LÊ HỮU, GIỮA MÙA DỊCH
Hồi học tiểu học Nguyễn Công Trứ lên trung học Ban Mê Thuột, rồi đi lính, đi tù, đi ra nước ngoài theo diện nhân đạo H.O cho tới nay gần 70 năm, Lê Hữu vẫn ốm nhom ốm nhách. Dĩ nhiên, Lê Hữu nay cũng già đi, điềm đạm hơn, chững chạc hơn và vẫn tốt bụng như xưa.
Thật ra tôi "thấy" anh bạn ốm nhách này từ cái hồi cùng học tiểu học trường làng trên xứ Bụi. Khi vào lính, lần đầu giáp mặt, nghe bạn xưng "mầy tao" hết sức tự nhiên làm tôi thiệt mát cái bụng. Bạn bè sơ ngộ mà như vậy chứng tỏ tâm không ác. Con nhà gia giáo hiền lành là phải.
Hồi ở trong nước, Lê Hữu không có viết lách, đến khi ra hải ngoại bạn tôi mới phát huy năng khiếu. Vốn có sẵn kiến thức nên bút pháp của Lê Hữu rất vững vàng, văn phong lôi cuốn người đọc. Tới nay Lê Hữu đã trình làng ba tác phẩm Âm Nhạc Của Một Thời, Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi và Quà Tặng Giữa Mùa Dịch.
Riêng tập truyện Quà Tặng Giữa Mùa Dịch do cô em Võ Túc Trí và nhóm bạn Giờ Ra Chơi thực hiện, xuất bản. Tập truyện chia làm hai phần. Phần đầu gồm 12 truyện phóng tác, Lê Hữu viết phỏng theo truyện phim hoặc các bản tin của báo chí đăng tải những biến cố có thật từng xảy ra trong đời. Phần sau gồm 7 truyện ngắn.
Truyện phóng tác vốn là cái khung có sẵn đề tài và các tình tiết của dữ liệu được Lê Hữu rút ra, sắp xếp lại, truyền thêm cảm hứng của lí trí và ý thức nghệ thuật đúc kết thành tác phẩm theo quan niệm nhân sinh của nhà văn. Thật ra tôi không quen, cũng như chưa từng đọc truyện phóng tác bao giờ, nhưng khi đọc Quà Tặng Giữa Mùa Dịch (truyện phóng tác đầu tiên cũng là nhan đề tập truyện), Lê Hữu viết phỏng theo bản tin NBC News đã lôi cuốn tôi ngay.
Đoạn văn tả nữ bác sĩ tên Sue lái xe xuyên bang quá tốc độ bị cảnh sát tên Bryan chận phạt. Kết quả thật bất ngờ, thay vì đưa giấy phạt thì viên cảnh sát đưa cho cô năm chiếc khẩu trang N95 mới toanh. Ta đọc ở đây mẩu đối thoại thật hay giữa Bryan và Sue:
"Cô giữ cái này mà dùng. Không nên dùng lại những khẩu trang đã dùng rồi"
"Nhưng… đấy là của anh. Anh cần nó mà"
"Cô cần thứ này hơn tôi. Chúc cô một ngày bình an. Chạy xe cẩn thận nhé!"
Thật ra cuộc tra vấn khởi ngay từ lúc Sue bị Bryan chận lại, nhưng mẩu đối thoại kể trên mới làm ta cảm động. Truyện chỉ có hơn sáu trang viết nhưng tràn trề lòng nhân ái.
Ngoài ra những truyện ngắn Hoa Daffodils Vàng Mùa Dịch, Sinh Nhật Bố Giữa Mùa Dịch, Giáng Sinh Thứ Mười Một, Thư Giáng Sinh Viết Từ Thiên Đường… tôi nhận ra ngòi viết của Lê Hữu có khả năng vẽ nên cái đẹp của tình người. Lòng khoan dung trong truyện Ai Cũng Cần Một Vòng Tay Ôm là một thí dụ.
Genny, nữ cảnh sát bị lãnh án mười năm tù giam vì đã giết nhầm người hàng xóm da màu tên Bruce, là một thanh niên hiền lành và tốt bụng, hay giúp đỡ người khác. Thay vì nhận sự oán ghét từ gia đình nạn nhân thì cô được họ tha thứ.
Trong Trái Tim Em, Lồng Ngực Anh cũng là câu chuyện có thật, Lê Hữu phỏng theo bản tin CBS News để bày tỏ quan niệm nhân bản của mình làm lay động lòng người. Truyện kể về một cô gái đã chết não, cô tự nguyện hiến tặng nội tạng và các mô sinh học trong đó trái tim còn tươi rói của mình được cấy ghép kịp thời vào buồng ngực của một chàng trai chưa một lần quen biết.
Cô gái tên Abbet Conner, 20 tuổi. Chàng trai tên Loumonth Jack, 21 tuổi. Abbey đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác nhưng trái tim cô mãi mãi thuộc về chàng trai, và chàng sẽ chẳng bao giờ quên được nàng suốt cuộc đời còn lại.
Ngòi viết của Lê Hữu cũng có khả năng vẽ nên âm thanh và hình ảnh tuyệt vọng của con người, dù đã hết lòng cứu lấy nhưng nạn nhân đã chết vì súng đạn của một tên sát thủ máu lạnh thích giết người hàng loạt (Las Vegas, Đêm Dài Nhất).
Truyện Cuộc Sống Vẫn Lao Về Phía Trước gợi cho người đọc nhớ lại cuối năm 2019 đại dịch Coronavirus bắt đầu bùng phát đã giết chết hàng triệu người dân vô tội trên toàn cầu. Meg, nhân vật chính trong câu chuyện này đã vô tình mang con virus độc ác ấy về nhà và lây truyền cho bố mẹ cô, cuối cùng đã giết chết bố của cô. Đề cập một cái chết, Lê Hữu khéo gợi lên tiếng nói ngậm ngùi với nỗi buồn mênh mông mà cũng thật sống động:
"Thế rồi ông ra đi lặng lẽ, đơn độc trong trạng thái hôn mê và tang lễ cũng thật quạnh quẽ hệt như những câu chuyện buồn giữa mùa dịch mà Meg từng nghe nhưng không ngờ rằng lại xảy đến cho gia đình mình."
Nhưng mà dù gì đi chăng nữa, ngoài kia mặt trời vẫn lên, cuộc sống vẫn đi tới, nhất là những tính cách cao đẹp, tinh thần lạc quan, cuộc sống đơn giản của ông bố đã vực Meg dậy và cô cùng "cuộc sống vẫn lao về phía trước."
Càng đọc tôi càng nhận ra ngòi viết của Lê Hữu có khả năng vẽ nên cái đẹp của lòng vị tha là mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất của sự sống con người.
Ngược với truyện phóng tác ngập ngụa nỗi vui cùng buồn, truyện ngắn của Lê Hữu lại mang hơi hướm của một bản trường ca rộn ràng, vui thắm sắc xuân với Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Xuân Tha Hương là nỗi niềm tâm sự của kẻ tha hương trong những ngày Tết đến Xuân về dưới mái gia đình ấm êm và những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.
Có thể nói truyện ngắn (không phải phóng tác) Lê Hữu là những tác phẩm mang tính cách tự sự, tô đậm hình ảnh nhân vật trong truyện, với Nga, Phương, Hãn, Đức, Liên, Christine, Hằng… Mỗi người mỗi vẻ trộn lẫn giữa tính xấu và nết đẹp; cho dù cái đẹp thường mỏng như giấy, dễ rách toạc trước gió, như thể bề mặt cánh cửa là vùng ánh sáng chói lòa mà sau nó là bóng tối mịt mù.
Nhìn chung, tập truyện Quà Tặng Giữa Mùa Dịch, Lê Hữu đã có những nhận thức sáng rỡ và một bút pháp điêu luyện, là những mẩu truyện lan man về người sống hay đã chết được kể bằng một thứ ngôn ngữ hay nhất về tình người.
Lê Hữu hiện sống cùng gia đình tại Seattle, Washington state, miền Tây Bắc Hoa Kỳ
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét