CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

NẮNG LÊN XÓM NGHÈO - NHẠC PHẠM THẾ MỸ.







NẮNG LÊN XÓM NGHÈO
Sáng tác: PHẠM THẾ MỸ
Trình bày: PHÚC DUY
 Đạo diễn: Hải Đăng
 Thu Âm: HTS Recordings 
 Mix & Master: Đông Nguyễn Studio 
 Vũ đoàn: Đại Dương
 Make up & Hair: Hiếu Lê
 Dựng phim | Graphic Design: Team Phúc Duy
 Sản xuất: PHÚC DUY ENTERTAINMENT
Copyright ©2024 Phúc Duy Entertainment. All rights reserved.


NGANG QUA TRƯỜNG CŨ - THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ

 




NGANG QUA TRƯỜNG CŨ

Hôm nay nghe nỗi niềm riêng
Khi ngang trường cũ chiều nghiêng nghiêng buồn
Bạn bè mỗi đứa một phương
Chia tay từ buổi mùa hương thu nào.
Đứa thì vui kiếp cần lao
Đứa lo công tác, đứa vào kinh doanh
Đứa thì lấm bụi đô thành
Bôn ba cuộc sống chạy quanh nẽo đời.
Cũng từ lớp học nầy thôi
Mà sao mỗi đứa phương trời khác nhau
Ai đi đâu, ai về đâu
Vẫn là xanh của một màu quê hương.
Chiều nay ngang qua sân trường
Mây về xóm nhỏ, nắng vương cuối trời
Thầy xưa, bạn cũ đâu rồi...
Chỉ âm thầm bước nhớ thời xưa xa.



Ngày Nhà Giáo - Nhớ Một Thời
MẶC PHƯƠNG TỬ.


Thứ Ba, 19 tháng 11, 2024

HAI MƯƠI MƯỜI MỘT - THƠ PHẠM QUANG TRUNG

 


Cre. Dome


HAI MƯƠI MƯỜI MỘT*

ngồi đây rồi nhớ Sài Gòn
nhớ mưa mười một nhớ đường về xa
bấm tay đầy tuổi tôi là
cây khô nhánh mỏi chiều tà bóng ai

ngồi đây bóng rớt xuống ngày
bạn bè chúc tuổi mới hay đã già
tóc râu màu nắng phôi pha
ừ mai dầu có thiết tha cũng rồi

ngụm cafe đắng tê môi
lá rơi ký niệm đầy vơi thuở nào
gõ thìa âm hưởng ly tao
thủy tinh vành cốc biết đau giận hờn

nói khào dăm chuyện cố nhơn
mà nghe sao thế từng cơn não nề
kéo dài sợi nắng lê thê
buộc màu tóc bạc đường quê xa dần

ngồi đây phố thị thật gần
ngựa xe xuôi ngược bao lần nhìn theo
tàn thu lá úa bay vèo
đưa tay đón bắt trong veo hạt sầu

mai ra ở bến sân tàu
chờ xe một chuyến đi vào du ca
hai mươi mười một an hoà
thân du tử ngựa hồng qua sân đình

ngồi đâu lặng lẻ một mình
nhớ hoàng hôn tiếc bình minh trong đời
dăm dòng lục bát đơn côi
bài tưởng nhớ Sài Gòn tôi ngậm ngùi


PHẠM QUANG TRUNG

*ngày thầy giáo ở quê nhà
ngày tuổi tôi đến bên đời (my birthday)


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

TUỔI THƠ NGÀY ẤY - TRUYỆN NGẮN CỦA KHA TIỆM LY

 




TUỔI THƠ NGÀY ẤY

Như đã hẹn, tôi ra sau hè thì thấy thằng Tửng ngồi đợi ở gốc cây sầu đâu bên đất ôn Bảy Nghĩa tự lúc nào. Thấy tôi, nó ngoắc lia lia, miệng gọi không ra tiếng nhưng tôi biết nó nói: “Lẹ đi, lẹ đi!”. Tôi nhìn quanh, không thấy ai, bèn vọt theo nó, đến bờ đìa thì thấy thằng Bé, thằng Xoài ngồi dưới lùm trâm bầu đợi tự bao giờ. Thằng Bé vốn khó chịu, nhăn nhó với tôi:
- Đợi mày thấy mẹ!
Tửng không bằng lòng:
- Tụi mày ở đây mát rượi còn la, tao ngồi đợi nó cả buổi ngoài nắng tao còn không nói kìa.
Trong đám những đứa tụi tôi, tôi khoái thằng Tửng nhất. Nó hay giúp đở bạn bè, không nệ công, và hay “binh” tôi. Trái hẳn với tôi, tôi muốn đi đâu phải xin phép cha mẹ hoặc anh chị, nhưng không lúc nào cũng được cho phép. Chẳng hạn những buổi trưa như thế này thì có nước trốn đi mà thôi! Còn thằng Tửng, tôi thấy thời gian của nó ở nhà chỉ có lúc ăn cơm và lúc ngủ thôi! Tối ngày nó long nhong ngoài đường, với vài đứa bạn mà nó rủ được, bằng không thì một mình, nó cũng tắm sông, mò cua, bắt cá, bắn chim….
Nó lại có nhiều tài vặt, gan dạ, xông xáo, cái gì khó khăn nó luôn làm đầu nên tụi tôi tự bầu nó làm “đầu đảng” lúc nào cũng không biết.
Nó bất hàm về phía thằng Xoài và thằng Bé:
- Tụi bây quơ củi đi!
“Củi” là mấy nhánh trâm bầu bị gãy vụn, khô queo từ lâu.
Trong lúc đó, nó lôi ra từ một hốc bí mật một mẻ nồi bể và gần chục cái trứng vịt. Nó kê bếp bằng ba cục đất sét đã nắn thành hình ông táo từ trước, mẻ nồi bể làm… nồi. Nó không sai tôi mà tự đu mình xuống đìa múc đầy một mẻ nước. Thế là món hột vịt luộc bắt đầu. Nhìn vào bếp nồi tự chế, tôi thích thú lắm. Những nhánh trâm bầu khô lâu ngày chỉ đợi có lửa là có dịp cháy phừng phừng , chẳng mấy chốc nước sôi sùng sục, xô đẩy các trứng vịt vào nhau kêu lục cục. Tôi hỏi câu vô duyên:
- Trứng vịt đâu mà bây có nhiều vậy?
Thằng Bé khó chịu nhìn tôi, nó nghĩ tôi nghi chúng nó ăn cắp. Thằng Tửng đáp:
- Thì vịt chạy đồng đẻ rày thì mình lượm. Bữa nào mày đi lượm với tao.
Một lát nó quay qua bảo thằng Bé và thằng Xoài:
- Được rồi đó! Tụi bây vớt ra để nguội đi! Coi chừng phỏng đó nghe!
Thằng Xoài làm thinh, còn thằng Bé vốn hay nạnh hẹ, bực bội:
- Sao mày không sai thằng An. Mày sai tụi tao hoài vậy?
Trong bọn bốn đứa mà cá tánh mỗi đứa đều mang một bản chất riêng. Thằng Tửng thì như đã nói, thằng Xoài thì cầu an, ít nói, thằng Bé thì nhỏ mọn ganh tị, còn tôi thì bởi con nhà “bán tiệm” nên có chút máu công tử, không làm gì ra hồn. Thế mà cả thời thơ ấu chúng tôi lại luôn bên nhau chơi thân với nhau mới là kỳ! Tửng nói với Bé:
- Nó mà làm được cái gì? Lụi hụi bị phỏng nước sôi thì khổ. Mầy sao ưa nạnh hẹ quá.
Đó là một trong những bữa ăn thịnh soạn của chúng tôi.
Quê tôi lúc ấy nghèo lắm (1956). Nói “nghèo” là nghèo áo quần, xe cộ chớ bữa cơm nào cũng cơm trắng cá tươi (heo còn ăn gạo , huống chi người!).Tôi là con nhà “khá” nhất, lại con nhà “bán tiệm” nên coi sách sẽ nhứt!Trẻ con bốn tuổi còn ở truồng nhong nhỏng, đầu hớt trọc là chuyện thường. Tôi và thằng Bé còn học chữ, thằng Tửng và Xoài đã nghỉ khi xong hết lớp tư. Cha mẹ chúng tôi thời ấy ai mà cho con học để “biết chữ với người ta”, đã là có quan niệm tiến bộ! “Biết chữ” có nghĩa là “biết đọc biết viết”, vì thế, khi học hết lớp tư (lớp hai bây giờ), coi như đã đạt yêu cầu!
Người ta bảo, muốn biết mức sống địa phương ấy như thế nào thì cần xem cái chợ và trường học ở nơi đó: “Chợ” làng tôi là một nhóm người mà kẻ mua người bán không quá ba mươi! Còn trường học thì có hai lớp, lớp năm và lớp tư mà số học sinh chưa bao giờ đạt được sỉ số quy định, và cũng không bao giờ thiếu những học sinh vắng mặt một hai ngày với lý do khá buồn cười: Ở nhà giữ em, phụ “bỏ mạ” cho công cấy, và cả… ăn đám giỗ! Có bạn chín mười tuổi mới vào học lớp năm. “Đồ chơi” trẻ em được hình thành bởi trí tuệ công nghiệp, dù rất đơn giản như trái banh, súng bắn nước là một mơ ước, thèm thuồng của chúng tôi. Nhưng giải trí vốn là nhu cầu nên chúng tôi phải mài mò, tự chế. Lấy dây chuối khô quấn tròn nhiều lớp lại làm banh; lấy ống trúc làm ống thụt để bắn nước. Tìm cái lon sữa bò để làm xe đẩy, hay tìm một cái chai để nuôi cá lia thia cũng khó hơn lên non tìm ngà hay xuống biển tìm ngọc trai! Bởi sữa vốn là thức ăn của con bệnh nhà giàu, và khi dùng xong, họ lại dùng lon không … để lường gạo nấu cơm! Còn chai không, có nhà không có chai đựng nước mắm, dầu lửa thì có đâu để chúng tôi chơi?
Bù lại chúng tôi có những trò chơi giải trí mà “trí tuệ công nghiệp” không đáp ứng được, như thả diều, tắm sông, bắt cá… đã tạo một ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời.
Ăn xong, Tửng lôi ra một bụm đạn vo tròn bằng đất séc, lại bảo Bé và Xoài:
-Tụi bây móc bùn rồi vò một mớ đạn để mai mốt xài. Xong rồi đi ăn vú sữa.
Không phải là lần đầu tiên nên chúng tôi biết việc sắp diễn biến như thế nào?
Với cái ná thun là vật bất li thân mà lúc nào Tửng cũng đeo ở cổ là một dụng cụ vô cùng độc đáo để nó bắn chim và bắn vú sữa. Cũng là vũ khí lợi hại dành cho những con chó dai mồm.
Phải nói nó là tay thiện xạ như thần. Lũ chúng tôi len lõi vào đầu làng đến cuối xóm, đến đâu lũ chó cũng không ưa, chúng tôi đi đàng hoàng mà trong nhà chúng lại ùa ra như muốn ăn tươi nuốt sống. Trong tay nó lúc nào cũng kẹp ba hòn đạn; lập tức nó “pặc…pặc..pặc” ba cái liên tiếp là chúng “ẳng…ẳng” chạy trối vào nhà: Đạn vào mũi vào mắt thì làm sao chịu thấu! Dần dà quen mặt, hễ gặp chúng tôi chúng đều chạy vào cổng lắm lét đứng nhìn.
Núp ở ngoài rào nhà nào có vú sữa, thường là giả bộ nghỉ. Chúng tôi quan sát trái nào thâm kim, lán bóng. Nó “pặc” một cái là “bịch” xuống ngay. Mười lần không sai chạy! Và một thằng chỉ cần tỉnh queo vào lượm. Lượm trái rụng dập nát mà tội tình gì! No bụng, chuyến về thường tàng tàng nói chuyện năm trên, một lần đến hàng rào keo đất lè tè. Tửng bảo:
- Xả bọng tụi bây! Coi thằng nào “bắn” xa hơn.
Lập tức bốn “cây súng” cố sức bắn nước cho xa chừng nào tốt chừng nấy. Bỗng nghe tiếng la:
- Ui a! Ao ụi ây ái ô ình ao? (Ui da! sao tụi bây đái vô mình tao)
Bốn “cây súng” tự động hạ cần. Chúng tôi biết người nói đó là ai, bèn nhảy qua rào, thằng Sứt chìa cái lưng đầy vết roi vọt, và cái đầu còn dính đầy nước đái, lập lại:
- Ao ụi ây ái ô ình ao?
Chúng tôi nhìn nhau ái ngại rồi một lượt cởi áo ra lau cho nó:
- Xin lỗi nha Sứt, tao không thấy mày ở đây.
Sứt là tên của người bạn học cùng lớp năm với chúng tôi. Sau khi “biết đọc biết viết”, nó nghỉ học vì nhà nghèo mà cũng có thể vì chịu không nỗi bao lời châm chọc, bị nhại theo tiếng nói ngọng, và cũng vì cái môi sứt vô thẫm mỹ độc nhất trong làng của nó.
Nhìn chiếc lưng trần đen nhánh đầy vết roi ngang dọc còn rướm máu. Tôi hỏi:
- Lưng mầy sao vậy?
Sứt buồn buồn:
- Ôm a ao ắt ỏ ỏng ủ o âu ăn, ị à ủ ánh. (hôm qua tao cắt cỏ không đủ cho trâu ăn bị bà chủ đánh)
Chúng tôi rưng rưng trong lòng, nó tiếp:
- Ồi ãy, ụi ây ái ô ưng ao, át ạt. (hồi nãy tụi bây đái vô lưng tao, rát rạt)
Chúng tôi lặng thinh, nỗi hối hận len vào trong lòng mỗi đứa mỗi khác, và thấy thương nó vô cùng, nó mới chín tuổi đã đi ở đợ cho người, bị đòn roi tơi tả.
Không biết dũng khí từ đâu, tôi nói với Sứt và lệnh cho ba đứa kia:
- Mầy vô mát ngồi nghỉ, để tụi tao cắt cỏ giùm mầy. Nè tụi bây! Mình phụ cắt cỏ giùm bạn Sứt đi!
Lần đâu tiên tôi ra lệnh và được tụi nó nghe răm rắp./.


KHA TIỆM LY

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

VẤN NGUYỆT - XƯỚNG HOẠ TRẦN VĂN LƯƠNG , ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 


Kính gửi quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:

     Trăng già gửi xác tha phương,

Vì sao phải bỏ quê hương năm nào?

 

Cóc cuối tuần:

 

       

    , 
    .
    , 

    ?

         

 

Âm Hán Việt:

 

        Vấn Nguyệt

Hải để trầm thiên nguyệt, 

Hoàng quang nguyên mạn kiệt.

Nhữ hà biệt cố hương,

Đáo thử phương sinh diệt?

     Trần Văn Lương

 

Dịch nghĩa:

 

           Hỏi Trăng

Con trăng di cư chìm trong đáy biển,

Nguồn ánh sáng vàng dần khô cạn.  

Nhà ngươi vì sao (phải) bỏ quê cũ 

Đến phương này (để) sống chết?

 

Phỏng dịch thơ:

 

                  Hỏi Trăng

    Trăng lưu lạc biển sâu chìm lỉm,

    Ánh sáng vàng tắt lịm đau thương.

        Sao người phải bỏ quê hương,

Để rồi sống chết cuối đường nơi đây? 


                TRẦN VĂN LƯƠNG

                Sydney, 11/2024

 

Lời than của Phi Dã Thiền Sư:   


      Than ôi!           


      Con trăng kia tại sao phải bỏ quê hương, mang theo 

     ánh sáng vàng đến phương này để rồi lụi tắt?

     Tìm hạnh phúc ư? Tìm tự do ư? Để được sống 

     xứng đáng là con người ư?

     Hỏi tức là trả lời vậy!          



           

BÀI HOẠ:

  Dạo :
                         Quê hương trăng sáng ngàn nơi,
                        Dẫu xa vạn dặm không nguôi lòng này.    
      
  故鄉月                 CỐ HƯƠNG NGUYỆT

故鄉懷舊月,        Cố hương hoài cựu nguyệt,
異國猶難竭。        Dị quốc do nan kiệt.
我輩尋自由,        Ngã bối tầm tự do,     
天崖心不滅!        Thiên nhai tâm bất diệt !
           杜紹德                           ĐỖ CHIÊU ĐỨC

* Nghĩa bài thơ :
     - Nhớ mãi vầng trăng xưa ở quê nhà. Nên dù ở nơi...
     - Nước lạ quê người vẫn khó mà cạn lòng mong nhớ.
     - Lũ chúng ta dù mãi mê đi tìm tự do, nhưng...
     - Nơi chân trời góc bể lòng vẫn canh cánh khôn nguôi...

* Diễn Nôm :
                         TRĂNG QUÊ HƯƠNG

                       Trăng quê nhà mãi nhớ, 
                       Đất khách vẫn không quên.
                       Đeo đuổi tự do đó,
                       Góc trời lòng vẫn bền !
        Lục bát :
                       Nhớ vầng trăng cũ quê nhà, 
                       Tha hương xứ lạ không nhòa ánh trăng.
                       Tự do mê mãi truy tầm,
                       Góc trời lòng vẫn âm thầm nhớ quê !

                                     ĐỖ CHIÊU ĐỨC



Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

ĐÊM NGHE BÌM BỊP KÊU - THƠ HUỲNH TÂM HOÀI ,NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN






ĐÊM NGHE BÌM BỊP KÊU
THƠ HUỲNH TÂM HOÀI
NHẠC NGUYỄN HỮU TÂN
HOÀ ÂM LÊ HÙNG
TRÌNH BÀY HUỲNH THANH SANG
VIDEO CLIP HUỲNH TÂM HOÀI


Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

NỖI NIỀM NHẠC CŨ - TRẦN HŨU NGƯ

 


NỖI NIỀM NHẠC CŨ
-Nhạc cũ, có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới không?
Từ năm 1938 đến năm 1975 là 37 năm, nền âm nhạc Việt Nam đã đi một chặng đường khá dài, cũng đã hơn nửa đời người! Và những ca khúc viết trong thời gian này được gọi một cái tên quen thuộc là “nhạc cũ”.
Nhưng nhạc cũ tôi muốn nói ở đây là những bài nhạc viết từ năm 1954 đến 1975 ở miền Nam. Còn nhạc được gọi là “Tiền-chiến” thì có từ 1950 trở về trước? Nhưng nhạc “Tiền-chiến” thì chỉ có ở miền Bắc. Cho đến nay chữ “nhạc Tiền-chiến” có không ít nhạc sĩ kể cả hai miền Nam-Bắc chưa không nhận đúng tên gọi này. Đại khái rằng: “Tiền-chiến” là trước Chiến-tranh, nhưng trước Chiến-tranh nào? Vì Việt-Nam có rất nhiều cuộc Chiến-tranh. (Theo nhận định của nhạc sĩ Việt Lang- ông nổi tiếng trong ca khúc “Tình quê hương” và nhạc sĩ Tô Hải cũng đồng quan điểm này, ông nói, ông chỉ có tình ca trong kháng chiến, chứ không có nhạc tiền chiến. Chỉ riêng nhạc sĩ Lê Thương là ông xác nhận chữ “tiền chiến”)
Trong âm nhạc, từ “nhạc cũ” là chỉ để chỉ những bài hát viết đã lâu, chớ âm nhạc dứt-khoát là không có bài mới, bài cũ, mà chỉ có bài hay và dở.
Bài hát mới được viết ra, nếu hay thì được người nghe nồng-nhiệt đón nhận, còn dở thì nghe qua một lần rồi… bỏ! Bài hát khác thơ, văn, truyện, ở chỗ là chỉ nghe thôi, mà không phải đọc…, đọc một ngày chưa hết, thì ngày sau đọc tiếp, có đôi khi ban đầu chưa hiểu được, đọc một vài lần sau, hoặc có khi vài năm sau người ta mới thấy… hay? Còn bài hát thì ngược lại, nghe qua một lần là biết. Cũng có một vài trường hợp bài hát mang màu sắc triết-lý, dù hay, nhưng người bình-dân ít học không hiểu, thì đành chịu chớ không dám chê dở! (Như người ít học thì không hiểu “Giọt mưa trên lá” của Phạm Duy, “Ngọc Lan” của Dương Thiệu Tước và “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn)…
Tôi thuộc thế hệ già nua, không nghe được nhạc mới, còn người trí thức trẻ ngày nay không biết có nghe được nhạc cũ không? Nếu cần, thì phải có một nghiên-cứu, một luận-án, một cuộc điều-tra, tìm xem nhạc cũ có phải là thứ nhạc nó lỗi-thời chăng, hay một lý do nào khác mà ngày nay “không có con đường âm nhạc dành cho nhạc cũ?”.
Còn riêng cá nhân tôi, không nghe được nhạc mới của một số nhạc sĩ mới vì… theo tôi, bài hát quá dở, còn người khác thì cho là hay, bởi họ chạy theo một thứ văn hóa mà riêng tôi, tôi gọi là VĂN HÓA HÙA, và tự đặt là “Văn hóa Hùa phi vật thể”, cũng vì dở mà cho là hay, nên tác giả và bài hát sống được, sống khỏe!
Cố gắng nghe, nhưng nghe không biết họ viết về cái gì, không để lại một ấn tượng gì, mà câu từ chỉ là một bài văn cấp hai, một bài thơ “Câu-lạc-bộ” (xin lỗi), nghĩa là nghe xong một bài hát rồi… trớt quớt!
Tôi thường viết “cảm nhận về nhạc”, có đôi khi thật lòng tôi muốn viết về một bài hát mới, nhưng “can-đảm” lắm tôi mới nghe hết một bài hát mới, của nhạc sĩ mới. Nghe nhạc, mà phải “can-đảm” thì còn khó hơn… đánh giặc!
Tôi nghe nhạc cũ như nghe “một nỗi niềm”, nghe những chan-chứa yêu thương ùa về, nghe những khắc-khoải sầu đưa, nghe nhạc cũ như nghe một kỷ-niệm, những ấp-ủ được mở ra… Nhạc cũ nhiều quá, tôi xin mượn bài hát “Kỷ niệm xa rồi” của Nguyễn-Hữu-Thiết, để nghe, như nghe một nỗi niềm, nghe-kỷ-niệm (Nguyễn Hữu Thiết thành công ở hai phương diện Nhạc sĩ và Ca sĩ):
“… Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Thời gian cuốn như giòng nước trôi
Còn tìm đâu giây phút bên nhau
Nhìn trăng lên trong những đêm thâu
Gửi tâm tư cho mây cùng gió
Kỷ niệm ấy hôm nay xa rồi
Để xao xuyến cho tình lứa đôi
Còn tìm đâu tiếng sóng rung rinh
Nhìn biển khơi trăng nước lung linh
Đời phơi phới biết bao mộng xinh
Đêm nay gió về làm buốt giá cung đàn
Chạnh lòng tôi thêm bâng khuâng
Nhớ ai phương trời xa
Luyến lưu bao ngày qua
Kỷ niệm ôi thiết tha!
Như tình trăng với sao
Mà nay biết tìm đâu?
Kỷ niệm ấy hôn nay xa rồi
Đành ôm ấp để lòng biết thôi
Đàn lên đi cho nhớ thương nguôi
Cười lên đi cho thắm đôi môi
Đời còn bao nhiêu mộng đẹp tươi…”
Khi nghe lại nhạc cũ, cho tôi nhiều kỷ niệm thương nhớ khôn nguôi. Nhạc cũ nó ở trong tim thế-hệ từ trẻ cho đến già trước 1975. Nhạc được giữ lại trong những băng dĩa cũ, còn đâu đó rất nhiều ở miền Nam, ở nước ngoài. Những người xa quê hương, họ mang theo để nghe, để nhớ đất nước và con người Việt-Nam.
Nếu không chọn-lọc cho hát lại nhạc cũ, thì chắc chắn rằng vài mươi năm sau nữa, nhạc cũ sẽ biến mất, và những người trẻ sau này nghe nhạc mới, của nhạc sĩ mới cứ tưởng rằng nhạc Việt-Nam chỉ có vậy, thôi sao, sao nghèo nàn thế và eo-sèo đến thế? Những ca từ hời-hợt, những triết-lý làm dáng trí thức, có đôi khi vô duyên… được gắn vào nốt nhạc cao thấp, phân nhịp, thế là thành một bài hát, vì “bài hát đâu chỉ là những nốt nhạc ?”.
Viết một bài hát hay đâu có dễ? Tôi đã từng phỏng vấn nhạc sĩ Lê-Hoàng-Long về bài “Gợi giấc mơ xưa”. Hỏi rằng, anh viết “Gợi giấc mơ xưa” hay quá, sao anh không viết tiếp? Anh trả lời rằng: Anh có viết tiếp, nhưng những bài sau này dở quá, nên đã giết chết bài trước… Tôi cũng thành thật nói với anh rằng: Không phải bài sau nó dở nên giết chết bài trước, mà nó làm “mất giá” nhạc sĩ. Thà chỉ một bài để đời, chỉ một bài cũng trở thành nhạc sĩ như: Gái xuân (Từ-Vũ), Trăng mờ bên suối (Lê-Mộng-Nguyên), Đường chiều (Hồng-Duyệt), Trăng Phương Nam (Anh-Hoa), Đường về Sài-thành (Hoàng-Khải)… Và một số nhạc sĩ khác, mỗi người chỉ có một bài, mà tôi không thể nhớ hết.
Khi nghe nhạc cũ, thoáng trong tôi những bâng khuâng, có khi rưng-rưng nước mắt. Nhạc cũ ra đời cách đây đã bảy, tám chục năm, nhưng nghe lại vẫn thấy như gần đâu đây.
Tôi nghĩ rằng, bài hát nào khi nghe lại, cho ta nhiều kỷ-niệm của tình yêu hợp-tan, damg-dở, tái hiện Chiến-tranh có sống, có chết…, không hư-cấu, không làm dáng, không bỗng dưng mà có…, thì đó mới là “Những bài ca không bao giờ quên”
Thú thật rằng, nghe nhạc mới của một số nhạc sĩ mới mà phải “can-đảm” thì tôi không can- đảm được, thà rằng “cam-lòng” nghe nhạc cũ.
Nhạc cũ, có những bài “không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, sao không được hát lại, tại sao?
Đó là một câu hỏi vô cùng thú vị, có dịp, tôi sẽ trở lại đề tài này!

TRẦN HỮU NGƯ

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

GẦN NHAU - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG





GẦN NHAU


 Gần là xoắn xuýt nhau thôi

Bù bao nhớ đứng thương ngồi khi xa.
Thoáng ngây ngất chút la đà,
Ô hay em đã hôn ta mặn nồng.

Tầm xuân nụ biếc đơm bông,
Vòng ôm bảy sắc cầu vồng dấu yêu.
Ta chơi vơi giữa ráng chiều,
Rạng ngời em nét yêu kiều còn đây.

Trăm năm một phút giây này,
Rượu nồng chưa nhắp đã say men tình.
Mơ màng một cõi u linh,
Lòng riêng mê mẩn một hình bóng em.

Cho nhau góc nhỏ êm đềm,
Một mình anh một mình em đôi mình.
Giao hòa trời đất phút linh,
Đã làm nên một mối tình thăng hoa.

Lim dim mắt mở thiên hà,
Đã lâu đắm đuối đôi ta chẳng rời.
Em à ơi! Anh à ơi!
Gió chiêm bao thổi rạng ngời mặt nhau.


TRẦN NGỌC HƯỞNG


Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

ĐÂU CỨ GÌ PHẢI BUÔN MA THUỘC ? - TỪ KẾ TƯỜNG

 




ĐÂU CỨ GÌ PHẢI BUÔN MA THUỘT?

Quán cà phê ở Sài Gòn chắc phải tính tới con số ngàn, chỉ riêng cho loại cà phê hộp, sang trọng hoặc có chút hơi hám sân vườn theo mốt cà phê hiện nay ở thành phố. Tuy nhiên để chọn cho mình một quán cà phê thích hợp để ngồi thư giãn, nhấm nháp tách cà phê không tẩm ướp, pha hương liệu, hóa chất từ chợ Kim Biên quả thật vô cùng khó khăn như chọn một cô gái ngồi nói chuyện mà không bị sốc. Sau khi la cà hàng chục hay có thể nói hàng trăm quán cà phê ở Sài Gòn tôi cũng may mắn chọn được cho mình một quán cà phê tương đối phù hợp với tính cách của mình lui tới bất cứ khi nào rảnh rỗi trong ngày.
Quán nằm ở mặt tiền một con đường lớn và đẹp ngay khu trung tâm tính theo “số nhà” không có “suyệt” nhưng lại nép mình trong con hẻm cụt, rộng vừa đủ cho một xe ô tô con vào được. Và bên trong quán, chu vi không gian rộng, nhiều cây xanh, có những bậc tam cấp đá sần sùi một cách cố ý, hồ nước, những dãy bàn ghế thấp dưới đất, trên lầu và gác trống theo kiểu thiết kế quán cà phê nửa là “hộp”, nửa sân vườn, tăng cường tối đa khoảng không gian xanh, đầy ắp khí trời, lồng lộng gió mây và lung linh nắng.
Quán cà phê theo tôi như thế là quá đẹp cho những ai thích đắm mình, thả lỏng tâm hồn vào phút giây thư giãn hay đôi khi chỉ muốn ngồi im lặng để chính mình…là mình. Vì thế tôi thường tới quán cà phê này ngồi với hai, ba người bạn thân, ngồi một mình trong buổi sáng sớm hay lúc chiều tối, có khi giữa trưa. Nhưng thích nhất vẫn là lúc chiều tối.
Tôi là một người thường hay buồn. Nhưng ngẫm lại người thường hay buồn, mang sẵn gương mặt buồn trong thành phố này đâu chỉ có mình tôi? Người ta buồn đủ thứ, vì có quá nhiều chuyện, đủ thứ vấn đề để cho người ta buồn. Đôi khi cũng chỉ là thời tiết, và thời tiết ở Sài Gòn lúc chuyển mùa nền trời thấp xuống, mây bàng bạc, sương như khói xám, gió se lạnh trong nắng hanh vàng màu mật ong và tâm trạng quẩn quanh đường ngang, ngõ tắt của đời sống với những thứ đã làm được thì ít mà dang dở còn nhiều, bạn bè thân thiết thưa dần, người yêu cũ bỏ ra đi, kinh tế khó khăn, tình tiền ma quỷ ám thì ai không mang gương mặt buồn như diễn viên nhập vai bi kịch mới lạ. Và chắc tôi cũng có sẵn một gương mặt buồn như vậy.
Xin đừng ai hỏi tôi một câu mà tôi rất ghét:"Tại sao anh làm thơ buồn quá vậy?".Thường với câu hỏi này tôi luôn giữ im lặng nhưng hôm nay tôi trả lời và mong rằng sẽ không còn ai hỏi tôi câu này một lần nào nữa. Từ cổ chí kim, thơ tình yêu nói riêng và thơ nói chung đều buồn, vì buồn người ta mới làm thơ. Nếu vui thì người ta ... hát karaoke hoặc tấu hài chứ lòng dạ nào mà ngồi đó làm thơ tình? Hoặc, thơ vui chỉ có thơ biếm, thơ ngâm giấm, thơ ngâm ớt giễu cợt tiêu cực xã hội, thói hư tật xấu thiên hạ. Gần đây có vị lãnh đạo nọ làm thơ "chính trị" mà đọc rất vui, bởi thơ không ra thơ. Tôi kết luận: Chỉ có thơ không ra thơ mới vui.
Sài Gòn tôi đã sống từ nhỏ, lớn lên lập nghiệp, rồi... xả nghiệp trở lại quê nhà. Nhưng tôi vẫn thường xuyên lên Sài Gòn như đi chợ. Cứ có công việc là lấy xa honda phóng đi bất kể mưa gió, bão tố, sáng, trưa, chiều, tối. Dọc đường lên Sài Gòn, dọc đường từ Sài Gòn về quê, hay ở lại Sài Gòn nhiều ngày tôi thấy Sài Gòn sau này chẳng có gì vui. Ai nấy ra đường đều bịt khẩu trang kín mít, áo chống nắng có nón trùm đầu, có người đeo cặp kính đen rất hình sự. Các cô gái mặc váy còn trùm cả cái khăn dài che chân, Sài Gòn ra đường ai biết ai, ai quen ai, ai thân thiết với ai trong bộ dạng Ninza tôi chết liền.
Ngày nắng đã như vậy, ngày mưa thì sao? Sài Gòn mưa xuống là ngập, huống gì những ngày có bão vào biển Đông, có mưa áp thấp? Sai Gòn ra đường là kẹt xe, gặp mưa, đường sá thành những dòng sông uốn quanh xe cộ càng kẹt cứng, người bì bõm dắt xe lội sông trùm áo mưa thụng thịnh, lúc đó làm sao tìm được những gương mặt vui mà không buồn?
Tôi cũng mới ở Sài Gòn về, cũng đã nếm đủ cảnh Sài Gòn náo động âm thanh, khói bụi, kẹt xe, bì bõm mưa ngập, ngồi quán cà phê, lang thang các nẻo đường, góc phố, góp gương mặt buồn của mình vào những gương mặt chẳng ai vui của Sài Gòn nên gấp rút lo công việc rồi gấp rút trở lại quê nhà, bỏ lại Sài Gòn với những gương mặt buồn muôn thuở. Đâu cứ gì phải... Buôn Ma Thuột? (Cách nói trại của Buồn Muôn Thuở)



TỪ KẾ TƯỜNG