Ảnh tác giả Trần Hữu Ngư thăm mộ Trúc-Phương
(Ảnh, do nhà báo Lam-Điền chụp ở nghĩa trang Lái Thiêu năm 2019)
VIẾT THƯ TÌNH
Đó là tựa đề một nhạc phẩm của nhạc sĩ Trúc-Phương.
Ngày xưa, từ những năm 1950 đến năm 1970 (lấy con số tròn, cũng có thể trước hoặc sau đó vài ba năm) thư tình là một nét văn hóa lâu đời không những ở Việt-Nam và ngay cả thế giới, những bức thư tình của những người nổi tiếng, người ta sưu tầm, tập hợp lại để xuất bản thành cuốn sách để bạn đọc thưởng lãm.
Ngày nay, với những phương tiện khoa học tiến bộ, không còn ai viết tay thư tình nữa! Tình yêu, được hẹn hò qua máy tính, điện thoại… Gặp nhau cà phê, cà pháo, có cả… cà chớn, cà cháo, cà khịa, cà lăm! Tình yêu thời số hóa, có khi chỉ là cái nhìn đầu tiên, là tạo thành tiếng sét ái tình, rồi nên duyên chồng vợ! Và thời số hóa, có khi quẹt một cái là có… tình yêu?
Ngày xưa, dễ gì? O mèo trầy vi tróc vảy mới có được những mối tình thề non hẹn biển. Cho nên mới có câu “Nhứt đốn tre vì ve gái” và mai mối là những bức thư tình.
Bạn đã từng đốn tre chưa? Chặt được một cây tre là vô cùng khó khăn, còn ve gái thì đời trai ai cũng có, trừ khi bạn nhát gan, thụ động không dám o mèo mà chỉ nhờ mai mối.
Tôi bảo đảm rằng, ngày nay thanh niên nam nữ đến tuổi biết yêu, không biết viết thư tình? Thế hệ những nam thanh nữ tú vào những thập niên như đã nói ở trên có được mối tình là do “Những lá thư tình” viết trên giấy học trò hoặc giấy Pơ-luya mỏng. Suy nghĩ, nắn nót, thức trắng đêm để viết thư tình. Những lá thư viết rồi xé, xé rồi viết… nó bí mật hơn chuyện “an ninh quốc gia”. Thư gởi đi rồi (nhờ người đem thư, người này tuyệt đối trung thành) hồi hộp chờ hồi âm, thư đi tin lại, là niềm hạnh phúc vô biên!
Ngày xưa, bắt đầu đi học, thầy cô thường bắt chúng tôi “phải viết chữ đẹp”. Cho nên mỗi tuần có một tiết “tập viết”, tiết này quan trọng không kém các môn học khác. Cho nên học trò ngày ấy ai cũng viết chữ đẹp (Học trò phải viết ngòi viết lá tre, bắp chuối, chấm mực tím. Đến hết tiểu học, mới được dùng các loại viết khác).
Tôi đã từng viết thư tình. Nếu ngày nay còn những lá thư tình ngày ấy để đọc, chắc thấy nó vụng về dễ thương lắm, có đôi khi buồn cười nữa. Ngày xưa, ở một làng chài, tôi đã từng làm con én đưa thư tình. Tôi đem thư tình của một anh bà con làm ngư phủ đến cho một cô thôn nữ làm nông ở một ấp cách xa 4 cây số đường chim bay.
Có lần về quê gặp lại người anh thời chân đất, anh nói rằng: Nhờ em mang thư tình ngày ấy mà anh chị nên vợ chồng đến ngày hôm nay. Tôi thật sự cảm động và nhớ lại mỗi lần mang thư đến rồi chờ cả buổi “để nàng viết thư hồi đáp”, nhờ tôi mang về…
Trả công tôi là mấy củ khoai lang, cục kẹo, điếu thuốc… vậy mà tôi sung sướng!
Thư tình đã được đi vào thơ, nhạc. Ngày ấy có nhạc phẩm “Lá thư không gửi”, “Thư trên vùng cao”, “Lá thư”… và một nhạc phẩm nổi đình nổi đám như “Sao chưa thấy hồi âm” của Châu-Kỳ:
“Theo năm tháng hoài mong
Thư gửi đi mấy lần đợi hồi âm chưa thấy…”.
Và nhạc sĩ Trúc-Phương đã viết một bài hát, đi vào chính đề tài là “Viết thư tình”. Bài hát được “Việt-Nam nhạc tuyển” in ấn và phát hành tháng 4.1970 và được ca sĩ Trúc-Ly thu thanh vào dĩa hát Việt-Nam với ban nhạc Nghiêm-Phú-Phi, một ban nhạc được đánh giá là có chất lượng và tên tuổi lúc bấy giờ :
“… Theo dấu hài người về xa đi khi quê hương thù hận
Đêm trông mặt trời, từng mặt trời rọi sáng ven đô
Ngồi biên thư gởi anh chốn đó, lạnh đêm nay lạnh không phải lạnh vì gió
Thư đến từng nẻo người qua văn non đôi câu vụng về
Khi chưa được về đọc thư tình anh nhớ tôi nghe
Đường anh xuôi vì yêu đất sống
Đường tôi đi còn yêu khắc khoải không ngừng
Đời nhiều mơ nên vẫn mơ
Khoảng cách đâu xa tầm tay đợi chờ
Cho nên tôi trót đã một lần ta biết ta
Tuy muộn màng nhưng mặn nồng
Ta bước chậm vào đường yêu nên chỉ ưu tư thật nhiều
Đôi khi hỏi lòng; chuyện lâu đời yêu có vui không?
Mình cho nhau thời gian trắng đó
Buồn hay vui đời xui bất chợt đâu ngờ…”
Nhạc phẩm “Viết thư tình” được nhạc sĩ Trúc-Phương viết ở cung Đô Thứ, giai điệu Boléro, vốn là sở trường của anh. Nhạc phẩm này có ba nốt giáng (Bémol): Mí, Si, La.
Có một điều rất đặc biệt, trong hàng mấy chục nhạc sĩ miền Nam nói riêng và nhạc sĩ Việt-Nam nói chung, nhạc sĩ Trúc-Phương thường xử dụng nốt Bémol, anh không dùng Dière. Dù không tin, tôi cũng thường suy nghĩ về cuộc đời Trúc-Phương, có lẽ nốt Bémol là những nốt nhạc “khẩu khí” của cuộc đời anh chăng?
Nhân bài viết ngắn về “Viết thư tình”, tôi nói một chút về nhạc phẩm “Đường về Bình Tuy” của anh. Nhạc sĩ Trúc Phương tạm trú ở Bình, và anh không có hộ khẩu nơi mảnh đất giàu nắng và gió và cát biển. Anh yêu lắm Bình-Tuy, nên mới viết được một tuyệt phẩm này. Những năm tạm trú ở Bình-Tuy, anh đã viết không ít nhạc phẩm Boléro để lại cho đời.
-Anh Trúc-Phương ơi, Bình-Tuy đã mất tên rồi! Tôi xin phép anh đổi là “Đường về Hàm-Tân” nhé. Trong nhịp Mambo Boléro, hào khí ngất ngây của một thời, trái tim lãng mạn của người nghệ sĩ trao trọn cho Bình-Tuy:
“… Đây (Bình-Tuy)Hàm-Tân nước mặn về muôn hướng
Qua Hàm-Tân sóng dâng tình muôn phương
Dưới ánh nắng mai tiếng hát của dân chài
Nhịp nhàng êm ái
Yêu Hàm-Tân mấy mùa trăng vương vấn…
Lagi tay chài tay lưới
Có những mùa trăng sáng cát trắng đẹp bờ vai…”.
Trở lại “Viết thư tình”, đây là một nét đẹp văn hóa của một thời mà ánh sáng văn minh chưa tràn ngập, những bức thư tình đã kết hợp đến đầu bạc răng long.
Có phải, ngày xưa vì những bức thư tình mà tình yêu bễn vững keo sơn chăng?
Nếu tôi có quyền, tôi sẽ ra một đề thi tốt nghiệp phổ thông:
-Các em viết một bức thư tình.
Bảo đảm cắn viết và kết quả rụng như sung.
TRẦN-HỮU-NGƯ
(Saigon-Giadinh, một ngày nhớ Bình-Tuy)
Nguồn: Từ Facebook của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét