CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : ĐÀI - ĐỖ CHIÊU ĐỨC




THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  : 
                                                  ĐÀI
                                  Inline image
                                           Tiện đây xin một hai điều,
                                  ÐÀI GƯƠNG soi đến dấu bèo cho chăng ?

          Đó là lời nói khéo léo ga-lăng của Kim Trọng khi tỏ tình với Thúy Kiều. Kim ví Kiều như là ĐÀI GƯƠNG SEN ở trên cao, còn mình chỉ là những dấu bèo nhỏ nhoi trôi nổi ở bên dưới. "Nịnh đầm" đến thế là cùng. Chả trách cô Kiều nhận lời ngay, nhưng vẫn còn e ngại mà "đổ thừa" rằng :

                                   Đã lòng quân tử đa mang,
                            Một lời dâng tạc đá vàng thủy chung.

   ... và khi cả nhà Vương Viên Ngoại đi mừng thọ ngoại gia, chỉ còn có một mình Thúy Kiều ở nhà, thì nàng cũng đã nhân cơ hội nầy mà cùng với Kim Trọng thề nguyền gắn bó. Khi nàng đến tìm Kim thì chàng đã :

                                  Vội mừng làm lễ rước vào,
                            ĐÀI SEN nối sáp, lò đào thêm hương.
                                 Tiên thề cùng thảo một chương,
                             Tóc mây một món dao vàng chia đôi !

   Inline image Inline image 

          ĐÀI SEN là cái giá có hình hoa sen để cắm đèn cầy, đèn sáp.

          ĐÀI GƯƠNG còn là ĐÀI GƯƠNG SOI như trong bài kệ của nhà sư Thần Tú đời Tống :

                          Thân tự bồ đề thọ,              身似菩提樹,
                          Tâm như minh Kính Đài.       心如明鏡台.
                          Thời thời thường phất thức,  時時勤拂拭,
                          Mạc sử nhạ trần ai.             莫使惹塵埃.
Có nghĩa :
               Thân bền vững tựa như cây bồ đề, còn lòng thì trong sáng như ĐÀI GƯƠNG soi. Lúc nào cũng siêng năng lau phủi, không để cho nhuốm phải bụi trần.

                          Thân như cây bồ đề,
                          Lòng tựa Đài Gương soi.
                          Siêng năng thường lau phủi,
                          Không để nhuốm trần ai !

           Nhưng Lục Tổ Huệ Năng đã chỉnh lại rằng :

                         Bồ đề bổn vô thọ,        菩提本無樹,
                         Minh kính diệc phi Đài,  明鏡亦非台,
                         Bổn lai vô nhất vật,      本來無一物,
                         Hà xứ nhạ trần ai ?      何處惹塵埃?
Có nghĩa :
          Vốn chẳng có cây bồ đề nào cả, cũng không có đài gương nào hết, vốn dĩ chẳng có vật gì cả, thì lấy đâu mà nhuốm bụi trần ai ?

                         Không bồ đề nào cả,
                         Cũng chẳng có Đài Gương,
                         Vốn không vật gì cả,
                         Lấy đâu nhuốm bụi đường ?           

                 Inline image

        Sau ĐÀI GƯƠNG ta còn có từ PHẬT ĐÀI, là cái đài cao có hình đức Phật đứng hoặc ngồi trên đó. Khi sư Giác Duyên đưa cả nhà đến gặp mặt Thúy Kiều ở thảo am thì "Nỗi mừng biết lấy chi cân? Lời tan hợp chuyện xa gần thiếu đâu!" và sau khi "Hai em hỏi trước han sau, Đứng trông chàng cũng trở sầu làm tươi", thì cả nhà mới :
                             Quây nhau lạy trước PHẬT ĐÀI,
                             Tái sinh trần tạ lòng người từ bi.
           
        Trong bài DƯƠNG ta đã có từ DƯƠNG ĐÀI là tích của Sở Vương và Vu Sơn Thần Nữ theo như bài Cao Đường Phú của anh chàng đẹp trai Tống Ngọc; nhưng trong Bích Câu Kỳ Ngộ thì lại gọi là ĐÀI DƯƠNG như hai câu sau đây :
                                     Kìa ai mê giấc ĐÀI DƯƠNG,
                             Mây mưa là chuyện hoang đường có đâu !

         Còn ĐÀI LÂN là Kỳ Lân Đài 麒麟臺 cùng với Lăng Yên Các 凌 煙 閣 là nơi vua Đường Lý Thế Dân cho họa sĩ vẽ hình của 24 người có công giúp vua lập nên nhà Đường đem treo ở nơi đây để ghi nhớ công lao của họ. Trong nguyên bản chữ Hán Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn câu 447-448 ghi :

              凌 煙 閣兮秦 叔 寶,       Lăng yên các hề Tần Thúc Bảo,
              麒 麟 臺兮霍 嫖 姚.       KỲ LÂN ĐÀI hề Hoắc Phiêu Diêu*
        (* Hoắc Phiêu Diêu trong truyện Thuyết Đường gọi là Uất Trì Cung 尉遲恭).

       Hai câu thơ trên đã được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn nôm một cách rất tài tình là :

                             Tài so Tần , Hoắc vẹn tuyền
                      Tên ghi gác khói, tượng truyền ĐÀI LÂN.

             
                     Inline image                                   Lăng Yên Các   và    Kỳ Lân Đài

        Trong Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong của Nguyễn Văn Thành cũng có nhắc tới  GÁC KHÓI ĐÀI MÂY :

                             Phận dù không GÁC KHÓI ĐÀI MÂY;
                             Danh đã dậy ngàn cây nội cỏ.

        ĐÀI MÂY là Vân Đài 雲臺, là nơi Hán Minh Đế treo tranh của hai mươi tám vị công thần của nhà Hán để tưởng nhớ đến công lao của họ.  Trong văn học cổ thường dùng để ví cái vinh dự cao nhất của kẻ bề tôi hết lòng với vua dưới thời phong kiến.

        Ta còn có từ ĐÀI NGÂN tức là Ngân Đài 銀臺, vốn là tên riêng để gọi mặt trăng, nhưng căn cứ vào câu :"Sính Vương Mẫu vu Ngân Đài hề, tu ngọc chi dĩ liệu cơ 聘王母于银台兮,羞玉芝以疗饥。" Có nghĩa : "Mời Vương Mẫu ở Ngân Đài, dùng mè ngọc để đỡ đói" (Ngọc Chi là "Mè ngọc" có thể là một cách để gọi "hạt gạo" mà ta đang ăn). Đó là một câu trong bài "Tư Huyền Phú 思玄赋" của Trương Hành đời Đông Hán, nên sau nầy thường dùng Ngân Đài hay "ĐÀI NGÂN" để chỉ chỗ ở của các nàng tiên. Như trong Truyện Tây Sương có câu :
                      Trên thì chễm chệ ĐÀI NGÂN,
                  Mấy lời dạy bảo mười phần đinh ninh.

       Còn ĐÀI THIÊNG là do chữ Nho là LINH ĐÀI 靈臺 theo tích của một thi nhân đời Đường như sau :
        BÙI ĐỘ (756-839), đại thần nhà Đường, tự là Trung Lập,  người đất Văn Hỉ Huyện Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây. Ông đậu tiến sĩ năm Trinh Nguyên đời Đường. Lúc ấy phiên trấn làm loạn, triều đình thảo phạt mấy lần đều thất bại, nên triều thần đều muốn bãi binh, duy chỉ có Bùi Độ là muốn đánh tới cùng. Tướng Phiên là Ngô Nguyên Tế phái người hành thích ông nhưng không chết. Sau ông được thăng làm Tể Tương. Năm Nguyên Hòa thứ 12, ông xua quân công phá Thái Châu, bắt sống Ngô Nguyên Tế. Các phiên trấn Hà Bắc kinh sợ đều về qui phục triều đình. Ông lập công to, nên nhiều người dèm xiểm hãm hại, nhiều lần bị biếm xứ xa. Về già, vì hoạn quan chuyên quyền, nên ông xin về hưu ở đất Lạc Dương, thường cùng ngâm vịnh với Bâch Cư Dị, Lưu Vũ Tích.
        Dưới đây là bài đề từ của ông đề dưới bức chân dung của mình, lời lẽ khiêm tốn nhưng lại rất tự hào về phẩm chất hơn người của mình :
               爾才不長,爾貌不揚,胡為乎將?胡為乎相?一點靈臺,丹青莫狀!Nhĩ tài bất trưởng, nhĩ mạo bất dương, hồ vi hô tướng ?  Hồ vi hô tướng* ? Nhất điểm LINH ĐÀI, đan thanh mạc trạng !
        (* Có 2 chữ TƯỚNG :  將nầy là TƯỚNG QUÂN 將軍;  Còn 相 nầy là TỂ TƯỚNG 宰相).
Có nghĩa :
             Tài của ngươi không giỏi, tướng mạo cũng bình thường, sao lại có thể làm tướng quân ? Sao lại có thể làm Tể Tướng ?  Chỉ còn một điểm tâm linh thần thái (hơn người của ngươi) mà nét đan thanh không thể nào vẽ nên được !

        Nên LINH ĐÀI hay ĐÀI THIÊNG còn dùng để chỉ con tim, tấm lòng thanh cao trong sạch vượt trội hơn người khác, như trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                                    Đeo đai trót một tiếng đà,
                            ĐÀI THIÊNG hổ có trăng già chứng lâm.

        Cũng trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiên, ta còn bắt gặp từ ĐÀI XUÂN, là ĐÀI trồng cây XUÂN 椿. Theo sách Trang Tử, chương Tiêu Dao Du, thì XUÂN 椿 là loại cây cao bóng cả, tàng lá sum xuê, có tám trăm năm là mùa xuân, tám trăm năm là mùa thu, nên được dùng để ví với người cha là cột trụ chống đỡ và che chở cho gia đình :

                                    Vào hầu lạy trước ĐÀI XUÂN,
                             Hương đưa chén rót, gấm nhuần tiệc cao.

         Ngoài ra, ta còn có các từ như DẠ ĐÀI 夜臺, TUYỀN ĐÀI 泉臺 đều chỉ nơi mộ địa chôn người chết, dùng rộng ra có nghĩa là Âm Phủ như các từ Suối Vàng (hoàng tuyền 黃泉), Chín Suối (cửu tuyền 九泉) vậy. Cụ thể là :
        * TUYỀN ĐÀI 泉臺 : là Cái Đài có Suối chảy.  Vốn là tên một cái đài cao do Lổ Trang Công đời Xuân Thu xây dựng nên. Sau dùng để chỉ lăng mộ và mộ huyệt, đến đời Đường do hai câu trong bài thơ "Lạc Đại Phu Vãn Từ" của Lạc Tân Vương 駱賓王〈樂大夫挽詞〉một trong Tứ kiệt buổi sơ Đường là :

                              忽見泉臺路,     Hốt kiến TUYỀN ĐÀI lộ,
                              猶疑水鏡懸。     Do nghi thủy kính huyền.
        Có nghĩa :
                              Chợt thấy ngõ TUYỀN ĐÀI,
                              Còn ngờ treo kính nước.

        Nên TUYỀN ĐÀI còn có nghĩa là Âm ty Địa phủ, nơi của người chết phải đi về. Như khi nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng xong, Thúy Kiều đã than rằng :
                       
                                     Nợ tình chưa trả cho ai,
                          Khối tình mang xuống TUYỀN ĐÀI chưa tan !

        * DẠ ĐÀI 夜臺 : là cái Đài về Đêm. Đài ở đây chỉ Lăng mộ người chết, nên kín mít bít bùng không có ánh sáng như là ban đêm vậy. Nên dùng rộng ra để chỉ cỏi âm, nơi mà tất cả người chết đều phải đi về nơi đó, như trong bài "Khóc Tuyên Thành Thiện Nhưỡng Kỷ Tẩu" ( Khóc ông lão chuyên ũ rượu ở Tuyên Thành) của Thi Tiên Lý Bạch 唐李白在《哭宣城善酿纪叟》có câu :

                              夜臺無曉日,     DẠ ĐÀI vô hiểu nhật,
                              沽酒與何人?     Cô tửu dữ hà nhân ?
       Có nghĩa :
                               DẠ ĐÀI không ánh ban mai,
                        Muốn đi mua rượu ai người uống cho ?

           Trong Truyện Kiều, khi bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều đã trối lại với Thúy Vân về mối tình của mình với Kim Trọng rằng :
                                Hồn còn mang nặng lời thề,
                           Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
                                 DẠ ĐÀI cách mặt khuất lời,
                          Rải xin giọt mước cho người thác oan.

       ... và khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy để tìm Kiều, thì Vương Ông đã kể lể với chàng rằng :

                         ...Kiếp này duyên đã phụ duyên,
                           DẠ ĐÀI còn biết sẽ đền lai sinh.
                             Mấy lời ký chú đinh ninh,
                          Ghi lòng để dạ cất mình ra đi.
                             Phận sao bạc bấy Kiều nhi...
                         Chàng Kim về đó, con thì đi đâu ?!!!


                Xin được kết thúc các ĐÀI ở nơi đây. Hẹn bài viết tới !


                             ĐỖ CHIÊU ĐỨC





Không có nhận xét nào: