CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

NHƯ XONG, LÁ PHONG - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 



NHƯ XONG


*

thế thì cứ kể như xong ?

5 canh 6 khắc chả mong chả chờ

trên bàn toàn những quân cờ

con thắng ở lại con chờ qua sông ?

cuỉ khô theo nước chia dòng

nước trôi vật vã thuyền không không chèo ?

ngươì về ta vẫn tỉnh queo

thuyền không bánh laí lộn lèo lăn quay

trường giang 1 mặt nước đầy

ngươì đi kẻ laị chiều nay lên đường ?

1 đường tìm laị cố hương

1 đường nhìn moỉ bóng chim dáng cò

đaị giang vốn lụy phà đò

cầu phao tấp nập kẻ cho kẻ mơì

sự đơì cũng chỉ thế thôi

trầu cay nhổ xuống nước trôi lạnh lùng

theo em lạc tuốt lên rừng ?

khi không thành 1 ngươì dưng bến bờ

chờ em từ sang tờ mờ

đến khi trăng giãi còn mơ còn mòng

thế thì cũng kể như xong ?


LÁ PHONG


hương thề theo lá phong ?

mơí đó xanh xanh giờ chuyển hồng

mơí đó còn nâu ? giờ đã đỏ

tấm tức bầu trơì 1 khoảng không

bối rối con gái đó

tán loạn đã theo chồng ?

con cháu đầy đàn lũ

y như lá phong ?

não lòng ?


CHU VƯƠNG MIỆN


Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

QUÀ MUỘN - TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYÊN HƯƠNG


 



QUÀ MUỘN

Căn nhà được quy giá trị ra vàng, ai ở lại thì đưa cho người kia một nửa. Xe, tivi, tủ lạnh... tất cả đều chia đôi. Sự phân chia êm thấm và ai cũng sẵn sàng nhường cho người kia hơn một chút.
Chỉ còn lại Thu và tôi. Áo quần của hai chị em thường để chung một ngăn, bây giờ bề bộn đầy giường. Hai đứa tôi vừa xếp riêng quần áo của mỗi đứa ra, vừa lắng nghe ba mẹ nói với nhau về con cái. Nói qua nói lại cho đến chiều thì ba tôi không còn nhỏ nhẹ nữa, ông thẳng thừng:
Về tài sản thì bà muốn lấy thêm gì tuỳ ý. Nhưng về con cái thì tôi nuôi con Linh. Khỏi cần bàn cãi nữa.
- Đành rằng toà xử tôi một đứa, ông một đứa. Nhưng tôi muốn tụi nó có chị có em với nhau - Giọng mẹ năn nỉ.
- Vậy, tôi muốn cả hai đứa, bà chịu không? Tôi cũng muốn tụi nó có chị có em - Giọng ba thách thức.
Im lặng một phút rồi mẹ nói, giọng cay đắng:
- Có thật là ông muốn tụi nó có chị có em không?
- Đủ rồi! Con Linh là con của tôi - Ba lớn tiếng.
- Đồ khốn nạn! - Cả người mẹ run lên - Con Thu cũng là con của ông. Tôi nói đi nói lại điều này suốt bao năm nay, không phải vì tôi muốn chứng tỏ sự chung thủy của tôi đối với ông... - Mẹ cười khẩy - Ông không đáng có mọt người vợ chung thủy...
- Đừng nói nhiều vô ích - Giọng ba lạnh ngắt.
- Tôi nói để cho hai đứa con hiểu rằng tụi nó là chị em ruột thịt.
- Đằng nào thì con Linh cũng ở với tôi.
Mẹ đi đến giường chất đầy áo quần của hai đứa tôi. Bàn tay mẹ ấn trên vai tôi đau điếng:
- Linh... em Thu... yếu đuối hơn con nên em cần mẹ hơn. Con hiểu mẹ không?
Tôi không hiểu được. Cảm giác kiêu hãnh thường ngày biến mất. Thường ngày tôi luôn được khen thông minh hơn, dễ thương hơn và học giỏi hơn Thu. Thường ngày tôi luôn kiêu hãnh, vì ai đến nhà cũng vuốt tóc nựng tôi và chẳng mấy ai hỏi han đến Thu. Và thường ngày, tôi cũng hay lấn át Thu nữa... Nhưng lúc này tôi chỉ thấy tội nó. Tôi không kịp suy nghĩ về những buổi chia tay đang diễn ra. Tôi nhìn đống quần áo đã phân đôi trên giường và chợt nhận ra bao nhiều quần áo đẹp đều là của tôi! Áo quần để chung, nhưng có khi nào Thu mặc đâu. Toàn là tôi mặc và quen dần ai cũng coi đó là của tôi.
Mẹ nhét áo quần của Thu vào valy và cúi hôn tôi:
- Mẹ yêu cả hai đứa! Con hay nói rằng mẹ không thương con, nhưng không phải vậy đâu. Rồi con sẽ hiểu.
o O o
Để hiểu được lời mẹ nói, tôi phải trải một thời gian dài. Suốt những năm tháng dài đó, tôi luôn nhớ đén hình ảnh đứa em gái xấu xí khờ khạo của tôi:
- Chị Linh, con búp bê này chia làm sao? - Nó giơ tay định vặn cổ con búp bê.
- Cho Thu luôn đó! - Tôi vội giựt con búp bê lại, nhét vào valy của mẹ, lần đầu tiên trong đời tôi nhường em mình. Và kể từ hôm đó, những con búp bê trong tủ kính chưng bày ở tiệm không còn hấp dẫn tôi nữa. Một điều gì đó đã vĩnh viễn qua đi.
Hai năm đầu, tết nào mẹ cũng gửi thư và quà cho tôi. Con dấu ngoài phong bì cho biết mẹ ở Nha Trang, nhưng không cho biết rõ địa chỉ. Đến năm sau, năm sau nữa... tôi không còn nhận được tin mẹ. Ba cười khẩy: - Chắc mẹ mày lấy chồng rồi! Tôi không nghĩ đến chuyện mẹ lấy chồng. Tôi chỉ nghĩ rằng mẹ không buồn nhớ đến tôi nữa. Ngày xưa, mẹ cũng ít khi nựng nịu chìu chuộng tôi, mẹ thương em Thu hơn.
Ba lấy vợ. Dì mới hai mươi ba tuổi, lớn hơn tôi tám tuổi. Nhìn dì và tôi người ngoài dễ lầm là hai chị em. Dì không hoạnh họe tôi như những bà dì ghẻ người ta hay nói. Mà thật ra dì không chú ý đén tôi thì đúng hơn. Sáng tám giờ dì thức dậy, chải đầu, thay quần áo rồi ăn sáng đến mười giờ, đi chợ, vậy là tới trưa. Ngủ trưa dậy là đã ba giờ, dì tới tiệm gội đầu hoặc làm móng tay móng chân... rồi cơm chiều. Rồi tối coi tivi hoặc đi xem phim, nghe nhạc...
Khi có bầu, da mặt bị nám một chút, dì khóc, không chịu vào bếp nấu ăn vì sợ nám nhiều hơn. Ba mua bếp điện về, dì than cái thai làm dì mệt. Vậy là ba thuê một bà già ngày ngày tới lo cơm giặt giũ.
- Chứ còn con Linh làm gì? - Đó là câu nói đầu tiên của dì ám chỉ đến tôi sau một năm sống chung.
- Để cho nó học hành! - Giọng ba như ra lệnh, dì im lặng ngay. Dường như dì hiểu được rằng ba rất cưng tôi và đặt hy vọng nơi tôi rất nhiều. Dì muốn gì thì muốn, trừ việc... gây sự với tôi.
Chỉ tội nghiệp cho bà già giúp việc - Ba tôi vốn khó tính, dì không khó tính nhưng lại nhỏng nhảnh, còn tôi thì ngủng ngẳng với tất cả... Bà nấu món gì, hễ tôi khen ngon thì dì chê dở; bà làm gì, hễ được dì khen thì tôi lại chê. Ba tôi khi thì nghe theo dì, khi thì nghe theo tôi... và một ngày kia ông quát lên:
- Từ nay về sau ai chê thì tự làm lấy.
o O o
Dì sinh ra một đứa em gái giống em Thu như đúc. Bà gì giúp việc lắc đầu: - Đàn bà có thai mà chưng diện thì sinh con xấu xí vô duyên là đúng rồi. Chỉ tội nghiệp con bé...
Ba tôi cau mặt mỗi khi nhìn thấy đứa nhỏ. Dì trút bỏ áo quần đẹp, thôi son phấn, cả ngày dì ôm con vào lòng nựng nịu mong cho nó biết cười. Nhưng mặc kệ tình thương lẫn nước mắt của dì, nó vẫn cứ nhìn quanh bằng đôi mắt lờ đờ và chẳng hề vui chút nào khi nghe tiếng lúc lắc của món đồ chơi. - Sao anh chẳng bao giờ nựng con hết vậy? - Tôi nghe tiếng dì khóc hỏi ba tôi và tiếng giày ba tôi đi xa dần.
Đứa bé đã kéo tôi đến gần dì. Đi học về, tôi thường vào phòng dì bồng bé lên. Tôi ca hát, vui đùa trêu chọc bé, cũng như dì, tôi thiết tha mong nghe tiếng nó cười. Dì vui hơn khi thấy tôi gần gũi bé Bi của dì, nhưng không bao giờ dì hiểu được rằng tôi đang nhìn thấy mẹ nơi dì và bé Bi là em Thu ngày xưa. Giờ thì tôi hiểu được câu cuối cùng mẹ nói "em Thu yếu đuối hơn con nên em cần mẹ hơn".
o O o
Sau bao ngày tháng, giờ đây tôi bỗng nhớ mẹ và em Thu đến cồn cào. Tôi nhớ hồi đó tôi hay giành đồ chơi với Thu và nó chẳng biết làm gì hơn là khóc ư ử. Cuối năm học nào tôi cũng ôm về gói phần thưởng lớn nhất lớp và ba tôi hãnh diện chở tôi khắp nhà người quen. Mỗi lần ba nựng nịu hoặc mua quà cho tôi thì mẹ lại đưa em Thu đi loanh quanh trong xóm và mua cho em một món quà tương tự để rồi tôi giành luôn món quà đó bằng câu phụng phịu:
- Mẹ ứ thương con. mẹ chỉ thương em Thu thôi.
- Linh! Con là chị. Con phải nhường em. - Mẹ dàn hòa.
Và đôi khi mẹ nói như năn nỉ tôi:
- Khi nào đi chơi, con dắt em theo cho em biết này biết nọ với nghe con. Tôi lắc đầu nguây nguẩy:
- Nó chậm chạp lù đù, dắt theo mệt lắm.
Tôi chưa bao giờ quan tâm đến em Thu - Ba đã khiến tôi nhận ra điều này! Tỗi ẵm bồng bé Bi, ru nó ngủ, may áo búp bê, mua đồ chơi cho nó. Tôi muốn làm thật nhiều cho bé để chuộc lại sự vô tâm đối với em Thu. Nhưng bé Bi là bé Bi, em Thu là em Thu và tôi bật khóc mỗi khi nhớ mẹ. Tôi lục mấy phong thư cũ, tìm địa chỉ cỉa mẹ nhưng vô ích, con dấu ngoài phong bì với hai chữ Nha Trang lạnh lùng chẳng nói được gì hơn. Nha Trang trở thành một địa danh ám ảnh.
o O o
Giấy báo tôi thi đậu á khoa Đại Học Y Thành phố Hồ Chí Minh gởi về nhà. ba mở tiệc mừng ngay ngày hôm sau. Tiếng cụng ly của khách khứa chúc mừng tương lai tôi vọng vào phòng khiến dì run vai lặng khóc. Tôi bồng bé Bi lên, bé nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ rồi mệt mỏi ngả cổ trên vai tôi.
- Mai mốt Linh đi học... ở đây một mình... dì biết làm sao? - Dì nói nho nhỏ, thống khổ, tuyệt vọng, cô đơn. Dì già sọm như đã bốn mươi.
Tôi cắn nghiêm môi lại. Mẹ cũng đã từng thấy đau khổ, tuyệt vọng và cô đơn như vậy. Mà hồi đó, tôi còn quá nhỏ để biết chia sẻ.
Tôi rời bữa tiệc mừng đi lang thang trên phố. Hàng cây hai bên đường rũ lá lặng im. Niềm kiêu hãnh trước sự quan tâm đặc biệt của ba dành cho tôi không còn nữa, điều gì đó đã nứt rạn, xót xa.
- Con gái của ba, con muốn ba thưởng gì cho con? - ba hồ hởi khi tôi quay về sau bữa tiệc.
- Con thích đi Nha Trang - Tôi đáp và mong ba hỏi "tại sao con muốn đi Nha Trang" để tôi nói với ba về nỗi ray rứt trong tôi, nhưng ba không thèm thắc mắc.
o O o
Mặc đám bạn vui đùa trên bãi cát. Tôi đi lòng vòng khắp phố biển như một con điên. Tôi dáo dác nhòm ngó, nghểnh cổ xoay đầu nhìn quanh tựa như mẹ và em Thu vừa mới chia tay với tôi xong.
Tôi đặc biệt chú ý đến những đứa bé trạc tuổi Thu ngày ra đi, những đứa bé rách rưới nhẫn nhục chìa cái mũ trước ngực và ngước mắt chờ đợi. "nếu bỗng nhiên một đứa bé ngửa mũ trước mặt tôi với nụ cười nhăn nhở đó là Thu thì sao?". Câu hỏi kinh khủng lóe lên khiến tôi sựng người khiếp sợ. Mẹ sẽ không bao giờ để em Thu như vậy! Nhưng có thể là mẹ làm sao đó... mẹ chết chẳng hạn và chẳng còn ai trên đời này biết đến em tôi. Một con người sinh ra không lý trí thì có thể làm được gì ngoài việc ngửa mũ xin ăn? tôi thẫn thờ đi trên phố, lòng vừa mong gặp, vừa mong đừng gặp.
Ngày cuối cùng ở Nha Trang, tôi đi quanh các cửa hàng tìm mua quà cho bé Bi. "Có món quà nào thật hay khiến cho bé cười được không?". Tôi lùng sục món quà trong trí tưởng tượng của mình một cách xét nét tỉ mỉ khiến đám bạn cùng đi kêu trời:
- Sao mày khó tính như bà già vậy Linh?
Cuối cùng tôi tìm mua được con thuyền bằng vỏ ốc gắn vào nhau. Những cái vỏ ốc nhiều màu lấp lánh dưới nắng mặt trời.
- Cám ơn Linh đã mua quà cho bé Bi - Dì buồn bã nói. - Từ lâu rồi, dì cũng chẳng nhớ đến việc mua quà cho bé nữa.
Dì đưa chiếc thuyền cho bé và ngay lập tức chiếc thuyền tuột khỏi đôi bàn tay lỏng lẻo của bé, rơi xuống nền xi măng khô khốc, vỏ ốc văng tung toé.
o O o
Thật là bất ngờ, tôi gặp mẹ ngay ngày đầu tiên đến trường Đại học. Trong phút giây, tôi và mẹ đứng lặng nhìn nhau. Mẹ già đi nhiều, tóc lốm đốm bạc. - Sao mẹ... đứng ở đây? Tôi ấp úng hỏi một câu ngu ngơ.
- Mẹ đợi con! - Giọng mẹ khàn khàn.
- Sao mẹ... không viết thư cho con?
- Biết ba con lấy vợ nên mẹ thôi không gởi. Mẹ ngại ba nghĩ rằng mẹ quấy rầy hạnh phúc của ba con.
- Mẹ ngại... ngại... Mẹ không nhớ đến con thì có! - Tôi dằn dỗi, như ngày xưa mỗi lần mẹ mua quà cho em Thu.
- Linh! - Mẹ dịu dàng gọi tên tôi - mẹ luôn hỏi thăm về con. Con có thấy là mẹ đang đứng đây không? từ khi biết con đậu trường này, ngày nào mẹ cũng đến đây đợi...
Hai mẹ con mà phải đợi chừng đó năm tháng để gặp nhau ở một nơi xa lạ. Tôi gục đầu trên vai mẹ, bật khóc.
- Con về Nha Trang tìm mẹ... mẹ ơi!
- Hồi đó mẹ đưa em về Nha Trang với hy vọng khí hậu biển sẽ tốt hơn cho em con. Rồi nghe nói ở thành phố có nhiều bác sĩ giỏi nên mẹ đưa em về đây. - Em Thu... sao rồi mẹ? - Tôi hồi họpp hỏi.
- Em con mất rồi! - Nước mắt mẹ rơi trên tóc tôi - Em con không ý thức được nguy hiểm nên đút tay vào ổ điện.
Đột nhiên tôi thấy nhẹ nhõm, nỗi nhẹ nhõm tàn nhẫn, kỳ quặc và đau đớn. Mẹ nghẹn ngào:
- Chết có lúc là giải thoát phải không con?
Nỗi đau trong mắt mẹ khiến cổ tôi cứng lại.
o O o
Tôi có thêm một đứa em trai, vì mẹ đã có chồng. Chồng của mẹ là một bác sĩ khoa tâm thần. Thật khó chịu khi biết mẹ có chồng. Việc mẹ có chồng khác hẳn việc ba có vợ! Không thể giải thích được vì sao lại như vậy.
Tôi cố tạo một vẻ mặt vô tư khi gặp cậu bé. Nó có khuôn mặt tròn và sóng mũi thanh tú của mẹ. Rồi khi đối diện với ông bác sĩ, tôi nhận ra đôi mắt nó là bản sao của đôi mắt ông.
Câu chào ngập ngừng trên môi, rồi tôi bật ra "Chào bác".
Ông đáp lại câu chào của tôi bằng một nụ cười.
Ông đưa mẹ và tôi ra mộ em Thu. Ngôi mộ xây theo một kiểu là lạ, ngồ ngộ. Những viên đá hoa đủ màu đắp quanh mộ như những món đồ chơi bày ra bừa bãi. - Với dáng mộ này, bác mong em của cháu có được tuổi thơ ở thế giới bên kia - Ông nói bằng một giọng ấm áp, ân cần.
Tôi hình dung một cuộc sống có ông, mẹ, em Thu và đứa em tôi mới gặp. Thật khó mà hình dung được cuộc sống đó ra sao. Tuy nhiên, tôi hiểu ông rất yêu mẹ tôi. Vì yêu mẹ nên ông đã tặng cho em tôi tuổi thơ, dẫu muộn màng. Cũng như tôi thân thiện với dì vì nhớ mẹ, và nựng nịu vỗ về bé Bi vì tình yêu muộn màng dành cho em Thu.
Tôi chợt hiểu ra một điều cơ bản của cuộc sống. Những ai biết yêu thương sẽ sống đẹp hơn.

Daklak, 9.94
NGUYÊN HƯƠNG
Nguồn : isach .info


NGUYÊN THUỶ - THƠ CHU VƯƠNG MIỆN

 



NGUYÊN THỦY

thơ haiku



đạo có đạo nguyên thủy

đạo có đạo canh tân

sao người vẫn cứ buồn ?


cầu vẫn cầu thệ thủy

quán là quán thu phong

mà người mãi phiêu bồng


1 vầng trăng khốn khổ

cứ mãi bám bên đời ?

lặn rồi mọc lại


ngày ngắn đêm dài

đêm dài ngày ngắn

con cò mổ con trai


lỡ thì lỡ rồi

1 bên con sông lở

1 bên con sông bồi ?


con hà bám chân cầu

chịu bao lần sóng vỗ

chưa ngộ thêm chữ khổ


1 con ngựa đau

cả tàu bỏ cỏ

chỉ nhìn mà than thở


con sâu làm rầu nồi canh

bỏ thời tiếc

ăn chả đành


kẹo kéo càng kéo càng dài

cả đời nhà kiến

ưa đi kiện củ khoai ?


chim có tổ 

người có tông ?

cá có chậu

vườn toàn tre tầm vông ?


CHU VƯƠNG MIỆN


Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH :RUỔI ,RUỘNG,RÚT ,RỪNG ,RƯỢU. - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



                             RUỔI, RUỘNG, RÚT, RỪNG, RƯỢU.


                                          Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng,
                                      Dưới cờ một lệnh vội vàng RUỔI SAO.
                                    
      RUỔI SAO là sao đổi ngôi xẹt ngang bầu trời; chữ Nho gọi là Tinh Trì 星馳. Có xuất xứ từ bài Đằng Vương Các Tự 滕王阁序 của người đứng đầu trong Sơ Đường Tứ Kiệt là Vương Bột 王勃, trong bài tự đó có câu :

               ... 雄州雾列,俊采星驰   Hùng châu vụ liệt, Tuấn thái TINH TRÌ.
Có nghĩa :
        Châu quận phồn vinh, nên người tuấn kiệt nhiều như "Sao Xẹt Trên Trời".
     
      Ngoài nghĩa chỉ "Nhiều như sao xẹt trên trời" ra TINH TRÌ còn có nghĩa Nhanh nhẹn, cấp tốc, khẩn trương, như trong bài thơ Hiểu Qúa Hoài Âm 曉過淮陰 của Trương Vũ 张羽 đời Minh được mở đầu bằng hai câu :

             軍城鐵鎖曉開關,   Quân thành thiết tỏa hiểu khai quan,
             使節星馳未敢閒。   Sứ tiết TINH TRÌ vị cảm nhàn.
Có nghĩa :
          Sáng sớm khi mở khóa sắt cửa ải của thành đóng quân ra, Cờ tiết của sứ giả CẤP TỐC lên đường không dám chần chừ...
      
                     Quân thành khóa sắt mở ra,
                 RUỔI SAO sứ giả bôn ba lên đường.

       Trong Truyện Kiều, khi nghe Thúy Kiều kể lể về những tai nạn ân oán đã qua, Từ Hải đã "Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang", cho nên mới :

                   Nghiêm quân tuyển tướng sẵn sàng,
                  Dưới cờ một lệnh vội vàng RUỔI SAO !

       CẤP TỐC bắt hết những người bạc ác khi xưa đối với Thúy Kiều về trị tội.

                          


       
       RUỘNG TÌNH, chữ Nho là TÌNH ĐIỀN 情田. Theo chương Lễ Vận trong sách Lễ Ký 《禮記.禮運》có câu :...Cố nhân tình giả thánh vương chi điền dã, tu lễ dĩ canh chi, trần nghĩa dĩ chủng chi, giảng học dĩ nậu chi, bổn nân dĩ tụ chi, bá lạc dĩ an chi 故人情者聖王之田也,修禮以耕之,陳義以種之,講學以耨之,本仁以聚之,播樂以安之". Có nghĩa :... cho nên, tình cảm của con người như là một thửa ruộng của bậc đế vương; phải cày xới bằng lễ độ, phải gieo trồng bằng nghĩa khí, phải làm sạch cỏ bằng học hành, phải lấy nhân từ làm gốc, phải gieo mầm vui sống để an phận". Vì câu nói trên nên TÌNH ĐIỀN có nghĩa :
        1. Chỉ tâm địa lòng dạ của con người, về nghĩa phát sinh thì...
        2. Chỉ nơi gieo mầm ái tình, là thửa ruộng của tình yêu.

     Trong truyện thơ Nôm HOA TIÊN KÝ của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :

                      Mảnh tiên từng thấy nơi nao,
                RUỘNG TÌNH dễ thắm nên hao bể lòng !



     RÚT DÂY, đúng ra là "Rút Dây Đỏ", chữ Nho gọi là KHIÊN HỒNG TUYẾN 牽紅線. Theo Tiểu Thuyết Truyền Kỳ đời Đường : Quách Nguyên Chấn 郭元振(656~713)người đất Hà Bắc, lúc trẻ nổi tiếng đẹp trai lại học giỏi, 18 tuổi đã đậu Tiến sĩ, nên Tễ Tướng Trương Gia Trinh muốn nạp làm rể đông sàng, nhưng ông ta có đến 5 cô con gái nên không biết phải gả cô nào, bèn cho 5 cô gái đứng ở trong màn, tay mỗi cô được buộc một sợi dây (chỉ) đỏ dẫn ra bên ngoài cho Quách Nguyên Chấn tùy ý chọn lựa. Chàng đã chọn trúng cô thứ 3 là cô tài sắc song toàn nhất trong 5 cô. Sau nầy trong văn học từ RÚT DÂY dùng để chỉ tình duyên hay duyên nợ vợ chồng với nhau, như trong bài Ai Tư Vãn của Ngọc Hân Công Chúa có vế thơ như sau :

                    Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc,
                    Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương.
                    RÚT DÂY vâng mệnh phụ hoàng,
                    Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy.

     RÚT DÂY còn là từ nói tắt của thành ngữ "RÚT DÂY ĐỘNG RỪNG" hay " Rút Mây Động Rừng"; Ý chỉ : Làm một việc gì đó có ảnh hưởng đến nhiều việc hay nhiều người khác có liên quan. Như trong Truyện Kiều, khi Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư và hãy thú thật hết về chuyện nạp Thúy Kiều làm thiếp ở Lâm Truy. Nhưng khi về đến nhà thấy "Trong ngoài kín mít như bưng" nên chàng Thúc đã "Nghĩ đà bưng kín miệng bình, Nào ai có khảo mà mình lại xưng?" nên mới...

                                 Những là e ấp dùng dằng,
                         RÚT DÂY sợ nữa ĐỘNG RỪNG lại thôi !
        
      RỪNG chữ Nho là LÂM 林, mà chữ LÂM được ghép bởi 2 chữ MỘC 木 là Cây; nên RỪNG là nơi có nhiều cây, dùng rộng ra thì có nghĩa là NHIỀU thật NHIỀU, NHIỀU vô kể ! Trong văn học cổ ta thường gặp các RỪNG sau đây :

     1. RỪNG NHO : Chữ Nho là NHO LÂM 儒林; Ý nói đạo nghĩa của Nho Giáo rất rộng lớn bao gồm tất cả các mặt của đời sống của con người. Nhớ hồi nhỏ lúc mới đi học vỡ lòng với quyển "Vần Con Gà Con Chó" của lớp Đồng Ấu, khi đã qua phần vần ngược thì có bài học thuộc lòng như sau :

                   RỪNG NHO ĐỂ THÁNH khôn dò,
                   Khuyên trò ráng học học cho thành tài.
                   Siêng năng ôn cố ngày ngày,
                   Mỗi khoa mỗi học mỗi bài mỗi nhanh.
                   Chữ rằng Hữu Chí Cánh Thành,
                   Gắng công thì sẽ nên danh có ngày !



    2. RỪNG NHAN KHỔNG : Vì Đạo Nho do Đức Khổng Phu Tử thời Chiến quốc sáng lập; và người học trò giỏi nhất của ông là Nhan Hồi, nên RỪNG NHAN KHỔNG là nhóm từ tiêu biểu cho Đạo Nho và là tiêu biểu chủ đạo cho việc học hành ngày xưa, như câu "RỪNG NHO ĐỂ THÁNH khôn dò" đã nêu ở trên. Trong bài "Tài Tử Đa Cùng Phú" của Cao Bá Quát, ông đã bày tỏ ý chí của mình như sau :

            Nghiêng cánh nhạn tếch mái RỪNG NHAN, KHỔNG, 
                                                      chí xông pha nào quản chông gai!
            Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình, Chu,
                                                      tài bay nhảy ngại gì lao khổ!

    3. RỪNG PHẠN : Chữ Nho là PHẠN LÂM 梵林, chỉ cảnh nhà chùa. PHẠN 梵 là tiếng Phạn, chữ Phạn, một loại chữ cổ của Ấn Độ dùng để chép kinh Phật. PHẠN là phiên âm chữ "brahman" trong tiếng Phạn. Là nguyên lý tối thượng, nền tảng cơ bản nhất của hiện hữu trong tín ngưỡng Vệ-đà. Về sau, "brahman" được nhân cách hóa trở thành một vị thần, và cuối cùng trở thành vị thần hộ pháp trong Phật Giáo. Hình dung từ PHẠN là thanh tịnh , tĩnh lặng. Nên PHẠN CUNG 梵宮 hay PHẠN LÂM 梵林 gì đều dùng để chỉ cảnh chùa yên tĩnh cả. Như trong truyện thơ Nôm "Bích Câu Kỳ Ngộ" có câu :

                    Mảng xem RỪNG PHẠN thú màu,
                    Vầng kim ô đã gác đầu non tây!

              


       Tương tự như RỪNG PHẠN, ta có...

    4. RỪNG THIỀN là THIỀN LÂM 禪林 hay THIỀN MÔN 禪門 đều là những từ dùng để chỉ các cảnh chùa. Phiên âm của tiếng Phạn : THIỀN là Dhyana tức Thiền Na 禪那, chỉ sự yên lặng tuyệt đối, hoặc yên lặng và nghĩ ngợi. Chỉ đạo Phật, hoặc giáo lý nhà Phật. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều gọi là Cơ Thiền : 

                    Cái gương nhân sự chiền chiền,
                Liệu thân này với CƠ THIỀN phải nao. 

       Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì RỪNG THIỀN là chỉ nơi tu hành, chùa chiền :

                   RỪNG THIỀN cõi tĩnh là nhiều,
                Sạch mình chi lọ phải cầu đến ai ?!
        
       Trong văn học cổ hễ nói đến rượu là mọi người đều nghĩ ngay đến Rượu Cúc (Cúc tửu) , rượu Bồ Đào (Bồ Đào mỹ tửu), rượu Quỳnh Tương... Rất ít khi nghe nhắc đến Rượu Kim Tương là KIM TƯƠNG TỬU 金漿酒. Nói cho đủ bộ thành ngữ đó chính là KIM TƯƠNG NGỌC LỄ 金漿玉醴, tên của một loại thuốc tiên uống vào sẽ khoẻ mạnh và trường sanh bất tử. Có xuất xứ như sau :
       Theo "Nội thiên. Bão Phác Tử của Các Hồng đời Tấn" 晉·葛洪《抱朴子·內篇》 có ghi : Có một loài Chu thảo 朱草 mọc trong các nham thạch của những danh sơn, ngâm trong nước sẽ cho sắc đỏ như máu, cho vàng ngọc vào sẽ nhũn ra như bùn, có thể vò thành viên; Ngâm lâu ngày vàng ngọc sẽ tan cả vào trong nước. Nếu ngâm toàn bằng vàng thì gọi là KIM TƯƠNG 金漿; còn nếu ngâm toàn bằng ngọc (đá qúy) thì gọi là NGỌC LỄ 玉醴. Uống hai loại KIM TƯƠNG NGỌC LỄ nầy sẽ được khoẻ mạnh, sống lâu trường thọ. Nên...



       KIM TƯƠNG NGỌC LỄ vốn dĩ là tiên dược, một loại thuốc tiên; sau dùng rộng ra để chỉ rượu ngon, rượu qúy. Trong bài "Văn Tế Nguyễn Biểu" của ông vua Trần Trùng Quang, nhà vua đã dùng RƯỢU KIM TƯƠNG để tế lễ cho vị danh tướng nầy như sau :

                  Lấy chi báo chưng hậu đức, RƯỢU KIM TƯƠNG một lọ, 
                                                                  vơi vơi mượn chúc ba tuần;
                 Lấy chi uỷ thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu, 
                                                                  thẳm thẳm ngõ thông chín suối.

       Nói tóm lại cho dễ hiểu :

          * KIM TƯƠNG NGỌC LỄ là một loại dược thảo màu đỏ được ngâm làm rượu. Còn...
          * QUỲNH TƯƠNG là một loại rượu được ủ bằng các loại trái cây, là rượu cocktail của ngày nay đó vậy !    

       Hẹn bài viết tới !

                                                           杜紹德
                                                         ĐỖ CHIÊU ĐỨC


BÓNG MẸ - THƠ LÊ KIM THƯỢNG



  

BÓNG MẸ 1&2 

1. 

 

Quê hương xa cách bao năm

Hồn Quê theo bóng trăng rằm về đây…

Lũy tre xanh lá ken dầy

Chở che hương đất lên đầy tình quê

Nhớ vườn cây trái sum sê

Tiếng chim gáy gụ gọi về xa xăm

Hương đồng, gió nội thắm đằm

Võng đưa kẽo kẹt, người nằm thong dong

Cánh đồng mùa vụ gặt xong

Vũng bùn vừa cạn mùi nồng gió Tây

Sân phơi thóc mới cuối ngày

Kĩu cà, kĩu kịt gánh đầy hương thơm

Dậy mùi khói khét rạ rơm

Quyện lên mái rạ, bữa cơm, tiếng cười

Thương nhau chín bỏ làm mười

Thảo thơm tình đất, tình người khắc ghi

Nghe trong lời đất thầm thì

Mầm xanh ấp ủ, xanh rì mai sau

Dù cho thương hải, biển dâu

Nhớ sao cái thuở cháo rau… mà tình…

 

 

2. 

 

Con giờ luân lạc mưu sinh

Bóng hình Quê cũ lung linh im lìm

Chập chờn tim giục con tim

Nỗi lòng xa xứ lặng chìm, tỉnh mê

Con giờ một chốn, đôi Quê

Dùng dằng hai lối đi về vấn vương

Mắt nhìn đăm đắm một phương

Bóng tre ngỡ bóng Quê hương thiếu thời

Rưng rưng Bóng Mẹ cuối đời

Lom khom nhạt tiếng ru hời …con xưa

Chiều nghiêng đổ nắng đong đưa

Lắng nghe tiếng võng hát đưa thầm thì

Cuộc đời là những chuyến đi

Nay đây, mai đó, biết khi nào dừng

Con đi trên vạn nẻo đường

Chân trời, góc biển vẫn thương… Bóng Già

Con giờ ở mãi quan hà

Tuổi cao, bóng xế…Ơi à, bâng khuâng

Con ngồi đếm lại gian truân

Chân đi đã mỏi… lòng ngân ngấn lòng…

 

             Nha Trang, tháng  08. 2022

                  LÊ KIM THƯỢNG

 

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

BÊN DÒNG AN GIANG - THƠ NGUYỄN AN BÌNH






 BÊN DÒNG AN GIANG


Em về qua bến Ô Môi

Mỹ Hòa Hưng quê hương tôi

Bên dòng sông Hậu êm trôi

Tháng ngày mưa nắng


Bốn mùa cây trái xanh tươi

Bồng bềnh con nước xa khơi

Đôi bờ nương lúa ngô khoai

Phù sa tươi đỏ ngược xuôi.


Đây cù lao ông Hổ

Nhà lưu niệm bác Tôn

Nhẹ bay theo làn gió

Bốn mùa thơm khói hương.


Thăm từng ngôi nhà cổ

Mái đình ngói rêu phong

Thâm trầm đầy cổ kính

In dấu thời lưu dân.


Ngọt ngào dòng nước Cửu Long

Sáo diều vi vút bên nương

Nghĩa tình gắn bó thân thương

Bếp chiều lên khói.


Đường làng rợp bóng tre xanh

Câu hò điệu lý âm vang

Thuyền về tôm cá thênh thang

Êm đềm sóng nước An Giang.


NGUYỄN AN BÌNH

24/08/2022



Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

HANG ĐẦU GỖ -THƠ TRẦN NHƯ TÙNG & THI HỮU

 



HANG ĐẦU GỖ 


Trn Bch Đng Giang s k ri,

Thuyn Nguyên thng v gic tan thôi.

Cây rng đo cc, nơi này tác,

Quân đi ghìm sông, xác đó phơi.

Chiến thng hào hùng dân thoát khổ,

Lòng người rng r hi mng chơi.

H Long t đó Hang Đu Gỗ,

Tôi bn ta cùng lãm tn nơi.


TRẦN NHƯ TÙNG

 (06-2022)


HỌA: HANG LƯU SỬ


Đng Giang chiến thng đã lâu ri,

Lch s muôn đi rng r thôi.

Xâm lược v tan thuyn sóng dp,

Quân Nguyên xác chết cht đy phơi.

Ly lng mt ci tri Nam chiếu,

Ô nhc gic Tàu hết chnh chơi.

Đu G H Long danh chn đó,

Nghìn năm hãnh din sáng ngi nơi.


HỒ NGUYỄN

 (22-8-2022)