CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

TỨ ĐẠI DÂN GIAN TRUYỀN THUYẾT - ĐÕ CHIÊU ĐỨC

 



Tạp ghi và Biên Khảo :   

                        TỨ ĐẠI DÂN GIAN TRUYỀN THUYẾT      


       
          
       Ngưu Lang Chức Nữ           Mạnh Khương Nữ         Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài       Bạch Xà Truyện

       TỨ ĐẠI DÂN GIAN TRUYỀN THUYẾT 四大民間傳説 trong văn học cổ là chỉ "Bốn chuyện tình được lưu truyền rộng rãi nhất trong dân gian". Đó chính là truyện tình của : NGƯU LANG CHỨC NỮ 牛郎織女; MẠNH KHƯƠNG NỮ KHỐC TRƯỜNG THÀNH 孟姜女哭長城; LƯƠNG SƠN BÁ CHÚC ANH ĐÀI 梁山伯與祝英台 và BẠCH XÀ TRUYỆN 白蛇傳. 

     1. NGƯU LANG CHỨC NỮ 牛郎織女 :

        Truyền thuyết về Ngưu Lang Chức Nữ đã được lưu truyền và ghi lại trong Kinh Thi chương Đại Đông 《詩經·大東》từ đời Tiên Tần :  

       * Chức Nữ :
                       維天有漢,    Duy thiên hữu Hán,
                       監亦有光。    Giám diệc hữu quang.
                       跂彼織女,    Kỳ bỉ CHỨC NỮ,
                       終日七襄。    Chung nhật thất tương.
* Có nghĩa :
         Hãy nhìn xem Ngân Hán (chỉ sông Ngân Hà) ở trên trời; Chiếu ánh sáng lấp lánh; Đó là chòm sao CHỨC NỮ (gồm có 3 sao hình tam giác ở hướng bắc của Ngân Hà); Suốt ngày di chuyển bảy lần. (Người xưa chia một ngày đêm có 12 canh giờ theo Địa Chi : Từ giờ Mão đến giờ Dậu gồm 7 canh giờ là ban ngày; Từ giờ Tuất đến giờ Dần có 5 canh giơ là ban đêm). Vế thơ trên có nghĩa :
        " Phía bắc của sông Ngân Hà ở trên trời có chòm sao CHỨC NỮ sáng lắp lánh, trong một ngày di chuyển đến bảy lần. Ý nói CHỨC NỮ rất siêng năng làm việc (dệt cửi) suốt bảy canh giờ trong một ngày.

* Diễn Nôm :
                   Sông Ngân cao vút trên trời,
              Ngàn sao lấp lánh rạng ngời trên không.
                   Ba sao CHỨC NỮ một vòng,
              Siêng năng di chuyển suốt trong bảy giờ !

       * Ngưu Lang :
                          雖則七襄,     Tuy tắc thất tương,
                          不成報章。     Bất thành báo chương.
                          睆彼牽牛,     Hoản bỉ KHIÊN NGƯU,
                          不以服箱。     Bất dĩ phục sương.
* Có nghĩa :
         Mặc dù sao Chức Nữ di chuyển suốt bảy canh giờ, nhưng vẫn không dệt ra được những hoa văn đẹp đẽ. Chòm sao KHIÊN NGƯU vẫn sáng lấp lánh trên bầu trời, không có xe để kéo các rương hòm.(Khiên Ngưu 牽牛 là Dắt trâu, chỉ Ngưu Lang vừa chăn trâu vừa đánh xe trâu để chở những vải vóc có hoa văn đẹp do chức nữ dệt ra). Vế thơ trên có nghĩa :
        Phía nam của sông Ngân Hà là chòm sao KHIÊN NGƯU cũng sáng lấp lánh suốt đêm như đợi để chở những hòm rương lụa là gấm vóc do sao CHỨC NỮ dệt ra, nhưng mặc dù dệt suốt bảy canh giờ cũng không dệt ra được những hoa văn đẹp đẽ. Nên sao Khiên Ngưu không có gì để chở cả.
* Diễn Nôm :
                        Cho dù di chuyển bảy giờ,
                   Vẫn không có được như thơ lụa là.
                       KHIÊN NGƯU lấp lánh trời xa,
                   Không gì để chở lụa là đầy rương.

                  


          Sao Chức Nữ  (góc trên) Sao Ngưu Lang  (góc dưới của hình tam giác)

        Từ thực tế tự nhiên của thiên tượng trên trời về hai chòm sao KHIÊN NGƯU 牽牛 gồm có 6 sao, NGƯU LANG là sao sáng nhất; Còn chòm CHỨC NỮ 織女 gồm có 3 sao, CHỨC NỮ là sao sáng nhất; kế đến là chòm NGÂN HÁN 銀漢 khổng lồ vắt ngang bầu trời chia hai Nam Bắc. Hiện tượng nầy tương ứng với xã hội sơ khai của lúc bấy giờ là : Nam thì cày ruộng làm nông, còn Nữ thì chăn tằm dệt vải. Dưới thế cũng thế, trên trời cũng thế, nên mới hình thành câu truyện Ngưu Lang Chức Nữ như các thư tịch ghi chép sau đây :           
     * Theo《Nguyệt Lệnh Quảng Nghĩa. Thất Nguyệt Lệnh 月令廣義.七月令》của  Lương Ân Vân 梁殷芸 thời Nam Triều ghi : Phía đông của Thiên Hà có cô Chức Nữ 織女, là con của Thiên Đế, mỗi năm đều cần cù dệt vải, dệt ra rất nhiều gấm lụa để may thiên y, vì quá bận rộn với việc canh cửi nên không có thời giờ để chưng diện trang điểm cho đẹp. Thiên Đế thấy thế thương tình bèn gả cho Khiên Ngưu Lang 牽牛郎 ở mé bờ tây Thiên Hà. Nhưng khi có chồng rồi thì Chức Nữ lại chỉ lo... yêu chồng mà quên canh cửi. Thiên Đế giận mới bắt Chức Nữ trả về phía đông Thiên Hà và ra lệnh cho mỗi năm chỉ gặp mặt nhau một lần vào đêm Thất Tịch (Mùng 7 tháng 7 Âm lịch). Tương truyền loài chim ô thước bị sói đầu là vì phải bắc cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ đi qua sông Thiên Hà để gặp nhau.
     * Theo《Ngưu Lang Chức Nữ Truyện 牛郎織女傳》của Chu Danh Thế 朱名世 đời Minh thì kể rằng : Chức Nữ là vị tiên nữ thứ bảy trong Đấu ngưu Cung, do rể của Ngọc Đế là Trương Thiên Quân sanh ra, nên gọi là Trương Thất Tỉ, là cháu ngoại của Ngọc Đế. Kim Đồng theo hầu Ngọc Hoàng, thấy Chức Nữ đẹp nên buông lời chọc ghẹo tán tỉnh. Ngọc Đế muốn chém, Thái Thượng Lão Quân xin tội cho Kim Đồng, rồi bắt đày xuống thế gian đầu thai vào nhà họ Ngưu là Ngưu Lang. Khi bảy tuổi thì cha mẹ đều mất, ở anh và chị dâu, lại bị chị dâu ngược đãi. Thái bạch Kim Tinh lại xin cho Kim Ngưu Tinh xuống thế để bảo vệ cho Kim Đồng, đó là con trâu bên cạnh Ngưu Lang đó. Chị dâu bắt Ngưu Lang và con trâu làm việc suốt ngày ngoài đồng, tối lại phải ngủ cùng trâu trong chuồng; vẫn chưa hả dạ, lại muốn đầu độc Ngưu lang cho chết, may mà nhờ có con trâu cứu mạng. Anh của Ngưu Lang sợ vợ mình lại hại chết em mình, nên đề nghị phân chia gia tài để ở riêng. Chị dâu chỉ chia cho Ngưu Lang có mỗi một con trâu mà thôi. Sau Ngọc Đế hồi tâm muốn thành toàn cho Ngưu Lang Chức Nữ, mới cho Thái Bạch Kim Tinh rước Ngưu Lang và con trâu về trời, cho ở bên bờ đông của Thiên Hà. Một hôm Ngưu Lang thấy có bảy cô tiên nữ đến tắm, trong đó có Chức Nữ, bèn len lén lấy áo xiêm của Chức Nữ cất lên. Khi các tiên nữ khác đã về chỉ còn Chức Nữ là đang loay hoay tìm kiếm áo xiêm thì Ngưu Lang mang áo xiêm đến cho nàng. Hai người nhớ lại tình xưa. Dao Trì Thánh Mẫu tâu với Ngọc Đế chuẩn thuận cho hai người cử hành hôn lễ. Sau hôn lễ chỉ lo vui đoàn tụ, không lo làm việc lại không có đi bái tạ Thánh Mẫu. Thánh Mẫu giận báo với Ngọc Đế. Ngọc Đế ra lệnh cho Thát Tháp Thiên Vương đi bắt về. Ngưu Lang Chức Nữ phản kháng, Ngọc Đế ra lệnh xử trảm. Lại nhờ có Thái Thượng Lão Quân và Thái Bạch Kim Tinh xin tha cho. Ngọc Đế bắt hai nguời phải vĩnh viễn xa nhau, một người ở bên Đông một người ở phía Tây của con sông Ngân Hà. mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào đêm Thất Tịch.

         Đó là theo thư tịch ghi chép, còn trong dân gian truyền miệng thì truyện tình của NGƯU LANG CHỨC NỮ 牛郎織女 và dãy NGÂN HÀ 銀河 được kể như sau :

           


       Thời xưa có hai anh em nhà họ Ngưu. Cha mẹ mất sớm nên Ngưu Lang 牛郎 sống nương tựa vào gia đình anh là Ngưu Đại. Nhưng vì chị dâu qúa hà khắc lại bạc đãi, nên Ngưu Lang đành ra riêng sống với một ông trâu già và một thửa ruộng nhỏ, tự mình canh tác và tự mình sinh sống. Một hôm ông trâu già là vật có linh tánh nói cho Ngưu Lang biết là tối nay sẽ có một bầy tiên nữ đến tắm ở con suối phía mé rừng bên sườn núi sau nhà, và cho chàng biết rằng nếu khi trời sáng mà các tiên nữ đó không bay được về trời thì sẽ phải ở lại dưới nhân gian nầy. Ngưu Lang theo lời đến nấp ở bìa rừng. Quả nhiên lúc nửa đêm có bảy cô tiên nữ hiện ra cười đùa vui vẻ và trút hết áo xiêm để bên bờ suối rồi xuống suối tắm. Ngưu Lang để ý thấy cô thứ bảy là Thất Tiên Nữ 七仙女 người nhỏ nhắn và xinh đẹp nhất, bèn lấy áo xiêm của cô cất lên. Khi trời sắp sáng, các cô đều vội vả lên bờ mặc lại áo xiêm rồi bay về trời, chỉ có Thất Tiên Nữ tìm không có áo xiêm nên đành ở lại. Thế là hai người quen nhau thương nhau và kết thành phu phụ vợ chồng. Ngưu Lang mới biết vợ mình tên là Chức Nữ 織女 và rất giỏi nghề canh cửi. Từ đó chồng thì làm ruộng vợ thì dệt vải, sống đời sống đơn sơ giản dị và vô cùng hạnh phúc. Thời gian lần lữa họ sanh được một trai một gái. Nhưng rồi Thiên Đế cũng biết được việc Chức Nữ ở lại nhân gian, nên mới nổi giận ra lệnh cho bà Tây Vương Mẫu áp giải Chức Nữ về thiên đình để định tội. Ông trâu già không đành lòng thấy cảnh vợ chồng ly tán, bèn húc đầu vào núi đá cho rớt hai chiếc sừng trên đầu ra biến thành đôi quang gánh để cho Ngưu Lang gánh hai đứa con hai đầu tung chân nhảy lên mây đuổi theo bà Tây Vương Mẫu. Khi Ngưu Lang gần đuổi kịp thì bà Tây Vương Mẫu rút chiếc kim thoa trên đầu vạch một đường dài trước mặt Ngưu Lang. Mây trời bỗng biến thành một dòng sông với ba đào chuyển động chặn đường đi của Ngưu Lang, đó chính là dòng Thiên Hà 天河 với ngàn sao lấp lánh nên còn gọi là Ngân Hà 銀河. Ngưu Lang đành đứng ở bên nầy sông nhìn sang Chức Nữ đang ở bên kia sông mà cùng rơi lệ. Cảm động trước tấm chân tình của hai người Thiên Đế đành ban lệnh cho Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm Thất Tịch 七夕 mùng bảy tháng bảy Âm lịch do chim Hỉ Thước 喜鵲 là Chim Khách bay về bắc cầu nối liền hai bờ. Vì chim Thước có màu đen nên còn gọi là Ô Thước 烏鵲, mà chữ Ô lại trùng với tên Ô Nha 烏鴉 là con Qụa Đen; nên ta hay nói là Ngưu Lang Chức Nữ đang chờ cho lũ Qụa Đen bắc cầu. Thực ra Hỉ Thước 喜鵲 là Chim Khách, con chim đem lại niềm vui, tin vui.   

      Truyện tình Ngưu Lang Chức Nữ là truyện tình kinh điển của truyền thống văn hóa Trung Hoa; nên ngày Lễ Thất Tịch 七夕 cũng là ngày Lễ Tình Yêu, là TÌNH NHÂN TIẾT 情人節, là "Ngày lễ của những người yêu nhau" theo truyền thống cổ xưa. Từ những thư tịch ghi chép cho thấy Chức Nữ là cô gái giỏi nghề chăn tằm dệt vải, khéo léo trong việc nữ công, nên các cô gái mới lớn trong đêm Thất Tịch khi cúng tế Ngưu Lang Chức Nữ ngoài việc nguyện ước cho có được một tình yêu mỹ mãn, một tấm chồng lý tưởng ra, còn van vái cho Chức Nữ phù hộ độ trì cho mình có được đôi bàn tay khéo léo trong thêu thùa may vá, gia chánh dưỡng nhi, nhất là các cô gái mới lớn. Nên ngày Lễ Thất Tịch còn được gọi là ngày NỮ NHI TIẾT 女兒節 là "Ngày Lễ của Con Gái" và vì ao ước có được đôi bàn tay vàng khéo léo nên còn được gọi là KHẤT XẢO TIẾT 乞巧節, có nghĩa là "Ngày lễ xin cho có được sự Khéo léo". Vì thế mà trên bàn hương án cúng tế Ngưu Lang Chức Nữ được đặt giữa trời, ngoài hương hoa trà qủa bánh trái ra, còn có các loại kim may kim thêu, các loại chỉ trắng chỉ đen chỉ đỏ... Trong lúc thắp hương cúng vái, cô nào có thể dùng chỉ đỏ đưa lên ánh trăng thượng tuần mà xỏ được qua lổ kim thì gọi là ĐẮC XẢO 得巧, có nghĩa là "Đã được Khéo léo". Tục lệ nầy rất thịnh hành ở đời Đường Tống kéo dài cho đến đầu thế kỷ hai mươi vẫn còn. 
      Sau đây là bài thơ KHẤT XẢO 乞巧 của Lâm kiệt 林傑 một thi nhân đời Đường, nói về đêm Thất Tịch và Khất Xảo Tiết như sau :

                  七夕今宵看碧霄,    Thất Tịch kim tiêu khán bích tiêu,
                  牽牛織女渡河橋。   Khiên Ngưu Chức Nữ độ hà kiều.
                  家家乞巧望秋月,    Gia gia KHẤT XẢO vọng thu nguyệt,
                  穿盡紅絲幾萬條。   Xuyên tận hồng ty kỷ vạn điều !
* Có nghĩa :
         - Trong đêm Thất Tịch nhìn lên trên bầu trời xanh biếc, để xem...
         - Ngưu Lang và Chức Nữ đi qua cầu trên sông (để gặp nhau)...
         - Nhà nhà làm lễ KHẤT XẢO đều nhìn lên trên ánh trăng thu, và...
         - Đã xỏ hết mấy vạn sợi chỉ đỏ (qua lổ kim rồi !) Hồng Ty 紅絲 là sợi Tơ hồng, cũng có nghĩa là Sợi chỉ đỏ.

* Diễn Nôm :
                 Ngắm trời Thất Tịch canh thâu,
                 Ngưu Lang Chức Nữ qua cầu thong dong.
                 Nhà nhà Khất Xảo nhìn không...
                 Đối trăng xỏ hết tơ hồng mấy muôn !    
      


       Truyện tình NGƯU LANG CHỨC NỮ không chỉ lưu truyền trong dân gian mà lại len lỏi cả vào trong văn học, như trong Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, Đường Minh Hoàng cũng đã cùng với Dương Qúy Phi trong đêm thanh canh vắng của đêm Trừ Tịch mà thề thốt trăm năm cùng nhau gắn bó với các câu thơ bất hủ như sau :

               七月七日長生殿,     Thất nguyệt thất nhật Trường Sinh Điện,
               夜半無人私語時。     Dạ bán vô nhân tư ngữ thì.
               在天願作比翼鳥,     Tại thiên nguyện tác tỉ dực điểu,
               在地願為連理枝。     Tại địa nguyện vi liên lý chi.
Có nghĩa :
               Trường Sinh Điện nhớ đêm Thất Tịch,
               Thỏ thẻ khi cô tịch vắng người.
               Làm chim liền cánh tung trời,
               Liền cành dưới đất muôn đời bên nhau !...

       Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, nàng cung phi khi được vua yêu cũng muốn :

                            Chữ đồng lấy đó mà ghi, 
                    Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên.

      Còn trong truyện Lục Vân Tiên thì cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu cho Kiều Nguyệt Nga ví mình là Chức Nữ và gọi Lục Vân Tiên là Ngưu Lang trong hai câu :

                             Hữu tình chi bấy Ngưu Lang,
                     Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng.

      Còn trong dân gian Việt Nam ta thì gọi là ÔNG NGÂU BÀ NGÂU, nên mưa trong đêm Mùng 7 tháng 7 gọi là MƯA NGÂU, là những giọt nước mắt vui mừng hạnh phúc của Ông Ngâu bà Ngâu khi được đoàn tụ bên nhau. Truyện tình Ngưu Lang Chức Nữ còn đi cả vào trong tân nhạc hiện đại, như lời hát trong bài "Sao Chưa Thấy Hồi Âm" của nhạc sĩ Châu Kỳ :

              Em mơ ước làm sao... cho trọn mối duyên đầu...
              đẹp lòng anh yêu dấu... Xưa Chức Nữ chàng Ngưu...
              từng đắng cay dãi dầu... chờ Ô Thước bắc cầu...

         Bấm vào link dưới đây để nghe bản nhạc "Sao Chưa Thấy Hồi Âm" của nhạc sĩ Châu Kỳ.


Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ) - Quỳnh Như Bolero | MV OFFICIAL


    2. MẠNH KHƯƠNG NỮ KHỐC TRƯỜNG THÀNH 孟姜女哭長城 :

        Truyện MẠNH KHƯƠNG NỮ 孟姜女 có xuất xứ từ 《Tả Truyện.Tương Công nhị thập tam niên 左传·襄公二十三年》: Vào thời Chiến quốc, Tề Trang Công tiến đánh nước Lữ, võ tướng Kỷ Lương tử trận. Trên đường về gặp vợ của Kỷ Lương ngoài đồng, bèn cho người làm lễ điếu tang. Vợ của Kỷ Lương từ khước rằng :"Nếu chồng tôi có tội thì khỏi phải làm lễ điếu; bằng như không có tội thì phải được làm lễ tế điếu ở trong nhà đàng hoàng, chớ không thể tế điếu ngoài đồng như thế nầy được". Vợ Kỷ Lương chỉ xin được tế điếu chồng ở trong nhà đàng hoàng, chớ không có "Khóc", không có "Thành quách hay Trường Thành" nào cả, cũng như không có "Thành bị sạt lở" và "nhảy sông tự tử" gì cả. 
       Các tình tiết khác như KHỐC 哭 thì đến chương "Đàn Cung trong sách Lễ Ký  禮記·檀弓" khi Tăng Tử nói đến cái chết của Kỷ Lương mới có câu :"Kỷ Lương tử yên, kỳ thê nghinh kỳ cửu vu lộ, nhi KHỐC chi ai 杞梁死焉,其妻迎其柩于路,而哭之哀" Có nghĩa :"Kỷ Lương chết rồi, vợ của anh ta đón linh cửu ở bên đường, KHÓC than thảm thiết". 
      Kịp đến "Thiện Thuyết thiện trong Thuyết Uyển 說苑·善說篇" của Lưu Hướng là đại thần và là văn học gia đời Tây Hán mới có câu :"Kỷ Lương chiến nhi tử, kỳ thê bi chi, hướng thành nhi khốc, ngung vị chi băng, THÀNH vị chi ÁCH 杞梁战而死,其妻悲之,向城而哭,隅為之崩,城為之厄". Có nghĩa :"Kỷ Lương chết vì đánh trận, vợ của ông ta hướng về phía THÀNH mà khóc, góc núi vì thế mà bị lở, THÀNH cũng bị vạ lây". 
      Tiếp đến trong "Liệt Nữ Truyện 烈女傳" cũng của Lưu Hướng lại thêm chi tiết : Sau khi khóc cho lở núi sập thành thì Vợ Kỷ Lương lại tự hỏi rằng :"Ngã hà quy hĩ ?... Diệc tử nhi dĩ, toại phó Truy Thủy nhi tử 我何归矣?……亦死而已,遂赴淄水而死". Có nghĩa : Ta biết về đâu đây ?... Chắc phải chết mà thôi, bèn nhảy xuống dòng sông Truy Thủy mà chết.            
     Khai quật ở thạch động Đôn Hoàng 敦煌石窟 lại phát hiện trong Tùy Đường Nhạc Phủ còn có "Tống Y Chi Khúc 送衣之曲 (là Bài ca đưa áo)" lại thêm chi tiết cho việc "Mang áo lạnh cho chồng" của Vợ Kỷ Lương. Trong bài thơ Đảo Luyện Tử 搗練子 có các câu như sau :

                孟姜女,杞梁妻,   MẠNH KHƯƠNG NỮ, Kỷ Lương Thê,
                一去燕山更不歸,   Nhất khứ Yên sơn cánh bất quy.
                造得寒衣無人送,   Tạo đắc hàn y vô nhân tống,
                不免自家送征衣。   Bất miễn tự gia tống chinh y.
Có nghĩa :
         - Nàng MẠNH KHƯƠNG NỮ, vợ của Kỷ Lương,
         - Trong một lần đi đến Yên sơn rồi không trở lại.
         - Làm nên áo ngự hàn lại không có người đưa đi,
         - Thôi thì tự mình đành phải đưa chinh y đi vậy !
  Lục bát :
                MẠNH KHƯƠNG NỮ, vợ Kỷ Lương,
                Yên sơn đi đến khôn đường trở lui.
                Hàn y may sẵn không người,
                Thôi thì thiếp phải ngậm ngùi đưa đi.



      Đến đây thì VỢ KỶ LƯƠNG đã có tên họ hẵn hoi là MẠNH KHƯƠNG 孟姜. Trong thời kỳ tiên Tần, có tục lệ gọi trưởng nam hoặc trưởng nữ là MẠNH 孟; còn KHƯƠNG vừa là họ của qúy tộc nước Tề, vừa chỉ cô gái đẹp; nên MẠNH KHƯƠNG có nghĩa là cô trưởng nữ đẹp của nước Tề. Từ đời Đường trở về sau thì "VỢ KỶ LƯƠNG" được gọi là "Nàng MẠNH KHƯƠNG" hay "MẠNH KHƯƠNG NỮ".
      Cũng từ đời Đường, câu truyện được "di dời" từ nước Tề thời Chiến Quốc đến đời nhà Tần của Tần Thủy Hoàng; và khóc "sập Tường thành" thành khóc "sập Vạn Lý Trường Thành" với lời thơ của thi nhân Quán Hưu như sau :

                  秦之無道兮四海枯,   Tần chi vô đạo hề tứ hải khô,
                  築長城兮遮北胡。     Trúc trường thành hề già bắc Hồ.
                  築人築土一萬里,     Trúc nhân trúc thổ nhất vạn lý,
                  杞梁貞婦啼嗚嗚。     Kỷ Lương trinh phụ đề ô ô.
                  上無父兮中無夫,     Thượng vô phụ hề trung vô phu,
                  下無子兮孤復孤。     Hạ vô tử hề cô phục cô.
                  一號城崩塞色苦,     Nhất hào thành băng tái sắc khổ,
                  再號杞梁骨出土...     Tái hào Kỷ Lương cốt xuất thổ...
Có nghĩa :
         - Nhà Tần vô đạo, Ôi bốn bể đều khô cằn,
         - Xây dựng Trường thành này, để che chắn rợ Hồ phương bắc.
         - Người xây dựng, đất xây dựng kéo dài cả vạn dặm,
         - Làm cho bà vợ tiết liệt của Kỷ Lương phải khóc ồ ồ.
         - Trên thì không cha, Ôi giữa thì không chồng,
         - Dưới thì không con, Ôi cô lẻ có một thân.
         - Gào khóc một lượt thì thành sập, vùng biên tái đầy màu đau khổ,
         - Gào khóc thêm lượt nữa thì xương cốt của Kỷ Lương trồi lên mặt đất...

* Song thất lục bát :
                     
                     Tần vô đạo làm khô bốn biển,
                     Xây Trường thành ngăn chiến rợ Hồ.
                     Đất, người muôn dặm lô nhô,
                     Kỷ Lương trinh phụ ô ô khóc ròng.

                     Trên không cha giữa chồng không có,
                     Dưới không con vò võ một thân.
                     Khóc gào thành đổ đất long,
                     Gào thêm lần nữa thây chồng hiện ra !...
     
       



       Đến đời Nguyên hí kịch phát triển, truyện "Mạnh Khương Nữ khóc Trường thành" được đưa lên sân khấu để diễn thành tuồng với các tình tiết thêm thắt éo le cho hấp dẫn người xem hơn như sau :
      Tương truyền vào đời nhà Tần có hai ông lão, một người họ MẠNH, một người họ KHƯƠNG, nhà ở sát vách nhau nên cùng trồng chung một dây bầu hồ lô ở giữa rào. Sau nhiều năm tháng bỗng kết thành một trái thật to. Hai ông cùng bổ ra xem thì thấy có một bé gái rất dễ thương đang nằm trong đó, nên cùng tranh nhau nuôi đứa bé; Cuối cùng thỏa thuận nhau đặt tên đứa bé là MẠNH KHƯƠNG NỮ 孟姜女, có nghĩa là "Con gái của hai nhà họ Mạnh và họ Khương".
      Khi Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc xong thì lại cho chiêu mộ thêm hơn mười vạn dân phu để nối tường thành của ba nước Tần, Yên, Triệu lại với nhau thành một Vạn Lý Trường Thành để chặn sự xâm lấn của rợ Hồ phương bắc. Có một thư sinh công tử tên là Vạn Kỷ Lương 萬杞梁 (hay Vạn Hỉ Lương 萬喜良,Phạm Kỷ Lương 范杞梁...) vì trốn tránh sự đuổi bắt của nha dịch nên mới leo tường trốn dưới giàn mướp của nhà họ Mạnh. Khi Mạnh Khương Nữ đi dạo vườn trông thấy định tri hô lên thì Kỷ Lương mới van xin và tỏ thật tình cảnh của mình. Mạnh Khương bèn báo lại với hai cha của mình; Mạnh lão và Khương lão thấy là một thư sinh tuấn tú có ý muốn kết thân, bèn chọn ngày lành tháng tốt để chiêu làm con rể. 
     Khi hai họ đang cho cô dâu chú rể làm lễ bái đường (có truyện kể là sau đêm tân hôn hoặc ba ngày sau tân hôn...) thì sai nha ập vào bắt Vạn Kỷ Lương đi làm dân phu để xây trường thành. Nàng Mạnh Khương nhớ chồng than khóc hết ngày này qua ngày khác, lần lừa đã gần hết năm mà vẫn không có tin tức gì của chồng cả, trong khi trời đà trở lạnh. Nàng bèn may áo ngự hàn rồi từ biệt hai ông cha lên đường đi tìm chồng. Bất chấp đông hàn giá lạnh, ngày đi đêm nghỉ, đói rét cơ hàn, vất vả gió sương mới đến được trường thành. Hỏi ra thì mới biết rằng chồng mình đã không chịu nổi lao nhọc khi xây thành và đã bỏ mình với hàng vạn người mấy tháng nay rồi. Thi thể cũng không biết là chôn ở nơi đâu. Nàng Mạnh Khương nghe xong đau lòng khóc rống lên một cách thảm thiết, khóc đến không ăn không uống, khóc đến máu trào ra thay nước mắt làm cho trời đất cũng tối sầm lại, khóc đến gió đông cũng rít lạnh hơn, nước biển cũng ba đào dậy sóng, mưa giăng chớp giật làm đổ sập cả trường thành gần tám trăm dặm, thi thể hài cốt của người chết dưới thành đều hiện ra trước mắt. Nàng phải cắn đầu ngón tay cho máu nhểu lên các bộ xương để tìm ra xương chồng của mình. Trong khi đó Tần Thủy Hoàng đang đi tuần tra trường thành, thấy nàng Mạnh Khương có nhan sắc xinh đẹp bèn muốn chiếm đoạt nàng. Mạnh Khương Nữ bèn tương kế tựu kế muốn Tần Thủy Hoàng phải đáp ứng mình ba điều kiện : Một là phải cử hành tang lễ cho Vạn Kỷ Lương; Hai là phải cho bá quan văn võ đến điếu tang; Ba là trước khi thành thân, Tần Thủy Hoàng phải đi cùng Mạnh Khương Nữ đến điếu tang Vạn Kỷ Lương. Vì muốn được lòng người đẹp nên nhà vua đều đồng ý. Đến ngày cử hành hôn lễ, sau khi điếu tang Vạn Kỷ Lương, Mạnh Khương Nữ khóc đến "máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao". Xong, bèn nhảy tòm xuống biển tự tử. Tần Thủy Hoàng cả giận, ra lệnh cho binh sĩ nhảy xuống vớt, nhưng liền khi đó trời tối sầm lại, mây giăng tứ phía, ba đào chuyển đông với sóng to gió lớn, Tần Thủy Hoàng không thể không hồi cung. Thì ra Thủy cung Long Vương và Công Chúa thương cho sự chung tình và tiết liệt của Mạnh Khương Nữ nên mới cho binh tôm tướng cá nổi sóng gió lên để đón nàng về dưới Thủy cung.
            


      Dân chúng vùng Hoa Bắc lấy ngày mùng một tháng mười là ngày Mạnh Khương Nữ mang áo lạnh đến trường thành cho chồng làm ngày lễ HÀN Y TIẾT 寒衣節 (Lễ Áo Lạnh).


         Opéra Mạnh Khương Nữ khóc Trường Thành

   3. LƯƠNG SƠN BÁ và CHÚC ANH ĐÀI 梁山伯與祝英台 :

      Chuyện tình LƯƠNG SƠN BÁ và CHÚC ANH ĐÀI 梁山伯與祝英台 là một trong bốn truyện tình lớn nhất theo truyền thuyết dân gian của Trung Hoa. Truyện có nguồn gốc từ đời Tấn, kể về Chúc Anh Đài nữ cải nam trang đi cầu học, rồi quen biết và yêu một bạn học đồng môn là Lương Sơn Bá, nhưng sau cùng đưa đến một bi kịch ái tình vì không thể kết hợp với nhau được. Truyện chủ yếu là được kể theo lối truyền khẩu trong dân gian, nhưng cũng có rất nhiều thư tịch nhắc đến. Như :
       * Tài liệu ghi chép sớm nhất còn tìm thấy được hiện nay là "Thập Đạo Tứ Phiên Chí 十道四蕃志" của Lương Tải Ngôn 梁載言 đời Sơ Đường(705-732). Trong có ghi : "Nghĩa phụ Chúc Anh Đài dữ Lương Sơn Bá đồng chủng 義婦祝英台與梁山伯同冢" Có nghĩa : Người nghĩa phụ Chúc Anh Đài cùng chung huyệt mộ với Lương Sơn Bá. 
       * Đến đời Vãn Đường thì Trương Độc 張讀 soạn quyển Tuyên Thất Chí 宣室志 trong có kể lại chuyện tình LƯƠNG CHÚC như sau : Anh Đài 英台, con gái nhà họ Chúc 祝 ở đất Thượng Ngu, giả trai du học. Cùng với Lương Sơn Bá 梁山伯, tự là Xử Nhân 處仁 ở đất Cối Kê là đồng môn học tập. Hai năm sau, nhân đi thăm bạn, mới biết Chúc Anh Đài là gái, bèn nhờ mẹ đi hỏi cưới, nào ngờ Chúc đã có hôn ước với nhà họ Mã. Sau Sơn Bá làm Huyện Lệnh huyện Ngân, bệnh mất, chôn ở thành Tây. Khi nhà họ Mã rước Chúc Anh Đài, thuyền đi ngang qua mộ địa của Lương Sơn Bá. Bỗng gặp sóng to gió lớn. Chúc hỏi biết là mộ địa của Lương, bèn lên bờ tế lễ khóc than. Mộ bỗng nứt ra, Chúc nhảy vào chết chung với Lương. Thừa Tướng Tạ An biết truyện tâu với vua và phong đó là NGHĨA PHỤ CHỦNG 義婦冢, là "Ngôi mộ của người đàn bà tiết nghĩa".
      * Nhưng tài liệu hoàn chỉnh nhất thì phải kể đến 《Nghĩa Trung Vương Miếu ký 義忠王廟記》của Tri phủ Lý Mậu Thành 李茂誠 đời vua Tống Huy Tông thời Bắc Tống giữa các năm Đại Quan (1107-1110). Trong đó có kể rõ :
       - LƯƠNG SƠN BÁ 梁山伯 sanh ngày Mồng 1 tháng 3 năm 352, mất ngày 16 tháng 8 năm 373. Chết ở tuổi 21, chưa từng kết hôn. 
       - Chúc Anh Đài 祝英台 xuất giá vào cuối xuân năm 374. 
       - Miếu thờ Lương Sơn Bá còn có tên là Nghĩa Trung Vương Miếu 義忠王廟 được xây cất năm 397. Truyện tình của Lương Chúc xảy ra trong khoảng 22-23 năm . Từ năm Công nguyên 374 đến năm 397. 
     * Những ghi chép quan trọng bổ sung, phải kể đến《Lý Tú Khanh nghĩa kết Hoàng Trinh Nữ 李秀卿義結黃貞女》của Phùng Mộng Long 馮夢龍 đời Minh và《Chúc Anh Đài tiểu truyện 祝英台小傳》của Thiệu Kim Bưu 邵金彪 đời Thanh, mới có thêm chi tiết Hoá Bướm ở cuối truyện.

            


      Câu truyện đại khái được nhân gian truyền khẩu như sau :

      Vào đời Đông Tấn (317-420) có sách ghi là Tây Tấn (265-317), ở Lương trang cách quận Nhữ Nam khoảng 60 dặm thuộc đất Cối Kê, có thư sinh Lương Sơn Bá 梁山伯 đến Hồng La Sơn Thư viện ở Hàng Châu để cầu học, khi đi ngang qua Thảo Kiều thì gặp được Chúc Anh Đài là gái giả trai ở đất Thượng Ngu Chiết Giang cũng đến Hồng La Sơn Thư viện ở Hàng Châu để học hành. Hai người tâm đầu ý hợp bèn kết bái làm đệ huynh với nhau. Sau ba năm đồng song cùng nhau học tập, Chúc Anh Đài từ biệt thầy bạn để về nhà thăm mẹ. Lương Sơn Bá đã đưa bạn vượt mười tám dặm đường về đến tận nhà, mới vỡ lẽ ra rằng Chúc Anh Đài là gái giả trai. Hai nguời bèn đính ước chung thân với nhau. Nào ngờ cha của Chúc Anh Đài là Chúc Viên Ngoại đã hứa gã Chúc Anh Đài cho một tú tài quyền qúy ở địa phương là Mã Văn Tài.
      Khi Lương Sơn Bá theo lời hẹn ước của Chúc Anh Đài đến cầu hôn, thì Chúc Anh Đài mới khóc lóc kể lại chuyện Chúc Viên Ngoại đã hứa gã nàng cho Mã Văn Tài. Lương Sơn Bá vừa buồn vừa giận vừa tức vừa thất vọng đến thổ huyết ngay đương trường, về đến nhà thì ngã bệnh, không bao lâu thì mất. Trước khi mất Lương Sơn Bá căn dặn người nhà cho chôn cất dọc theo quan lộ phía tây của Mã gia hương. Chúc Anh Đài hay tin đã khóc hết ba ngày ba đêm, xong lại tỏ ra rất bình thản. Khi Mã Văn Tài nghinh thân rước dâu đi ngang qua quan lộ Mã gia hương thì bỗng trời đất nổi cơn gió bụi, thiên hôn địa ám. Chúc Anh Đài bèn xuống kiệu hoa, cởi bỏ áo cô dâu, đến trước mộ khóc điếu Lương Sơn Bá. Bỗng một cơn sấm sét nổi lên, mộ Lương Sơn Bá nức đôi ra, Chúc Anh Đài mơ hồ như nhìn thấy bóng hình của Lương Sơn Bá ở trong đó, bèn nhảy vào trong mộ, mộ bèn khép kín lại và trời lại bỗng trở lại quang đãng như trước. Trên đầu mộ từ đâu bỗng bay lên một đôi bướm một vàng một trắng thật đẹp, bay lượn chung quanh mộ rồi bay thẳng lên không đi mất.                              
  


      Bấm vào link dưới đây để nghe nhạc cải lương Hồ Quảng Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài 

 
    4. BẠCH XÀ TRUYỆN 白蛇傳 :

        BẠCH XÀ TRUYỆN 白蛇傳 còn có tên là THANH XÀ BẠCH XÀ 青蛇白蛇. Đây cũng là một trong bốn truyện tình lớn được lưu truyền rộng rãi trong dân gian Trung Hoa, bắt đầu từ lối kể truyền miệng, sau đó mới phát triển thành truyện tiểu thuyết, thi từ, hí kịch ... cho đến ngày hôm nay được đưa lên kịch nói, vũ đạo, truyện tranh, ca nhạc kịch và điện ảnh ... Chẳng những lưu truyền trong dân gian Trung Hoa, mà còn lưu truyền đến Nhật Bản cũng quay thành phim và nhà Hán học người Pháp Stanislas Aignan Julien (1797—1873)ơ Thế kỷ thứ 19, đã dịch truyện Bạch Xà nầy ra tiếng Pháp.
       
        



    Nguồn gốc và diễn tiến của BẠCH XÀ TRUYỆN như sau :

      1. Nguồn gốc của BẠCH XÀ TRUYỆN 白蛇傳 là do sự kiện Lạc Dương Cự Xà 洛陽巨蛇 mà ra : Theo sách Đường Thư ghi lại, vào năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông, ở núi Mang Sơn của Lạc Dương có một con rắn khổng lồ (cự xà) mình cao 3 thước, thân dài 31 thước, gấp đôi con mảng xà ở Thái Hằng sơn đã bị tuyệt chủng chỉ dài 15 thước. Sự kiện nầy làm chấn động khắp nơi. Thiên trúc cao Tăng là Thiện Vô Úy than rằng : Con rắn nầy sắp đem nước lụt về để làm ngập thành Lạc Dương, bèn dùng pháp thuật phù chú để tấn công con rắn. Mấy ngày sau thì rắn chết. 
        Các học giả cho rằng : Con rắn khổng lồ ở thành Lạc Dương là nguồn gốc đầu mối để dựng nên Bạch Xà Truyện. Thiên trúc cao tăng tức là tiền thân của Pháp Hải Hòa Thượng đã nhốt Bạch Tố Trinh vào Lôi Phong Tháp.      

    2. Có thuyết lại cho rằng, Bạch Xà Truyện có nguồn gốc từ những truyện truyền kỳ ở đời Đường, như Bạch Xà Ký 白蛇記 trong Bác Dị Chí 博異志 của Lý Hoàng 李黃 có kể truyện gặp một người đẹp áo trắng, đẹp như một tuyệt thế giai nhân và (Bạch Xà) và một bà già mặc áo xanh (Tiểu Thanh) cùng ở chung với nhau ba ngày... Sau tìm đến chỗ ở cũ, chỉ thấy nhà trống vườn không, dưới gốc cây có da của rắn trắng.
      - Truyện ký đời Tống Nguyên "Tây Hồ Tam Tháp Ký 西湖三塔記" đã manh nha hình thành Bạch Xà Truyện một cách sơ khởi.
      - Đến truyện "Bạch Nương Tử Vĩng Trấn Lôi Phong Tháp 白娘子永鎮雷峯塔" của Phùng Mộng Long đời Minh thì truyện đã tương đối hoàn chỉnh.

    3. Theo ghi chép trong "Kim Sơn Gia Hựu Thiền Tự 金山嘉祐禪寺" và truyện "Bạch Xà Náo Hứa Tiên 白蛇鬧許仙" trong các năm Gia Hựu đời Bắc Tống(1056—1063), bắt nguồn ở vùng Hạc Bích khu Kim Sơn 金山 (còn gọi là Hắc Sơn) và Hứa Gia Câu Thôn 許家溝村 bên bờ sông Kỳ Hà.
       Tương truyền, con bạch xà tinh ở với Hứa Tiên, năm xưa đã từng được một ông cụ nhà họ Hứa cứu sống từ móng vuốt của một con chim ưng. Con bạch xà nầy vì muốn trả ơn cứu mạng của nhà họ Hứa, nên mới biến thành hình người là Bạch Nương Tử 白娘子 để lấy đứa cháu mục đồng của nhà họ Hứa là Hứa Tiên 許仙. Trưởng lão chùa Kim Sơn Pháp Hải Hòa Thượng cho là yêu quái và người không thể kết hợp với nhau được, nên quyết chí thu phục Bạch Nương Tử. Vì thế mới đưa đến các tình tiết sau nầy như "Trộm tiên thảo", "Nước dìm chùa Kim Sơn"... Bạch Nương Tử vì đấu với Pháp Hải Hòa Thượng động thai khí nên sanh non, đẻ ra đứa con trai là Hứa Sĩ Lâm 許仕林. Pháp Hải thừa cơ dùng bình bát bắt Bạch Nương Tử trấn ở dưới Lôi Phong Tháp dưới chân núi Nam sơn. Hứa Tiên buồn bã xuất gia đi tu ở cạnh Lôi Phong Tháp, vừa giữ tháp vừa nuôi con. Mười tám năm sau, Hứa Sĩ Lâm thi đậu Trạng nguyên, vinh quy bái Tổ, mới cứu được mẹ ra khỏi Lôi Phong Tháp, cả nhà mới được đoàn tụ. 

    4. Có thuyết cho rằng "Bạch Xà Truyện 白蛇傳" phát sinh từ đời Đường ở huyện Tế Nguyên thuộc tỉnh Hà Nam; Vì Pháp Hải hòa thượng là người ở huyện Tế Nguyên kế cận Tây Hồ lúc bấy giờ. Diện tích của Tây Hồ rất lớn, do hai con sông Châu Giang và Long giang cùng với hai con sông Bắc Mãng Hà và Nam Mãng Hà 
hội tụ lại mà thành. Mé đông Tây Hồ có một chiếc cầu bị sụp lâu ngày không có sửa chửa, nên gọi là Đoạn Kiều (Nơi Bạch Nương Tử gặp gỡ Hứa Tiên). Vì diện tích Tây Hồ qúa lớn, nên bờ hồ lau sậy tre nứa mọc um tùm trông rất hoang vu vắng vẻ, nên dân gian đồn rằng hay có rắn rết yêu quái ra vào nơi đó. Dân chúng vùng Tế Nguyên lại có lệ treo một cây bảo kiếm ở dưới cầu bắc qua sông Mãng Hà với ý là Mãng Xà không chui ngang qua kiếm, nên sẽ không mang nước lụt đến cho dân chúng. Từ đó cho ta thấy rằng dân chúng nhìn hai con sông Bắc Mãng Hà và Nam Mãng Hà như là hai con mãng xà giống như là Bạch xà và Thanh xà trong truyện kể vậy.

    5. Lại có thuyết cho rằng Bạch Xà Truyện của Trung Hoa có liên quan đến thuyết sáng thế của Ấn Độ Giáo do hai con rắn lớn (Naga) khuấy động biển sửa bắt đầu. Các nước Đông Nam Á cũng có những câu truyện tương tự như Bạch Xà Truyện, như trong 《Chân Lạp Phong Thổ Ký 真臘風土記》của Châu Đạt Quan đời nhà Nguyên, kể lại truyện quốc vương Chân Lạp có xây một Thiên Cung 天宮. Đêm đêm nhà vua lên đó để giao hợp với một nữ nhân do rắn hóa thân thành. Trong thần thoại Hy Lạp cũng có một nữ yêu xà hóa thân là Lạp-Di-Á 拉彌亞 Lamia (Λάμια) muốn kết hôn với thanh niên Lợi-Tây-Ô-Tư 利西烏斯(Menippus Lycius)Trong ngày kết hôn có A-Ba-La-Nê-Ô-Tư 阿波羅尼烏斯 nhìn biết Lamia là do rắn hóa thân, cũng giống như Pháp Hải Hòa Thượng nhìn biết Bạch Tố Trinh là do Bạch xà hóa thân vậy.



     6. NỘI DUNG BẠCH XÀ TRUYỆN 白蛇傳 :

        Tiết Thanh Minh, bên bờ Tây Hồ cảnh sắc mùa xuân đẹp đẽ với hoa hương liễu rủ, trên Đoạn kiều với dập dìu tài tử giai nhân. Bỗng từ dưới Tây Hồ có hai cô gái đẹp như tiên nga hiện lên, thì ra đó là hai con xà tinh tu luyện lâu năm đã hóa thành hình người, nhân tiết xuân tươi đẹp muốn hòa vào cuộc sống của dân gian. Một nàng là bạch xà nên lấy tên là Bạch Tố Trinh 白素貞, còn một nàng là thanh xà lấy tên là Tiểu Thanh 小青.
    Đang hòa vào dòng người Đạp thanh du ngoạn, thì trời bỗng đổ mưa rào, hai nàng còn đang quýnh quáng tìm chỗ tránh mưa,thì bỗng phát hiện trên đầu mình đã có thêm một chiếc dù của ai đó đã vươn ra che chở. Quay đầu nhìn lại thì ra là một khuôn mặt thư sinh trắng trẻo đẹp trai đang gật đầu mỉm cười và tay đang vươn thẳng cây dù. Bạch Tố Trinh e thẹn nói lời cám ơn rồi hỏi :"Dám hỏi khách quan qúy tính cao danh ?". Chàng thư sinh bèn đáp :"Tiểu sinh họ Hứa 許 tên Tiên 仙, nhà ở bên cạnh Đoạn kiều nầy". Bạch Tố Trinh và Tiểu Thanh cũng đều tự mình giới thiệu tên họ của mình. Từ đó về sau, ba người thường hay gặp mặt nhau. Lâu dần Bạch Tố Trinh và Hứa Tiên 許仙 cảm mến nhau, yêu nhau và kết thành phu phụ, vợ chồng cùng mở một tiệm thuốc bắc Bảo Hòa Đường 保和堂 để độ nhật qua ngày. Cuộc sống vô cùng hạnh phúc.
     Vì Bạch Tố Trinh bắt mạch và cho thuốc rất giỏi, trị được rất nhiều bệnh nan y cho dân chúng, nên tiệm thuốc mỗi ngày một đông khách hơn lên, người bệnh tìm đến mỗi lúc một đông hơn. Mọi người đều gọi Bạch Tố Trinh là Bạch Nương Tử. Sự hưng thịnh và đi lên của nhà thuốc Bảo Hòa Đường đã làm phiền lòng đến một người, đó chính là Pháp Hải Hòa Thượng 法海和尚 của Kim Sơn Tự. Vì tất cả các con bệnh đều không lên chùa lạy Phật để xin trị bệnh nữa, mà đều kéo nhau đến cả Bảo Hòa Đường của Bạch Nương Tử. Vì là một cao tăng đắc đạo, một hôm Pháp Hải Hòa Thượng đích thân đến trước cửa Bảo Hòa Đường để quan sát, thì thấy yêu khí tứ bề, đứng xa nhìn về phía Bạch Tố Trinh thì phát hiện ra nàng ta không phải là người thường mà là một con bạch xà tinh.
     Pháp Hải Hòa Thượng bèn cho mời Hứa Tiên lên chùa nói cho chàng ta biết về nguồn gốc của vợ mình là một con rắn trắng. Hứa Tiên chẳng những không nghe mà còn mắng cho Pháp Hải một trận. Cuối cùng Pháp Hải đưa cho chàng ta một đạo bùa và một hủ rượu hùng hoàng (Hùng Hoàng là vị thuốc chuyên trị các loại rắn). Nhân dịp tiết Đoan Ngọ mùng năm tháng năm tiết trời oi bức, các nhà đều có lệ treo ngải ở trước cửa và rắc hùng hoàng chung quanh nhà để phòng ngừa rắn rết bò vào trong nhà tránh nóng, lại có tục lệ uống rượu hùng hoàng để giải nhiệt. Hứa Tiên thừa cơ muốn thử lời nói của Pháp Hải Hòa Thượng xem thực hư ra sao, bèn theo tục lệ ép Bạch Tố Trinh uống hết một ly rượu có vị hùng hoàng. Đêm đó Bạch hiện nguyên hình là một con rắn trắng khổng lồ làm cho Hứa Tiên sợ qúa chết... luôn. Vì có trên một ngàn năm tu luyện, nên sau khi rượu tan Bạch Tố Trinh trở lại hình người. Thấy chồng đã chết bèn cùng với Tiểu Thanh bay lên vườn hoa của bà Tây Vương Mẫu để trộm thuốc Linh Chi về cứu Hứa Tiên sống lại. Mặc dù biết vợ mình là xà tinh, nhưng lại là một xà tinh lương thiện cứu người và đầy tình nghĩa, hơn nữa lại đang mang thai; Hứa Tiên hối hận đã nghe theo lời của Pháp Hải, nên lại lên chùa định mắng cho ông ta một trận nữa về việc chia rẻ tình cảm vợ chồng người khác. Không ngờ lại bị Pháp Hải Hòa Thượg bắt nhốt vào sau hậu liêu.
     Bạch Tố Trinh đợi mãi chẳng thấy chồng về, bèn cùng với Tiểu Thanh lên chùa khẩn khoản xin hòa thượng trả Hứa Tiên về; Nhưng Pháp Hải chẳng những không chịu mà lại còn buộc Tố Trinh phải rời khỏi nhân gian. Đôi co qua lại, Bạch Tố Trinh nổi giận cùng với Tiểu Thanh dâng nước lên định dìm chết Pháp Hải; Nào ngờ bụng mang dạ chửa lại phải dùng sức nên sanh non; đuối sức, Bạch Tố Trinh bị Pháp Hải Hòa Thượng bắt thu vào bình bát, nhốt vào trong Lôi Phong Tháp. Tiểu Thanh trốn thoát về núi tu luyện thêm. Hứa Tiên nhận con, đặt tên là Hứa Sĩ Lâm 許士林.
      Mười tám năm sau, Hứa Sĩ Lâm thi đậu Trạng nguyên, vinh quy bái tổ về quê đến chùa giải oan cho mẹ. Cả nhà lại được đoàn tụ sống hạnh phúc bên nhau.  

      Câu truyện đại để là thế, nhưng trong hí kịch, hoạt họa, điện ảnh... còn thêm thắt các chi tiết cho câu truyện trở nên gây cấn và hấp dẫn hơn.

   



     Bấm vào link dười đây để nghe truyện Thanh Xà Bạch Xà có hình ảnh thuyết minh :




           Hẹn bài viết tới.
                                   杜紹德
                                 ĐỖ CHIÊU ĐỨC                                                                                                                                       

Không có nhận xét nào: