| 14:11, Th 7, 6 thg 3 | |||
PHÚ ĐẮC THỂ
Thảo Tống Biệt Phú Đắc Cổ Nguyên
PHÚ ĐẮC 賦 得 là một từ trong văn học cổ; PHÚ là THI PHÚ 詩賦, ĐẮC là ĐẮC THỦ 得手, nên PHÚ ĐẮC có nghĩa rộng là : Làm được một bài thơ hay bài phú nào đó. Nhưng theo tập quán ngôn ngữ thì từ PHÚ ĐẮC trong văn học cổ Trung Hoa dùng để chỉ "Bài thơ nào dùng những câu thơ có sẵn làm đầu đề" thì phải thêm vào hai chữ PHÚ ĐẮC trước bài thơ đó. Ví dụ :
* Đời Hán có "Cổ Thi Thập Cửu Thủ 古詩十九首" trong đó bài thứ 6 mở đầu bằng hai câu "Thiệp giang thái phù dung, Lan trạch đa phương thảo 涉江採芙蓉,蘭澤多芳草"; đến đời Nam Bắc Triều, Nam Triều Lương Nguyên Đế có làm bài thơ lấy tựa đề là "PHÚ ĐẮC Lan Trạch Đa Phương Thảo 賦得蘭澤多芳草".
* Tào Thực đời Tam Quốc có làm hai bài thơ lục ngôn tựa là "THIẾP BẠC MỆNH 妾薄命", nên vào đời Đường, ông nội của Thi Thánh Đỗ Phủ là Đỗ Thẩm Ngôn cũng làm bài thơ cùng tên đề tựa là "PHÚ ĐẮC Thiếp Bạc Mênh 賦得妾薄命".
Trong thời đại khoa cử, có THÍ THIẾP THI 試帖詩 là cái thiệp trên đó có làm bài thơ để ứng thí của thí sinh trình cho các quan chủ khảo xem xét đánh giá trước. Những bài thơ đó phần nhiều dùng những tựa bài thơ hay những câu thơ đã nổi tiếng làm đầu đề, nên thường đều có hai chữ PHÚ ĐẮC đứng trước tựa của các bài thơ đó. Lâu dần thành thói quen, các thí sinh hay quan chủ khảo khi hội thi phân đề đều nhắm vào hai chữ PHÚ ĐẮC để đánh giá bài thơ một cách nghiêm chỉnh hơn. Sau nầy, đối với luật thi, quan trường lại định hẵn thành một thể thơ trong khoa cử, gọi là PHÚ ĐẮC THỂ 賦得體 với các niêm luật và bố cục đối xứng chặc chẽ khắc khe hơn thơ bình thường. Nên thơ làm theo thể Phú Đắc ít có bài hay. Nói thế chớ sau nầy các thi nhân khi làm thơ tự tình hay tả cảnh cũng hay thêm vào hai chữ PHÚ ĐẮC cho bài thơ có vẻ trịnh trọng hơn.
Sau đây là những bài thơ làm theo thể Phú Đắc nổi tiếng trong thi ca Trung Hoa. Trước tiên theo thứ tự thời gian, ta đọc bài "Phú Đắc Lan Trạch đa Phương Thảo 賦得蘭澤多芳草" của Lương Nguyên Đế ở Nam Triều nhé !
賦得蘭澤多芳草 PHÚ ĐẮC LAN TRẠCH ĐA PHƯƠNG THẢO
春蘭本無絕, Xuân lan bởn vô tuyệt,
春澤最葳蕤。 Xuân trạch tối uy nhuy.
燕姬得夢罷, Yên cơ đắc mộng bãi,
尚書奏事歸。 Thượng thơ tấu sự quy.
臨池影入浪, Lâm trì ảnh nhập lãng,
從風香拂衣。 Tòng phong hương phất y.
當門已芬馥, Đương môn dĩ phân phức,
入室更芳菲。 Nhập thất cánh phương phi.
蘭生不擇逕, Lan sanh bất trạch kính,
十步豈難稀。 Thập bộ khởi nan hi.
梁元帝蕭繹 Lương Nguyên Đế Tiêu Dịch
LƯƠNG NGUYÊN ĐẾ TIÊU DỊCH 梁元帝蕭繹(508―554)tự là Thế Thành, tự hiệu là Kim Lâu Tử, người đất Lan Lăng, là Lương Nguyên Đế của Triều Lương thời Nam Bắc Triều, ở ngôi từ 552-554. Ông vua nầy giỏi cả làm thơ, thư pháp và hội họa. Người đời xưng tụng ông là "Thi Thư Họa Tam Tuyệt 詩書畫三絕".
* Nghĩa bài thơ :
BÀI THƠ : Trong Đầm Trồng Hoa Lan Có Nhiều Cỏ Thơm
Cái vẻ đẹp của hoa lan vào mùa xuân vốn không bao giờ dứt, nhất là ở trong đầm trồng hoa lan nầy, cứ mùa xuân là lại xanh om tươi tốt như người đẹp của nước Yên vừa tỉnh sau giấc mộng đẹp, và như quan thượng thư vừa bãi triều về với tâm trạng vui tươi. Dáng đẹp của hoa lan trên ao soi bóng xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn, còn mùi hương thì theo gió thoang thoảng luồn vào xiêm y. Trồng trước cửa đã thơm lừng rồi thoảng vào nhà lại càng ngào ngạt hơn thêm. Hoa lan lại mọc khắp các lối chẳng lựa chọn nơi nào, cứ trong mười bước là đã thấy dáng hoa rồi, nào có khan hiếm chi đâu.
* Diễn Nôm :
PHÚ ĐẮC LAN TRẠCH ĐA PHƯƠNG THẢO
Hoa lan đẹp mãi trong xuân,
Đầm xuân hoa nở mười phần đẹp xinh.
Như Yên Cơ tỉnh mộng lành,
Thượng thơ hết việc công thành hồi gia.
Bóng soi sóng gợn mặn mà,
Đưa hương theo gió vào tà áo thơm.
Cửa nhà lan tỏa hương thơm,
Ngạt ngào phòng ốc chờn vờn khắp nơi.
Hoa lan vốn chẳng chọn nơi,
Trong vòng mười bước thảnh thơi ngắm nhìn !
Đỗ chiêu Đức diễn nôm.
Tiếp theo đây là bài thơ "PHÚ ĐẮC Thiếp Bạc Mệnh 賦得妾薄命" của Đỗ Thẩm Ngôn ở buổi Sơ Đường. Đỗ Thẩm Ngôn 杜審言(645-708) tự là Tất Giản, người đất Tương Dương, là tổ phụ (ông nội) của Thi thánh Đỗ Phủ. Đậu Tiến sĩ năm Hàm Hanh đời Đường Cao Tông, đến đời Đường Trung Tông vì qua lại với anh em Trương Dịch nên bị đày đến Phong Châu Việt Trì của Việt Nam. Ông từng giữ các chức quan nhỏ như Thành Úy, Lạc Dương Huyện Thừa, Tu Văn Quán Trực Học Sĩ. Ông hay giao du với Lý Kiều, Thôi Dung và Tô Vị Đạo, được người đời xưng tụng là "Văn Chương Tứ Hữu 文章四友", là những người có công trong việc ổn định và lập nền tảng cho Cận Thể Thi 近體詩, tức là Luật Thi sau nầy đó vậy. Sau đây là bài thơ "Phú Đắc Thiếp Bạc Mệnh 賦得妾薄命 của ông :
賦得妾薄命 PHÚ ĐẮC THIẾP BẠC MỆNH
草綠長門掩, Thảo lục trường môn yểm,
苔青永巷幽。 Đài thanh vĩnh hạng u.
寵移新愛奪, Sủng di tân ái đoạt,
淚落故情留。 Lệ lạc cố tình lưu.
啼鳥驚殘夢, Đề điểu kinh tàn mộng,
飛花攪獨愁。 Phi hoa giảo độc sầu.
自憐春色罷, Tự lân xuân sắc bãi,
團扇復迎秋。 Đoàn phiến phục nghinh thu!
杜審言 Đỗ Thẩm Ngôn
* Nghĩa bài thơ :
Bài Thơ THIẾP BẠC MỆNH
Cỏ xanh đã mọc dài khi cửa vườn vẫn luôn đóng kín, lối mòn cũng luôn phủ đầy rêu xanh một cách thanh u vắng lặng. Người yêu dấu mới đã đoạt đi cái ân sủng cũ, nước mắt rơi vì tình xưa như còn rơi rớt lại. Tiếng chim hót làm giật mình khi mộng cũng đã vừa tàn, thấy hoa rơi càng gợi thêm nỗi sầu cô độc. Tự cảm thương mình khi xuân sắc đã tàn phai, chiếc quạt lụa tròn đâu còn tác dụng để nghinh đón khi mùa thu đà đến !
Đọc 2 câu thơ cuối nầy, làm cho ta nhớ lại cũng 2 câu thơ cuối trong bài thơ cung oán có tựa là "Trường Tín Cung 長信宮" của Lưu Phương Bình 劉方平, một thi nhân đời Thịnh Đường :
秋風能再熱, Thu phong năng tái nhiệt,
團扇不辭勞。 Đoàn phiến bất từ lao !
Khá thương thay những nàng cung nữ bị thất sủng, cứ suốt ngày mong ngóng mòn mõi đợi bóng xe vua. Hết xuân sang hạ lại vào thu, trời thu đã mát mẻ với những trận gió thu hiu hắt, chiếc quạt trên tay đã mất tác dụng để quạt mát cho đấng quân vương, nhưng lòng vẫn luôn ước ao một cách vô vọng :
Gió thu nếu lại nóng rang,
Sẵn sàng đoàn phiến gian nan nào từ !
Đoàn Phiến : Chiếc quạt tròn của các người đẹp ngày xưa
* Diễn nôm :
PHÚ ĐẮC THIẾP BẠC MỆNH
Cỏ xanh kín cổng mọc dài,
Rêu xanh phủ kín vãng lai lối mòn.
Yêu mới nới cũ lẽ thường,
Lệ rơi tình cũ muôn đường xót xa.
Giật mình tỉnh mộng chim ca,
Hoa rơi gợi nỗi niềm xa xót sầu.
Tự thương xuân sắc về đâu,
Quạt tròn bỏ xó đón thu lại về !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Công Thừa Ức 公乘億, thi nhân đời Đường không rõ năm sanh năm mất. Ông tự là Thọ Tiên 壽仙 (có tài liệu cho là Thọ Sơn 壽山), người đất Ngụy Châu (tỉnh Hà Bắc hiện nay). Xuất thân bần hàn, gần ba mươi tuổi nhưng thi mãi vẫn không đậu. Năm Hàm Thông thứ 12 đời vua Đường Ý Tông (871) mới đậu tiến sĩ. Năm Càn Phù thứ 4 đời Đường Hi Tông, ông nhậm chức Huyện Úy huyện Vạn Niên, được quan Doãn Kinh Triệu là Thôi Dục cử làm quan Chủ Khảo, sau lại được Tiết Độ Sứ Nguỵ Bác thu dụng, gia phong hàm Giám Sát Ngự Sử.
Sau đây là một trong những bài thơ làm theo "Thể Phú Đắc" của ông :
得臨江遲來客 PHÚ ĐẮC LÂM GIANG TRÌ LAI KH賦ÁCH
江上晚沉沉, Giang thượng vãn trầm trầm,
煙波一望深。 Yên ba nhất vọng thâm.
向來殊未至, Hướng lai thù vị chí,
何處擬相尋。 Hà xứ nghỉ tương tầm ?
柳結重重眼, Liễu kết trùng trùng nhởn,
萍翻寸寸心。 Bình phiên thốn thốn tâm.
暮山期共眺, Mộ sơn kỳ cộng thiếu,
寒渚待同臨。 Hàn chử đãi đồng lâm.
北去魚無信, Bắc khứ ngư vô tín,
南飛雁絕音。 Nam phi nhạn tuyệt âm.
思君不可見, Tư quân bất khả kiến,
使我獨愁吟。 Sử ngã độc sầu ngâm !
公乘億 Công Thừa Ức
* Nghĩa bài thơ :
Bài Thơ RA BẾN SÔNG ĐÓN BẠN CHẬM ĐẾN
Đêm xuống chầm chậm và lặng lẽ trên sông, khói sóng mịt mờ nên tầm nhìn như thăm thẳm. Cái hướng đến chưa thấy thuyền bè gì đến cả, thì còn biết tìm kiếm ở đâu đây ? Những hàng liễu lớp lớp ở ven sông như che đi tầm mắt và những bèo nước nhấp nhô trên sóng như chập chờn ở trong lòng, cả núi chiều như cũng cùng trông ngóng về phía xa xa và bờ bến lạnh lùng như cũng đang chờ đợi khách về. Ngược về bắc thì cá cũng bặt vô âm tín, xuôi nam thì nhạn cũng mù mịt âm hao. Nhớ đến người nhưng không thể nào gặp được, làm cho ta càng thêm trầm ngâm với nỗi sầu cô lẽ.
*Diễn Nôm :
PHÚ ĐẮC LÂM GIANG TRÌ LAI KHÁCH
Đêm buông chầm chậm trên sông,
Mịt mờ khói sóng vời trông khôn cùng.
Hướng về chẳng chút hành tung,
Biết nơi nào gởi chút lòng nhớ mong.
Hàng hàng liễu khuất khó trông,
Chập chờn bèo nước nghe lòng bâng khuâng.
Núi chiều chừng cũng ngó mong,
Bến chiều thêm lạnh chờ trông mõi mòn.
Bắc cá âm tín chẳng còn,
Nhạn nam tin cũng chập chờn chân mây.
Nhớ người nỗi nhớ đong đầy,
Lòng ta luống những ngậm ngùi trầm ngâm !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Năm Công nguyên 788 (Năm Trinh Nguyên thứ 3 đời Đường Đức Tôn). Bạch Cư Dị 白居易 lúc đó mới 16 tuổi, đang lai kinh ứng thí. Phàm các thí sinh trước khi dự thi đều phải làm bài tập theo khuôn phép của trường thi đưa ra, như trước đề mục thi phải thêm hai chữ "Phú Đắc", thơ Luật phải tuân thủ nội dung Khởi Thừa Chuyển Hợp (ta nói là Mạo Thực Luận Kết) một cách nghiêm chỉnh. Bạch Cư Dị đã làm một bài tập thật hay, thật nổi tiếng để đời cho đến ngày nay, đó là bài Ngũ ngôn Luât thi có tựa là "THẢO 草" (Cỏ). Nhưng theo quy định trường thi nên tựa của bài thơ ... dài thòn như thế nầy : "PHÚ ĐẮC CỔ NGUYÊN THẢO TỐNG BIỆT 赋得古原草送别 ". Có nghĩa : Bài thơ Tống Biệt Trên Đồng Cỏ Xưa :
草 THẢO
離離原上草, Li li nguyên thượng thảo,
一歲一枯榮。 Nhất tuế nhất khô vinh.
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
春風吹又生。 Xuân phong xuy hựu sanh.
遠芳侵古道, Viễn phương xâm cổ đạo,
晴翠接荒城。 Tình thúy tiếp hoang thành.
又送王孫去, Hựu tống vương tôn khứ,
萋萋滿別情。 Thê thê mãn biệt tình.
白居易 Bạch Cư Dị
Hựu tống vương tôn khứ, thê thê mãn biệt tình.
* Nghĩa bài thơ :
Cỏ trên cánh đồng mượt mà xanh tốt, ai có biết rằng mỗi năm là mỗi độ cỏ héo uá tàn lụi rồi lại xanh tươi trở lại. Mặc cho lửa dại có thiêu đốt thì cũng không diệt nỗi sức sống của cỏ, vì khi gió xuân bắt đầu phe phẩy thổi là cỏ lại vươn lên xanh tốt trở lại ngay.
Hương cỏ thoảng nhẹ lan xa đến tận những con đường xưa lối cũ, trong nắng xuân ấm áp, cỏ mọc xanh tươi phủ cả lên các thành trì hoang phế. Trong cảnh trí nầy, ta lại phải đưa bạn (Vương Tôn : chỉ các bạn bè của tác giả) lên đường, đồng cỏ vươn dài mượt mà như lưu luyến trước cảnh biệt ly !
Diễn nôm :
CỎ
Mượt xanh đồng cỏ biếc,
Mỗi độ úa rồi xanh,
Lửa dại thiêu không chết,
Gió xuân thổi lại xanh.
Thoảng hương tràn lối cũ
Sắc biếc phủ thành xanh.
Lại tiễn vương tôn nữa,
Luyến lưu xanh ngát xanh !
Toàn bài thơ đều toát lên sức sống mãnh liệt của CỎ, "Cỏ non xanh rợn chân trời !" Mặc cho thu tàn đông rụi, hễ gió xuân hây hẩy là cỏ lại xanh tươi, sức sống bao trùm cả mặt đất, phủ xanh cả đường xưa lối cũ, tràn ngập cả thành trì hoang phế và màu xanh của cỏ cũng đã làm cho lòng người càng nao nao lưu luyến hơn trước cảnh biệt ly ! Qủa là một bài thơ tuyệt tác về ... CỎ ! Tương truyền ... (theo U Nhàn Cổ Xúy của Trương Cố đời Đường) :
Khi Bạch Cư Dị từ Giang Nam vào kinh ứng thí, đã từng đem thi phẩm và bài tập của mình cho danh sĩ lúc bấy giờ là Cố Huống xem (Cố Huống đậu Tiến sĩ năm 757, đang giữ chức Phán Quan của Tể Tướng Hàn Quang). Thấy tên là CƯ DỊ 居易 (có nghĩa là Ở Dễ : Dễ dàng cư trú) bèn nói chơi rằng : "Trường An bách vật qúy, CƯ đại bất DỊ 长安百物贵,居大不易 !". Có nghĩa : Đất Trường An nầy trăm vật đều mắc mỏ, Ở thật không DỄ chút nào !" Ý vừa nói chơi, vừa ngầm có ý bảo rằng : Muốn bon chen để lập thân ở đất Trường An nầy thật không phải dễ đâu !. Nhưng khi đọc đến 2 câu :
野火燒不盡, Dã hỏa thiêu bất tận,
春風吹又生。 Xuân phong xuy hựu sanh.
thì ông lại bất giác buộc miệng khen rằng : Hữu cú như thử, cư thiên hạ hà nan 有句如此,居天下何难!Có nghĩa : "Viết được câu như thế nầy, Ở trong thiên hạ đâu có nơi nào mà làm khó được đâu !". Và ... ông đã cổ vũ khen ngơi thơ của Bạch Cư Dị khắp nơi. Qủa nhiên, sau này Bạch Cư Dị đậu Tiến sĩ khi mới 28 tuổi... và trở thành một thi sĩ lớn của đời Đường với 2 tác phẩm thất ngôn trường thiên : Trường Hận Ca và Tì Bà Hành bất hũ.
* Diễn Nôm Lục bát :
Mượt mà đồng cỏ xanh rì,
Mỗi năm mỗi độ đông đi xuân về.
Lửa hoang đốt cũng chẳng hề,
Gió xuân hây hẩy xanh rê một màu.
Ngập tràn đường cũ lao xao,
Phủ đầy thành quách ngày nào hoang sơ.
Đưa người đồng cỏ ngẩn ngơ,
Xanh xanh lưu luyến trước giờ chia tay !
Xin được kết thúc bài viết về PHÚ ĐẮC THỂ trong thơ Đường ở đây.
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét