| 04:50 (2 giờ trước) | |||
ĐỌC TẬP THƠ “NGÕ HOA VÀNG” CỦA TTH
Nhà thơ TTH tên thật Huỳnh Tuý Hoa, hiện sống tại Đà Nẵng, chuẩn bị xuất bản tập thơ có tựa đề “Ngõ Hoa Vàng”. Châu Thạch tôi có hân hạnh đi qua “Ngõ Hoa Vàng” của tác giả. Vì cảm xúc bởi trong “Ngõ Hoa Vàng” có những luống hoa thơ tươi đẹp, bắt mắt và gây cho lòng rung động, nên tôi không thể không viết về những gì của vườn thơ sau cánh cổng có hoa vàng ấy.
Cũng như nhiều tác giả, nhà thơ TTH lấy bài thơ “Ngõ Hoa Vàng” làm tựa đề cho cả tập thơ của mình, vì vậy tôi phải nói đến bài thơ nầy trước. Bài thơ “Ngõ Hoa Vàng” vào đề với hai câu thơ “Nắng đã tràn về vương khắp lối/Ngõ nhà ai đã vắng tiếng đàn” cho ta hình dung ngay một câu chuyện tình buồn. Tình đã chia ly để biết bao nhiêu “Mùa thu đã chết trên đồi cỏ” khiến chàng trai cứ đợi chờ rồi tự hỏi trong lòng “Em có về ngang ngõ chờ anh?”. Câu chuyện tình buồn nhưng bài thơ không buồn, bởi bài thơ cho ta ngắm một bức tranh có ngõ hoa vàng tuyệt đẹp và mối tình của một người biết chơi đàn nào đó thi vị làm sao.
Hãy nghe bốn câu thơ buồn đến vô cùng, nhưng ý thơ thì khó tìm lời khen đủ: “Nếu thấy màu hoa vàng nở rực/Trong sân nhà im vắng tiếng đàn/Ta hãy tìm nhau trong ký ức/Dù ngày nắng tắt bóng hoàng hôn”. Ta đã yêu mến chàng trai trong bài thơ “Động Hoa vàng” của Phạm Thiên Thư từ quan để “Lên non tìm động hoa vàng nhớ nhau” thì ta cũng yêu mến chàng trai của TTH không lên non, vẫn chờ em sau ngõ hoa vàng, không đập vỡ cây đàn nhưng để cho cây đàn tắt tiếng.
Chỉ đọc xong bài thơ “Ngõ Hoa Vàng” tôi sẳn sằng bỏ dép để chân trần, làm người khách lạ đi vào vườn thơ sau ngõ hoa vàng của TTH. Bước chân của tâm hồn tôi dạo êm ái giữa hai bờ giấy của mỗi trang thơ. Bây giờ xin mời quý khách hãy bước vào vườn thơ, thử ngắm những bông hoa đẹp trong vườn thơ ấy:
Đọc ‘Ngõ Hoa Vàng” của TTH ta, có thể đoán được mức độ nhạy cảm trong tâm hồn nhà thơ. Nhà thơ tả sự hoài niệm chỉ cần mong manh như một sợi nhưng kỷ niệm quay về như vạn ngàn con sóng:
Thả sợi nhớ vào miền ký ức
Sóng từ đâu xô dạt về đây
… Những sợi nhớ mảnh mai kỳ diệu
Cột yêu thương trên đỉnh mong chờ
Nỗi nhớ trong lòng TTH tuy mãnh mai như một sợi, nhưng nó chính là sợi dây diệu kỳ cột tình yêu một đời trên đỉnh nhớ thương. Nhớ của TTH chưa là nỗi nhớ, chỉ là sợi mà đã làm cho “sóng từ đâu xô dạt về đây”. Vậy, khi nó thành nỗi nhớ kết bởi trăm ngàn sợi thì tâm hồn nhạy cảm kia chắc sẽ thành sóng thần trên biển cả. Không chỉ thế, nhà thơ còn lảng mạn đến độ, biến nỗi nhớ thành màu sắc của loài hoa:
NHỮNG SẮC HOA MÀU NHỚ
Thức giấc dậy thấy màu hoa đỏ
Ngỡ môi thơm sức sống căng tràn
Một khoảng lặng. Nhớ người năm cũ
Tình đã xa từ lúc trăng non.
… Xác hoa rải lối
Gợi nhớ một chiều
Lối về xóm nhỏ
Ngõ vắng đìu hiu.
Nhà thơ lồng tuổi yêu đương của mình trong sắc hoa màu đỏ rồi lồng tình yêu tan vỡ trong xác hoa rãi lối đi. Phải nói răng TTH đã biến cây bút thành cây cọ, phát hoạ một bức tranh màu, với những nét điểm xuyết tài hoa, vẻ niềm vui và nỗi buồn, yêu đương và tan vỡ rất hài hoà, đặt vào trong chiếc khung thời gian của chia ly rất đẹp.
Nhà thơ nào mà không viết vể trăng, có tình yêu là có trăng, với Hàn Mạc Tử thì “Trăng nằm sòng soải trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi” với Xuân Diệu thì ”Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng/ tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang” nhưng với TTH, người sinh sau đẻ muộn thì khác, ánh trăng mở lối cho hương tràn về, ru điệu buồn cho cảnh dẹp, làm cho gió đẩy mây đi và đưa tiếng đàn vào cõi xa mơ:
Ánh trăng đêm mở lối
Cho hương cũ tràn về
Điệu buồn từ đâu tới
Lắng đọng giọt đầy vơi
Hương của mùa trăng cũ
Thơm ngát vườn hoa xưa
Xin mây về với gió
Tiếng nguyệt cầm xa mơ.
(Vườn Hồng)
Đọc trăng của TTH, không phải là trăng của thiếu nữ đương thì như trăng của Hàn Mạc Tử, cũng không phải là trăng êm đềm lót lối đi của Xuân Diệu, mà là một thứ trăng sinh động đầy sức sống tràn lên vạn vật. Trăng trong Thơ TTH là thứ ánh trăng của tình yêu thanh cao, dầu cho tình yêu âý đã trở thành “hương cũ”, nó vẫn tràn về với “điệu buồn lắng đọng”, nó vẫn còn “thơm ngát vườn hoa xưa”, nghĩa là nó vẫn là động lực yêu đời cho tác giả bài thơ, và cho cả chính ta người thấy trăng trong bài thơ ấy.
Nói đến trăng thì nhà thơ thường nghĩ đến mùa thu, chỉ mới một khổ trong bài thơ “Thu Vàng”, nhà thơ TTH đã tả trọn vẹn cảnh và người, chi tiết và tổng quát. Mùa thu được hình dung trong chiếc lá, bàng bạc trong áng mây trôi về đỉnh núi, và cô liêu trong tâm hồn người ngồi lặng ngắm:
Rơi rơi từng chiếc lá rơi
Trong chiều tỉnh lặng đất trời bao la
Mây bay về Hải Vân xa
Có người lạng ngắm bóng tà huy buông
Tả thu như những câu thơ trên đây, không khác gì nghệ thuật vẽ tranh truyền thống. Tác giả đã làm cho cảnh vật tỉnh lặng mang linh hồn sống động của người bằng câu thơ “Có người lặng ngắm bóng tà huy buông”.
Nói đến thu thì nên nhắc một chút đến các mùa khác trong thơ TTH.
-TTH viết về “Mùa Xuân Nơi Sông Quê”:
Nắng xuân trải nhẹ vương đầy lối
Lăn tăn con sóng gợn sông Hoài
… Bên sông muôn sắc màu tràn ngập
Vương vấn lòng ai thuở biệt ly
… Phố xưa in dấu chân mười tám
Guốc mộc khua vang một nẽo về
Bài thơ 16 câu, người viết chỉ trích 6 câu, đủ gợi lên hình ảnh, tâm hồn và cuộc tình của thời đi học tại phố cổ Hội An có dòng sông Hoài với con nước láng lai. Chỉ mấy câu thơ thôi mà ta đã thấy nắng xuân tràn trong kỷ niệm, hình ảnh con sóng sông Hoài, tiếng guốc nữ sinh gõ trên đường phố dội vào thời gian của mùa xuân kỷ niệm những âm thanh thương nhớ đến vô vàn.
-TTH viết về mùa Hạ với “Nắng thắp lửa trên hàng phương vĩ” để nhắn nhủ người yêu thuở học trò “Anh có thấy sắc hoa màu máu/Chảy từ tim se sắt nẽo về”. Cứ mỗi lần Hạ về thì nhà thơ lại xao động con tim khi nhìn thấy “Phượng về in sắc đỏ/Rực sáng một khoảng trời/Gợi lên bao niềm nhớ/Trắng phau tuổi học trò”. Tuy tuổi học trò trắng phau nhưng niềm nhớ trong nàng vẫn se sắt chảy từ tim. Hình như nhà thơ là giáo viên cho nên mùa Hạ có biết bao kỷ niệm vui buồn của cả hai thời kỳ, thời đi học và thời đi làm cọng lại, khiến nhà thơ mỗi khi “Nhẹ nâng cánh phượng hồng rơi rụng” thì cảm thấy “Tóc mây dài sợi nhớ sợi thương”. Nỗi nhơ thương như từng sơi tóc mây dài mà nhà thơ chải suốt một đời sẽ chẳng bao giờ rơi rụng như tóc đâu, bởi nó đã thành thơ và dài thêm cùng năm tháng.
-Mùa Đông trong thơ THH thật sự là mùa đông của cảnh vật và của tâm hồn miền trung: “Ngày đông lạnh đôi môi buồn tím tái/Một chiều xưa rời rã giấc mơ hoa”, “Gió vi vu thổi qua miền quá vãng/Ngày tiễn đưa sương trắng bạc mái đầu”.Mùa đông miền trung da diết vơi tháng ngày mưa rơi rả rích, nhưng với thi nhân, nỗi đau có khi cất cánh cho tâm hồn bay bổng, nhà thơ có cái lý thú nâng chén rượu để nhớ về cuộc tình, để thưởng thức “Rượu chiều đông thấm lạnh cõi tình phai”:
Trương Chi xưa thổi sáo- cố nhân hồi
Chén ngọc vỡ tình tan theo mây khói
Rượu chiều đông thấm lạnh cõi tình phai
Bay về đâu, ơi cánh chim đã mỏi ?
Cho chiều đông chén rượu mãi đầy vơi…
Tập thơ “Ngõ Hoa Vàng” như một vườn thơ tích tụ trăm loài hoa khoe sắc màu của kỷ niêm. Ta đi qua ngõ hoa vàng để ta biết màu của một mối tình làm tắt tiếng đàn, rồi ta đi tiếp vào vườn thơ, sẽ thấy hoa thơ trăm sắc màu, màu của tình yêu thuở học trò, màu bốn mùa xuân hạ thu đông, màu của phố cổ Hội An có bến nước sông Hoài để khi anh quay lại thì “Thuyền neo xứ khác anh nào biết/Sóng dập dềnh đưa chuyến đò ngang” để anh thấy “Lòng bỗng dầy thêm bao nối nhớ/Bóng trăng xưa đã chẳng soi cùng”.
“Ngõ Hoa Vàng” còn viết nhiều về thầy, về bạn, về cuộc sống với những buồn vui, những trăn trở, những điều gây ấn tượng để thành thơ . Thơ trong“Ngõ Hoa Vàng” của TTH chan chứa tình cảm, đậm đà và ý vị, thắm thiết và sâu nặng yêu thương, có tâm hồn lãng mạn nằm trong lễ giáo đáng quý vô cùng. Nhưng thôi, tôi dừng lại ở đây, xin dành nó để trân trọng mời quý vị một ngày nào đó, nếu được, hãy ngao du ngắm khu vườn hoa thơ tình ái mà tôi đã đi qua. Tôi chỉ cởi ngựa xem hoa khu vườn trong “Ngỏ Hoa Vàng” của TTH, nhưng cũng ngất ngây hương vị của nó, xin hái một vài bông hoa đem khoe với mọi người ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét