CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

LẦN ĐẦU GẶP NS NGUYỄN ĐỨC QUANG & CA KHÚC “TÌM VỀ CÔNG TRƯỜNG”. LÊ THIÊN MINH KHOA





NS Nguyễn Đức Quang, USA 2005. 2: NS Nguyễn Đức Quang qua ký họa của HS Tạ Tỵ, Saigón1971




Tưởng niệm NS Nguyễn Đức Quang, người sáng lập Phong trào du ca VN nhân 9 năm ngày ông mất (27.3.2011-27.3.2020):

LẦN ĐẦU GẶP NS NGUYỄN ĐỨC QUANG & CA KHÚC “TÌM VỀ CÔNG TRƯỜNG”. Lê Thiên Minh Khoa


Tôi may mắn được gặp NS Nguyễn Đức Quang rất sớm, khi đang tuổi thiếu niên, khoảng hè năm 1967. Hồi đó, khi Mỹ xây dựng “Hàng rào điện tử Mc Namara” ngang qua vùng “Phi quân sự” (DMZ), sát vĩ tuyến 17, phía Nam sông Bến Hải, rải thuốc khai quang để diệt cây cỏ và cày xới cả vùng phía bắc và tây Quảng Trị, đồng bào quận Trung Lương, quận được tách ra từ quận Gio Linh gồm ba xã Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang trở thành quận cực bắc tỉnh Quảng Trị cũ, bị dồn lên Khu định cư Tân Lâm, quận Cam Lộ, Quảng Trị. Lúc ấy, NS Nguyễn Đức Quang tham gia “Chương trình Công Tác Hè” dành cho giáo chức trẻ, thanh niên, sinh viên, học sinh với sự tham gia của nhiều hội đoàn thanh niên thời đó như Hướng Đạo, Du ca, Thanh Sinh Công, Gia Đình Phật Tử, Thiếu nhi Thánh thể... tại trại “Công trường Thanh niên Giới tuyến” ở quận Cam Lộ, Quảng Trị. Các anh xây dựng nhà, phát thực phẩm, chăm sóc y tế, làm các công tác “dân vận” như an ủi di dân, tập hát, sinh hoạt thiếu nhi… cho đồng bào di cư đang thiếu thốn đủ thứ và đang hoảng hốt vì chiến tranh tàn khốc, đang buồn khổ vì nhớ quê, vì ruộng đồng tan nát…


Còn tôi khi đó ở thị trấn Đông Hà, chỉ cách quận lỵ Cam Lộ hơn 10 km, nên cũng được đi theo thầy giáo trẻ của mình (thầy Ẩn, người Huế) làm công tác cứu trợ (nhưng chủ yếu là đi thực tế để thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào). Ấn tượng nhất đối với học trò chúng tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, lúc đó là trưởng Phong trào Du ca Việt Nam cũng là một huynh trưởng hướng đạo mà tác phẩm đầu tay là “Gươm thiêng hào kiệt” (1961), viết cho phong trào Hướng đạo. Tại đây, trại “Công trường Thanh niên Giới tuyến”, anh sáng tác tại chỗ ca khúc “Tìm về công trường” và đích thân tập tại chỗ bài hát này cho học sinh chúng tôi. Bài hát gồm có một câu tốp đế (nửa tốp ca hát liên tục): “Đường về công trường là đường về quê hương” và ba phiên khúc (dành cho nửa tốp ca còn lại) nến khi hát lên nghe rất nhộn nhịp, rộn rã. Ca từ có mô tả đến những khó nhọc của người dân vùng đất sỏi đá, khô cằn, nhưng tràn đầy lạc quan yêu thương. Bây giờ chúng tôi còn nhớ, nhưng rất tiếc là ít người biết bài hát này:



 Nguyễn Đức Quang (cầm cell phone), Phan Anh Dũng, Tâm Hảo, Bà Nguyễn Minh Nữu, Bạch Mai, Vĩnh Liêm, Hoàng Song Liêm, Nguyễn Minh Nữu (phải sang), Virginia, 5.2005





 NS Nguyễn Đức Quang (giữa), nhà thơ Hà Huyền Chi, NS Phan Ni Tấn (phải), Toronto 2005



Tốp đế: Đường về công trường là đường về quê hương...

1. Này những miếng đất như bấp bênh dưới cơn mưa tràn
Hoặc đã nứt vỡ và khô cứng đến tê bàn chân
Là những miếng đất đã bao năm chan hòa nước mắt.
Là quê hương tôi
là quê hương tôi

2. Này những khốn khó ta có nhau lúc vui hay buồn
Mồ hôi rơi tuôn tựa như nước tưới lên mầm ươm
Tình như cây non đã vươn lên trong niềm yêu mến
Là quê hương tôi, là quê hương tôi
3. Tình thân anh em đã đắp nên biết bao công trường
Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau
Tìm đâu yên vui trên quê tôi dẫu chiều, mai, tối
Là quê hương tôi
Là quê hương tôi.

Khi còn sống, NS Nguyễn Trọng Tạo rất thích ca khúc “Tìm về công trường”, khoảng cuối năm 2018 anh gọi điện nhờ tôi tìm Bản nốt nhạc và lời bài hát nầy cho anh. Tôi nhờ NS Bùi Công Thuấn, bạn NS Nguyễn Đức Quang tìm giúp, chưa kịp gởi cho anh thì anh mất rồi, 07.01.2019

LÊ THIÊN MINH KHOA


Lược trích từ cuốn “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - Nghiên cứu & Nhận định, Lê Thiên Minh Khoa, NXB Hội Nhà Văn, 2019, trang 218-220

1 nhận xét:

lêthiênminhkhoa nói...

Cảm ơn nhà thơ Nhã My nhe.