| 20:57, Th 2, 29 thg 3 (2 ngày trước) | |||||
THỬ SUY NGHIỆM VỀ “CUNG THỤY DU” TRONG BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU” CỦA TRẦN MAI NGÂN.
KHÚC THỤY DU
***
Em biết
Trăng Thu huyền ảo lắm
Càng chạy tìm - càng xa
Bóng trắng cứ sáng loà
Cung Thuỵ Du ảo mộng...
Em biết
Trong khúc quanh đồng vọng
Dư âm của dấu yêu
Dù rất rõ một điều
Là không hề có thật!
Em sống trong tất bật
Ngày đêm đan xen nhau
Những dư vị ngọt ngào
Tặng trao lời đường mật...
Em biết và em sống
Trong từng sát na yêu
Nghe hương đời tan biến
Rót trong nhau đủ điều!
Em biết và em sống!
Em biết và em sống!
TMN
Lời Bình: Châu Thạch
Thụy là ngủ, du là đi dạo chơi, vậy thụy du là nằm ngủ mà mơ thấy mình đi chơi. Theo nghĩa Hán Việt, “Khúc Thụy Du” là một khúc hát về giấc ngủ, cái chết, hoặc một chuyến đi dài.
Nhà thơ Trần Mai Ngân lấy tựa đề cho bài thơ của mình là “Khúc Thụy Du. Tất nhiên bài thơ “Khúc Thụy Du” nói về một cơn mơ trong giấc ngủ của mình. Cũng có thể nhà thơ nói rộng ra, về một cơn mơ giữa cuộc đời nầy.
Trong bài thơ “Khúc Thụy Du”, có một chốn mà không ai biết đến, chỉ được thấy nhà thơ nói về nơi ấy là “Cung Thụy Du”. Vậy trong bài viết nầy, thử suy nghiệm về nơi chốn mới lạ ấy mà nhà thơ Trần Mai Ngân đã đem vào thơ của mình:
Khổ đầu của bài thơ như sau:
Em biết
Trăng Thu huyền ảo lắm
Càng chạy tìm - càng xa
Bóng trắng cứ sáng loà
Cung Thuỵ Du ảo mộng...
Khổ thơ cho ta biết nhà thơ đang chạy theo ánh trăng thu nhưng không bao giờ đến đích. Đích không thể đến của nhà thơ là “Cung Thụy Du ảo mộng…”. Chữ “Cung Thuy Du” tác giả viết hoa. Như thế, đối với tác giả, Cung Thụy Du là một vùng nào đó có thật giữa thiên nhiên, tuy nó nằm trong ảo mộng nhưng nó vẫn là điểm đến trong giấc thụy du. Linh hồn nhà thơ trong khúc thụy du đang bay về hướng Cung Thụy Du đó.
Sách vở không nói đến Cung Thụy Du, nhưng muốn biết nó ở đâu ta có thể suy nghiệm dựa trên thơ của nhiều thi nhân cũng từng bay về một nơi như thế.
Xin mời nghe một khổ thơ đi vào thế giới “Im Lặng” của Xuân Ly Băng, một nhà thơ Thên Chúa Giáo:
Dáng ngọc lượn về trong giấc êm
Nhẹ tựa hoa bay chốn nguyệt thiềm
Đường vào im lặng mê ly quá
Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên
(Im Lặng)
Khổ thơ giới thiệu với ta một linh hồn thoát xác bay trên con đường im lặng. Con đường ấy tất nhiên không có ở trần gian vì nó đã được “lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” và nó cũng có thể đang hiện hữu một nơi nào đó mà linh hồn nhà thơ thấy khi bay. Đối với nhà thơ Thiên Chúa Giáo Thì con đường “Lót toàn tơ lụa cõi thần tiên” chắc chắn là con đường dẫn đến Thiên Đàng. Đọc thơ, ta biết Xuân Ly Băng cũng đang ở trong một giấc thụy du như Trần Mai Ngân. Nhà thơ đang bay trên con đường về Thiên Đàng. Vậy có thể nói “Cung Thụy Du” của Xuân Ly Băng là Thiên Đàng mà linh hồn nhà thơ đang “lượn về trong giấc êm”, tức là giấc thụy du “mê ly quá” mà nhà thơ đang thụ hưởng.
Bây giờ, xin mời nghe tiếp hai khổ thơ của một nhà thơ Phật Giáo, Trần Thoại Nguyên:
Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non.
Nghe lòng mình cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn.
Ồ. Hồn tràn mộng trắng
Tôi ôm trăng không màu
Tôi ngút xuống biển dạng
Tôi dại khờ mắt nâu.
(Đêm Trăng Leo Lên Mái Chùa)
Toàn bộ bài thơ “Đêm Trăng Leo Lên Mái Chùa” tác giả nói về trăng. Nhà thơ ngắm trăng, bay qua trăng, rơi trong trăng và ngộ ra điều huyền nhiệm cũng ở trong trăng. Trăng là những điều huyền diệu soi khắp bản thể của muôn vật trong trời đất. Mỗi con người trong linh hồn cũng có một vầng trăng nội tại, nói xa xôi là một vị Phật còn ẩn trong lòng. Bài thơ như nói về vầng trăng ngoại tại, vầng trăng thiên nhiên đã khai sáng, cho linh hồn thấy được vầng trăng nội tại.
Dầu “Ngồi trong vườn nguyệt lộ” nhưng linh hồn nhà thơ Trần Thoại Nguyên đã đi, đã “Chạy băng đồi vô ngôn”, tức là cũng giống như nhà thơ Xuân Ly Băng đi vào con đường “Im lặng mê ly quá”. Vậy thì mục đích nhà thơ Trần Thoại Nguyên “chạy băng đồi vô ngôn” để làm gì? Phải chăng ý tưởng cũng chỉ muốn đến một nơi thần thoại “Cung Thụy Du ảo mộng…” mà Trần Mai Ngân đã “Càng chạy tìm… càng xa”.
Hãy suy nghiệm tiếp khổ thơ đầu trong bài “Ave Maria” của Hàn Mạc Tử:
Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cáo dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
(Ave Maria)
Bốn chữ “song lộc triều nguyên” Hàn Mạc Tử đã dùng thứ ngôn từ đặc biệt mà nhà thơ cho răng đó là “Kinh Kính Mừng” bằng thơ của riêng ông dâng lên cho Đức mẹ Maria. “Song lộc” là Hóa Lộc và Lộc Tồn trong khoa tử vi. Đó là hai thứ lộc Trời ban cho con người ân sủng cao trọng cũng như lợi lộc trần thế vinh quang. Bởi thế người xưa có câu “Song Lộc trùng phùng chung thân phú quý”.
Có người cho rằng Hàn Mạc Tử đã viết bài thơ nầy sau một lần tắm biển suýt chết, nhà thơ thấy mẹ Maria cứu ông, cho nên Hàn Mạc Tử đã tạ ơn bằng những câu thơ “Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy/ Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế”.
Đọc thơ ta biết trong giây phút thập tử nhất sinh đó, linh hồn Hàn Mạc Tử đã thoát xác, linh hồn nhà thơ bay về Thiên Đàng với cảm nhận vô cùng thú vị, thú vị đến nổi nhà thơ thốt lên những mỹ từ vô cùng thánh thót như “thần nhạc, thơm tho, huyền diệu”.
Phải chăng trong giờ phút nầy linh hồn Hàn Mạc Tử cũng đắm mình trong một khúc thụy du để “triều nguyên” nghĩa là hướng về chốn khai nguyên hay là chốn chân lý. Chốn ấy chính là Thiên Đàng nơi mẹ Maria đang ở, cũng chính là “Cung Thụy Du” mà Hàn mạc Tử đang tìm về trong giấc thụy du của mình.
Cuối cùng, Hàn Mạc Tử cũng như Trần Mai Ngân, “Càng chạy tìm -càng xa” vì “Bóng trăng cứ sáng lòa” nên không thể đến với “Cung Thụy Du ảo mộng…”. Cho nên Hàn Mạc Tử mới thốt lên:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều-thiên ngời chói vạn hào-quang?
Phượng Trì là đâu? Có người cho rằng, Phượng Trì là nơi đức mẹ Marria ngự, có người cho rằng Hàn Mạc Tử đồng hóa Phượng Trì với Giao Trì của Tây Vương Mẫu, nghĩa là nhà thơ quan niệm chỉ có một chốn cực lạc chung mà mỗi tôn giáo đặt tên khác nhau để gọi, nhưng chân lý thì quy về một thể một mốimột chốn mà thôi.
Qua những khổ thơ trên của các tác giả, người viết trưng dẩn, để có thể cùng nhau suy nghiệm, hiểu rõ hơn “Cung Thụy Du” mà tâm thức nhà thơ Trần Mai Ngân đã muốn bay về nơi đó trong khúc thụy du của mình, hay đúng ra nhà thơ đã sáng tạo một tên mới trong bài thơ “Khúc Thụy Du” của mình, cho một chốn An Nhiên, Cực Lạc, Niết Bàn hay Thiên Đàng mà tôn giáo đã đặt ra. Tất cả các tên ấy đều là “Cung Thụy Du” của Trần Mai Ngân, mà mỗi nhà thơ xuất thần đi vào trong không trung đều định hướng bay để đưa mình đến chốn khoái lạc kía.
Khác với ba nhà thơ kia, họ đi tìm Cung Thuỵ Du để thấy Chân Lý Vĩnh Hằng, nhà thơ Trần Mai Ngân chỉ đi về Cung Thuỵ Du của tình ái, như con chim bé nhỏ bay qua ngàn vì sao để được đến với thế giới ngọt ngào, nơi có tình yêu trai gái vĩnh hằng và thánh khiết. Nhà thơ Trần Mai Ngân trong bài thơ “Chuồn Chuồn bay…” đã từng hóa thân thành con “Chuồn chuồn bay đến cổng trời/ Tìm người xưa cũ gửi lời ăn năn”. Một lần nữa, ta thấy sức tưởng tượng của Trần Mai Ngân trở nên thâm thúy, mang màu sắc triết lý trong tình yêu.
Có một điều xác nhận, cả bốn nhà thơ, khi đi vào không trung để đến Cung Thuy Du, thì Trân Mai Ngân đi trong ánh trăng huyền ảo, Xuân Ly Băng đi trong chốn nguyệt thềm, Trần Thoại Nguyên ôm trăng không màu và Hàn Mạc Tử đi trong trăng có thần nhạc sáng hơn trăng. Vậy thì chốn mà bốn nhà thơ muốn đến chắc chắn nằm trong ánh trăng, hay nói rõ hơn Cung Thụy Du phải là một nơi trong vùng trăng sáng, tràn ngập ánh trăng!
Suy nghiệm như thế và luận giải như thế chỉ là ý chủ quan và cực đoan của người viết, chỉ mong đem lại vài phút giây tìm vui trong hư cấu của văn thơ. Rất mong ai đó đồng cảm hay không đồng cảm với bài viết cũng lắng lòng, cho tâm hồn hướng đến Cung Thụy Du của Trần Mai Ngân, để tưởng tượng những đường trăng lung linh có thần nhạc êm ái, để nhận “Những dư vị ngọt ngào/ Tặng trao lời đường mật…” mà nhà thơ Trần Mai Ngân đã ngâm vào trong men thơ của tác giả . Nếu có duyên, người viết xin hẹn sẽ trình bày cảm nhận của mình về toàn bộ bài thơ “Khúc Thuy Du” một ngày nào cảm xúc tràn đến trong tim ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét