Chieu Duc
11:38, 28 thg 10, 2019 (3 ngày trước)
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH :
CHỮ
TỰ là CHỮ, cắt giàng đầu chữ TỬ là Con, Con ai Con ấy ?
Đó là vế đầu của câu đối mà sứ giả của nhà vua đã ra để thử tài của khai quốc Trạng Nguyên Nguyễn Hiền. Có nghĩa :
TỰ 字 có nghĩa là CHỮ, cắt đi giàng đầu của chữ TỰ 字 là bộ MIÊN 宀,thì chỉ còn lại chữ TỬ 子 bên dưới, có nghĩa là CON, Ý của sứ giả là muốn hỏi : Ngươi là con của ai vậy ?!
Trạng nghe hỏi vô lễ, bèn đáp lại rằng :
VU là Chưng, bỏ ngang lưng chữ ĐINH là Đứa, Đứa nào Đứa này ?
Chữ VU 于 có nghĩa là Chưng ( Vì chưng, bởi chưng), bỏ đi nét ngang lưng của chữ VU 于, là chữ NHẤT 一, thì chỉ còn lại chữ ĐINH 丁, có nghĩa là Đứa (Gia Đinh 家丁 là Đứa ở). Ý Trạng muốn hỏi : Nhà ngươi là ĐỨA NÀO, mà dám hỏi ta là CON của ai ?!
Trong văn học cổ CHỮ được nhắc tới nhiều nhất là CHỮ HIẾU, CHỮ TÌNH, CHỮ TÂM... Xin được lần lược trình bày sau đây.
Thiên hữu tứ thời xuân tại thủ, 天有四時春在首,
Nhân sinh bách hạnh HIẾU vi tiên. 人生百行孝為先。
Có nghĩa :
- Trời có bốn mùa, xuân là mùa đứng đầu.
- Người có trăm phẩm hạnh, HIẾU là trước tiên.
Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, trước khi muốn bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều cũng đã cân nhắc :
Duyên hội ngộ, đức CÙ LAO,
Bên tình bên Hiếu bên nào nặng hơn ?!
Tự hỏi xong thì Thúy Kiều cũng đã đưa ra câu trả lời :
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
CÙ LAO 劬勞 : là Cực nhọc lao khổ. Theo chương Tiểu Nhã, Lạo Nga của Kinh Thi 詩經·小雅·蓼莪 có bài như sau :
蓼蓼者莪,匪莪伊蒿。 Lạo lạo giả nga, phi nga y cao.
哀哀父母,生我劬劳. Ai ai phụ mẫu, sanh ngã CÙ LAO.
.........
父兮生我,母兮鞠我。 Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã.
拊我畜我,长我育我, Phủ ngã xúc ngã, trưởng ngã dục ngã,
顾我复我,出入腹我。 Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã.
欲报之德,昊天罔极. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực.
Có nghĩa :
Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga (giống như rau ngỗ của ta), nhưng ta lại giống như rau cao (giống như rau đắng của ta. Ý muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mõi). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc.
Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta . Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. (Ý chỉ không báo nổi ơn của cha mẹ đâu).
- Diễn Nôm :
Kìa xem xanh tốt rau nga,
Hóa ra chẳng phải đó là rau cao.
Thương thương cha mẹ biết bao,
Nuôi ta khôn lớn cù lao nhọc nhằn.
.......................
Cha sanh mẹ dưỡng khó khăn,
Đẻ đau mang nặng ân cần nâng niu.
Ra vào bồng ẳm cưng chìu,
Dưỡng nuôi chăn sóc thương yêu vô ngần.
Làm con muốn báo thâm ân,
Trời cao lồng lộng khó mong đáp đền !
( ĐCĐ )
9 chữ màu đỏ ở trên (生,鞠 sanh, cúc,拊,畜,Phủ, xúc, 长, 育,trưởng, dục, 顾,复, Cố, phục, 腹 phúc),
gọi là Cửu Tự Cù Lao 九字劬劳, ta nói là : CHÍN CHỮ CÙ LAO, như trong Kiều, khi ở lầu xanh, cô kiều đã :
Nhớ ơn CHÍN CHỮ cao sâu,
Một ngày một ngã bóng dâu tà tà ...
Còn trong truyện Nôm NHỊ ĐỘ MAI thì gọi là CHỮ HIẾU, CHỮ CÙ :
Có ra chi phận má hồng,
Khôn đem CHỮ HIẾU đền công CHỮ CÙ.
Từ xưa đến nay, chữ HIẾU chữ TÌNH thường đưa người ta vào những hoàn cảnh khó xử, như Thúy Kiều vừa mới có người yêu, đang đắm đuối trong tình yêu mới chớm thì đã phải bán mình báo hiếu, đến nỗi phải lạy lục cầu cứu Thúy Vân trả hộ "nợ tình":
Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên chi chị lạy rồi sẽ thưa !
Tội nghiệp thay ! Nhưng biết phải làm sao, khi :
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
HIẾU TÌNH khôn lẽ hai bề vẹn hai!
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mũ thay lời nước non.
... và như bà Tam Hợp Đạo Cô đã nói với sư Giác Duyên :
Thúy Kiều sắc xảo khôn ngoan,
Vô doan là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một CHỮ TÌNH,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Đang lúc yêu nhau thì CHỮ TÌNH nó hành xác con người ta là thế. Nhưng khi đã thành gia thất với nhau rồi, thì chữ TÌNH cũng rất ư là ngọt ngào hạnh phúc như khi Thúc Sinh gặp lại vợ nhà là Hoạn Thư :
Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
CHỮ TÌNH càng mặn chữ duyên càng nồng.
Hay như khi Từ Hải "Om thòm trống trận rập rình nhạc quân" rước Thúy Kiều về đoàn tụ cho ...
Vinh hoa bỏ lúc phong trần,
CHỮ TÌNH ngày lại thêm xuân một ngày.
CHỮ TÌNH lại cũng thường đi chung với CHỮ ĐỒNG như khi Kim Kiều thề nguyền hẹn ước :
Vầng trăng dằng dặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một CHỮ ĐỒNG đến xương
CHỮ ĐỒNG tức là CHỮ ĐỒNG TÂM. Như khi đưa Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú, Thúy Kiều đã trấn an Kim Trọng lúc chia tay là :
Đã nguyền hai CHỮ ĐỒNG TÂM,
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
Chữ Đồng, Chữ Đồng Tâm đều do từ gốc là ĐỒNG TÂM ĐỚI 同心帶 hay ĐỒNG TÂM KẾT 同心结 mà ra. Đó là những giải lụa ngũ sắc hay màu đỏ ở giữa thắt một cái gút hình 2 trái tim liền nhau. Có xuất xứ từ bài thơ ngũ ngôn Cổ phong "Di Lăng Quận Nội Tự Biệt" của Dương Hành đời Đường. Trong đó có những câu như :
留念同心帶, Lưu niệm ĐỒNG TÂM ĐỚI,
贈遠芙蓉簪。 Tặng viễn phù dung trâm.
撫懷極投漆, Vũ hoài cực đầu tất,
感物重黄金。 Cảm vật trọng hoàng câm (kim).
Có nghĩa :
Lưu niệm này DẢI ĐỒNG TÂM,
Tặng người xa cách Phù Dung trâm cài.
Keo sơn yêu ấp lòng này,
Vật hèn mà cũng sánh tày hoàng kim.
Dải Đồng Tâm 同心結
Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh hãy suy nghĩ kỹ và trân trọng tình nghĩa vợ chồng hơn khi Thúc muốn chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh :
Bấy lâu khắng khít DẢI ĐỒNG,
Thêm người người cũng thêm lòng riêng tây.
Xá chi chút nghĩa bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi !...
Ngày xưa, theo đạo Nho thì "Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu 在家從父,出嫁從夫". Nên ta lại có CHỮ TÒNG cho phận gái, như Thúy Kiều là một kỹ nữ, nên đã rất lấy làm hãnh diện khi được Thúc Sinh chuộc ra khỏi lầu xanh và cưới về làm vợ, như cụ Nguyễn Du đã viết :
Phận bồ từ vẹn CHỮ TÒNG,
Ðổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên.
... và khi về với Từ Hải rồi, trong lúc "Nửa năm hương lửa đang nồng, Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương". Từ muốn ra đi làm việc lớn, nên Thúy Kiều cũng muốn đi theo :
Nàng rằng :"Phận gái CHỮ TÒNG",
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.
Cuối cùng, ta còn có CHỮ TRINH để chỉ sự trinh tiết của phụ nữ ngày xưa. Xã hội phong kiến đã đặt cái gánh nặng "Trinh Tiết 貞節" lên vai phái nữ với câu " Tòng nhất nhi chung 從一而終" là "Chỉ theo một chồng cho tới chết!". Trải qua mấy ngàn năm, phụ nữ chịu đựng thét... rồi quen, mà còn nghiêm chỉnh chấp hành coi như đó là một thiên chức thiêng liêng của phái nữ nữa... cái mới là tội nghiệp ! Ta hãy nghe Thúy Kiều phân bua khi Kim Kiều Tái Hợp :
Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,
Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương.
CHỮ TRINH đáng giá nghìn vàng,
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa.
Thiếp từ ngộ biến đến giờ.
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa.
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
... và đành lòng cam chịu :
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!
Đã hay chàng nặng vì tình,
Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru!
Cũng may là Kim Trọng là người cởi mở, có tư tưởng tiến hóa đi trước thời đại lúc bấy giờ, nên đã đáp lời cô Kiều Là :
Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta!
Xưa nay trong đạo đàn bà,
CHỮ TRINH kia cũng có ba bảy đường,
Có khi biến có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Như nàng lấy HIẾU làm TRINH,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Nhưng dù nói thế nào thì Thúy Kiều vẫn "năn nỉ" Kim Trọng đừng "động phòng" trong đêm hôm đó với lý do... có hơi "tự ái" là :
CHỮ TRINH còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
Còn nhiều ân ái chan chan,
Hay gì vầy cánh hoa tàn mà chơi?
Đêm hôm đó chìu lòng Thúy Kiều, Kim Trọng không "động phòng". Nhưng những hôm sau thì sao ?! - Chỉ có cụ Nguyễn Du mới biết được mà thôi !
Và để kết thúc bài viết hôm nay, xin được mượn những câu trong lời kết của cụ Nguyễn Du cho Truyện Kiều với các CHỮ sau đây :
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
CHỮ TÀI CHỮ MỆNH dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
CHỮ TÀI liền với CHỮ TAI một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
CHỮ TÂM kia mới bằng ba CHỮ TÀI.
Xin được kết thúc các CHỮ ở đây. Hẹn bài viết tới !
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét