CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2024

CON TRÂU TRẮNG - TRẦN HŨU NGƯ






CON TRÂU… TRẮNG!
“… Em bé thơ ơi, trên mình trâu nắng
Em ước mong những gì?
Cô hái dâu ơi, bên dòng sông vắng
Cô có buồn người đi?...”
(Nắng lên xóm nghèo - Phạm-Thế-Mỹ)
Nhạc phẩm “Nắng lên xóm nghèo” của nhạc sĩ Phạm-Thế-Mỹ do Tinh-hoa miền Nam ấn-hành lần thứ I năm 1950. Giai-điệu Rumba, Gam Ré Trưởng rộn-ràng, vui tươi trong Préluder:
-“Nắng lên rồi, nắng lên rồi. Nắng lên rồi là anh em ơi!”
Khi nhạc phẩm này ra đời, được “quần-chúng lao-động” đón nhận như bài ca Thanh-bình trong chiến tranh của một mùa lúa mới. Đợi nắng lên để bắt đầu một ngày mới, nơi cái xóm nghèo mà bất cứ một người dân quê nào thời bấy giờ cũng gắn bó với ruộng rẫy nương khoai.
-Tôi hỏi, thưa anh:
Cái xóm nghèo ở đâu, để anh viết nên tác phẩm này?
-Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ:
Đất nước ta ở đâu cũng có xóm nghèo, và một ngày trên đường về quê từ Saigon ra Trung, anh thấy những làng quê nghèo giống như quê nghèo của anh, nên anh viết:
“… Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Hương lúa ngọt tình quê thêm trìu mến
Đôi bướm vàng nhởn nhơ khi quyến luyến
Và cô gái làng ngẩn ngơ mơ tình duyên…”
Ca từ và giai-điệu đẹp quá, hát để yêu xóm nghèo, hát để yêu quê-hương đồng lúa, hát để yêu thương con người:
“… Bên luống cày đời vui đang nở hoa
Ôi ! Áo màu nâu tươi sao đẹp quá…”.
Và Phạm-Thế-Mỹ như một chàng nghệ sĩ lãng-du:
“… Trên đường về quê hương
Nghe dạt dào tình thương
Cánh chim giang hồ vẫn trôi giữa trời
Bước chân lãng du ôi chỉ là mộng thôi…”
Phạm-Thế-Mỹ có rất nhiều nhạc phẩm hay, nhưng riêng tôi, tôi lại yêu “Nắng lên xóm nghèo”, có lẽ cái xóm nghèo trong nhạc Phạm-Thế-Mỹ rất giống và gần-gũi xóm nghèo quê tôi.
Mười mấy năm trước, tôi đi tìm anh, gặp nhau, thấy anh hiền và bình-dân như dân xóm nghèo quê tôi, nên tôi chơi thân với anh. Có lần anh bắt tôi ở lại dùng cơm trưa với anh - chị nhà - vợ anh là một cô giáo rất hiền. Đặc-biệt anh chỉ cho tôi uống… một lon bia thôi. Anh nói muốn sống lâu thì đừng… uống rượu, anh không uống rượu dù một giọt, vậy mà anh có sống lâu đâu? Anh Phạm-Thế-Mỹ ơi, biết vậy, ngày ấy anh “lỳ một lam” có chết cũng sướng cuộc đời, vì cuộc đời ngẫm lại đâu có gì khác ngoài “Một trà một rượu, một đàn bà?”
Ngày tháng trôi qua. Đùng một cái, anh lâm trọng bịnh. Tôi đến thăm anh mà ái ngại… tôi giục anh đi nhà thương, nhưng anh không chịu, hình như anh sợ… bệnh viện? Tôi cầu cứu Bác sĩ Đ.H.N, anh N. nói, ráng thuyết-phục ông đi đến bất cứ một bệnh viện nào… rồi mình tính tiếp, nhưng nói gì nói, vẫn trị bịnh… tại gia!
Lúc anh còn mạnh, có những buổi chiều xuống chậm… tôi với anh đi trên cầu Khánh-Hội, hai anh em nhìn nước, nhìn trời, nhìn cuộc đời vùn-vụt bay qua.
Ngày ấy, tôi nghèo quá, không sắm được máy chụp hình, cả điện thoại cũng không, nên tôi với anh chẳng có một bức ảnh nào để làm kỷ-niệm.
Lần đầu gặp anh để hỏi lý lịch “Nắng lên xóm nghèo”. Anh nói, tệ quá, có cô ca sĩ (xin lỗi tôi không nói tên) hát:
-“… Em bé thơ ơi, trên mình trâu…Trắng em ước mơ những gì?...” (thay vì trâu nắng).
Tôi nói, thưa anh:
-“ Trâu Trắng hay trâu Đen gì cũng được, miễn cày ruộng và xẻ thịt được. Và anh ơi, ngày nay có không ít ca sĩ tự sướng, tự cương, mà sửa chữ trong bài hát, làm cho không ít bài hát bị “đột quỵ”!
-Anh hỏi tôi, có con Trâu Trắng không?
Tôi nói, thưa anh:
-Có, trong một ngàn con trâu đen sẽ có một con trâu trắng (con trâu này màu trắng hồng) tôi đã từng thấy nó.
Anh cười:
-Vậy là cô ca sĩ này cũng thấy con trâu trắng như em? (Hai anh em cười rất to!).
Có lần, thấy trên bàn anh có cuốn Tự điển âm nhạc của Thái-Tú-Hạp xuất-bản tại Pháp năm 1953, tôi nói nhỏ:
-Cho em mượn được không?
-Anh nói, trước 1975, cũng cho mượn mà anh đã mất tới hai cuốn. bây giờ chỉ còn cuốn này. Đây là bửu-bối của anh, mất nữa thì lấy gì làm ăn? Tôi nói, trước 75 khác, sau 75 khác, và… “chỉ có những thằng… hơi bị… ngu mượn sách hay, mới đem trả!”.
Anh bằng lòng cho mượn, với điều kiện, đi Photo ngay liền, trả ngay liền, nếu mất thì để chiếc xe Honda… cà-tàng này lại! (Anh nói vui với tôi). Ôi, những người già hay giữ của (Giống như nhạc sĩ Châu Kỳ, có dịp tôi sẽ viết về chuyện này)
Hôm nay tra một chữ trong cuốn Tự điển Âm nhạc, tôi lại nhớ anh, nhớ con trâu trắng, nhớ con chim sâu nhỏ, nhớ cầu Khánh-Hội vẫn còn đó, nhưng… không có anh!
“…Ô kìa sao chim nở bỏ
Mình tôi bơ vơ bơ vơ
Ngoài kia mưa mưa đang rơi
Chim ơi sao lại cất cánh…
Sao giận hờn chi cuộc đời?
(Nhạc phẩm “Người tình và con chim sâu nhỏ” - Phạm-Thế-Mỹ).
Những ngày gặp nhau, anh nói với tôi, người ta hiểu lầm nhạc phẩm “Trăng tàn trên hè phố” của anh, anh buồn. Tôi nói với anh rằng, chuyện nhỏ, có những cái hiểu lầm còn to lớn hơn vậy mà nó vẫn ngang-nhiên đi vào lịch-sử!
Tôi nhớ anh, xin anh cho tôi sửa một chữ trong câu cuối bài hát “Người tình và con sâu nhỏ”:
-“Thôi giận hờn chi cuộc đời !”?
Anh Mỹ ơi, em nhớ anh quá!
Đốt mấy nén nhang cho anh.
Em cũng… “Thôi giận hờn chi cuộc đời!”

 

TRẦN HỮU NGƯ

 

Không có nhận xét nào: