CHÙM THƠ THẤT TỊCH (2)
4. Bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của Lý Thương Ẩn 李商隱 đời Đường :
LÝ THƯƠNG ẨN 李商隱(813—858)tự là Nghĩa Sơn 義山, hiệu là Ngọc Khê Sinh 玉溪生, Phàn Nam Sinh 樊南生. Ông người đất Hà Nội Thấm Dương (nay thuộc Tiêu Tác tỉnh Hà Nam) là thi nhân nổi tiếng, hợp với Đỗ Mục 杜牧 thành một cặp "Tiểu Lý Đỗ 小李杜" ở buổi Tàn Đường. Thơ của ông có phong cách diễm lệ, cấu tứ tân kỳ, nhất là các bài thơ VÔ ĐỀ tả về tình yêu trai gái một cách say mê đắm đuối. Vì lọt ở kẻ giữa của Ngưu Lý hai đảng pháichính trị mà suốt đời lận đận, bất đắc chí. Ông mất ở quê nhà Thấm Dương. Tác phẩm để lại "Lý Nghĩa Sơn Thi Tập 李義山詩集", "Phàn Nam Văn Tập 樊南文集". Sau đây là bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của ông.
鸞扇斜分鳳幄開, Loan phiến tà phân phụng ác khai,
星橋橫過鵲飛回。 Tinh kiều hoành qúa thước phi hồi.
爭將世上無期別, Tranh tương thế thượng vô kỳ biệt,
換得年年一度來。 Hoán đắc niên niên nhất độ lai.
* Chú thích :
- Loan Phiến : Chiếc quạt tròn của các người đẹp có thêu hình chim loan và cán quạt có tua dài như đuôi chim trĩ.
- Phụng Ác : ÁC là màn trướng có thêu hình chim phụng hoàng.
- Tinh Kiều : là Cầu được bắc bằng các ngôi sao lấp lánh, ở đây chỉ cầu ô thước do các loài chim thước quạt đôi cánh lấp lánh để bắc thành cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau.
- Tranh Tương : là Tranh thủ để đem..., là "Làm sao có thể đem..."...
- Vô Kỳ Biệt : là Biệt ly không kỳ hạn; là Tử biệt; là Chết.
- Hoán Đắc : là Đổi được. Nhất Độ : là Một lần.
* Nghĩa bài thơ :
THẤT TỊCH
Chiếc quạt có thêu hình chim loan đã chao nghiêng một bên khi ta bước vào trong màn trướng có thêu hình chim phụng hoàng. Trên trời thì chim ô thước đã bắc xong cầu và bay về cả rồi. Trên đời nầy làm sao có thể đem sự biệt ly vô kỳ hạn, để đổi lấy mỗi năm đến gặp gỡ nhau một lần đây !?
Tội nghiệp ! Lý Thương Ẩn làm bài thơ nầy khi ái thê yêu qúy của ông đã qua đời. Vợ mất sớm nên đêm Thất Tịch ông đi vào trong trướng phụng hoàng chỉ thấy chiếc quạt có thêu hình chim loan chao nghiêng một bên không người quạt mà thôi. Nhìn lên trời lúc quá nửa đêm thì cảm thấy như chim ô thước đã bắc xong cầu mà bay về cả rồi; Có nghĩa là Ngưu Lang và Chức Nữ đã được gặp gỡ nhau rồi. Còn mình thì vẫn chỉ đơn độc có một mình. Làm sao mới có thể đánh đổi được sự chia tay vĩnh viễn để có được mỗi năm một lần gặp gỡ như là Ả Chức và Chàng Ngưu đây ?! Mỗi năm chỉ gặp gỡ nhau có một lần thôi mà có người ước ao còn không có được !!!
* Diễn Nôm :
THẤT TỊCH
Quạt loan nghiêng ngã bước vào phòng,
Ô thước bắc cầu thế đã xong.
Tử biệt làm sao mà đổi được,
Mỗi năm đoàn tụ thỏa hoài mong!?
Lục bát :
Trướng loan quạt ngã nghiêng sầu,
Bay về ô thước bắc cầu đà xong.
Âm dương đôi ngã cách ngăn,
Làm sao gặp gỡ mỗi năm một lần !?
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
5. Bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của Bạch Cư Dị 白居易 đời Đường :
BẠCH CƯ DỊ 白居易(772~846)tự là Lạc Thiên 樂天; về già xưng là Hương Sơn Cư Sĩ 香山居士, ngươi đất Tân Trịnh thuộc Trịnh Châu tỉnh Hà Nam. Ông là nhà thơ hiện thực vĩ đại của buổi Trung Đường, đề tài rất đa dạng, ngôn ngữ lại bình dân dễ đi vào lòng người. Ông làm quan đến chức Hàn Lâm Học Sĩ, Tả Tán Thiện Đại Phu. Tác phẩm nổi tiếng tiêu biểu là "Mại Thán Ông 賣炭翁", "Trường Hận Ca 長恨歌", "Tỳ Bà Hành 琵琶行"... Và còn truyền lại hậu thế có "Bạch Thị Trường Khánh Tập 白氏長慶集". Sau đây là bài thơ THẤT TỊCH của ông.
煙霄微月澹長空, Yên tiêu vi nguyệt đạm trường không,
銀漢秋期萬古同。 Ngân Hán thu kỳ vạn cổ đồng.
幾許歡情與離恨, Kỷ hử hoan tình dữ ly hận,
年年並在此宵中。 Niên niên tịnh tại thử tiêu trung !
* Chú thích :
- Yên Tiêu : TIÊU 霄 là Bầu trời; nên YÊN TIÊU là Bầu trời như mờ khói.
- Vi Nguyệt : VI là mỏng , nhe, nhỏ; VI NGUYỆT là vầng trăng mờ mờ.
- Đạm : là Nhạt, là Lửng lơ, là Bàng bạc.
- Ngân Hán : là Sông Ngân Hà, còn gọi Thiên Hà.
- Kỷ Hử ? : Nghi vấn tự, có nghĩa là Bao Nhiêu ? Tán Thán Tự có nghĩa : Biết bao nhiêu !
- Hoan Tình : là Tình cảm hân hoan vui vẻ khi gặp mặt.
- Ly Hận : Nỗi hận sầu ly biệt khi phải chia tay.
- Tịnh : là Đều. TỊNH TẠI là đều ở tại ...
- Thử Tiêu : TIÊU 宵 là Đêm, nên THỬ TIÊU là Đêm nay, chỉ đêm THẤT TỊCH mùng bảy tháng bảy.
* Nghĩa bài thơ :
Bầu trời như mờ khói vì vầng trăng thượng tuần tỏa ánh sáng yếu ớt bàng bạc cả cỏi không. Dòng sông Ngân Hà đến kỳ hạn vào đầu thu (gặp gỡ giữa Ngưu Lang và Chức Nữ) lại lấp lánh như tự muôn thuở xa xưa. Biết bao nhiêu là tình cảm hân hoan vui mừng khi gặp gỡ cũng như biết bao nhiêu là hận sầu ly biệt lúc chia tay, Cứ hằng năm đều diễn ra trong đêm Thất Tịch nầy cả !
Rất bình dị, rất đơn sơ, chỉ kể lại cảnh đêm và chuyện gặp gỡ của Ngưu Lang Chức Nữ hằng năm theo thần thoại truyền thống, rồi cũng rất thực tế mà cảm thông cho đôi lứa sau một năm chia ly, chỉ gặp nhau có một đêm là lại phải chia tay. Chợt vui đó, chợt buồn đó. Vui thì hân hoan biết bao; Buồn thì cũng hận sầu biết mấy !
* Diễn Nôm :
THẤT TỊCH
Mây khói trăng mơ phủ khắp trời,
Ngân Hà thu đến hẹn đây rồi.
Biết bao vui gặp sầu xa cách,
Cứ thế năm nào cứ thế thôi !
Lục bát :
Khói sương bàng bạc trăng mờ,
Đến kỳ Ngưu Chức đợi chờ ngàn xưa.
Vui biết mấy, hận sao vừa,
Năm năm cứ thế trời chưa sáng trời !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
6. Bài thơ KHẤT XẢO 乞巧 của Lâm Kiệt 林傑 đời Đường
LÂM KIỆT 林傑(831~847)tự Trí Châu 智周. Thi nhân đời Đường. Ngưòi tỉnh Phúc Kiến. Lúc nhỏ rất thông minh, 6 tuổi đã biết làm thơ, hạ bút thành chương, lại tinh thông thư pháp kỳ nghệ (đánh cờ rất giỏi). Yểu chiết, chết khi chỉ mới có 17 tuổi. Trong "Toàn Đường Thi" chỉ để lại có 2 bài thơ. Sau đây là bài KHẤT XẢO 乞巧 cuả ông.
七夕今宵看碧霄, Thất Tịch kim tiêu khán bích tiêu,
牽牛織女渡河橋。 Khiên Ngưu Chức Nữ độ hà kiều.
家家乞巧望秋月, Gia gia KHẤT XẢO vọng thu nguyệt,
穿盡紅絲幾萬條。 Xuyên tận hồng ty kỷ vạn điều !
* Chú thích :
- KHẤT XẢO 乞巧 : KHẤT là xin; XẢO là Khéo léo. Nên KHẤT XẢO là Cầu xin cho được khéo léo. Theo truyền thuyết, Chức Nữ là cô gái rất khéo tay, thêu dệt may vá đều rất giỏi; nên trong đêm THẤT TỊCH khi đặt bàn hương án cúng tế Ngưu Lang Chức Nữ ở giữa trời, thì ngoài hương hoa trà qủa ra, còn có cả các loại kim may kim thêu và các màu chỉ... Khi cúng tế, ngoài việc van vái cho có được một tình duyên tốt đẹp, một tấm chồng lý tưởng, các cô còn mong ước cầu xin cho có được đôi tay vàng khéo léo trong nữ công gia chánh. Sau đó thì dùng các sợi tơ hồng, chỉ đỏ đưa lên ánh trăng để xỏ qua các lổ kim. Trong một tuần hương cô nào xỏ qua được bảy lổ kim thì gọi là "ĐẮC XẢO 得巧", tức là đã đạt được sự khéo léo rồi đó ! Vì tục lệ trên nên đêm Thất Tịch còn được gọi là KHẤT XẢO TIẾT 乞巧節 là "ngày Lễ xin được sự khéo léo", và vì là ngày của các cô gái mới lớn, nên còn được gọi là NỮ NHI TIẾT 女兒節 nữa.
- Bích Tiêu : là Bầu trời xanh biếc.
- Độ Hà Kiều : là Đi ngang cầu do ô thước bắc qua sông (Ngân Hà).
- Hồng Ty : là Tơ hồng, là sợi chỉ màu đỏ.
* Nghĩa bài thơ :
XIN KHÉO
Đêm nay là đêm Thất Tịch, nhìn lên bầu trời xanh biếc. Ta sẽ thấy Ngưu Lang và Chức Nữ sẽ đi ngang qua cầu được bắc ngang sông Ngân Hà để gặp nhau. Nhà nhà các cô đều cúng tế để xin được khéo léo, nên đều cùng nhìn lên ánh trăng thu và đã xỏ hết mấy muôn sợi chỉ đỏ ngang qua lổ kim rồi !
Quả là khung cảnh hồn nhiên nhí nhảnh vui tươi của các cô gái mới lớn. Các cô vừa mừng cho Ngưu Lang Chức Nữ được gặp mặt nhau, vừa háo hức cầu mong những ước nguyện trong lòng mình và lại vừa vui vẻ cố gắng thể hiện sự khéo léo của mình qua việc xỏ chỉ qua kim dưới ánh trăng thu lưỡi liềm của đêm thượng tuần mờ ảo.
* Diễn Nôm :
KHẤT XẢO
Ngắm trời Thất Tịch đêm xanh biếc,
Chức Nữ Ngưu Lang đã độ hà.
Khất Xảo nhà nhà nhìn trăng bạc,
Tơ hồng xỏ hết mấy muôn qua.
Lục bát :
Ngắm trời Thất Tịch canh thâu,
Ngưu Lang Chức Nữ qua cầu thong dong.
Nhà nhà Khất Xảo nhìn không...
Đối trăng xỏ hết tơ hồng mấy muôn !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
7. Bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của Quyền Đức Dư 權德輿 đời Đường :
QUYỀN ĐỨC DƯ 權德輿(759-818), tự là Tải Chi 載之, người đất Thiên Thủy, Lược Dương (thuộc Thái An tỉnh Cam Túc hiện nay). Ông là nhà thơ, nhà văn và là Tể tướng của nhà Đường. Ba tuổi đã phân biệt được tứ thanh, bốn tuổi đã biết làm thơ, mười lăm tuổi đã nổi tiếng về văn chương. Năm Nguyên Hòa thứ 5 (810) là Thái Thường Khanh thăng lên Tể Tướng. Năm Nguyên Hòa thứ 8 (813) bị biếm làm Lưu thủ Đông đô. Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815) làm Hình Bộ Thượng Thư. Năm Nguyên Hòa thứ 11 (816) xuất trấn làm Sơn Nam Tây Đạo Tiết Độ Sứ. Ông mất năm Nguyên Hòa thứ 13 (818) hưởng dương 58 tuổi. Tác phẩm để lại có "Quyền Tải Chi Văn Tập 權載之文集". Sau đây là bài thơ THẤT TỊCH 七夕 của ông.
今日雲駢渡鵲橋, Kim nhật vân biền độ thước kiều,
應非脈脈與迢迢。 Ưng phi mạch mạch dữ điều điều.
家人竟喜開妝鏡, Gia nhân cánh hỉ khai trang kính,
月下穿針拜九霄。 Nguyệt hạ xuyên châm bái cửu tiêu.
* Chú thích :
- Mạch Mạch dữ Điều Điều : Lấy ý trong bài thơ ĐIỀU ĐIỀU KHIÊN NGƯU TINH 迢迢牽牛星 đời Tần Hán (Bài số 1. trong chùm thơ nầy).
- Trang Kính : là chiếc gương dùng để trang điểm.
- Xuyên Châm : là Xỏ kim, theo tục lệ Khất Xảo của đêm Thất Tịch.
- Cửu Tiêu : là Chín tầng trời. Ở đây chỉ chung là Bầu trời.
* Nghĩa bài thơ :
Đêm Mùng Bảy Tháng Bảy
Hôm nay các xe mây sẽ đưa Ngưu Lang Chức Nữ độ ngang qua cầu ô thước để gặp gỡ nhau. Đã không còn có chuyện nhìn nhau đắm đuối và xa xăm diệu vợi như trong bài thơ "Điều điều Khiên Ngưu Tinh" nữa. Người nhà lại rất vui vẻ mà mở ra những chiếc gương trang điểm để trang điểm cho đẹp và để xỏ kim dưới ánh trăng cầu xin cho được khéo léo khi hướng về chín từng trời để cúng bái.
Ta thấy đối với những gia đình giàu sang quyền qúy, đêm Thất Tịch là một lễ hội vui vẻ cho các bà các cô, các tiểu thơ các phu nhân... Họ cùng nhau mừng cho Ngưu Lang Chức Nữ được gặp mặt nhau, chứ không còn đứng ở hai bên bờ sông xa xa nhìn nhau đăm đắm nữa và đồng thời họ cũng trang điểm cho đẹp đẻ để cùng khoe tài khéo léo của đôi tay khi xỏ chỉ dưới vầng trăng thu thượng tuần mờ ảo và cùng ước mong cầu nguyện cho có được một tình duyên hoàn hảo hạnh phúc. Họ háo hức chào đón đêm Thất Tịch như Ngưu Lang Chức Nữ háo hức mong gặp gỡ nhau vậy.
* Diễn Nôm :
THẤT TỊCH
Xe mây rực rỡ cầu ô thước,
Chẳng phải đăm đăm diệu vợi xa.
Nhộn nhịp người nhà vui trang điểm,
Dưới trăng xỏ chỉ lạy trời xa !
Lục bát :
Đêm nay mây vượt cầu ô,
Ngưu Lang Chức Nữ thôi chờ thôi trông.
Người nhà trang điểm thỏa lòng,
Ngắm trăng xỏ chỉ nhìn không lạy trời !
Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
1 nhận xét:
Qua thăm Nhã My đọc chùm thơ hay lắm .. xin chúc mừng .. chúc NM luôn vui khoẻ - Bình an
Đăng nhận xét