CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : GIỌT - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH  : 

                                                GIỌT
                                 
                                     Inline image
                                        GIỌT CHÂU lã chã khôn cầm,
                             Cúi đầu chàng những gạt thầm GIỌT TƯƠNG.

           Hai câu thơ trong Truyện Kiều trên, ta có đến hai thứ GIỌT : GIỌT CHÂU và GIỌT TƯƠNG. Khi ngỡ Thúy Kiều đã chết thiêu trong thư phòng, sau một năm buồn bã, Thúc Sinh mới "Nhớ quê chàng lại tìm  đường thăm quê" và khi vợ chồng đang "chén tạc chén thù" thì Hoạn Thư mới cho Thúy Kiều ra hầu rượu và bắt nàng phải "nhìn tận mặt, mời tận tay", rồi còn phải dạo đàn cho vợ chồng giải khuây với tiếng đàn đoạn trường của Thúy Kiều :

                                       Bốn dây như khóc như than,
                                Khiến người trong tiệc cũng tan nát lòng...

 ... và cũng khiến cho Chàng Thúc phải :

                                      GIỌT CHÂU lã chã khôn cầm,
                           Cúi đầu chàng những gạt thầm GIỌT TƯƠNG.                         
                                   
        GIỌT CHÂU : Theo sách Bác Vật Chí của Trương Huê đời Tấn 晋张华《博物志》: Trong biển Nam Hải có giao nhân 鲛人 sống dưới nước như cá. Khi lên bờ ở cùng người để học nghề canh cửi, lúc  từ giả gia chủ, cảm  động rơi nước mắt rớt xuống thành những hạt châu. Chủ gia phải lấy chậu hứng để làm của báu. Sau dùng rộng ra, gọi những giọt nước mắt là GIỌT CHÂU. Ngoài hai câu trên, trong Truyện Kiều tả lúc cả nhà theo chân sư Giác Duyên đến thảo am để tìm gặp lại Thúy Kiều. Khi gặp lại đầy đủ cả nhà Thúy Kiều đã cảm  động đến nỗi :

                                      GIỌT CHÂU thánh thót quẽn bào,
                                      Mừng mừng tủi tủi biết bao là tình.

                                         Inline image

        GIỌT TƯƠNG : là Giọt nước mắt của Tương Phi 湘妃. Tương Phi là chỉ hai bà phi vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh. Khi vua Thuấn mất ở cánh đồng Thương Ngô bên bờ sông Tương, hai bà phi đã khóc đến nước mắt chảy máu vẫy đầy lên những cây trúc xanh ở nơi đó thành các đóm đỏ sậm màu. Loại trúc có đốm nầy rất đẹp và qúy, gọi là Tương Phi Trúc. Nên GIỌT TƯƠNG thường dùng để chỉ giọt  nước mắt của vợ khóc chồng. Sau dùng rộng ra để chỉ chung những giọt nước mắt xót thương. Nên...

        GIỌT CHÂU là chỉ chung những Giọt Nước Mắt, còn GIỌT TƯƠNG là những Giọt Nước Mắt Xót Thương sầu thảm như hai câu mở đầu bài nầy.

        Cũng đều là nước mắt, không gọi là Giọt Châu thì gọi là GIỌT NGỌC. Như khi bị Hoạn Bà đánh cho một trận rồi bắt đổi tên là Hoa Nô, lại nghe lời khuyên của bà quản gia :"...Kẻo khi sóng gió bất kỳ, Con ong cái kiến kêu gì được oan !". Nên Thúy Kiều mới lại :

                                         Nàng càng GIỌT NGỌC chứa chan,
                                  Nỗi lòng luống những bàng hoàng niềm tây.

                                   Inline image  Inline image

        Khi Kim Trọng trở lại vườn thúy để tìm Kiều, biết nàng đã bán mình chuộc tội cho cha, còn Thúy Vân và Vương Quan thì "May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi". Ông bà viên ngoại cũng đã "Khóc than kể nỗi niềm tây" đến nỗi chàng Kim phải :

                                        Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
                                 Dầm dề GIỌT NGỌC thẫn thờ hồn mai!

       Còn trong truyện thơ Nôm Phan Trần tả lúc Phan Sinh và Trần Kiều Liên gặp lại nhau thì :

                                         Thấy nhau GIỌT NGỌC không cầm,
                                        Ơn nàng trinh tiết ba đông vẹn toàn.

          Còn khóc đến đổi nước mắt đỏ thành máu như nàng Tiết Linh Vân 薛灵芸 trong Thập Di Ký 拾遗记 của Vương Gia 王嘉 đời Ngụy Văn Đế (Tào Phi) khi được lệnh phải về kinh để nhập cung, vì nàng có tài thêu thùa rất giỏi, nổi tiếng là Châm Thần 針神 (mũi kim thần kỳ) lúc bấy giờ. Thương cảm đến nỗi nước mắt chảy ra màu đỏ như máu thì gọi là GIỌT HỒNG. Như khi Thúy Kiều từ biệt Vương Bà ở "Bề ngoài mười dặm tràng đình" để đi theo Mã Giám Sinh :

                                          Nhìn càng lã chã GIỌT HỒNG,
                                       Rỉ tai nàng mới giải lòng thấp cao.

                                       Inline image

          Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì gọi những giọt nước mắt màu đỏ là GIỌT HỒNG BĂNG :

                                          Ngọn tâm hỏa đốt dào nét liễu,
                                     GIỌT HỒNG BĂNG thấm ráo lòng son.

           Trong "Hoa Tiên Ký" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi một cách nhẹ nhàng và thi vị hơn : GIỌT THẮM :
                                           Thấy lời oanh yến xôn xao,
                                  Càng chan GIỌT THẰM càng bào lòng son.

          Khi đã tốn "Biết bao công mượn của thuê" mà vẫn không tìm gặp được nàng Kiều, khiến cho Kim Trọng đau buồn đến nỗi :
                                           Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê,
                                  Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao.                     

                                  Inline image

        Sau những giọt nước mắt như Giọt Châu, Giọt Ngọc, Giọt Tương, Giọt Thắm, Giọt Hồng, Giọt Hồng Băng... Bây giờ ta nói đến GIỌT ĐỒNG HỒ.

        ĐỒNG HỒ 銅壺 : là cái Bình bằng Đồng rất lớn có hình tượng của con rồng phun nước, dùng đựng nước để đếm thời gian ngày xưa. Cứ đổ đầy nước vào cái Đồng Hồ nầy rồi cho miệng rồng nhễu ra (chữ Nho gọi là LẬU) từng giọt từng giọt một để tính thời gian theo dấu khắc trên Đồng Hồ. Ban ngày thì không nghe tiếng, nhưng ban đêm yên tịnh thì tiếng nước nhỏ giọt nghe rất rõ ràng, nên ta mới có các từ như Giọt Rồng, Tiếng Thời Gian, Khắc Lậu Canh Tàn... Như khi Thúy Kiều nhẹ dạ nghe theo lời của Sở Khanh dụ dỗ nửa đêm lẻn bước xuống lầu Ngưng Bích trốn đi trong cảnh :

                                         Đêm thu Khắc Lậu Canh Tàn,
                                  Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

          Trong truyên Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng, tả lúc nửa đêm Phương Hoa hẹn gặp Cảnh Yên ở góc vườn để trao áo quần và tiền bạc :

                                        GIỌT ĐỒNG HỒ điểm canh ba,
                                    Bấy giờ liền dậy bước ra một mình.

                          Inline image
                               Đồng hồ đầu rồng                  Đồng hồ đời nhà Nguyên

          Nàng cung nữ bị thất sủng trong Cung Oán Ngâm Khúc chờ đợi và oán trách nhà vua cho đến lúc   ĐỒNG HỒ cạn hết nước vẫn không chợp mắt được :

                                      Mắt chưa nhắp ĐỒNG HỒ đã cạn,
                                   Cảnh tiêu điều ngao ngán dường bao.

          Còn trong Truyện Kiều, khi đã hành hạ Thúc Sinh và Thúy Kiều đến nửa đêm cho thỏa mãn rồi Hoạn Thư mới chịu tha :

                                       GIỌT RỒNG canh đã điểm ba,
                                  Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm.

          Trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiên thì lại đọc trại GIỌT LẬU thành GIỌT LẦU cho ăn với bằng trắc của thơ Lục Bát như sau :

                                        Người về khuất, kẻ trông theo,
                                    Xa mù lần khóa vắng teo GIỌT LẦU.

          GIỌT VŨ LỘ : VŨ 雨 là mưa, LỘ 露 là hạt móc, hạt sương. VŨ LỘ 雨露 là Mưa Móc. Có Mưa có Móc thì cỏ cây hoa lá mới tốt tươi, nên GIỌT VŨ LỘ dùng để ví với ơn vua ban cho khắp cả thần dân, gọi là Ơn Mưa Móc. Trong "Tụng Tây Hồ Phú" của Nguyễn Huy Lượng có câu :

                    Trên dưới đều rồng mây cá nước phải duyên, GIỌT VŨ LỘ tưới đôi hàng uyên lộ,
                    Gần xa cũng cõi bờ non sông một mối, tấm đan thành dung khắp lũ nghiêu sò.

                          Inline image

         Cuối cùng ta có GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG : là Giọt nước được rải ra từ cành dương liễu trong tịnh bình của Quan Thế Âm Bồ Tát để cải tử hồi sinh, cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sinh còn đang chìm đắm trong bễ trầm luân. Như khi Thúy Kiều vào tu ở Quan Âm Các :
                 
                                    Nàng từ lánh gót vườn hoa,
                               Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng.
                                    Nhân duyên đâu lại còn mong,
                               Khỏi điều thẹn phấn, tủi hồng thì thôi.
                                    Phật tiền thảm lấp sầu vùi,
                              Ngày pho thủ tự, đêm nồi tâm hương.
                                  Cho hay GIỌT NƯỚC CÀNH DƯƠNG,
                              Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên !

                              Inline image

         Xin được kết thúc các GIỌT ở đây với Giọt Nước Cành Dương của Mẹ hiền cứu khổ cứu nạn Quan Thế   Âm Bồ Tát Ma Ha Tác.

                                     Hẹn bài viết tới !

                                       ĐỖ CHIÊU ĐỨC


                                               

Không có nhận xét nào: