| 07:17 Th 4, 8 thg 3 (1 ngày trước) | |||
NHỮNG BIỂU HIỆN TIÊU CỰC TRONG TÍNH CÁCH NGƯỜI HÀ NỘI NGÀY NAY
Ngày nay, xu hướng toàn cầu hóa đang tạo nhiều cơ hội và thách thức mà nước ta, thủ đô Hà Nội đang chủ động hội nhập. Ta có nhiều cơ hội tiếp cận tiến bộ khoa học- công nghệ để phát triển đất nước, thoát dần khỏi đói nghèo lạc hậu.
Tuy nhiên bên cạnh đó có nhiều làn sóng văn hoá tràn vào Hà Nội dễ dàng. Mặt trái của lối sống phương Tây, lối sống “hiện đại” đang du nhập vào Hà Nội, mang theo lối sống cá nhân cực đoan, quá sùng ngoại, thực dụng, quá trọng đồng tiền, coi nhẹ văn hoá dân tộc. Điều đó đi ngược lại với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong đổi mới, mở cửa và tác động nhiều chiều của yếu tố ngoại sinh, dân tộc ta và mọi người Hà Nội đang chuyển từ lối sống xã hội thuần nông, từ văn hoá truyền thống sang lối sống văn minh công nghiệp. Trong cuộc sống hiện đại và giao lưu quốc tế, người Hà Nội vẫn giữ gìn tốt bản sắc văn hóa nghìn năm văn hiến. Đó là chất trí tuệ, tình nghĩa, thanh nhã, duyên dáng nhưng không xô bồ thái quá, đồng thời cách tân những quan niệm thủ cựu, bổ xung những giá trị mới phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại. Trong gia đình, lòng hiếu thảo, biết ơn, chăm sóc chu đáo ông bà, cha mẹ khi già yếu được đông đảo người Hà Nội xem là nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của con cháu. Ông bà có con cháu bên cạnh là nguồn động viên tình cảm thân thương, đùm bọc các em chưa thành niên khi cha mẹ qua đời là bổn phận của anh chị trưởng thành. Tình làng nghĩa xóm thân thiết, gần gũi... Đó là nếp văn minh, thanh lịch, ấm tình người của người Hà Nội.
Các giá trị hiện đại, tiến bộ được dư luận Hà Nội coi trọng: Dân chủ, tự do, trí tuệ, khoa học, văn minh, trách nhiệm, danh dự, năng động, sáng tạo, đoàn kết tiến bộ...
Đó là sự đồng thuận về giá trị văn hoá dân tộc- hiện đại, tạo nên sự ổn định, phát triển bền vững kinh tế- xã hội ở thủ đô Hà Nội hiện nay.
Tuy người Hà Nội đã có thêm nhiều đức tính tốt, nhưng một điều đáng tiếc là nét thanh lịch Hà Nội đang bị phá vỡ nhiều mặt, mất đi bao điều tế nhị, thanh tao góp phần tạo nên bản sắc riêng của văn hóa thủ đô.
Đó là lối sống vọng ngoại, sùng bái văn hoá nước ngoài một cách mù quáng, ca ngợi, bắt chước cả những cái dở, cái người ta đang phải loại trừ. Họ ca thán cuộc sống đã nuôi dưỡng họ lớn lên, mơ đến một phương trời vật chất ảo tưởng, hoàn toàn tự do, muốn làm gì cũng được. Mất cái gốc bản sắc dân tộc, họ không còn nhớ đến những nét đẹp truyền thống, những thuần phong mỹ tục của cha ông mà du nhập lối sống tiêu cực vào nước ta.
Đó là lối sống thực dụng, lấy đồng tiền làm tiêu chí hàng đầu, kiếm tiền bằng mọi cách, bắt chấp phải bán rẻ lương tâm, vi phạm pháp luật, đạo đức. Tại Hà Nội đã xảy ra biết bao vụ án đau lòng do những tranh chấp về kinh tế. Khi mà mỗi tấc đất là một tấc vàng thì anh em cũng xảy ra kiện tụng, xô xát về đất đai, có trường hợp xảy ra mâu thuẫn ngay giữa cha mẹ và con cái về kinh tế.
Tiền đã làm cho nhiều người mờ mắt bởi “có tiền mua tiên cũng được”, họ lao đầu vào ma lực của lối sống gấp, ngang tàng, phá phách. Trong số này có những thanh niên “sướng từ trong trứng sướng ra” được cha mẹ nuông chiều hết mức, muốn gì có nấy. Không có sự quan tâm giáo dục đúng mức của cha mẹ, lại sẵn tiền bạc họ ngày đêm lăn lộn trong các quán bar, quán karaoke, vũ trường. Họ trở thành những con mồi ngon cho bọn ma cô, dắt mối đưa đến chiếu bạc, gái điếm, nghiện ngập và bế tắc không lối thoát. Sự vô cảm, tình trạng hoang hóa tâm hồn, sự sa sút về nhân cách ở một số thanh niên có học diễn ra qua một số vụ án nghiêm trọng ở các khu vực xã Kim Liên, khu Văn Chương... là tình trạng đáng báo động trong lối sống, tư tưởng của một số thanh niên Hà Nội hiện nay.
Công nghệ thông tin phát triển mặc dù đem lại những lợi ích to lớn cho loài người, song nó cũng là con dao hai lưỡi bị sử dụng vào những ý đồ xấu xa. Những trang web đen, sex, những trò chơi điện tử bạo lực, những đường chát tìm bạn yêu đương đã làm mê hoặc một lớp trẻ luôn háo hức trước bao điều mới lạ. Đã có rất nhiều điều đau lòng xảy ra sau những giờ bị kích động bởi nội dung đồi bại của một số trang web trên internet.
Ảnh hưởng của môi trường xã hội không lành mạnh làm cho sự tương tác của các thành viên trong gia đình có dấu hiệu khủng hoảng. Cấu trúc gia đình truyền thống thay đổi, cuộc sống chung ba, bốn thế hệ ít đi, còn chủ yếu là gia đình hạt nhân: Vợ chồng và con, cha mẹ già ở riêng tự lo cho nhau, để lớp trẻ được tự do, đỡ vướng bận phải trực tiếp phụng dưỡng. Hầu hết các giá trị như: Tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc, lòng chung thủy... đang bị thử thách, bị chi phối bởi lối sống tự do, bởi ham muốn vật chất, tìm của lạ, lại có điều kiện dễ dàng để thực hiện chuyện ông ăn chả, bà ăn nem. Do đó tỷ lệ ly hôn gia tăng, số lượng gia đình đơn nhất (chỉ mẹ- con, cha- con) gia tăng, những cuộc hôn nhân thử nghiệm (sống với nhau như vợ chồng nhưng không kết hôn) ngày càng nhiều. Tình trạng yêu sớm, quan hệ tình dục sớm ở lứa tuổi vị thành niên là đáng báo động, cho rằng dâng hiến tất cả mới thực sự là yêu, khi có thai thì tìm cách phá thai bằng mọi cách. Theo bài báo trên An ninh thủ đô số ra ngày 17-6-2005 của nhà báo Bảo Ngọc thì ở khu vực Hà Nội theo một công trình nghiên cứu có tới 96% học sinh khẳng định có yêu đương ở tuổi học trò. Trước câu hỏi: Có cho phép quan hệ tình dục trước khi cưới miễn là sẽ tiến tới hôn nhân? Thì có 10% các em trả lời đồng ý; 22% phân vân... Trung tâm phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng cho biết, số các em gái 15- 16 tuổi đến trung tâm nạo hút thai không phải là ít. Trong khoảng 1 triệu đến 1.4 triệu ca nạo phá thai hàng năm có tới 120.000 trường hợp trẻ vị thành niên. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của các em trong tương lai. Việc giáo dục con cái phó mặc cho nhà trường, cho xã hội, do bận bịu việc làm ăn kiếm tiền. Họ quên gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và hoàn thiện nhân cách con người. Chỉ lơ là quản lý cũng có thể tạo điều kiện cho con đến với những thói hư tật xấu. Gia đình phải là trường học đầu tiên giúp con bước vào đời, phát triển đầy đủ về đạo đức, trí tuệ, phẩm chất để trở thành công dân hữu ích cho xã hội.
Đã có một thời tại Hà Nội, người ta thường nghe nói: Ra đường người ngay sợ kẻ gian, ở nhà bố mẹ sợ con cái, ở trường thầy sợ trò... Nhiều nhóm thanh niên mỗi câu nói đều văng ra những lời tục tĩu hay “tự nhiên như người Hà Nội”. Thái độ cục cằn, thô lỗ, biểu thị ý thức không trọng người cũng không trọng mình đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong lớp trẻ, thể hiện trong lời nói, dáng điệu, cách ăn mặc, cử chỉ, hành động.
Thời trang trên đường phố Hà Nội có hàng trăm nghìn kiểu mốt lạ. Hết bắt chước Âu - Mỹ lại học đòi theo diễn viên Hàn Quốc. Nào mắt xanh, mỏ đỏ, nào mi giả, môi trầm... Đâu đâu ta cũng bắt gặp những bạn trẻ bắt chước y hệt cách ăn mặc, trang điểm của các diễn viên Hàn Quốc, mà ít gặp được trên đường phố một bóng dáng mảnh mai, yêu kiều, thanh lịch mà duyên dáng của con gái Hà Nội xưa.
Có nhiều thanh nữ Hà thành khuôn mặt xinh xắn, đáng yêu, nhưng khi vào thăm các di tích, thắng cảnh thì mặc quần áo “thiếu vải”, kệnh cỡm, sờ mó vào hiện vật. Có cô gái vào nhà bia Văn Miếu, mỏi chân ngồi nghỉ lên đầu rùa đá đội bia.
Và trên nhiều đường phố Hà Nội, có những hàng quán ăn uống xô bồ, hò hét ầm ĩ, cả đoàn giơ cao cốc hô “dô dô” rồi uống ừng ực, vừa nhai nhồm nhoàm, vừa cười nói ầm ĩ. Ăn xong, cầm tăm xỉa tanh tách, chẳng cần giữ ý lấy tay che miệng.
Rồi những đám cưới coi bữa tiệc làm đầu, phải làm ở khách sạn mới là sang, mời khách đông mới là quý, tiền mừng thì tính lãi nhiều hay ít. Mặc dù gần đây trong cuộc vận động xây dựng nếp sống mới, việc cưới xin đã được chú ý để tiết kiệm, nhưnh mới chỉ dừng lại trên lý thuyết. Nhiều người còn coi hôn lễ như một chuyến buôn, bắt chấp và xem thường dư luận.
Đến đám tang để chia buồn cùng gia chủ nhưng lại cười nói hồn nhiên, ăm mặc lòe loẹt, chẳng có chút hiểu biết tối thiểu nào.
Tất cả những tình trạng đáng buồn trên chưa phải là tất cả nhưng cũng khá phổ biến nói lên tình trạng xã hội đáng để cho người Hà Nội và những người vốn yêu quý Hà Nội quan tâm. Những tác động xấu mỗi thứ một tý, cứ thấm dần sẽ làm băng hoại tư tưởng tinh thần đạo đức của con người. Điều đáng lo ngại là hầu hết các đối tượng trong các tệ nạn như: ma túy, mại dâm, trộm cướp, đua xe trái phép... đều sinh ra sau chiến tranh, cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, họ cũng là người Hà Nội. Đây chính là thế hệ mà sau này là chủ nhân tương lai của Hà Nội. Do đó, đã tới lúc cần phải nhìn nhận những nguyên nhân và có những biện pháp cụ thể chống lại những biểu hiện không lành mạnh của lối sống xa lạ với thuần phong mỹ tục, xa lạ với truyền thống thanh lịch của người Hà Nội.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319 quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét