CON RẠCH NHỎ QUÊ MÌNH
11.12.2005
Mầy còn nhớ không ? Hồi tụi mình còn nhỏ, thời tiểu học, có ngày nào mà tụi mình không đùng xuống con rạch trước nhà để tắm. Mầy còn nhớ con rạch đó không? Nó có cái tên cục mịch và quê mùa : rạch " Cồn Cỏ ". Người ta gọi như vậy bởi vì ở phía sông cái có một cái cồn khá lớn - gần như là một cái cù lao - làm tách con rạch ra làm hai nhánh. Có lẽ hồi xưa, trên cồn chỉ có cỏ nên họ gọi là " Cồn Cỏ ", chớ hồi thời tụi mình, trên đó thấy đầy cây cối mà một số là cây ổi " chim ăn " và cây xoài hột. Mầy bỏ xứ ra đi lâu quá, không biết còn nhớ " ổi chim ăn " và xoài hột không ? " Ổi chim ăn " là loại ổi nhỏ bằng trứng chim cút, bên trong toàn hột là hột nên không có ai trồng. Chim hay mổ ăn mấy trái chín, còn tha đi chỗ này chỗ nọ. Hột ổi rớt mọc lên cây, nhà vườn chặt bỏ để lấy đất trồng thứ khác. Còn " xoài hột " thì như tên của nó nói : trái nhỏ bằng nắm tay con nít, bên trong chỉ có cái hột lớn với chút xỉu cơm ! Người ta cũng gọi là " xoài mút " bởi vì muốn ăn loại xoài đó phải lựa trái chín muồi, lột võ rồi mút cái hột với lớp cơm mỏng dánh dính chung quanh. Người lớn không ai thèm ăn bởi vì ăn không đã miệng mà mút xong một trái là hai bàn tay dơ hầy ! Chỉ có con nít là khoái ! Cho nên vào mùa xoài - cũng là mùa mưa - khi thấy trời nổi gió, trẻ con thường lội qua cồn để lượm xoài, được trái nào là đứng ngay dưới cây xoài mút lia mút lịa. Tao nhớ có lần mầy với tao cởi quần đội lên đầu rồi lội qua cồn cỏ lượm xoài. Mầy nhớ không ? Mình phải đội quần để quần xà lỏn đừng bị ướt bởi vì tụi mình " lội chó " đầu lòi ra khỏi nước. Mới nút được có mấy trái thì trời mưa ụp xuống làm hai đứa ướt ngoi. Lần đó về nhà tao bị bắt quì gối gần nửa tiếng. Tao tưởng mày là cháu đích tôn của ông Cả, được cưng nhứt nhà không ai dám rớ. Té ra hôm sau đi học, mầy kể lại mầy cũng bị ông nội mầy bắt quì cũng như tao ! Mầy coi ! Cái xã hội của mình hồi đó nó tốt như vậy. Quan quyền hay dân dã gì cũng dạy con dạy cháu na ná như nhau hết.
Trở lại với con rạch của tụi mình. Con rạch cong cong quanh quanh chạy tuốt vô xóm chợ, chui qua cây cầu đúc của con lộ cái rồi đi mất hút ra ruộng và rừng tràm. Hai bên bờ rạch là hai con đường đất dùng cho người đi bộ và xe đạp. Nhà cửa cất dài theo hai con đường đất. Mỗi nhà nằm trong một khu vườn đầy cây ăn trái và hoa kiểng. Hai bờ, lâu lâu, được nối với nhau bằng một cây cầu khỉ. Mỗi cây cầu khỉ đều có một cái tên : cầu cây gừa ( vì nó nằm cạnh cây gừa ), cầu cây trôm ( cạnh cây trôm ), cầu bà Sáu Lộc ( nằm trước nhà bà Sáu Lộc, chớ không phải bả dựng cây cầu đó !), cầu ván ( làm bằng hai tấm ván thay vì hai cây tre ) v.v...?Tía tao nói về sau, ông nội mày bỏ tiền ra xây một cây cầu đúc, giúp cho dân chúng đi lại dễ dàng. Mầy nhớ cái cầu đúc nằm ở xóm chợ không ? Đó, cái cầu đó, đó ! Người ta gọi là " cầu ông Cả ". Không biết mầy có biết rằng ông nội mầy hồi đó được dân chúng thương lắm không ? Tía tao nói rằng ổng thôi làm " Cả " từ thời Tây lận, nhưng dân trong vùng vẫn gọi ổng là " ông Cả ". Hồi trào Việt Minh, ông nội của mầy là người chức sắc cũ duy nhứt không bị cho đi " mò tôm ". Để thấy ổng ăn ở có nhơn biết chừng nào.
Nói đến cầu khỉ, tao nhớ hoài chuyện bà Năm Chiện té rạch. Bả té đâu hồi tụi mình chưa sanh. Lớn lên nghe kể lại mà bắt tức cười. Mầy biết không ? Hồi xưa, rạch Cồn Cỏ chỉ có loại cầu khỉ " một cây tre ", trơn trợt khó đi ( Về sau, dân chúng cặp thêm một cây tre như tụi mình đã thấy ) Một hôm bà Năm Chiện đi tới giữa cầu, hụt chân té xuống rạch. Người ta nghe tiếng bà Năm la chói lói : " Bớ làng xóm ! Bớ làng xóm !" Rồi giọng bả bỗng thấp xuống : " Ủa mà cạn !" Thì ra bả không biết lội, hồi té là la làng kêu cứu, chừng coi lại thấy nước mới tới lưng quần, bả té nhằm nước ròng. Bà con lối xóm nghe la, chạy ra thì thấy bà Năm Chiện lóp ngóp bò lên bờ rạch, miệng cười lỏn lẻn mắc cỡ ! Chuyện này về sau khi tao đi làm việc ở Sàigòn, tao có nghe kể nhiều lần. Họ kể " có bà đó " chớ không nói là bà Năm Chiện, và họ kể như là chuyện tiếu lâm đặt ra để cười chơi. Đâu có ai biết là chuyện tiếu lâm đó xuất xứ từ con rạch Cồn Cỏ của quê mình !
Ở làng Nhơn Hoà Cồn Cỏ, trẻ con chia ra thành bọn để đi chơi với nhau. Bọn mình có ba đứa : thằng Đực Nhỏ, mầy, tao. Mầy còn nhớ thằng Đực Nhỏ không ? Cái thằng học dở ẹc, tánh tình thì ngổ ngáo, học chung với tụi mình nhưng lớn hơn tụi mình tới ba tuổi. Vậy mà chơi với bạn, nó tốt vô cùng. Có cái gì ăn nó cũng chia và nó hay bầy đặt trò chơi này trò chơi nọ. Nó lúc nào cũng ra vẻ đàn anh bảo vệ mầy với tao. Nó nói với bọn trẻ khác :" Thằng Cương, thằng Lân là bạn của tao, đứa nào đụng vô là biết !". Mầy có biết nó nói với tao làm sao không ? Nó nói : " Thằng Cương hiền khô nhát hít . Nó là cháu ông Cả chớ tụi xóm Chợ đâu có coi ra gì. Tụi nó không nể nang ai hết, bắt nạt được là tụi nó bắt nạt. Tao phải dằn mặt tụi nó trước như vậy ". Rồi nó nhìn tao :" Còn mầy thì tao khỏi lo ". Nó biết rằng tao cũng không vừa gì !
Không biết mầy còn nhớ vụ bọn mình đi ăn cắp tôm không ? Bọn mình ở xóm Cồn, gần sông cái, nên biết mặt gần hết mấy ông thợ câu. Một bữa nọ thằng Đực Nhỏ hỏi :" Tụi bây muốn ăn tôm nướng không ? ". Tụi mình hỏi lại :" Tôm ở đâu mà nướng ? Mầy câu hả ?". Nó nói :" Muốn ăn thì đi theo tao ". Nó dẫn tụi mình ra ngoài vàm, chỉ tay ra đó :" Tôm cả đống ở ngoải ". Tụi mình nói nó xí gạt nên vừa " xì " một tiếng vừa quay trở vô định về. Nó níu lại : " Thiệt mà ! Ông Hai Sầm câu tôm ổng rộng tôm ngoài đó đó ". Rồi nó giải nghĩa :" Tao thấy ổng đi câu về là ổng thả cái rọ tôm có treo cục đá xuống sông. Cái rọ có sợi dây dính vô khúc củi nổi trên mặt nước để làm dấu. Tụi bây dòm coi ". Nước đang ròng. Cách bờ độ ba thước có khúc củi nhỏ lắc lư lắc lư như muốn trôi mà bị cái gì rị lại phía dưới. Mầy nói :" Tôm của người ta, ăn cắp chúng bắt chết ". Nó cười :" Mình lặn xuống xin mỗi đứa một con ăn chơi. Ăn nhầm gì ? Chừng nào rinh hết cái rọ của ổng mới là ăn cắp chớ !". Ba đứa dợm bước xuống sông để lội ra đó thì tao khựng lại :" Không được ! Phải có một thằng đứng canh. Rủi có người thấy tưởng tụi mình ăn cắp cái rọ thì khổ ". Vậy là mầy được chỉ định đứng canh trên bờ. Tao lại nghĩ lại :" Không được ! Nước ròng chảy mạnh, ba con tôm, tay nào cầm tay nào lội ? ". Thằng Đực Nhỏ " Ờ " rồi ngồi bẹp xuống như cái bong bóng xì. Bỗng nó đứng phắt lên chỉ vào cái quần dài bằng vải đen nó đang mặc :" Tao cột túm ống quần lại, mình bỏ tôm vô quần rồi lội vô !". Rồi nó vừa cười ha hả vừa chạy lại mấy cây chuối hoang gần đó tét mấy sợi dây thân chuối cột ống quần. Mầy nói : " Mẹ ! Coi chừng càng tôm nó kẹp cho thấy bà !". Đực Nhỏ vừa nói vừa ra dấu :" Mình bẻ càng nó !". Tao chen vô :" Ờ?mà còn cái răng cưa trên đầu nó nữa ". Nó dứt khoát :" Thì cũng bẻ luôn !". Vậy là hai đứa tao đùng xuống sông, lội ra khúc củi, mò theo sợi dây lặn xuống. Như đã giao hẹn hồi lội ra, tao lãnh phần bắt tôm, nó lãnh phần bẻ càng bẻ răng cưa rồi " nhốt " vô quần. Đang làm tới con tôm thứ hai thì bỗng thằng Đực Nhỏ trồi lên mặt nước la làng chói lói. Tao hết hồn nắm đầu nó vừa lội vừa kéo vô bờ. Nó vùng vẫy như điên, hất tay tao ra rồi chìm xuống nước. Trên bờ, mầy nhớ không, mầy vừa nhảy đông đổng, vừa la :" Chết cha ! Thằng Đực Nhỏ bị ma da rút rồi ! Chết cha !". Vô tới bờ, tao chưa biết phải làm sao thì thằng Đực Nhỏ trồi đầu lên, mặt mài nhăn nhó, vừa lội vô vừa rên :" Đau thấy mẹ ! Trời ơi ! Rát thấy mẹ !". Chừng nó đứng lên mới thấy cái quần nó tuột xuống hai ống chân, còn hai bên bắp vế của nó thì máu me tùm lum như bị đâm bị cắt. Nó nói như mếu :" Mẹ bà nó ! Mình quên con tôm còn có cái đót giấu ở dưới đuôi nữa ! Nó búng đuôi chém tao đau thấy ba bốn ông Trời ! Tao phải lặn xuống cởi quần cho nó phóng ra sông !". Thằng Đực Nhỏ vừa nói vừa khoát nước rửa máu chừng đó mới thấy cái đùm giữa của nó còn nguyên chỉ bị thương ở đùi. Hú vía ! Thằng Đực Nhỏ sau này đi lính đánh giặc rồi chết trận ở Kontum. Nó chưa vợ chưa con, cũng may cho nó.
Trở về với con rạch của tụi mình. Trẻ con đi học về là nhảy ùm xuống tắm. Người lớn còn đợi nước lớn mới tắm chớ con nít thì nước lớn nước ròng gì cũng tắm được hết, bởi vì tắm lội là một trò chơi. Nhắc đến vụ tắm rạch, tao còn nhớ tới chuyện này. Chắc, tao nghĩ, mầy cũng còn nhớ. Hôm đó, mầy bận cái quần xà lỏn mới tinh của má mầy vừa may cho. Mầy sợ quần ướt nên cởi quần vắt lên cây gừa, ở truồng nhào xuống lội. Hồi thời tuổi nhỏ, tụi mình tắm ở truồng là thường. Tắm giỡn đã rồi leo lên bờ thì đứa nào đã ăn cắp cái quần mới. Mầy mếu máo khóc, tao phải qua nhà tao lấy cái quần cho mầy mượn mà mặc đi về. Hôm sau đi học, mặt mầy buồn xo. Mầy trật đít ra cho tao coi hai lằn roi đỏ ửng ! Vụ đi tắm mất quần đó, chắc mầy còn nhớ mà ! Cho dù đã mấy chục năm, hai lằn roi đó làm sao quên được ?
Vậy mà đã mấy chục năm ! Tụi mình xa lần con rạch Cồn Cỏ từ hồi lên tỉnh học trung học. Rồi xa luôn từ ngày mầy đi Tây, còn với tao thì kể cũng gần như xa luôn từ ngày tao đi lính. Mầy không biết chớ hồi tao đi lính, tao đánh giặc lì lắm. Bạn đồng đội nói tao là :" Thằng Lân ăn pháo, chỗ nào Việt Cộng bắn rát là có nó lăn tới ". Rồi tụi nó đặt cho tao cái hỗn danh " Lân pháo ", hỗn danh này tao mang tới ngày mất nước. Suốt cuộc đời nhà binh của tao, tao đánh giặc không biết bao nhiêu trận, có vào sanh ra tử, có thắng có thua?nhưng không hiểu sao tao chưa hề bị thương một lần ! Vậy mà hôm tao phải liệng súng đầu hàng vào cuối tháng tư 75, tao nghe đau điếng như vừa lãnh một viên đạn. Lần đó, tao không đánh giặc vậy mà tao lại bị thương, bị thương ở trong lòng. Vết thương đó, bây giờ, gần hai mươi năm sau, vẫn chưa chịu lành. Mầy thấy không ? Kể lại cho mầy nghe mà tao vẫn còn rơm rớm nước mắt.
Bên vợ tao có cơ sở làm ăn ở Marseille. Nhờ vậy, tao mới qua Pháp theo diện đoàn tụ gia đình bên vợ. Mầy thấy không ? Cuối cùng rồi tao cũng được đi Tây như ai ! Trước khi đi, tao có về thăm Cồn Cỏ. Con rạch nhỏ bây giờ nó rộng huỵch, tại vì ghe thuyền bây giờ toàn chạy máy nên sóng đập lở bờ. Cầu khỉ được thay bằng cầu ván. Cầu Ông Cả gãy hết một chân lòi cốt sắt rỉ sét. Người ta nói hồi mới vô, mấy cha Việt Cộng thách đố nhau bắn chơi ! Cái cồn đã được một ông lớn nào đó chiếm ngụ. Ổng xây bờ kè, xây tường rào kiên cố, phía sông có cầu tàu, nhà thủy tạ, bên trong là nhà lầu kiểu cọ theo điệu Tàu. Bây giờ mầy có về mầy nhìn không ra đâu ! Người cũ chết bớt, đi bớt. Người mới, phần đông là dân cách mạng tụi mình không quen, về cất nhà lầu dài theo rạch. Tao có đến thăm con Huê, cái con nhỏ má lúm đồng tiền học chung với tụi mình đến hết lớp nhứt, đó, rồi về sau nó bán vải ở chợ nhà lồng, có năm đó trong dịp Tết nó tặng mầy một cái mu-soa thêu trước khi mầy đi Tây, mầy nhớ hôn ? Con nhỏ đó, đó ! Bây giờ nó vẫn bán vải, vẫn chưa có chồng, coi hơi già hơn tao một chút nhưng vẫn còn có duyên. Nó với tao nhắc không biết bao nhiêu chuyện cũ, để lâu lâu thở dài.?Khi con Huê tiễn tao ra đến cổng, nó đứng ngập ngừng một chút rồi bỗng nói một mạch lè lẹ như tụi mình trả bài thuộc lòng thuở nhỏ :" Anh qua bên Tây, có gặp anh Cương nói em gởi lời thăm ảnh ". Nói rồi nó bỏ chạy vội vào trong, tao thấy nó đưa tay lên quẹt mắt mấy lần. Tao đứng chết trân, nhớ lại lời con Nhàn, em con Huê, nói với tao cách đó khá lâu hồi tao gặp nó bán vải ở chợ An Đông :" Anh Lân biết không ? Chị Huê thương anh Cương từ hồi còn học lớp nhứt lận !". Nó vừa nói vừa cười, tao tưởng nó nói chơi, té ra nó nói thiệt. Tao kể lại chuyện con Huê cho mày nghe, tao biết mày không làm gì được, nhưng tao vẫn kể. Để cho mầy thấy người con gái ở dưới quê mình nó thật thà trung hậu đến mức độ mà khi đã trót thương ai thì thương cho đến chết. Họ coi đó là sự tự nhiên. Cũng như, hễ đã là con rạch thì tự nhiên phải có nước lớn nước ròng.
Hồi hôm, coi télé chương trình văn nghệ đài TF1, nghe hát bài " Dòng sông tuổi thơ ", tao bỗng nhớ tới con rạch nhỏ quê mình. Rồi tao nhớ mầy Cương ơi ! Bây giờ mầy ở đâu ?
TIỂU TỬ
*Truyện này tôi viết theo lời yêu cầu của người kể. Ông đó nói : "Nhờ ông viết lại dùm. Biết đâu chừng thằng Cương sẽ đọc. Để nhắc nó đừng quên con rạch Cồn Cỏ, đừng quên thằng Đực Nhỏ, thằng Lân, con Huê “.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét