CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

ANH NẮM CÙ LAO - PHAN NI TẤN

 



ANH NẮM CÙ LAO

Ba phen quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm

Đang nghí ngoáy viết về chuyến đi Rạch Giá non tháng trước, chợt anh Nắm, cả năm không thấy mặt, lù lù… hiện về rủ tôi đi cù lao Hòa Hảo ăn Tết chơi, tôi nghe mà sướng rên.
Anh Nắm là con nuôi của ngoại tôi. Hồi trào Tây, lúc một tuổi anh bị mẹ bỏ rơi ở Chợ Mới bên cù lao Hòa Hảo được ngoại thương tình nhận về nuôi. Tuy là con nuôi nhưng hồi nhỏ tụi tôi thường chơi chung nên tôi vẫn quen miệng gọi anh Nắm bằng anh; còn ảnh xưng mầy tao với tôi.
Sau này anh Nắm lập gia đình ở rể phụ giúp ông già vợ hành nghề thợ máy ở miệt Năng Gù là vùng đất thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cận Tết năm nào anh chị cũng về Sài Gòn thăm ngoại, tay xách nách mang lủ khủ không chục xoài thì chục mận, không mận thì ổi, cam, măng cụt; có lần ảnh ôm về một bó ô môi tôi ăn tới tím miệng.
Thập niên 1970, đường Sài Gòn - Long Xuyên không mấy gì êm. Xe đò vô ý sụp lổ thì thôi rồi, không bứt bù lon cũng đi đong con tán. Xế chiều xe vừa tới bến, thay vì chuyển xe cho kịp qua cù lao Hòa Hảo thì anh Nắm rủ rê:
- Ghé vô Viện Đại học Hòa Hảo rủ thằng Út Rán nhậu chơi mậy.
Tôi ngạc nhiên, cự nự "Trường Đại học người ta ai vô đó mà nhậu, cha nội" thì ảnh vỗ vai tôi, cười hề hề:
- Xéo bên kia trường có quán nhậu của thằng Sáu Xị, réo thằng tùy phái (tức Út Rán) một tiếng là nó gật đầu cái rụp liền.
Sống chung nhà từ hồi nhỏ tôi chẳng lạ gì tính nết anh Nắm. Làm thì làm chết bỏ mà chơi thì chơi tới bến. Anh kéo tay tôi, nói nhỏ:
- Rượu đế của thằng Sáu Xị Long Xuyên không thua gì đế Gò Đen, Bến Lức nghen mậy. Mình ghé mần một chầu cho đã cái đi. Sáng mai lội qua cù lao cũng được, hối chi!
Tôi không phải là dân sành rượu nên ngồi phá mồi, đưa hơi cho có, còn thì hai tay bợm rượu cưa tới bến, tối mịt mới mò về nhà Út Rán ngủ.
Hôm sau, trời trưa trờ trưa trật anh Nắm mới lồm cồm bò dậy mượn xe gắn máy Goebel của Út Rán chở tôi chạy dọc theo đường Liên tỉnh lộ 10 về miệt Năng Gù cách Long Xuyên chừng 20 cây số. Từ xa xưa Năng Gù là vùng cát trắng có nhiều tre. Bước vào sức nóng của cát chúng tôi lần xuống bến phà Năng Gù vừa kịp lên ghe lớn chạy về hướng Tây trên sông Ông Chưởng dài 23km qua cù lao Hòa Hảo, tức cù lao Ông Chưởng.
Cù lao Ông Chưởng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, được bao bọc bởi bốn mặt sông nước là sông Tiền, sông Hậu, sông Ông Chưởng và sông Vàm Nao. Được biết hồi đó vùng đất này được tiếng là vùng đất có nhiều tôm cá, nhứt là vào mùa nước lũ, tôm cá từ Biển Hồ Tonlé Sap bên Campuchia đổ về, tràn lên các cánh đồng ngập nước, đẻ trứng, sanh con, rồi khi nước rút lại men theo các kinh rạch trở về sông cả, bị người dân chặn lại, vớt lên nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, phải làm nước mắm, thậm chí phải đổ thành từng đống để làm phân bón. Vì vậy mới có câu ca dao truyền tới nay:
"Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm."
Ông Chưởng tức Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh là cháu đời thứ 9 của Nguyễn Công Duẩn (có công phò Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn). Năm 1699 chúa Nguyễn Phúc Chu phái Nguyễn Hữu Cảnh vào bình định đất phương Nam, rồi đem quân kinh lược Chơn Lạp, đánh tan quân của Nặc Ông Thu, về đóng quân ở cồn Cây Sao ông bị nhiễm bệnh, khi kéo quân về Sầm Giang (Rạch Gầm), Mỹ Tho thì mất. Vì có công lao với đất nước nên từ năm 1700 người dân địa phương gọi cồn Cây Sao tức cù lao Sao Mộc là cù lao Ông Chưởng và tên sông rạch, đường xá, trường học cũng được gọi theo chức danh của ông. Ngày nay tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới người dân có lập ngôi đền thờ Khâm Sai Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
Khi ghe cập bến đò Hòa Hảo thì trời chạng vạng tối.. Anh Nắm thường qua lại sửa chữa máy móc thuyền đò Hòa Hảo gần như không công nên rất được lòng người dân ở đây. Không biết anh Nắm có báo trước hay không mà vừa băng qua Cầu Gãy chúng tôi đã được huynh đệ Hòa hảo đón về tòa lâu đài màu trắng tinh khiết cạnh đình thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ dùng bữa cơm chay đạm bạc và nghỉ qua đêm. Khi đi ngang qua đình thờ chợt nghe văng vẳng âm ba của tiếng niệm Phật khiến lòng tôi bồi hồi, xao xuyến.
Đức Thầy tục danh Huỳnh Phú Sổ sinh năm 1920 tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ sáng lập năm Kỷ Mão 1939 mang một hàm nghĩa là Đạo Phật ở làng Hòa Hảo (hiếu hòa và giao hảo). Ngài là một nhà tiên tri, thuyết pháp độ sanh và sáng tác thơ văn, kệ giảng, đem tinh thần Phật giáo vào đời tạo thành một phong trào tín ngưỡng mạnh mẽ lan rộng trong dân gian. Tư tưởng của Đức Huỳnh Giáo Chủ là tư tưởng Phật Giáo, là cây Bồ Đề tự nhận là kế tục của đạo Phật. Đức Huỳnh Giáo Chủ mất năm 1947.
Thời hạ ngươn thế đạo suy đồi, nhân tâm ly tán khiến tôi nhớ hoài một câu trong Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
Thời kỳ nầy nhiều quỉ cùng ma
Trời mở cửa Quỉ Vương xuống thế.
Thánh địa Hòa Hảo với rất nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, hồi đó đất rộng người thưa, ruộng đồng ngút ngát là giang sơn của các loài bò sát. Cũng vì vậy mà suốt đêm nằm nghe hàng ngàn hàng vạn tiếng ếch nhái, ễnh ương thi nhau kêu vang động cả một cánh đồng khiến tôi không tài nào ngủ được.
Sáng hôm sau, anh Nắm chở tôi chạy một vòng cù lao, vô Chợ Mới thăm hỏi bà con chòm xóm đang xôn xao, nao nức mua sắm Tết. Ở Chợ Mới tôi nhận thấy người dân địa phương theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, nam hay nữ đều mặc bộ đồ bà ba trắng hoặc bộ áo dài đen hay áo dà nâu non là màu tượng trưng cho bản tánh giản dị, khiêm nhường, tinh thần nhân ái của Hòa Hảo. Giữa chợ tôi cũng thấy vài tín đồ Cao Đài trong bộ đồ bà ba trắng là màu trong sạch về phẩm chất của con người. Nhìn quanh tôi có cảm tưởng như cù lao Ông Chưởng mang màu sắc tôn giáo quanh năm.
Buổi chiều đứng ở ngã ba sông Vàm Nao nhìn hoàng hôn đỏ ối lấp loáng trên mặt nước tôi cảm thấy cù lao Ông Chưởng thật bình yên.
Anh Nắm mất đã nhiều năm. Anh sinh ra ở đất cù lao, lúc mất anh cũng được vợ con chôn cất trên đất cù lao. Tính đến nay tôi cũng xa cù lao Ông Chưởng ngót 53 năm ròng.

PHAN NI TẤN

Không có nhận xét nào: