn mong ?
Tôi ngoài sương gió ...
Lạnh vòng tay ôm !

TỊNH ĐÀM .
( TP.HCM.VN )

***Gửi lời thăm đến chị Nhã My nhé . Chúc chị ngày mới vui khỏe , an lạc . Thân mến .

CHÙM THƠ YÊN TỬ và HÀ NỘI. - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ


tong minh
Tệp đính kèm
17:57, Th 5, 24 thg 10 (1 ngày trước)
tới trạm, tôi, Kim, Dao




Kết quả hình ảnh cho ẢNH NÚI YÊN TỬ





CHÙM THƠ YÊN TỬ và HÀ NỘI.

1.- DẤU XƯA

Đã trót ngàn năm tạc dấu sương
Hồn non nước vẫn bận soi gương
Cỏ hoa ngày ấy còn thơm mãi,
Theo bước người xưa mở lối đường. 


2.- SUỐI GIẢI OAN

Tiếng gọi đây là Suối Giải Oan
Hay người cung nữ luỵ mơ vàng ?
Thôi đành trải giấc sầu dâu biển,
Giữa chốn lâm tuyền sương khói tan !

3.- THÁP TỔ HOA YÊN.

Mây trắng vờn quanh theo ngõ trúc
Tiếng chim thanh thoát vọng ven rừng.
Ta về Tháp Tổ, Hoa Yên cũ,
Một thoáng đời còn mạch suối hương.


4.- CHIỀU TRÚC LÂ M

Trúc Lâm rừng cũ chiều buông vội
Lạc giọng chim xa, nắng vướng ngày.
Thoáng bóng hoàng hôn lồng bóng núi,
Cội tùng xưa vẫn vút ngàn mây.


5.- CHÙA MỘT CỘT 

Thuở ấy 
Triều nghi vận Thái Tông
Trời Nam đất Việt nước Tiên Rồng.
Sư về... thắp sáng thêm bờ cõi,
Diên Hựu còn theo vận núi sông.


6.- HỒ HOÀN KIẾM

Nơi đây 
Nhớ thuở trang hùng sử
Gươm báu trao tay, chiêu sĩ hiền.
Đại Cáo Bình Ngô xua bóng giặc,
Rùa thiêng,
Nay lấy lại gươm thiêng.


                     Hà Nội 2010.
                     MẶC PHƯƠNG TỬ.


Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

SANG ĐÒ - THƠ LÊ KIM THƯỢNG


Sinh Lê
Tệp đính kèm
19:06, Th 4, 23 thg 10 (12 giờ trước)
tới tôi

                                                           

         

                                                             

                                                 




SANG   ĐÒ


“Buồn trông con nhện giăng tơ…”
Một mình quán vắng, bên bờ sông xưa
Ngồi chờ một chuyến đò đưa
Cho tôi gặp lại… tình vừa xa bay…

                         ***

Em về quê cũ chiều nay
Đồng xanh nhẹ gió, cò bay trắng đồng
Môi em thắm, má em hồng
Mắt em đen biếc, mênh mông xa vời
Chiều nghiêng nắng đổ rơi rơi
Rơi trên tà áo giọt vơi giọt đầy
Gió đùa qua ngọn cỏ may
Áo em bay với hoa bay trang đài
Tóc thề buông xõa chia hai
Nửa ôm ngực nhỏ, nửa cài vai suôn…
Chiều xưa… nắng nhạt qua hồn
Hàng mi khép kín, nụ hôn nồng nàn
Chợt nghe có giọt nắng tan
Trên môi thơm ngát Hoàng Lan hương nồng…
Từ người áo cưới qua sông
Hai bờ ngăn cách… buồn cong nhịp cầu
Tàn mơ… ly rượu, miếng trầu
Mỗi người, riêng một khối sầu chứa chan
Thôi đành, dang dở cung đàn
Tình đầu nay đã lỡ làng, truân chuyên
Tội người bạc phận vô duyên
“Bây giờ ván đã đóng thuyền…” còn đâu ?
Thôi thì như nước qua cầu
Năm năm còn một bóng sầu hôm mai
“Một mai ai chớ bỏ ai... ”
Lá trôi dòng nước… tình phai nào ngờ
Tình xưa nghĩa cũ... ơ hờ
Tôi – Em… là chút tình cờ thế thôi !
Nỗi buồn em… nỗi buồn tôi…
Trách chi Trời lại nhân đôi nỗi buồn…

                      ***           

Chiều nay chớp biển mưa nguồn
Một mình ngồi với rượu suông, hương thừa
Bao năm… luyến tiếc người xưa
Thương em vẫn đợi… tình chưa sang đò…


                        Nha Trang, tháng 10. 2019

                           LÊ KIM THƯỢNG



“...” Ca dao