CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

TRẦN HOÀI THƯ ,CON SỐ 100 - PHAN NI TẤN

 





TRẦN HOÀI THƯ, CON SỐ 100

Tính tuổi trời, tôi không biết liệu người bạn già Trần Hoài Thư có đủ sức sống tới bách niên giai lão hay không, nhưng tháng 8-2022 vừa qua giai phẩm Thư Quán Bản Thảo của ổng đã đạt tới con số 100.
So với đứa con tinh thần Thư Quán Bản Thảo cốt cách phương phi thì Trần Hoài Thư lại ốm tong teo, tóc râu bệt bạc, miệng mồm "hăng rết" (hết răng). 80 tuổi rồi chớ ít sao. Nhìn cuộc sống hẩm hiu về chiều của Trần Hoài Thư mà thương tờ tạp chí văn học Thư Quán Bản Thảo số 100 trường kỳ của ổng.
Con số 100 quan trọng kể gì. Này nghe:
Sử Việt: Bà Âu Cơ sinh trăm trứng
Ca dao: Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Tục ngữ: Trăm năm bia đá cũng mòn
Cụ Tiên Điền: Trăm năm trong cõi người ta
Rồi thì:
- Trăm năm không bỏ nghĩa người. Chim kêu trên núi, cá cười dưới sông.
- Đường dài ngựa chạy biệt tăm. Người thương có nghĩa trăm năm cũng về
Rồi thì:
trăm năm hạnh phúc, trăm năm đầu bạc răng long, bách niên giai lão v.v…
Tác phẩm nổi tiếng Trăm Năm Cô Đơn của nhà văn Garbriel Garcia Marquez thật hay thì bài thơ Con Số 100 của Trần Hoài Thư thật buồn:
"Đôi khi con số 100 cũng trở thành huyền thoại
Với cây gậy thần đẩy hai vòng xe lăn
Tôi in số 100 đậm vàng
bìa láng. nổi
Để ăn mừng có buổi hôm nay
Nhưng tin dữ lại đến không hôm nay
Trong thân thể tôi những tế bào chết xếp chồng
Triệu chứng ung thư bộc phát
Buổi tối tôi ngủ không được
Bóng tối và con số 100 làm tôi muốn rưng nước mắt
Tôi bèn xé bìa đã in
In lại từ đậm vàng con số 100 thành màu đen
Khi con số 100 đã thành huyền thoại
Tôi chào mừng em, người em bị bệnh ung thư còn sống sót
Em dám thách thức tử thần
Không phải đánh bại đội quân tham lam khốn kiếp
phong tỏa tấn công suốt bao nhiêu năm
Mà lấy tiếng con chim nhốt trong lòng để hát ca, thì thầm, an ủi…"
"Em" của bài thơ trên chính là người bạn đường Nguyễn Ngọc Yến, một thời đầu gối tay ấp của Trần Hoài Thư. Sao tôi lại nói "một thời đầu gối tay ấp"? Là vì cuối năm 2012 chị Yến bị stroke đến nay đã 10 năm chị nằm bệnh trong viện dưỡng lão. Mười năm hầu như không sót ngày nào Trần Hoài Thư đều vô thăm nuôi vợ. Cho đến khi đại dịch bùng phát thì ông chồng chỉ được phép vô thăm vợ vào mỗi ngày thứ sáu mà thôi.
Nói đến hai chữ "tần tảo" không ai không nghĩ tới hình ảnh thương khó của người mẹ, người vợ một đời làm lụng vất vả, lo toan việc nhà, sớm khuya tần tảo nuôi con. Tuy nhiên, nếu áp dụng mỹ từ này cho con người, cho cuộc đời, cho thân phận hẩm hiu của Trần Hoài Thư mười năm miệt mài thăm nuôi vợ nằm bệnh trong viện dưỡng lão thì cũng đáng, không có gì là lạ. Bài thơ Khi Người Ta… viết cho vợ, đọc lên nghe mà xót dạ:
Khi người ta hôn nhau bằng má bằng môi
Còn ta thì hôn lên bàn chân bàn tay liệt gân khổ nạn
Hai nhành tình cong queo mà nhựa tình lai láng
Thấm qua trái tim già, như thể nhựa Đức Quán Âm
Khi người ta mang bông hoa để tặng người thân
Tôi muốn mang một nhành bông tặng người yêu dấu
Nhưng trời ơi, khi một người không còn trí não
Thì bông hoa nào dù đẹp mấy cũng vậy thôi…
Mười năm không có vợ hiền bên cạnh, rồi giữa năm 2020 tới phiên Trần Hoài Thư bị stroke, vậy mà những số báo Thư Quán Bản Thảo bất định kỳ vẫn lần lượt ra mắt bạn đọc. Thật là thần kỳ. Tôi nghĩ rằng trên đời này không có ai như Trần Hoài Thư. Ngoài tình cảnh gia đình, ông là một nhà văn độc đáo, kỳ lạ nhất, đam mê nhất, cô đơn nhất và thủy chung nhất với sách báo, với văn chương nghệ thuật. Bình dị, đơn sơ với cuộc sống thật chông chênh trong căn nhà vắng bóng vợ con, song một mình một thân Trần Hoài Thư vẫn lặng lẽ, cặm cụi, miệt mài với ba mớ chữ nghĩa, với mấy cái máy in, máy cắt để cho ra đời, ngoài những tác phẩm văn chương của mình, của các bạn văn trong và ngoài nước, còn hết lòng sưu tầm những áng văn chương một thời của miền Nam nước Việt. Điều này chứng tỏ Trần Hoài Thư đã từng nhiều năm, mà hầu như suốt đời, bằng cả tấm lòng chịu thương chịu khó nặng nợ với nghiệp văn chương.
Nghe danh, đọc văn Trần Hoài Thư vào khoảng cuối thập niên 1960 đến năm 1971 tôi mới "kiến kỳ hình" bạn văn tại Ban Mê Thuột. Năm 1967, Trần Hoài Thư nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Ra trường phục vụ tại Đại đội 405 Thám Kích Sư đoàn 22 Bộ Binh trong 4 năm. Năm 1971 chuyển về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại Ban Mê Thuột chờ đổi về Cần Thơ làm phóng viên chiến trường ở vùng IV trong 2 năm.
Trong thời gian chờ sự vụ lệnh đổi về Cần Thơ, cuối tuần tôi thường gặp Trần Hoài Thư ngồi một mình trước quán Mỹ Hương (đối diện rạp hát LoDo) vừa nhâm nhi cà phê vừa cặm cụi sáng tác. Mặc kệ ông đi qua bà đi lại giữa chợ trời bát nháo, nhà văn vẫn lụi cụi với mớ chữ nghĩa của mình. Để tránh quấy rầy làm cụt hứng công việc sáng tác của ông bạn văn tôi lặng lẽ đi luôn. Nghệ sĩ như Trần Hoài Thư chắc không có người thứ hai.
Rồi mất nước, tôi đi tù Cộng sản trên cao nguyên rừng rú, Trần Hoài Thư thì bị tù ở miền đồng bằng sông Cửu Long. Những tưởng không còn ai gặp ai trên cõi đời này, vậy mà năm 1996 tôi lại ngộ cố tri Trần Hoài Thư trong buổi tiệc cưới con gái của anh chị Luân Hoán tại Montreal với đầy đủ văn nghệ sĩ khắp nơi về dự tiệc mừng đôi uyên ương. Cũng từ đó tới nay, 2022, tôi không còn gặp lại Trần Hoài Thư ngoài thư từ qua lại và thỉnh thoảng góp bài vở cho Thư Quán Bản Thảo của ổng. Vậy thôi.
Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Khởi viết từ 1964. Truyện ngắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, Văn, Văn Học, Thời Tập, Khởi Hành, Ý Thức… Đến Mỹ năm 1980. Năm 2004 cùng Phạm Văn Nhàn sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán. Đã xuất bản khoảng 30 tập truyện và thơ trong và ngoài nước.


PHAN NI TẤN



Không có nhận xét nào: