CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

CÀ MAU LÀ XỨ QUÊ MÙA - PHAN NI TẤN

 





                                       CÀ MAU LÀ XỨ QUÊ MÙA


      Cách đây 53 năm, tôi tới Cà Mau một lần. Thuở đó, muỗi Cà Mau không còn… to như con gà mái, cọp cũng không còn… "tùa" (to) như trâu, nhưng câu ca dao thì mãi mãi còn:

Cà Mau là xứ quê mùa

Muỗi to như con gà mái, cọp tùa bằng trâu

Hồi tôi ở tuổi "khai thông trí hóa" thỉnh thoảng nghe mấy bà mẹ ru con: "Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội lềnh như bánh canh" tôi lấy làm lạ tai. Tìm hiểu mới biết tích xưa "Gia Long tẩu quốc" kể rằng trong đoàn tùy tùng cùng Nguyễn Ánh bôn tẩu tới xứ Cà Mau có công chúa Ngọc Hạnh. Vốn thiên kim tiểu thơ tay yếu chân mềm, không quen mưa nắng trở trời nên công chúa lâm bệnh, qua đời. Nguyễn Ánh vô cùng thương tiếc, khi chôn cất Ngọc Hạnh, ông cho xây thêm ngôi đền cạnh mộ. Từ đó địa danh Cạnh Đền và câu ca dao được lưu truyền tới ngày nay:

Xứ đâu như xứ Cạnh Đền 

Muỗi kêu như sáo thổi. Đỉa lội lềnh như bánh canh

Quê núi của tôi cũng có muỗi kêu, đỉa lội nhưng không nhiều như câu ca dao lưu danh thiên cổ của xứ Cà Mau, vùng đất cuối cùng của người Việt trên bước đường khẩn hoang miền Nam. 

Mãi về sau này câu ca dao "muỗi và đỉa", xứ của anh bạn học họ Cổ, người Minh Hương, đã đưa tôi xuống tận mũi Cà Mau để nghe muỗi kêu và dòm đỉa lội. Đứng trên cầu Chà Là, huyện Cái Nước nhìn xuống sông Bảy Háp đục màu phù sa mà nhớ người xưa từng đi đánh tôm cá trên con sông này. 

Có đi một ngày đàng mới biết danh xưng mỗi nơi một khác. Cao nguyên miền Thượng quê tôi có những tên gọi dựa vào địa thế nghe rất "Thượng", như núi Chư Jang Lak, đồi Chư Pao, sông Srepôk, thác Dray H'ling, buôn Ea Nhái, suối Mu-ri, suối Bà Sành… khác biệt với danh xưng bình dị của miền đồng bằng sông Cửu Long, như kinh xáng Đội Cường, kinh Bà Lò Xén, rạch Bù Mắt, rạch Đường Kéo, xóm Xẻo Su, ấp Giồng Nổi, sông Cái Vồn, sông Bảy Háp…

Được biết sông Bảy Háp, con sông mang tên mộc mạc, dài chừng 50 km, bắt nguồn từ đầu kênh xáng Đội Cường, là dòng huyết mạch chảy qua các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn. Hồi xưa tới giờ, tôi mắc cái tật nghe thấy cái gì lạ là thắc mắc. Chuyện huyền thoại về sông Bảy Háp chẳng hạn, sao gọi là Bảy Háp? Hỏi một bô lão ở Cái Nước mới biết Háp là giỏ cần-xé. 

Thì ra ở đầu thế kỷ trước, có một gia đình lão ngư dân chuyên nghề chài lưới. Thời đó, với phương tiện đánh bắt tôm cá thô sơ ông chỉ có hai miệng đáy đóng ở vàm Giá Ngựa (huyện Đầm Dơi ngày nay). Có lần hai miệng đáy của ông trúng đậm, phơi làm tôm khô được “7 háp”, một kỷ lục chưa từng có. Sông Bảy Háp có xuất xứ tên gọi từ giai thoại trên.

Giã từ Cái Nước tôi xuống ghe lênh đênh trên dòng Bảy Háp nước chảy nhẹ xuôi về sông Gành Hào rẽ qua hướng trái vô trung tâm thị xã Cà Mau. Đứng trên Cầu Quay do người Pháp xây năm 1940, (nay là cầu Phạm Ngọc Hiển) nhìn xuống kinh Phụng Hiệp gió thổi hiu hiu làm lòng tôi bồi hồi. Kinh Phụng Hiệp khởi nguồn từ Ngã Bảy Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tới Cà Mau là cuối nguồn.

Mùa hè 1969 tôi đặt chân đến Cà Mau rồi "một đi không trở lại". Tôi đi mà lòng mang theo tiếng con muỗi kêu, hình con đỉa lội. Tôi cũng không quên hương vị rượu trái giác, đặc sản của Rạch Gốc, Cà Mau và con tôm càng nướng đưa cay.

Nhân đọc tập thơ Ngó Trời Hiu Quạnh của nhà thơ Phạm Hồng Ân gởi tặng, tôi được biết tác giả sanh trưởng ở Cà Mau. 

Năm 1970, Phạm Hồng Ân đi lính. Năm 1971, tốt nghiệp Sĩ Quan Hải Quân (United States Naval Officer Candidate School) tại Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ. Tháng 4/1975 mất nước, tác giả đi tù. Năm 1993 vượt biên đến Mỹ. Theo học và tốt nghiệp Electronics Technician tại San Diego Centers for Education &Technology. Hiện sống cùng gia đình ở Edcondido, California, Hoa Kỳ.

Tập thơ Ngó Trời Hiu Quạnh của Phạm Hồng Ân thật phong phú, đa dạng; bàng bạc những bài thơ trữ tình, lãng mạn, những bài thơ đời lính, những bài về non nước, về thế thái nhân tình. 

Thơ Phạm Hồng Ân, ngoài những địa danh mang tên Sài Gòn, Phú Nhuận, Dĩ An, Thủ Đức, Xuyên Mộc, Cam Ranh, Phan Thiết, San Diego, Seattle, Cali… còn có những bài thơ toát ra sự hiền hòa, dung dị, phản ảnh tâm cảnh người dân và sông nước quê Nam với hình ảnh bến chợ, xuồng câu, bờ dâu, nương lúa…  khiến tôi chú mục nhiều hơn.

Và tôi lắng nghe. Tôi đọc để nghe thấy những tựa đề trong thơ Phạm Hồng Ân chứa đầy tiếng động: Lao Xao Phú Ninh, Xào Xạc Sóc Trăng, Thấp Thỏm Cần Thơ, Thút Thít Cà Mau, Réo Rắt Phú Nhuận, Thổn Thức Dĩ An, Róc Rách Phan Thiết. Ta thử lắng nghe tiếng thút thít của mưa đêm: 

thút thít Cà Mau, mưa rớt suốt đêm

rớt tim tôi một giọt mưa Rạch Rập

cái giọt mưa cứ ấm hoài chỗ thấp

mà nỗi buồn thì mãi vượt lên cao…

(Thút Thít Cà Mau, tr. 48)

bên kia Cái Lớn

là rừng U Minh

dòng sông uốn lượn

từng nhánh sông tình

đêm rơi ngợp đất

muỗi kêu rền trời

sầu em bay chật

một khoảng đời tôi.

(Khắc Khoải Năm Căn tr. 58)

Và tiếng động của Trăng Phú Đức, một xã của huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre: 

tôi về đứng giữa Cồn Dơi

hú con đò dọc vừa bơi ngược dòng

màu trăng bạc phếch nước ròng

mái chèo khua sóng đau lòng dạ tôi

(tr.95)

Nhà thơ Phạm Hồng Ân, qua tác phẩm thơ, đã đưa tôi về xa xưa xứ muỗi nhiều hơn cỏ. Mà về Cà Mau thuở ấy để làm gì? Về để tuổi trẻ tôi tìm lại sức sống tiềm tàng của vùng đất khẩn hoang, với sông ngòi, kinh rạch, với những những cánh rừng tràm xanh ngắt gắn liền với cuộc sống hoang dã của những người xưa với chí hướng quyết liệt "trên phá sơn lâm, dưới đâm hà bá" đã có công khai phá mảnh đất miền Nam được trù phú cho tới tận ngày nay. Tôi cũng không quên, nhờ "ngó trời hiu quạnh" tôi như thấy lại con sông Bảy Háp năm nào mình đã đi qua.

Xin kết thúc chuyện vãn ở đây bằng câu thơ tôi tặng tác giả Ngó Trời Hiu Quạnh:

Vì không dỗ được mùa cây

Phiến lá ai oán bỏ bầy rơi êm 

Xuân rơi lác đác bên thềm 

Ngó trời hiu quạnh tiếng đêm không lời.


PHAN NI TẤN


Không có nhận xét nào: