CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

DỊCH BỆNH THƯƠNG CẢM PHÚ - LÊ ĐĂNG MÀNH


như thị đăngmành
17:09, CN, 29 thg 3 (2 ngày trước)







DỊCH BỆNH THƯƠNG CẢM PHÚ

Ôn dịch đã giăng từ buổi đông tàn
Bệnh tình còn bủa đến ngày xuân mãn
Lầu Hoàng Hạc Tiên vỗ cánh biệt Trường Giang
Corona Người chôn thân lìa Vũ Hán



Thế Giới kinh hoàng
Úc Mỹ- Cộng đồng nhân loại lây lan đến dữ dằn
Á Âu - Cục diện vi trùng truyền nhiễm càng hung hãn
Bến cảng-Đã thực hiện phương án cách ly
Tàu xe  - Còn bế quan lộ trình di tản
Phố chợ đìu hiu vắng nét tung tăng
Thị thành quạnh quẽ thêm màu vây hãm



Ngẫm mà coi
Người sang trọng- Chẳng an toàn bởi thừa chỗ chu du
Kẻ cơ hàn - Đang yên ổn vì thiếu nơi thưởng ngoạn
Quả Đất chung cũng lắm chốn no nê
Núi Sông riêng nên nhiều miền túng quẫn



Mong sao
Thấy dịch bệnh- Hãy mở lòng từ ái để khoan dung
Đem tình thương- Xin trau lưỡi ôn tồn thôi thù hận
Chẳng những- nơi bệnh viện vắng bớt tiếng khóc than
Mà còn- chỗ nhà thương  giảm đi lời ta thán



Y tế Thế giới - Phòng dịch đúng liệu trình
Lương y Việt Nam- Ngăn ngừa theo bài bản


Để mai này
Bên siêu thị lại nhộn nhịp bán mua
Phía học đường thêm rộn ràng bài giảng



Cửa Miếu Mạo- Giảm hội hè xin xăm, bớt kẻ ngông cuồng
Sân Quán Đình- Thôi dâng sớ bói quẻ ,ngăn người thượng mạn


Vậy mà Đồng Bằng Nam Bộ
Từ nguồn thượng Mê Kông người đang tâm gieo, tai ác bịt dòng sông
Đến hạ lưu Chín nhánh lúa quắt queo cháy, trầm kha cùng hạn hán
Dich bệnh chưa yên dân tình nơm nớp hãi hùng
Nhân tai giáng họa vườn ruộng thóp thoi ngập mặn.
Lỡ rồi đây
Mây lữ thứ - Muốn thong dong phải trở lại nương náu với quê hương
Khách tang bồng - Ưa nhàn nhã mà quay về an cư cùng bản quán.



Thật cảm động
Nhìn bác sĩ nhiễm bệnh bởi tình Từ Mẫu quá bao dung
Thấy mọi người lây lan vì nghĩa Đồng Bào mà thương cảm.



Nguyện cầu Bốn Biển- Qua cơn đại họa để sống cuộc ung dung
Ước vọng Năm Châu- Vượt sóng tai ương mà nuôi đời thanh thản



Để nghe
Nơi Thiền Tự vang âm mõ điểm, kết trái viên dung
Gác Giáo Đường vọng tiếng chuông ngân, đơm hoa lân mẫn.



Quá thương cảm nên
Xin nâng bút - Tìm ý sắp vần ,lõm bõm tới lui,
Nguyện cầm nghiên - Chuốt câu trau chữ ,hom hem lẩn quẩn.
Mong Thế Giới - Chúng sanh sống cảnh yên hàn,
Ước Địa Cầu - Nhân loại ở đời viên mãn.


Nhờ Trí Giả hạ cố săm soi
Cầu Hiền Nhân chăm nom duyệt lãm.



Tiết Thanh Minh,Quý Xuân Canh Tý

NHƯ THỊ phụng bút

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

RƯỢU CHIỀU LỮ THỨ, THÁNG BA NĂM ĐÓ - THƠ NGUYÊN LẠC


Steven Nguyen
15:02, Th 4, 25 thg 3 (3 ngày trước)
tới tôi

Gới đến NM thêm 2 bài thơ mới, tùy nghi sử dụng/ Tình thân
NL 3/25/2020
............................................







RƯỢU CHIỀU LỮ THỨ
.
Tay nâng chén rượu chiều rơi
Mời ai cạn chén kiếp đời lưu vong?
Mời em. nhan sắc còn không?
Mời tôi. tan mộng trăm năm nỗi sầu!
.
Hồ Trường biết rót về đâu? [*] 
Về đâu rồi cũng một màu tàn phai!
.
Uống đi! Cạn chén đắng cay
Xé câu thơ cổ thả bay lũng chiều
Tà huy đổ bóng liêu xiêu
"Hồ Trường! Say. tỉnh?" 
Hắt hiu đất trời!
.
Sao không say hở tôi ơi?
Tỉnh chi? Sầu với cỏ cây. Hồ Trường!
..........
[*] "Vỗ gươm mà hát/ Nghiêng bầu mà hỏi/ Trời đất mang mang ai người tri kỷ/ Lại đây cùng ta cạn một hồ trường/ Hồ trường! Hồ trường!/ Ta biết rót về đâu? (Hồ Trường -Nguyễn Bá Trác)
.  




THÁNG BA NĂM ĐÓ

Tháng ba người nhớ hay không?
"Tháng ba gãy súng" não nùng đời nhau [*]
.
Tháng ba lại tháng ba nào
Tháng ba năm đó làm sao quên người?
Tháng ba vỡ mộng tình đôi
Tháng ba buồn lắm tình tôi nghìn trùng!
.
Mười năm Từ Thức về trần
Thấy đời hụt hẫng đoạn trường bể dâu
Tìm người tôi biết tìm đâu?
Tìm trong nỗi nhớ những câu nhạc tình
"Chanh đường uống ngọt môi trinh"[**]
Phố xưa góc cũ ...
U minh cuộc đời!
.
Thôi tôi mất dấu em rồi!
Tháng ba năm đó tàn đời thanh xuân!
Chiều nay nâng chén Hồ Trường
Hồn người năm cũ nỗi lòng tháng ba
.
Tháng ba thời đó đã xa
Xa rồi. xa lắm... sao ta đắng lòng?
Tháng ba còn nhớ hay không?
Tháng ba. đừng nhớ!
Dặn lòng ... Lại quên!
.
Tháng ba nâng chén mình ên
Hồn người lính cũ buồn tênh cuộc tình
Tháng ba nghiêng chén nhân sinh
Mời hồn chiến hữu ...
An bình viễn phương!
.
Vô thường. đời đó vô thường
Thôi thì. đây rượu thay hương ... khóc người!
..............
[*] Tên sách "Tháng Ba Gãy Súng" - hồi ký Cao Xuân Huy
[**] Lời nhạc Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy
.
NGUYÊN LẠC 

HIỆP KHÁCH HÀNH: LÝ BẠCH - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
17:43, Th 6, 27 thg 3 (2 ngày trước)



Góc Đường Thi :

                                HIỆP KHÁCH HÀNH                                
                                                              LÝ BẠCH
                                                
                                       Inline image

       Mọi người đều biết LÝ BẠCH là THI TIÊN, là ông tiên trong rượu, như lời thơ của Thi Thánh Đỗ Phủ đã viết về ông như sau :

                 李白一斗詩百篇,  Lý Bạch đẩu tửu thi bách thiên,
                 長安市上酒家眠。  Trường An thị thượng tửu gia miên.
                 天子呼來不上船,  Thiên tử hô lai bất thượng thuyền,
                 自稱臣是酒中仙。  Tự xưng thần thị tửu trung tiên.
Có nghĩa :
                   Lý Bạch rượu vào trăm thơ ra,
                  Trường An quán rượu ngủ như nhà.
                  Vua đòi cũng mặc thuyền không xuống,
                  Xưng "Tiên Trong Rượu" chính là ta !

                Inline image
    Nhưng...
            Ít ai biết LÝ BẠCH còn được người đời sau xưng tụng là THI HIỆP 詩俠, là Thi sĩ có lòng hiệp nghĩa trong thơ. Bản thân Lý cũng là một kiếm khách có lòng hiệp nghĩa, hay cứu khổn phò nguy... Khi đi ngang qua đất Yên, Triệu là nơi có nhiều hiệp khách ngày xưa, Lý đã cảm khái mà viết nên bài thơ cổ phong trường thiên HIỆP KHÁCH HÀNH 俠客行, mà sau nầy đã làm nguồn cảm hứng cho đại tiểu thuyết gia võ hiệp Kim Dung 金庸 viết nên tác phẩm võ hiệp nổi tiếng cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH.
          Dưới đây là bài thơ nổi tiếng Hiệp Khách Hành của Lý Bạch.

  俠客行          HIỆP KHÁCH HÀNH

趙客縵胡纓,     Triệu khách mạn Hồ anh.
吳鉤霜雪明。    Ngô câu sương tuyết minh.
銀鞍照白馬,    Ngân yên chiếu bạch mã,
颯沓如流星。    Táp đạp như lưu tinh.

十步殺一人,    Thập bộ sát nhất nhân,
千里不留行。    Thiên lý bất lưu hành.
事了拂衣去,    Sự liễu phất y khứ,
深藏身與名。    Thâm tàng thân dữ danh.

閒過信陵飲,    Nhàn quá Tín lăng ẩm,
脫劍膝前橫。    Thoát kiếm tất tiền hoành.
將炙啖朱亥,    Tương chích đạm Chu Hợi,
持觴勸侯嬴。    Trì trường khuyến Hầu Doanh.

三杯吐然諾,    Tam bôi thổ nhiên nặc,
五嶽倒爲輕。    Ngũ nhạc đão vi khinh.
眼花耳熱後,    Nhãn hoa nhĩ nhiệt hậu,
意氣素霓生。    Ý khí tố nghê sinh.

救趙揮金槌,    Cứu Triệu huy kim chùy,
邯鄲先震驚。    Hàm Đan tiên chấn kinh.
千秋二壯士,    Thiên thu nhị tráng sĩ,
烜赫大梁城。    Huyên hách Đại lương thành.

縱死俠骨香,    Túng tử hiệp cốt hương,
不慚世上英。    Bất tàm thế thượng anh.
誰能書閣下,    Thùy năng thư các hạ,
白首太玄經。    Bạch thủ Thái Huyền Kinh.
              李白                                     Lý Bạch

Inline image
              Thi Hiệp LÝ BẠCH

* Chú Thích :
  - Hiệp Khách Hành 侠客行 : HÀNH 行 là một thể loại văn học xưa, có vần điệu là một thể thơ trường thiên trong Nhạc phủ, có thể phổ nhạc và hát được.
  - Triệu Khách 趙客 : Chỉ các hiệp khách đất Yên Triệu ngày xưa.
  - Mạn Hồ Anh 縵胡纓 : MẠN là không có hoa văn. HỒ là xứ Hố. ANH là Dây cột mão đội trên đầu cho chắc. Nên MẠN HỒ ANH là chỉ chung loại mão (nón) dùng để chụp cái búi tóc trên đầu của các hiệp sĩ, có hai sợi dây thòng xuống hai bên để buộc vào dưới cằm cho chắc.           
                                Inline image
                                                Mạn Hồ Anh của Hiệp Khách
        
   - Ngô Câu 吳鉤 : Tên một loại bảo đao xưa.
   - Sương Tuyết Minh 霜雪明 : Chỉ vũ khí sắc bén sáng loáng và lạnh lùng như sương tuyết.
   - Táp Đạp 颯沓 : Hình dung từ chỉ ngựa phi dồn dập.
   - Hai câu "Thập bộ sát nhất nhân, Thiên lý bất lưu hành 十步殺一人,千里不留行 : Có xuất xứ từ chương Thuyết Kiếm trong sách Trang Tử, chỉ sự sắc bén của thanh kiếm và sự dũng mãnh của người hiệp khách : Trong vòng mười bước sẽ giết chếy một người và ngoài ngàn dặm không chừa ai cả.
   - Tín Lăng 信陵 :là Tín Lăng Quân, tức Ngụy Vô Kỵ, hợp cùng với Mạnh Thường Quân, Xuân Thân Quân và Bình Nguyên Quân thành TỨ CÔNG TỬ thời Chiến Quốc, chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà luôn có ba ngàn thực khách, trong số đó có rất nhiều hiệp khách giang hồ.
   - Chu Hợi, Hầu Doanh 朱亥、侯嬴 : đều là những hiệp khách thời Chiến quốc, là môn khách của Tín Lăng Quân.
   - Hai câu "Tam bôi thổ nhiên nặc, Ngũ nhạc đão vi khinh 三杯吐然諾,五嶽倒爲輕" Có nghĩa : Chỉ cần có ba ly rượu vào bụng là sẽ có lời hứa hẹn, và đã hứa hẹn thì sẽ xem lời hưa còn nặng hơn là núi Ngũ Nhạc nữa.(Nói thêm, Ngũ Nhạc gồm có  Đông Nhạc Thái Sơn, Tây Nhạc Hoa Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn 东岳山東的泰山、西岳陝西的华山、中岳河南的嵩山、北岳山西的恒山、南岳湖南的衡山).
   - Tố Nghê 素霓 : TỐ là Màu Trắng, NGHÊ là Mây màu buổi sáng hoặc buổi chiều; nên TỐ NGHÊ còn gọi là BẠCH HỒNG 白虹 là Cầu vòng màu trắng quanh mặt trời, chỉ những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt khi có những sự kiện đặc biệt trong đời sống; trong bài thơ chỉ những sự việc khác người, kinh thiên động địa mà người hiệp sĩ hứa sẽ làm.
   - Hai Câu "Cứu Triệu huy kim Chùy, Hàm Đan tiên chấn kinh 救趙揮金槌,邯鄲先震驚" là nhắc lại tích Tín Lăng Quân cứu Triệu : Quân Tần công phá Hàm Đan là kinh đô của nước Triệu. Bình Nguyên Quân của Triệu cầu cứu với Tín Lăng Quân của Ngụy. Tín Lăng Quân theo kế của Hầu Doanh, trộm được binh phù của Ngụy Vương, Chu Hợi lại dùng chùy giết tướng Ngụy là Tấn Bỉ, rồi tự cầm quân đi cứu Triệu và đã giải vây được cho thành Hàm Đan.
                                
                           Inline image
                                       Chùy giết Tấn Bỉ              Cướp Phù Cứu Triệu

   - Huyên Hách 烜赫 : HUYÊN là Rực rỡ, HÁCH là Hiển Hách, chỉ sự việc hoặc chiến công rực rỡ hiển hách.
   - Đại Lương Thành 大梁城 :Thành Đại Lương là kinh đô của nước Ngụy, thuộc huyên Khai Phong tỉnh Hà Nam hiện nay.
   - Thái Huyền Kinh 太玄經 : là quyển kinh sách triết học của nhà tư tưởng Dương Hùng đời Tây Hán, ông từng giữ chức Hiệu San trong Tàng Thư Thiên Lộc Các của nhà vua.

* Nghĩa Bài Thơ :
                                         HIỆP KHÁCH HÀNH

          Hiệp khách nước Triệu chỉ đội mão Hồ anh giản dị, nhưng bảo đao bảo kiếm đeo bên mình lại sáng lắp lánh như sương tuyết. Trên lưng bạch mã với yên cương bằng bạc băng lướt dặm trường chớp giật như gió cuốn sao sa.Trong vòng mười bước đã giết chết một mạng người, dù cho ngoài quan ải ngàn dặm cũng chẳng để thoát bao giờ. Khi việc nghĩa đã làm xong thì dứt áo ra đi, không màng tất cả mà ẩn tích mai danh. Khi nhàn rỗi thì tạt qua nhà Tín Lăng Quân uống vài chung rượu, cởi kiếm ra gát ngang trước gối. Cùng bốc thịt ăn với Chu Hợi và cùng nâng chén rượu nốc cạn với Hầu Doanh. Chỉ cần có ba chung rượu vào bụng là sẽ có những lời hứa hẹn nặng hơn cả dãy núi Ngũ Nhạc. Sau khi rượu đã ngà say, mặt đã đỏ tai đã nóng mắt đã long lên sòng sọc, thì cái hào khí bốc cao có thể nuốt cả sao Đẩu sao Ngưu, như Hầu Doanh và Chu Hợi đã hưu chùy giết chết đại tướng của Ngụy cướp binh phù đi cứu Triệu, thanh danh hiễn hách làm chấn động cả thành Hàm Đan. Tên tuổi của hai tráng sĩ ấy ngàn thu sau vẫn còn vang vội ở thành Đại Lương. Là một hiệp sĩ dù cho có chết thì cái khí cốt của hiệp khách vẫn còn lưu lại tiếng thơm đến ngàn sau và không hỗ danh của một anh hùng hào kiệt. Đã mang cái hào khí của hiệp khách thì không ai có thể vùi đầu suốt đời trên gác sách, cho đến đầu bạc như Dương Hùng đời Hán vẫn còn miệt mài mà viết quyển Thái Huyền Kinh.  

         Lý Bạch là một Thi Tiên, là một người học rộng biết nhiều, như "Lý Bạch túy Hách Man Thư" làm khiếp đãm các Phiên Vương. Nhưng khi mười lăm tuổi ông cũng đã học kiếm thuật, nên cũng tôn trọng tính cách của những hiệp khách giang hồ, với lòng hiệp nghĩa cứu khổn phò nguy mà không cần phải nhai văn nhá chữ như những con mọt sách chỉ toàn nói những lời saó ngữ đẹp đẽ mà không thực tế với cuộc sống trước mắt. Nhà văn Kim Dung cũng nhằm vào quan điểm thực tế nầy mà viết nên tác phẩm võ hiệp cùng tên HIỆP KHÁCH HÀNH. Không cần phải được giáo dục theo lối hủ Nho bằng tứ thư ngũ kinh như Thạch Trung Ngọc mà gian dối xảo biện, làm những chuyện trái luân thường đạo lý, thà dốt như Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên mà chân thật trượng nghĩa, dám nghĩ dám làm dám đương đầu với những thế lực đen tối để cứu khổn phò nguy, chỉ bằng vào hình tuợng của những con nòng nọc cũng luyên nên được cái thế thần công mà không cần biết đến nghĩa lý của các chữ khoa đẩu đã nói gì. Đoạn kết của truyện Hiệp Khách Hành cũng là câu kết của bài thơ của Lý Bạch : Thà ăn thô uống bạo như những hiệp khách hiệp nghĩa chớ không thèm như nhà tư tưởng đời Tây Hán là Dương Hùng đến già đầu vẫn còn miệt mài chưa viết xong được quyển Thái Huyền Kinh !

* Diễn Nôm :
                                           
                                  HIỆP KHÁCH HÀNH

                     Inline image

                         Giải mũ Hồ phất phơ Triệu khách,
                  Gươm sáng choang đao sạch tợ sương.
                           Ngân yên bạch mã lên đường,
                  Thế như điện chớp nhanh dường sao sa !

                          Trong mười bước gian tà đều chết,
                       Ngàn dặm đường giết hết chẳng tha.
                           Xong xuôi dứt áo đi xa,
                           Chẳng màng danh lợi lọ là họ tên !

                           Khi rảnh rổi cùng lên Tín phủ,
                     Gát ngang gươm chén rượu khề khà.
                           Ba chung hơi rượu ngà ngà,
                           Nhẹ xem Ngũ Nhạc như là cỏ cây !

                           Cùng Chu Hợi bạn bầy nhai thịt,
                           Với Hầu Doanh chuốt chén nâng ly.
                           Cướp phù cứu Triệu hưu chùy,
                           Hàm Đan giải thoát người thì reo vui !

                           Ngàn thu vẫn bùi ngùi nhị khách,
                           Đại Lương thành hiển hách uy danh.
                           Nắm xương hiệp nghĩa rành rành,
                           Anh hùng chẳng thẹn, lưu danh muôn đời !

                           Chẳng như ai vùi đầu gác vắng,
                           Thái Huyền Kinh bạc trắng mái đầu.
                           Tàn đời có được gì đâu !!!

       Inline image

                                            ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

LẦN ĐẦU GẶP NS NGUYỄN ĐỨC QUANG & CA KHÚC “TÌM VỀ CÔNG TRƯỜNG”. LÊ THIÊN MINH KHOA





NS Nguyễn Đức Quang, USA 2005. 2: NS Nguyễn Đức Quang qua ký họa của HS Tạ Tỵ, Saigón1971




Tưởng niệm NS Nguyễn Đức Quang, người sáng lập Phong trào du ca VN nhân 9 năm ngày ông mất (27.3.2011-27.3.2020):

LẦN ĐẦU GẶP NS NGUYỄN ĐỨC QUANG & CA KHÚC “TÌM VỀ CÔNG TRƯỜNG”. Lê Thiên Minh Khoa


Tôi may mắn được gặp NS Nguyễn Đức Quang rất sớm, khi đang tuổi thiếu niên, khoảng hè năm 1967. Hồi đó, khi Mỹ xây dựng “Hàng rào điện tử Mc Namara” ngang qua vùng “Phi quân sự” (DMZ), sát vĩ tuyến 17, phía Nam sông Bến Hải, rải thuốc khai quang để diệt cây cỏ và cày xới cả vùng phía bắc và tây Quảng Trị, đồng bào quận Trung Lương, quận được tách ra từ quận Gio Linh gồm ba xã Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang trở thành quận cực bắc tỉnh Quảng Trị cũ, bị dồn lên Khu định cư Tân Lâm, quận Cam Lộ, Quảng Trị. Lúc ấy, NS Nguyễn Đức Quang tham gia “Chương trình Công Tác Hè” dành cho giáo chức trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh với sự tham gia của nhiều hội đoàn thanh niên thời đó như Hướng Đạo, Du ca, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử, Thiếu nhi Thánh thể... tại trại “Công trường Thanh niên Giới tuyến” ở quận Cam Lộ, Quảng Trị. Các anh xây dựng nhà, phát thực phẩm, chăm sóc y tế, làm các công tác “dân vận” như an ủi di dân, tập hát, sinh hoạt thiếu nhi… cho đồng bào di cư đang thiếu thốn đủ thứ và đang hoảng hốt vì chiến tranh tàn khốc, đang buồn khổ vì nhớ quê, vì ruộng đồng tan nát…


Còn tôi khi đó ở thị trấn Đông Hà, chỉ cách quận lỵ Cam Lộ hơn 10 km, nên cũng được đi theo thầy giáo trẻ của mình (thầy Ẩn, người Huế) làm công tác cứu trợ (nhưng chủ yếu là đi thực tế để thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào). Ấn tượng nhất đối với học trò chúng tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, lúc đó là trưởng Phong trào Du ca Việt Nam cũng là một huynh trưởng hướng đạo mà tác phẩm đầu tay là “Gươm thiêng hào kiệt” (1961), viết cho phong trào Hướng đạo. Tại đây, trại “Công trường Thanh niên Giới tuyến”, anh sáng tác tại chỗ ca khúc “Tìm về công trường” và đích thân tập tại chỗ bài hát này cho học sinh chúng tôi. Bài hát gồm có một câu tốp đế (nửa tốp ca hát liên tục): “Đường về công trường là đường về quê hương” và ba phiên khúc (dành cho nửa tốp ca còn lại) nến khi hát lên nghe rất nhộn nhịp, rộn rã. Ca từ có mô tả đến những khó nhọc của người dân vùng đất sỏi đá, khô cằn, nhưng tràn đầy lạc quan yêu thương. Bây giờ chúng tôi còn nhớ, nhưng rất tiếc là ít người biết bài hát này:



 Nguyễn Đức Quang (cầm cell phone), Phan Anh Dũng, Tâm Hảo, Bà Nguyễn Minh Nữu, Bạch Mai, Vĩnh Liêm, Hoàng Song Liêm, Nguyễn Minh Nữu (phải sang), Virginia, 5.2005





 NS Nguyễn Đức Quang (giữa), nhà thơ Hà Huyền Chi, NS Phan Ni Tấn (phải), Toronto 2005



Tốp đế: Đường về công trường là đường về quê hương...

1. Này những miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
Là những miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt.
Là quê hương tôi
là quê hương tôi

2. Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn
Mồ hôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
Tình như cây non đã vươn lên trong niềm yêu mến
Là quê hương tôi, là quê hương tôi
3. Tình thân anh em đã đắp nên biết bao công trường
Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
Là quê hương tôi
Là quê hương tôi.

Khi còn sống, NS Nguyễn Trọng Tạo rất thích ca khúc “Tìm về công trường”, khoảng cuối năm 2018 anh gọi điện nhờ tôi tìm Bản nốt nhạc và lời bài hát nầy cho anh. Tôi nhờ NS Bùi Công Thuấn, bạn NS Nguyễn Đức Quang tìm giúp, chưa kịp gởi cho anh thì anh mất rồi, 07.01.2019

LÊ THIÊN MINH KHOA


Lược trích từ cuốn “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - Nghiên cứu & Nhận định, Lê Thiên Minh Khoa, NXB Hội Nhà Văn, 2019, trang 218-220

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Giai Thoại Văn Chương : NUỐT THƠ ĐỖ PHỦ Thi Trường : TRƯƠNG TỊCH - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
07:20, Th 3, 24 thg 3 (2 ngày trước)


Giai Thoại Văn Chương :

                                 NUỐT THƠ ĐỖ PHỦ                               

                                                 Inline image
                                                    Thi Trường :  TRƯƠNG TỊCH

       TRƯƠNG TỊCH 張藉 (767-830), Thi nhân đời Đường, tự là Văn Xương, lại có biệt hiệu là THI TRƯỜNG 詩腸 (đầy ruột toàn là thơ). Ông người đất Ngô Quận (Tô Châu, tỉnh Giang Tô, sau thiên cư về Ô Giang của Hòa Châu (thuộc Hòa Quận tỉnh An Huy hiện nay).

      Theo "Vân Tiên Tản Lục" ghi chép, sở dĩ ông có biệt hiệu Thi Trường là vì: Ông rất mê thơ Đỗ Phủ (ông nhỏ hơn Đỗ Phủ 55 tuổi). ông đem thi tập của Đỗ Phủ đốt thành tro rồi hòa với mật ong, mỗi buổi sáng đều uống ba muổng. Bạn bè biết được cười nhạo, thì ông đáp rằng : Sau khi uống tro của thơ Đỗ Phủ vào ruột thì tôi sẽ viết ra được những câu thơ hay như là thơ của Đỗ Phủ vậy. Bạn bè nghe xong đều cười cho sự ngớ ngẩn của ông. Nhưng nói cũng lạ, thơ ông làm ra có nhiều bài rất nổi tiếng và còn truyền tụng mãi cho đến hiện nay, như : Tiết Phụ Ngâm 節婦吟, Chinh Phụ Oán 征婦怨, Lương Châu Từ 凉州词, Thành Đô Khúc 成都曲...     
      Năm Trinh Nguyên thứ 14 (798), đời Đường Đức Tông, Trương Tịch bắc du, được Mạnh Giao giới thiệu quen với Hàn Dũ ở Biện Châu (Phủ Khai Phong Hà nam). Năm sau ông đậu Tiến Sĩ, từng giữ chức Thái Thường Tự Thái Chúc, vì bị bệnh viễn thị nên viết câu thơ "Thảo sắc diêu khan cận khước vô 草色遥看近却無". Có nghĩa : Xa nhìn sắc cỏ gần không thấy. Mạnh Giao gọi ông ta là "Cùng Hạt Trương Thái Chúc 窮瞎張太祝". Có nghĩa : Lão Trương Thái Chúc nghèo mù.
      Năm Nguyên Hòa thứ 11 (816), chuyển qua Trợ Giáo cho Quốc Tử Giám, rồi nhậm chức Bí Thư Lang. Năm Trường Khánh nguyên niên (821), ông lại được Hàn Dũ tiến cử vào làm Bác Sĩ của Quốc Tử Giam, nhiều lần giữ chức Thủy Bộ Viên Ngoại Lang, cuối cùng là chức Quốc Tử Tư Nghiệp. Nên Trương Tịch còn được gọi là Trương Thủy Bộ. Phiên Trấn Lý Sư Đạo ngưỡng mộ học thức của Trương Tịch, nên muốn mời ông về Phủ Tư Đồ, ông từ chối khéo bằng bài Tiết Phụ Ngâm 節婦吟 nổi tiếng cổ kim như sau :

  節婦吟                 TIẾT PHỤ NGÂM

    Inline image

君知妾有夫,          Quân tri thiếp hữu phu,
贈妾雙明珠。          Tặng thiếp song minh châu.
感君纏綿意,          Cảm quân triền miên ý,
繫在紅羅襦。          Hệ tại hồng la nhu

妾家高樓連苑起,    Thiếp gia cao lầu liên uyển khởi,
良人執戟明光裡。    Lương nhân chấp kích minh quang lý.
知君用心如日月,    Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
事夫誓擬同生死。    Sự phu thệ nghĩ đồng sinh tử.
還君明珠雙淚垂,    Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
恨不相逢未嫁時!    Hận bất tương phùng vị giá thì.

       Bài thơ có nghĩa : Chàng biết là thiếp đã có chồng rồi, nhưng còn tặng cho thiếp một đôi ngọc minh châu. Cảm vì tình ý quyến luyến của chàng, nên thiếp đã đeo nó vào trong giải yếm màu đỏ. Nhà thiếp ở cạnh lầu cao sát với vườn thượng uyển, nên chồng thiếp là người cầm kích gác trong đền Minh Quang của  vua. Vẫn biết là dụng ý của chàng trong sáng như nhựt nguyệt, nhưng đạo thờ chồng thiếp cũng nguyền cùng chung sống chết (với chồng). Nên... Thiếp đành gạt nước mắt mà trả lại đôi minh châu cho chàng, chỉ hận là ta không gặp gỡ nhau khi thiếp còn chưa xuất giá !

       Bài thơ trên đã được cụ Ngô Tất Tố diễn Nôm rất hay là :

                  Chàng hay em có chồng rồi,
                  Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành.
                  Vấn vương những mối cảm tình,
                  Em đeo trong áo lót mình màu sen.
                  Nhà em vườn ngự kề bên,
                  Chồng em cầm kích trong đền Minh Quang.
                  Như gương, vâng biết lòng chàng,
                  Thờ chồng, quyết chẳng phụ phàng thề xưa.
                  Trả ngọc chàng, lệ như mưa,
                  Hận không gặp gỡ khi chưa có chồng.

             Inline image

       Đọc sự tích nầy của Trương Tịch làm cho ta nhớ lại sự tích của cụ Đào Duy Từ một nhà chính trị quân sự lỗi lạc, một danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc khai quốc công thần số một của chín đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua của triều đình nhà Nguyễn. Đào Duy Từ vốn người Bắc hà nhưng không được trọng dụng, mới lưu lạc vào Nam giúp Chúa Nguyễn.
      Chúa Trịnh tiếc tài của Đào Duy Từ, mới tính kế làm sao để lôi kéo ông bỏ Chúa Nguyễn về với triều đình vua Lê và Chúa Trịnh. Chúa bèn lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào Nam biếu Đào Duy Từ, kèm theo một bức thư riêng với bốn câu thơ :

                       Trèo lên cây bưởi hái hoa,
                   Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
                       Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
                   Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!”.

               Inline image
                                              ảnh cụ Đào Duy Từ                   

     Lời thơ ngụ ý anh là (Chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ là lời nhắn nghĩa tình, nhắc Đào Duy Từ rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng. Nhưng Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp Chúa Trịnh như sau:

                       Ba đồng một mớ trầu cay,
               Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
                      Bây giờ em đã có chồng,
                 Như chim vào lồng như cá cắn câu.
                     Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
                  Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

               Inline image                                           

      Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của Chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. Lần này, Đào Duy Từ mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh :

                        Có lòng xin tạ ơn lòng,
                Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!

      Trương Tịch còn nổi tiếng với bài thơ "Cận Thí Thượng Trương Thủy Bộ 近試上張水部". Có nghĩa : Gần thi gởi lên cho Trương Thủy Bộ (để xem xét đánh giá dùm coi có đậu được hay không ?) của sĩ tử Chu Khánh Dư 朱慶餘. Bài thơ như sau :

              洞房昨夜停紅燭,    Động phòng tạc dạ đình hồng chúc,
              待曉堂前拜舅姑。    Đãi hiểu đường tiền bái cựu cô.
              妝罷低聲問夫婿,    Trang bãi đê thanh vấn phu tế,
              畫眉深淺入時無。    Họa my thâm thiển nhập thời vô ?

     Có nghĩa :
                      Động phòng hoa chúc đêm qua,
                   Sáng ngày ra mắt mẹ cha khách phòng.
                      Diện xong nàng khẻ hỏi chồng,
                   Mày ngài đậm nhạt hợp không hỡi chàng ?
                                                                     ĐCĐ diễn Nôm

             Inline image
               
       Chu Khánh Dư tự ví mình như là cô dâu mới về nhà chồng, nên sáng đêm tân hôn, khi trang điểm xong, trước khi lên phòng khách ra mắt cha mẹ chồng, thì kề tai hỏi nhỏ chồng rằng : " Đôi mày của thiếp kẻ như thế nầy đậm nhạt có hợp thời không ?". Ý nói là có hợp với nhãn quang của cha mẹ chồng không ?. Chu xem Trương Tịch người Trợ Giáo cho Quốc Tử Giám như là chàng rể mới nên mới hỏi xem văn chương của mình có hợp với ý của cha mẹ chồng là quan chủ khảo hay không ? Qủa là khéo ví von một cách gợi tình lãng mạn mà lại rất nên thơ !. Trương Tịch cũng đã đáp lại bằng một bài thơ tứ tuyệt "Thù Chu Khánh Dư 酬朱慶餘" (Đáp Chu Khánh Dư). Bài thơ như sau :

                    越女新妝出镜心,    Việt nữ tân trang xuất kính tâm,
                    自知明艷更沉吟。    Tự tri minh diễm cánh trầm ngâm.
                    齊紈未足時人貴,    Tề hoàn vị túc thời nhân qúy,
                    一曲菱歌敵萬金。    Nhất khúc lăng ca địch vạn câm (kim).
Có nghĩa :
     Nàng con gái nước Việt (ý chỉ gái đẹp) vừa mới trang điểm xong như đi ra từ trong lòng gương (ý chỉ đẹp rực rỡ). Tự biết mình rất diễm kiều trong sáng, nên lại càng trầm ngâm hơn (không biết mình có tự tin qúa hay không!). Nhưng hãy yên tâm đi nàng ơi, dù cho lụa nõn qúy giá của nước Tề cũng không qúy bằng con người thật trước mắt, chỉ cần một khúc hát hái ấu, hái sen thanh thoát là đã đáng giá ngàn vàng rồi !

     Ý của Trương Tịch muốn khuyên sĩ tử Chu Khánh Dư là "Mình đã đẹp sẵn như Tây Thi gái nước Việt rồi, mà còn vừa mới trang điểm xong nữa, lo gì không đẹp mà phải "trầm ngâm"?. Ý nói  Chu đã có tài rồi mà còn có chuẩn bị nữa, thì lo gì mà thi không đậu, cũng như nàng gái Việt duyên dáng đã qúy hơn gấm vóc lụa là rồi thì chỉ cần cất cao giọng lên hát một khúc hái sen hái ấu nữa là sẽ đáng giá ngàn vàng ngay ! Ý Trương Tịch muốn khuyên Chu Khánh Dư là cứ tự tin mà đi thi đi, tên sẽ được ghi bảng vàng mà thôi ! Và quả thật như lời khuyên của Trương, Chu đã thi đậu Tiến Sĩ năm Bảo Lịch thứ 2 (826) và làm quan đến chức Bí Thư Tỉnh Hiệu Thư Lang.

               Inline image
Diễn Nôm :
                    Gái Việt điểm trang đẹp tợ gương,
                    Biết mình xinh xắn vẫn khiêm nhường.
                    Lụa là Tề quốc thua người qúy,
                    Một khúc ngàn vàng mãi vấn vương !
                                                                     ĐCĐ diễn Nôm
   
      Thế đấy, nhờ sùng bái và mỗi buổi sáng nuốt thơ Đỗ Phủ vào ruột mà TRƯƠNG TỊCH cũng làm thơ hay và nổi tiếng như Đỗ Phủ trong buổi Thịnh Đường. Đỗ Phủ là Thi Thánh, còn Trương Tịch là Thi Trường, là thơ từ trong ruột tuôn ra vì đầy một ruột toàn là... thơ của Đỗ Phủ. Thế mới hay, có chí thì nên, nhờ ái mộ Đỗ Phủ mà Trương Tịch cố gắng dùi mài nắn nót làm thơ, kết cuộc ông cũng trở thành một thi sĩ lớn trên thi đàn của đời Đường nhờ vào sự phấn đấu của chính mình. Nuốt thơ Đỗ Phủ chỉ là cái cớ, cái động lực thôi thúc ông cố gắng tiến lên mà thôi.

      Dù thế nào đi nữa thì Trương Tịch vẫn để lại một tấm gương tốt cho hậu sinh noi theo và nhất là để lại những bài thơ bất hủ như Tiết Phụ Ngâm, Chinh Phụ Oán, Thành Đô Khúc ... những giai thoại văn chương lý thú giữa ông và những bạn thơ chung quanh thời đại hoàng kim của thi ca : ĐƯỜNG THI !


                                      ĐỖ CHIÊU ĐỨC




 







Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020

ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG - THƠ PHAN NI TẤN

 





 ĐƯỜNG HÀNH HƯƠNG


Xin chào giọt nước chiều mưa

Rơi như kể lể thân xưa với đời

Co ro dưới gốc hương trời

Tôi thương vật vã những lời nắng hanh

Chiều rơi từng vạt mong manh

Chân đi vừa chạm khúc quanh chiều tàn

Quanh co đường lối trên ngàn

Đêm sâu như nhấn cung đàn trầm xanh

Xin chào đốm nắng trên cành

Lao xao rụng xuống đất thành sớm mai

Ấm nồng hơi thở đất đai

Chiều qua đỉnh núi sáng ngoài dặm không

Chào cây xuân nở chùm bông

Hương theo gió thổi vướng trong lòng người

Vói tay tôi hái nụ cười

Nghe tâm tư rụng những lời nước non

Ngó lên trái núi chon von

Thương thân con quốc gọi hồn miên man

Tiếng chim lạnh nắm tro tàn

Cành tre nay sót lại làn hương xưa

Xin chào giọt nắng trời mưa

Giọt mưa trời nắng lưa thưa ướt mềm

Dừng chân trên ngọn gió êm

Mấy phen luồn lách qua đêm ra ngày

Chào ma đưa lối nào đây

Quanh đi quẩn lại cũng ngay từ đầu

Tưởng đi xa nỗi cơ cầu

Ngờ đâu như bụi cái sầu cuốn theo

Xin chào mạch nước trong veo

Tắm tôi sạch vết trần đeo đẳng hồn

Níu cành lê ngắt chùm bông

Thả hương trắng cả một dòng nên thơ

Đói lòng ăn miếng trăng tơ

Xôn xao cành gió đọng tờ mây trôi

Tôi đi thăm hỏi đất trời

Qua cơn trường mộng qua thời đại ngôn

Tôi đi lên phía tâm hồn

Đám mưa phù thế đổ dồn phía sau

Tôi về mở cánh đêm thâu

Bình minh trong mấy giọt châu sáng ngời.


PHAN NI TẤN

 

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

KHÔNG LÀM THƠ, LÀM GÌ? - THƠ NGUYÊN LẠC


Steven Nguyen
07:26, 19 thg 3, 2020
tới tôi

Gới đến NM thêm 1 bài thơ mới, tùy nghi sử dụng/ Tình thân
NL 3/19/2020

...............................................


Kết quả hình ảnh cho ẢNH LY CÀ PHÊ




KHÔNG LÀM THƠ, LÀM GÌ?
.
Buồn, buột miệng bạn hỏi:
- "Làm thơ để làm chi?"
Không làm thơ, làm gì?
Bạn trả lời tôi đi
.
Thâm Tâm buồn ly khách
Chí lớn bàn tay không
Chúng ta cùng "một lứa" [1]
"Lận đận" đời lưu vong
.
Tha phương buồn không bạn?
Áo cơm nợ tháng năm
Sờ đầu dài tóc trắng
Không làm thơ, làm gì?
.
Làm thơ nhớ quê hương
Quê hương tôi Việt Nam
Lập quốc đã ngàn năm
"... định phận tại Thiên Thư!" [2]
.
Giọt cà phê ưu tư
Khói vương mắt lệ mờ
Hồn thống trầm lính cũ
Không làm thơ, làm gì?
.
Tôi cầm ly cà- phê
Quá khứ đọng đáy ly
Không làm thơ, làm gì?
Bạn trả lời tôi đi?
.
Không làm thơ, làm gì?
Chẳng lẽ bóp nát ly?
.
NGUYÊN LẠC
……….........
[1] Đồng thị thiên nhai lưu lạc nhân/Cùng một lứa bên trời lận đấm- Bạch Cư Dị/ Phan Huy Vịnh
[2] Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. (Nam quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt)

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

BỜ CÕI THANH TÂN.- THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ


tong minh
Tệp đính kèm
18:33 (3 giờ trước)
tới trạm, tôi, Dao







BỜ CÕI THANH T ÂN.

Chuyện phế hưng mấy thuở
Trăng tròn khuyết trên ngàn.
Giữa sắc màu dâu bể,
Theo điệp khúc thời gian.

Sầu nghiêng vầng nhật nguyệt
Bạc vai áo phong trần.
Tuồng đời thăm thẳm mắt,
Tình đời quang gánh xuân.

Lối xưa còn phong dấu
Sương lạnh bến rêu cồn.
Chim về non xa vắng,
Mây về nghiêng hoàng hôn.

Người qua bờ nhân ảnh
Đời mấy nẻo phong vân.
Giấc tàn cơn mộng ảo,
Giữa cát bụi mê lầm. !

Sầu tuôn,  buồn lệ đá
Biển nát mộng chiều hoang.
Có nghe lời sóng vổ,
Có nghe những điệu đàn ?

Mắt say màu chung đỉnh
Bả danh luỵ tháp ngà.
Cành sương mai mộng vỡ,
Một thoáng đời phôi pha.

Chim thức bờ hoa cỏ
Đời thức tiếng chuông ngân.
Muôn ngả về còn có...
Một bờ cõi thanh tân !

                 South Dakota, tháng 3.2020.
                        MẶC PHƯƠNG TỬ.



Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2020

CHÙM THƠ THƯƠNG TIẾC CA SĨ THÁI THANH - LÊ ĐĂNG MÀNH , NGUYÊN LẠC , ĐỖ CHIÊU ĐỨC



như thị đăngmành
18:49, Th 4, 18 thg 3 (3 ngày trước)



Kết quả hình ảnh cho ẢNH THÀNH KINH PHAN UU



NGHỆ SỸ SÀI GÒN CẢM NHẬN

Nghệ sĩ qua đời  ngày 17/3 tại Mỹ, thọ 86 tuổi. Bà là một trong những gương mặt ảnh hưởng sâu sắc nhất trong nền tân nhạc Việt Nam bởi tài năng, tình yêu bền bỉ, trọn vẹn dành cho âm nhạc. Dù hiểu bà qua đời vì tuổi cao, sức yếu, nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ vẫn bàng hoàng. 

Thập niên 1960, Phương Dung làm chung với Thái Thanh ở phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cả hai là giọng ca độc quyền của phòng trà. Trong mắt bà, đàn chị gần gũi, dễ thương, vui vẻ, sẵn sàng truyền kiến thức, kinh nghiệm cho người đi sau. Phương Dung nói "Tôi ngưỡng mộ giọng hát cao vút, luyến láy, nhẹ nhàng của chị. Đến nay, tôi chưa thấy giọng ca nào hát bài Tình hoài hương của Phạm Duy hay như Thái Thanh. Chất giọng cao vút, trong veo của chị chạm vào sâu thẳm tâm hồn người nghe",

Khánh Ly viết trên trang cá nhân: "Thế là Ngọn Hải Đăng đã tắt. Tôi chẳng bao giờ quên những ngày tháng được cùng bà cười hát vui đùa tại Sài Gòn êm ả. Bà ngồi giữa chúng tôi gồm Hồng Vân, Ngọc Minh, Lan Ngọc lặng lẽ nghe Hồng Vân kể chuyện tếu. Thỉnh thoảng bà mắng yêu: 'Chúng mày quá lắm nhé'. Dẫu có kiếp sau cũng chẳng bao giờ tìm lại được những tháng ngày đẹp đẽ ấy nhưng tôi sẽ giữ mãi trong tim hình ảnh Thái Thanh - Ngọn Hải Đăng của riêng tôi!''.


THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG GIA ĐÌNH NGHỆ SỸ

NGUYỆN CẦU HƯƠNG LINH DANH CA 

THÁI THANH VỀ CÕI VÔ SANH AN LÀNH



CẢ TRỜI DIỆU ÂM

NGHÌN TRÙNG XA CÁCH thật rồi !
TIẾNG XƯA chợt tắt cho đời bâng khuâng
Để TÌNH CHẾT NHƯ MÙA ĐÔNG
BÊN CẦU BIÊN GIỚI,NỬA HỒN THƯƠNG ĐAU



Tìm KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU
ÁO ANH SỨT CHỈ ĐƯỜNG TÀ từ ly
NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI
MẮT BUỒN vĩnh biệt bi ai lệ nhòe



Tiếc RỒI MAI TÔI ĐƯA EM
SƠN KHÊ MẤY DẶM thắp đèn nhớ thương
TÌNH NGHỆ SĨ,TÌNH HOÀI HƯƠNG
NGÀY XƯA HOÀNG THỊ tan trường TÓC MÂY



Còn ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Trì kinh EM LỄ CHÙA NÀY kính dâng
GIÃ TỪ VŨ KHÍ Trọng xuân
HƯƠNG CA VÔ TẬN còn ngân giữa trời



CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ đời
CON THUYỀN KHÔNG BẾN ngừng trôi qua bờ
Từ nay DỪNG BƯỚC GIANG HỒ
NGÀY TRỞ VỀ đến cõi vô sanh đề



THUYỀN VIỄN XỨ cặp bến quê
Thong dong nhàn tản qua bè thiên thai
Vô thường NGHE NHỮNG TÀN PHAI
TRẢ LẠI EM YÊU- liên đài thượng sanh…



BÀ MẸ GIO LINH thiện lành
Nhìn MÙA THU CHẾT để cành xuân tươi
Danh ca thường trụ thảnh thơi
Thái Thanh đi vọng cả trời diệu âm

NHƯ THỊ Vọng Bái

*Chữ in là trong những ca khúc Thái Thanh hát



 

Steven Nguyen
Tệp đính kèm
06:56, Th 6, 20 thg 3 (1 ngày trước)
tới tôi

Gởi NM bài thơ Vĩnh Biệt ca sĩ Thái Thanh/ Chúc sức khỏe/Tình thân
NL 3/20/202
.....
PS: Có kèm ảnh TT, tùy nghi
.............................................


VĨNH BIỆT THÁI THANH
.
"Người Về" hay người đã ra đi?
Đi. Về. người hỡi cũng "Biệt Ly" *
"Dòng Sông Xanh" biếc "Thuyền Viễn Xứ"
"Con Thuyền Không Bến" "... Ngàn Dặm Ra Đi"
.
"Ngậm Ngùi" "Hoài Cảm" thương tiếc người đi
"Nghìn Trùng Xa Cách" biết nói năng chi?
"Mùa Thu Chết" rồi, "Ngàn Thu Áo Tím"
"Bài Hương Ca Vô Tận" hạt lệ phân kỳ
.
"Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi"
"Còn gì đâu nữa ..." người của một thời!
Người đi "Còn Chút Gì Để Nhớ"
Một chút này thôi mãi muôn đời
.
"Đường Xưa Lối Cũ" tìm đâu thấy
Lên non tôi tìm "Động Hoa Vàng"
"Đôi Mắt Người Sơn Tây"  thăm thẳm
Tiễn người buồn như người ấy "Sang Ngang"
.
"Mơ Giấc Mộng Dài" "Bên Cầu Biên Giới"
"Mộng Du" "Dạ Khúc" riêng nhớ tưởng  người
Muôn trùng miên viễn an bình nhé!
Vĩnh biệt! Lời buồn tiễn ... Thơ tôi!
………..
* Dùng tên một số bài nhạc Thái Thanh đã hát
.
NGUYÊN LẠC

Chieu Duc
13:11, Th 6, 20 thg 3

Danh ca Thái Thanh ở tuổi trung niên. Ảnh: Nhacvangbolero. 



    THƯƠNG TIẾC DANH CA

THÀNH tâm tưởng niệm mãi khôn nguôi,
KÍNH cẩn phân ưu luống ngậm ngùi.
TIẾC mãi tiếng ca lừng mặt đất,
THƯƠNG hoài giọng hát vút lưng trời.
DANH vang Nam Bắc còn không dứt,
CA vọng nước non mãi chẳng thôi.
THÁI cổ khó tìm thiên phú giọng,
THANH âm đọng mãi ở lòng người !

                   ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

QUA NHÀ XƯA Thơ : NGUYỄN ĐỨC SƠN, Nhạc : TRẦN QUANG LỘC







QUA NHÀ XƯA
THƠ NGUYỄN ĐỨC SƠN
NHẠC TRẦN QUANG LỘC
CA SĨ HOÀNG LAN
VIDEO CLIP TRẦN QUANG LỘC


Tạp Ghi và Phiếm Luận : HƯƠNG TRONG TRUYỆN KIỀU - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com> 15:05 19 tháng 3, 2020
Trả lời-Tới: Chieu Duc <chieuduc15@yahoo.com>







Tạp Ghi và Phiếm Luận : 
                                      
          HƯƠNG TRONG  TRUYỆN

           HƯƠNG 鄉 là Làng Quê, là Quê Hương, HƯƠNG 香 là Mùi Thơm, là Hương Thơm, HƯƠNG 香 là Nhang, là Hương Khói, Hương lửa ... Ta sẽ lần lượt điểm qua về các nghĩa của chữ HƯƠNG nầy trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhé !...

           Trước tiên, HƯƠNG là Quê Hương, là "chùm khế ngọt" của những kẻ lưu vong xa quê như chúng ta hiện nay, còn đối với những người còn ở lại trong nước thì nó là "chùm khế chua lè !" của đám dân nghèo đầu tắt mặt tối vẫn không kiếm đủ miếng ăn. Hương cũng là chữ thuộc dạng Hội Ý của Lục Thư trong "CHỮ NHO...DỄ HỌC" có diễn tiến như sau :
                               
                  


Ta thấy :
            Giáp Cốt Văn là hình tượng của hai người  ngồi với tư thế qùy đối diện với nhau, ở giữa là một cái đôn nhỏ trên có đặt một cái mâm như mâm xôi vun lên; với Hội Ý là : Hai người cùng ngồi ăn hay cùng thảo luận với nhau về việc gì đó; Ý là người cùng ở chung một nơi ngồi lại với nhau, nên HƯƠNG 鄉 là Làng xã, là nơi ta  được sinh ra và lớn lên, là nơi mà trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa viết "Chỗ quê hương là nơi đẹp hơn cả ! "

                                  
 
           HƯƠNG 鄉 là Làng , THÔN 村 là Xóm. Nên Hương Thôn là Làng Xóm, là đơn vị tổ chức hành chánh nhỏ nhất của xã hội ngày xưa. Trong làng thì có ban Hương Chức Hội Tề, Hương Thân Phụ Lão, Hương Sư,   Hương Quản, Hương Tuần ...
           Quê Hương là danh từ chung có ý nghĩa bao quát từ gần tới xa, từ nhỏ tới lớn. NHỎ là làng xã, là nơi chôn nhau cắt rốn, GẦN là nơi ta cất tiếng khóc chào đời, là quận huyện nơi ta cư ngụ, LỚN hơn XA hơn   nữa là tỉnh thành xứ sở nơi ta ở và LỚN nhất XA nhất là đất nước do các đấng tiền nhân và ông cha ta đã đổ bao xương máu để gây dựng nên, là Quê Hương VIỆT NAM của chúng ta đó. Cho nên, dù bất cứ đi đâu đến đâu, con người ta cũng nhớ đến Quê Hương. Trước cảnh lạ dù có đẹp đến đâu, khi chiều xuống chỉ cần một làn khói lam chiều ẻo lả bốc lên từ một bếp lửa nhà ai, hay một làn khói sóng bốc nhẹ trên mặt sông cũng làm cho ta chạnh nhớ đến quê hương, như hai câu cuối trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu :

                          Nhật mộ HƯƠNG QUAN hà xứ thị ?         日暮鄉關何處是?
                          Yên ba giang thượng sử nhân sầu !         煙波江上使人愁!

mà cụ Tản Đà đã diễn Nôm rất hay là :

                                      QUÊ HƯƠNG khuất bóng hoàng hôn,
                                      Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai !

                                 Inline image

        QUAN 關 là Quan ải thành quách nơi ta cư ngụ, nên Hương Quan cũng dùng để chỉ Quê Hương, như khi Thúy Kiều ở lầu xanh nhớ về Quê Hương :

                                       Mối tình đòi đoạn vò tơ,
                             Giấc HƯƠNG QUAN luống lần mơ canh dài. 
                                      Song sa vò võ phương trời,
                               Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng. 

         Quê Hương có nhà cửa của ông bà cha mẹ và của... ta nữa, nên còn được gọi là GIA HƯƠNG 家鄉, như khi tưởng Thúy Kiều đã chết, Thúc sinh buồn tình nên mới nhớ tới vợ nhà (đàn ông lúc nào cũng bạc bẽo là thế ! Bồ nhí chết rồi mới nhớ tới vợ), nên mới :

                                 Chạnh niềm nhớ cảnh GIA HƯƠNG,                     
                               Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.

          Cũng là Quê Hương, nhưng là quê hương bên ngọai, thì được gọi là NGOẠI HƯƠNG 外鄉, như gia đình Vương Viên Ngoại đã "biện dâng một lễ" để " mừng thọ Ngoại gia" vậy. Đến khi Thúy Kiều tiễn Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú xong rồi mới ...

                                   Tần ngần dạo gót lầu trang,
                          Một đoàn mừng thọ NGOẠI HƯƠNG mới về,

                                Inline image

          Không phải quê hương của mình, mà là quê hương của người khác, thì gọi là THA HƯƠNG 他鄉. Kẻ sống ở quê hương của người khác thì gọi là "KẺ THA HƯƠNG". Thúc phụ là chú của Kim Trọng chết ở nơi đất khách, cho nên gia đồng mới ...

                                    Đem tin thúc phụ từ đường,
                                Bơ vơ lữ thấn THA HƯƠNG đề huề.

          Đề Huề 提攜 vốn nghĩa là Mang, Xách. Ở đây dùng để chỉ  "mang về". Nên câu " Bơ vơ lữ thấn THA HƯƠNG đề huề". Có nghĩa : Mang cái quan tài bơ vơ từ tha hương về quê. Kẻ ở tha hương ngóng trông về quê cũ, Quê Cũ chữ Nho gọi là CỐ HƯƠNG 故鄉, như Thúy Kiều khi khuyên Từ Hải quy hàng cũng đã có dự tính riêng cho mình là :
                                      Công tư vẹn cả hai bề,
                                Dần dà rồi sẽ liệu về CỐ HƯƠNG.
                                  Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
                                Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.
 
         Không gọi là CỐ HƯƠNG thì gọi là CỐ QUỐC. Chữ QUỐC 國 được viết bởi bộ VI 囗 là cái Khuôn viên, cái Vòng rào để chỉ Ý và chữ HOẶC 或 bên trong để chỉ ÂM. Nên QUỐC 國 là "Cái vòng rào, cái khuôn viên nơi ta cư ngụ, là Làng, xã, quận, huyện, tỉnh thành... và Rộng hơn nữa là Nước mà ta đang ở. Nên CỐ QUỐC ta thường hiểu là Nước Cũ, nhưng cũng có nghĩa là CỐ HƯƠNG là Quê Cũ, như khi tiễn Từ Hải đi làm việc lớn rồi thì Thúy Kiều ở lại có một mình, nên nàng cũng nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương :

                                   Tấc lòng CỐ QUỐC tha hương,
                              Đường kia, nỗi nọ, ngổn ngang bời bời.
                                    Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,
                              Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm !

                              Inline image

           Đó là chữ HƯƠNG 鄉 chỉ Quê Hương có "chùm khế ngọt" !
  Còn...
          Chữ HƯƠNG 香 nầy, chữ Nho có nghĩa là THƠM; chữ Nôm ta lại ghép chữ Hương này với nghĩa Thơm của nó lại thành một từ kép HƯƠNG THƠM dùng để chỉ Mùi Thơm. Như HƯƠNG THƠM NGÀO NGẠT là MÙI THƠM THƠM THẬT là THƠM. HƯƠNG cũng là một trong 214 bộ của "CHỮ NHO ... DỄ HỌC", cũng là dạng chữ Hội Ý trong Lục Thư theo diễn tiến của chữ viết như sau :
                
 Ta thấy :
               Giáp Cốt Văn và Đại Triên là chữ HÒA 禾 là hình tượng của cây lúa chín với bông lúa oằn xuống bên trái ở trên đầu và các hột lúa chín rơi xuống hai bên, phía dưới là chữ CAM 甘 là NGỌT, với HỘI Ý là : Mùi ngọt của cây lúa chín là mùi thơm của hạt lúa nuôi sống con người. Nên HƯƠNG là THƠM, mùi thơm để duy trì cuộc sống; dùng rộng ra để chỉ tất cả các mùi thơm trên đời nầy.

          Nói đến HƯƠNG là người ta nghĩ ngay đến HOA HƯƠNG 花香 là mùi thơm của hoa, của các loại hoa cỏ, mùi thơm của thực vật, còn mùi thơm của con người thì chỉ ưu tiên độc quyền cho mấy bà mấy cô mà thôi ! Cũng khó trách, vì từ xưa đến nay ông bà ta đã ví hoa như là người đẹp, hay nói đúng hơn là những  người đẹp, những giai nhân, được ví đẹp như hoa của nước, thơm như hương của trời, nên còn gọi là SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI, là QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香. Khi nói về cuộc đời tài sắc của Đạm Tiên, Vương Quan đã tỏ ra rất tiếc thương cho người đẹp :

                                       Phận hồng nhan có mong manh,
                               Nửa chừng xuân thoắt gãy cành THIÊN HƯƠNG.

                               Inline image

          Người đẹp luôn luôn phảng phất mùi hương, nên tiếc thương người đẹp thì gọi là THƯƠNG HƯƠNG TIẾC NGỌC. Khi tả Kim Trọng nhớ Thúy Kiều thì cụ Nguyễn Du cũng viết là :

                                    HƯƠNG gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.

         Người đẹp ở lối xóm lân cận thì gọi là HƯƠNG LÂN 香鄰, là cô hàng xóm thơm phức, như Kim Trọng đã nói về Thúy Vân Thúy Kiều :

                                       Trộm nghe thơm nức HƯƠNG LÂN,
                                   Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.

        Đến khi mướn được cái hiên Lãm Thúy ở sát cạnh nhà Thúy Kiều "canh me" để gặp mặt người đẹp, cho nên đến một hôm "Cách tường phải buổi êm trời, dưới đào dường có bóng người thướt tha", thì Kim Trọng đã vội vàng :

                                            Buông cầm sóc áo vội ra,
                                   HƯƠNG còn thơm nức người đà vắng tanh.

         Không biết là Thúy Kiều đã sức dầu thơm loại gì  mà "người đà vắng tanh" trong khi HƯƠNG vẫn còn thơm nức !? Người đẹp ngày xưa chưa có dầu thơm mà đã "thơm" được như thế sao ?! Ngay cả đồ trang sức của người đẹp  cũng có mùi thơm thoang thoảng, như khi vớ được cành kim thoa của Thúy Kiều, thì Kim Trọng đã :

                                        Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
                              Hãy còn thoang thoảng HƯƠNG TRẦM chưa phai.

        Cành trâm còn có Hương Trầm, chả trách dải khăn là của Thúy Kiều cũng phảng phất mùi hương :

                                       Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
                                   Dải là HƯƠNG lộn bình gương bóng lồng.

        Cho đến hồn ma của con ma Đạm Tiên khi hiện lên cũng có mùi thơm, như :

                                         Ào ào đổ lộc rung cây,
                                 Ở trong dường có HƯƠNG bay ít nhiều.

                                  I

        Khuê phòng của người đẹp ở thì gọi là HƯƠNG KHUÊ, như khi Thúc Sinh nghe tiếng tài sắc của Thúy Kiều mà tìm đến vậy :

                                         Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
                                 Thiếp danh tìm đến HƯƠNG KHUÊ gởi vào.

        Nhà ở của Hoạn Thư thì gọi là Nhà Hương. Như Thúc Sinh sau khi ngỡ Thúy Kiều đã chết, chàng đã  "Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê", và sau khi "Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa" thì :

                                          NHÀ HƯƠNG cao cuốn bức là,
                                    Buồng trong kíp gọi nàng ra lạy mừng.

        XE của Hoạn Thư đi cũng được gọi là XE HƯƠNG. Khi đã khuyên Thúc Sinh trở về Lâm Truy thăm cha với lời lẽ của cô dâu thảo :"Cách năm mây bạc xa xa, Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn", và khi Thúc Sinh vừa ra đi thì nàng Hoạn cũng lên XE HƯƠNG về nhà "mét má" :

                                          Gió câu vừa gióng dặm trường,
                                  XE HƯƠNG nàng cũng thuận đường quy ninh.
                                          Thưa nhà huyên hết mọi tình,
                                      Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen.

                                     Inline image

       Tương tự như trên, phòng của Thuý Kiều ở nhà Thúc Sinh gọi là PHÒNG HƯƠNG. Khi Khuyển Ưng bắt Thúy Kiều đi rồi vớt xác vô chủ bên sông bỏ vào nhà đang cháy, nên tớ thầy Thúc Ông tưởng Thúy Kiều đã bị chết thiêu :
                                          Chạy vào chốn cũ PHÒNG HƯƠNG,
                                      Trong tro thấy một đống xương cháy tàn.
                                             Ngay tình ai biết mưu gian,
                                        Hẳn nàng thôi lại còn bàn rằng ai!

        Cái gì của mấy bà mấy cô cũng có chữ HƯƠNG chen vào cả. Ngay cả Mồ-Hôi của phái nữ cũng được gọi là HƯƠNG HẠN 香汗 là MỒ HÔI...THƠM ! Thành ngữ  HƯƠNG HẠN LÂM LI 香汗淋漓 dùng để diễn tả Mồ Hôi nhuễ nhại của qúy bà qúy cô sau khi làm việc nặng hay tập thể dục chẳng hạn. Ai bảo là đàn ông Châu Á không biết "ga-lăng", không biết "Nịnh Đầm" đâu ?!  Chỉ có những gả đàn ông thô bạo mày râu nhẵn nhụi như Mã Giám Sinh mới không biết Tiếc Ngọc Thương Hương mà thôi :

                                           Một cơn mưa gió nặng nề,
                                  Thương gì đến NGỌC tiếc gì đến HƯƠNG.

         Người đẹp là Hương là Ngọc, cho nên ta phải biết Thương Hương Tiếc Ngọc. Như khi Thúy Kiều "Đem mình gieo xuống giữa dòng Trường Giang" thì :

                                       Thổ quan theo vớt vội vàng,
                               Thời đà đắm NGỌC chìm HƯƠNG mất rồi!

         Hương lan từ Phấn, Phấn tỏa  làn Hương. Hương phấn phấn hương hòa quyện lấy nhau tạo thành mùi  hương và vẻ đẹp của người đẹp. Nên còn Phấn còn Hương là còn trẻ còn đẹp, nên Thúy Kiều đã e ngại và lo lắng khi Thúc Sinh muốn gá nghĩa trăm năm với mình :

                                       Bình Khang nấn ná bấy lâu,
                               Yêu hoa yêu được một mầu điểm trang
                                      Rồi ra lạt PHẤN phai HƯƠNG,                           
                             Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?

       Những người chuyên trục lợi trên thân xác của các cô gái trẻ đẹp, thì được gọi là chuyên "buôn phấn bán hương" hay "buôn hương bán phấn" như Tú Bà với Mã Giám Sinh vậy :

                              Mạt cưa mướp đắng hai bên một phường
                                   Chung lưng mở một ngôi hàng,
                             Quanh năm buôn PHẤN bán HƯƠNG đã lề.

      Thương nhớ người đẹp cũng là nhớ thương đến cái "hương gây mùi nhớ" như Thúc Sinh sau khi đã mất Thúy Kiều rồi, nhìn vầng trăng non mà thương xót :

                                    Mày ai trăng mới in ngần,
                           PHẤN thừa HƯƠNG cũ bội phần xót xa.

        HƯƠNG còn là mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng, phảng phất như những ước mơ nguyện vọng hoài bão ở trong lòng muốn thể hiện, muốn dâng lên, muốn thỉnh cầu với các đấng thiêng liêng... Nên, HƯƠNG còn là HƯƠNG KHÓI, HƯƠNG LỬA, là NHANG ĐÈN ... để thể hiện tâm nguyện của mình, như Thúy Kiều đã khấn vái  cầu nguyện cho thân phận lẻ mọn của mình khi Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư :

                                    NÉN HƯƠNG đến trước Phật đài,                     
                                  Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.

                                 Inline image

       Nhang đèn, hương khói, hoa qủa là những thứ không thể thiếu trong tín ngưỡng dân gian suốt mấy ngàn năm của nền văn hóa dân tộc chịu ảnh hưởng của Phật giáo, nên nghe Thúy Kiều muốn đi tu, thì Hoạn Thư đã vội vàng khi :

                                    Tâng tâng trời mới bình minh,
                            HƯƠNG HOA, ngũ cúng, sắm sanh lễ thường.         
                                    Đưa nàng đến trước Phật đường,
                                Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia !

... Hoạn Thư cũng đã rất chu đáo với :

                                     Sớm khuya sắm đủ dầu đèn,
                             Xuân, Thu, cắt sẵn hai tên HƯƠNG TRÀ.

... nên Thúy Kiều cũng đã :

                                    Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
                             Ngày pho thủ tự, đêm nồi TÂM HƯƠNG.

          Vì thế, sau này ở Chiêu Ẩn Am với sư Giác Duyên thì Thúy Kiều cũng đã :

                                   Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
                         HƯƠNG ĐÈN việc cũ, trai phòng quen tay.

                          Inline image
   
         HƯƠNG ĐÈN là HƯƠNG HỎA chỉ việc cúng tế thờ phượng, nhưng nếu nói thành HƯƠNG LỬA hay LỬA HƯƠNG thì người ta lại nghĩ ngay đến HƯƠNG LỬA BA SINH hay BA SINH HƯƠNG LỬA để chỉ tình duyên của đôi lứa gái trai (xem Thành Ngữ Điển Tích 53 : HƯƠNG). Trai gái yêu nhau, hẹn hò với nhau là đã có LỬA có HƯƠNG với nhau rồi, nên khi đã hẹn ước với nhau rồi mà suốt tháng vẫn chưa có dịp gặp mặt để hàn huyên tâm sự, nên chàng Kim Trọng đã mở miệng than phiền với Thúy Kiều :

                                Trách lòng hờ hững với lòng,
                          LỬA HƯƠNG chốc để lạnh lùng bấy lâu.

khiến cho Thúy Kiều phải lên tiếng an ủi :

                           Nàng rằng:"Gió bắt mưa cầm...
                          Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.
                            Vắng nhà được buổi hôm nay,
                         Lấy lòng, gọi chút, ra đây tạ lòng !

        Ta thấy khi đã yêu nhau rồi thì gái trai gì đều đắm đuối mê mẫn như nhau. Khi đã chuộc Thúy Kiều từ lầu xanh về để " Một nhà sum hợp trúc mai" cho "Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông" rồi, cụ Nguyễn Du còn hạ thêm hai câu để chỉ sự khắng khít đam mê sôi nổi hơn của đôi lứa yêu nhau là :

                          HƯƠNG càng đượm LỬA càng nồng,
                        Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.

        Qủa là những câu thơ sinh động gợi hình một cách kín đáo nên thơ của Truyện Kiều, nó không phải là những quyến luyến thường tình như sau nầy Thúy Kiều phải chia tay với Từ Hải :

                           Nửa năm HƯƠNG LỬA đang nồng,
                      Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.

        Đến câu nói trơ trẻn muốn tống khứ Thúy Kiều cho Thổ Quan của Hồ Tôn Hiến, thì từ HƯƠNG LỬA chỉ là cái cớ bị người nói lợi dụng mà thôi :

                           Dạy rằng HƯƠNG LỬA ba sinh,                                     
                        Dây loan xin nối cầm lành cho ai ?

       Nhưng đến lời than vãn tâm sự của chàng Kim khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, thì từ LỬA HƯƠNG lại đầy tình nghĩa lứa đôi một cách chân thành thắm thiết :

                               Lời xưa đã lỗi muôn vàn,
                      MẢNH HƯƠNG còn đó phím đàn còn đây,
                             Đàn cầm khéo ngẩn ngơ dây,
                       LỬA HƯƠNG biết có kiếp này nữa thôi?

        Chàng Kim qủa là người tình chung thủy hiếm có, trong qúa trình tìm kiếm Thúy Kiều chàng luôn tỏ ra rất chân thành nhớ đến Kiều chớ không phải chỉ tìm lấy có :

                               Thề xưa giở đến kim hoàn,
                        Của xưa lại giở đến ĐÀN với HƯƠNG.
        ... và ...
                              Có khi vắng vẻ thư phòng,
                       Đốt LÒ HƯƠNG giở phím đồng ngày xưa.

chàng luôn luôn nhớ đến lời ước nguyện với Thúy Kiều :

                                 Mất người còn chút của tin,
                     Phím đàn với mảnh HƯƠNG NGUYỀN ngày xưa.

  như  lời Thúy Kiều trối lại trước lúc ra đi :
                           
                               Mai sao dù có bao giờ.
                       Đốt LÒ HƯƠNG ấy, so tơ phím này.



      Nhưng khi đến Hàng Châu thì đã dò hỏi và biết được :"Rằng ngày hôm nọ giao binh, thất cơ Từ đã thu linh trận tiền" và "Nàng Kiều công cả chẳng đền, Lệnh quan lại bắt ép duyên Thổ-tù", nên "Nàng đà gieo ngọc, trầm châu, Sông Tiền-đường đό, ấy mồ hồng-nhan!". Vì thế mà cả nhà cứ đinh ninh là Thúy Kiều đã chết đuối :

                            Rõ ràng HOA rụng HƯƠNG bay,
                        Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
     
        Khi đã đoàn viên với nhau rồi, mọi người đều muốn cho Kim Kiều tái hợp, nhưng Thúy Kiều vì nghĩ thân mình "Bấy chầy gió táp mưa sa, mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn" nên đã từ chối khéo :

                                Lại như những thói người ta,
                          Vớt HƯƠNG dưới đất bẻ HOA cuối mùa.

       Nhưng, cuối cùng thì đôi đứa vẫn làm lễ nên duyên, mặc dù "Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ", nên lại :

                            Thêm nến giá nối HƯƠNG BÌNH,
                      Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh Giao Hoan.

                         Inline image
   
      "Giao Hoan" 交歡. GIAO 交 là Qua lại với nhau, như Giao Tình 交情 là Tình cảm qua lại với nhau. HOAN 歡 là Hoan Lạc 歡樂 là Vui vẻ. Nên GIAO HOAN 交歡 là "Cùng vui vẻ qua lại với nhau". Như câu thơ trên " Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh Giao Hoan" có nghĩa là : "Cùng chuốc chén rượu quỳnh tương để cùng vui với nhau" mà thôi. Nhưng, hễ thấy chữ GIAO HOAN là người ta lại nghĩ ngay đến sự làm tình giữa trai gái với nhau. Thế thì tại sao cụ Nguyễn Du lại dùng chữ GIAO HOAN ở đây, mà không dùng chữ ĐỒNG HOAN, TƯƠNG HOAN hay CỘNG HOAN đều có nghĩa là CÙNG VUI, mà lại dùng từ GIAO HOAN ?! Cụ có dụng ý hay muốn ám chỉ gì chăng ?! Hay cụ muốn ngầm cho người đọc hiểu rằng : Trai gái gần nhau như lửa gần rơm thì làm sao có thể chỉ " Khi chén rượu khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" không cho được. Chuyện "Giao Hoan" là chuyện thực tế của cuộc sống, sớm muộn gì cũng chắc chắn sẽ xảy ra mà thôi. Sẵn nhớ lại...

      Có một lần lang thang trên mạng, đọc thấy một bài viết về tài "nói lái" của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều với trích đoạn cái đêm KIM KIỀU hội ngộ. Sau khi "Đến nhà vừa thấy tin nhà, Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về" Kiều bèn "Cửa ngoài vội rủ rèm the, Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" gặp Kim Trọng một  lần nữa trong đêm để cùng nhau thề ước :

                          ...Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
                    Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
                        Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
                    Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.
                        Sinh rằng: Gió mát trăng trong,
                     Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
                        Chày sương chưa nện cầu Lam,
                      Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?

      Đoạn trên có một câu tối nghĩa:"Dải là hương lộn bình gương bóng lồng". DẢI LÀ là Dải khăn là khăn tay của Kiều có mùi HƯƠNG thì đúng rồi, nhưng sau lại là HƯƠNG LỘN, LỘN ở đây rất tối nghĩa. Sao không phải là DẢI LÀ HƯƠNG THOẢNG, DẢI LÀ HƯƠNG TỎA hay DẢI LÀ HƯƠNG ĐƯỢM... mà phải là DẢI LÀ HƯƠNG LỘN ? Phải chăng cụ Tiên Điền nhà ta đang chơi trò nói lái ? Và ...chính cái "LÀ HƯƠNG LỘN" đó đã làm cho Kim Trọng phải nói là "Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam" và đòi hỏi :"Chày sương chưa nện cầu Lam,  Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng ?"...

                                Inline image

      Biết đâu được ! Vì cụ Nguyễn Du cũng là người sống cùng thời với "Bà chúa thơ Nôm" và lại còn có truyền thuyết cho là "Giữa Hồ Xuân Hương và đại thi hào Nguyễn Du còn có một mối tình ?" Và "BÀ CHÚA THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG" lại là Bà Chúa chuyên "nói lái" trong thi ca mà ! Sự thật ra sao thì chưa được rõ...
                         
      Chỉ trình bày cho rộng đường... phiếm luận !

      Xin được kết thúc bài phiếm về "HƯƠNG trong Truyện KIỀU" với..."LÀ HƯƠNG LỘN" ở trên !

      Hẹn bài viết tới !

                                          ĐỖ CHIÊU ĐỨC


 
PHỤ LỤC:

Tự Trí Phan
20:48, Th 6, 20 thg 3 (3 ngày trước)


Không có nhiều điều kiện, chỉ có thiển ý như vầy:



“Dải là hương lộn bình gương bóng lồng.” Câu thứ 454 Truyện Kiều

Theo Từ điển Truyện Kiều của cụ Dào Duy Anh: “Tả hai người tình nhân ngồi gần nhau, mùi hương tỏa ra ở y phục của hai người lẫn lộn với nhau và bóng hai người lồng vào nhau ở gương của bình phong”

Còn  tác giả Hồ Tĩnh Tâm, trong bài  Chữ tửu trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, viết:

“Chén hà” là chén ngọc nhuốm ráng chiều, rực lên. “Quỳnh tương” là rượu qúy. Chén qúy không thể rót rượu xoàng. Rượu qúy không thể uống chén xoàng. Chén và rượu phải “sánh giọng” với nhau.

“Dải là hương lộn” là những dải lụa ở trong thư phòng đều có tẩm mùi trầm hương bay lộn lên mà thấm vào.

“Bình gương bóng lồng”.  “Bình” là bức bình phong trong thư phòng. “Gương” là tấm gương soi gắn trên bình phong. “Bình gương bóng lồng” là bóng hai người lồng vào nhau trong tấm gương soi trên bức bình phong.

Thiết nghĩ, chỉ với hai câu lục bát, thì không thể nào còn có thể tả hay hơn và đẹp hơn về cảnh đôi lứa nâng ly thề nguyền được nữa!


chiêu đức:

CÁM ƠN bạn Phan Tự Trí đã đọc bài và góp ý rất Nghiêm Chỉnh, Chính Quy và có tính Giáo khoa.

        Nhưng bài của tôi viết là "Tạp ghi và Phiếm luận" viết phiếm chơi khi trà dư tửu hậu. Còn nếu tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh thì mời xem phần Chú Thích được trích kèm theo đây :

Inline image

453. Chén hà sánh giọng quỳnh tương, [1, 2]

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng. [3, 4]


Chú giải và dẫn điển

[1] Chén hà = chén làm bằng thứ ngọc thạch hồng như mầu ráng buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn. Chữ Hán là hà bôi [霞 杯]; hà = ráng, bôi = chén.

[2] Quỳnh tương = rượu trong như ngọc quỳnh. Thơ Đường có câu [一 飲 琼 漿 百 感 催 = nhất ẩm quỳnh tương bách cảm thôi = một khi đã uống rượu trong như ngọc quỳnh thì lòng sinh trăm mối xúc cảm”].

[3] Giải là hương lộn – “Giải là” dịch từ chữ Hán [羅 帶 = la đái = những giải dây lưng bằng lụa rũ xuống ở trước người]. “Giải là hương lộn” = mùi thơm ở các giải dây lưng hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau.

[4] Bình gương bóng lồng – “Bình gương” dịch từ chữ Hán [銀 屏 = ngân bình = cánh bình phong bằng bạc đánh bóng có thể soi gương được]. “Bình gương bóng lồng” = bóng hai người chiếu chung nhau trong một tấm bình phong bằng bạc đánh bóng.

                        .......................................
   
        Theo hiểu biết của riêng tôi thì :

    * CHÉN HÀ là HÀ BÔI 霞杯 : Là loại chén được làm bằng cẩm thạch, loại đá có vân nhiều màu đẹp như ráng chiều. Người Hoa gọi Cẩm Thạch là NGỌC, nên Chén Hà là Chén Ngọc, nói chung là CHÉN BẰNG ĐÁ QÚY.
    * QUỲNH TƯƠNG 瓊漿 : QUỲNH 瓊 có bộ Ngọc 玉 ở bên trái, là một loại đá qúy có màu sắc như Cẩm Thạch. TƯƠNG 漿 bên dưới có bộ Thủy 水, là Chất lỏng đậm đặc như có nhựa. Nên Quỳnh Tương 瓊漿 là thứ rượu được ướp và lên men bằng trái cây ngày xưa, nên rượu có màu sắc đẹp và đậm đà, uống vào chỉ lâng lâng chứ không bị say mèn, vì thế mà các bà các cô hay thần tiên trong các truyện xưa hay uống rượu Quỳnh Tương là vì thế ! Nó chính là Rượu Cóc-Tai (cocktail) hiện nay đó, Nhưng rượu Cocktail hiện nay trong trẻo hơn, nồng độ mạnh hơn và ... ngon hơn rượu Quỳnh Tương thô sơ của ngày xưa nhiều !

    * DẢI LÀ là LA ĐÁI (ĐỚI) 羅帶 là Dải thắt lưng bằng lụa của các bà các cô ngày xưa, nên "DẢI LÀ HƯƠNG LỘN" là Mùi hương của dải thắt lưng lẫn lộn với mùi hương trên người của Thúy Kiều lan tỏa ra. (Chớ không phải là mùi thơm ở các giải dây lưng hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau. Vì nếu hai người ngồi gần đến nỗi ngửi được mùi hương của nhau thì Thúy Kiều đã "chết" vì tay Kim Trọng rồi !). Nên ...
      Với mùi hương phảng phất của dải lụa lẫn với mùi hương của người lại được lồng bóng chập chờn trong bình trong như gương (Bình gương bóng lồng) ngây hgất trước cảnh trí nên thơ gợi cảm trước mắt nên Kim Trọng mới ao ước :

                           Sinh rằng : Gió mát trăng trong,
                        Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam !...

     Trên đây là những hiểu biết nghiêm chỉnh của tôi đối với Truyện Kiều, chớ không phải là những ... phiếm luân như trong bài viết phiếm đã trình bày.

                                                      Nay kính,
                                                    Đỗ Chiêu Đức