CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC : CẦU LAM - ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Chieu Duc
14:12, Th 6, 16 thg 11 (6 ngày trước)



ĐIỂN TÍCH VĂN HỌC  :
                    CẦU LAM 
                          Inline image           

           CẦU LAM là cây cầu màu xanh lam, mà cây cầu mà màu xanh lam là cây cầu đẹp và nên thơ vô cùng, vì nơi đó là chỗ ở của người đẹp, của các nàng tiên, của người trong mộng… nên khi muốn nghe Thúy Kiều đờn, Kim Trọng đã phải rào đón trước :
                        Sinh rằng : Gió mát trăng trong,
                        Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
                        Chày sương chưa nện CẦU LAM,
                        Sợ lần khần qúa ra sởm sỡ chăng ?
Hay như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ :
                        CẦU LAM hội ấy đành khôn hẹn,
                        Con tạo trời kia bỗng khéo xây.
        Cầu Lam là LAM KIỀU, là nơi ở của người đẹp mà ta hằng ao ước. Nên khi dò la tìm chỗ ở của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết về chàng Kim Trọng như sau :
                        Tình riêng nhớ ít tưởng nhiều,
                    Xăm xăm đè nẻo LAM KIỀU lần sang.
       Ngay cả Mã Giám Sinh khi đến trả giá để mua Thúy Kiều cũng phải làm ra vẻ cao qúy nho nhã lịch sự :
                        Rằng mua ngọc đến LAM KIỀU,
                    Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường. 
       Lam Kiều hay Cầu Lam còn có liên quan đến CHÀY SƯƠNG là cái Chày dùng để giả thuốc trường sinh làm sính lễ cưới vợ, như Kim Trọng đã nói ở trên :
                        CHÀY SƯƠNG chưa nện CẦU LAM,
Có nghĩa  là : Chưa trình sính lễ để hỏi cưới, để hợp thức hóa mối duyên của đôi lứa yêu nhau.
       Lam Kiều cũng làm cho người ta nghĩ đến QUỲNH TƯƠNG, là thứ rượu được ướp bằng trái cây, như rượu cocktail của ta bây giờ, nhưng ngày xưa Quỳnh Tương là rượu qúy chỉ dùng để đãi khách qúy mà thôi. Nên để trân trọng cho lần đầu tiên gặp gỡ, Kim Trọng đã dùng chén HÀ là chén có hoa văn như mây ở trên trời, rót rượu Quỳnh Tương vào để đãi Thúy Kiều :
                          Chén HÀ sánh giọng QUỲNH TƯƠNG,
                         Dải là hương lộn bình gương bong lồng !
         Để tìm hiểu một cách thấu đáo, chính xác sự liên quan giữa các điển tích Lam Kiều, Cầu Lam, Chày Sương, Quỳnh Tương … như thế nào, mời tất cả cùng đọc và tìm hiểu xuất xứ sau đây :
         Thật ra LAM KIỀU không phải là Cây cầu màu xanh lam, mà là LAM KIỂU DỊCH 藍橋驛, là Dịch quán Lam Kiều, nằm ở đông nam của xứ Lam Khê( Dòng sông xanh ) thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Nơi nổi tiếng là đường cái quan ra vào kinh thành Trường An của đời Đường. Lam Kiều còn nổi tiếng với câu chuyện của Bùi Hàng cưới được vợ đẹp là Vân Anh và vợ chồng đều lên tiên theo tích sau đây...

                     Inline image
                    Chung thuyền gặp Vân Kiều
          Theo sách Thái Bình Quảng Ký, quyển 50: Đời Đường Mục Tông (795-824), năm Trường Khánh có Tú tài Bùi Hàng 裴航 lai kinh ứng thí, nhưng thi rớt. Buồn vì vô tích sự nên định đi du ngoạn Tương Dương một chuyến để giải khuây. Khi đến bến để thuê thuyền thì chỉ còn một khoang thuyền nhỏ, khoang chính của thuyền đã có một phu nhân thuê rồi. Mặc dù có rèm sáo che chắn, nhưng vì ở chung trên một chiếc thuyền, lúc lên xuống ra vào, khi gió động rèm châu, Bùi Hàng cũng lén ngắm nhìn dung nhan của vị phu nhân chung thuyền. Chàng chợt ngẩn người ra và mê mẫn trước sắc đẹp như tiên giáng thế của vị phu nhân mà ngày thường chỉ nghe tiếng nói thanh tao như ngọc của nàng qua bức rèm châu. Hỏi thăm thị nữ theo hầu thì được biết đó là Phàn Phu Nhân. Chàng bèn làm một bài thơ tỏ tình ái mộ của mình, rồi nhờ thị nữ chuyển đến cho phu nhân bài thơ sau đây :
                同舟胡越猶懷想,   Đồng chu Hồ Việt do hoài tưởng.
                況遇天仙隔錦屏。   Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
                倘若玉京朝會去,   Thảng nhược Ngọc kinh triều hội khứ,
                願隨鸞鶴入青雲。   Nguyện tùy loan hạc nhập thanh vân.
Có nghĩa :
                Cùng thuyền Hồ Việt cũng thương nhau,
                Huống gặp người tiên cách sáo rào.
                Nếu đó Ngọc Kinh về phó hội,
                Nguyện cùng chắp cánh vút trời cao !

       Phàn phu nhân xem xong mỉm cười nói thầm : Rõ khéo đa tình, rất tiếc ta không phải là đối tượng của chàng ! Bèn lấy ra một mảnh hoa tiên, cất bút đề thơ hồi âm :
                一飲瓊漿百感生,   Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh,
                玄霜搗盡見雲英。   Huyền sương đão tận kiến Vân Anh.
                藍橋便是神仙窟,   Lam Kiều tiện thị thần tiên quật.
                何必崎嶇上玉京?   Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh ?
Có nghĩa :
                  Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh,
                  Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh.
                  Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ,
                  Sao phải gập ghềnh đến Ngọc Kinh ?!

        Bùi Hàng đọc thơ mà không hiểu ngụ ý của Phu nhân muốn nói chi. Huyền sương là cái gì và Vân Anh là ai, sao lại ở trong thần tiên quật (hang động của thần tiên). Chàng cứ ngẩn ngơ suy nghĩ mãi không hiểu nàng muốn ám chỉ việc gì. Chừng định hồn lại thì phu nhân và thị nữ đã lên bờ đi mất. Dò la mãi cũng không biết được mãi mai tin tức gì. Buồn lòng, chàng bèn quay trở lại Trường an định chờ khoa thi tới. Khi về đến Lam Kiều Dịch, xa xa trông thấy có mấy mái nhà tranh thật nên thơ, sẵn đang khát nước chàng bèn ghé lại xin chén nước uống. Sau khi hỏi xin bà lão đang ngồi quay tơ trứơc cửa, thì bà lão gọi vói vào trong nhà : " Vân Anh, bưng nước ra mời khách !". Bùi Hàng ngẩn người ra nhớ lại bài thơ của Phàn phu nhân có nhắc đến Vân Anh. Chàng hồi hộp nhìn vào bên trong bình phong, quả nhiên một người con gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi đẹp như tiên nga bưng nước ra mời khách. Chàng uống cạn ly nước mát ngọt lịm tận tim gan. Tuy nàng đã lui vào bên trong mà hương thừa vẫn còn phảng phất đâu đây. Chàng lấy cớ là đi đường người mệt ngựa mõi mà nấn ná ở lại nghỉ ngơi.
          Sau khi làm quen và trao đổi hàn huyên với bà lão, Bùi Hàng mới khẩn khoản ngỏ ý muốn xin cưới Vân Anh, thì bà lão bảo rằng :" Đó là cháu gái của lão, bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, nếu muốn cưới nó thì phải giúp lão giả xong thang thuốc Huyền Sương, vì là thuốc của tiên ban nên phải giả bằng chày ngọc cối ngọc. Nếu trong một trăm ngày mà chàng tìm được chày ngọc cối ngọc đến đây giả thuốc cho ta , thì ta sẽ gả nó cho chàng ". Bùi Hàng vui mừng hớn hở từ biệt bà lão để ra đi tìm chày ngọc cối ngọc.
         Chàng lang thang suốt hơn hai tháng trường, bỏ cả khoa thi để quyết chí tìm chày cối ngọc. Nhưng vẫn biền biệt không tìm đâu ra cả. Buồn lòng và lo lắng, gặp ai cũng chỉ hỏi có chày ngọc cối ngọc mà thôi. Một hôm đang lang thang để hỏi thăm tin tức ở kinh thành, tình cờ gặp được người buôn ngọc cho chàng biết là có người đang rao bán chày cối ngọc, nhưng lại đòi đến hai ngàn lượng bạc. Chàng đành phải bán cả hành trang, cả ngựa và cả tên gia đồng theo hầu mới đổi được chày ngọc cối ngọc mang về Lam Kiều cho bà lão. Bà lại bảo chàng phải ở lại Lam Kiều để giã thuốc Huyền Sương cho đúng một trăm ngày nữa.
                    Inline image
                        Bùi Hàng dâng thuốc
        Khi thuốc đã giã xong và khi bà lão đã uống xong thuốc, bèn dẫn Vân Anh ra đi và bảo chàng hãy nán đợi. Hôm sau, có đoàn ngựa xe từ đâu đến đón chàng đi đến một nơi mây mù vần vũ, lầu các nguy nga, tòa rộng dãy dài, tiêu thiều nhạc sáo vang vang, trúc tơ dìu dặc như tiên cảnh. Bà lão không còn nghèo nàn như trước mà hiện ra như một lão Phật gia trong cung tiên, cô dâu Vân Anh đẹp rực rỡ với " Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng " được thị tì hai bên đở ra để làm lễ tơ hồng. Bùi Hàng bàng hoàng ngây ngất, sung sướng đê mê bên cô dâu thơm phức và đẹp như … tiên !                 
       Sau khi cử hành hôn lễ, bà lão còn đưa hai vợ chồng đến ra mắt một tiên nương chị của cô dâu Vân Anh là Vân Kiều. Bùi Hàng mới giật mình nhận ra đây là Phàn phu nhân đi cùng thuyền với mình lúc trước. Thì ra Vân Kiều Phàn phu nhân đã báo trước mối duyên giã thuốc của mình với Vân Anh ở Lam Kiều rồì, mà trước đây mình đâu có biết.
       Sau những năm tháng sống vui vẻ bên nhau, vợ chồng Bùi Hàng cũng cùng tu và cùng đắc đạo thành tiên cả.

                          Inline image


       Đây cũng là câu chuyện xung đột giữa đạo Nho và đạo Lão. Vì chuyện của Bùi Hàng mà một số Nho sinh bỏ Nho theo Lão để tu tiên. vừa có vợ đẹp vừa có cuộc sồng thoải mái như … tiên. Không bị ràng buộc bởi công danh phiền toái mà còn phải biết a dua nịnh bợ với cấp trên và cũng chưa chắc đã được yên thân trong quan trường đầy hiễm họa.
                   
                    Inline image
                                                        Lam Kiều dịch quán

                         ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào: