CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

XUÂN ĐỢI NHÉ , THƠ LÃNG UYỂN CHÂU : ĐƯỜNG THI HẬU HIỆN ĐẠI - CHÂU THẠCH





 
                          Ảnh Lãng Uyển Châu



        XUÂN ĐỢI NHÉ !

Cội mai già thắm sắc vào xuân
Điểm nụ vàng xinh gấp mấy lần
Hò hẹn... yến, oanh vờn khắp giậu
Dập dìu... ong, bướm lượn đầy sân
Tết xưa tươi trẻ, lòng nao nức
Xuân mới già nua, dạ xốn xang
Nhớ thuở tình nồng yêu ấp cũ
Hương xưa ngày ấy… vẫn còn ngân

                             Lãng Uyển Châu


       
               Nhà bình thơ Châu Thạch


          “XUÂN ĐỢI NHÉ”, THƠ LÃNG UYỂN CHÂU:
                                                 ĐƯỜNG THI HẬU HIỆN ĐẠI

Tôi không rành văn học sử nhưng hình như các thể thơ làm theo phong cách mới xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, được các nhà nghiên cứu văn học cho rằng là thơ hiện đại. Ngày nay có một thứ thơ chữ nghĩa bí hiểm, ý tứ bí mật được cho là thơ hậu hiện đại. Tất nhiên thứ thơ hiện đại và hậu hiện đại nầy không có Đường thi. Từ lập luận nầy người viết nghĩ ra một ý ngộ nghĩnh, dí dỏm như sau: Đường thi cũng có hai loại, Đường thi cổ thi và Đường thi hậu hiện đại. Đường thi cổ thi là thơ Đường luật được sáng tác từ xưa đến nay, câu thơ dùng nhiều hán tự và điển tích, ý thơ gò bó trong ngữ nghĩa của ông bà để lại và đối ngẩu thì đập vào nhau chan chát như hai chiếc bánh xe song hành trên đường sắt.  Đường thi hậu hiện đại là thơ Đường luật của một số tác giả ngày nay sáng tác, không dùng chữ Hán và điển tích, ý thơ rõ ràng đọc là hiểu ngay, đối ngẫu trong thơ thanh thoát nhẹ nhàng như hai thiếu nữ đi song song bên nhau. Đây chỉ là một phát biểu vui của người viết, xin đừng ném đá nếu cho là sai.
Trong số Đường thi hậu hiện đại ấy, hôm nay tôi thấy mình thích thú với bài thơ “Xuân Đợi Nhé” của Lãng Uyển Châu, một nhà thơ nữ đất Vĩnh Long, miền Nam.
Bài thơ vào đề với hai câu thơ nói đến một nụ hoa vàng nở trên một cây mai già:

Cội mai già thắm sắc vào xuân
Điểm nụ vàng xinh gấp mấy lần

Hai câu thơ mở đề nầy làm tôi nhớ đến bài thơ của thiền sư Mãn Giác có hai câu thơ cốt lõi : “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai”. Thiền sư mãn Giác nói về mùa xuân sót lại trong thiên nhiên còn ngược lại Lãng Uyển Châu nói về mùa xuân trong lòng một cội mai già. Cả hai đều có “nhất chi mai” và đóa hoa đó như một nguồn sáng lung linh của trí tuệ, ẩn trong thơ một ý nghĩa cao siêu để con người có thể kiến tánh được chân lý của đạo. Câu thơ “Cội mai già thắm sắc vào xuân” biểu hiện cho toàn bộ cái đẹp tiềm ẩn trong thân xác cằn cổi. Xuân trong thân xác đó trở nên thâm thúy hơn, thấm thía hơn trong thớ thịt của cây mai già, hay nói đúng ra của đời người ở tuổi xế chiều.
Vào vế trạng của bài thơ, tác giả giới thiệu một khung cảnh rộn rịp tươi vui của mùa xuân chung quanh cây mai già:

Hò hẹn... yến, oanh vờn khắp giậu
Dập dìu... ong, bướm lượn đầy sân

Hai câu thơ đối nhau sít sao, dùng từ thật trong sáng mà chất chứa đầy đủ màu sắc , âm thanh của mùa xuân tươi đẹp, rộn ràng. Nhà thơ cũng đùng những hình ảnh rất xưa như yến oanh, ong bướm nhưng đọc lên ta không thấy cũ kĩ, mà nó như vẫn còn rất mới vì toàn bộ vế thơ không có một Hán tự nào.
Tiếp vế luận, nhà thơ đưa niềm vui của xuân trong thiên nhiên vào niềm vui của xuân trong lòng người. Sự chuyện tiếp từ vế thơ nầy qua vế thơ kia thật là  hài hòa và đạt đúng yêu cầu của luật thơ Đường một cách chính xác. Đối ngẩu của vế thơ minh định được tâm trạng của hai thế hệ mừng xuân. Hai tâm trạng đó tuy khác nhau nhưng nhịp đập của con tim thì đồng điệu, khiến dòng thơ như có tiếng nhạc của xuân hòa điệu sống:

Tết xưa tươi trẻ, lòng nao nức
Xuân mới già nua, dạ xốn xang

Mỗi người già nhìn mùa xuân mà nhớ về quá khứ với nhiều tâm trạng khác nhau. Vào vế thơ kết ta thấy tác giả đặt trong lòng cội mai già một thứ hương ngân thành tiếng:

Nhớ thuở tình nồng yêu ấp cũ
Hương xưa ngày ấy… vẫn còn ngân

Vế thơ kết lại cũng nói về tình như nhiều bài thơ khác. Tuy thế tình ở đây là tình già mà sao nghe nó như có đầy sinh lực. Không phải sinh lực của thứ dục vọng  tuổi trẻ mà là thứ sinh lực của sự bền bỉ, trường cửu, đã lắng sâu trong cuộc sống nhưng vẫn dậy lên ngân vọng trong mùa xuân về.
Đường thi như bài thơ nầy nếu không nói quá thì nó đã thoát bộ đồ xưa của gánh hát bội. Nó cũng không mặc bộ đồ mới diêm dúa của của những diển viên hay người mẫu. Nó như một cô gái bình dân tại miền tây Nam Bộ, mặc bộ đồ ngắn với màu sắc thanh tao, cày trên những mãnh đất từ ngữ màu mở va gieo những hạt hoa nẩy mầm tươi đẹp.
                       
CHÂU THẠCH

Không có nhận xét nào: