CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

GIẢI TRÍ NGÀY XƯA Ở QUÊ TÔI - KHA TIỆM LY

 





                            GIẢI TRÍ NGÀY XƯA Ở QUÊ TÔI


Từ năm 1954 trở về trước, nguồn giải trí ở quê tôi (có lẽ nơi khác cũng vậy) dường như không có, nếu không kể lâu lâu mới được xem văn nghệ của các đoàn văn công kháng chiến.  Cuộc sống vật chất với bao khốn khổ, hiểm nguy của người dân bị trị còn lo chưa xong thì nói gì đến đời sống tinh thần?

Sau năm 1956, khi cuộc sống có “khỏe” hơn đôi chút thì đời sống tinh thần mới được quan tâm, nhưng chỉ cũng tựu trung vào các buổi tết nhứt hội hè qua các trò chơi dân dã như kéo co, bịt mắt đập nồi, nhảy bao…,  Với các cụ thì đánh cờ, hay ngồi quanh uống trà bàn chuyện nắng mưa thời vụ. “Ra dô” (radio)  chưa ai có, còn  “nhật trình” (nhật báo) thì … cả năm mới  thấy một tờ do mấy vị “có học” như thầy Tư tiệm thuốc bắc, chú chín Xước, ông Tư Tông gởi mua từ những ai có dịp đi Bến Tre. Cũng nên nói, quê tôi ở làng An Thuận, quận Thạnh Phú (lúc đó không gọi là “huyện”), cách chợ Bến Tre  không hơn năm chục cây số, vậy mà muốn đi đến đó không dễ dàng gì: Phải thức từ hai, ba giờ sáng, chuẩn bị cơm nước mang theo (cho đỡ hao tốn), rồi cuốc bộ quãng đường năm cây số dưới trời tối thui như mực, nếu nhằm những ngày mưa thì thêm lầy lội, để kịp chuyến đò dọc duy nhứt đậu tại chợ quận khởi hành tùy theo giờ con nước lớn. Cho nên “Đi Bến Tre” – đi lên tỉnh nhà -  hồi đó vất vả còn hơn bây giờ ra… Hà Nội vậy!

Những tờ “nhật trình” đó chuyền tay coi đến “lên nước” mới thôi! Và những tin tức… nguội ngắt ấy mấy ông thường kể khi gặp bất cứ ai cho tới khi… có những tin mới ở một tờ nhật trình mới khác!

Lâu lâu có gánh hát bội về thì y như ngày hội, bởi đó là món ăn tinh thần lạ lẫm và “khoái khẩu” của làng tôi.

Nhớ mà thương cho quê hương tôi thời ấy: Trong mục “trình độ học vấn” ở các giấy tờ hành chánh thường bị ghi là “dốt”; còn “biết đọc biết viết”, đồng nghĩa với biết kí tên nguệch ngoạc cũng chẳng được bao nhiêu. Số người “đọc chạy” – tức đọc khá nhanh mà không vấp – chỉ đếm trên đầu ngón tay! Cũng như trẻ em mê chuyện cổ tích, người làng tôi rất thích nghe truyện Tàu. Mỗi tối họ tụ tập lại nhà ông Tư Tông bán tạp hóa (Tư Tiệm) để nghe cô Năm Thảnh đọc Tiết Nhân Quý Chinh Đông. Tiết Đinh San Chinh Tây, Mạnh Lệ Quân, Tam Quốc Chí, Thuyết Đường, Hán Sở Tranh Hùng, Thủy Hử, Phi Long, Ngũ Hổ Bình Tây…  Cứ hết bộ nầy lại đọc tiếp bộ khác. Sau khi hết vài chục bộ, thì cô đọc lại bộ ban đầu. Riết rồi thành như thói quen, như ghiền (!), nên cứ sẫm tối là họ lục đục rủ nhau lại nhà ông Tư Tiệm. Trưởng thượng thì ngồi ở bàn tròn , “hạng cá kèo” gồm các cô chú sồn sồn, các anh, và lũ nhóc chúng tôi thì ngồi ngoài sân trên ghế cóc mang theo, và tay cầm cái quạt mo để... đuổi muỗi!

Lâu ngày thì người đọc lẫn người nghe đều thuộc nằm lòng các pho truyện. Nhờ vậy mà cô bác làng tôi tuy dốt chữ, nhưng về mặt điển tích thì chưa chắc thua ai! Những đặc điểm, tính cách, điều trung hiếu, tiết nghĩa của từng nhân vật trong truyện đã ăn sâu vào tâm khảm họ và đi theo cuộc sống đời thường: Khen chê ai họ thường nói: “Ông đó còn hơn Khổng Minh!”,  “Nó đa nghi còn hơn Tào Tháo!” hoặc: “Anh hùng tử khí hùng nào tử”, (mượn lời Đơn Hùng Tín nói với La Thành để khen những người can đảm, sĩ khí). Hoặc “ Bộ tụi bây muốn lạn (loạn) trào hả?” để rầy la khi bọn nhóc chúng tôi quậy phá.(tích Tiêu Anh Phụng loạn trào) 

Khi mọi người đều nằm lòng, sanh chán các pho truyện thì cô Năm đọc qua thơ: Thơ Vân Tiên, Thơ Thạch Sanh Lý Thông, Thơ Chàng Nhái Kiểng Tiên, Thơ Sáu Trọng, Thơ Sáu Nhỏ, Thơ Ông Trượng Tiên Bửu, Thơ Phạm Công Cúc Hoa… Đó là những tập thơ mỏng dính được bán tại tiệm ông Tư. Và một lần nữa, mọi người dù không biết chữ nhưng ai cũng thuộc vanh vách, thuộc làu làu những cuốn thơ đó!

Một thú giải trí không thường xuyên nhưng cao cấp là “máy hát”. Nó giống in như cái va li đựng quần áo khi đóng nắp lại. Mở ra, nó gồm bộ phận quay dĩa và một cái đầu mà trước mỏ được gắn một cây kim. Bên hông có một tay quay để lên “dây thiều”!

Khi có đám giỗ, đám cưới, chủ nhân chiếc máy hát là chú Tư Kiệt luôn được trân trọng mời tới để phục vụ, và được dành cho một góc ván mà tha hồ bày biện, “yêu sách”: Đầu tiên là “mượn cái mền” lót dưới cho êm máy, kế đó là “xin miếng dầu dừa” để thoa dĩa! Cuối cùng là lời dặn bọn nhóc chúng tôi: “Mấy đứa coi (thì) coi, chớ hổng được phá nhen!”. Rồi màn “trình diễn”  bắt đầu với  những bài vọng cổ của Viễn Châu qua giọng ca của Út Trà Ôn, Thanh Hương, Bạch Huệ mà các ông các bà khen mùi … rụng rún!

Kĩ thuật thời đó còn thô sơ nên chủ nhân máy hát phải ngồi canh để thay mặt dĩa, vì dường như mỗi mặt dĩa chỉ chứa được có ba câu vọng cổ; ba câu sau ở mặt dĩa bên kia! Đó là chưa nói “hát” được vài dĩa thì kim bị tà, phải thay kim; lại còn thỉnh thoảng phải “lên dây thiều”, nếu không giọng hát bị nghe éo éo! Có phải vì vậy mà cụm từ “hết dây thiều” để chỉ những người có giọng nói nhựa nhựa, yếu ớt như hết hơi chăng?

Khoảng năm 1958, khi chiếc “ra dô” đầu tiên xuất hiện ở nhà ông chín Xước - ở sát nhà ông Tư Tiệm – thì việc “đọc truyện đêm khuya” mới chấm dứt vì dân làng tôi khoái nghe cải lương hơn, vả lại, mấy pho truyện đó họ đã nhàm! Và cũng chính vì “ra dô” là vật giải trí thượng đẳng hơn, lạ hơn, nếu không nói nó là một… kì quan của quê tôi ngày ấy! Cứ mỗi chiều, khi việc nhà việc ruộng xong xuôi, thì tốp năm tốp ba, ai cũng mang theo cái ghế cóc; mấy bà, mấy ông già thì mang thêm bịch trầu, gói thuốc rê đến sân chú Chín rồi chọn chỗ thuận tiện nhất. Mỗi tối thứ bảy đều có “truyền thanh tuồng cải lương” nên số thính giả gấp đôi gấp ba ngày thường tức khoảng bốn năm chục người – trông như cái chợ!

Cái “ra dô” hồi đó chắc phải nhiều tiền lắm nên xem chừng chú Chín quí lắm. Nó được may cho cái “áo” bằng vải bông hoa với những ren tua sau trước. Nó được đặt ở vị trí trang trọng và cao nhất trong nhà là trên đầu tủ đứng. Mỗi lần “mở đài” phải đứng trên ghế mới thực hiện được! 

Khi cái “ra dô” được “khai trương” vài ngày thì trong đám thính giả có một bà lụm cụm đi đến (cái “ra dô”) chăm chú quan sát trước sau với nhiều cặp mắt ngạc nhiên của mọi người. Chú Chín cũng lấy làm lạ, hỏi: “ Bà kiếm gì vậy, bà Bảy? Bà Bảy không trả lời mà hỏi lại: “ Có ai trong buồng nhà bây không vậy?”. Mọi người càng ngạc nhiên hơn, chú Chín đáp: “Có ai ở trỏng đâu! Chi vậy bà?” – “Hỏng có sao… cái hộp nầy nó hát được?” Mọi người cười rần. Chú Chín cười ngất, giải thích: “Đây là cái “ra dô” bà Bảy ơi! Ở trên Sài Gòn nó hát rồi máy nầy thu tiếng vào”.  Bà Bảy: “Hỗm rày nghe sáp nhỏ nói, tao đâu có tin. Tao nói cái “ra dô” là phải có người… đi ra đi dô mới hát được chớ!... Ai ngờ như dầy mà nó hát được! Hay quá bây há?”.

Mấy năm sau, chuyện tụ tập trước nhà chú Chín cũng lơi đi bởi cũng có nhiều người sắm được “ra dô”. Dù vậy, giá trị nó không hề suy giảm: Nó vẫn được mặc “áo”  thêu hoa, tua ren còn sặc sỡ hơn, lại có thêm dây quai để mang trên vai khi ra khỏi nhà! Chợ làng ngoài tiếng ồn ào cố hữu, nay thỉnh thoảng có thêm tiếng “xuống” vọng cổ thật mùi từ những cái “đài phát thanh di động”! Thời buổi đó, ai mang theo “ra dô” đi chợ được coi là sang, là  bảnh  lắm!

 Chuyện cách nay hơn 60 năm với “người thật việc thật” một trăm phần trăm.  Nay chúng tôi nhắc lại bằng một tấm lòng của kẻ ly hương từ thuở ấu thơ: Thỉnh thoảng nhớ về quê mình da diết với những con người nghèo khổ, dốt nát mà tâm hồn thật thà, đôn hậu, chất phác đến ngây ngô. Tình yêu, lòng nhớ thương quê xưa người cũ đã làm cho chúng tôi khó cầm nước mắt khi viết bài nầy.


 KHA TIỆM LY


Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

NGƯỜI THƠ - THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN


BAOTHANG_XUANXUYEN DANG
26 thg 6 (2 ngày trước)
tới Tran, Giống, bài_blog, Phu, tôi, Da, Trác






NGƯỜI THƠ

Kệ vợ tru tréo hết gạo
Mặc con thiếu bữa xanh xao
Người thơ
tấp tểnh in thơ
Mang thơ
dọa tặng trăm họ

Ngó nghiêng trò đời điên đảo
Ngác ngơ thế sự ồn ào
Người thơ
phiêu cùng mây gió
Thả hồn bát phố
luận thơ
*.
Hà Nội, 12 tháng 06.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

LẮNG LÒNG, DỪNG BƯỚC BẾN PHƯƠNG HỒNG -THƠ MẶC PHƯƠNG TỬ






LẮNG LÒNG,

DỪNG BƯỚC BẾN PHƯƠNG HỒNG


LẮNG LÒNG nghe tiếng vô thanh
Từ nguồn diệu lý qua thành kim cương
Ai hay một đoá vô thường !
Tặng nhau một sớm mười phương nhiệm mầu.

BƯỚC DỪNG tỉnh giấc chiêm bao
Dấu rêu cồn - đã nhạt màu bể dâu
Ngàn xưa chớp mộng xuân nào...
Gió lùa hạt bụi bay vào non xa.

BẾN PHƯƠNG HỒNG cỏ tình ca
Trời Vô ưu - giữa ta bà vô ưu
Cò gì thật, có gì hư ?
Có chi ! là cuộc tầm ngư tự rày !

Chùa Kỳ Viên, South Dakota, 26.6.2017.
MẶC PHƯƠNG TỬ


Nguồn : từ email của tác giả Mặc Phương Tử gởi nhamyngocsuong.
NM cảm ơn Thầy Mặc Phương Tử đã thường xuyên chia xẻ những bài thơ hay.

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2017

KHÚC TƯƠNG TƯ - XƯỚNG HỌA NGUYỄN GIA KHANH , NHÃ MY







KHÚC TƯƠNG TƯ

Nhớ bạn tay mềm trải phím tơ
So dây lệ rỏ mấy cung chờ
Trông người lại xót cơn bi mộng
Vọng nguyệt thêm sầu giấc huyễn mơ
Cuộc ái chưa trao tình rẽ lối
Thuyền hoa lại tiễn kẻ sang bờ
Âm thầm một khúc tương tư trỗi
Dĩ vãng xưa nhòa bóng cảo thơ.

NGUYỄN  GIA  KHANH


 HỌA:

KHÚC TƯƠNG TƯ
Đàn lỗi cung rồi nghẹn tiếng tơ
Mình ai thao thức mãi mong chờ
So dây nhớ bạn còn lưu luyến
Gõ nhịp thương người vẫn ước mơ
Giấc mộng trao tình chưa ghé bến
Thuyền yêu  quên khách đã xa bờ
Tương tư  lệ khúc âm thầm trỗi
Thấm cả  hồn đau  lạnh phiến thơ !

NHÃ MY

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2017

Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH - THƠ KHA TIỆM LY


Tiemly Kha
21 thg 6 (2 ngày trước)
tới tôi





UỐNG  RƯỢU MỘT MÌNH


Lưu linh như ta uống rượu chẳng cần mồi,
Như thằng điên mặc thây thế sự,
Là thằng say, nên đâm ra tư lự.
Mà chuyện đời sao kể hết em ơi.

Vỗ bụng kinh luân, môn sinh lố nhố,
Bằng hữu bốn phương đủ kín dòng sông.
Nhưng lúc sa cơ, có bao nhiêu Tử Lộ?
Gặp gian nguy toàn chạm mặt Lý Thông!

Chẳng giận người ân tình đem rao bán,
Vì thói thường của mặt ngọc, môi hồng.
Mà cả giận lũ lừa thầy phản bạn,
Mang tấm thân bảy thước cũng như không!

Ai đã từng thức trong đêm tối,
Thì mới hay khó phân biệt trắng đen.
Khi bút mực đã nhạt màu sĩ khí,
Thì liệt oanh cũng hóa ươn hèn!

KHA TIỆM LY

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2017

Vài lời tản mạn về CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI- NGUYỄN ĐĂNG HÀNH



Vài lời tản mạn về

CHÂN DUNG 99 NHÀ VĂN
VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
*
Tôi từng đọc chân dung các nhà văn đương đại của Xuân Sách, Đỗ Hoàng, Trần Nhương, Hồ Bá Thâm… Con số có tới hàng ngàn, nghe đâu trên ba ngàn khuôn mặt “danh giá” đã được ra lò, trong lúc hiện nay Hội nhà văn Việt Nam tổng thể chỉ có hơn ngàn.
Nay lại được chiêm ngưỡng 99 chân dung nhà văn Việt Nam đương đại của Nguyễn Khôi. Chà chà… Văn tài như “lá rụng mùa thu”, phen này đất Việt Văn Hiến lại bùng nổ nhân tài “đặc biệt” kỳ vĩ đây. Mỗi người mỗi vẻ: Xuân Sách quả là chín rưng rức, tràn trề thăm thẳm, góc cạnh sắc sảo, uyên thâm, uyên bác; Đỗ Hoàng đa năng táo bạo, giọng điệu sàng xê bay nhảy thủy hỏa tương giao; Hồ Bá Thâm dò dẫm dàn dựng, gắng gượng đưa đẩy; Trần Ngọc Sơn đều đều cần mẫn trơn tru tuồn tuột; Trần Nhương tự tin khôn khéo dụng công trau chuốt, công năng dàn trải,… Mỗi ông đều là những vị thủ kho mẫn cán, thu thập hồ sơ tên tuổi tác phẩm quá khứ hiện tại rồi lắp ghép, sắp đặt thành chân dung, thoáng đọc thoảng nghe cũng thỏa mãn cái tò mò, bức xúc nhưng xem kỹ đọc nhiều thì nhàm nhạt, ngấy ngộ... Theo tôi, đã là chân dung thì phải lột tả, phác thảo, khắc họa khuôn mẫu, cũng như thợ vẽ thợ ảnh phải đứng ở góc độ, chớp đúng thời cơ mà vẽ, mà chụp cái thần sắc để thành ảnh sống động, khí sắc thăng hoa, rồi mà treo ngắm, thưởng lãm... Còn bác Nguyễn Khôi nhà ta thì sao? Rất tốc độ, thật lòng, thật sự ra công cố sức đôi khi nín thở, dồn hơi, gắng bứt vượt, cố đèo bòng.... Có lẽ bởi cái bóng cái tán của Xuân Sách, cái áp lực của 200 công trình bài bản kỳ khu của Trần Nhương... Và thêm phần tuổi tác sức khỏe nên tác phẩm của bác phần nhiều viết bằng chí năng nên phần dương khí cương cường lộ liễu, nhiều câu na ná, công thức bài bản, xem mặt kể tên, lấy sự kiện sự việc, sự thật các câu chữ số phận của mỗi “nhà” rồi sắp đặt lắp ghép thành “chân dung” nên cứ na ná, trùng lẫn. Ngay cái tít Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại đã thấy rầm rộ hoành tráng quá, giá tác giả hạ bút đặt tên Thoáng nét người văn tôi tâm ý hoặc chẳng cần quốc hiệu đương thời bảo lãnh thì sẽ nhẹ nhàng dễ gần dễ cảm hơn. Dù sao tôi cũng vô cùng cảm phục lão thi sĩ, lý do đầu là ở cái tuổi lẽ ra cụ cứ ngự lãm khề khà trà rượu, cháu chắt hầu hạ kính cẩn ấy thế mà cụ vẫn cố dồn công lực phát tiết nội sinh làm nên tác phẩm lưu danh hậu thế. Thứ hai là cụ đã hùng dũng thẳng thắn, khảng khái không kiêng sợ các “đền đài thần thánh” một thời thiêng liêng ngự trị. Thứ ba là từ trái tim nhân hậu, tâm hồn khoáng đạt và sự từng trải, tác giả đủ bản lĩnh dũng cảm dám lên tiếng bảo vệ nhân văn, nhân quyền, nhân phẩm, sự thật và dân chủ. (Đúng ra là phải dẫn chứng cụ thể nhưng vì khuôn khổ bài viết vậy mời bạn đọc tìm đọc tác phẩm của Nguyễn Khôi sẽ rõ: /chan-dung-99-nha-van-viet- nam-uong-ai.html.) Thứ tư, tác giả nhân ái, công tâm, giàu tin đỡ lớp trẻ, người chưa có điều kiện, tác phẩm mới lấp ló cánh cửa văn chương hoặc chưa nổi bật, chưa khác biệt đặc biệt… mà viết chân dung văn học thì tiêu chuẩn đầu tiên là phải tìm kiếm, điểm danh, lựa chọn, tuyển chọn những gương mặt đặc biệt khác biệt, hữu danh tài đức, đã có tác phẩm vang dội, gây ảnh hưởng lớn trong xã hội...Mọi sự so sánh đều khập khiễng, soi mói, dòm ngó chê bai thì “chó nó cũng làm được”. Thôi, có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa, chúng ta hãy chúc mừng tác phẩm đã mẹ tròn con vuông, đã thành sách truyền bá, xin “Kính tích tự chỉ.”.
Tôi nhấm nháp thưởng lãm một số chân dung mà tôi khoái trá. Phục nhất, khoái nhất là tài nghệ của lão thi bá, chỉ dùng bốn câu gần như tứ tuyệt nó gò bó khuôn khổ, buộc bốn câu bốn chức năng “khai, thừa, chuyển, hợp”, nếu không đúng đủ bốn chức năng ấy thì bài thơ lễnh loãng, lỏng lẻo, sơ cứng, sáo mòn, nhạt nhẽo, vô hồn, thất sắc, nếu đủ đạt thì bài thơ cựa quậy, run rẩy sống động lồng lộng vô vi, ví như Chân dung số 1 - Tố Hữu: Chỉ cần 4 câu đầu đã đủ đã tuyệt rồi (Tự cho mình là Lành/ mọi người thấy rất dữ/ mác lê bọc bằng thơ/ đã đâm chỉ có tử.), cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều đúng, rất khêu gợi, lột vẽ, khắc chạm rõ khuôn mặt. Sự cố “cây táo ông Lành”, cuộc cải cách “nhân văn giai phẩm”, một chính khách, hung thị chuyên gia Đảng - Bác đã gây nên bao nỗi hận đau sâu lụy cho văn nghệ sĩ. Thế là được rồi, cần gì khổ 2 nữa, nó diễn giải dài dòng, kể lẽ be chắn, thiếu tập trung mất đỉnh điểm. Chân dung số 2 – Chế Lan Viên, câu kết “giấu đi mặt ma chơi”, không hiểu chữ “ma chơi” có sát nghĩa đúng hồn bài “Tháp bai on” của Chế không nhỉ? Nguyên bản là thế này: “Anh là tháp bai on bốn mặt / giấu ba mặt còn đó là anh/ chỉ mặt đó ngàn trò cười khóc/ làm đau ba mặt phía ẩn hình”. Rõ ràng cái câu hợp thứ 4 này toát lên cái ăn năn hối lỗi, dằn vặt về cái thời danh lợi, giá áo túi cơm, đó là cái thiện tâm, phật tính chứ đâu phải là “ma chơi”.
Tiếp theo, tôi xin vỗ tay chân dung mà ông phác thảo tương đối đạt, cụ thể: Chân dung số 6 - Xuân Thủy: Hai câu đầu giản đơn kể nhắc, hai câu sau tuy không vẽ kẻ nhưng nổi bật gương mặt chính khách lịch lãm trí thức, nhân vật đặc biệt góp phần quan trọng làm nên lịch sử dân tộc, khi khúc mắc đã bật, đã phát lời tuyên ngôn bất hủ “Không giam được trí óc”, khẳng định văn nghệ sĩ phải được tự do, không bao giờ bị giam hãm, trói buộc. Đến chân dung thứ 8 - Việt Phương, đã là thi thoại giai thoại một thời. Một nhà thơ nhạy cảm nhạy bén, bản lĩnh hiên ngang cho ra “Cửa mở”: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn Thụy Sĩ... Trăng Trung Quốc sáng hơn trăng nước Mỹ”, “Bao giờ ta đủ tầm cao/ để ta bắt được vì sao trên trời”. Động cham một loạt nguy lụy theo bởi cái thời bao cấp mậu dịch, đồng ca minh họa, bốc thơm tụng ca lừa gạt, Nguyễn Khôi nộ, nỡm: “Ta cái gì cũng hồng/ đich cái gì cũng xám/ Trảm”. Câu kết sắc lẹm. Câu thơ khuyết hậu. “Trảm”, chỉ một câu ấy mà thót tim ớn lạnh, hiện ra bộ mặt lạnh ngắt sám sịt tử khí của cái thời văn chỉ điểm, văn lãnh đạo, thấp kém thô bạo. Nổi bật chân dung vững vàng bản lĩnh Việt Phương.
Chân dung thứ 9 - Hữu Thỉnh. Cái ông lắm người yêu, đầy kẻ ghét, tác phẩm cũng chỉ thường thường bậc trung, viết phục vụ chiến tranh một thời nhưng bảo “xoàng xĩnh lên ngôi” thì hơi quá. Thơ Hữu Thỉnh chẳng xuất sắc cũng đâu đến nỗi kém cỏi mà “xoàng xĩnh” thì hơi oan. “...Ghế cao anh ngồi” thì đúng quá rồi vì sao? Vì anh đã cố công chạy ngược chạy xuôi…. “Điếu văn hót tới đỉnh” chứng tỏ anh cũng phải xuôi ngược lưu tâm cố ý thì mới có “điếu văn hót tới đỉnh”. Riêng cái khoản này, cộng cái ham muốn nỗ lực và say ghế thì ghế anh ngồi cũng xứng thôi.
Tiếp đến Hoàng Cầm. Nói đến Hoàng Cầm là thấy “diêu bông”, “mưa Thuận Thành”, “Hạt mưa chèo bẻo/ nhạt nắng xuyên khoai/ hạt mưa hoa nhài/ tràn đêm kỹ nữ/ hạt mưa sành sứ/ vỡ gạch Bát Tràng... Thuận Thành đang mưa”. Nguyễn Khôi rất khéo dùng thủ pháp “Xê dịch”, chỉ thay đổi một vài con chữ, vị trí, ý tứ của Hoàng Cầm mã đã thấy rõ cuộc đời, số phận Hoàng Cầm hiển hiện ví như câu: “Váy Đình Bảng buông chùng xuống/ đâu thấy lá diêu bông”. Đã đôi lần tôi được hầu rượu nhà thơ Hoàng Cầm, tôi có hỏi: Thưa bác lá diêu bông là gì? Mặt ông chùng xuống, đăm đắm nhìn qua khung cửa... Sau một vại rượu, ông thủng thẳng: Thế ông không đọc, không hiểu câu cuối bài: Từ thủa ấy/ em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ gió quê vi vút gọi/ ...diêu bông hời.../... ới diêu bông. Hóm quá. Tế nhị tinh vi quá! “Váy Đình Bảng buông chùng xuống/ Đâu thấy lá diêu bông”. Vì không thấy nên ông bị 8 tháng ngồi Hỏa Lò. Hoàng Hưng vì yêu thích, cầm giữ lá “diêu bông” bị 4 năm bóc lịch. Thì “mưa Thuận Thành tầm tã” thì ông đành, ông đã, ông phải, ông lại “ngây ngất ả phù dung”.
Chân dung 14 - Trần Dần. Một tài thơ nổi trội, một nhân cách chân chính nói tiếp qua 2 câu thơ: “Tôi khóc những chân trời.../...Những người bay không có”. Ta nhớ 2 câu thơ nổi tiếng của Trần Dần: “Tôi khóc những chân trời không có người bay/ Tôi khóc những người bay không có chân trời”. Câu thơ ẩn dụ ám ảnh khiến ta liên tưởng tới cái xã hội đương thời... Đời là thế đấy. Người bay thì không có chân trời. Chân trời thì không có người bay. Ôi thương xót cho nền văn học, số kiếp văn nhân của thời đã qua. Trần Dần đau đớn xót xa cho thế sự nhân sinh, ông kiên cường tin tưởng vững chắc vào chân chính làm nên tác phẩm “Nhất định thắng... công toi”. Xin thưa! Công không toi đâu. Tài năng và sự can trường hy sinh đã để lại cho đời tác phẩm giá trị. “Cổng tỉnh” đã được giải của Hội nhà văn Việt Nam rồi mà.
Chân dung 15 - Lê Đạt. Lê Đạt là người cùng thời, cùng họa với Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, hoàng Cầm... Thất thời gặp họa lâm nạn, tù túng thiếu thốn lấy thơ làm nỗi sống niềm sống, ông tỉ mẩn kỳ công đắp vẽ mổ sẻ lai ghép, lắp ghép, thử nghiệm, sáng tạo kiểu thơ riêng, ông gọi là “bóng chữ”, người “phu chữ”, âm thầm cần mẫn đẽo tỉa, cấy ghép đã thành công đáng kể, dẫu đã nhiều phen e chề, thất bại. Nguyễn Khôi ở gần cái tuổi thời ấy nên dễ hiểu và đồng cảm, nắm vững giải mã được “bóng chữ” của Lê Đạt nên thấy: “Đẽo/ tỉa bay mất hồn/”, nhưng Nguyễn Khôi vẫn ngờ vực hỏi: “Người chết/thơ còn, hết?/ “Đường chữ” nẻo cô thôn”. Đường chữ là tác phẩm. Câu trên hỏi ỡm ờ thì câu sau giải mã ngay. Thơ Lê Đạt, thấy cái thâm thúy gợi mở của Tàu, cái tích ép của Nhật, cái thực dụng của Mỹ nhưng vẫn mù mờ, ỡm ờ tốc độ súc giác của Lê Đạt. Viết đến đây tôi thấy tôi bị lan man, tản mạn quá. Sao mà đủ tài đủ sức theo đuổi dò mở dòm ngó 99 kho tang bí ẩn huyền ngã… Vậy tự thổi còi thư bút khép lại mà thưa thớt một số vấn đề trong một số chân dung.
Thưa lão thi bá! Ở nhóm mảng tiền bối danh giá có lẽ do đặc điểm khuôn khổ khắt khe gò bó cô đọng của thể thơ tứ tuyệt nên một số chân dung chỉ thấy chân tướng, ví dụ như bài 21 - Xuân Diệu: “Đồng tính” bị đấu tố/ cụt hứng làm thơ tình/ Thôi thì ca “ngói mới”/ đi “nói chuyện thơ mình”. Nguyễn Khôi dùng tác phẩm “Đồng tính” “Ngói mới” “Nói chuyện thơ” để ghép thành bài tứ tuyệt nhưng đấy mới là thơ “tứ” nhưng chưa “tuyệt”, vì đây mới là cái chân tướng, giai đoạn, sắc thái nhất thời của Xuân Diệu chứ đâu phải là cái góc cạnh, khuôn mặt thần thái, hồn vía thơ Xuân Diệu. Hoặc Huy Cận, cái thành công vang dội trường tồn của “Lửa thiêng” và “Mỗi ngày mỗi sáng” thì thi trường và thời gian đã thử thách thừa nhận Huy Cận là nhà thơ cảm quan vũ trụ, có cảm quan nhân sinh quan tuyệt hảo ngất ngất... Sau này gia đình ông có chuyện riêng không hay lắm, Cù Huy Hà Vũ, con trai có quan điểm sống khác, dù sao đó cũng là chuyện của mỗi gia đình chứ có làm tắt “Lửa thiêng” đâu? Còn việc tên đường phố thì có cũng hay, chưa có thì cũng đừng ngạc nhiên, chớ như ai kia đã rút hai câu “Mặt trời xuống biển như hòn lửa/ Sóng đã cài then đêm sập cửa”, rồi suy diễn, áp đặt, chụp mũ thì chua chát cái sự đời quá. Hoặc 25 - Minh Huệ. Cả đời thơ ông nổi bật bài “Đêm nay Bác không ngủ”. Bài thơ của ông là tấm lòng, tiếng lòng của những người lính cảnh vệ ngưỡng mộ Bác tuyệt đối trung thành, kính trọng yêu thương Bác. Đó là cái tình đồng chí, tình cha con, sao lại “Vợ dí thơ... Tính tình/ Bác là Hồ Chí Minh/ Tỉnh tình đâu mà dí”. Có thể tác giả chỉ đùa nỡm chơi chữ vui vui nhưng đọc thấy thô tục vô độ thế nào ấy. Đọc 4 câu số 26 này, tai tôi vẳng lên câu ca dao “Em xinh lời nói cũng xinh/ Em giòn thì cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Hoặc câu vè tếu táo mà Nguyễn huy Thiệp, Bảo Sinh, Bùi Hoàng Tám tranh nhau nhận: “Vợ tôi dở dại dở khôn/ Vợ tôi nó lại dí... vào thơ.”. Đừng để công chúng hiểu lầm bởi các ám ngữ phóng từ tùy tiện này, nhất là với vị lãnh tụ kính yêu.
Chân dung 35 - Phùng Cung. Tác giả hai câu thơ: “Lên đệnh khắp nước cùng non/ Dạt vào ao cạn vẫn còn lệnh đênh.” Vì cái truyện ngắn Con ngựa giá chúa Trịnh mà mắc nạn, bởi bọn “lính gác” văn chương, mấy tay chỉ điểm mong ông bị tù đày. Ra tù, nhờ Phùng Quán, Nguyễn Hữu Đang giúp đỡ cho tập “Xem đêm ra đời” Hậu thế biết cái bản lĩnh tính kiên cường qua bài thơ thể Hai Kư: “Quất mãi nước sôi/ Trà đau nát bã/ Chẳng đổi giọng Tân Cương.”, thì ta thấy cái kiếp bèo bọt của thi nhân “dạt vào ao cạn vẫn còn lệnh đênh” bản lĩnh quật cường, “Trà đau nát bã/ Chẳng đổi giọng Tân Cương”. Vâng, giữ giọng, giữ bản lĩnh nhân văn nhân bản thi sĩ, chứ đâu “quất bã chè thành thơ?”!
Chân dung 29 - Bùi Giáng. Tôi không đắc ý với câu “Nghêu ngao giả cuồng điên”. Chữ “Giả” không đạt lắm. Thực thì Bùi Giáng điên điên, điên tình, điên cảnh, điên thơ, điên đời... Thường thì các thi sĩ thiên bẩm thiên tài đồng bóng thăng hoa mà phát thơ. Thơ Bùi Giáng có đặc điểm là bất thường vô thường, (Chân không tới đất, cật không tới trời), lâng lâng ảo ảo, cuồng cuồng say say, nó vô định ma mị lắm. Chính thế mới tạo nên cái “Bùi Giáng”, “Trường phái thơ Bùi Giáng”, không khéo Nguyễn Khôi lại lầm như trường hợp Xuân Diệu nhận định nhầm Hàn Mặc Tử.
Chân dung 43 - Lê Lựu. Đọc chân dung này thì thấy cái chân tướng đời thường, kẻ đường chợ chứ đâu là chân dung một nhà văn Lê Lựu, một Giang Minh Sài (Thời xa vắng), một Núi (Sóng ở đáy sông). Còn cái chuyện tình ái, vợ chồng, gia đình hãy cho qua, hãy phác họa, ký họa, khắc họa những nét đặc biệt, đặc trưng chân dung VĂN HỌC. Hãy hướng tới cái có, cái được, cái đạt, cái đặc biệt nổi trội của nhà văn thì văn chương hơn, nhân ái, hỉ xả hơn.
Chân dung 45 - Chân dung Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên…
Tiếc quá! Lại ghép hai “Nhà” cùng nhau…Gây phản cảm. Tất nhiên ý tác giả ghép chân dung hai vợ chồng, hai nhà tài năng liền nhau cho thân mật thắm thiết, nhưng gây cho người ta nhìn nhầm thành hai đầu sáu tay…ngộ ngộ. Nói đến Lý Phương Liên phải nói đến “Ca bình minh”, “Tâm sự với Thúy Kiều”. Người ta không quên vụ án “Thúy Kiều” án không án, vì nhà thơ quá nhạy cảm, thông minh mẫn cảm đi trước thời đại…Nguyễn Nguyên Bảy bất tử với tuyên ngôn “Thơ là thơ không phải địa vị người làm thơ” hoặc lương tâm lý trí tư cách đạo đức tư tưởng: “Màu đỏ của máu/màu vàng của da/mỗi chúng ta/là một lá cờ”. Hay sâu xa bất hủ như: “Cháy rồi, cháy hết phần thơm/chân hương đứng lặng nỗi buồn vô vi/rồi màu phẩm nhạt phai đi/dẫu chẳng còn vẫn đứng chân hương”. Tâm tình, dúng nghĩa nhân lễ trí tín quá! Tài hoa bất hủ, bất tử quá quá! Đừng quên những lời thơ gan ruột này là chân dung Nguyễn Nguyên Bảy những “Ca bình minh”, “Tâm sự Thúy Kiều” là tượng đài lồng lộng thăm thẳm mênh mang Lý Phương Liên. Còn “Chàng Tư mã say thơ/mê mùi sen phố cổ/ “chém gió giữa Thủ đô/thơ bạn thơ” rạng rỡ”. Chỉ là bề nổi, chỉ là cái bóng thoảng của hai nhà thơ nổi tiếng này thôi.
Chân dung 47 - Dương Thu Hương. Tôi đã được đọc “Thiên đường mù”, “Đám cưới không giá thú”, “Bên kia bờ ảo vọng”, tôi phục trí óc của bà, tôi quý giọng văn sắc sảo biến ảo đa chiều góc cạnh của bà. Đọc số 47 Dương Thu Hương và 26 Minh Huệ tôi phục và sợ sự tưởng tượng hư cấu lồi lõm góc ngách phù thủy của Nguyễn Khôi. Nhưng vẫn buồn buồn vì những câu “Tức khí mà tắt kinh/Thiên đường mù vẫy gọi/ Chào tỉnh lẻ vĩ nhân”…Đã tắt kinh, thì hết trứng, hết trứng thì làm sao sinh nở được nữa. “Thiên đường mù vẫy gọi” vô vọng quá! “Chào tỉnh lẻ vĩ nhân” hài bi, bi hài quá! Tất nhiên “Thiên đường mù” “Tỉnh lẻ vĩ nhân” là tác phẩm nhưng cũng là con người xã hội, thế thời thời thế…Những câu chữ rất ý tứ góc cạnh (ý tại ngôn ngoại). Nhưng tắt kinh tuy đúng, tuy lạ nằm bên, hiện lên trang giấy khó đọc quá cứ tởm tởm mất vệ sinh…- Tôi lại lan man quá rồi! Trên các trang mạng nhan nhản phất phới lời ca lời bình 99 chân dung rồi, Nguyễn Khôi đã được các nhà uy danh phong “tuyệt vời”, “Thượng thừa ngôn ngữ”, “Thư ký thời đại”… “Xuất khẩu thành chương”… “Nguyễn Khôi sáng ngời…”. 99 gương mặt đã được các nhà bình bàn rất kỹ rất hồn nhiên, các khuôn dung đã lồ lộ quá rõ rồi thôi tôi hết đất miễn bàn. Lẽ ra tôi định bàn tới các nhà thơ chính, phân cao thấp. Nhưng như nói đã quá đủ trên các báo mạng rồi tôi chỉ xin thoáng qua mấy nhà thơ mà tôi có quen biết.
Kính thưa nhà văn Nguyễn Khôi - Văn Thùy không giỏi diễn dị nhân đâu. Có thể thời đầu, đoạn đầu Văn Thùy tập diễn, cố diễn sau bị con “ma thơ” đánh bùa mê thuốc lú thành “dị nhân” xịn đấy, ông gày gò, ông từ bỏ, ông mất mát đúng như bài thơ “Văn Thùy dị nhân” của nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đã lột tả. Còn “Thấy Bùi Giáng là lủi” Văn Thùy sao dám đấu với Bùi Giáng mà “lủi”. Còn người đời ngộ nhận thì bàn làm gì? Văn Thùy có đôi nét ngoại hình, có dòng thơ lục bát nhuần nhuyễn bắt hơi nhau một chút, ví như câu “khóc người một con” trùng câu trùng ý Bùi Giáng. Cái “điên” của Bùi Giáng đâu có giống cái “bụi” của Văn Thùy. Chính Văn Thùy tự nhận là rơm rác bụi bặm rồi cơ mà. Thôi thì Văn Thùy đã được làng thơ phong “dị nhân” “Thơ bụi” cũng là lẽ tự nhiên thôi chứ “Khéo dán tem “thơ bụi” sao nổi.
Người thứ hai là bạn tôi, là thầy thơ tôi Hoàng Xuân Họa, chân dung 63: “Thơ “trong” ba lô ra trận/Bỏ “trót một thời yêu”/”Chuyện cõi âm lạ lẫm/ Trả đời cho Chí Phèo”. Chân dung này thật 100% nhưng nhạt loãng, tuyền toàng. Cụ thể nghĩa đen, sự thực năm 1970 anh chàng tân binh Hoàng Xuân Hoa yêu thơ say thơ quý phục Ca bình minh của Lý Phương Liên. Anh chép tay cõng trên ba lô đi khắp chiến trường ABC. Qua cuộc chinh chiến ở chiến trường Nam Bắc ở trường đời anh thai nghén chửa đẻ ra “Trót một thời yêu” giọng điệu trăn trở hồn thơ chấp chới gây làn sóng lăn tăn sau chiêm nghiệm từng trải là người trong cuộc chiến, cuộc sống anh cho “Chuyện cõi âm ra đời” vừa hài vừa bi vừa hư vừa thật, nhưng rưng rưng nhưng nhức cho độc giả sau, trước cái xã hội thật như đùa cười ra nước mắt anh sinh ra “Chí Phèo đi dự Fet ti van”. Bác Khôi ơi! Bài viết của bác đúng đủ nhưng vẫn chưa rõ cái thần thái uy quang của Hoàng Xuân Họa mà ngược lại người ta hiểu lầm, tưởng sai về nhà thơ khó tính đa tài đa tật nhiều lắm, nhất là “Trả đời cho Chí Phèo” oan quá, tầm thường quá! Ngộ quá!
Ông bạn thứ ba mà tôi kiêng nể dẫu ít tuổi, chỉ hơn con lớn của tôi bốn tuổi, đó là Đặng Xuân Xuyến, chân dung số 89. Vì sao? Xin thưa. Vào khoảng những năm 1990 - 2000 xã hội mở cửa, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ, các nhà văn nhà thơ thậm chí cả các nhà hưu trí nhà bất mãn thất thời đua nhau phấn đấu trở thành thi sĩ văn sĩ đua in ấn các loại văn thơ: “đâu là đôi mắt”, “Như có Bác Hồ”… Thế mà anh bạn trẻ trên tay cầm cái bằng đại học nhân văn xã hội đỏ chóe ngày đêm xem cổ, tiếp kim chiêm nghiệm thực nghiệm cho ra đời hàng loạt đầu sách mới lạ (có thể lên tới hàng trăm đầu sách với nhiều bút danh). Nổi bật gây dư luận nhất là hai tập sách, một là Giới tính và giáo dục giới tính (1997). Nội dung khoa học về đời sống tình dục và giới tính. Anh tiếp thu thành tựu của nước ngoài, kết hợp cái thực tế ở trong nước, nhất là những cái ở ta đang lấn cấn để mà thành sách, giúp người, giúp đời, giải phóng mặc cảm, giải phóng thân thể tự do, hướng tới sống khỏe, sống hạnh phúc nhưng ở giai đoạn đấy anh đi quá sớm nên ăn đòn (bị thu hồi). Tác phẩm thứ 2 là cuốn Tử Vi kiến giải, được viết theo quan điểm chắt lọc những tinh hoa của tiền nhân, của Tử Vi Việt, giúp bạn đọc tiếp cận dễ hơn, đúng hơn về niềm tin tín ngưỡng của người Việt thế nhưng cũng bị nhà chức trách thổi còi “đình bản” nhưng không thu hồi. Sách vẫn được truyền tay tìm đọc, nghe đâu, vẫn được tái bản mấy lần. Đó là cái riêng, khác lạ của một đời văn, một đời người. Vậy có xứng là nhà văn có giọng văn dáng dấp đương thời đương đại không? Ấy là chưa nói anh còn viết một loạt truyện ngắn: Chuyện cu Tố làng tôi, Chuyện của gã Khờ, Kim yêu, Chuyện ngủ... được bạn đọc yêu thích, ngay chính lão thi bá Nguyễn Khôi cũng làm bài thơ 5 đoạn cảm đọc gã Khờ. Lại còn mảng thi ca. Dẫu thơ anh chậm xuất hiện nhưng đã gây ấn tượng bởi cái giọng điệu sắc lạnh, tốc độ, tứ ý ngồn ngộn tự nhiên, đầy tâm trạng, đủ chân thiện mỹ như: Bạn Quan, Quê nghèo, Tôi nghe, Ru con, Tim đau, Mơ trăng, Tình Nở... Nhất là thơ tình đầy trăn trở. Bêlin Xiki nói: “Chỉ cần anh có cái giọng riêng đã đáng là một nhà thơ rồi.”. Vậy mà bác Khôi nhà ta đã nghuệch ngoạc vẽ thế này: “Buôn sách và viết sách/ Vui gà trống nuôi con/ làm tình “cưỡng” không thích/ Thơ như thời trai son.”. Thực quá dễ dãi, quá thô, quá trơn tuột. “Buôn sách”, “gà trống nuôi con”, “làm tình “cưỡng” không thích” thì đâu phải chân dung, phải chăng chỉ là về đời thường chứ đâu là cái hồn cốt, cái chân dung để đời của nhà văn?!
Chân dung 97 - Vũ Từ Trang. Nhà thơ này trắng trẻo đẹp trai điềm đạm. Thơ hay văn giỏi. Anh rất coi thường thơ tôi. Anh thường bảo thơ tôi là thơ con cóc. Vâng. Tôi rất bực mình và tự ái nhưng tiếp cận thơ anh tôi cụt lủi. Thơ anh rất hiện đại nhưng ý tứ gợi mở ám ảnh như bài: Chiếc đồng hồ cũ, Cái ghế, Thăm nơi sơ tán…. Một loạt bài rất hay, không thiếu chất suy tư chiêm nghiệm, triết lý rất Đông Á. Thơ anh và văn anh đăng rất nhiều trên báo trung ương và địa phương, gây nhiều hiệu ứng trong xã hội. Cuốn Phía sau con chữ, chân dung văn học ông viết nhẹ nhàng, chân thật, sống động, có chiều sâu, có bề dầy. Anh là người “vua biết tiếng chúa biết tên”. Ấy thế mà Nguyễn Khôi nhẹ nhàng “vô tư” viết: “Vươn lên từ chủ doanh nghiệp/ Từ chân báo thủ công/ Văn chân dung chân thật/ Thơ ngọt khế sắt đồng”. Thơ Vũ Từ Trang không chỉ ngọt khế sắt đồng, còn có cả chua chát đắng cay tràn trề dân dã, lóng lánh trí thức, ấn tượng cổ kim... Bác Khôi lại cẩn thận đóng vai cán bộ tổ chức, xét lý lịch mấy đời thi nhân, đã khắc họa chưa đạt chân dung thơ văn đã đắc đạo của Vũ Từ Trung.
Người thứ 5 mà tôi biết là Nguyễn Thanh Lâm, chân dung số 86: “Đêm tỏa Hương dương cầm/ Nghe mưa trên mái cổ/ Siêu thoát trong rừng tùng/ Thơ lang thang bát phố.”. Ba câu đầu ít nhiều có hồn vía nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm nhưng câu thứ tư “Thơ lang thang bát phố” thì e không đắt, không hợp với Nguyễn Thanh Lâm, người nặng về tâm linh tĩnh tại. Thơ Nguyễn Thanh Lâm có chất thiền định, nghe mơ hồ bần lâng vô vi thi vị. Với con người điềm đạm cân bằng sâu xa an lạc và dòng thơ du dương cuồn cuộn nồng đậm ấy chẳng bát phố đâu. Vả lại, ông chẳng có tác phẩm nào là “bát phố”, không khéo người ta lại nhầm với ông Bảo Sinh thì nguy.
Đang viết thì chuông điện thoại đổ gấp. Tôi nhấc máy nghe, đầu dây bên kia là giọng của ông bạn thơ tuổi đã cao niên: - “Alo! Ông Hành có được tặng 99 nhà văn đương đại của Nguyễn Khôi không? Có cái bìa 2 lạ lắm. Nhà văn Nguyễn Khôi cưỡi ngựa xem hoa, không biết là ý gì nhỉ?”. Tôi vội mở điện thoại ra xem, quả lão thi nhân vẫn phong độ chững chạc lắm. Áo véc tím hồng, khuôn mặt ngây ngây, mủm mỉm cười, tay phải đút gọn túi áo, tay trái vịn cành đào hoa nở rực rỡ. Tôi vội trả lời: - “Ồ không phải là cưỡi ngựa xem hoa mà là vin hoa đút túi….”.
Định viết thêm nhưng tôi thấy thế cũng đã nhiều nên tạm dừng bút.
Vâng. Thật lòng, tôi cứ tiếc, cứ lẩn thẩn với những suy nghĩ trong đầu: Giá như thi bá Nguyễn Khôi bình tâm tĩnh trí khoan dung hỉ sả nhân ái một chút, tĩnh tâm tận tình mà viết 99 chân dung; giá như thi sĩ Nguyễn Khôi đọc kỹ, đọc ngấm, đọc thấu, đọc trách nhiệm với những tác phẩm của các “chân dung” thì tác phẩm sống động hơn, các chân dung ấy sẽ trường tồn hơn...
Vâng! Cảm phục nhà thơ và cũng rất tiếc thay!
*
Khoan Tế, những ngày đầu tháng 06.2017
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Đa Tốn, xã Khoan Tế
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Điện thoại: 0166.467.78.26

Nguồn : từ email của nhà thơ Nguyễn Khôi gửi lamngoc.
NM cảm ơn nhà thơ Nguyễn Khôi và tác giả Nguyễn Đăng Hành.





VĂN ‘’HÀNH’’ - KHA TIỆM LY

 



VĂN “HÀNH”

 “Văn dĩ tải đạo”, lời cũ thường khuyên,
“Đức khả thắng tài”, kẻ sau chẳng nhớ!

Trộm nghe:
Thế nhân vốn một mặt muôn lòng,
Văn chương cũng năm đường bảy ngõ!
Trò đời đã nhiều chuyện lá lay,
Con tạo lại bày trò cắc cớ!

Nhớ xưa,
Bao thi nhân hùng khí chưa mờ,
Bao kiệt tác ngôn phong còn đó.
Đồ Chiểu đâm mấy thằng gian, bút thép chẳng tà,
Cử Trị mắng bao phường nịnh, lòng son vẫn tỏ.
Hịch Tướng Sĩ, sông Bạch Đằng nước cuộn sóng gào,
Cáo Bình Ngô, núi Chí Linh cây rung lá đổ.
“Văn dĩ tải đạo”, lời cũ thường khuyên,
“Đức khả thắng tài”, kẻ sau chẳng nhớ!

Thế mà nay,
Học hành đôi chữ lem nhem,
Văn vẻ ba xu ú ớ.

Vỗ bụng cứt, khoe ráp được vần ngược, vần xuôi,
Vểnh tai trâu, thích nghe nịnh lời nầy, lời nọ.
Văn nghe  trớt huơ trớt hướt, giống hệt nước mắm chấm dùi,
Thơ viết lốc cốc lom com,  y như thầy chùa gõ mõ!
Không rành luật đối, cũng xưng mầy đó ta đây,
Chẳng sạch vần gieo, cũng vô hội nầy hội nọ!
Thơ in vài tập, bán chẳng ai mua, mà chừng như đội đá vá trời,
Văn  viết đôi bài, mời không ai đọc, mà đã vội khua môi múa mỏ.

Vậy mà,
Báo ngày lâu lâu thấy “tụng”, chỉ có quỉ mới tường.
Báo tháng thỉnh thoảng lại “ca”, chỉ có trời mới rõ!
Chỉ tội người nghe con ráy lùng bùng,
Chỉ thương người xem con ngươi lổ đổ!
Ráng banh miệng, mà cười chẳng ra cười
Cố xệch môi, mà khổ không ra khổ!

Vinh chăng?
Đi xe đời mới, đặt đít sướng mông,
Ở nhà lầu cao, ngẩng đầu trật cổ!

Như ta đây,
Dù cái thi, cái phú chưa đầy lá mít, lá mơ,
Nhưng cái nghĩa, cái tâm khá hơn loài sâu loài bọ.
Ghét quân khẩu Phật tâm xà,
Ghét phường miệng hùm gan sứa.
Không dè lời, cứ thẳng mực tàu.
Theo đúng thước, làm đau lòng gỗ!
Bao năm “bán phổi”, đệ tử mấy ngàn,
Một thuở khua chèo, bạn bè vô số.

Ngặt vì,
Kết bạn thì “Tri mãn nhân gian”
Ngoãnh mặt lại,”Vô thân tứ cố”!
Không độ nỗi những kẻ cúi lòn,
Chẳng theo kịp mấy thằng bợ đỡ!
Chẳng bù cái mũi có giàm,
Không giống đồng xu có lỗ!
Chẳng phải bành voi mặc kẻ leo lên,
Không như trôn đĩ mạnh ai mấy xỏ!

Dù cho,
Thời buổi nầy mà rách dép rách giày,
Xe đạp nọ luôn trật sên trật chó!
Dù áo Châu Trí (1) cũng đành mạn cổ, vá vai,
Nhưng mặt Trần Minh (2) dễ gì bôi vôi, trét nhọ.

Đã từng,
Văn chương treo ở đầu giàn,
Bút mực đem quăng một xó.
Nào chê bai chữ nghĩa rẻ như bèo,
Mà  tức khí vàng thau cùng một rọ!

Khổ vì,
Muốn hoàn lương mà nghiệp đĩ cứ đeo,
Muốn quăng bút, mà đường văn còn nợ!
Sá gì gạo vét mòn lon,
Thây kệ giày đi há mỏ!
Lời bẩn trét đầy trang giấy, thì mặc ai làm bồi bút mà no,
Lòng sạch ực nước cành hông, thây kệ người nói thanh bần là khổ.

Thôi thì,
Mặc ai pha muối pha đường,
Mặc nó lộn vừng lộn đỗ.
Tự hào vì thứ ta đủ, mà họ không cần,
Kiêu hãnh bởi điều họ dư, mà ta không có!

Xem xong,
Ai nhột thì cứ “xổ nho”
Ai khoái thì xin cổ võ!

KHA TIỆM LY


Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

HỌP TIỂU HỘI - TRUYỆN NGẮN CỦA THỦY ĐIỀN

Tran Van Mau
17 thg 6 (4 ngày trước)

tới tôi 
Kính NT Nhã My
Chào chị
Càm on chị đã đang bài, em gởi tiếp bài truyện ngắn nhé.
Thủy Điền





HỌP TIỂU HỘI

(Hay Sự Thật Vẫn Là Sự Thật)

24 giờ khuya. Vừa về đến nhà, hắn đi ngay vào nhà bếp, mở tủ lạnh lấy chai bia, khui cái “Bụp “ Nốc một hơi và nói: Mình cứ ngỡ hôm nay về nhà gương mặt ; bộ quần áo sẽ toàn trứng gà hay ít nhất là hai con mắt bị bầm xanh. Nhưng không ngờ ! Ông Chủ tịch hôm nay lại còn khen mình nữa chứ. Đả thật là đả.

      Bà nhà thức dậy, mon men hỏi ?
-Ông làm gì mà có vẻ vui sướng thế.
-Vâng, có vui mới cười đây, buồn ai cười làm gì phải không bà?
-Ông được bầu làm Chủ tịch sao mà hớn hở thế ?
-Nếu được thì quí, đàng nầy vẫn là hội viên dự khuyết đấy bà ạ.
-Có thế mà cũng vui.
-Tôi vui vì chuyện khác.
-Vậy chuyện gì ?
-Dần hồi bà sẽ rỏ thôi.
- Tôi đi ngủ tiếp đây.
-Ừ.

      Cứ vào độ tháng bảy hàng năm, chờ lúc mọi người được nghỉ phép thường niên là người ta tổ chức ngay một đại hội người Việt, chủ đề “Hướng Về Quê Hương “ Với những ngày nầy, năm nào cũng thế, hắn đều có mặt cả như: Phụ giúp Ban tổ chức làm khán đài, tiếp khách và những vấn đề linh tinh. Nói chung là hắn rất nhiệt tình với cộng đồng người Việt nơi hắn đang sinh sống. Để đáp lại tấm chân tình, mọi người ai ai cũng đều thích hắn. Thiết nghĩ nếu hắn có trình độ một chút thì hắn sẽ được bầu vào Ban chấp hành lâu rồi. Nhưng tiếc thay vì trình độ văn hóa quá kém nên hắn vẫn còn lèn xèn phía bên ngoài.

      Trước giờ Đại hội khai mạc ông Chủ tịch tìm đến hắn bảo:
-Thịnh nầy ! Đại hội kỳ nầy tôi muốn chú nên có vài lời phát biểu. Chú nghĩ thế nào?
-Không được đâu anh ba ơi.
-Cả chục năm nay chú là người đã hiến dâng công sức lẫn tinh thần cho hội nầy nhiều quá, chẳng lẽ chú cứ ngồi nghe và gật đầu hoài sao ? Chú phải mạnh dạng đóng góp ý kiến với người ta chứ. Biết đâu, ý kiến của chú mọi người thấy đúng, còn sai thì thôi, anh em sửa chữa, góp ý. Ai làm gì chú mà chú sợ.
-Anh ba à, mấy lần trước có người phát biểu xong ra bị chọi trứng gà vào người, thậm chí còn bị đụt xưng cả mặt mày nữa đó anh.
-Tôi biết việc nầy, nhưng đã có thương lượng với họ rồi, tôi bảo; Nếu quá khích thì hội sẽ tan rã thôi và họ đã đồng ý nhượng bộ và hứa với tôi rồi. Chú yên tâm đi, có tôi bên cạnh đây.
-Ừ thế cũng được, em tin anh.

      Hắn nghĩ ông Chủ tịch vì thương hắn, động viên nói qua loa vậy thôi, nên hắn chẳng màng tâm. Không ngờ ! Khi Đại hội khai mặc, qua mấy lượt người phát biểu. Hắn hết hồn, khi anh ba giới thiệu tên mình. Hắn đứng dậy lên khán đài mà tứ chi run như cầy sấy. Vài phút sau, hắn lấy lại bình tĩnh và nói:

      Thưa quí vị

 Thật tình thì tôi cũng chẳng có ý kiến chi, cộng tôi chẳng hiểu gì thời sự nhiều. Nhưng ông Chủ tịch muốn tôi phát biểu thì tôi phải đành và thú thật tôi cũng chưa bao giờ đứng trước một lượng người khá đông Tiểu hội ba bốn chục người như thế nầy nói chuyện bao giờ. Nếu có gì thiếu sót mong quí vị thông cảm và tha thứ.

      Tiếng vỗ tay cả hội trường thật to để ủng hộ hắn “Nói đi, nói đi Thịnh “

      Kính thưa Quí vị

Tôi xin phát biểu vài điểm như sau:

1-ở Xã hội nào cũng thế, quốc gia nào cũng thế, đều có bề mặt, bề trái của nó, có cái tốt, cái xấu, cái đáng khen và đáng trách, chứ chưa có ai hoàn toàn cả. Gần nhất là chính bản thân ta cũng vậy. Qua mười bốn năm nay khi tham gia hội và tham dự mười bốn Tiểu hội nầy  với chủ đề hàng năm là “Hướng về quê hương “ Tôi chưa bao giờ nghe quí vị khen ai hoặc Việt nam mình gì cả, mà toàn là chỉ trích và chê bai. Tôi thấy rất là buồn, vì nghĩ rằng chúng ta chưa thật sự công bằng và một khi nhận xét không công bằng tôi thiết nghĩ Tiểu hội của chúng ta không có ý nghĩa.

2-Muốn chỉ trích, phê bình người khác ta phải tự hỏi mình đã làm được gì và đóng góp được những gì cho quê hương Việt nam chưa?

3-Ta nên nhìn nhận vào sự thật với hai chữ tự do và không tự do khi hàng năm hàng triệu người về Việt nam du lịch, thăm gia đình mà trở ra bình thường trong đó có chính ta và gia đình ta nữa.

      Thưa Quí vị

Với trình độ giới hạn tôi chỉ phát biểu thế thôi, nếu có gì quá đáng, sai sót, không hài lòng, mong Quí vị bỏ qua và thông cảm như tôi vừa nói ở phần trên.

      Vừa vứt lời, hắn thấy sao cả hội trường im ru, không tiếng vỗ tay, không lời chống đối. Hắn nói thầm trong bụng (Khó khăn rồi, nhanh chân chạy ra sau khán đài níu chân anh ba).

      May quá, anh ba đứng chờ phía sau chận lại. Thịnh nầy !
-Chú nói rất đúng, nhưng anh xin chú không nên phát biểu những lời ấy ở đây, lần sau cẩn thận, khéo lời một chút nha Thịnh.
-Em đã từ chối lúc đầu mà anh vẫn cứ giới thiệu, giờ anh trách em.
Thôi được, cảm ơn chú.

      Thấy ông Chủ tịch không nặng lời, hắn mừng quá và tìm cách vọt về nhà, trên đường ra bãi xe, hắn nhìn xung quanh, nhưng chẳng thấy con ma nào đeo theo chân. Thế là mình thoát nạn. Và, anh ba đã giữ đúng lời hứa.


THUỶ ĐIỀN
14-06-2017

NM cảm ơn Thủy Điền thường xuyên chia xẻ nhiều bài viết hay.

CUỐI HẠ - THƠ NHÃ MY

 





CUỐI HẠ


 cuối hạ  mây trời bảng lảng trôi

 chiều nghe hoang vắng nắng chơi vơi

nhớ ơi ! một khoảng thời thơ dại

 có kẻ bên đời  bỏ cuộc vui .

 

một thuở sách đèn ta có nhau
chiến chinh chi để cảnh ly sầu

người đi xa mãi , đi xa mất

ta cũng mù xa, đã  biệt quê.

 

gọi mãi tên ai ở cuối trời

thôi đành   nén lệ  để sầu rơi

từng đêm lẽ bóng riêng tình vỡ

 chỉ để đau thêm phút gượng cười.?

 

bày cuộc vui quanh ngày tháng mới

mặc tình ký ức chẳng mờ phai

tóc xanh nay nhuốm màu sương bạc

lần lữa  thân danh  cũng cuối đời

 

chiều nghe  mây gió buồn lưu lạc

 nào  trách làm chi cuộc biển dâu

 mai mốt chim  bay về chốn cũ

sử tình muốn chép chẳng nên trang...



NHÃ MY

 

 

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

LỜI CỦA CHỊ - THƠ NHÃ MY, NHẠC TRẦN NHÀN










LỜI CỦA CHỊ 
THƠ NHÃ MY
NHẠC & HÒA ÂM TRẦN NHÀN
CA SĨ CHÂU THÙY TRANG
VIDEO CLIP TRẦN NHÀN


NM cảm ơn Trần Nhàn và Châu Thùy Trang đã chuyển tải cảm xúc vào một ca khúc hay.

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

“LAN MAN...” VÀ LAN MAN CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN - ĐỖ ANH TUYẾN

Tuyen Do Van <dovantuyenbk@yahoo.com.vn>
16 thg 6 (1 ngày trước)

tới tôi




“LAN MAN...” VÀ LAN MAN
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
Khi đọc 2 bài thơ “Lan man và…”, sáng tác theo trường phái siêu thực của Đặng Xuân Xuyến, tôi thấy “lạ” và thích nhưng không có ý định viết lời bình. Chiều qua, 14 tháng 06 năm 2017, đọc bài tản văn Cú điện thoại bình thơ của cùng tác giả Đặng Xuân Xuyến, tôi ôm bụng cười khi đọc lời bàn của một “ông chú” về 2 bài thơ “Lan man và...” này:
“- Thơ của cậu thế nào ý. Đấy đếch phải là thơ. Kiểu như cái bài Lan man và chuyện đàn cừu, với bài Lan man và chuyện thằng bạn. Đúng là lan man thật. Sao lại lôi con Cừu vào thơ thế? Lại bình đẳng con Cừu với Con Người Việt Nam ta là thế nào? Cậu có biết hình ảnh con Cừu trong biểu tượng văn hóa là tượng trưng cho điều gì không? Là nô lệ! Là tầng lớp bị trị ngu đần và bạc nhược! Ở Việt Nam ta có Cừu không? Có nhưng không nhiều, rất hiếm, vì đấy là hàng “nhập ngoại” nên không thể là hình ảnh tượng trưng cho bất kỳ điều gì trong thực trạng văn hóa của người Việt Nam cả. Cậu dùng hình ảnh con Trâu, con Bò hoặc con Chó, con Lợn,... còn khả dĩ chấp nhận được phần nào... Đằng này lại là hình ảnh con Cừu. Hẳn cả một đàn Cừu. Đấy. Phi thực tế như thế mà cũng đưa vào thơ được. Mà... Sao lại “bạn rủ tôi về nhà nghe hát”? Sao không là bạn rủ tôi về nhà nghe nhạc cho nó sát với thực tế, mà cũng đậm đà chất thơ? Lại còn nửa đêm sợ tiếng thạch sùng, với những tiếng tờ lạch tạch? Rất yếu đuối, rất phi thực tế. Đàn ông đàn ang, ai lại sợ những con vật nhỏ bé, yếu ớt như con thạch sùng, con gián, con kiến? Đàn bà, con gái cũng không ai yếu đuối đến vậy. Đã thế, đêm hôm không lo ngủ, hoặc lo bảo nhau làm mấy cái chuyện sung sướng lại dựng bạn dậy để khoe nhiều tiền.... Kiểu... Rất chi là vô học. Ừ. Còn lan man, vô lý ở chỗ: Đang tả bạn thờ thẫn, man dại vì thèm tiền lại nhảy sang tả khuôn mặt bạn người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm với những khuôn nét vừa của thánh nhân, vừa của quỷ dữ. Xong, chốt câu “Tôi đã từng sợ ma” để hạ màn. Vớ vẩn. Sao lại sợ ma ở đây? Chả ăn nhập gì với nhau. Linh tinh. Dở oẹt. Tóm lại, đấy đếch phải là thơ. Là tản mạn mấy tiếng thở dài của mấy thằng dở người nửa đêm nửa hôm đếch biết làm gì nên rủ nhau làm mấy cái chuyện khác người, rõ ngớ ngẩn.”
Tôi nghĩ chắc cũng không ít bạn đọc có suy nghĩ giống “ông chú” nọ, vì thế, tôi cầm bút lan man đôi điều về “Lan man và...” của Đặng Xuân Xuyến, góp thêm một tiếng nói về cách cảm nhận khác như thế về thơ anh.
1.
Lan man và chuyện thằng bạn là bài thơ lạ, nhiều tâm trạng, viết theo trường phái siêu thực mà lớp nhà thơ trẻ thường sử dụng khi muốn làm mới thơ.
Để cảm được bài thơ này, phải lý giải bằng trực giác, bằng cảm xúc mạnh của nỗi lòng. Không thể giải thích thực tế bằng lối chú giải, phân tích tẩn mẩn, cụ thể như cách cảm nhận của các nhà thơ thủ cựu. Nếu đọc và cảm Lan man và chuyện thằng bạn theo cách thủ cựu thì bài thơ này sẽ “thật vớ vẩn”, thậm chí có người sẽ nhăn mặt: Văn nhảm chứ thơ phú gì…..
Khung cảnh của bài thơ là nhà “thằng bạn”, với thời gian là cả ngày và đêm nhưng cả bài thơ, ở cả 2 phân đoạn thời gian: ngày và đêm, đều được vẽ bằng gam màu sắc u ám, lạnh lẽo, rờn rợn vì ám đầy tử khí. Sự giả dối, thói tham lam và bản tính độc ác, đểu giả của “thằng bạn” được bóc trần nhẹ nhàng, từ từ khi thời gian còn là ban ngày (khổ thơ I), nhưng khi thời gian đã chuyển sang đêm tối (khổ thơ II) thì cái mặt nạ của “thằng bạn” đã bị lột huỵch toẹt, trắng phớ, bằng những câu tưởng chẳng ăn nhập với cái hành động cũng tưởng như ngớ ngẩn của “thằng bạn”:
Đêm.
Bạn dựng tôi dậy khoe tiền nhiều
Lôi từ gầm giường những tờ tiền đỏ như rưới máu
Tôi không hỏi tiền nhiều từ đâu
Bạn tránh nhắc từ đâu tiền nhiều
Chỉ cần hình ảnh “thằng bạn” với “những tờ tiền đỏ như rưới máu” đã đủ để vạch trần tất cả: Đó là những đồng tiền dơ bẩn, những đồng tiền tội ác mà “thằng bạn” đã cướp giật từ những người lương thiện, nó thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả máu, cả tính mạng của người lương thiện. Quá hiểu nguồn gốc của những đồng tiền tội ác đó nên “tôi”, nhà thơ, không hỏi “tiền nhiều từ đâu”, nhưng “bạn” vì nghĩ “tôi” ngờ nghệch, không biết nên tảng lờ, “tránh nhắc từ đâu tiền nhiều”. Giọng thơ cứ cà tang, cà tang, tưng tửng, tưng tửng mà kỳ thực lại rất tỉnh, rất lạnh, điểm suốt câu chuyện.
Bóng đêm thường đi liền với tội ác vì bóng đêm và tội ác là cặp bài trùng. Và trong bóng đêm, bộ mặt, bản chất của “thằng bạn” hiện lên thật rõ nét, vì “thằng bạn” với bóng đêm cũng chính là một cặp bài trùng. Hình ảnh “thằng bạn” lần nữa được nhà thơ đặc tả thật ti tiện, đáng sợ:
Cẩn thận
Vuốt vuốt những tờ tiền
Mắt lim dim
Bạn thả hồn vào khoảng không tối lịm
Và, trong cái “Quánh đêm” “Rờn rợn” “tối lịm” ấy, khuôn mặt “thằng bạn” sau khi bị tróc bỏ hết lớp “sơn” đã hiện ra rõ nét là kẻ giả tạo và độc ác: Khuôn mặt bạn/ Vời vợi của thánh nhân/ Ma lanh của ác quỷ.
Đến đây, người đọc chắc chắn sẽ nhận ra chân tướng “thằng bạn” của nhà thơ là ai!
2.
Lan man và chuyện đàn cừu cũng viết theo trường phái siêu thực, khước từ sự chú giải, phân tích theo lối thủ cựu:
Tôi đặt cược đời mình
Bằng nụ cười nhếch mép
Bằng vòm ngực lép kẹp
Bằng căn phòng mốc meo ướt nhép
Bằng cót két tiếng giường ọp ẹp
Bằng cả tiếng ngủ mơ chóp chép...
Tôi kỳ vọng quá nhiều!
Tôi đặt cược quá nhiều!
Hình như...
Đây là tứ thơ mới nhưng nếu cảm theo cách cảm xưa cũ thì rất dễ đưa ra lời phán: - Nhảm! Viết ba lăng nhăng! Nhưng rõ ràng đây là phân cảnh, là tâm thức, tâm trạng của những con người thuộc tầng lớp lao động, thuộc lớp dưới nhưng lại chiếm số đông trong xã hội, vất vả, cơ cực mà vẫn phải chịu cảnh đói nghèo, lam lũ. Với khát khao, mơ ước tương lai được tươi sáng, tốt đẹp hơn, “tôi” - nhà thơ, và số đông trong xã hội - đã không ngừng phấn đấu, không ngừng tin tưởng, để rồi “tôi” phải cay đắng thốt lên: “Hình như”... Câu “hình như...” nghe chua xót, tắc nghẹn nơi cuống họng làm tái tê, rức buốt nỗi lòng.
Nếu ở Lan man và chuyện thằng bạn là giọng thơ tưng tửng nhưng lạnh mà tỉnh thì ở Lan man và chuyện đàn cừu lại là giọng thơ trầm buồn, day dứt.
Nhà thơ tiếp tục câu chuyện của mình nhưng lại “lan man” sang chuyện khác, chuyện của đàn cừu:
Đàn cừu
Ngoài kia...
Cấu trúc bài thơ thay đổi.
Cấu trúc đoạn thơ cũng thay đổi:
Con đầu đàn vừa bị hóa kiếp
Cả đàn chết khiếp
Lẩy bẩy
Chen đẩy
Vào chuồng
Ông chủ oang oang
Bà chủ nhẹ nhàng
Đàn cừu
Im lặng
Cúi xuống
Nhai...
Cách ngắt câu thành nhiều nhịp để diễn tả sát từng cung bậc tâm trạng: khiếp sợ, cam chịu,... của “đàn cừu”, tượng trưng cho những kẻ bị thống trị, cùng với cách sử dụng ngôn ngữ “cũ mới nương nhau”, đã đẩy bài thơ lên tầm cao.
Thật đúng như lời nhà thơ, chủ bút trang Văn Đàn Việt, cũng là người mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đề tặng bài thơ, đã viết trên trang facebook: “Tứ thơ mới. Cấu trúc mới. Ngôn ngữ mới cũ nương nhau, sắt đanh nghe chan chát, âm âm chất thời sự thật đáng thương! Chúc mừng tác giả!”
*.
Trên đây là những cảm nhận cá nhân của tôi về 2 bài thơ “Lan man và…”, sáng tác theo trường phái siêu thực của Đặng Xuân Xuyến.
Viết bài “Lan man...” và lan man cùng Đặng Xuân Xuyến, thực tình tôi không có ý muốn gì ngoài ý muốn góp thêm một cách cảm thơ khác với cách cảm nhận của “ông chú” nọ về 2 bài thơ “Lan man và…” của Đặng Xuân Xuyến, nên có điều gì sơ xuất, hoặc không đúng, không vừa ý, Đỗ Anh Tuyến tôi rất mong nhận được sự lượng thứ của quý bạn đọc.
*.
Thanh Nê, chiều 15 tháng 06.2017
ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn

Nguồn: từ email của tác giả Đỗ Anh Tuyến.
NM cảm ơn 2 tác giả Đỗ Anh Tuyến và Đặng Xuân Xuyến đã chia xẻ .


Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

NGUYỄN KHÔI "SÁNG NGỜI, NỒNG ẤM, CHÂN THẬT" - BÀI CỦA LÊ NGỌC TRÁC




Ảnh Tác giả Lê Ngọc Trác


NGUYỄN KHÔI "SÁNG NGỜI, NỒNG ẤM, CHÂN THẬT" 

Cuối tháng 5 năm 2017, nhà thơ Nguyễn Khôi trình làng tập thơ "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại". Đây là tác phẩm thứ 09 của ông được xuất bản. Trong đó gồm 5 tập thơ và 4 tác phẩm biên khảo, dịch thuật. Năm nay, nhà thơ Nguyễn Khôi đã vượt xa cái tuổi "Nhi trùng tâm sở dục bất du củ", điều này cho những người yêu thơ càng cảm phục bút lực, sự sáng tạo của ông.

Viết chân dung văn học bằng thơ đã từng có nhiều người viết. Mỗi tác giả thể hiện theo phong cách riêng của mình. Không ai giống ai. Và, nhiều người đã thành công. Riêng tác phẩm "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" của Nguyễn Khôi được tác giả viết bằng thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, với văn phong giản dị, chân thật, mang hơi thở tân văn. Nguyễn Khôi đã thành công trong việc khắc họa 99 chân dung nhà văn Việt Nam mà ông yêu mến. Chỉ với bài thơ 20 câu, ông đã khái quát được chân dung, tiểu sử, cá tính, nét nổi trội về sự nghiệp, tác phẩm và thời đại sống, môi trường sống của từng nhà văn nhà thơ.

Cái đáng quý của Nguyễn Khôi là khi viết chân dung nhà văn, ông không phân biệt Người "lề trái lề phải, phe ta phe địch hay người miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền Nam Sài Gòn cũ". Không phân biệt "cây đa cây đề" ở ngôi đền văn chương hay người mới vào nghề. Nguyễn Khôi chỉ viết chân dung những nhà văn mà ông đã mến và từng đọc tác phẩm của họ:

"Trung thực được như ông
Là "Việt Nam sử lược"
"Hồi kí" thực như tâm
Tin đời còn sự thật.
(Trần Trọng Kim)

"Giảng triết cho lũ dốt
Tù đầy giữa đời thừa
Yêu nước thành phản Quốc
"Trăng trối" đã quá mùa.
(Trần đức Thảo)

Hăng hái "Lên miền Tây"
Đi B không sợ chết
"Bình công" nuốt đắng cay
Làm thơ trong xó bếp.
(Bùi Minh Quốc)

Tù túng thành "phu chữ"
Đẽo / tỉa bay mất hồn
Người chết / thơ còn, hết
"Đường chữ" nẻo cô thôn.
(Lê Đạt)

Chẳng cần tốc váy đỏ
"Quốc sư" vẫn say thơ
Văn em không có sex
Đếch ai thèm tìm mua.
(Vi Thùy Linh)

Đọc "Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại" của Nguyễn Khôi, chúng ta càng hiểu về cuộc đời, tâm tình và thời đại, lịch sử xã hội mà nhà văn đã từng sống và viết. Người đọc sẽ tự rút ra cho mình một cái nhìn về "nhà văn đương đại". Thật là thú vị.

Thập niên 90 của thế kỷ 20, Nguyễn Khôi đã là một cây bút tên tuổi trên văn đàn. Người yêu thơ còn nhớ đến Nguyễn Khôi với bài "Ao làng":

"Vượt biển, chơi hồ, trở quá giang
Bỗng dưng lại thấy nhớ ao làng
Cái đêm hè ấy ai ra tắm
Để cả bầu trời phải tắt trăng"

Dung dị, đằm thắm, trữ tình là nét đặc trưng nổi bật trong thơ Nguyễn Khôi. Sau nhiều năm đọc thơ ông, chúng tôi nhận ra: Nguyễn Khôi là một người sáng tác rất nhanh, rất nhiều. Ông có tài "xuất khẩu thành chương". Qua những bài thơ giao lưu, vịnh cảnh mang tính ghi chép ký sự của ông, thấm đẫm chất thơ, nhưng không thiếu đi sự chân thật, giúp cho chúng ta rõ được hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh thời đại của bài thơ khi ra đời. Ông có nhiều bài thơ trữ tình, lãng mạn:

"Hà Nội ơi!
Thôi mai về Cửu Long Giang cuộn sóng
Nhớ sông Seine... thời khắc chẳng ngừng trôi
Khung cửa hẹp
Ôi thu hừng sắc tím
Tím cả hồn thơ thả mộng lên trời"
("Gởi em Paris mùa thu tím")

Nhà thơ có những lúc thấm đẫm một màu thương nhớ xa xôi:

Ừ có hẹn cũng chưa về Tuyên được
Bếp lửa nhen ai đó sưởi riêng lòng
Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng"
(Trích: "Gởi Tuyên Quang")

Nguyễn Khôi viết về Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Nội... những miền quê chở đầy cảm xúc trong ông. Qua những bài thơ Nguyễn Khôi viết về Hà Nội, chúng ta càng suy nghĩ về những biến đổi của một vùng đất trong cuộc sống. Ông đã từng xa và nhớ về Hà Nội thân thương:

"Xa để nhớ đượm đà tình xứ sở
Mặt trời Sông Hồng chói lọi thân thương
Thật hạnh phúc ngày trở về Hà Nội
Thấy lòng mình tĩnh lặng giữa hồ Gươm"
(Trích: "Nhớ Hà Nội" - 2002)

Ấy vậy mà bây giờ, nhà thơ của chúng ta phải buồn rầu thốt lên:

"Ngày nghỉ lễ
Thôi, ta xa Hà Nội
Về nhà quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
Xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
Tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịu dàng hơn
...
Ôi Hà Nội
Còn mấy nàng thỏ thẻ
Mở miệng ra là "đ.m" chửi thề...
...
Ôi Hà Nội có điều gì không ổn
Như trên mây
Trên gió "cấp điều hành"
Mong sớm có một Tràng An thanh lịch
Để ta về
Soi bóng xuống Hồ Gươm"
(Trích "Xa Hà Nội")

Nguyễn Khôi như là một "thư ký của thời đại". Qua thơ của ông, chúng ta cảm nhận được bức tranh xã hội. Nguyễn Khôi đã từng viết những câu thơ như là một định hướng, một tâm niệm của người làm thơ khi bước vào ngôi đền văn chương:

"Ai những mong "lầu" là "núi"
Mà trái tim giả dối vô hồn
Đâu là nước mắt tắm cuộc đời xuôi ngược
Thơ sáng ngời nồng ấm máu, mồ hôi"
(Trích: "Thi sĩ")

Riêng chúng tôi, đọc thơ Nguyễn Khôi nhận ra một điều: Thơ ông "sáng ngời, nồng ấm, chân thật". Đây là nét đáng yêu, thu hút nhiều người yêu thơ.

                                                           LÊ NGỌC TRÁC
                                                Phố biển La Gi tháng 6/2017

Nguồn : Lê Ngọc Trác
Bài đã đăng trên nhiều trang văn học mạng.
NM cảm ơn tác giả Lê Ngọc Trác với một bài viết hay.


Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

BA BÀI THƠ GIÁC NGỘ - THƠ KHA TIỆM LY

Tiemly Kha
10:23, Th 5, 15 thg 6
tới tôi










GIÁC NGỘ 1


Thương ta thường lấy khổ làm vui,
Tham, dục, sân, si, hết nửa đời!
Manh áo cần lao cay đắng mắt,
Bát cơm vinh nhục xót xa người!
Vì danh có lúc khôn thành dại,
Hám lợi đôi khi khóc dỡ cười!
Ngã Phật từ bi luôn cứu độ,
Sen vàng muôn cánh sắc vàng tươi.


GIÁC NGỘ 2


Một quyển đèn mờ, một quyển kinh,
Thương ta từng lạc nẽo u minh.
Đã còn lẩn quẩn vòng sanh tử,
Mà lại mơ màng chuyện nhục vinh!
Tiếng kệ phá tan đường tam ác,
Hồi chuông đánh thức giấc quần sinh.
Thường tâm trì niệm Nam Mô Phật,
Đánh nát tâm mê, tiếng mõ kình.


GIÁC NGỘ 3


Theo đấng từ bi rõ chánh tà,
Thành tâm quỳ dưới bệ liên hoa.
Đại Bi Thần Chú xua ba nghiệp,
Bát Nhã Tâm Kinh cứu vạn nhà.
Tiếng kệ phá tan nghìn nghiệp chướng,
Hồi chuông xoá sạch mọi oan gia.
Nam mô Cứu Khổ Tầm Thinh Phật,
Phật ở mười phương, cũng ở ta.



KHA TIỆM LY

Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

CHÙM THƠ THỦY ĐIỀN

Tran Van Mau
12 thg 6 (2 ngày trước)

tới tôi
Kính chị
Cảm ơn sự nhiệt tình
Em xin gởi tiếp
Thủy Điền




ĐÊM MƠ

Giữ đêm, mơ thấy ngày hồng
Có bầy chim nhỏ lượn vòng quanh ta
Đùa vui bên gốc phượng già
Hỏi han, líu lót. Sao mà ngồi đây ?
Một mình giữa buổi nắng gay
Gương buồn ẩn lệ chẳng ai thương giùm
Chim đây nước mắt thôi, ngưng
Ta cùng vui nhé; xin đừng làm ngơ

Giật mình toàn gối, chăn tơ
Chim đâu không thấy bơ phờ mặt hoa
Bao nhiêu lời nói ngọc ngà
Bấy câu an ủi bay xa mất rồi
Đêm mơ  để lại đơn côi
Một người con gái thương người bao năm
Đơn phương tình gởi gối nằm
Canh ba hiu hắt. Hỏi chàng có hay?


12-06-2017


TÌNH CỜ- KHƠI LẠI NỖI ĐAU

Tình cờ chung một chuyến tàu
Tình cờ ta lại gặp nhau "Ngỡ ngàng "
Em giờ tay dắt con đàn
Còn tôi cô lẻ, lang thang khắp trời

Tình cờ tôi gặp lại người
Mười năm xa cách mừng ơi là mừng
Buồn vui thuở ấy hiện dưng
Tôi- em bốn mắt giọt lưng, giọt đầy

Tình cờ sao giữa chốn nầy
Tình ơi! Tình hỡi, còn say thắm nồng
Ngày xưa sao vội lấy chồng
Bỏ tôi ở lại giữa dòng cô đơn

Đêm về còn lại tiếng đàn
Tiếng ca, tiếng hát em mang đi rồi
Cuộc đời cứ ngỡ cuốn trôi
Bao nhiêu kỷ niệm mình tôi ôm sầu

Tình cờ ta gặp lại nhau
Đời khơi trở lại nỗi đau ngày nào.


12-06-2017


NGƯỜI BUỒN. THỬ HỎI ? THƠ NÀO CÓ VUI
Kính Tặng NT Tịnh Đàm

Mới quen, nhưng có chút tình
Đọc thơ “ Có lẽ  “ Bạn mình chẳng vui
Luôn mang tâm sự, bùi ngùi
Bao năm dùi dập cuộc đời đắng cay
Nào đời- tình lẫn cả hai
Đuỗi đeo, đeo đuỗi năm dài không buông
Nhìn anh gương mặt nét buồn
Thơ anh như lệ đang tuôn má gầy
Nhớ thời trai trẻ, trẻ trai
Cũng như anh đó, nhớ hoài ngàn năm
Cũng lênh đênh, cũng thăng trầm
Mà thành Thi sỹ giống anh. Không ngờ
Nhờ văn, nhờ bút, nhờ thơ
Nên lòng tỏa bớt nỗi đau năm nào
Nhìn anh, nghĩ trước, suy sau
Người buồn, thử hỏi thơ sao không buồn.


11-06-2017

TẠM BỢ

Khói chiều nghi ngút bay
Đời "Tạm bợ " Qua ngày
Sống rày đây mai đó
Chẳng chút gì tương lai

Đêm cũng giống như ngày
Sáng quăng lưới, kéo chài
Chiều tấp vào bến cạn
Bên bát chè rai rai

Quê hương nào có thấy
Xứ sở ai có hay
Lênh đênh trên sóng nước
Bồng bềnh, gió lung lay

Cuộc đời như thế đấy
Ngày chỉ thấy toàn mây
Đêm về nghe sóng vỗ
Vây phủ tấm thân gầy.


11-06-2017



 VỘI VÃ

Chưa tháng bảy sao em trông lá đỗ
Làm thơ buồn trời đã sắp sang thu
Cây phượng hồng đang nở đứng im ru
Con Ve nhỏ cũng lắc đầu ngưng tiếng réo

Chưa tháng bảy mà sao em đuổi khéo
Mùa hạ nầy! Mi hãy vội qua mau
Để ta quên chuyện cũ thuở năm nào
Thuở, ngày ấy tim ta từng đau nhói
Thuở, biết yêu nhưng lặng câm không nói
Để cánh tình hờ hững vội bay xa

Chưa tháng bảy sao em nôn nao quá
Cứ trông nhìn ra ngõ ngắm thu rơi
Thèm một mình đi dưới lá vàng bay
Bên tiếng gió vuốt ve tình cô độc
Bên giọt mưa sẻ chia từng tiếng khóc

Chưa tháng bảy mà dường như cơn lốc
Đang cuộn vào xao động quả tim non.


10-06-2017

THAN THỞ

Qua sông mới biết sông dài
Có đi mới thấy mòn hài, mỏi chân
Lớn khôn cất bước theo chồng
Làm dâu thiên hạ đụt, trong hai màu
Tháng năm sống cảnh khổ đau
Bên người xa lạ tiếng vào, lời ra
Mới càng thương lũ em nhà
Ngày ngày hai buổi lân la bên thềm
Chỉ nghe những tiếng dịu êm
Toàn nhìn những cảnh êm đềm bên nhau
Ngày xưa em ngã chị đau
Bây giờ chị ngã ai nào xót thương.

THỦY ĐIỀN
09-06-2017