CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2024

MÙI TẾT - TRẦN HỮU NGƯ

 




MÙI TẾT…

Tôi mất mùi Tết từ những năm rời bỏ thôn quê để về thành thị. Thật khó diễn tả bằng lời rằng cái “mùi Tết” ấy là mùi gì, chỉ có người nhà quê mới ngửi được, khi trên bàn thờ trưng bánh trái, hoa quả chuẩn bị cho chiều 30 cúng ông bà. Mùi Tết là một thứ mùi khác với mùi hương mà chỉ trong năm ba ngày Tết ở nhà quê mới có. Dù sống ở đâu, những ngày giáp Tết, những lo toan, phiền muộn cũng tạm gác một bên, chờ ra giêng rồi hãy tính, lo ăn Tết cái đã!… Tôi xa quê đã lâu, trong mỗi chúng ta, dù bất cứ ở nơi đâu và cho dù đời sống có khó khăn thế nào, nhưng vẫn phải ăn Tết trong những điều kiện mà mình có được, vì dẫu sao, mỗi năm chỉ có... một lần Tết!
Tết nông thôn vui hơn thành thị, chỉ việc 30 Tết nghe tiếng eng éc của heo là nhớ nồi thịt kho măng cuốn bánh tráng, tiếng quang quác của gà là biết thực đơn, trước sân nồi bánh tét sôi sùng sục ngun ngút khói, những hình ảnh ấy nông thôn mới có mỗi năm một lần. Nhìn nông thôn vào Tết như khoát lên mình bộ áo mới, ngoài vườn cây cỏ đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi, trong nhà lư đồng, nồi niêu xoong chảo, chén bát, ly tách, cửa nhà… sáng choang, và hình như Tết người ta rộng rãi hơn, yêu thương hơn, và từ bi hơn!
Sài Gòn cách quê tôi non hai trăm cây số, một tỉnh cuối Trung đầu Nam, nhưng với thời buổi “tốc độ” và phương tiện hiện đại như hiện nay thì hai trăm cây số ấy chẳng “nhằm nhò” gì cả, ấy vậy mà bao nhiêu năm rồi lại không về được để ăn Tết chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Trong tâm thức mỗi người, cho dù ai có sang giàu đến đâu, nhưng ăn Tết trên mảnh đất quê hương thứ hai thì cũng thấy bớt đi thi vị của ngày Tết, không như ngay chính nơi mình sinh ra và lớn lên, đầy ắp những kỷ niệm của những ngày đầu trên, xóm dưới, nhà nhà, người chộn rộn chuẩn bị ăn Tết.



Tôi ăn Tết ở Sài Gòn mấy chục năm qua tuy không đến nỗi nào, nhưng nói thật với lòng mình rằng vẫn cảm thấy thiêu thiếu cái gì ấy... Vật chất, tình cảm, tinh thần? Không. Không thiếu. Chỉ thiếu... mùi Tết mà ở bất cứ nhà quê nào cũng ngửi được cái mùi Tết ấy.
Tôi là một đứa bé con nhà nghèo, “...Mới tháng ba đã ngóng mong đến Tết! Để được ăn cơm no có thịt. Một bữa một ngày...” (Thơ Phùng Quán). Trong tôi, Tết, để được mặc quần áo mới, được ăn ngon, ăn no hơn ngày thường. Thanh niên, thiếu nữ và trẻ con ngày nay “ngày nào cũng là Tết”, nên không có cái chờ đợi Tết như chúng tôi ngày xưa, chờ đợi, háo hức, nôn nao, sáng mùng Một là diện quần áo mới đi khoe, còn phải cắt tóc chải đầu láng mượt!
Năm ba ngày Tết, dù giàu hay nghèo cũng phải ráng có hoa quả đơm trên bàn thờ tổ tiên, sắm một mâm cơm cúng chiều ba mươi Tết. Ngày ấy… tôi quanh quẩn bên mâm cúng, nhìn những cây nhang, mong chúng mau tàn (thường thì nhang tàn, coi như tổ tiên ông bà đã xơi xong) nhìn con gà, miếng thịt mà thèm chảy nước miếng, đợi người lớn nói “xong rồi, dọn xuống” là như mở cờ trong bụng “ăn một bữa có thịt”, và những ngày sau đó lại trông mau hết Tết để... được ăn những đồ cúng trên bàn thờ!
Mỗi gia đình người Việt đều có cái bàn thờ. (Các dân tộc khác trên thế giới có hay không thì tôi không biết). Tùy theo cách xếp đặt của gia chủ, nhưng bàn thờ bao giờ cũng được để ở nơi quan trọng (nhìn bàn thờ, người ta có thể đoán được thành phần xuất thân của gia chủ) và cho dù chủ gia có thuộc thành phần nào đi chăng nữa, như trí thức, bình dân, sang hèn, giàu nghèo... tất cả đều mang nét tâm linh như nhau khi đứng trước bàn thờ! Tuy nhiên, chỉ ở nhà quê cách đặt để bàn thờ đều giống nhau: Bước vào nhà, việc đầu tiên là thấy cái bàn thờ ở chính giữa, còn hai bên và phía sau là những thứ khác... và một truyền thống có từ lâu đời, là trong những ngày Tết trên bàn thờ những món bắt buộc, phải có là chuối sứ, đây là loại chuối bình thường hằng ngày đều có, nhưng trong những ngày Tết nó có giá lắm, và người ta phải dặn trước từ rằm tháng 12 âm lịch và chiều 30 Tết mới chặt về đơm trên bàn thờ cùng với bưởi, cam quít, hoa vạn thọ, bánh cốm (loại bánh làm bằng nếp rang, trộn đường, đóng thành hộc, hình vuông hay hình chữ nhật, làm thủ công. Ngày nay quê tôi ít ai ai làm loại cốm này mà chỉ việc ra chợ mua cốm công nghiệp, cứng như đá và không có… mùi!). Mùi hoa vạn thọ, mùi bưởi, mùi nhang, mùi cốm, mùi chuối… những mùi rất “nhà quê” ấy quyện vào nhau bay quanh quẩn trên bàn thờ rồi lan tỏa xung quanh tạo thành một mùi rất đặc trưng là... mùi Tết. Mùi Tết chỉ có vậy, và chỉ những ai đã từng sống và ăn Tết ở quê mới cảm nhận được cái mùi Tết, xa quê, mỗi khi Tết về lại nhớ cái mùi ấy, nó là loại mùi chớ không phải là hương!
Cũng vì nhớ cái mùi Tết ấy, nên có lần Tết đến, tôi tạo cho mình một không gian nhỏ để làm chiếc bàn mà trên đó tôi trưng bày những món nhà quê giống từ thập niên 60 như hồi còn ở quê, thậm chí cốm Tết, thứ đặc sản còn sót lại của những gia đình hoài cổ chỉ đến Tết mới làm, tôi đặt mua từ Phan Thiết, cốt chỉ để chỉ nghe được… mùi Tết, nhưng tôi thất vọng vì không nghe thấy như ở quê mình của thời chưa “nông thôn hóa thành thị”. Có lẽ, mùi thành thị quá mạnh đã khỏa lấp cái mùi nhà quê ấy chăng? Mà thật lạ, cũng cùng những thứ ấy bày biện trên bàn thờ của nhà một người bạn ngoài quê, bước vào là nghe có mùi Tết ngay!
Đến Tết ở nhà quê, nhà nào cũng có hoa vạn thọ, đây là thứ hoa chủ lực, “hoa tổ tiên” biểu hiện nếp sống lâu đời (vạn thọ), hoa không phải để trang điểm mà để cúng trên bàn thờ. Lá vạn thọ có thể làm rau chấm nước cá kho, ăn nghe có mùi hăng hắc, cay cay, đăng đắng.
Còn chuối sứ phải là thứ chuối trái “u-nu-úp-núp”, chín hườm từ trên cây chặt xuống, o bế đừng để trầy xước, đơm trên bàn thờ, và sau năm ba ngày Tết là chuối chín rục ăn không hết đem ép, phơi khô, để dành đến tươm mật, ăn lai rai ...
Bây giờ, Tết trên bàn thờ không còn ai đơm chuối sứ, hoa vạn thọ nữa và thay vào đó là những thứ hoa trái đắt tiền, những đồ ăn thức uống được dán kín toàn là đồ ngoại nhập, thậm chí hai cây đèn cầy bằng điện, cây nhang cũng bằng điện... xanh đỏ chớp tắt suốt ngày đêm. Nếu ông bà có hiện về, thấy cảnh này chắc cũng phải chau mày, sửng sốt vì lúc sanh tiền họ chưa từng thấy những thứ này!
Những đồ ăn thức uống ngoại nhập đắt tiền chỉ là “hương” của ngày Tết hòa bình chớ không phải “mùi” Tết của những năm tháng chiến tranh. Nhưng sao tôi vẫn nhớ cái mùi ấy mỗi khi xuân về, mặc dù chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, và tôi đã bỏ xứ mà đi nên đã mất mùi Tết từ độ tha phương ấy… Cái mùi Tết tuy dẫu chỉ là mùi của cây nhà lá vườn, nhưng là mùi rất đặc trưng của dân quê mà tôi ngửi được, thấy được… từ đồng chua nước mặn!


TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: