CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2022

BẢO TỒN VÀ TU BỔ DI TÍCH -CHUYỆN KHÔNG BAO GIỜ CŨ -HỒ TỊNH

 

Thứ ba - 31/05/2022 03:49


     Từ khi loài người xây dựng những công trình kiến trúc đầu tiên trên thế giới thì sau đó không lâu người ta cũng đã đã biết cách tu sửa, tôn tạo các công trình ấy, do chưa có khái niệm về bảo tồn kiến trúc nên việc tu sửa, gia cố công trình được làm theo kinh nghiệm của từng dân tộc, từng vùng miền. Trải qua thời gian, nhiều công trình kiến trúc vẫn được bảo tồn với giá trị nguyên gốc nhưng cũng không ít công trình đã thay đổi, biến dạng so với ban đầu.

Tháp E7 Khu đền tháp Mỹ Sơn sau trùng tu

Hiện nay trên thế giới có một số quan điểm khác nhau về trùng tu di tích, dẫn đến sự ra đời của những trường phái khác nhau, mỗi trường phái có giải pháp bảo tồn và trùng tu di tích riêng. Theo điều kiện thực tế các loại hình di tích ở Việt Nam, chúng ta phải lựa chọn những phương pháp phù hợp để bảo tồn và trùng tu. Về mặt lý thuyết, cần tuân thủ nguyên tắc cơ bản mà trong Hiến chương Athens năm 1931 và hiến chương Venice năm 1964 đưa ra: Trùng tu trước tiên và trên hết là nhằm mục đích bảo tồn di tích. Đối với nước ta, Điều 34 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa (2009) quy định: Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích.
Trong những năm qua, bên cạnh những kết quả khả quan về bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di sản trong cả nước, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, du lịch, vẫn còn nhiều địa phương, kể cả thành phố Hà Nội - nơi có các cơ quan đầu ngành về quản lý văn hóa và bảo tồn di tích đã để xảy ra tình trạng tu bổ tùy tiện làm sai lệch yếu tố gốc, thậm chí tu bổ di tích theo kiểu phá cũ làm mới, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này là nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đúng những quy định của điều 34 Luật Di sản văn hóa. Nguyên nhân tiếp theo là nhiều đơn vị thiết kế, thi công và giám sát mặc dù đã có giấy phép hoạt động tu bổ di tích nhưng không có năng lực thật sự trong lĩnh vực này. 

Hiện nay, không ít người đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích , tuy nhiên đó chỉ là những khoá đào tạo ngắn ngày , các chương trình bồi dưỡng kiến thức đó chưa đủ để tạo ra đội ngũ trùng tu di tích chuyên nghiệp.
Để giảm thiểu việc sai phạm trong tu bổ di tích, phải nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra và giám sát; chuyên môn hóa lực lượng cán bộ kỹ thuật và công nhân tu bổ di tích, đồng thời ban hành những quy chuẩn phù hợp với từng loại hình kiến trúc. Cần tổ chức phản biện xã hội rộng rải đối với các đề án, thiết kế tu bổ di tích, nhất là với các di tích quốc gia đặc biệt và các di sản văn hóa thế giới để tránh tình trạng chủ quan, tùy tiện.
Tu bổ di tích không phải là nghề xây dựng đơn thuần, đó là công việc có tính chuyên môn cao, từ giai đoạn nghiên cứu khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập dự án, thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự án, thiết kế, hạ giải công trình, đánh giá cấu kiện, thi công trùng tu, đến nghiệm thu, lập hồ sơ hoàn công. Theo quy định quản lý xây dựng cơ bản thì sau khi dự án, thiết kế, dự toán được phê duyệt sẽ thực hiện thi công, nhưng trong tu bổ di tích sẽ có nhiều vấn đề phát sinh sau khi hạ giải di tích mà khi thiết kế tu bổ không lường hết được, vì vậy cần có cơ chế đặc thù về điều chỉnh thiết kế, bổ sung dự toán cho tu bổ di tích.
Mỗi loại hình di tích có kỹ thuật xây dựng và vật liệu riêng, vì thế đòi hỏi sự sáng tạo, lựa chọn các giải pháp kỹ thuật trùng tu phù hợp cho từng di tích cụ thể. Đối với các di tích kiến trúc bằng gỗ như đình, chùa, hội quán, miếu, nhà cổ... cần phải dựa vào đặc điểm và hiện trạng của di tích để lập thiết kế tu bổ. Thực tế cho thấy, không ai có thể lường được tất cả các trường hợp phát sinh của di tích sau khi hạ giải, vì thế khi thiết kế tu bổ di tích phải dựa trên nguyên tắc chung là giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc, chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết mới thay bằng vật liệu mới.
Đối với các di tích kiến trúc cổ đang có người sinh sống, tiêu biểu là Đô thị cổ Hội An, nơi  được xem là một bảo tàng sống về lịch sử kiến trúc đô thị, lịch sử dân cư, phương thức bảo tồn và tu bổ các công trình kiến trúc ở Hội An cần đáp ứng được yêu cầu giữ gìn tối đa giá trị di sản và phù hợp với đời sống của cư dân khu phố cổ. Trong việc tu bổ các di tích ở Hội An, cùng với quan điểm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, cần quan tâm đến điều kiện sống của cư dân địa phương trong các ngôi nhà cổ, không thể bắt buộc người ngày nay sống với tiện nghi của thế kỷ 18 – 19, vậy nên cần có sự thích nghi trong sử dụng không gian nội thất các nhà cổ sao cho hài hòa, hợp lý.
Bảo quản và tu bổ các tháp Champa là công việc rất phức tạp, từ năm 1980 đến nay, nhiều khu tháp ở miền Trung, trong đó có Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ ở Quảng Nam đã và đang được tu bổ. Xác định tính chất của các di tích này là các phế tích kiến trúc khảo cổ học, do vậy công việc trùng tu các đền tháp Chăm được tiến hành theo trường phái trùng tu khảo cổ học, chủ yếu là bảo tồn nguyên trạng và gia cố chống sụt lở, tái định vị các thành phần bị dịch chuyển và phục hồi từng phần. Nhờ kinh nghiệm và những tìm tòi thể nghiệm của kiến trúc sư Ba Lan Kazimier Kwiatkowski, cộng với sự nhiệt tình của những người làm công tác trùng tu di tích Việt Nam, sau hơn 10 năm trùng tu, khu tháp Chăm Mỹ Sơn đã  được khôi phục lại phần nào dáng vẽ ban đầu của nó,
Về kỹ thuật trùng tu các kiến trúc Champa, hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất của các nhà khoa học, những người làm công tác tu bổ di tích vẫn chưa có một tiếng nói chung, các đơn vị đang thực hiện tu bổ di tích kiến trúc Champa, kể cả các chuyên gia nước ngoài như Italia, Ấn Độ, vẫn đang trùng tu thể nghiệm. Tại khu tháp Mỹ Sơn, một số dự án tu bổ di tích đã được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay, về cơ bản cũng chỉ mới làm được một việc là giữ cho các công trình ở đây không bị tiếp tục hư hại, còn nói về kỹ thuật trùng tu thì những cách làm từ trước đến nay đều bộc lộ những yếu điểm riêng. Trong nghiên cứu khoa học, Viện Bảo tồn di tích và Viện khoa học công nghệ xây dựng là hai cơ quan hàng đầu ở TW có chức năng bảo quản, tu bổ di tích vẫn chưa có sự hợp tác nghiên cứu về bảo tồn, tu bổ tháp Champa, đương nhiên trong chuyện làm ăn kinh tế phải cạnh tranh, nhưng cũng cần có sự hợp tác để phát triển sự nghiệp bảo tồn di tích.
Cũng cần nhắc lại Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm trên địa bàn Quảng Nam” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 29/6/2915 cùng với những kết quả nghiên cứu, phân tích về gạch Chăm ở Quảng Nam, các nhà khoa học thuộc Đại học năng lượng Moskva đề ra giải pháp bảo quản bề mặt tháp Champa bằng công nghệ hóa chống thấm và công nghệ tôi bề mặt gạch,  tuy nhiên từ đó đến nay vẫn chưa có tiến triển mới về sự hợp tác bảo tồn di tích Champa bằng công nghệ cao.
Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng nên xem xét lại phương pháp trùng tu tháp Champa hiện nay, việc mài tỉ mỉ từng viên gạch, mất nhiều thời gian và kinh phí nhưng hiệu quả không cao, độ bền kém; khi thi công, chỉ cần mài ở 2 mặt tiếp xúc trên và dưới của viên gạch để tạo mặt phẳng tốt là đủ, cần giữ lại lớp “áo” tiếp xúc bên ngoài tường tháp để hạn chế sự xâm thực của mưa gió và nấm mốc.
Những năm gần đây, có một số kiến trúc sư không làm việc trong các cơ quan nhà nước muốn cống hiến trí tuệ vào việc bảo tồn, tu bổ di tích. Từ thực tế loại gạch được sản xuất hiện nay để tu bổ tháp Champa vẫn còn những hạn chế dẫn đến tình trạng gạch bị rêu mốc nhanh, bị muối hóa… ảnh hưởng đến chất lượng công trình, KTS Lê Trí Công đã nghiên cứu về thành phần đất sét và chất phụ gia trong gạch xây tháp Champa; từ kết quả đối sánh một số mẫu gạch Chăm cổ đã được các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước phân tích, tham khảo một số thực nghiệm làm gạch cổ trên thế giới, Lê Trí Công đã làm thực nghiệm trộn phân bò cùng một số chất phụ gia vào đất sét để làm gạch tại Mỹ Sơn, kết quả cho thấy khi thêm phân bò vào đất sét sẽ làm thay đổi đặc tính của đất sét, cải thiện độ dẻo và độ xốp, giảm vết nứt khi nung. 
Tính chất cơ lý của gạch thực nghiệm rất gần với gạch Chăm cổ, tuy nhiên các thông số hóa học có khác vì chưa tìm ra nguồn đất làm gạch giống ngày xưa. Do điều kiện kinh phí cá nhân hạn chế nên Lê Trí Công không thể tổ chức thực nghiệm chế tác gạch Champa với quy mô lớn hơn. 
KTS Cao Quảng Tổng với công trình nghiên cứu “Phật viện Đồng Dương và kinh đô Indrapura”, nội dung cuốn sách trình bày lại những kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước từ đầu thế kỷ XX đến nay, đồng thời cũng cung cấp thêm những chứng cứ, nhận định cho thấy di tích Đồng Dương là một phần của kinh đô Indrapura trong lịch sử Vương quốc Champa xưa. Dựa vào những bản vẽ tay của Parmentier và những ảnh chụp hiện trạng của Carpeaux – những người trực tiếp khai quật di tích năm 1902, tác giả đã thực hiện phục dựng 3D kiến trúc khu trung tâm Phật viện, cung cấp một cái nhìn trực quan, sinh động về vẻ đẹp huy hoàng một thời của di tích, qua đó đề xuất những ý kiến về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Đồng Dương. Những những kết quả nghiên cứu, thực nghiệm khoa học và ý kiến đề xuất tâm huyết về bảo tồn di tích của các KTS này cần được sự quan tâm hỗ trợ, hợp tác của các cơ quan, viện nghiên cứu về bảo tồn, tu bổ di tích và ngành văn hóa…
Vừa qua, với mục đích tham mưu Bộ VHTTDL ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về bảo tồn và tu bổ di tích Champa, ngày 13.4.2022, tại TP. Đà Nẵng, Viện Bảo tồn di tích đã tổ chức hội thảo “Đóng góp ý kiến khoa học xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật – Yêu cầu vật liệu và kỹ thuật thi công, nghiệm thu đền tháp Champa”. Đây là hội thảo rất quan trọng đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa Champa. Hy vọng sau hội thảo này, ban soạn thảo sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn có chất lượng khoa học cao, mang tính thiết thực, đóng góp hiệu quả cho công tác bảo tồn, tu bổ các di tích Champa…

TÁC GIẢ HỒ XUÂN TỊNH

Nguồn : từ Facebook của tác giả Hồ Tịnh
Bài đã đăng trên trang Thông Tin điện Tử Trung Tâm Văn Hoá Tỉnh Quảng Nam.

h

Không có nhận xét nào: