BAOTHANG_XUANXUYEN DANG
23 thg 5 (1 ngày trước)
tới tôi
CÚ ĐIỆN THOẠI BÌNH THƠ
*
Ông điện cho tôi, giọng rổn rảng:
- Này cậu! Mấy bài thơ mới của cậu hay lắm. Tớ vừa đọc, rất khoái. Lớp trẻ các cậu bây giờ viết nhanh, trực giác mạnh nên bọn tớ đọc thơ của lứa các cậu thích đấy, nhưng mà... nói thật, để hiểu được thơ của các cậu cũng mệt óc lắm.
Rất thật, tôi rụt rè:
- Vâng. Cháu cám ơn chú đã khích lệ. Nhưng... Chú cho cháu một vài lời cụ thể được không ạ?
Có lẽ, cũng rất thật, ông chậm rãi:
- Thơ cậu, tớ đọc có hiểu mẹ gì đâu mà cho ý kiến cụ thể.
Rồi ông cao tông giọng:
- Thơ của cậu thế nào ý. Đấy đếch phải là thơ. Kiểu như cái bài “Lan Man Và Chuyện Đàn Cừu”, với bài “Lan Man Và Chuyện Thằng Bạn”. Đúng là lan man thật. Sao lại lôi con Cừu vào thơ thế? Lại bình đẳng con Cừu với Con Người Việt Nam ta là thế nào? Cậu có biết hình ảnh con Cừu trong biểu tượng văn hóa là tượng trưng cho điều gì không? Là nô lệ! Là tầng lớp bị trị ngu đần và bạc nhược! Ở Việt Nam ta có Cừu không? Có nhưng không nhiều, rất hiếm, vì đấy là hàng “nhập ngoại” nên không thể là hình ảnh tượng trưng cho bất kỳ điều gì trong thực trạng văn hóa của người Việt Nam cả. Cậu dùng hình ảnh con Trâu, con Bò hoặc con Chó, con Lợn,... còn khả dĩ chấp nhận được phần nào... Đằng này lại là hình ảnh con Cừu. Hẳn cả một đàn Cừu. Đấy. Phi thực tế như thế mà cũng đưa vào thơ được. Mà... Sao lại “bạn rủ tôi về nhà nghe hát”? Sao không là bạn rủ tôi về nhà nghe nhạc cho nó sát với thực tế, mà cũng đậm đà chất thơ? Lại còn nửa đêm sợ tiếng thạch sùng, với những tiếng tờ lạch tạch? Rất yếu đuối, rất phi thực tế. Đàn ông đàn ang, ai lại sợ những con vật nhỏ bé, yếu ớt như con thạch sùng, con gián, con kiến? Đàn bà, con gái cũng không ai yếu đuối đến vậy. Đã thế, đêm hôm không lo ngủ, hoặc lo bảo nhau làm mấy cái chuyện sung sướng lại dựng bạn dậy để khoe nhiều tiền.... Kiểu... Rất chi là vô học. Ừ. Còn lan man, vô lý ở chỗ: Đang tả bạn thờ thẫn, man dại vì thèm tiền lại nhảy sang tả khuôn mặt bạn người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm với những khuôn nét vừa của thánh nhân, vừa của quỷ dữ. Xong, chốt câu “Tôi đã từng sợ ma” để hạ màn. Vớ vẩn. Sao lại sợ ma ở đây? Chả ăn nhập gì với nhau. Linh tinh. Dở oẹt. Tóm lại, đấy đếch phải là thơ. Là tản mạn mấy tiếng thở dài của mấy thằng dở người nửa đêm nửa hôm đếch biết làm gì nên rủ nhau làm mấy cái chuyện khác người, rõ ngớ ngẩn.
Rồi Ông cụp máy cái rụp.
Tôi thẫn người vì tràng giang những điều ông vừa nói.
Chưa kịp giãi bày một hai điều thì ông đã cụp máy nên thực lòng, tôi cũng hơi ấm ức.
Vươn vai, làm mấy động tác cho giãn xương cốt, lưu thông khí huyết, tôi lên giường chuẩn bị ngủ thì ông lại điện đến.
Tôi uể oải nhấc máy:
- Dạ, cháu nghe...
Ông giật giọng:
- Này. Tớ hỏi thật nhé. Cậu có hiểu những điều tớ vừa nói không?
Tôi nhát gừng, giọng buồn ngủ nhưng thật lòng:
- Dạ! Thật sự là cháu không hiểu ạ!
Ông cười ngất, rồi chậm rãi:
- Tớ biết cậu không có hiểu nhưng cứ hỏi để kiểm chứng nhận định của tớ chính xác thế nào. Thôi. Cậu nghỉ đi. Tớ cũng đi ngủ đây. Muộn rồi.
*.
Hà Nội, 23 tháng 05.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
NM cảm ơn Xuân Xuyến đã chia xẻ một truyện vui.