CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

TRONG NGẦN HỒN QUÊ - THƠ TRẦN NGỌC HƯỞNG

 



TRONG NGẦN HỒN QUÊ
Tưởng nhớ Nguyễn Bính

Cùng sinh ra ở chốn quê
Lại cùng một giống đam mê,..nòi tình
Tôi dù thuộc lớp hậu sinh
Cũng hoa chanh giữa vườn chanh đó mà …
Ngại gì muôn dặm cách xa
Một thân lặn lội tìm ra thăm Người!

Đâu xanh rờn giậu mồng tơi?
Đâu con bướm trắng, đâu người hong tơ?
Giang hồ… day dứt từ xưa
Sang ngang lỡ bước gió mưa đâu thời?
Còn đây nấm mộ Người thôi
Vườn hoang lá trút, trắng trời mây bay…

Sài Gòn Rạch Giá cạn ngày
Chín năm đốt đuốc theo ai soi rừng
Chiêm bao tỉnh giấc rưng rưng
Thôi rồi ơi hỡi thi nhân thôi rồi!
Đọc thơ xưa lại bồi hồi
Buồn thương đeo đẳng mãi người tài danh

Nằm đây xa chốn kinh thành
Thi nhân gặp lại chính mình thi nhân
Phong trần đã mấy phong trần
Tình yêu đã lại trong ngần nghìn năm
Bao la gió nội hương đồng
Hồn quê thơm ngát trong ngần hồn quê


TRẦN NGỌC HƯỞNG


Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

TỨ ĐỖ TƯỜNG - PHIẾM LUẬN ĐỖ CHIÊU ĐỨC





Giai Thoại Văn Chương : 
                                     TỨ ĐỔ TƯỜNG


                                     Tô Đông Pha và Phật Ấn Thiền Sư

       Hồi nhỏ, thường nghe người lớn la rầy các chàng thanh niên thích ăn chơi trác táng là :"Cái thằng đó hư thân mất nết, TỨ ĐỔ TƯỜNG cái gì cũng biết, cũng rành, cũng mê hết á !". Tôi nghe không biết "TỨ ĐỔ TƯỜNG" là cái gì, chỉ đoán lờ mờ chắc là cái gì đó xấu xa lắm, bèn chạy đi hỏi "Bác Sáu" là thầy dạy chữ Nho cho tôi. Bác nói rằng :"Rán học vài năm nữa đi, lớn một chút nữa rồi bác mới giảng cho mà nghe !". Bây giờ thì tôi đã "lớn hơn chút nữa" rồi, nhưng Bác Sáu cũng đã ra người thiên cổ rồi. Đành "lên mạng" hỏi ông Google vậy !

       TỨ ĐỔ TƯỜNG 四堵牆 là gì mà nghe có vẻ xấu xa làm vậy ? Tra từ điển, thì ra TỨ 四 là số 4; ĐỔ 堵 là Mạo từ, có nghĩa là Bức, Tấm; TƯỜNG 牆 là Vách. Nên TỨ ĐỔ TƯỜNG 四堵牆 là "Bốn bức tường, là Bốn tấm vách" thế thôi, đâu có gì "ghê gớm" đâu ! Ấm ức quá, mới lên mạng hỏi ông Google... À, Thì ra "TỨ ĐỔ TƯỜNG 四堵牆" không có gì xấu xa cả, mà còn là một "Giai thoại Văn chương" cái mới "lý thú" chứ !!! Mời  tất cả thân hữu cùng đọc cho vui...

                    
                        TỬU, SẮC, TÀI, KHÍ.                                    

       Như có lần tôi đã giải bày là trong "Đường Tống bát Đại gia 唐宋八大家"(Tám người giỏi tản văn nhất đời Đường và đời Tống) thì cha con của Tô Lão Tuyền 蘇老泉, Tô Thức 蘇軾, Tô Triệt 蘇轍 chiếm hết "ba ghế" rồi. Không nói đến hai người kia, ta chỉ nói đến TÔ THỨC mà thôi. 

      TÔ THỨC 蘇軾(1037—1101)tự là Tử Chiêm 子瞻, hiệu là Đông Pha Cư Sĩ 東坡居士, nên người đời thường gọi ông là TÔ ĐÔNG PHA 蘇東坡. Ông không những giỏi văn mà còn giỏi về thơ và từ nữa. Kết giao rộng rãi, nên có một người bạn rất thân là Phật Ấn Thiền Sư 佛印禪師, hai người thường hay đối đáp văn thơ và xướng họa qua lại với nhau.
      Một hôm, Tô Đông Pha rảnh rỗi nên tìm đến Tướng Quốc Tự ở Kinh đô thăm Phật Ấn để cùng trao đổi văn thơ hay đàm luận về thiền học. Chẳng may Thiền sư đi vắng, Tô Đông Pha bèn ngồi trong thiền phòng uống trà đợi bạn. Chợt nhìn lên vách có một bài kệ mà Phật Ấn Thiền sư đã viết lên đó như sau :

                 酒色財氣四堵牆, TỬU, SẮC, TÀI, KHÍ.  
                 人人都往裡邊藏;   Nhân nhân đô vãng lý biên tàng. 
                 誰能跳出牆圈外,   Thùy năng khiếu xuất tường khuyên ngoại,
                 不活百歲壽也長。   Bất hoạt bách tuế thọ dã trường.
* Có nghĩa :
        - Rượu chè, Sắc đẹp, Tiền tài, Tính khí là bốn bức tường, mà...
        - Người người đều bị nhốt trong bốn bức tường đó. Nếu như có...
        - Ai đó nhảy ra khỏi được cái vòng tường đó, thì...
        - Không sống đến một trăm tuổi, cũng phải là trường thọ lắm.

* Ý thiền của bài thơ là :
       Thích rượu chè nhậu nhẹt (tửu), mê sắc đẹp chơi bời (sắc), tham hoạnh tài cờ bạc (tài), hay nổi nóng hơn thua (khí). Bốn thứ nầy, Ba thứ thuộc về thực thể : Sờ mó thấy được; Một thứ thuộc về tinh thần, chỉ cảm nhận và khống chế mà thôi. Và một điều đáng đề cập là : Thứ nào cũng có mặt TỐT mặt XẤU của nó cả ! Này nhé...
    - TỬU 酒 là RƯỢU CHÈ : Ta thường nghe câu "Nam vô tửu như kỳ vô phong 男無酒如旗無風" Đàn ông mà không có rượu thì như lá cờ mà không có gió vậy : rũ xuống trông rất thảm hại, có gió lá cờ sẽ tung bay phất phới trông rất hùng dũng hiên ngang. Nhưng, tối ngày cứ nhậu nhẹt rượu chè hoài thì sẽ "Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thị 酒入心如狗逛在市" là : Rượu vào bụng rồi thì như con chó điên chạy nhong nhong ngoài chợ; Vô tích sự và nếu suốt ngày chỉ biết nhậu nhẹt thì sẽ không làm ăn gì được cả !
    - SẮC 色 là NỮ SẮC 女色. Đàn ông mà không tha thiết gì đến nữ sắc, thì làm sao có tình yêu, làm sao sinh con đẻ cái để nối dõi tông đường và để nối dõi cho... con người. Ai cũng "pê-đê" hết thì con người sẽ đi đến bước diệt vong mà thôi. Nhưng, "Sắc bất ba đào dị nịch nhân 色不波濤易溺人" là Nữ sắc không có sóng to gió lớn gì cả nhưng dễ làm cho người ta chết đuối ở trong đó. Sóng mắt giai nhân dễ làm chìm đắm con người. Biết bao nhiêu vua chúa ngày xưa mất cả non sông đất nước chỉ vì chữ SẮC nầy.
    - TÀI 財 là TIỀN TÀI 錢財. Người đời thường kháo nhau :"Có tiền mua tiên cũng được !" Có Tiền là có tất cả, Tiên trên trời còn mua được, huống là... Và Có tiền thì sẽ có TỬU và có SẮC một cách dễ dàng ! Có tiền sẽ có đời sống giàu sang phú quý, nhà lầu xe hơi, lên xe xuống ngựa... Ai mà không thích ?! Nhưng, "Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo 君子愛財,取之有道". Có nghĩa : "Người quân tử cũng yêu tiền tài, nhưng chỉ lấy những tiền tài có đạo nghĩa". Như tiền do tài năng của mình mà có được hay do sức lao động của mình làm ra, chớ không phải do mánh mung lường gạt hay cờ bạc mà có được.
    - KHÍ 氣 là TÍNH KHÍ 性氣, là Tính cách và Khí chất của con người; Tính cách đoan trang hòa hoãn, khí chất ôn hòa điềm đạm; Không phải hễ động chút là hờn mát, động chút là giận dỗi, đông chút là nổi trận lôi đình. Tăng Quảng Hiền Văn có câu :"Nhẫn đắc nhất thời chi KHÍ, Miễn đắc bách nhật chi ưu 忍得一時之氣,免得百日之憂". Có nghĩa : Nhịn được cái giận trong một lúc, có thể miễn đi được cái lo của cả trăm ngày sau đó. Trong Thư pháp ta cũng thường đọc được câu  "Nhẫn nhất thời phong bình lãng tịnh, Thoái nhất bộ hải khoát thiên cao 忍一時風平浪靜,退一步海闊天高", Có nghĩa : "Nhịn một lúc cho trời yên biển lặng; Lùi một bước cho biển rộng trời cao".  

* Diễn Nôm :
                     Rượu, Tài, Sắc, Khí bốn bên tường,
                     Người người như bị nhốt trong rương.
                     Ai đó nhảy rào ra khỏi được,
                     Sống lâu trăm tuổi thọ miên trường !


Tô Đông Pha và Phật Ấn Thiền Sư
                         
       Thấy bài kệ của Phật Ấn Thiền Sư mang một triết lý nhân sinh rất sâu xa, ai mà thoát khỏi được bốn bức tường : Thích Rượu, Mê Tiền, Tham sắc và Tính khí nông nổi chứ ?! Tô Đông Pha bèn gật gù suy gẫm : Mặt XẤU Có thì mặt TỐT cũng phải Có chứ, bèn mài mực cất bút họa lại bốn câu như sau :

                飲「酒」不醉量為高,  Ẩm TỬU bất túy lượng vi cao,
                好「色」不亂真英豪;  Hiếu SẮC bất loạn chơn anh hào.      
                世「財」不義君莫取,  Thế TÀI bất nghĩa quân mạc thủ,
                和「氣」忍讓氣自消。  Hòa KHÍ nhẫn nhượng khí tự tiêu !
* Có nghĩa :
         - Người TỬU lượng cao là người biết uống rượu không để cho say mèm.
         - Người anh hào thật sự là người háo SẮC nhưng không để SẮC làm loạn.
         - Người quân tử thì không lấy, không tham tiền TÀI bất nghĩa của thế gian.
         - Người biết nhịn để giữ hòa KHÍ thì cơn giận sẽ tự nhiên tiêu tan mất mà thôi.

* Diễn Nôm :
                      Uống rượu không say, tửu lượng cao,
                      Háo sắc không loạn, chính anh hào.
                      Tiền tài bất nghĩa không thèm lấy,
                      Hòa khí nhúng nhường giận hết mau !

       Điều lý thú bất ngờ là không ít lâu sau đó, Tống Thần Tông 宋神宗 hoàng đế và Tể tướng Vương An Thạch 王安石 lại đến viếng thăm chùa. Trông thấy hai bài thơ của Phật Ấn Thiền Sư và Tô Đông Pha, nhà vua bèn nổi hứng lệnh cho Tể tướng Vương An Thạch cũng họa lại một bài cho vui. Tể tướng tuân lệnh bèn cất bút viết liền bốn câu sau đây :

                世上無「酒」不禮儀,   Thế thượng vô TỬU bất lễ nghi,
                人間無「色」路人稀;   Nhân gian vô SẮC lộ nhân hy.
                民為富「財」才發奮,   Dân vị phú TÀI tài phát phấn,
                國有朝「氣」方生機。   Quốc hữu triêu KHÍ phương sinh Ky(cơ).
* Có nghĩa :
         - Trên đời nầy nếu không có RƯỢU thì không có lễ nghi, và...
         - Trong nhân gian không có SẮC thì trên đường sẽ vắng người qua lại.
         - Dân vì muốn giàu nên phải phấn chấn để làm nên TÀI lộc, của cải.
         - Nước phải có cái KHÍ sắc của buổi sáng thì mới có khí thế để đi lên.

* Diễn Nôm :
                    Đời không có RƯỢU thiếu lễ nghi,
                    Không SẮC không người đường mấy khi.
                    Muốn dân giàu phải tìm TÀI lộc,
                    Nước mạnh KHÍ tràn cứ thế đi.   

       Quả là giọng điệu của một ông Tể tướng lo cho nước cho dân với cái nhìn của một nhà chính trị. "Vương An Thạch biến pháp 王安石變法" là một cải cách chính sách làm cho dân giàu nước mạnh. RƯỢU là để tế lễ và để tiến hành các nghi thức ngoại giao chớ không phải để nhậu; SẮC dục là khuyến khích dân chúng đẻ nhiều, sinh sản nhiều để tăng cường lực lượng lao động nông nghiệp trong tương lai, chớ không phải đi chơi bời. TÀI là làm ra thêm nhiều của cải vật chất cho dân giàu nước mạnh, chớ không phải đi lường gạt, cờ bạc. Và cuối cùng là KHÍ Thế hừng hực như mặt trời buổi sáng tạo nên cái sức sống (sinh cơ) cho đất nước đi lên, khí nầy là khí thiêng, chớ không phải khí tiết hẹp hòi của những kẻ tầm thường vô tích sự.



Vương An Thạch và Tống Thần Tông
                 

       Tống Thần Tông đọc xong bài thơ của Tể tướng Vương An Thạch cũng cảm thấy hứng thú dâng tràn, bèn lệnh cho tùy tùng mài mực và nhà vua cũng đã họa một bài trong niềm cảm hứng vô biên như sau :

              「酒」助禮樂社稷康,   TỬU trợ lễ nhạc xã tắc khương,
              「色」育生靈重綱常;   SẮC dục sinh linh trọng cương thường.  
              「財」足糧豐家國盛;   TÀI túc lương phong gia quốc thịnh,
              「氣」凝大宋似朝陽。   KHÍ ngưng Đại Tống tự triêu dương !*

* Nghĩa bài thơ :
       - RƯỢU trợ giúp cho Lễ, Nhạc và Xã tắc được khương thịnh, còn...
       - SẮC thì giúp sinh sản nhiều sinh linh để giữ lấy đạo cương thường.
       - TÀI lực, lương thực đầy đủ thì dân giàu nước mạnh, 
       - KHÍ thế của nước Đại Tống sẽ ngưng đọng như ánh nắng buổi ban mai.

* Diễn Nôm :
                     RƯỢU hòa lễ nhạc hưng xã tắc,
                     SẮC tạo sinh linh giữ mối giềng.
                     TÀI lộc dồi dào dân nước mạnh,
                     Ban mai Đại Tống ngập KHÍ thiêng.

       Đây là khẩu khí của một ông vua, luôn luôn muốn cho lễ nhạc đầy đủ, dân chúng ngày một sinh sản đông hơn để giữ lấy giềng mối (cương thường), dân giàu nước mạnh để cho khí thế của nước Đại Tống luôn được như ánh nắng buổi ban mai.

  Vậy thì...
       TỨ ĐỔ TƯỜNG 四堵牆 đâu phải chỉ có một mặt XẤU XA như mọi người vẫn nghĩ đâu; Nó cũng có mặt tích cực của Nó đó chớ. Hơn nữa TỬU, SẮC, TÀI, KHÍ là bốn bức tường luôn luôn theo sát và vây lấy quanh ta, có trốn cũng trốn không thoát : RƯỢU hiện diện trong tất cả các mặt vui buồn của cuộc sống. Quan, Hôn, Tang, Tế đều phải có rượu. Có điều phải biết là đừng để cho "uống quá chén" đến nỗi say mèm mất trí. SẮC là tính dục, là một vấn đề "sinh lý" của con người; nên phải biết giữ cho điều độ bình thường, không vượt quá khuôn viên cho phép để đến đổi "Ăn chơi đàng điếm" hay ngoại tình... TÀI là Tiền Tài. Ai cũng phải tìm cách kiếm tiền để sinh sống. Không có tiền thì sống làm sao ?! Nhưng không phải vì thế mà đi lường gạt, trộm cắp, cướp bóc, cờ bạc... KHÍ là Tính khí, phải biết nhẫn nhịn và có lòng vị tha như ông bà đã dạy :"Trách nhân chi tâm trách kỷ, Thứ kỷ chi tâm thứ nhân 責人之心責己,恕己之心恕人" là phải biết :"Lấy cái lòng mình trách người khác để trách mình, và lấy cái lòng mình tha thứ mình để tha thứ cho người khác !". Không phải đông môt chút là trách mắng, động một cái là nổi trận lôi đình... Nghe thì dễ mà thực hành thì không dễ chút nào cả ! Nên...

       TỬU SẮC TÀI KHÍ TỨ ĐỔ TƯỜNG 酒色財氣四堵牆 là "Bất khả bất giới, Bất khả toàn giới 不可不戒,不可全戒" Có nghĩa : "Tứ Đổ Tường không thể không CAI, nhưng lại không thể CAI HOÀN TOÀN được !" Vì nó cũng là MỘT PHẦN trong cuộc sống của chúng ta ! Nhưng cứ hễ nói đến TỨ ĐỔ TƯỜNG là người đời sẽ nghĩ ngay đến : Rượu chè, Trai gái, Cờ bạc, Đĩ điếm... đủ cả các thói hư tật xấu ở trên đời...

                 
       Thế mới biết "Tập quán Ngôn ngữ" nó mạnh mẽ biết chừng nào !

       Hẹn bài viết tới !


                                               杜紹德
                                            ĐỖ CHIÊU ĐỨC
                                                              

CÂY SIM THÁNG TƯ - TRẦN HỮU NGƯ

 


CÂY SIM THÁNG TƯ
Tôi trồng cây sim này cách đây 10 năm. (bứng từ vùng đất tỉnh Bình Tuy)
Từ lúc nó chỉ vài tất, đến nay cao 2 mét.
Đã bao lần tôi định chặt bỏ, vì tôi đã hỏi thăm nhiều người, họ chỉ nhiều cách, bón đủ thứ phân, kể cả bia…, nhưng 10 năm qua nó vẫn không ra hoa. Có người đùa với tôi rằng, chắc cây sim ông trồng là loại sim đực? Ủa, sim cũng có giống đực, giống cái nữa hả?
Sáng nào tôi cũng lên sân thượng tưới cây. Dù sân thượng nhỏ bằng cái chuồng cu, nhưng tôi vì mang bịnh nhớ quê hương, nên tôi dành chỗ trồng:
-Cây xương rồng (đang lớn, chờ nó ra bông)
-Cây mai rừng (đã có hoa)
-Cây hoa mua (đã có hoa, trái)
-Cây sim (đã có hoa)
Bốn cây này, đã đủ mang hình ảnh quê hương của tôi.
Như mọi buổi sáng, khi trời hừng đông, tôi “từng bước từng bước thầm” lên sân thượng tưới cây…, bất chợt, nhìn lên cây sim già, thấy nó ra hoa! Ban đầu, nhìn từ xa, tôi vẫn không tin, nhưng đến gần… đúng là hoa sim. (May mà tôi chưa chặt bỏ, may mà tôi chưa giết oan nó!) Tôi reo lên:
-“…10 năm không gặp, tưởng… tình đã cũ…”
Tôi là dân nhà quê, thời Chiến tranh đi chăn trâu, bắt dong, bắt dế, bắt chim…, tôi đã từng ăn ngủ cùng sim, những cánh rừng xã Văn Mỹ chỗ nào có sim là có dấu chân tôi. Đến mùa sim chín, tôi ăn tím lưỡi, say sim… Tôi dốt, và nghèo, nhưng bù lại, “tôi là người đẹp trai nhất vùng” và trời đã cho tôi một tâm hồn lãng mạn, và biết thương yêu rất sớm.
(Có một chuyện nhớ đời: Vào mùa mưa, tôi đã từng đi hái trái nhãn lồng rừng, có lần thấy dấu chân cọp mới toanh, tôi chạy đến đái trong quần! Cọp rất thích ăn trái nhãn lồng)
Nay, dù đã già khú đế, già háp, già chát, già đụng nóc, già không thể già hơn nữa (dù tôi tha thiết muốn già thêm!)…, nhưng thấy cây sim mở hoa, bịnh lãng mạn trong tôi gượng dậy, tôi thầm hát:
-“… Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư…”
(Thu, hát cho người của Vũ-Đức-Sao-Biển)
Ôi, đúng 50 năm qua tôi mới nhìn thấy hoa sim!
Tôi đặt tên cây sim này là CÂY SIM THÁG TƯ.
Đã 10 tháng Tư đi qua…, nghĩa là 10 năm đi qua, nay nó đợi tháng Tư năm 2025, sim mới ra hoa! Đúng là 10 năm trồng cây. (Đúng 50 năm ngày thống nhất đất nước, cây sim của tôi mới nở hoa để chào mừng!)
Cây sim này từ rừng rú Bình Tuy, về nhập hộ khẩu ở Saigon, 10 năm sau nó mới thích nghi!
Nhìn thấy hoa sim, tôi:
“… Vui sao, nước mắt lại rào…”



TRANHUUNGU
(GiaĐinh, tháng 4.2025)

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 117 : VẠ, VẠC, VÁCH, VÁN, VÀNG. - ĐÕ CHIÊU ĐỨC

 


Thành Ngữ Điển Tích 117 : 
                                     
             VẠ, VẠC, VÁCH, VÁN, VÀNG.


                                      Thành môn thất hỏa...

      VẠ LÂY CHÁY THÀNH là thành ngữ có xuất xứ nói lên sự liên can lý thú như sau :

     * Theo〈Hịch Lương Văn 檄梁文〉cua Đỗ Bậc 杜弼 đời Bắc Tề ghi chép :「Sở quốc vong viên, họa diên lâm mộc; Thành môn thất hỏa, ương cập trì ngư 楚國亡猿,禍延林木;城門失火,殃及池魚。」Có nghĩa : "Nước Sở mất vượn, Tai họa đến rừng cây gần đó; Cửa thành bị cháy, Tai ương đến cá ở trong ao cạnh thành" Tại sao ?! Vì vượn sống trong rừng cây, nên mất vượn thì nghi là vượn đã trốn vào rừng cây, bèn ra lệnh đốn hết rừng cây để tìm vượn. Còn cửa thành bị cháy thì phải lấy nước ở các ao gần đó để chửa cháy, nước bị lấy hết thì cá trong ao sẽ... chết. Rừng cây bị đốn vì mất vượn; Cá bị chết vì hết nước do cửa thành bị cháy... đều là những tai họa mà trước đó không ai lường trước được cả ! Trong văn học gọi là bị "Họa Lây". Giới bình dân thì gọi là bị "họa lan can", bị "văng miểng"... 
      Trong Thiên Nam Ngữ Lục 天南語錄, tác phẩm thơ Nôm dài nhất Lịch sử theo thể lục bát của thời Hậu Lê, đoạn nói về Trai Sò Tương Tranh có câu :

                    LỬA THÀNH AO CÁ đẩy xô,
                Nếu trai mà mắc thì cò không ăn.

      Còn trong truyện thơ Nôm "Trê Cóc" thì gọi là VẠ LÂY CHÁY THÀNH :

                       Đèn trời soi xét gian ngay,
                 Lẽ đâu ao cá VẠ LÂY CHÁY THÀNH !


          
     VẠC CẢ : là cái ĐĨNH lớn. Vào đời thượng cổ Trung Hoa, tương truyền vua Vũ nhà Hạ chia thiên hạ làm chín Châu (Cửu Châu). Đó là : Dương Châu 揚州, Kinh Châu 荆州, Lương Châu 梁州, Từ Châu 徐州, Dự Châu 豫州, Ung Châu 雍州, Thanh Châu 青州, Đoái Châu 兖州 và Ký Châu 冀州. Rồi ra lệnh cho các Châu phải nộp đồng xanh để đúc thành chín cái đĩnh lớn (Cửu Đĩnh 九鼎) tượng trưng cho chín Châu; trên các đĩnh có khắc núi sông, sản vật, dân cư và số thuế mà các Châu phải cống nạp, để tượng trưng cho uy quyền của thiên tử. Ở nước ta, vua Minh Mệnh lúc hùng mạnh nhất cũng cho đúc chín cái Đĩnh lớn để ở triều đình Huế.
      Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh Lâm Tuyền Kỳ Ngộ (Bạch Viên Tôn Các) gọi là CHÍN VẠC để chỉ ngôi vua và uy quyền cũng như cơ nghiệp của nhà vua :

                    Giữa trời chúa thánh nối ngôi càn,
                    CHÍN VẠC xây nền vững thái bàn.

     
      Còn trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì gọi là VẠC CẢ :
                      Thế mà VẠC CẢ duy-trì ,
                Bởi tiên-liệt-thánh Nam-Kỳ Nối ngôi.

      VẠC MAI : VẠC là cái Chảo lớn; MAI là trái MƠ, miền Nam gọi là trái ME. Nên VẠC MAI là Cái chảo lớn để nấu canh chua. Theo sách Thượng Thư quyển mười《尚書》卷十〈Thương Thư . Thuyết mệnh hạ 商書·說命下〉: Vua Cao Tông Võ Đinh đời nhà Thương 商高宗武丁 nói về Tể Tướng Phó Duyệt 傅說(1335-1246 trước Công Nguyên) :"Nếu nấu canh chua thì ngươi là người biết điều phối giữa muối và me cho canh được ngon hơn". Ý nói : Phó Duyệt biết điều hòa chính sự, khiến cho mọi việc được tốt lành hơn. Quả nhiên, Phó Duyệt đã giúp vua Thương an bang trị quốc, tạo nên thời huy hoàng thịnh thế mà sử gọi là thời kỳ “Võ Đinh Trung Hưng 武丁中興”. 
      Cho nên VẠC MAI dùng để chỉ quan Tể Tướng có tài. Trong truyện thơ Nôm "Mai Đình Mộng Ký 梅亭夢記" của Nguyễn Huy Hổ 阮輝琥 có câu :

                         Đn Thương cùng nếm VẠC MAI,
                    Cũng trong Y Phó, cũng ngoài Tôn Ngô.



                             Tích Phó Duyệt và Mai Đình Mộng Ký  

      VÁCH QUẾ : Theo sách Hán Thư 漢書 và Nam Bộ Yên Hoa Ký 南部烟花記 thì Hán Vũ Đế và Trần Hậu Chúa trong cung đều có trồng rất nhiều cây quế, cho nên mới gọi các phòng trong cung vua là CUNG QUẾ. VÁCH QUẾ chỉ là nói trại đi của CUNG QUẾ mà thôi. Cũng như vách trong các phòng của cung nhân ở đều được trát hồ tiêu để chống rét, nên phòng của các cung nhân ở cũng được gọi là TIÊU PHÒNG. 
      Mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã sử dụng hết hai từ nêu trên để chỉ chỗ ở của các nàng cung phi :

                   Trải VÁCH QUẾ gió vàng hiu hắt,
                   Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng;
                   Oán chi những khách TIÊU PHÒNG,
                   Mà xui phận bạc nằm trong má đào!


             
       VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN có xuất xứ từ thành ngữ MỘC DĨ THÀNH CHU 木已成舟 là câu nói của tác giả Lý Nhữ Trân đời Thanh trong truyện "Kính Hoa Duyên" hồi thứ 34 清·李汝珍《镜花缘》第三十四回:“ Như kim MỘC DĨ THÀNH CHU, dã thị Lâm huynh mệnh định như thử liễu 如今木已成舟,也是林兄命定如此了。” Có nghĩa : "Như nay VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN, cũng là mệnh số của Lâm huynh đã định như thế nầy rồi !". Ý chỉ, chuyện đã rồi, không còn hy vọng hay thay đổi gì được nữa cả !
        Trong Truyện Kiều, khi chàng Kim trở lại vườn Thúy tìm Kiều, Vương Viên Ngoại cho biết nàng đã bán mình chuộc cha và đã theo Mã Giám Sinh đi rồi, không còn vãn hồi gì được nữa cả :

                     Bây giờ VÁN ĐÃ ĐÓNG THUYỀN,
                Đã đành phận bạc khôn đền tình chung !...



       VÀNG ĐÁ chữ Nho gọi là KIM THẠCH 金石 : Kim là kim loại rắn chắc không đổi màu; thạch là đá, cứng ngắt và bền vững. Nên Kim Thạch Chi Giao  金石之交 là sự giao tình bền vững và rắn chắc như vàng như đá vậy. Tương tự ta có thành ngữ Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言 : là lời nói hoặc lời hứa chắc chắn như vàng như đá không hề thay đổi. Ta nói là "Những lời VÀNG ĐÁ hoặc ĐÁ VÀNG", là những lời nói lời hứa ” Chắc như đá, vững như vàng”, của trai gái dùng để hứa hẹn thề thốt khi yêu nhau, như khi Kim Trọng tỏ tình trong cảnh “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” thì Thúy Kiều cũng nhận lời bằng câu đổ thừa rằng :

                    Đã lòng quân tử đa mang,
               Một lời vâng tạc ĐÁ VÀNG thủy chung !

       Lần đầu tiên gặp nhau để thề nguyện hẹn ước, Thúy Kiều lo cho thân mình "...phận mỏng cánh chuồn, khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?" Chàng Kim đã an ủi và đoan chắc với người yêu là :

                       Ví dù giải kết đến điều,
                Thì đem VÀNG ĐÁ mà liều với thân !

       Quả là tấm chân tình của hai kẻ yêu nhau. Đến khi gặp Thúc Sinh thì chàng Thúc cũng mê Thúy Kiều đến liều mạng mà hứa hẹn một cách lớn lối rằng :

                       Đường xa chớ ngại Ngô Lào;
                Muôn điều xin hãy trông vào một ta.
                       Đã gần chi có đường xa,
               ĐÁ VÀNG cũng quyết, phong ba cũng liều.”

       Khi trở lại vườn Thúy tìm Kiều không gặp, Kim Trọng cũng đã rất đau khổ mà bày tỏ lòng mình với Vương Viên Ngọai :

                       Rằng: Tôi trót quá chân ra,
                 Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
                       Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
                Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không !?...

      Trong truyện thơ Nôm "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng có câu :

                     Duyên này chẳng được bàn dai,
                  Nhẹ đem VÀNG ĐÁ mà coi làm thường !

             

        Hẹn bài viết tới !
                                              

                               杜紹德
                            ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

TIẾNG CHIM CU GÁY QUA VƯỜN - TỪ KẾ TƯỜNG

 


TIẾNG CHIM CU GÁY QUA VƯỜN

Chim chóc là quà tặng của thiên nhiên, trong thế giới thiên nhiên cao rộng mênh mông và diệu kỳ ấy nếu một ngày không có tiếng chim sẽ trở nên xa vắng biết bao nhiêu và thử hỏi nếu con người không nghe được tiếng chim thì ranh giới giữa không gian giông bão và mặt đất cằn khô liệu còn thứ gì khác để vá lắp khoảng trống đời người vốn hữu hạn nhưng lại đầy rẫy những chông gai, còi cọc nỗi buồn rất cần âm thanh của các loài chim phủ xuống để vết thương tâm hồn mau lành, tìm thấy chút hạnh phúc, niềm vui mong manh như chiếc áo mỏng phơi trước gió?
Trong âm thanh hòa trộn của đồng quê, nơi miệt vườn mà tôi nghe được mỗi ngày, và có thể phân biệt tiếng của loài chim trời nào tạo nên cung bậc trầm bổng, vui tươi, u buồn, tha thiết... của thế giới thiên nhiên tôi đặc biệt yêu thích tiếng gáy của chim cu cườm. Tiếng gáy của loài chim đồng nội này mang âm điệu chân chất, mộc mạc, thanh bình, rất riêng một góc trời chứ không trộn lẫn với bất cứ loài chim khác nào. Tiếng chim cu gáy nghe như nỗi nhớ làng quê, giục giã trở về ấu thơ, nhắc nhớ nỗi ly hương của người xa xứ.
Làng quê tôi ở gần biển, nép bên bãi sông dài chạy về hướng cửa biển. Hai mùa mưa nắng trải đều trên đấy rẫy, đất giồng có vị mặn của muối, vị ngọt phù sa lắng bồi, vị lờ lợ của nước giao mùa để hình thành âm sắc của tiếng chim cu gáy. Đặc biệt là khi nghe tiếng chim cu gáy quá vườn. Con chim cu gáy quen thuộc thường đứng trên ngọn dưa cao phía bên kia tường rào nhà tôi. Nó đích thị là một chàng cu trống đẹp mả cánh nâu màu cà phê sữa điểm viền đen và những chấm cườm quanh chiếc cổ cao mỗi khi ngẩng đầu giục giã tiếng gáy. Chàng gáy từng hồi, rõ nhịp, thỉnh thoảng lại gù gù rất dịu dàng nhưng đầy tính cách để khẳng định lãnh địa của mình trước sự dòm ngó của những chàng cu trống khác mon men tới gần.
Con chim cu trống này từ mấy năm nay, khi tôi về ở quê thường xuyên nó cũng thường xuất hiện trên ngọn cây dừa lão đó bên kia tường rào ở góc vườn dừa của cô bạn hàng xóm. Chàng rất siêng gáy, mỗi lần gáy đúng ba hồi, cứ cúc r...u...u, cúc r...u...u, cúc r...u...u, rồi gục đầu gù gù, xoay vòng quanh chỗ đứng dáng vẻ rất oai vệ của một "lãnh chúa" cai quản thớt vườn dừa bên kia tường rào nhà tôi.
Mỗi sớm mai khi tôi thức dậy uống trà ngoài bộ bàn ghế đá kê trước hiên nhà y như rằng, ít phút sau chàng cu gáy xuất hiện trên ngọn dừa quen thuộc và cất tiếng gáy thanh bình trong màn sương sớm chưa kịp tan. Buổi trưa khi tôi ngồi viết bên cửa sổ, nhìn ra mặt hồ phẳng lặng có hàng hoa chuối nước vàng và đỏ rực rỡ trong nắng thì lại nghe chàng cu gáy cất giọng gù gù. Buổi chiều, nắng vắt ngang qua tường rào xóa nhòa ranh giới màu sắc của hoa cúc đất và nắng tàn tôi cũng thấy chàng cu gáy thân quen đậu trên ngọn dừa cao ở góc vườn bên kia cất giọng gáy báo hiệu một ngày đang trôi qua để đêm tối xuống.
Chim cu gáy không bao giờ gáy vào buổi tối. Khác với con chim vịt cũng sống đâu đó trong khu vườn cứ kêu suốt bất kể buổi chiều, buổi trưa, buổi sáng sớm hay lúc đêm vừa ập xuống. Con chim vịt thì gọi bạn, tiếng kêu thống thiết vang xa. Nhưng chàng cu trống chỉ cất tiếng gáy thanh bình, gần gũi, nhắc nhớ một thời xa vắng, nó như khúc ca đồng vọng, mối tình hoài hương, mái nhà êm ấm, hạnh phúc chờ đợi để ai đó trở về.


TỪ KẾ TƯỜNG

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

VỌNG TIẾNG ĐỒNG DAO - THƠ HUY VỤ





 VỌNG TIẾNG ĐỒNG DAO
Tiếng đồng dao bỗng vang ngân
Thước phim dĩ vãng như dần hiện ra
Tưởng gần mà lại rất xa
Tuổi xanh dường đã bỏ ta mấy lần
Đường xưa nhòa nhạt dấu chân
Nào ai thấu cảm những vần thơ đau
Cố hương khuất phía ngàn dâu
Thâm tình như nước dưới cầu lặng trôi
Tựa như bóng nguyệt đơn côi
Cao xanh đã bắt một đời đi hoang
Hỏi đường nao tới Niết bàn
Đường nao tới chốn thiên đàng mênh mang
Ta về gom những phai tàn
Cùng bao phiền muộn đem quàn liệm đi
Ân tình theo cánh thiên di
Mấy ai biết được đường di lạc lầm
Vọng về một khúc dư âm
Những mong sớm mọc những mầm thơ vui.



HUY VỤ
22/03/2025

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

HOÀNG HOA 1-2 - THƠ LÊ KIM THƯỢNG

 



HOÀNG  HOA   1- 2

 

 

1. 

 

Cái ngày xưa ấy… “Ngày xưa…”

Em vừa đôi chín, tôi vừa đôi mươi

Những ngày mình có nhau rồi

Trăm năm thề hẹn một đời không xa

Áo em in nắng hoàng hoa

Hoa rơi lãng đãng, bóng tà nắng tan

Nón em đổ bóng hoa vàng

Lời em thủ thỉ, nhẹ nhàng biết bao

Trong vòng tay ấm nôn nao

Mắt đen lúng liếng, ngọt ngào môi em

Hôn em, hôn cánh môi mềm

Hôn rồi, hôn nữa, hôn thêm không rời

Cuộc tình sao cứ bồi hồi

Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn

Cuối ngày, chiều tím hoàng hôn

Rời nhau không nỡ, nụ hôn còn đầy

Bên nhau, ngày đã cạn ngày

Trời giăng mưa bụi, lây rây ướt người

Còn vầng trăng sáng giữa trời

Chứng minh thề hẹn, trọn đời yêu nhau…

 

2. 

 

Lời thề sao lại qua mau?

Có người đi lạc… cau trầu rụng rơi

Lời yêu đã hứa trọn đời

Tình xa, tình lỡ… rối bời nghiêng chao

Cuộc tình giờ đã hư hao

Vườn tình ngày ấy đã xao xác rồi

Hoa Xoan tím rụng đầy trời

Nhạt màu chung thủy… buồn ơi là buồn

Đã bao mùa Cải trổ ngồng

Em đi biền biệt vẫn không quay về

Rượu say, nửa tỉnh, nửa mê

Mình tôi ngồi với câu thề bẻ đôi

Tình ta chỉ có vậy thôi

Giờ còn sót lại một lời thề xưa

Tôi đem kỷ niệm đong đưa

Chôn vào ký ức cho vừa thương yêu

Lối xưa ai rẽ nửa chiều

Để cho ai nhớ, ai yêu âm thầm…

Bây giò em tóc hoa râm

Vẫn còn vương chút hương thầm… “Ngày xưa…”


             

              Nha Trang, tháng  04. 2025

                  LÊ KIM THƯỢNG      


Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM - THƠ ĐỖ CHIÊU ĐỨC




 THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới 17-12-1974 - 17-12-2024 các con các cháu đã tổ chức Lễ Kỷ Niệm KIM HÔN 金婚, còn được gọi là KIM KHÁNH 金慶 cho vợ chồng Đỗ Chiêu Đức - Lương Tố Quyên. Kính chuyển đến quý thân bằng quyến thuộc bài thơ và hình ảnh của ngày vui hôm đó.

     ... 17 tây tháng 12 năm 1974, anh Binh nhất Đỗ Chiêu Đức xin phép đơn vị về quê cưới vợ; sau một tuần phép cưới vợ là một tuần phép Thường niên. Nhân dịp, ngàn năm một thuở nầy ĐCĐ bèn đưa "bà xã mới" lên Đà Lạt để hưởng tuần trăng mật. Lần đầu tiên cặp đôi quê mùa của "Đồng bằng sông Cửu Long" bước chân lên cao nguyên Lâm Viên mơ mộng, cảm giác như lạc vào "Bồng Lai tiên cảnh" vậy ! Nghe tiếng chuông Nhà thờ vang vang trong đêm Noel mà đi mãi vẫn không tìm thấy gác chuông Giáo đường !... Thoáng chốc mà đã 50 năm qua rồi !... 




                                 NOEL TRĂNG MẬT


                         Lữ thứ lòng quê mãi vấn vương,

                         Năm mươi năm cũ lúc lên đường...

                         Lâm Viên bát ngát thông đưa gió,

                         Đà Lạt mộng mơ hoa ngát hương.

                         Trăng mật Giáng sinh tràn hạnh phúc,

                         Tân hôn dưới thế ngập niềm thương.

                         Cặp đôi Lục tỉnh hồn bay bổng...

                         Mật ngọt nhân sinh tuế nguyệt trường !...

                                                             Đỗ Chiêu Đức

                                                              12-25-2024



       ... Năm 2017, nhân Hội Cao Niên của Trung Tâm VIỆT MỸ Houston TX tổ chức  wedding  Anniversary  cho các cặp đôi Cao Niên.  Đỗ Chiêu Đức có làm một bài thơ tặng cho " Bà Xã " để kỷ niệm 43 năm ngày cưới. Nghĩ rằng đây cũng là tâm tình chung của những cặp đôi tha phương cầu thực, lưu lạc xứ lạ quê người, nên xin được chia xẻ cùng tất cả để cùng cảm thông nhau trong tuổi già bóng xế !...



            THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM

                                    

                        Thương hoài mãi ngàn năm,

                        Trót nên duyên sắt cầm.

                        Vấn vít tình sinh nghĩa,

                        Vợ chồng : Nghĩa trăm năm !


       Một nửa đây rồi một nửa ơi !

       Bốn mươi năm lẻ mấy xa vời ?

       Đồng cam cộng khổ bao năm tháng,

       Thoáng chốc tuổi già đã đến nơi !!!


                     Nhớ hồi son giá mắt em cười,

                     Xao xuyến lòng anh biết mấy mươi.

                     Đôi lứa chung lưng tìm hạnh phúc,

                     Con thơ từng đứa điểm tô đời !


       Rồi những tháng ngày khói lửa,

       Lên đường nhập ngũ phận trai,

       Nuôi dạy con thơ, cha mẹ,

       Thân cò lặn lội đêm ngày !


                     Thương em vất vả lòng luôn nhớ,

                     Tiếng mẹ hát ru vẳng đáy lòng...

                     Ầu ơ...Con cò lặn lội bờ sông,

                     Tuổi xuân mòn mõi má hồng phôi pha !...

          

          Em là hiền phụ,

          Quán xuyến trong ngoài.

          Thờ cha kính mẹ,

          Chẳng chút đơn sai !


                Tào khang là tấm mẵn,

                Cùng chịu cảnh cơ hàn.

                Mong một ngày lại sáng,

                Hết cơ cực lầm than !

                 ................................


         Qua rồi những tháng ngày cay nghiệt,

         Sống chết cận kề thật mỏng manh.

         Hết cơn vận bỉ thời lại thái,

         Đoàn viên dệt lại mộng ngày xanh !



                 Quê người xây dựng lại,

                 Cuộc sống lứa đôi mình.

                 Bốn mươi năm kỉ niệm,

                 Hạnh phúc lại hồi sinh !


Nay thì...

         Trưởng thành con cái nên danh,

         Yên bề gia thất cho đành lòng nhau.

        "Trải qua một cuộc bể dâu",

         Giờ là hạnh phúc còn cầu gì hơn ?!


               An bày hiện hữu vuông tròn,

               An cư lạc nghiệp không còn bôn ba.

               Đoàn viên sum họp một nhà,

               Hấp Hôn VIỆT MỸ ông bà đều vui.


         Tào khang nghĩa nặng ai ơi !

         Răng long đầu bạc chẳng rời xa nhau.

         Nội ngoại con cháu lao xao,

         Vui nầy còn có vui nào vui hơn ?!


                 Bền lòng một dạ sắt son,

                 Thong dong đi hết đường trần chông gai.

                 Phu thê đã biết bao ngày,

                 Ngàn năm gắn bó, THƯƠNG HOÀI NGÀN NĂM!!!

                                                                  Đỗ Chiêu Đức

                                                                   07-22-2017

       


* Thân hữu Nối Thơ :

           Xin chúc mừng 43 năm ngày cưới của anh chị Đỗ Chiêu Đức và Lương Tố Quyên bằng hai câu thơ tiếp vần với hai câu trong bài thơ :


        Thương Hoài Ngàn Năm


        "Một nửa đây rồi một nửa ơi!

         Bốn mươi năm lẻ mấy xa vời? " 

                                          (Đỗ Chiêu Đức )

* Nối :

          Thêm ngàn năm tới luôn kề cận

          Gắn bó yêu thương mãi chẳng rời.

                                              (Phương Hà )


Dù cho vật đổi sao dời,

Đôi ta kiếp kiếp đời đời bên nhau

                                       (Quên Đi)


        Bốn ba năm trãi ngọt ngào

        Hôn nhân, đằm thắm biết bao ân tình 

                                            (Mai Xuân Thanh)


Dẫu đã biết ba sinh hương lửa

nhưng nào ai chọn lựa cơ trời

Bốn ba năm nặng nợ rồi

thì xin giữ lấy trọn đời bên nhau 

                                         (Trần Bang Thạch)


           Hương ba sinh biết bao thử thách,

           Nghĩa tào khang son sắt sáng ngời.

           Em là một nửa của tôi,

           Bốn mươi năm lẻ tuyệt vời tình ta. 

                                            (Mai Lộc)


Duyên nợ ba sinh tròn đạo nghĩa

Bốn ba năm hương lửa bền lâu

Xin gìn giữ lấy bên nhau

Răng long tóc bạc nghìn sau vững vàng

                                               (SongQuang) 


           Sách Tăng Quảng ngày xưa có dạy,

           Vợ chồng là kim cải nhân duyên :

          “Bách thế tu lai đồng thuyền độ,

           Thiên thế tu lai cộng chẩm miên" 

                                             ( Đỗ Chiêu Đức )

                                                               khép ngỏ


 

                                 Đoàn viên 2020                                                       Bốn năm sau 2024


* GHI CHÚ :

           百 世 修 來 同 船 渡,   Bách thế tu lai đồng thuyền độ,

           千 世 修 來 共 枕 眠.   Thiên thế tu lai cộng chẩm miên.   

   

 * Chú Thích :  

         THẾ : là Đời, Kiếp. BÁCH THẾ : là Trăm đời, Trăm kiếp. THIÊN THẾ : là Ngàn đời, ngàn kiếp. VẠN THẾ : là Muôn đời, Muôn kiếp. Khổng Tử được xưng tụng là " VẠN THẾ SƯ BIỂU " : là Người Thầy tiêu biểu của Muôn đời.

         ĐỘ : có 3 chấm thủy, nên có nghĩa là : Đi ngang qua Sông Hồ Ao Biển. Đồng Thuyền Độ : là  Cùng đi chung một thuyền. 

         CHẨM : là Cái Gối để nằm. Cộng Chẩm Miên : là Cùng nằm chung Gối để ngủ.


* NGHĨA 2 CÂU trên :        

         Cùng tu với nhau một trăm kiếp, mới có cái duyên được đi chung thuyền với nhau. ( đồng hội đồng thuyền ). Cùng tu với nhau một ngàn kiếp mới ngủ chung gối với nhau được !    

         Dù nói cách nào, cũng cho thấy là phải khó khăn vất vả lắm mới thành vợ thành chồng với nhau được, và quan hệ vợ chồng là cái gì đó thiêng liêng cao cả lắm, được gởi gắm vào 2 chữ Nhân Duyên do nơi tiền định, thiên định, chớ không phải sức người mà làm nên được. Nên ta phải biết trân trọng tình nghĩa vợ chồng , không thể động một chút là ly thân, ly dị.... mà phải biết gắn bó nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Quan hệ vợ chồng là một trong ba cái giềng mối của xã hội phong kiến ngày xưa : Quân Thần, Phụ Tử, Phu Phụ. Nên không thể xem thường được, cho dù trong xã hội ngày nay, đơn vị Gia Đình vẫn là nền tảng chủ yếu của bất cứ xã hội hay quốc gia nào, mà  trong Gia Đình thì không thể vắng bóng cặp đôi nồng cốt là Vợ Chồng cho được.                        

                                

         Chân thành cám ơn chị Phương Hà đã đề xuất cái ý nối thơ nầy để Vườn Thơ nhà ta lại có dịp trổ khoe muôn sắc và cặp đôi Đỗ Chiêu Đức - Lương Tố Quyên lại được hân hạnh đón nhận thêm những lời chúc phúc của các bạn thơ.


         Một lần nữa, xin được Chân thành Cảm tạ Tất Cả !


                                           杜紹德

                                       ĐỖ CHIÊU ĐỨC