Tạp bút về rượu trên Tạp chí Văn Nghệ BR-VT số Xuân Canh Tý 2020:
NGÀY XUÂN, NÂNG CHÉN RƯỢU ĐẾ HÒA LONG. Lê Thiên Minh Khoa
"Rượu Hòa Long ai đong nấy uống"
Câu nói vui dân gian được nhiều người biết đến đó chứng tỏ rượu đế Hòa Long từ lâu rồi đã nức tiếng gần xa. Chính vì chất lượng thơm ngon của rượu nên khi mọi người ngồi đối ẩm với nhau, ai uống bao nhiêu thì chỉ rót bấy nhiêu, chứ không rót nhiều uống không hết bỏ phí, bởi rượu ngon nên mọi người rất quý.
Dân sành rượu có thể “nhắp chén” để “xác minh” đó có phải là rượu Hòa Long “chính cống” hay không. Nói theo ngôn ngữ của họ, đó phải là thứ rượu “uống tới đâu biết tới đó”. Chén rượu mới kề môi, thấy nhẹ nhàng thoải mái. Rượu đến cổ: cảm thấy vị ngọt, rồi thấy nóng dần từ ngực tới bụng, rồi lan khắp châu thân. Laị ngửi thấy hương thơm như hương nếp mới. Nếu có lỡ say cũng chắc chắn không bị nhức đầu, như uống các loại rượu khác.
Người ta thường thưởng thức rượu đế Hòa Long theo cách riêng. Các bô lão thường nhắp từng ngụm nhỏ để tận hưởng hương vị, thêm hứng khởi mà bàn luận chuyện đời. Lớp trẻ hơn thường uống “xây tua”, nhưng cách uống cũng rất… dân chủ, tự nguyện. Người thì đầy ly, kẻ thì rót vơi hơn, tùy theo tửu lượng và sở thích, nhưng dù đầy hay vơi thì cũng phải cạn ly, không được “kê táng”, để “long đền” và… “ai đong nấy uống”.
Rượu có nồng độ cao mà ngon và nổi tiếng như vậy nhờ nhiều yếu tố. Trước hết là do men rượu, loại men được đặt riêng. Kế đến là do gạo. Gạo để nấu rượu là gạo nếp hoặc loại gạo tốt, dẽo, thơm ngon và cứ 10 lít gạo chỉ lấy ra ra độ 4 - 5 lít rượu thôi. Nhiều dân “bản địa” còn cho rằng rượu ngon là nhờ cách nấu rượu gia truyền của người Hòa Long. Đó là những “kỹ xảo”, “bí quyết” trong nghề nấu rượu truyền thống như làm men, ủ cơm, chưng cất, hệ thống lọc tạp chất, và bí quyết thực hiện các công đoạn khi thời tiết thay đổi… Chính các bí quyết đó không những làm cho rượu Hòa Long thơm ngon, có vị nồng rất đặc trưng mà còn có chất lượng ổn định. Có người còn triết lý hóa cách nấu rượu. Theo họ, rượu ngon là vì trong dụng cụ và phương tiện nấu rượu truyền thống nầy có đủ ngũ hành. Thổ là nồi sành nấu rượu. Mộc là củi nấu rượu phù hợp để cho hỏa là lửa vừa đủ, ngọn lớn bé hợp với từng giai đoạn của một lứa rượu. Kim là vòi đồng ra rượu. Nhưng quan trọng nhất là thủy. Nước giếng ở Hòa Long góp phần làm cho rượu ngon, có chất lượng thêm. Vì cũng người nấu rượu đó (gốc Hòa Long), cũng chất liệu đó (gạo, men), nhưng nấu ở Hòa Long thì ngon, nhưng nấu ở Hòa Long thì ngon, nhưng nấu ở xóm người Hòa Long phía sau Nghĩa trang Liệt sĩ, cách ngã tư Hòa Long hơn một cây số thì lại không bằng. Có lẽ do giếng khơi ở Hòa Long rất sâu (15 - 20m), mạch nước rất trong, có độ khoáng thích hợp, nên rượu mới ngon chăng? Bởi thế, không ai ngạc nhiên khi thấy nước máy ở trung tâm TP. Bà Rịa dư dả, “bao la” mà vài hộ nấu rượu ở đây chiều chiều vẫn cứ đem phi, thùng vào Hòa Long để… “chở củi về rừng”.
Khách phương xa về TP. Bà Rịa, chủ nhà quý trọng đãi rượu Tây, bia lon. Khách hỏi: “Có rượu đế Hòa Long không ?”. Bạn bè ở Mỹ, ở Nga… email, điện thoại về thăm cứ luôn nhắc đến rượu đế Hòa Long như món “quốc hồn”, “quốc túy”. Người Úc, người Mỹ trở lại chốn xưa từng sống cũng không quên tìm đến rượu đế Hòa Long. Còn người Nga, người Ucrainna, người Latvia… trong Liên doanh Dầu khí Việt - Xô trước đây thì khỏi nói, mê rượu Hòa Long như mê Voka của họ.
Người Bà Rịa - Vũng Tàu hiếu khách thường tặng bạn bè thân tình vài lít rượu Hòa Long làm quà. Vì vậy mà rượu Hòa Long có dịp đi khắp nơi. Ở Biên Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí Miền Trung, Miền Tây, Miền Bắc đều biết tiếng. Từ bốn mươi năm trước, khoảng cuối thập niên 70, ở ngay bến xe khách tận Huế, Đà Nẵng, vài quán bình dân có biển treo: “Rượu đế Hòa Long: 2 hào/ly”. Khoảng 20 năm trước, nó được “công nghiệp hóa” ở khâu phân phối, lưu thông sản phẩm, vô chai nhựa nửa lít, có nhãn hiệu rất lịch sự.
Nghề nấu rượu tại xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có từ lâu, nhưng vào những năm 60 của thế kỷ trước, chỉ có năm bảy hộ, lâu dần được phát triển, lưu giữ qua nhiều thế hệ với những bí quyết rất riêng, và dần trở thành nghề đặc trưng của xã, tạo nên nét văn hóa riêng của Hòa Long. Hiện nay, xã Hòa Long có khoảng 70 hộ dân nấu rượu, có những hộ mỗi ngày nấu khoảng 500 - 600 lít. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu trong tỉnh, các hộ sản xuất tiêu thụ thông qua các thương lái, đại lý rượu, quán ăn và một số người buôn bán nhỏ lẻ.
Để giữ gìn, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, từ năm 2015 UBND tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng, phát triển và quảng bá nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Rượu Hòa Long”. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Hòa Thành thuộc liên minh hợp tác xã tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có trụ sở tại Hòa Long đã đăng ký và tiến hành các thủ tục xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Hòa Long”.
Cuối tháng 8.2016, nghề nấu rượu Hòa Long được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là nghề truyền thống. Đây là bước quan trọng trong việc khôi phục, phát triển làng nghề.
Ngoài việc được công nhận làng nghề truyền thống, năm 2017, Hợp tác xã Hòa Thành đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu rượu Hòa Long. Đây là niềm vui chung cho những người nấu rượu của xã, bởi đã mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đảm bảo chất lượng sản phẩm và quảng bá thương hiệu ra bên ngoài. Đến với làng nấu rượu Hòa Long, du khách không chỉ được tìm hiểu về quy trình phức tạp và nghiêm ngặt để tạo nên những bình rượu ngon, mà tại đây du khách còn có thể mua những bình rượu thơm ngon giá cả phải chăng về làm quà cho người thân và bạn bè. Làng nấu rượu Hòa Long chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời với những vị khách yêu thích tìm hiểu về những giá trị truyền thống.
Trong rất nhiều năm, khu du khách đi Tour du lịch Bà Rịa Vũng Tàu, ngoài hải sản tươi ngon được chọn làm quà cho chuyến đi, Rượu đế Hòa Long Bà Rịa là một món quà khá đặc biệt dành riêng cho những người yêu thích khám phá men nồng của các thức uống có cồn. Thưởng thức Rượu đế Hòa Long, có lẽ ai cũng nhận thấy trong hương nồng rất bình dị của món rượu đế phổ biến là vị đặc biệt chứa đựng bao tinh túy của miền đất Hòa Long không nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Rượu đế Hòa Long còn đi vào nhiều sáng tác thi ca. Các nhà thơ Vũ Xuân Hương, Đàm Chu Văn, Đào Thanh Chương, Phong Hồ, Lương Định, Trương Nam Hương, Cao Xuân Sơn, Lê Giao Văn, Bùi Quang Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Lê Huy Mậu, Tùng Bách… có thơ hay về rượu đế Hòa Long. Trong bài thơ “Rượu tha hương”, nhà thơ Tùng Bách ca ngợi rượu Hòa Long khi so sánh rượu đế Hòa Long với rượu đế Làng Vân danh tiếng của thủ đô văn vật:
“Làng Vân nổi danh vì rượu
Hòa Long cũng rượu mà danh
Rượu làm nên thơ Lý Bạch
Biết đâu rồi cậu cũng thành…”
Còn nhà thơ Lê Giao Văn ca ngợi hương rượu Hòa Long khi mượn rượu đặc sản nầy để tiễn bạn:
“Rượu Hòa Long từng giọt chảy chan hòa
Lòng bừng dậy thơm lừng hương gạo mới…”
(“Tiễn người trở lại cố hương”)
LÊ THIÊN MINH KHOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét