CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

BIỂN CỦA NGUYỄN THANH LÂM trong RỪNG XANH MƯA - ĐẶNG XUÂN XUYẾN


BAOTHANG_XUANXUYEN DANG
19:21 (12 giờ trước)
tới Trần, Giống, Da, Trác, Thuong, Phu, tôi, Xuân, Nguyễn, Vu, PV, Dao




 




BIỂN CỦA NGUYỄN THANH LÂM
trong RỪNG XANH MƯA
*
Định viết bài cảm nhận về tập thơ RỪNG XANH MƯA của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm nhưng tôi không đủ sự kiên nhẫn để đọc một mạch hết tập thơ, vì thú thật, để hiểu được thơ của ông, với tôi quả thật là không dễ, nên đành chọn phương pháp vài ngày đọc một bài, nghiền ngẫm từ từ, thật chậm để "ngộ" được "nỗi niềm thầm kín" ẩn trong những bài thơ mang mang hơi thở Thiền của ông. Hôm nay, đọc mấy bài thơ về biển, gặp những tứ thơ hay, lạ, tôi vội gõ đôi dòng theo mạch cảm xúc: BIỂN CỦA NGUYỄN THANH LÂM TRONG RỪNG XANH MƯA.
Với nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Biển như cô gái nhỏ/ Thầm thì gửi tâm tư”, dịu dàng những xao động của cõi người, nhưng với Nguyễn Thanh Lâm thì biển không chỉ dịu dàng như thiếu nữ tuổi dậy thì mà còn đẹp hơn thế, khi ông phát hiện: biển trong mưa thật đẹp, đẹp trắng trong, tinh khiết “Như thiếu nữ đã vào chùa xuống tóc”, chỉ nên chiêm ngưỡng bằng tâm thể thánh thiện của cõi Thiền. Vẻ đẹp ấy đã khiến nhà thơ và cõi phàm trần “trở bệnh tương tư”, “ngẩn ngơ” tiếc nuối:
Biển lại mưa
Như thiếu nữ đã vào chùa xuống tóc
Mây ngẩn ngơ bay
Gió trở bệnh tương tư
Đường chân trời ảo mờ trong mắt
(Biển lại mưa)
Khi mưa tạnh, biển trở lại hiền hòa, êm dịu, thì dưới lăng kính lãng mạn của nhà thơ, biển đẹp như “cô gái mới vào chùa chưa xuống tóc”, còn nguyên nét ngây thơ, trong sáng của tuổi mới lớn. Nét đẹp ấy mơn mởn những phồn thực mà hồn nhiên, sáng trong, lặng thầm của hương trinh nữ, làm xuyến xao nhà thơ với miền cảm mến thanh tao, không vẩn nét phàm trần, khiến những trăn trở, nghĩ suy của nhà thơ về trách nhiệm với cuộc đời trở nên an nhiên, tự tại:
Lòng tôi rỗng không ngắm biển
Tóc trắng trên đầu lặng sóng
Mắt khép hờ lỏng then quá khứ - tương lai
Hồn nhiên nhịp thở
Hương hạnh phúc dâng đầy
(Biển sau mưa)
Đứng trước biển, nhà thơ lặng lẽ quan sát, lặng lẽ thả hồn đắm chìm vào những cảm xúc để hồn thơ thăng hoa, bay lên. Những hình ảnh sống động, đan quyện vào nhau, uyển chuyển giữa hư và thực, tạo nên một bức tranh “siêu thực”, đẹp như trong cổ tích, thể hiện tài sử dụng hình ảnh thật khéo, thuần thục đến nhuần nhuyễn của nhà thơ:
Mưa réo sôi trên đầu sóng
Biển sưởi hồn tôi bằng mặt trời năm xưa
Tôi khẽ nâng mặt trời trong sóng
Ôm vào lòng cho đỡ ướt tâm tư
(Gặp mưa)
Vâng! Tôi thích những câu thơ như thế. Tôi thích những hình ảnh tráng lệ từ nét vẽ tài hoa của Nguyễn Thanh Lâm. Những câu thơ như: “Mưa réo sôi trên đầu sóng”, “Tôi khẽ nâng mặt trời trong sóng”... đã nâng nhà thơ lên thêm một tầm cao.
Con người và thiên nhiên đã thẩm thấu nhau, hòa quyện vào nhau, cùng phiêu trong cảm xúc của nhà thơ, tạo nên một bức tranh lung linh huyền ảo, đẹp đến ngỡ ngàng:
Trong vòng tay tôi mặt trời thiêm thiếp
Tôi tự ru mình trong tiếng mưa
(Gặp mưa)
Tôi yêu những câu thơ này! Tôi tự hỏi: “mặt trời” nào của nhà thơ “thiêm thiếp” vậy? Là ảo ảnh của tình yêu năm xưa chợt ùa về? Hay ảo ảnh mặt trời trong sóng biển khiến nhà thơ liên tưởng? Uầy... Là gì thì những hình ảnh ấy cũng rất đẹp, cũng khiến người đọc mơ màng, ngơ ngẩn.
Nhưng có khi, biển của Nguyễn Thanh Lâm không khoác hình hài của một thiếu nữ tuổi trăng tròn, đẹp dịu dàng, trong sáng, cũng không là hình ảnh “mặt trời năm xưa” khiến nhà thơ nâng niu “Ôm vào lòng cho đỡ ướt tâm tư” mà biển mang dáng dấp như người đã trưởng thành, người từng trải... bằng những câu thơ đượm vị đời với những suy tư, chiêm nghiệm, đậm chất triết lý, với những nỗi đau cũng thật đời, rất người:
Biển chưa im lặng bao giờ
Suốt đời quằn quại sóng
Cả đời mặn nước mắt khổ đau
Mưa trời không thể bão hòa vị mặn
(Nước mắt biển)
Đắm mình trong không gian sống động của biển cả, thả tâm tư hòa quyện với trời mây… nhưng nhà thơ không quên đối diện với “lòng mình” mà “ngộ” ra điều: biển không hề yên bình, giống như lòng thi sĩ cũng đang ngổn ngang trăm nghìn tơ rối, để mà thêm thấm: “Nước mắt chảy vào trong mặn cõi người”, để mà tự thức tỉnh về lẽ đời nơi cõi người vốn nhiều oan trái, khổ đau:
Tôi nhìn vào lòng mình thấy biển
Nước mắt chảy vào trong mặn cõi người
(Nước mắt biển)
Và có những lúc, biển của Nguyễn Thanh Lâm trở nên khác lạ, không ồn ào, dữ dội, không "quằn quại sóng" bởi "cả đời mặn nước mắt khổ đau", cũng không dịu dàng như thiếu nữ tuổi cập kê trăng tròn, mà biển yên bình, lãng đãng chất lãng mạn chốn thôn quê:
Sóng ì oàm vỗ mạn tàu
Nghe như tiếng gàu sòng tát nước trăng khuya
(Đêm tạm trú)
Có lẽ chỉ nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm mới nghe được tiếng sóng biển vỗ mạn tàu "ì oàm" "như tiếng gàu sòng tát nước trăng khuya". Và chỉ có ông mới vẽ biển bằng những nét vẽ lãng mạn, yên bình, đầy chất thơ mà khác, lạ như thế.
Chừng 8 bài thơ viết về biển, như thế không phải là ít trong tổng số 70 bài thơ của RỪNG XANH MƯA. Thơ ông viết về biển, bài nào cũng tươi rói cảm xúc, cũng được cảm nhận bằng một tình yêu trong sáng, thánh thiện của cõi Thiền. Có lẽ vì không phải là người vùng biển nhưng lại rất yêu biển nên ông viết về biển bằng những cảm xúc thật, đẹp và lạ, bằng tâm trạng của người lâu lắm rồi mới gặp lại biển, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đa sắc thái, đa hình ảnh... của biển mà hồn thơ ông bay bổng với nhiều sắc thái tâm tưởng.  
*
Hà Nội, chiều 08 tháng 05 năm 2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.

Không có nhận xét nào: